headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 09/01/2025 - Ngày 10 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LẬP CHÍ TIẾN TU

 Trong biển Phật pháp mênh mông, chúng ta hiểu đã ít mà phần hành lại càng ít hơn. Vì vậy chư vị Bồ-tát luôn lập nguyện trải thân học hiểu và hành trì Phật pháp. Con đường chúng ta đi, chắc hẳn cũng không thể khác với các Ngài được, nghĩa là phải Lập Chí Tiến Tu.

Đối với đạo lý đã học được, đã thấm nhuần, chúng ta nguyện trọn đời nỗ lực thực hiện cho có kết quả. Nếu chỉ hiểu suông mà không chịu tu, thì quả thật là một thiệt thòi lớn. Do đó khi đã hiểu, nhận định đúng đắn rồi, ta phải cố gắng áp dụng những điều mình hiểu cho tới nơi tới chốn. Có thế ta mới hưởng được những giá trị thiết thực trong Phật pháp.

Phương pháp tu trong đạo Phật rất nhiều, nhưng tất cả không ngoài đẩy lùi nghiệp tập, tiêu dung nó để thăng hoa thân tâm ngày một tốt đẹp hơn. Khi chúng ta nhất tâm quy y Tam bảo là đã có định hướng dứt khoát, phấn đấu để thể hiện trí tuệ của chính mình. Không chấp nhận những thế lực bên ngoài chi phối cuộc sống mình. Phật nói tất cả chúng ta đều là Phật sẽ thành. Chúng ta có khả năng thành Phật, chúng ta sẽ thành Phật. Quý vị nhớ như vậy. Muốn thành Phật hay muốn làm chúng sanh ngược xuôi theo dòng đời là tùy chúng ta. Mặc tình tạo nghiệp để rồi mang những gánh nợ nần ấy trôi dạt trong luân hồi sanh tử kiếp này sang kiếp khác cũng tùy thích của ta thôi.

Bởi chúng ta mê, không tự chủ được nên lỡ gây tạo bao nhiêu nghiệp xấu. Mình đủ sức tạo thì cũng đủ sức giải quyết, không nhờ thần linh nào khác! Không đợi thầy, bạn giải quyết, mà chính chúng ta tự gỡ. Nếu gỡ sớm, gỡ nhanh chúng ta nhẹ nhàng tự tại nhanh, còn nếu muốn đeo mang dai dẳng kiếp này sang kiếp khác để trôi dạt xuống lên trong luân hồi sanh tử cũng do chúng ta.

Người tu nếu đánh mất thực lực, không tự tin vào khả năng của mình để hoàn thành Phật chất thì việc tu hành vô vị lắm. Chúng ta không có lý tưởng, không có chủ định, cứ lông bông lêu bêu ngày qua tháng lụn thì uổng cả đời. Phải ý thức rằng việc hành đạo hôm nay để có sự tỉnh táo và phát huy trí tuệ tự thân, chiến thắng được những phiền não nghiệp tập từ nhiều đời của chúng ta. Cho nên các Thiền sư thường dạy: “Ông hãy tự thương mình đi, tự dứt khoát với mình đi”. Quả thật là những lời dạy thống thiết!

Nếu ta cứ một bề chạy ra bên ngoài, quên mình thì tâm không sáng, không vững. Người ngồi đó mong cho những điều tốt đến với mình, mà không hề thực hành một hạnh tốt nào, làm gì có chuyện ấy. Cũng giống như học trò vâïy, phải siêng năng học bài, hiểu bài mới trở thành học trò giỏi. Như vậy cuối năm làm bài thi, chắc chắn sẽ được điểm cao. Còn đi học mà bê tha, rồi tới giờ thi cầu trời khẩn Phật phù hộ cho con làm bài được, Phật trời nào giúp cho?

Cuộc sống này cũng hiện thực như vậy. Bất cứ nhất cử nhất động nào của chúng ta, nếu dấy tâm theo hướng tốt thì kết quả tốt, dấy tâm theo hướng xấu thì kết quả xấu. Người Phật tử tin chắc như thế sẽ không sợ ma quỷ, cũng không sợ bị đọa lạc ở đâu, nếu tâm niệm của chúng ta từng phút giây đều là tâm niệm tốt. Nên biết người con Phật nếu tu hành chân chính, là người tự tại tự chủ với các giác quan của mình. Bởi ta biết tất cả các pháp đều không thật nên không bị lệ thuộc vào nó. Biết thân tâm này không thật nên không phiền não, cũng không gây khổ đau cho người. Đó là tự tại, là đắc, là đạt mà thật ra không có gì để đắc để đạt cả.

Là Phật tử, chúng ta không nên có kiến thức sai lầm như thế này, cho rằng những khổ vui của con người đều do sự thưởng phạt của một đấng thần linh nào đó. Đệ tử Phật thì phải tu theo pháp Phật dạy, nắm vững luật nhân quả, từng bước tu hành theo công hạnh của chư Phật Bồ-tát, mới mong thành tựu được Phật đạo. Hàng tu sĩ khi xuất gia là phát nguyện xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia. Nghĩa là nguyện ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà ba cõi. Ba cõi là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Nếu giữ đúng tinh thần, đúng ý nghĩa này là ta đã vượt ra ngoài Tam giới. Vượt ra ngoài Tam giới là vượt lên trên các loại quỷ thần. Bởi loài quỷ thần cao nhất cũng tới cõi Vô Sắc giới là cùng. Vậy tại sao ta còn cầu xin, còn sợ sệt uy lực của họ? Đó là vì ta không tu đúng theo giáo pháp của Phật dạy thôi.

Cho nên ở đây chúng ta lập chí phấn đấu và đừng sợ: “Không biết tu như vầy, mai mốt chết ai rước mình?” Mình không độ mình, không rước mình, ai rước mình được. Phật rước chúng ta là khi nào tâm ta tương ưng với tâm Phật. Niệm Phật đến khi nào tâm mình với tâm Phật không hai, Phật mới rước được chứ. Còn niệm Phật mà trong lòng đa đoan, tính ngược xuôi đủ chuyện, làm sao Phật rước? Thế giới chư Phật hoàn toàn thanh tịnh, rước những người không thanh tịnh về đó để ở đâu?

Chúng ta cứ vững tâm tu, không sợ gì. Chỉ sợ tâm niệm của mình dấy khởi, ta không làm chủ được. Những tâm niệm đen tối, những vọng tưởng phiền não lăng xăng khiến ta trôi dạt, tạo nghiệp thì thật đáng sợ. Nếu ta giữ giới, tâm định tỉnh làm chủ được đối với các nghiệp tập, các giác quan của mình. Nhìn thật sâu, thật kỹ để thấy rõ tất cả pháp chung quanh không thật, tự nhiên ta có lực dụng. Siêng năng hành trì như thế nhất định sẽ an ổn thôi.

Ngồi thiền, sống cho có nề nếp, cũng đòi hỏi chúng ta phải lập chí. Ngồi chừng hai ba mươi phút hoặc sáu mươi phút trở lui, thì thấy tinh tấn. Nhưng tăng lên chừng một trăm hai mươi phút hoặc hơn nữa thì phải có Thầy vác gậy đứng một bên mới ngồi được. Không thôi ta sẽ dùn lưng, nháy mắt, ngứa ngáy ngọa nguậy chỗ nọ chỗ kia, không yên được. Điều này cho thấy quả thực mình còn dở lắm. Không biết sao kỳ? Đâu phải mình tu cho Thầy, cũng không phải tu cho ai, tự nhiên tới mức đó mắc dùn lưng, ngứa ngáy đâu trong lỗ mũi, con mắt muốn nhắm lại, chân muốn bung ra… Đó là cái gì? Là những ma mị trong lòng chúng ta. Vì mình chưa mạnh dạn đuổi nó đi, nên chúng lảng vảng chờ ta yếu thế, chúng sẽ lôi ta đi. Thế là thua cuộc.

Các bậc thiện tri thức đi trước biết chúng ta yếu như vậy nên mới có thời khóa, có thiền bảng, rồi mỗi tháng có thỉnh nguyện để Tôn sư đem những kinh nghiệm nhắc nhở truyền đạt lại cho mình. Các Ngài luôn bên cạnh khuyến khích, động viên cho mình phấn chấn. Nhờ thế mà từ từ chúng ta vươn lên. Phần tỉnh ngộ vươn lên đó là phần của mình, chứ không phải của Thầy.

Nghiệp tập ta phải đối diện hằng ngày như núi. Muốn đánh bật nó đâu phải việc làm một ngày một bữa, cũng không thể yếu đuối khiếp nhược mà có thể đảm đương nổi. Ta bửa búa như thế nào cho nó nát, nó tiêu đây? Hòa thượng từng dạy Tăng Ni thế này “Chiếc gươm trí tuệ tay chẳng rời”. Câu này chúng ta phải thuộc nằm lòng. Không phải thuộc bằng cách đọc tới đọc lui hoài, mà là áp dụng vào sinh hoạt hằng ngày, trong mọi giao tiếp ứng xử, đối duyên xúc cảnh.

Trong nhà Thiền có từ nhổ đinh tháo chốt, tức là các Thiền sư vì người phá tan mọi kiến chấp sai lầm làm chướng ngại bước tiến đạo. Nên bất luận phương tiện thế nào, miễn giúp cho hành giả bật tung được núi nhân ngã là các Ngài vận dụng triệt để. Không có một pháp thật dạy người, chỉ tùy mỗi bệnh của chúng sanh mà cho thuốc. Nếu ta kẹt vướng cái đinh cái chốt thì các Ngài mở cho. Chỉ cốt ta tỉnh được thì lưới vô minh mới phá tan.

Người tu cần phải loại bỏ những tư tưởng ỷ lại, trông cậy, làm mất đi thực lực phấn đấu của mình. Hãy tự thắp đuốc mà đi, thắp lên với chánh pháp. Điều này đức Phật đã từng căn dặn các thầy Tỳ-kheo rất nhiều lần. Chúng ta mở mắt ra nhìn cho thật kỹ thân này là gì? Tâm vọng động là gì? Tất cả chỉ là huyễn giả, là bóng dáng của sáu trần. Có giá trị chi đâu! Vậy thì nó mất còn không quan trọng. Quan trọng ở cái nghiệp ta đã tạo và Phật chất nằm sẵn trong ta bị các thứ nghiệp ấy phủ vây kín mít, không ngoi đầu lên được kìa.

Thiền sư nói: “Đủ phước duyên sống 120 tuổi cũng tốt. Hết phước quỷ sứ lôi vào địa ngục hành hình ngay bây giờ cũng tốt”. Như vậy là đủ rồi. Còn thì hoàn cảnh chung quanh, nó là cái bên ngoài, chạy ngược xuôi làm gì? Thầy dạy là để khuyến khích, để chỉ đường cho chúng ta thôi, đi hay không là tự mình. Chúng ta cố gắng làm sao chí nguyện ban đầu được thành tựu, đó là công phu của mình, không thể ỷ lại hay trông cậy nương tựa vào Thầy.

Khổ vui trong cuộc đời đều do chúng ta tạo ra, không phải do tiền định hay tự nhiên nó như thế. Ví dụ hồi sáng quý vị gây với ai đó rồi đánh nhau. Đánh nhau chưa thỏa mãn nên tiếp tục kiện tụng tới tòa để xử. Nhưng nghĩ cho cùng mình gây chứ ai gây, mà bắt tòa xử? Cho nên việc đó không phải tự nhiên. Tất cả đều có nhân duyên đàng hoàng, mà nhân duyên đó do ta tạo nên bây giờ ta phải chuốc lấy quả tương ưng như thế.

Cho nên đừng bao giờ nói những câu: “Sao sáng nay tự nhiên tôi buồn!” Thưa quý vị, làm sao tự nhiên được? Có lẽ đêm hôm mất ngủ vì vừa cự nự, chửi bới với ai, rồi nằm vọng tưởng không tiêu dung nổi nên mới buồn. Đó là một loại tư tưởng tiêu cực, thiếu trí tuệ, không thấy được thực chất của sự kiện. Bây giờ muốn hóa kiếp nỗi buồn đó thì tự mình phải phấn đấu lên. Một là buồn, hai là không buồn. Ta cứ chọn đi.

Nếu ta chọn buồn, thì dĩ nhiên sáng nay mặt mình quạu đeo, ai đụng tới là gây liền. Cả ngày cứ dàu dàu, kiểu mùa thu gió rét, thiên hạ thấy là muốn nóng lạnh ngay. Nếu ta chọn vui thì dĩ nhiên gương mặt tươi tắn, vui vẻ, ai thấy cũng hoan hỷ muốn gần gũi. Bởi vì ta buông xả, tha thứ hết, đâu có phiền giận chi. Tự mình phấn chấn được các niệm thì sắc diện bên ngoài biểu hiện được tâm tư bên trong. Cho nên trong nhà Phật có câu “Tâm ư trung xuất hình ư ngoại”, nghĩa là trong tâm thế nào thì hiện ra bên ngoài thế ấy.

Nếu ta không tự hóa giải phiền não trong lòng, đợi ngoại cảnh bên ngoài thay đổi thì chuyện ấy không bao giờ có. Nếu có chăng nữa, nó cũng sẽ thay đổi liên tục và như thế ta cũng sẽ buồn liên tục theo sự thay đổi ấy. Tự mình không ý thức buông xả thì quả thực chung quanh làm phiền ta ghê lắm. Nên giả như ta đang buồn, có bạn rủ đi Vũng Tàu tắm biển thoải mái, ta hết buồn. Song cái hết buồn đó chỉ giới hạn nhiều lắm từ sáng tới chiều là cùng. Về tới nhà lại đối đầu với cái buồn nữa. Đây không phải là kế sách dài lâu. Vì thế chúng ta thấy nam giới hay mượn rượu giải sầu, kết quả sầu đã không hết mà lại càng khổ nhiều hơn.

Phật dạy “Các pháp nhân duyên sinh”, ta nên chiêm nghiệm, quán chiếu về câu này thật kỹ sẽ thấy cái hay thấu đáo của nó. Quả thực, do nhiều thứ hợp lại nên ta mới có thể hoán chuyển. Trong nhà Phật chủ trương chuyển hóa tất cả. Chuyển hết vì các pháp duyên sinh không có gì cố định. Nhờ chuyển được nên chúng ta mới xuất gia tu hành. Chứ nếu nghiệp cứng ngắc thành khối thành đá thì thôi, xuất gia vô ích.

Ta chấp nhận từ bỏ mọi thú vui thế gian, cạo tóc, mặc áo nhuộm, sống đời thanh đạm không gia đình, thì phải biết đời sống ấy có một ý nghĩa, một giá trị siêu việt hơn những thứ kia, ta mới chọn chứ! Không ai dại gì đánh mất tất cả để đổi lấy hai bàn tay trắng. Do chúng ta nhận biết rõ pháp tu của Phật dạy sẽ giải trừ được những nghiệp tập của mình, khiến cho chúng ta thoát khỏi biển khổ sanh tử. Nhờ thế mình mới phấn chấn sửa đổi, tu hành để được thành Phật.

Nên nhớ mỗi phút giây tu là mỗi phút giây ta giải trừ được một phần nghiệp tập. Những gì trước kia ta lầm thì bây giờ sáng ra. Hồi đó ta sống si mê, gây tạo bao nhiêu nghiệp xấu, bây giờ tỉnh rồi ta làm việc lành, bỏ việc ác. Đó là hoán chuyển. Sống trong sự tỉnh sáng như vậy là tu. Tuy nói không cầu mong kết quả mà vẫn có kết quả như thường. Nói tất cả đều không thật, nhưng cuối cùng ta được tâm thanh tịnh và trí tuệ viên mãn hoàn toàn giải thoát.

Người tu chúng ta sớm chiều thấy rõ từng tâm niệm của mình, không để tháng ngày qua mất. Hòa thượng dạy: “Thân này vô thường, tâm này không thật, các pháp là giả.” Chúng ta tu nếu không nắm rõ những điều này, chấp giữ thân tâm không thật, khác nào ôm cái thây thối bên mình mà lại còn tự mãn về cái thây thối ấy. Có nực cười không?

Thành ra phải có một thái độ dứt khoát, phát chí mãnh liệt. Tổ Quy Sơn gọi là phát chí siêu phương cầu thành Phật. “Tâm khắc kỳ đống lương Phật pháp”, lòng tự định kỳ giải quyết việc của mình, làm đống lương trong Phật pháp. Đống lương tức là rường cột. Muốn Phật pháp còn cho mình và mọi người có nơi nương tựa tu hành, thì bản thân chúng ta phải là đuốc sáng, là đống lương, chứ đâu thể trông chờ vào ai được.

“Cốt làm quy cảnh cho đời sau”. Quy cảnh là mô phạm. Tự mình đặc trách bổn phận làm mô phạm cho đời sau. Giống như chư Phật chư Tổ tu hành sáng đạo thì muôn đời luôn nhớ nghĩ đến chúng sanh, phát nguyện độ sanh không lười mỏi. Các Ngài là Thầy, là cha, là bậc mô phạm của chúng ta. Cho nên chúng ta phải hướng về các Ngài học tập theo hương hạnh ấy.

Nói tới đây tôi nhớ lại câu chuyện xưa. Một hôm tôi đang đi học, có thầy tới rủ đi núi Trà Cú. Thầy hỏi:

- Chú biết núi Trà Cú chưa?

- Bạch Thầy! Con chưa biết.

- Ở tại núi Trà Cú có một vị Tổ hiệu là Hữu Đức, Ngài tu đạt đạo. Chú có biết việc ấy không?

- Bạch Thầy! Con cũng chưa biết.

- Ủa! Vậy chứ chú học sử chư vị Tổ sư, các Tổ tu chứng đạo sao không biết?

- Bạch Thầy! Con chưa học tới các bậc cận đại.

- Chưa biết thì chuyến này đi theo thầy cho biết. Đây cũng là một bài học về các vị Tổ xứ mình thời cận đại, cần phải biết.

Nghe có lý quá nên tôi đi. Đi mà không xin phép, cũng không có đồng xu dính túi. Đường đi khó đoàn lại đông, lên đó phải ở đêm. Thầy trò Phật tử leo núi thật vất vả. Được chừng nửa đường tôi thấy phát ngán nhưng cố gắng. Tới triền núi bên kia mới tới chỗ đức Phật nằm 49 thước. Quả thực là một công trình to lớn! Đến nơi, nghỉ mệt xong quý thầy và Phật tử nhiễu quanh Phật, sau đó tụng kinh. Riêng tôi với mục đích muốn tìm hiểu về lai lịch và vết tích của vị Tổ chứng đạo nên xin thầy hướng dẫn đến chỗ Tổ đã tu.

Chúng tôi được dẫn đến trước một cửa hang sâu lắm. Có vài huynh đệ chui xuống, trở lên họ kể lại ở dưới thế nọ thế kia. Tôi thì quanh quẩn trên miệng hang, tìm xem có dấu tích gì khắc lại công phu tu hành của Tổ không? Theo lời người dân ở đây kể, khi xưa Tổ đã thành tựu đạo quả, có hào quang sáng, thiên hạ tìm đến thì Ngài đã đi nơi khác.  Bây giờ chúng tôi đến đây học được ý chí của một bậc tu hành, gan dạ, không sợ chết không sợ khổ, quyết tâm tu hành cho đến thành tựu mới thôi. Ngày nay mình cũng tu hành, sao không có ý chí như người xưa?

Tôi nhắc lại sự kiện này để chúng ta nhớ phải tự khắc kỷ, tự học tự tu như người xưa vậy. Nói thế không có nghĩa ta tự tôn tự đại, nhưng là con cháu của Tổ thì mình phải nuôi ý chí như thế. Thầy tổ mình như vậy, mình cũng phải cố gắng. Không bằng thầy thì cũng kem kém chút ít, chứ chẳng lẽ chẳng được tí gì? Người xưa nói đệ tử phải hơn Thầy mới là nhà có phúc. Ta không hơn thầy thì cũng phải giông giống Thầy. Thầy được mười thì mình cũng năm ba, chứ còn không được gì hết thì cô phụ quá!

Nếu chúng ta chịu lắng sâu, chịu nhìn lại thì trong bất cứ cảnh duyên nào cũng có thể tu được hết. Tôi nghĩ rằng tất cả huynh đệ chúng ta ý thức và học Phật pháp như vậy thì chắc chắn sẽ thành công! Không luận người già người trẻ, người nam người nữ, xuất gia tại gia, nếu biết tu tập, biết sử dụng trí tuệ của mình đều có thể giải trừ phiền não, tiêu dung được tất cả nghiệp tập của mình.

Thời đại bây giờ người tu rất đông, có thể nói là thời Phật pháp hưng thịnh, kinh điển cũng nhiều. Nhưng Phật pháp không phải trông cậy vào số đông, mà quý ở chất lượng. Đây mới là yếu tố duy trì Phật pháp. Đông đảo mà không có chất lượng thì chỉ làm mất giá trị của đạo, có thể ảnh hưởng đến tín tâm của Phật tử. Cho nên đông tốt, nhưng phải có chất lượng. Nếu không, đó là mối nguy cho đạo. 

Vì thế nếu xét thấy mình tu chưa có chất lượng thì phải làm sao cho có chất lượng. Bản thân mỗi người có chất lượng thì tập thể mới có chất lượng. Đó là điều quan trọng. Tổ Quy Sơn dạy bản thân mình phải là mô phạm, là đống lương, thì mới có thể làm chỗ nương tựa cho người sau. Tinh thần của người tu Thiền, phấn đấu mạnh dạn ở điểm này, không thể trông cậy mong mỏi bên ngoài.

Ví dụ như Đạo tràng Thường Chiếu hiện nay có số Tăng Ni quy tụ về tu học đông nên được nhiều người biết đến. Với tôi, đó không phải là yếu tố để nổi tiếng, mà bao giờ nơi đây có được một hai vị thành tựu công phu, tu hành có chất lượng, xứng đáng làm mô phạm, làm gương cho người sau. Được thế nổi tiếng mới đúng, xứng đáng là nơi rường cột để chống đỡ Phật pháp, làm điểm tựa cho tương lai. Ngoài ra các hình thức bên ngoài không có giá trị chân thật và trường cửu.

Do đó mỗi thành viên, mỗi thiền sinh nơi đây đều ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình. Những người đi trước, hướng dẫn chúng ta về tinh thần, bảo bọc trong cuộc sống, trong sinh hoạt đã cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi cho việc tu tập của ta rồi, bây giờ phần còn lại là của mình. Tự chúng ta phải thể hiện được trách nhiệm đạo lý cho mình và mọi người. Nếu tất cả đều cùng một hướng, một tinh thần như vậy thì đây là cõi Tịnh độ, được trang nghiêm bằng giới thân huệ mạng của toàn thể huynh đệ chúng ta.

Tổ Quy Sơn dạy: “Muốn cho hình nghi chững chạc, ý chí cao nhàn, nói năng phải hợp điển chương, luận bàn cần noi theo cổ đức”. Người có ý chí cao nhàn thì gương mặt lúc nào cũng thanh thản, vui vẻ. Hai chữ vui vẻ nghe thông thường nhưng không dễ thực hiện đâu. Nếu biết người kia nghĩ xấu tôi, nói xấu tôi, gặp người đó, không khi nào tôi vui được. Dù lúc đó có kê cái máy cười bên miệng, biểu tôi cười chắc rằng tôi cũng mở miệng méo xẹo. Cho nên vui vẻ với nhau cũng là một pháp tu. Đối với người không ưa mình mà ta vui được, cởi mở được, cười được tức là ta đã uống nhiều thang thuốc bổ lắm. Bởi người ta nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.” Giá trị của nó hơn tất cả những chất bổ dưỡng nào khác. Cười tròn miệng, cười tươi tắn, đằng sau nụ cười đó không có gì nấc nghẹn, cay đắng. Đó là nụ cười thường lạc, chân thật của Bồ-tát Di Lặc rồi. Được vậy trong hiện tại thì đảm bảo khi tắt thở, ta nghiễm nhiên nhập Niết-bàn, chớ không đi đâu khác. Chỗ nhắm của người tu là như vậy.

Thiền sư Huyền Sa nói thế này: “Những bậc lão túc ở các nơi nói tiếp vật lợi sinh, bỗng gặp người có ba thứ bệnh đến, làm sao tiếp họ? Người bị bệnh mù, cầm chùy dựng phất y chẳng thấy. Người bị bệnh điếc, ngôn ngữ tam muội y chẳng nghe. Người bị bệnh câm, dạy y nói lại nói chẳng được. Làm sao tiếp?”

Có vị Tăng đem việc này đến hỏi Vân Môn. Ngài Vân Môn bảo: “Ông lễ bái đi”. Tăng lễ bái xong đứng dậy. Ngài Vân Môn lấy cây gậy đưa tới, vị Tăng lùi lại sau. Ngài Vân Môn bảo: “Như vậy ông chẳng phải mù”. Ngài Vân Môn gọi: “Lại gần đây”. Vị Tăng đến gần. Ngài Vân Môn bảo: “Như vậy ông không phải điếc”. Ngài Vân Môn dựng cây gậy lên, hỏi: “Hội chăng?” Vị Tăng thưa: “Chẳng hội”. Ngài bảo: “Như vậy ông không phải bệnh câm”.

Đã không mù, không điếc, không câm, tức là thấy nghe nói năng rõ ràng, như vậy đã sẵn có đầy đủ tất cả, tại sao không ngộ? Thành ra đọc sự kiện này, người xưa muốn dạy chúng ta phải hội ngay trong mọi hành động thi vi của mình, đừng đem tâm suy nghĩ lý luận thế này thế nọ. Chúng ta có đầy đủ các giác quan, nghĩa là đầy đủ tánh thấy tánh nghe… tại sao cam tâm đánh mất khả năng hiện hữu ấy của mình? Ngày qua tháng lụn, cứ ù ù cạc cạc, đâu vẫn nguyên đó, sống trong vô minh bất giác, chạy theo trần cảnh bên ngoài mà bỏ mất cái chân thật luôn hiện tiền bên mình. Đâu khá gì tự mình đánh mất đời mình trong thói thường thế gian. Thật đáng thương xót!

Đây là một bài thuyết pháp không có đề tài nhưng vô cùng sinh động, vô cùng sắc bén, vô cùng chân thật. Người nào căn tánh nhanh lẹ, sẽ ngay đó mà nhận ra được yếu chỉ thượng thừa, đốn ngộ Phật tánh. Được vậy thì việc lập chí sẽ không còn khó khăn, con đường tu đã hanh thông, nhất định chỉ có tiến chớ không bao giờ lùi. Chúng ta ngày nay cũng đầy đủ những duyên đó, không thiếu cái nào hết, đạo lý ở ngay bên mình, nhưng không biết bao giờ mới chịu ngộ?

Tôi chỉ có thể nói được tới chừng đó thôi, phần còn lại không thể nói được nữa. Mỗi vị phải tự ý thức thôi. Buông được, làm chủ được, thanh lọc được những tư tưởng của mình là việc làm của mỗi người, không ai thế cho ai được cả. Tâm nguyện, lòng từ bi của Phật Tổ, của các vị Thầy chí tình chí thiết đến đó là hết mức, nếu chúng ta không tự biết trách nhiệm thì các Ngài cũng đành bó tay. 

Mong toàn thể quý huynh đệ nghe và nhớ, cố gắng thực hiện tâm nguyện của chính mình mà cũng là bản hoài của các bậc tiền bối. Lập chí tiến tu cho tới bao giờ giác ngộ giải thoát mới thôi. Đó là tâm nguyện duy nhất của những người con Phật.

Chúc quý vị thành công.

[ Quay lại ]