TÂM VÀ KIẾN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 25 Tháng bẩy 2008 10:54
- Viết bởi nguyen
Buổi nói chuyện hôm nay chúng tôi nói về “Tâm” và “Kiến” của người tu, nhất là những hành giả tập tễnh đi vào con đường thiền. Đây là những pháp cần thiết trong khi áp dụng tu, nhất là trong sinh hoạt hằng ngày. Phải điều dụng tâm như thế nào, giải quyết những kiến chấp ra sao, hóa giải nó để chúng ta được thực sự an ổn.
Nói về tâm, trước hết chúng ta phải biết tâm là cái gì? Thường trong kinh nói tâm là chỉ cho cái thanh tịnh, sáng suốt, lặng lẽ nơi mỗi chúng ta. Nhưng muốn sống được với tâm ấy, chúng ta phải tu làm sao, áp dụng Phật pháp như thế nào để sống được với tâm của mình. Lâu nay nhiều người đã hiểu lầm tâm là những suy nghĩ của mình. Thưa, cái ấy không phải là tâm chân thật đâu, nó là vọng tưởng, bóng dáng của sáu trần, chợt khởi chợt hiện vọng động không dừng. Muốn sống được với tâm chân thật, chúng ta phải bỏ những vọng động kia, chỉ chừng ấy việc thôi.
Bây giờ làm sao bỏ được những vọng động ấy đây? Trong cuộc sống hàng ngày, bao nhiêu kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết, lúc nào nó cũng đầy dẫy như sóng biển. Chúng ta phải dừng được, buông được những thứ đó thì may ra mới có thể sống trở lại với tâm chân thật. Ví như chủ nhà có làm chủ được mình, thì mới giữ đúng cương vị, vai trò của một gia chủ. Luôn luôn sáng suốt quán xét mọi việc một cách phân minh hợp lý, khi khách khứa tới đông đảo, không để khách dẫn dắt đề nghị thế này thế nọ, người đó mới thật sự yên ổn.
Nhược điểm của chúng ta lâu nay là muốn được yên ổn nhưng cứ lao theo vọng tưởng. Muốn như thế chỉ là ước muốn mà thôi, chứ không bao giờ trở thành hiện thực. Do đó chúng ta không nhận được tâm chân thật của mình, thì việc sống với tâm ấy làm sao có được. Chỉ khi nào ta làm chủ được mình, nhận và sống được với tâm ấy thì mới có hạnh phúc, an lạc thực sự. Nhưng bao giờ ta làm chủ được mình? Đây là một câu hỏi mà mỗi người cần phải tự vấn.
Sống với vọng tưởng thì một ngày có bao nhiêu chuyện phiền phức, quấy rầy chúng ta. Sớm trưa khuya tối và trong bất cứ giờ giấc nào, không bao giờ vọng tưởng để cho mình yên. Ăn nó cũng đến, nghỉ nó cũng không tha, làm việc nó cũng xen vào, luôn cả giờ tu học, nó cũng phá rối. Nhiều vị tu rất lâu năm mà vọng tưởng cứ dẫy đầy, cứ tràn lên. Cũng có vị biết cách sử dụng trí tuệ để hóa giải nó, nhưng cũng có người thua cuộc, mặc tình nó lôi kéo đi đâu thì theo đó, trôi hết cả một đời tu. Đấy là hiện trạng không thể chối cãi trong đời sống tu hành của một số tu sĩ chúng ta.
Như tôi đã nói những hiện tượng lăng xăng trước mắt, chợt khởi chợt hiện, ấy là vọng tưởng. Cho nên người thấy được chân lý là người có trí tuệ thấy được lẽ thực của các pháp. Lẽ thực ấy là gì? Ở đây tôi không muốn dẫn quí vị đi vào lối mòn của ngôn ngữ, định nghĩa giải thích thế này thế nọ. Bởi tất cả những việc ấy cũng chỉ là nói suông thôi, không có giá trị thật. Như tôi có thể nói lẽ thực của các pháp là Không, là duyên hợp giả có v.v… Nhưng đó không phải là điều đem lại sự an vui hạnh phúc cho chúng ta.
Ở đây, chúng tôi cốt làm sao mỗi chúng ta phải tự thể nghiệm lời Phật tổ dạy thông qua ngay cuộc sống của mình, ngay kinh nghiệm quán chiếu tự tâm mà nhận hiểu. Như vậy Phật pháp mới có giá trị và lợi ích thiết thực. Cho nên chân lý mỗi vị phải thầm thầm nhận lấy. Thử buông hết những vọng tưởng, xem nội tâm ta như thế nào, chân lý hiện ra sao. Khi nào mình làm chủ được, buông được thì nó hiện tiền, còn bám theo thì càng mê muội, không thể thấy biết gì cả.
Cho nên nói về tâm, thường thường người ta nói phải minh tâm. Nghĩa là tự mỗi người thầm nhận, chứ diễn tả thì không phải là tâm, đó chỉ là ngôn ngữ vọng động mà thôi. Trong kinh Viên Giác Phật dạy muốn thấy mặt trăng thật, nên từ ngón tay chỉ mà nhận ra, chớ ngón tay không phải là mặt trăng thực. Phật pháp, đạo lý, tất cả những hiểu biết, kinh nghiệm về chân lý cũng như thế. Muốn đến chỗ đó thì chúng ta phải thầm nhận. Nhận ra rồi sống với nó, thâm nhập phổ biến trong diệu dụng hiện tiền. Chớ còn trình bày, không khéo càng nói lại càng xa.
Đôi khi chúng ta vẫn biết các pháp không thật, nhưng cũng chưa buông được ổn. Đó là vì ta còn lao lung, còn chưa mở sáng con mắt trí tuệ để nhận chân rõ thực tướng của chúng, nên vẫn bị vọng tưởng, tức là bóng dáng của các pháp chi phối, lảng vảng mãi không thôi dứt. Suy cho cùng, vọng tưởng không phải là cái khó khắc phục, khó buông, nhưng vì chúng ta chưa đủ gan dạ để buông.
Thế nên người tu cần phải lập chí vững mạnh, kiên quyết đấu tranh với chính mình, mạnh dạn sấn bước, không nhún nhường cho những lý lẽ của tâm thức ma mị. Được thế dù một bước rất nhỏ rất chậm, nhưng chúng ta bước đúng thì cũng sẽ đến nơi đến chốn. Trái lại rất kỵ những bước nhảy thật dài, nhưng thiếu vững chãi sẽ đưa ta tới hiểm họa khó lường. Thà là không làm, hễ làm thì phải đúng, thà là không tu, hễ tu thì phải được an ổn. Đó là vấn đề mà mỗi người chúng ta cần phải nắm vững hơn ai hết.
Trở lại vấn đề làm sao nhận ra và sống với tâm lặng lẽ sáng suốt của mình? Nếu những niệm dấy khởi lăng xăng lắng xuống, ta vẫn thấy nghe hiểu biết rõ ràng, không dao động và tỉnh sáng, ấy chính là tâm chân thật của chúng ta. Bây giờ chúng ta biết cái lặng lẽ sáng suốt, đó là tâm của mình, nhưng không cần phải nghĩ như thế. Khi đối duyên xúc cảnh, mọi tình huống chung quanh đến với mình, ta lao theo rồi buồn vui đủ thứ, đó không phải là sự có mặt của tâm chân thật, mà nó là tâm vọng tưởng. Ngược lại đứng trước mọi cảnh thuận nghịch ta thấy biết rõ ràng, bình tĩnh giải quyết theo thứ lớp các duyên, lòng vẫn an ổn, đó chính là sự có mặt của tâm chân thật. Tôi nói như thế là nói trắng ra rồi, đối trong nhà thiền nói như vậy là tử ngữ, phạm môn quy đấy. Bởi cái không thể nói mà mình gượng nói thì nó không đúng, cho nên chỗ này biết thì được, chớ không nên nói.
Ở đây vì phương tiện giúp cho Phật tử nhận ra được phần nào cốt tủy để tu, buộc lòng chúng tôi không thể làm khác hơn. Tuy nhiên mục đích chánh là làm sao chúng ta hiểu đạo, áp dụng đạo trong đời sống của mình thì mới cảm nhận cái lý thú của đạo. Chớ cả ngày điên đảo ngược xuôi trôi theo dòng đời, quả thật có nói giáo lý hay tới đâu cũng chẳng lợi ích gì. Chúng ta phải khéo nhận được tâm mình từ cuộc sống, từ những sinh hoạt bình thường, chớ không phải tìm nơi nào khác.
Giống như dòng sông nước chảy cuồn cuộn, tâm của mình cũng hòa lẫn với dòng sông cuồn cuộn như thế. Bây giờ ta muốn dừng lại, không lý đắp ngăn dòng sông ấy. Cách duy nhất là trở về với lòng sông, nhận ra tính chất luôn tuôn chảy của nó có một cái không bao giờ thay đổi đó là tánh ướt của nước. Tâm ta cũng vậy, mặc cho bao nhiêu vọng động cuồn cuộn dấy khởi, tâm lúc nào cũng biết một cách hồn nhiên vô tư, không có ý kiến phân biệt xen vào. Nhận ra như thế là dừng được dòng chảy của vọng tưởng, là chân tâm hiện tiền.
Minh tâm chính là sự sáng suốt của mình. Muốn trở lại với nó càng giản dị càng gần, càng buông càng không mất. Nguyên tắc chỉ có thế thôi. Ngày nào chúng ta thử ngồi lại tỉnh táo, dám buông, dám bố thí hết những ý niệm lăng xăng thì sẽ được rỗng rang sáng suốt, rõ ràng như vậy. Trong chúng ta, ai có được phút giây ngồi lại dừng lặng vọng tưởng, sẽ thấy công phu này không khó đến nỗi mình không làm được. Nhưng có điều thói quen làm cho mình khổ. Bởi thói quen nên ta không dừng được, cứ lao theo, lăng xăng cả đời. Ngày qua ngày như vậy, ta mất mình trong dòng vọng động cuồn cuộn trôi chảy.
Chỉ khi nào vọng tưởng tự lặng thì sẽ yên. Không lực gì có thể ngăn nó. Nếu dùng một lực bên ngoài ngăn thì giống như lấy đá đè cỏ, chẳng những nó không chết, mà sau này gặp cơ hội thuận tiện nó sẽ vọt lên cao hơn nữa. Cho nên người làm chủ là nhận diện được vọng tưởng, không theo thì tự nó lặng. Tuyệt nhiên không đè nén hay kềm chế gì cả. Công phu như thế lần lần vọng tưởng thưa dần, cho tới khi chúng lặng lẽ hoàn toàn, tâm chân thật bấy giờ hiển lộ, sáng suốt tròn đầy. Đó là nói về phần tâm.
Đến kiến là những thấy biết, kiến chấp của mình. Ví dụ như hồi xưa ta đã được học như thế, những quan niệm ý tưởng ấy đã in sâu trong trí nhớ và ta cho đó là đúng. Nhưng đến thời này, người ta không chấp nhận kiến thức của mình nữa, họ bài bác nọ kia. Thế là ta cảm thấy bất bình và cho rằng cái hiểu biết bây giờ kỳ quặc, không đúng như ngày xưa. Những gì mình đã dán nhãn rồi, ai đụng tới là không được. Như thế gọi là “kiến” hay nói đủ là định kiến. Bây giờ làm sao hóa giải được cái “kiến” đó, chúng ta mới an ổn được.
Phật dạy các thứ kiến chấp, hiểu biết, con người cho là thông minh, trí tuệ, sáng suốt… thật ra đều không thật. Chúng ta dám buông những thứ đó thì mới thật sự an ổn. Tại sao tôi nói như vậy? Vì có những Phật tử nói sao con tu hoài mà không hết vọng hoặc, không được an ổn. Tại vì còn những kiến chấp sâu nặng bên trong, cho đó là hiểu biết của tôi, trí tuệ của tôi, không dám buông bỏ thì làm sao thấy được lẽ thật. Bây giờ phải buông hết những thứ đó, nên nhớ nó cũng là sự vay mượn bên ngoài, đâu phải cái của mình mà chấp cho là mình thì thật vô lý.
Tuy nhiên trong giai đoạn tu tập ban đầu, chúng ta cần nương nhờ những phương tiện đó. Ví dụ có những vọng tưởng, tuy ta biết nhưng nó vẫn không tan. Bây giờ phải sử dụng đến cái kiến soi rọi nó, nghĩa là nương theo pháp Phật đã dạy, lời Tổ đã khuyên nhắc để chiếu phá vọng tưởng. Nhưng nhớ khi nó lặng rồi thì những phương tiện kia cũng bỏ luôn, cũng cho nó lặng luôn. Nếu vọng tưởng đã lặng mà còn ôm giữ pháp quán, đó là bệnh. Mà bệnh này là một loại vọng tưởng rất khó trị.
Nói về tâm và kiến là những thứ luôn hiện diện trong đời sống của chúng ta. Vì vậy trong kinh nói: “Dù phát bốn thệ nguyện lớn, độ vô lượng chúng sinh, trai giới thanh tịnh, tu thiền học tuệ, được chánh định rất sâu mà không tăng tiến được cũng chỉ bởi tại vì mình còn có cái kiến, chưa quên được cái kiến cho nên không tiến được. Chỉ bao giờ mình quên được những cái kiến đó, bỏ được những cái kiến đó thì mới khỏi bị động bởi lưới ma, mới tăng tiến được”. Nếu người có chút công phu mà thấy mình có công phu thì chính cái thấy đó ngăn trở công phu của họ.
Ở đây nói dù người phát bốn thệ nguyện lớn: Độ hết chúng sinh, đoạn hết phiền não, học hết Phật pháp, tu hành thành Phật. Giả như được như thế, lại thêm trai giới thanh tịnh, trí tuệ trùm khắp nhưng nếu còn thấy có cái được, chính cái thấy ấy làm tấm chắn giới hạn công phu, bước tiến của mình. Cho nên phải buông cái kiến chấp đó mới thật là người thực hành đúng pháp.
Như tôi phải mang kiếng mới đọc chữ được, gỡ ra thì không thấy rõ nên không đọc được. Nhờ mang kiếng vào nên thấy rõ, nhưng nếu lầm cái kiếng này là con mắt tôi thì có vấn đề rồi. Phải biết cái kiếng chỉ là phương tiện, con mắt mới là chánh yếu. Khi cần thì mang, không cần thì buông ra cho con mắt được thanh thản. Việc tu hành cũng thế, phải nhận ra cách thức để mà áp dụng, sau đó buông luôn cách thức, chỉ giữ kết quả cứu kính thôi. Cho nên muốn tới chỗ tâm chân thật phải buông được cái kiến của mình.
Khi tâm sáng suốt, có trí tuệ rồi, đối với các trần cảnh tương đối mình làm chủ được, nhưng vẫn còn chút lao lự là vì còn cái kiến. Bây giờ dám buông cái kiến đó thì mới nhảy sang giai đoạn thứ hai, có sự yên ổn lớn hơn, nhận ra tâm thể trùm khắp hơn. Nếu còn bị cái kiến đó bó buộc thì dĩ nhiên ta còn bị giới hạn, chưa thể tiếp xúc với tâm chân thật được.
Nhiều người nói tu thiền khó lắm, thật ra điều này không hẳn như vậy. Nếu khó thì không ai tu được, nhưng chúng ta thấy rõ vẫn có người tu được và tu có kết quả. Có thể nói pháp thiền là pháp dễ dàng, đơn giản nhất, nhưng vì người ta giải thích nhiều quá thành ra sai mất tông chỉ ban đầu nên trở thành khó. Do đó người tu thiền cần phải lưu tâm về điểm này. Trong công phu hằng ngày chúng ta phải khéo buông bỏ tất cả những niệm từ thô đến tế, phải tiến từng bước vững vàng, không bị lầm bởi các thứ ý thức, các kiến giải xảo ngụy. Có thế mới hy vọng gần được chỗ chân thật, sống được với tâm thể trùm khắp, bình ổn.
Chúng ta thường nghe nói người tu hay gặp các ma sự. Đó chẳng qua là những vọng tưởng phát xuất từ trong tâm mình, chiêu cảm với các cảnh giới bên ngoài mà có. Nếu chúng ta dẹp hết các niệm, buông sạch cái kiến của chúng ta, không chấp vào công phu của mình thì nhất định không có ma mị nào vây hãm chúng ta được. Chỉ khi nào ta đam mê chấp trước vào những cảnh giới, những công phu tu tập cho đó là thật, là của ta thì mới rơi vào lưới ma. Cho nên hành giả tu thiền cần phải vươn lên vượt thoát những cái kiến, thì mình mới phá thủng lưới ma, thực sự yên ổn trong cảnh giới thiền định.
Cảnh giới thiền là gì? Thật ra thiền không có cảnh giới nên ta không thể định nghĩa được. Có thể nói nôm na thiền là một lối sống không hạn cuộc trong một hình thức nào. Bởi vì người đã nhận ra và sống được với tâm thể trùm khắp của mình thì không nói họ cũng ở trong cảnh giới thiền, có sự sống tiêu diêu an nhiên tự tại, không gì trói buộc được. Đó là một chân trời thênh thang không dành riêng cho ai, nhưng tuyệt nhiên không có thứ ma nào quấy nhiễu được.
Tới đây tôi muốn nói đến tánh giác linh diệu sáng suốt của chúng ta. Người tu, khi đã làm chủ được những vọng tưởng của mình rồi thì tánh giác này sẽ hiện ra. Bấy giờ ta sống và hành xử tùy duyên nhưng vô cùng sáng suốt, trong nhà Phật gọi là diệu dụng. Tánh linh giác có đủ các diệu dụng nên làm gì cũng là Phật sự, là trí tuệ tỉnh thức. Cho nên các Thiền sư nói nín động tịnh, làm việc gì cũng là đạo, là giải thoát. Còn chúng ta có bắt chước theo cung cách, kiểu dáng, ngôn ngữ của các Ngài, nhưng tâm còn mờ tối thì dù ta nói thiền nói đạo hay cách mấy, mình vẫn là một chúng sanh mê muội như thường.
Nói về tánh linh giác, có những đoạn sách dẫn thế này: “Người cùng muôn vật đồng tánh linh giác, chỉ khác là vật có mà chẳng biết. Chư Thánh biết rõ tính này đầy đủ trọn vẹn, các bậc hiền biết mà chưa sống trọn vẹn với nó. Hoàn toàn bỏ quên tánh này là hạng vô trí phàm phu”. Như vậy người cùng muôn vật đều có tánh linh giác. Ai biết và sống trọn vẹn với tánh này, đó là Thánh. Thế nên Thánh phàm chỉ khác nhau ở chỗ là sống được với không sống được mà thôi. Phàm phu tục tử chúng ta cũng có tánh giác, nhưng không chịu sống với nó, không chịu nuôi dưỡng phát huy nên mãi mãi là phàm phu.
Đức Phật là người trí tuệ, sống trọn vẹn với tánh linh giác đó. Phật tử chúng ta cũng phải theo hướng như vậy, sống trở lại với tánh giác của mình. Ta có thể làm phước, ăn chay niệm Phật, tụng kinh, giúp người khổ sở, đắp đường làm cầu… tất cả những việc đó đều là pháp môn tu tập nếu ta không bỏ quên tánh giác. Thành ra cũng là việc làm ngay trong sự sống này, nhưng cách xử lý của chúng ta tập trung theo hướng chỉ huy của tánh giác, đó là chánh đạo. Còn nếu chúng ta làm trong ngã kiến của mình thì không phải là chánh đạo.
Đức Phật ngay sau khi thành đạo, Ngài ngạc nhiên vì sao tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đều có tánh linh giác, nhưng lại ngu mê để bị trôi giạt trong luân hồi sinh tử. Đó là tại vì chúng ta không chịu phát huy, không chịu sống lại với tánh giác của mình, mà cứ dong ruổi, lăng xăng theo những thứ bên ngoài. Cho nên bây giờ phải quay về, đừng soi rọi bên ngoài nữa. Tất cả chủ lực đều tập trung về tánh giác, như vậy là người biết tu và tu như vậy mới thu ngắn đoạn đường trở về chính mình.
Chỉ biết tính bản hữu và luôn sống với nó, quên tất cả duyên trần bên ngoài thì sẽ ổn định thật sự. Đây là cách thức tu hành thẳng tắt nhất. Ở đây nói quên tức là tu, là trở về với chính mình. Còn tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, ăn chay, bố thí… chỉ là hình thức tạo phước hữu lậu, không giải quyết tận gốc nỗi khổ trầm luân sanh tử được. Người tu thiền đến giai đoạn này gọi là sống với ông chủ, chỗ này không thể lý luận mà đòi hỏi phải sống được. Nói sống được hay thể nhập cũng là một lối lý luận nên các Thiền sư rất kỵ nói đến chỗ này. Vì vậy các Ngài thường dùng những phương tiện kỳ lạ để chúng ta không bị kẹt trong ngôn ngữ.
Người tu khác với người đời ở chỗ phải nuôi dưỡng ý chí vững mạnh, không chạy theo công danh sự nghiệp bên ngoài, mà tập trung định lực xoay về bên trong. Người đời càng gom về mình nhiều là càng thành đạt. Ngược lại người tu càng buông bỏ nhiều càng vươn tới đỉnh cao, bao giờ loại bỏ được tất cả những kiến chấp điên đảo của chính mình là thành công. Ai chưa buông được kiến chấp của mình chưa thể gọi là hành thiền.
Khổ từ đâu mà có? Từ những vọng tưởng, những kiến chấp của mình. Bây giờ muốn hết những thứ đó ta phải mạnh dạn, dứt khoát với vọng tưởng, nuôi dưỡng ý chí phấn đấu đến kỳ cùng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cho nên người có công phu tu hành là người sử dụng được tâm thể của mình trong tất cả mọi sinh hoạt. Chúng ta nói tu mà đến chỗ nào phương tiện sống không đầy đủ thì không tu được, như vậy có khác chi người đời. Ví dụ mình đến nơi đó không có Phật tử ủng hộ, không có người để nương tựa, ta tu không được, như vậy là không có ý chí.
Người tu khi đã quyết định điều gì rồi thì phải vượt qua tất cả mọi trở lực, mọi gian nan thử thách. Có cơm ăn cũng tu được, mà thiếu cơm thiếu gạo, một ngày chỉ ăn một lần cháo ta vẫn tu được, như vậy mới mong thành tựu đạo nghiệp. Như vị giáo chủ của chúng ta, trong thời gian ở khổ hạnh lâm, có khi Ngài không ăn cơm, chỉ lấy sự định tỉnh sáng suốt làm mạng sống, nuôi ý chí để vươn lên đỉnh cao là giác ngộ giải thoát. Nhờ khẳng định như vậy mới có ngày thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội Bồ-đề.
Bậc đại trượng phu lập chí cần phải như thế mới được. Ta nhất định là người chiến thắng chớ không để thua cuộc. Những cảnh ngang trái, đói lạnh khổ sở, những cái bất như ý khổ đau trong cuộc đời, tất cả đều là chất liệu để ta nuôi dưỡng ý chí, vượt qua tất cả, sống trở về với tánh linh giác bản hữu của chính mình.
Chúng ta thường dễ bị lay chuyển ý chí lắm, gặp hoàn cảnh khó khăn một chút là muốn bỏ cuộc rồi. Tu hành như vậy biết đến bao giờ mới thành Phật, mới hết khổ được vui. Thưa quí vị, chúng ta phải phấn đấu. Trong khó khăn ta phấn đấu để vươn lên, trong thuận lợi ta phấn đấu vượt qua. Phải phấn đấu quyết liệt, khẳng định là chừng nào đạt được giải thoát mới thôi.
Nếu chưa có bạn hữu, chúng ta lấy giới, định, tuệ làm bạn hữu, làm hòn đảo cho chính mình. Giới từ đâu có? Từ sự quyết tâm tu hành của ta mà có. Dám buông bỏ tất cả vọng tưởng bên ngoài, tức là giữ ba nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp đã trong lặng rồi thì tâm yên định, an ổn, từ đó trí tuệ phát sanh. Điều này chúng ta có thể thực hiện được. Cho nên người biết chọn giới, định, tuệ làm bạn hữu chân thực, luôn gắn bó trong đời sống tu hành của mình là người khôn ngoan, khéo tu.
Phật dạy trong kinh Viên Giác thế này. Thứ nhất là quán các pháp như huyễn, như hoa đốm trong hư không, dứt tâm tham sân si, trừ ba nghiệp thân khẩu ý. Tham sân si chúng ta biết rồi. Thấy người hoặc cảnh đẹp mình thích, muốn sở hữu, đó là tham. Người ta chọc giận mình nổi nóng lên la lối gây gổ, thậm chí đánh nhau, đó là sân. Đối với các pháp, loạn tưởng điên đảo không phân biện được cái nào thật, cái nào giả, mải miết tạo nghiệp, đó là si. Phật bảo muốn dứt hết những thứ này, phải quán các pháp như huyễn, không thật, giống như hoa đốm trong hư không.
Trí tuệ của Phật nhìn thấy tất cả mọi hiện tượng trong cuộc đời này đều là trò huyễn hóa. Giống như giữa ngã ba đường có huyễn sư, với xảo thuật họ bày ra những hình ảnh, những việc làm kỳ lạ nhưng tất cả đều là ảo thuật, đánh lừa thiên hạ để thu tiền. Như hoa đốm trong hư không vốn không thật có, nhưng do ta ấn tay vào mắt hoặc mắt bị bệnh nên thấy có hoa đốm màu xanh, màu đỏ, những hình ảnh nhấp nháy lăn tăn hiện đầy trong hư không. Những hoa đốm đó từ đâu có? Từ ấn con mắt hoặc từ con mắt bệnh, không đối diện được với thực chất các pháp nên thấy như thế. Kỳ thật không có hoa đốm.
Đối với con mắt tuệ của người tu, các pháp trong cuộc đời này đúng như Phật nói, chợt có chợt không, chợt hiện chợt mất, chúng không thật, không trường cửu. Ngay như cái mình quý trọng nhất là thân này, tâm này nhưng phân tích ra từng phần, nó cũng không thật, vô thường chóng vánh. Có ai giữ được mãi những gì mình ưa thích hay có ai sống mãi trong cuộc đời này đâu? Đã biết như vậy rồi, chúng ta còn lao theo, còn đắm trước để làm gì? Cho nên người biết tu, tập trung tâm lực phát huy trí tuệ của chính mình, thì mọi si mê điên đảo sẽ vỡ toang. Si mê không còn thì sân hận, tham lam cũng theo đó mà chấm dứt.
Bước đầu như vậy, nếu ta làm chủ được, sống được với trí tuệ chân thật rồi, vòng luân hồi sanh tử từ nhiều đời sẽ chấm dứt. Nếu như ta có đi trong luân hồi sanh tử, ấy là do sự tự nguyện của mình, vì thực hành Bồ-tát đạo, tùy duyên đi trong sanh tử mà không bị biến dịch bởi dòng sanh tử. Đó là đi theo nguyện lực chớ không phải bị nghiệp lực lôi kéo. Cho nên ở trong sanh tử, các vị Bồ-tát vẫn làm chủ mình khi chạm duyên xúc cảnh, khéo léo tùy căn cơ chúng sanh mà giáo hóa, thực hành tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn. Đây chính là tinh thần của Bồ-tát đạo.
Thứ hai là tâm tuệ ta có được, các kiến chấp phải buông đi, cho nó lặng lẽ luôn thì mới thực sự sống được, thể nhập được với chân tâm. Nếu mình cứ khư khư chấp vào tuệ và kiến của mình thì công phu sẽ hỏng, vì như thế là rơi vào lưới ma. Ví như ta có được một ngôi nhà đẹp nên chấp chặt vào đó, cứ sắp đặt thế này thế nọ, đi đâu cũng không dám đi, như vậy có tự tại chưa? Giá trị của cái nhà là để ta che mưa che nắng, dù cho nhà sang hay không sang, nhà trệt hay nhà lầu cũng chỉ dùng vào một mục đích ấy thôi. Nếu nghĩ cái nhà đẹp, mình cứ đi tới đi lui trong đó nói “cái nhà đẹp này của tôi, tôi không thể rời xa nó”. Thế là ta đã trở thành tù nhân của ngôi nhà ấy rồi, chớ đâu phải là gia chủ nữa!
Việc tu của chúng ta cũng vậy, tâm vừa được sáng suốt một chút, liền bị sự sáng suốt đó trói chặt, khiến ta chùng bước không dám tiến thêm, thì nhất định sẽ không đạt được đỉnh cao của sự sáng suốt. Cho nên giai đoạn thứ hai theo tinh thần kinh Viên Giác, là phải hóa giải hết tuệ giác đồng với hư không, đừng có sự bám chấp nào vào tuệ giác đó thì mới tiến được.
Thứ ba, tiến thêm một bước nữa là biết cái tâm hay biết này tức là trí giác, sở dĩ nó có là vì ta có những vọng động. Nếu vọng động lặng rồi thì cái trí giác này cũng không còn. Như tôi đã nói, cái nhà có là để cho thân này có chỗ che mưa che nắng, nếu không có thân này thì cái nhà kia vô giá trị. Có ai cất nhà để chơi không? Không có. Dù là nhà mát cũng để trốn nắng, ngồi hóng mát, nằm võng hoặc uống nước trà, đều có năng dụng của nó chứ. Từ đó ta nhận ra một điều sở dĩ Phật nói các pháp là vì chúng sanh có các thứ bệnh. Khi bệnh đã hết, pháp cũng đâu cần. Như người qua sông cần thuyền bè, đã qua sông rồi thì mang thuyền bè trên lưng làm gì? Khi đã lên bờ rồi mà ta cõng thuyền bè trên lưng đi nghênh ngang, thì người ta nói ông đó sảng rồi.
Cũng vậy, khi ta đã làm chủ được, các pháp không là gì để mình sở hữu, kiến chấp thì khi ấy cái tuệ cũng lặng luôn. Chỗ này hơi sâu một chút, chúng ta phải lưu ý, nếu không sẽ bị cái kiến quấy rầy. Do kiến chấp mình đã hiểu thấu, đã an ổn nên không soi rọi lại mình nữa, mà dòm ngó qua người khác. Càng nhìn người ta chừng nào càng thấy phiền não chừng ấy. Như thế là công phu đã hỏng.
Nói tới đây tôi nhớ câu chuyện “Cửa tùng đôi cánh gài”. Chuyện kể về một anh chàng có thanh gươm bén và một cái kiếng chiếu yêu gọi là “mê ngộ cảnh”, do sư phụ trao cho. Khi rọi kiếng đó vào ai thì quỷ quái ma mị gì nơi người ấy hiện nguyên hình. Anh chàng này đem thanh gươm bén và kiếng chiếu yêu đi vào cuộc đời với tâm nguyện làm các Phật sự. Dùng mê ngộ cảnh rọi thấy yêu ma quỷ quái gì, anh liền tuốt gươm bén chặt đứt hết.
Suốt một thời gian dài anh sử dụng mê ngộ cảnh và thanh gươm ấy, không thấy thần tiên Phật thánh gì, mà toàn là ma quái thú vật dữ dằn, cho nên anh tuyệt vọng. Càng tuyệt vọng với những hình ảnh bên ngoài, anh càng ngỡ mình là Thánh. Bởi vì càng rọi thiên hạ, anh càng thấy tham lam tật đố, nên ngỡ chỉ có mình là thiện lành. Cho đến cuối cùng, anh thử rọi lại mình. Chu cha ơi! Cọp gấu hung dữ còn thua xa so với những hình thù quái dị ghê tởm trong gương bây giờ. Thế là anh đổ vỡ hoàn toàn với chính mình.
Câu chuyện còn dài, nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến điểm hãy tự quán chiếu mình nhiều hơn là soi rọi ra ngoài. Nếu ta hóa giải được loài cọp sói nơi mình thì hãy dùng kính chiếu yêu soi rọi các cọp sói nơi người. Thanh gươm bén ấy hãy sử dụng thật tốt với những thú dữ nơi mình trước khi đem sử dụng cho các loài thú dữ bên ngoài. Như vậy mới xứng đáng là kính trừ yêu và gươm trí tuệ.
Vì vậy theo tinh thần kinh Viên Giác là chúng ta phải dẹp luôn tất cả những kiến chấp của chính mình. Như vậy mới tạo được khí thế bình đẳng giữa mình người. Nếu không như thế, một lúc nào đó ta sẽ tuyệt vọng về chính mình thì khổ đau tăng lên bội phần. Chúng ta là người tu, luôn luôn dùng mê ngộ cảnh soi rọi mình trước, đồng thời cũng tạo phương tiện tu hành hằng ngày, tức là mài luyện thanh gươm trí tuệ cho thật sắc bén.
Nếu chúng ta thấy rằng mình bị khổ sở, danh lợi nó cứ quấy rầy hoài, bây giờ tụng kinh niệm Phật, học thiền, nghiên cứu Phật pháp vơi bớt phần nào thì chúng ta cố gắng đi sâu vào các việc ấy. Đến một lúc nào đó, ta quên hết mọi khổ đau thế gian, thì xoay lại bỏ luôn những phương tiện kia. Đây mới thật sự là chỗ tự tại thanh nhàn, không bị lệ thuộc bất cứ một pháp gì. Sống như thế mới tự tại giải thoát, còn lệ thuộc một pháp nào là còn trói buộc, cho dù pháp ấy do Phật dạy. Bởi khổ đau vốn không thật, nó chỉ là ảo giác do vọng tưởng dệt nên. Khi chúng ta đã nhận ra rõ điều này thì tất cả đồng thời tan biến, tự nhiên liễu ngộ thực tánh các pháp và sống trở về với bản tâm chân thật, không thông qua một phương tiện nào cả.
Ở đây nói tinh thần thiền, người sống được với mình là triệt tiêu những ảo giác. Chừng ấy sống bằng trực giác, thấy sao nói vậy, không tính toán nghĩ suy, không dính không kẹt vào tâm, vào kiến gì cả. Hỏi thiền nói thiền, hỏi đạo nói đạo, không hỏi thì im lặng. Xử lý lúc nào cũng hợp thời hợp cảnh hợp lý, tinh thần luôn luôn trong sáng thanh thản. Cần thì làm, không cần thì mọi thứ đều ở nguyên vị trí của nó. Chừng ấy mê ngộ cảnh có rọi vào chẳng thấy được gì, bởi tâm dứt bặt không mảy may vọng lự, thì có gì để hiện bóng? Khi ấy không muốn thành Phật cũng là Phật.
Được vậy thì còn gì hạnh phúc, an vui bằng. Cho nên nói buông tất cả là được tất cả, thật không phải ngoa vậy.