headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 29/04/2024 - Ngày 21 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀM DƯỠNG NỘI TẠI

 Buổi sinh hoạt hôm nay chúng tôi nói về tinh thần Hàm Dưỡng Nội Tại, tức là nói về hàm dưỡng công phu của người tu. Thực ra, các hình thức biểu trưng bên ngoài cũng cần thiết, nhưng nó rất giới hạn đối với người chuyên tu. Đi sâu vào kinh nghiệm tâm linh thì vấn đề nội tại đặc biệt được chú trọng.

Công phu thế nào để hàm dưỡng được nội tại hay là kiện toàn chín chắn, sâu sắc nội tâm, đó là phần chính. Bởi nếu nội tâm  bên trong không được nuôi dưỡng tốt thì dù bên ngoài có các hình thức tốt đẹp vẫn không giúp chúng ta giải quyết được mọi vấn đề then chốt của con người. Cho nên người tu nhất định không thể thiếu sót, không thể xem thường nội tâm mình. Chúng ta phải biết cách tận dụng, giữ gìn, hàm dưỡng cho tâm luôn khỏe mạnh, tăng tiến, không để bất cứ trở lực hay nghịch duyên nào làm nó lui sụt, yếu kém.

Ta có thể thiếu gạo, thiếu vật nọ vật kia nhưng không thể thiếu một nội tâm vững vàng. Khi đã quyết tâm tu rồi, khó khăn bên ngoài là những chiến hữu, là nguyên liệu cần thiết đối với người tu. Bởi không có sự thành công nào không bắt đầu từ những khó khăn, gian khổ. Nhất là người tu hành, chúng ta không thể nào ngồi chơi qua ngày, bên ngoài sống một cách hời hợt mà có thể đi vào nội tâm sâu sắc. Nhiều vị xuất gia rồi tu qua ngày, lấy lệ, cầm chừng gọi là gieo duyên vậy thôi. Với tinh thần này thì việc thâm nhập đạo lý vi diệu của Phật pháp xem như vô phần.

Vì thế, không tu thì thôi, nhưng đã nuôi ý chí xuất trần, làm bậc thượng sĩ thì phải nỗ lực. Chỉ những người quá dung dị mới dễ duôi, xem thường thời gian, yên lòng chấp nhận cuộc sống lơ lơ láo láo qua ngày. Khi chúng ta còn trẻ, khoẻ, tất cả các giác quan đều mạnh mẽ mà không siêng tu, thì lúc già yếu rồi, mắt mờ tai điếc, tay chân quờ quạng, muốn tu cũng không tu được. Đã vậy công phu theo đó trăm bề khó khăn, làm sao tăng tiến được.

Đối với hành giả tu thiền, chúng ta lại càng đặt trọng tâm tu hành ngay trong sinh hoạt hằng ngày, tất cả cảm nhận của các giác quan. Đó là phương tiện, là những nấc thang tạo đà tiến không thể nào thiếu được. Bao nhiêu vấn đề chung quanh cuộc sống này: thấy nghe, tiếp xúc, ăn nghỉ, đi lại, quan hệ… đủ thứ chuyện để chúng ta tu. Chỉ làm sao trong mọi tiếp xúc ta đều thức tỉnh, vững mạnh vươn lên, thấu thoát siêu xuất. Đó chính là mục đích của người tu chúng ta.

Các bậc Thánh nói: Cõi đời là cõi khổ khổ, là cõi kham nhẫn. Kham nhẫn nghĩa là gì? Nhịn, chịu, chấp nhận. Còn khổ khổ là sao? Đã khổ mà lại khổ. Ví dụ mang cái thân này đã khổ rồi, nóng lạnh bức bách, già bệnh ép ngặt, muốn đi, đi không được v.v… Vậy mà ta lại còn gây khổ cho nhau. Miệng nói lời cay cú, thân làm việc tổn hại người khác, không biết bao nhiêu việc tạo khổ lẫn nhau.

Sự hòa hợp của thân là do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Đất là thịt da cứng chắc. Nước là chất lỏng như máu mủ mồ hôi… Gió là hơi thở. Lửa là hơi ấm. Bốn thứ nếu thuận thì còn ở chung trong một điều kiện giới hạn nào đó, nhưng nếu một trong bốn thứ nổi cơn bất thường thì thân khó mà bảo đảm. Hợp đồng này không có gì an toàn cả,  anh nào muốn xé lẻ thì cứ xé thôi!

Đối với thân vô thường như vậy, làm sao chúng ta có năng lực nội tại để làm chủ được nó, sử dụng được nó? Cho nên ngay trong lúc còn khỏe mạnh, kịp thời nắm bắt hướng nó theo ý muốn của mình. Ta không nỗ lực, lại để thời gian trôi qua mất, về già yếu đuối không thể chống chọi lại với sự khống chế của tứ đại. Bấy giờ nhắm mắt đành phải xuôi tay, nghiệp dẫn đi đâu thì theo đó, khổ lại càng khổ. Quý vị nào có qua đò trễ thì biết, khi thấy đò sắp rời bến, mình chạy chân này đạp qua chân kia, có khi té nhào xuống sông chớ không lên được đò. Mà có lên được thì cũng đứng không vững, mệt thở không kịp. Tai hại lắm!

Cũng thế đối với thân này, ta sắp đặt việc tu hành trễ là nguy. Niệm Phật không kịp, đến lúc quờ quạng, đau khổ cùng cực, người chung quanh biểu niệm Phật, nhưng không biết đầu óc có tỉnh táo để niệm không? Hay lúc đó thân thể đau đớn, tinh thần hoảng loạn hoặc hôn mê, không còn nhớ tới Phật để niệm. Chỉ thấy những hình thù quái dị tới lôi kéo mình đi, sợ hãi kinh hoàng bao nhiêu thống khổ cũng khó mà biết được. Đó là vì thiếu sự hàm dưỡng công phu, kiện toàn nội tại lúc còn sinh tiền nên giờ lâm chung mới như vậy.

Tôi nhớ câu chuyện của một nhà sư xuất gia muộn, nhưng biết hàm dưỡng công phu, nên ở trong đạo chẳng bao lâu mà được kiến đạo. Sau thời gian xa nhà, Ngài thấy có thể trở về quê hương thăm cha mẹ quyến thuộc và có ý muốn độ họ. Nhưng Ngài không ngờ khi về đến nơi thì không còn một người thân. Tất cả đã đổi thay, cha mẹ qua đời. Đứng trên nền nhà cũ, bất giác Ngài cảm khái về hai chữ vô thường, và chợt nhận ra may là mình còn đây! Từ cảm khái ấy, Ngài nghĩ: Ta sẽ dựng lại căn lều nhỏ tại nền nhà này. Một là kỷ niệm song thân. Hai là lưu lại đây một thời gian, hy vọng những người chung quanh xóm làng sẽ đến, ta nhân đó giáo hóa hướng dẫn họ đi theo con đường thiện.

Nghĩ là làm, sư dựng ngay một am tranh nhỏ trên nền nhà cũ. Ban ngày thỉnh thoảng cũng có người tới lui, nhưng chẳng ai cúng kiến gì cả, vì họ nghèo và chưa hiểu Phật pháp nhiều. Chỉ nghe nói ngày xưa cha mẹ sư ở đây nên bây giờ tới thăm vậy thôi. Nhưng về đêm, chung quanh thảo am của sư, người ta thấy hào quang rực sáng. Lúc đầu dân địa phương không quan tâm đến việc này, nhưng sau mỗi lần gặp sư, nghe sư nói những chuyện đạo lý, là mỗi lần họ thấy lòng cởi mở, an lạc, thích thú. Từ đó dường như có một năng lực hướng họ về con đường thiện. Vì thế không bao lâu nhà sư quy tụ được số bà con ở trong vùng về rất đông. Dần dần người ta phát hiện được ánh sáng đặc biệt chung quanh thảo am của sư.

Hôm đó, số đệ tử gần gũi trình với sư việc này. Sư điềm nhiên bảo: “Ánh sáng ấy là của chư thiên đến nghe pháp. Trong số đó có cha mẹ và thân quyến của tôi. Nhờ công đức tu hành của tôi nên cha mẹ được sanh thiên. Vì vậy mỗi đêm thường đến thăm cũng để nghe pháp”. Không bao lâu sau, am tranh của sư biến thành đạo tràng lớn với lòng ngưỡng mộ của đông đảo Phật tử được sự giáo hóa của Sư.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy công đức tu hành lớn lao như thế nào. Nếu nhà sư kia xuất gia mà tu hành không ra gì thì làm sao có được những lợi lạc lớn lao như thế. Cho nên biết công đức tu hành của một người biết hàm dưỡng nội tại sẽ ảnh hưởng đến cha mẹ và quyến thuộc rất nhiều. Còn chúng ta ngày nay lo xây dựng chùa chiền, am thất rộng lớn khang trang mà không có công đức, không biết hàm dưỡng công phu nên chẳng thể biến thành đạo tràng mà còn bị ăn trộm khoét tường đục vách nữa chứ. Đủ biết công đức do nội lực tu hành quan trọng đến ngần nào.

Nói đến đây, tôi nhớ câu chuyện tên ăn trộm với Thiền sư Nhật Bản thuở xưa. Thấy Thiền sư đang ngồi thiền ngoài hiên, tên trộm lẻn vào lục lạo bên trong. Nó tính lấy hết áo quần và số tiền ít ỏi của Ngài rồi vọt mất. Ngài tằng hắng bảo: “Nè ! Để lại một ít đồng ngày mai Thầy dùng với. Cám ơn đàng hoàng rồi hãy đi, tội gì phải lén lút như vậy!” Tên trộm nghe xong hoảng vía để lại ít tiền rồi nói: “Cám ơn Thầy! Con đi”.

Hắn đi chẳng bao xa liền bị quan bắt với tang chứng còn trên tay. Thế là Thiền sư được mời đến. Quan tòa hỏi:

- Hồi hôm, tên trộm này có vô chùa thầy lấy gì không?

Thiền sư trả lời:

- Không! Tôi cho nó mà. Nó còn cám ơn tôi đàng hoàng.

Thế là tên trộm được trắng án, thả về. Nhưng hắn không chịu về mà lại riu ríu theo Thiền sư. Tới nơi, hắn quỳ xuống chấp tay kính cẩn thưa:

- Bạch Ngài, xin nhận con làm đệ tử của Ngài. Con nguyện suốt đời theo Ngài tu học.

Chuyển! Chúng ta thấy rõ ràng Thiền sư đã chuyển được tên trộm bằng chính nội lực tu hành của Ngài. Chỉ có nội lực thâm hậu mới giúp ta vững mạnh và chuyển được tất cả. Cũng vậy, khi biết cuộc sống hiện tại của mình là khổ khổ, kham nhẫn thì sao không “Kính chuyển” nó đi cho rồi. Ví dụ bây giờ mang thân bệnh hoạn đau khổ, nếu chuyển được thân là tốt, ta nên vui mừng chớ sao lại sợ? Trong từng phút giây, từng tâm niệm với công phu tích cực, chúng ta chuyển thân tứ đại bất an để được năm phần Pháp thân thanh tịnh giải thoát. Mọi hoàn cảnh chung quanh ta đều chuyển hết. Từ phàm chuyển thành Thánh, từ khổ chuyển thành vui, từ mê chuyển thành trí. Đó là người biết hàm dưỡng nội tại.

Trong đạo tràng này, nếu tất cả mọi người đều ý thức công phu hàm dưỡng, tâm trí sáng suốt, đạo đức đầy đủ thì mỗi một người là một đạo tràng. Chừng ấy đạo tràng này sẽ biến thành trăm ngàn đạo tràng tốt đẹp với trăm ngàn Hóa chủ. Mỗi nhân khẩu là mỗi vị Hóa chủ, mỗi vị Phật, mỗi vị Bồ-tát, mỗi vị Đạo sư. Ôi! To lớn biết là bao nhiêu! Cho nên bây giờ huynh đệ chúng ta cố gắng chuyển thì trú xứ của mình sẽ trở thành Tịnh độ hiện tiền, chớ có đâu xa.

Công phu tu hành này phải được thực hiện hằng ngày, không thể chờ đợi. Ví dụ chúng ta được Hòa thượng chỉ dạy tu thiền rồi, thì phải bắt tay vào thực tập tọa thiền ngay, không lần lựa hẹn ngày mai ngày mốt. Không thể ngồi đó đợi chờ hay ỷ lại vào người khác giúp đỡ. Điều này đã được thể hiện qua rất nhiều tấm gương của các bậc tu hành đắc lực xưa cũng như nay.

Có một chú tiểu rất thông minh, dễ thương ai cũng mến, nhưng ngặt nỗi chú lại hiện tướng đoản mệnh. Quí thầy mỗi lần gặp đều xuýt xoa “Chú mày yểu tướng, phải ráng tu chuyển, may ra mạng sống sẽ thay đổi.” Chú tiểu quả thật có chủng tử tốt sâu dày nên nghe lời của quý thầy, siêng năng tu hành liên tục.

Hôm đó quý thầy sửa lại chỗ ở của chư Tăng, nhưng thiếu một cây xương. Chú tiểu có một cây gậy đặc biệt và rất quý nó. Khi nghe quí thầy nói còn thiếu một cây nữa, chú liền phát tâm dũng mãnh, đem cây gậy mình thích nhất cúng dường. Nhờ tạo công đức ấy mà công phu tu hành của chú ngày một tăng tiến. Không ngờ sau một thời gian dáng dấp của chú thay đổi. Thay vào đó là dung nghi đĩnh đạc, mỗi ngày chú càng phát huy cốt cách của một vị Tăng đầy đủ phúc trí, tuổi thọ dài lâu. Từ đó công đức tu hành phát triển đến độ viên mãn, vị Tăng thành tựu quả vị an lạc giải thoát ngay trong hiện đời.

Đó là lợi ích thiết thực nhất của công phu hàm dưỡng. Hàm dưỡng là chuyển hóa những gì không tốt còn tồn đọng bên trong chúng ta. Tu hành, có những việc lớn lao ta làm được, mà đôi khi những việc tế nhị, chín chắn thì ta lại không làm được. Do đó lẽ ra công phu tu hành thành tựu nhưng lại vuột mất.

Như Thiền sư Từ Minh ở trong hội của ngài Thiện Chiêu. Nơi này mùa đông đóng băng, lạnh thấu xương. Ai không vững tâm, năng lực tu hành kém sẽ không chịu nổi. Huynh đệ lần lượt kéo nhau tháo lui hết, riêng ngài Từ Minh tuyệt nhiên không nao núng. Dĩ nhiên Ngài cũng bị cái khổ của thân bức bách. Ngoài sự chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, Ngài cũng như chúng ta ngồi thiền buồn ngủ đau chân, rồi cũng sổ mũi, nhức đầu… Có một lần để trị bệnh buồn ngủ, Ngài đốt một cây dùi sắt để sát bên đùi, ma ngủ kéo đến, gục một cái là phỏng đùi ngay. Bị phỏng một lần là tởn, nhờ thế công phu của Ngài mau tăng tiến.

Lúc sắp thành tựu việc lớn, tiếng tăm Ngài đã vang dội trong chốn thiền gia. Một hôm nhân có thơ mời của các nhân vương, tức quyến thuộc nhà vua. Những vị này sắp mất, nghe danh nhưng chưa thấy mặt nên muốn được gặp Ngài trước lúc lâm chung. Ngài đi với một vị thị giả. Việc thăm viếng tốt đẹp, khi trở về trên thuyền ngài Từ Minh nói với thị giả: “Ta vừa bị căn bệnh phong thấp giựt méo miệng”. Thị giả cũng chẳng phải tay thường, nhìn thấy miệng Ngài méo một bên liền la lên: “Hằng ngày miệng của Thầy nói Thiền nói Đạo, mắng Phật mắng Tổ, bây giờ nó méo xẹo rồi. Ngài bảo: “Ngươi đừng lo! Ta sẽ sửa lại”. Nói xong, Ngài kéo miệng trở lại bình thường trong lúc đang đau. Đó! Những con người khí phách, đặc biệt như thế.

Người xưa luôn luôn là vậy. Không có ai thành công trong sự dễ dàng. Ngay như đức Thế Tôn của chúng ta, không kể thời gian vô lượng ba a tăng kỳ kiếp về trước, chỉ kể thời gian Ngài sinh ra làm Thái tử Sĩ Đạt Ta ở kinh thành Ca Tỳ La Vệ thôi. Là một ông Hoàng được cưng chiều tột bực, sắp sửa kế thừa vương vị của vua cha, cho nên Ngài được nuôi dưỡng như ở cõi trời. Mùa nắng có cung điện mùa nắng, mùa mưa có cung điện mùa mưa, mùa lạnh có cung điện mùa lạnh… nhưng Ngài đâu có vui. Bởi đức Phật đã có chủng tử tu từ vô lượng kiếp rồi.

Một lần thấy cảnh già bệnh chết, Thái tử đã khoắc khoải suy tư về thân phận con người. Rồi cung phi mỹ nữ lúc mệt mỏi úa tàn, phấn chảy son phai, Ngài ngao ngán chán chường, chẳng có gì vui thú! Những người thường như chúng ta cũng thấy thế nhưng đâu biết chán sợ, còn nghĩ làm lại cho đẹp. Ngài một lần thấy là thấu được vấn đề đằng sau đó. Thì ra mọi thứ chỉ là lớp giả dối bên ngoài, bên trong không phải như thế.

Cảm nhận như vậy rồi, Ngài mới tìm đường xuất gia. Trải qua bao nhiêu gian khổ, năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh, có lúc tưởng như Ngài đã tắt thở vì kiệt sức. Nhưng cuối cùng, bằng ý chí, trí tuệ và năng lực tuyệt vời Ngài đã vươn lên, vượt thoát mọi sự cám dỗ của thế gian, chiến thắng nội ma ngoại ma bằng công phu thiền định. Tuệ giác như thật phát sinh, Ngài thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khi sao mai vừa mọc dưới cội cây Tất-bát-la.

Chúng ta cũng thấy những cảnh già, bệnh, chết. Chẳng những thấy thân người mà ngay nơi mình cũng đang già, bệnh và sắp chết tới nơi. Nhưng ta chẳng cảm nhận điều gì như đức Phật, lại còn dễ duôi xem thường. Thấy người ta cười mình cũng cười, lát nữa thấy người ta khóc mình cũng khóc. Hoàn toàn mất hết tự chủ. Cho nên chúng ta bị kéo trôi trong cuộc đời bởi các hiện tượng bên ngoài. Phật nói chúng sanh mất mình là như thế.

Nên nhớ công phu hàm dưỡng phải được phát huy từ bên trong chúng ta. Tuy các duyên bên ngoài hỗ trợ phần nào, song chủ yếu là tự trong tâm ta. Chuyển hóa liên tục từ xấu thành tốt. Nhờ chuyển hóa được nên chúng ta mới có thể tu hành, nếu không mãi mãi mình là chúng sanh thì Phật cũng chẳng thị hiện ra đời làm chi! Cho nên nỗ lực công phu chuyển hóa mới có thể hàm dưỡng nội tại vững vàng và đi đến giác ngộ giải thoát.

Ngày xưa, khi đã được Thế Tôn cho gia nhập vào tăng đoàn, trở thành người xuất gia “bỏ nhà, không nhà học đạo” thì ai nấy đều tập trung vào thiền quán để thành tựu Thánh vị. Các thầy không phải đi học các lớp Sơ cấp, Trung học, Cao cấp nào hết. Chúng ta bây giờ phải qua mấy vòng cấp ấy, mất hết cả chục năm. Tới đó đâu đã xong, còn lên Học viện Phật Giáo, tức là Đại học rồi du học xứ này xứ nọ, mất thêm chục năm nữa. Giả sử lúc xuất gia mình 20 tuổi, thì bây giờ đã 40 tuổi. Thưa quí vị, tuổi này bắt đầu bệnh phong thấp hành rồi đó, ngồi thiền đâu có được nữa.

Hồi hai mấy ba mươi còn khỏe mạnh không lo tu, bây giờ lớn tuổi lại bận rộn đủ thứ Phật sự. Lãnh chùa, thâu nhận đệ tử, hoằng pháp lợi sinh, làm tất cả việc. Chỉ thiếu có việc tu thôi. Thì hỏi thành đạo vô chỗ nào? Thế nên ngay trong lúc ta còn trẻ khỏe, chỉ mong huynh đệ cố gắng mãnh tỉnh, nỗ lực tiến tu. Làm gì thì làm cũng không thể bỏ qua việc tu tập. Tất cả đều là thứ phụ, chỉ tu mới là việc chính của người xuất gia theo Phật.

Ngày xưa, thời Phật còn tại thế có một nhóm Tỳ-kheo sau khi nhận đề mục thiền quán của Thế Tôn rồi, các thầy định vào rừng hạ thủ công phu. Giữa đường gặp một nữ thí chủ phát tâm tứ sự cúng dường cho quý thầy trong ba tháng an cư. Sau khi nỗ lực chuyên cần quán bất tịnh, kết quả qua mùa hạ ấy các thầy thành tựu quả vị A-la-hán và độ cho nữ thí chủ kia chứng được đệ tam quả A-na-hàm.

Một thầy Tỳ-kheo khác nghe bạn hữu được kết quả như thế, nên nảy sanh ý định xin đức Phật tới đó. Quí thầy nhắc “Vị thí chủ ấy đã chứng tam quả, có tha tâm thông. Thầy mà vọng tưởng bậy bạ là bà tống cổ ngay”. Vị Tỳ-kheo này vẫn cương quyết đi. Sau khi đến nơi, thầy vừa nghĩ ăn món gì bà liền cung cấp món ấy. Ban đầu thầy thấy thích thú, nhưng sau đó hoảng sợ nên tìm cách rút lui. Về đến Tinh xá, thầy trình với đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn! Con xin rút lui, không dám ở đó nữa.

Phật hỏi:

- Sao vậy?

- Con sợ quá! Bà ấy biết hết tâm con. Nếu con không giữ được mình, nghĩ bậy bị bà đuổi đi thì thật xấu hổ.

Phật biết cơ duyên chứng đạo đã đến nên khuyến khích thầy Tỳ-kheo này:

- Ông nên trở lại chỗ ấy, nhất tâm chuyên cần, chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt.

Vâng lời Phật dạy, thầy quay trở lại. Vì ở trong hoàn cảnh bắt buộc phải chánh niệm, không dám nghĩ gì khác, nên chẳng bao lâu sau thầy Tỳ-kheo liền chứng quả A-la-hán.

Câu chuyện cho chúng ta thấy người xưa tu không bận rộn nhiều việc như mình. Các vị cũng sống, cũng ăn cơm mặc áo nhưng chỉ có làm mỗi một việc thiền quán mà thôi. Nghĩa là tới giờ thọ trai, thí chủ dâng thức ăn tới thì thọ trai. Thọ trai xong, trở về chỗ của mình, theo lời dạy của đức Thế Tôn mà thiền quán. Cho nên mỗi ngày công phu mỗi tăng tiến. Ví dụ như quán bất tịnh thì bỏ được tham đắm sắc dục, ái nhiễm, bỏ dần cho đến thành tựu Thánh đạo.

Bây giờ chúng ta chưa được như vậy, thì phải tu làm sao? Cũng phải công phu, chứ không lẽ cứ ngơ ngơ qua ngày. Nếu không sáng được việc lớn, ít ra cũng nhận được ông chủ của mình, thấy được thực chất của pháp, danh từ chuyên môn trong nhà Phật gọi là kiến đế. Chúng ta nhận ra mình có khả năng thành Phật rồi thì không cần thiết những thứ khác nữa, tập trung phát huy một việc này thôi.

Chúng ta học Phật, ai cũng biết mình có chủng nhân thành Phật. Hòa Thượng đã dạy từ lâu nay, mọi người đều có tánh giác bất sinh bất diệt. Tâm thể thanh tịnh sáng suốt trùm khắp ấy ai cũng có, tại sao ta chưa nhận được? Như vậy mình còn thiếu cái gì? Thiếu hàm dưỡng nội tại. Tôi muốn lặp lại như ý của đức Thế Tôn đối với thầy Tỳ-kheo hồi xưa vậy. Chúng ta đã có của báu trân quý vô giá rồi, bây giờ chỉ cần tập trung phát huy nó để dùng, để sống, đừng làm kẻ lang thang nghèo đói nữa.

Muốn thế chúng ta phải thực hành công phu miên mật, chánh niệm để có một nội tâm vững chãi, dẹp bỏ tất cả các thứ vọng tưởng tạp nhạp, chuyên tâm nhất ý vào việc thiền quán, thì nhất định sẽ thành tựu Thánh đạo. Người xưa tu thế nào, bây giờ chúng ta cũng phải tu như thế ấy, chớ không thể khác đi được. chúng ta luôn nhớ một điều này: “Tâm phàm phu xoay vần theo ngũ dục, xao động không thể nắm bắt. Chỉ những ai đã điều phục được tâm mình mới được yên vui”. Muốn yên vui là phải điều phục tâm, tức  hàm dưỡng nội tâm.

Tổ Quy Sơn dạy thế này, người xuất gia tu hành phải “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức.” Nghĩa là trong thì siêng năng giữ chánh niệm, ngoài thì bủa đức không tranh. Chư Tổ không biểu chúng ta phải lạy Phật ngày một ngàn lạy, hay nhịn ăn nhịn uống; mà “Nội cần khắc niệm chi công”. Công phu tu hành bên trong cần phải siêng năng hàm dưỡng bằng cách dẹp sạch, buông bỏ những vọng tưởng điên đảo, không lăng xăng vướng mắc bất cứ thứ gì. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai “Ngoại hoằng bất tranh chi đức”, nghĩa là đối với bên ngoài mở rộng đức không tranh cãi. Ta biết tất cả các pháp, các cảnh duyên đều giả hợp không thậät, nên không cần lý sự gì về nó. Các pháp như thế nào cứ để nó như thế ấy, không đặt thành vấn đề tốt xấu hay dở gì cả. Đó là đức không tranh cãi của người tu. Người tu mà tranh cãi là mất hết phong thái của người tu rồi! Bởi vì biết nhiều quá nên chuyện hay dở, tốt xấu của ai mình cũng xen vô. Từ đó tha hồ lý sự tranh cãi, làm mất lòng người ta, tức là mất hết công đức của mình.

Làm sao giữ được trong ngoài như tổ Quy Sơn đã dạy thì mới có thể nuôi dưỡng được công đức đầy đủ, tức là có nội tại tâm linh sâu sắc. Phát huy được như thế là phát huy được trí tuệ chân thật của mình. Hòa thượng Viện trưởng thường dạy: “Một niệm dấy khởi, biết nó không thật, buông, không theo. Đừng để nó kéo mình đi, cũng không quan tâm chạy theo nó”. Không chạy theo nó là ta có định, biết nó không thật là ta có tuệ. Cho nên tu thiền là định tuệ hiện tiền.

Tóm lại, muốn công đức tu hành của chúng ta được trọn vẹn, nội tại vững vàng, tất cả huynh đệ cùng nhau nỗ lực tu tập, phấn đấu nhiều hơn. Chuyển hóa dần nghiệp tập cũ, nhất định chúng ta sẽ thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát. Trong đạo tràng, huynh đệ tương trợ nhau cùng phấn phát, phấn đấu vươn lên. Đó là những lời tôi xin được gởi đến toàn thể đạo tràng.

Chúc quí vị được nhiều an lạc trong công phu tu tập của mình.

[ Quay lại ]