headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 25/04/2024 - Ngày 17 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TỰ TU TỰ AN ỔN

 Tinh thần tu hành chủ yếu trong đạo Phật là Tự Tu Tự An Ổn. Vì vậy nếu tự mình không an thì không ai có thể đem đến sự an lạc cho mình. Tự chủ, tự tỉnh, tự quyết định công việc của mình. Đó là tư cách của một người con Phật. Nếu chúng ta không tự tỉnh, tự yên thì sự đối diện, tiếp cận, quan hệ hằng ngày sẽ là những chướng ngại cho mình. Người tu để mất thì giờ, để ồn cả đời, đó là một khuyết điểm lớn. Cho nên chúng ta phải tự chỉnh lại chỗ này. Chỉnh được rồi nhất định mình tu tiến, không sợ, không đổ thừa cái gì cả. Trước khi nói đến tinh thần tự tu tự tỉnh, tôi dẫn lời đối đáp của các vị Thiền sư.

Một hôm Thiền sư Huệ Tịch hỏi thầy mình là Thiền sư Linh Hựu:
- Trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến phải làm sao?
Thiền sư Linh Hựu trả lời:
- Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn. Các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó. Chẳng can hệ đến việc của ta.

Câu hỏi này có thể xem là một câu đại diện cho những thắc mắc chung của chúng ta. Trong cuộc sống hiện nay, những quan hệ tương giao, trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến, chúng ta phải làm sao? Thiền sư đáp: Xanh chẳng phải là vàng. Nếu chúng ta lầm xanh là vàng, tức mình mất tự chủ. Đạo lý thiền giản dị như vậy. Nó không là cái gì để chúng ta suy luận cả. Màu xanh là màu xanh, màu vàng là màu vàng, cứ thấy một cách trung thực như thế là tốt.

Đừng nên thay đổi vị trí của các pháp, cũng không nên xen dự vào các pháp. Tại sao sống đơn giản như vậy mà chúng ta lại không sống được? Mỗi pháp tự ở trong địa vị của nó, chúng ta cũng ở trong địa vị của mình, không can hệ gì đến nhau. Thật bình an, thật giản dị.

Nếu chúng ta tỉnh táo, sống an ổn trong địa vị của mình, mặc cho các pháp bên ngoài lăng xăng bao nhiêu, ồn ào đến đâu cũng là việc bên ngoài, không can hệ gì đến ta. Nói thì dễ nhưng khi sống lại thấy khó. Bởi vì chúng ta luôn luôn bị đọâng, bị kéo lôi, vướng mắc cho nên vừa có pháp trần nào dấy lên thì liền dính, liền chạy theo. Chạy theo nên vướng mắc, bởi vướng mắc nên khổ. Cứ thế mà tạo nghiêïp loay quay lẩn quẩn trong vòng luân hồi, đời này kiếp nọ không có lối thoát.

Ở đây các Thiền sư dạy pháp trần là pháp trần, cảnh duyên là cảnh duyên, những hiện tượng bên ngoài đó không can hệ gì đến tâm của chúng ta. Nên tôi nói tự tu thì tự an là vậy. Làm sao chúng ta đừng lầm lẫn, đừng bị động, đừng vướng mắc pháp trần. Hòa thượng thường mượn hình ảnh chăn trâu để đưa ra phương pháp giữ tâm thanh tịnh, giúp hành giả tu không bị động trước mọi cảnh duyên bên ngoài. Người chăn trâu phải nắm dây dàm, cầm roi giữ, nếu trâu không chịu đi theo hướng của mình thì quất nó. Đó là cách tu giản dị nhất trong nhà Thiền thường nêu lên. Nếu muốn chăn được con trâu hoang của mình, luôn luôn tay phải nắm dây dàm, nắm roi. Có thế trên đường dù có cỏ non nước trong, ta cũng không sợ con trâu phóng đi, dùng roi và dây dàm điều phục nó theo hướng của mình.

Việc tu hành tự an tự ổn tâm mình cũng vậy. Chúng ta không đổ thừa cho hoàn cảnh, ở đâu cũng tu được nếu mình biết điều phục tâm. Có một Thiền sư làm bài kệ chăn trâu thế này:

            Tôi có một con trâu,
            Sanh ra chỉ tự chăn.
            Dây roi trong tay sẵn,
            Mới khỏi chạy lăng xăng.

Đó! Cách chăn trâu là phải có dây và roi, luôn luôn sẵn sàng. Như vậy trâu mới sợ, không dám chạy lăng xăng. Tổ không dạy chúng ta phải đọc bao nhiêu sách, có bằng cấp gì mới tu được. Các Ngài chỉ bắt ta chăn trâu, dạy cách chăn trâu. Giản dị như thế, ai làm cũng được.

            Bờ suối cỏ xuân tươi,
            Dưới ao nước xuân biếc,
            Tùy nghi vừa no đủ,
            Ứng dụng nào có việc.

Hình ảnh mục đồng thả trâu bên bờ suối ăn cỏ hoặc uống nước dưới ao, tùy nghi vừa no đủ, ứng dụng không việc gì khác. Đoạn này áp dụng vào đời sống của chúng ta. Làm sao tùy nghi sử dụng theo phước duyên của mình, đừng tơ tưởng vượt hơn phạm vi ấy. Như sáng nay mình đi chùa, nghe pháp thì chỉ biết đi chùa nghe pháp, chừng ấy việc thôi, đừng thêm gì nữa. Đó là người biết chăn trâu.

Nói thế nhưng thực hành không phải dễ. Nếu chúng ta làm chủ được thì không có gì khó khăn, nhưng ngặt nỗi ta không làm chủ được. Vì sao? Vì ngồi đây mà tâm để ở nhà, nhớ việc này việc nọ chưa làm xong, bồn chồn không yên nên chẳng nghe được pháp. Có những chuyện năm ba năm nữa mới tới mà bây giờ chúng ta lại cứ nghĩ, cứ vẽ ra. Thật ra nghĩ như vậy đâu có đúng. Bởi thời gian đổi thay, sự vật có gì tồn tại hoài đâu? Mình định trước làm sao đúng được. Sống như vậy nên lúc nào ta cũng không an ổn.

Trong cuộc sống này, thật ra ai không suy tư, không nghĩ tưởng, không toan tính. Nhưng phải biết hạn chế sự nghĩ tưởng ấy trong một phạm vi có thể thực thi, chớ đừng quá viển vông, mà trở thành ảo tưởng. Chúng ta là Phật tử, sắp đặt như thế nào vừa phải, trong điều kiện dây roi có thể quất tới thì mới không thất bại. Con mắt thấy rõ bờ cỏ, khe suối, trâu vừa liếc ngó liền dùng roi quất cho nó quay trở lại đúng đường. Sự tu hành hằng ngày phải như vậy.

Tất cả những việc ngồi thiền, tụng kinh đều là phương tiện để chúng ta chăn trâu. Tâm ta còn không yên, mắc cái này vướng cái kia thì không đảm bảo cho việc tu hành của mình. Người xưa áp dụng cách tu cũng như chúng ta, nhưng nhờ miên mật, liên tục nên các Ngài thành công. Chúng ta bây giờ dễ phóng túng, buông lung tức là chăn trâu không kỹ nên dễ bị cuộc sống kéo lôi. Thiền sư dạy tùy nghi vừa no đủ, tùy nghi tu tập, tùy nghi làm tất cả các công việc, nhưng nhớ tâm luôn chánh niệm.

Chúng ta đừng nghĩ rằng ăn chay mới tu được, ăn mặn không tu được. Ở đây chỉ căn cứ nơi tâm, ổn định tâm mình là tu.
            Như thế ba mươi năm
            Nó trông lúa mạ người
            Dạy nó chẳng liếc ngó
            Đây cuộc sống xinh tươi.

Cứ như thế mà sống, như thế mà chăn trâu, đừng tính kể thời gian, dần dần con trâu của chúng ta sẽ được thuần hóa. Nghĩa là các vọng tưởng lăng xăng lặng hết, chúng ta tự ổn định, bấy giờ cuộc sống rất lạc quan, xinh tươi. Khi tâm an ổn, sự tu hành sẽ được đắc lực hơn.

            Sắc lông đà biến đổi,
            Đầu sừng cũng tự thành.
            Ý người đà chẳng trái,
            Không dẫm đạp mạ xanh.

Khi trâu đã thuần rồi, tức tâm không còn bị bức xúc nữa, dù mỗi ngày ta có đối đầu với biết bao công việc. Như quét sân, nấu cơm, tiếp khách, dạy học, nghiên cứu… nhưng việc nào ra việc nấy, không có gì chống trái nhau. Không phải quét nhà mà nghĩ tới ăn cơm, ăn cơm lại nghĩ đến đi chợ. Trong mọi sinh hoạt bình thường, chúng ta gìn giữ thân tâm cho ổn định, đừng lẫn lộn làm mất thăng bằng trong cuộc sống.

Ngay đây nếu ta chưa ổn định, chưa sắp đặt được cho mình vững chãi thì đừng mong có ngày mai an vui tự tại. Niết-bàn trong nhà Phật nói là Niết-bàn ngay hiện tại, trong khi tiếp duyên xúc cảnh, làm bất cứ việc gì cũng an vui, thoải mái, không mắc mứu gì cả. Đó là người vô sự, có sức mạnh vô địch.

            Ba năm việc nông nghỉ,
            Một bờ liễu xinh xinh.
            Người trâu cả hai bặt,
            Mây trời gợn lung linh.

Chăn được con trâu của mình là làm chủ được chính mình. Trong mọi tương giao, lúc nào ta cũng tươi tỉnh bình thản, không có vấn đề gì. Đó là người an lạc nhất. Đó là tinh thần chăn trâu mà người xưa đã áp dụng, dạy lại cho chúng ta. Cho nên bước vào cửa thiền, các Thiền sư dạy chúng ta phải buông để tâm được yên. Tâm yên là tự an tự ổn.

Ở đây nói tùy nghi làm việc, tùy nghi tiếp xúc, tùy nghi ăn cơm, tùy nghi mặc áo, tùy nghi đi đứng, tùy nghi làm tất cả công việc, nhưng với một điều kiện vàng là vàng, xanh là xanh, dài là dài, ngắn là ngắn thì các pháp bên ngoài mới không làm gì được ta. Còn nếu có sự lẫn lộn thì chúng ta chưa ổn.

Chúng ta không luận là hàng xuất gia hay tại gia, là Phật tử đi chùa lâu học đạo nhiều hay ít, mỗi ngày tự kiểm xem qua tất cả sinh hoạt, mình ổn chưa, có làm chủ được không hay cứ thấy lăng xăng dính cái này vướng cái kia. Nếu còn yếu mặt nào thì phải tự khắc phục, tự lo, tự chăn con trâu của mình. Vì ta chưa chăn được con trâu của mình nên nó mới lăng xăng như vậy. Chứ nếu dây dàm nắm được, cái roi cầm sẵn, trâu vừa ngó qua ngó lại là ăn đòn thì nó đâu dám hung hăng. Đây là cách tu hành giản dị nhất, tất cả chúng ta đều có thể làm được.

Người xưa dạy: “Đối với tất cả cảnh, tâm không yêu không loạn, không thu nhiếp, không phân tán, thấu tất cả thanh sắc không bị dính ngại, gọi là đạo nhân”. Người tu trước nhất đối với tất cả cảnh, tâm không yêu không loạn. Yêu nói đủ là yêu thích, nghĩa là không bị cái yêu thích làm ồn hoặc quấy động, cũng không bị tán loạn bởi những cái lăng xăng của các cảnh. Không thu nhiếp cũng không phân tán, tâm bình tĩnh sáng suốt vững vàng, không bị động bởi tất cả cảnh duyên.

Thấu tất cả thanh sắc không bị dính ngại, là thấy suốt tận nguồn gốc của tất cả các pháp. Hòa thượng dạy thấy đến mé thật của tất cả các pháp là thấy được tánh không, người đó sẽ tự tại giải thoát. Chúng ta quán chiếu soi rọi để cuối cùng thấy cho được thực chất của tất cả các pháp là hư giả. Lâu nay chúng ta thấy xanh vàng đẹp xấu… là thấy bên ngoài, thấy trên hình thức thôi. Còn mé thực của các pháp là không thật, có gì tồn tại mãi đâu, cho đến thân mạng mình yêu thích nhất cũng không bảo đảm được.

Đạo nhân là nói tư cách, cuộc sống, sinh hoạt, tinh thần của người tu. Ở đây nói tâm không khởi yêu ghét, không để bị loạn bị động bởi tất cả cảnh duyên bên ngoài, và thấy được mé thực của tất cả các pháp, đó là đạo nhân. Vì vậy nói về Giới học trong đạo Phật, Giới có nghĩa là Biệt giải thoát. Biệt giải thoát là gì? Là khi ta giữ được một giới nào, thì giải thoát được phần ấy. Ví dụ như giới không sân chẳng hạn. Nếu người hay nóng nảy, bây giờ quan tâm giữ giới, vừa nghe trong bụng phừng phừng muốn phát hỏa liền hạ xuống, tự răn “mát lạnh” đi, hỷ xả hết tức là ngay đó được giải thoát. Nhờ thế không tạo nghiệp sân hận, nên thoát được một phần quả báo xấu. Chúng ta phải khéo tự hóa giải ngay trong lúc tâm vừa máy động, thì sẽ tự an tự ổn.

Có vị nói: “Tôi tu theo pháp Đại thừa”, nhưng không biết Đại thừa tu thế nào? Theo tinh thần thiền, người đối với thiện ác phải quấy không dùng, không mến, cũng không lấy không bỏ, tâm bất động. Đó là Đại thừa. Bây giờ chúng ta nghiệm lại xem tâm mình đã bất động chưa? Nếu chưa thì đừng nói tôi tu pháp Đại thừa. Tâm của chúng ta luôn luôân dấy động, muốn nó bất động không phải là chuyện dễ. Cần phải hạ thủ công phu nhiều năm tinh cần, không thối chuyển mới có chút hy vọng. Người xưa khi liễu đạt Phật pháp, còn phải vào sâu trong núi rừng hoặc ở trong tùng lâm hai ba mươi năm trưởng dưỡng thánh thai, mới thành một khối. Chúng ta chớ nói suông mà có tội đại vọng ngữ.

Ở đây chỉ yêu cầu là phải tỉnh, phải thường biết. Một điều đó thôi, làm cho được cũng đủ để an ổn rồi. Ví dụ mình chưa tỉnh táo thì cố gắng làm sao cho tỉnh táo. Tất cả các pháp không can hệ đến mình thì mình cũng đừng đụng đến nó, ai ở phận vị nấy. Yêu cầu khẩn thiết nữa là chúng ta đừng lầm lẫn cái này ra cái kia, tức là đừng để vọng tưởng chi phối điều khiển, khiến cho mê loạn đối với các pháp.

Có khi nào cái ghế nó tự đứng lên nói “Ông không được ngồi trên cái ghế này” không? Không hề có. Ta ngồi một người, nó cũng im; mà chất lên năm bảy người, nó cũng không nói gì hết. Nhẫn đến sập đổ, gãy cẳng gãy chân nó cũng không lên tiếng. Các pháp là như vậy. Nhưng con người cứ gán cho nó thế này thế kia rồi tự sanh phiền não. Thật vô lý quá chừng!

Thật ra đối với nhà thiền không nói gì cả. Chúng ta tự khắc phục điên đảo vọng động của mình, khi nào chúng lặng hết thì cũng không có gì để nói, để tu. Bởi các pháp vốn Như sẵn rồi, do ta động nên mới có tạo tác và chấm dứt tạo tác. Chúng ta thấy như trong nhà này biết bao nhiêu pháp: Nào là cây gỗ, quạt trần, máy móc, tranh ảnh, bàn ghế… nhưng từ lúc mới hình thành cho tới bây giờ, tôi không hề nghe cái quạt máy nó cự với tấm vách, hoặc là cái bàn gây với cái nhà. Không hề có. Nếu có là huynh đệ chúng ta gây với nhau thôi. Người không đồng ý sao cái cửa nhỏ quá, người bảo cái nhà dài sọc, người nói đáng lẽ sơn màu xanh lại sơn màu vàng… Hai ba người lý luận một hồi từ nhỏ tiếng tới lớn tiếng, rồi gây gổ nhau… Quả thực chỉ tự mình!

Song những lý luận đó từ vọng tưởng mà ra. Đã là vọng tưởng thì nó có thật đâu, thế mà người ta vẫn cứ cãi, không biết mình đang bị động bởi các pháp. Ví dụ như cái bàn này của chùa thì thôi, nhưng nó là “của tôi” thì đừng ai đụng tới. Một khi cái tôi dính trong này rồi thì hư cái bàn, bởi vì nó là “của tôi”, chứ không phải là cái bàn. Như thế là mình bị động. Sở dĩ bị động là vì ta chưa an, chưa tỉnh, chưa thấy được mé thực của tất cả các pháp.

Nên yêu cầu cấp thiết của người tu chúng ta bây giờ là làm sao thấy được mé thực của các pháp, để đừng bị động. Pháp nào pháp nấy, nó là như vậy. Hãy để cho cái đồng hồ chạy một cách thoải mái, tiếng tích tắc của nó là những nhỏ giọt thời gian báo động sự đổi thay vô thường. Nó làm được chức năng của nó một cách trọn vẹn là nhờ sự tỉnh táo của mình, đừng can dự chi cả. Được thế chúng ta sẽ có Niết-bàn ngay khi đối diện với cái đồng hồ. Ngược lại, nếu ta can dự vào sinh hoạt, hình dáng của nó thì mọi thứ đều đảo lộn, như vậy tu chừng nào mới giải thoát? Đó, việc tu khó hay dễ, lâu hay mau đều do chúng ta cả.

“Phải quấy, tốt xấu, đúng lý phi lý, các tình cảm thấy biết không thể trói buộc, nơi nơi đều được tự tại, gọi là Bồ-tát phát tâm tu hành thành Phật”. Tinh thần tu hành của Bồ-tát là phải thành Phật mới thôi. Thật ra đỉnh cao nhất của chúng ta nhắm là tu hành để thành Phật, chứ không có gì khác. Mà Phật là gì? Là giác ngộ. Như vậy không cần đợi đến có Phật ra đời ta mới giác ngộ mà ngay đây mình không mê lầm nữa tức là giác ngộ thành Phật.

Nếu ở ngay chợ mà mình giác ngộ thì ta là Phật ngồi giữa chợ, giáo hóa chúng sanh trong chợ. Nếu đang ở nhà, quản lý sự nghiệp cơ sở mà giác ngộ thì ta là Phật trong gia đình, giáo hóa những người thân trong nhà. Ở mặt này nếu hiểu và chịu tu, chúng ta là những sứ giả của Như Lai, làm lợi lạc cho Phật pháp nhiều lắm. Bản thân chúng ta hưởng được giá trị thiết thực đối với lời dạy của Phật, mà còn mở rộng phong trào tu học cho mọi người tu theo để cùng nhau giải thoát. Như thế đâu nhất thiết trong chùa mới có Phật.

Tôi nói lại “Giác là Phạât”. Chúng ta tu là để giác ngộ thành Phật. Lúc nào ta giác ngộ thì lúc đó ta là Phật. Người đang ngồi thiền mà giác ngộ thì ngay đó có một vị Phật đang ngồi thiền. Đang nấu cơm mà giác ngộ thì có Phật đang nấu cơm. Cho nên lúc nào ta cũng có thể làm Phật, ở đâu cũng có Phật. Người tu thiền phải nhanh, phải tinh nhuệ như vậy mới được. Hiểu thế chúng ta sẽ phấn khởi hơn trong việc tu hành.

Chủ trương của đạo Phật từ xưa đến nay luôn đem tinh thần từ bi trí tuệ phổ cập trong cuộc đời. Làm sao để mọi người cùng được giác ngộ giải thoát, an vui, chớ không chỉ riêng mình. Muốn thế trước tiên ta phải tỉnh giác, luôn sống thực với tính giác của mình. Không thể đem tâm lăng xăng mà khuyên người sống định tĩnh được. Ta phải tự tu tự an trước, sau mới giáo hóa người. Việc làm chủ mình phải được thể hiện trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, mọi thời gian.

Vô thường không cho hẹn, chúng ta phải tu ngay bây giờ. Dù cho người có quyền lực hay tài ba tới đâu cũng không bảo đảm được mạng sống của mình. Chính chúng tôi cũng thế, thở khì một cái không hít trở lại là đi luôn. Tài sản, quyền lực, quyến thuộc… tất cả đều bỏ lại, chỉ có nghiệp là mang theo thôi. Thế thì tại sao ta không nhìn thủng điều đó để tự tỉnh, tự yên ổn, mình đã làm mất đi thời gian cả một đời rồi, bây giờ còn hẹn tới bao lâu nữa mới chịu tu. Hòa thượng thường nhắc: “Mình phải biết thương mình”, chính là báo trước cho chúng ta biết đường trước mờ mịt, ngay bây giờ nếu không chịu chuẩn bị, khi vô thường đến thì không kịp nữa rồi.

Chúng ta phải hiểu các pháp vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, chẳng tự nói nhơ sạch phải quấy v.v… cho nên nó không có ý trói buộc ta. Trói buộc là tự mình khởi niệm trói buộc các pháp thôi. Tôi nhớ có lần  chúng tôi làm rẫy, một vị Phật tử thấy quý Thầy dùng cây cuốc làm bằng loại sắt mỏng, cuốc rất mau hư. Vị đó thương mới làm cả chục cây cuốc bằng lưỡi máy cày chế biến lại, xách tới một xâu. Đó là một loại thép ngoại quốc, tốt lắm. Nhưng chúng tôi đâu phải người làm nông chuyên môn, người ta cho đồ tốt mà không biết, làm xong thảy đại ngoài hiên thật lâu. Một hôm vị Phật tử đó trở lại, thấy mấy cây cuốc cũ, ông hỏi:

- Ủa! Con gởi cho quí Thầy mấy cây cuốc tốt lắm, sao quí Thầy không xài?
- Cuốc làm sao đâu?
- Con đã làm từ dĩa của máy cày, tốt lắm. Quí Thầy có dùng nó không?
- Sao tôi quên rồi.

Nói chuyện một hồi, vị Phật tử ấy theo quí Thầy vào nhà dùng cơm trưa. Ăn cơm xong, anh đi vòng vòng ra ngoài hiên phía sau, thấy một đống cuốc nằm đó, anh nói: “Trời ơi! Thật là quí Thầy… Cho cuốc tốt như vậy mà bỏ đây”. Rồi anh xách vô, tra những cán cuốc cũ lại. Vừa tra anh vừa nói: “Thầy biết không, cái cuốc này ở ngoài nó bán mấy chục ngàn một cây lận, quí Thầy bỏ cả chục cây ở đây, ve chai nó gặp là xách đi hết rồi”.

Chừng đó mấy Thầy mới biết, khi bắt đầu sử dụng càng thấy được giá trị của nó. Bấy giờ chia nhau mà cất. Mỗi người cất một cây, thành ra cây cuốc của mình. Hồi xưa bỏ ngoài sọt không ai thèm ngó tới thì không sao, bây giờ cũng cây cuốc ấy nhưng đã cất riêng thành của mình, ai đụng tới là không được. Quả thực là tự mình, cây cuốc từ thủy chí chung có nói gì đâu. Bỏ nó ngoài hè cũng được, mà nâng niu dấu dưới gầm giường cũng không sao. Nhưng quí thầy giữ gìn kỹ lưỡng cách mấy tới bây giờ cũng đâu thấy cây nào. Nó ở đâu? Mất hết. Thời gian qua mài giũa, thay chủ, đổi người, làm bỏ tới bỏ lui đến bây giờ kiếm không ra một mảnh nào của cây cuốc đó.

Thân này còn không giữ được, nói gì cây cuốc. Người trước như vậy, người sau như vậy, tới lượt mình cũng như vậy. Xét thế rồi, ta trói buộc chấp giữ làm chi. Cho nên người tu hành phải tỉnh, làm chủ lấy mình để tự an tự ổn. Con trâu của mình đã được nắm dây dàm, tay ta cầm roi, dẫn nó đi theo lối của mình, chắc chắn nó sẽ không phá lúa mạ của người, không gây tổn thương cho ai.

Tổ Quy Sơn dạy: “Nôïi ngoại chư pháp tận tri bất thật. Tùng tâm biến khởi, tất thị giả danh. Bất dụng tương tâm tấu bạc”. Nghĩa là trong ngoài các pháp đều biết chẳng thật. Từ tâm biến khởi thảy đều là giả danh. Chẳng đem tâm của mình mà toan tính suy xét. Tinh thần của người tu đối với các pháp là như vậy. Chúng ta sống tỉnh táo sáng suốt như thế thì tự an tự ổn, các pháp bên ngoài là giả làm gì được ta? Nó đã không thật thì tại sao ta lại bị mắc mứu, bị kéo lôi lăng xăng cả đời đối với nó? Nên người biết thương mình là không để lầm lẫn theo các pháp và khổ vì nó một cách mê muội.

 Tôi không dám khuyên Phật tử phải xuất gia, bỏ hết tài sản vào chùa tu, nhưng chỉ đề nghị quí vị thứ nhất là phải tỉnh. Thứ hai là đối với tất cả cảnh duyên phải làm chủ được và biết rõ nó không thật. Đã không thật thì ta đừng đem tâm vọng tưởng chạy theo để vướng mắc làm gì. Đó là chúng ta sống được với Ông chủ của mình, tự an tự ổn.
Chúc quý vị thành công như vậy.

[ Quay lại ]