headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 26/04/2024 - Ngày 18 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Khắc Phục Những Họa Hoạn Của Thân

 Buổi sinh hoạt đạo lý hôm nay chúng tôi sẽ nói về đề tài Những Họa Hoạn Của Thân. Vì đối với người tu chúng ta, nếu ai tu tiến được và làm chủ được thân tâm này, người đó có thể gọi là tự chiến thắng mình.

Tuy chúng ta đều biết thân này không thật, nhưng làm chủ được nó rất khó, không phải chuyện đơn giản. Làm chủ được thân này rồi, theo đó sẽ làm chủ được tâm. Nói tâm nhưng thật ra nó là những bóng dáng của sáu trần còn lưu đọng lại trong tàng thức của chúng ta. Cái ấy chưa phải là tâm thật, nó là vọng tưởng.

Trong giai đoạn đầu đối với thân này, công phu hằng ngày của chúng ta là sửa đổi, loại bỏ những gì không cần thiết trong sinh hoạt. Nghĩa là chúng ta tuân thủ theo giới luật Phật dạy, có thời khóa biểu đàng hoàng, có phương pháp gìn giữ, khắc phục, không để tâm ý buông lung, dẫn dắt thân hành động nói năng sai quấy.

Người xưa thường nói “Có thân là có khổ”, không ai có thân mà không bị sự chi phối của nó khiến cho khổ đau. Vì sao khổ đau? Vì thân do bốn chất trái nghịch hòa hợp nhau mà có. Bản chất của nó luôn chống đối nhau, nên ta thường gặp những bất an bất ổn, những thứ không hài lòng về thân vật chất cũng như tinh thần. Người tu có công phu, có năng lực sẽ được khinh an. Ngược lại không hiểu, không làm chủ được mình thì lúc nào cũng bị thân này bức bách, không yên.

Tổ Quy Sơn dạy: “Nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy”, nghĩa là do nghiệp ràng buộc mới thọ thân này, nên không thoát khỏi khổ lụy. Đã do nghiệp ràng buộc, bây giờ muốn thoát khỏi, ta phải tu để cởi ra, để cắt đứt dòng nghiệp này. Thành ra có ai hỏi tu là sao, chúng ta có thể trả lời tu là cởi bỏ, là cắt đứt những sự ràng buộc của nghiệp. Lại, trong nhà Phật chủ trương chuyển nghiệp. Đây cũng là một nghĩa khác của chữ tu.

Chúng ta biết rằng sở dĩ có nghiệp tập, là do những sinh hoạt từ miệng, thân và ý tưởng của mình mà ra. Cứ thế ta sinh hoạt lặp đi lặp lại, tạo thành năng lực kết nghiệp. Như vậy nghiệp có từ thân, miệng, ý hay nói gọn từ vọng tâm của chúng ta. Khi hiểu như vậy rồi, ta có quyền nhận hoặc không nhận những ý tưởng phát khởi từ mình. Bởi đâu ai có quyền ngoài ta, khi tất cả những ý tưởng đó xuất phát từ mình. Chúng ta có quyền cởi bỏ những nghiệp nào, những sinh hoạt nào không cần thiết. Ngang đây ta thêm một định nghĩa nữa: “Tu là sáng suốt biết rõ những năng lực nào, sinh hoạt nào của thân miệng và ý không cần thiết thì bỏ đi”.

Trong luận Đại Trí Độ nói: “Chúng sanh có ba món khổ của thân là già, bệnh, chết và ba món khổ của tâm là tham, sân và si”. Nếu chúng ta không khắc phục, không dừng được những vọng niệm, nó sẽ trở thành năng lực dẫn dắt ta tạo nghiệp. Từ đó hình thành tiếp tục thân này, thọ nhận quả báo trong các đường, trôi lăn trong sanh tử không có ngày dừng.

Những đề án của con người đã rõ ràng trước mắt, không cần phải nghiên cứu ở đâu xa xôi. Đó là cái già, cái bệnh, và cái chết. Bản thân chúng ta, người thân chúng ta cũng già bệnh chết. Tất cả người trong xã hội, trong toàn thế giới, ai có thân này cũng đều bị bản án già bệnh chết, không ai thoát khỏi. Đây là một đề án lớn để chúng ta chiêm nghiệm, phá án. Người tu là nhắm thẳng vào những đề án này. Bao giờ chúng ta thấy thủng, thấy thực bản chất của già bệnh chết là chúng ta ngộ đạo, là phá được bản án.

Con người có những khối u nguy hiểm vô cùng lẩn lút ở đâu, trong thân, trong tâm chúng ta. Đó là những khối u tham, sân và si mê điên đảo. Đã là khối u nên một ngày nào đó nó sẽ vỡ ra. Giống như người bị bệnh ung thư, đến lúc không còn chạy chữa nổi thì khối u ấy vỡ ra, phải chịu chết thôi. Khối u của tham, sân, si nếu không kịp thời điều trị nó cũng sẽ vỡ ra. Nó vỡ ra rồi thì có vấn đề của các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cho nên nếu chúng ta cứ mê trong tham sân si, thì rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là chuyện đương nhiên.

Với tinh thần tu hành, chúng ta phải soi thủng tại sao già, tại sao bệnh, tại sao chết? Từ đâu có những thứ ấy? Phá được một món như vậy tức là ta có tỉnh. Trước tiên ta có thể quán chiếu một trong ba thứ ấy, thấy tột bản chất của nó, sau đó mới dẹp trừ. Phá những khối u thì cùng một nguyên tắc, nhưng phương thuốc dành cho mỗi thứ có khác nhau.

Khối u tham còn ở trong con người, nó sẽ hại cho thân thể hao mòn khô kiệt, tâm lực cháy bỏng. Bởi vì tâm lúc nào cũng ở trong tình trạng khát khao mong muốn mà không được. Do đó người tu nhất định phải loại bỏ khối u tham. Trong kinh nói nếu không tu được với nghiệp tham, sẽ rơi vào loài ngạ quỷ. Làm thân quỷ đói,  khổ đau vô vàn. Càng nghiên cứu lời Phật dạy chừng nào, chúng ta càng thấy tường tận từng thứ tâm niệm của mình trong sinh hoạt hằng ngày. Từ đó đức Thế Tôn đưa ra các phương thuốc cho chúng sanh trị liệu các thứ bệnh trên. Đối với bệnh tham, Phật dạy dùng pháp bố thí để trị. Muốn mau hiệu nghiệm phải thêm pháp quán vô thường.

Con người sinh ra ai cũng phải già, bệnh, chết và hễ có thân thì có tham, sân và si, đó là lẽ đương nhiên. Chúng ta là người tu, biết cách sửa bỏ những thứ độc hại ấy ra khỏi thân tâm mình. Bởi nếu không loại bỏ, không khắc phục chúng thì chỗ đến của chúng ta, như tôi đã nói là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Không có chỗ nào khác. Muốn thế ngay bây giờ ta gầy dựng một năng lực để chỉnh đốn thân, miệng, ý của mình.

Phật dạy tất cả những ý niệm đều là vọng, không thật. Tu đúng tinh thần đạo giải thoát thì không bao giờ kẹt vướng những thứ đó. Chỉ cần chúng ta làm chủ được ý thì thân miệng sẽ ngoan ngoãn tuân phục. Ngày xưa có một học giả, tự cho mình là người có kiến thức uyên thâm trong đời. Vì vậy nghe ai có kiến thức bằng hoặc hơn là ông dấy niệm muốn bài bác người đó. Khi hay đức Phật là một vị có trí tuệ siêu việt, ông tỏ vẻ không bằng lòng. Do đó ông muốn gặp đức Phật, nêu lên một số câu hỏi vấn nạn để tranh luận hơn thua với Ngài. Ông tự hào chắc chắn những điều ông hỏi, đức Phật sẽ không trả lời nổi.

Học giả ấy đến với Phật. Và bằng lòng Từ vô lượng, Thế Tôn đã cảm hóa được tâm kiêu mạn của ông từ phút đầu. Vừa gặp Phật, ông quỳ mọp xuống, khóc nức nở thưa “Trong đời con chưa từng được gặp ai như Ngài. Cúi mong Thế Tôn thương xót chỉ dạy, cởi mở cho những gì con chưa biết”. Phật hoan hỷ nhận lời. Ông hỏi chín điều:

            1. Cái gì là Đạo? 

            2. Gì là trí ?

            3. Trưởng lão là sao ?

            4. Sao là đoan chính ?

            5. Sao gọi là Sa môn ?

            6. Tỳ-kheo là gì ?

            7. Hiền minh là gì ?

            8. Có Đạo là sao ?

            9. Sao gọi là giữ giới ?

Nghe qua các câu hỏi này, Phật biết ông ta đã có duyên với đạo rồi. Ngay câu đầu tiên “Cái gì là đạo?” coi như là chiếc chìa khóa mở cửa tâm của ông, vốn lâu nay đã bị đóng bít bởi những khối u tham sân phiền não. Đức Thế Tôn theo thứ tự trả lời từng câu hỏi một.

Câu thứ nhất, đức Phật trả lời: “Người có hiểu biết, tu hành chân chính, phát triển được trí tuệ của mình. Đó gọi là Đạo”. Câu hỏi này rất gần gũi với sự tu hành của chúng ta. Nếu người có công phu, có tu hành đương nhiên sẽ hiểu câu trả lời này. Ở đây Phật nói người có hiểu biết, tu hành chân chính phát triển được trí tuệ. Muốn trí tuệ phát triển, cách hay nhất là lặng hết tất cả tạp niệm, không để bất cứ một niêïm nào khởi lên mà ta không làm chủ được. Tức người giữ được chánh niệm là người phát triển được trí tuệ. Muốn vậy phải tu thôi, không có cách gì khác được.

Đức Phật trả lời một cách rõ ràng người có đạo tức là người có trí tuệ. Giản dị thế thôi. Cho nên người thấy đạo, sống được với đạo không bị vọng niệm kéo lôi. Tinh thần tu của chúng ta ở đây cũng không ngoài việc này. Phát triển được trí tuệ, chúng ta không bị thân này kéo lôi nên không khổ về thân. Vì sao? Vì ta biết rõ thân không thật, nên hơn thua phải quấy cũng không thật. Do đó ai đối xử thế nào ta cũng không chấp, không đấu tranh giành phần thắng về mình. Bao nhiêu đó đã thấy hiện tiền được an lạc rồi.

Câu hỏi thứ hai “Gì gọi là trí?” Đức Phật trả lời “Người tự tại vô úy, không nói nhiều, không nói nhảm là người có đầy đủ trí tuệ”. Câu trả lời của đức Phật khiến tôi nhớ đến một câu nói lý thú của Thiền sư Nham Đầu. Khi được học nhân hỏi về đạo, Ngài bảo “Các ông hãy bịt cái mồm lại mới có chút phần hơi hướm”. Ở đây Phật đáp không nói tạp, không nói nhiều, người đó tự tại, vô úy. Vô úy tức là không sợ sệt gì hết.

Rõ ràng nếu chúng ta nói nhiều thì tán tâm động niệm, tổn khí lực. Nói nhiều thì sẽ sanh sợ sệt vì nói bậy. Người xưa thường dạy “Nói nhiều thời lỗi nhiều”. Cho nên người ít nói, ít mất khí lực, ít lỗi, vì vậy ít lo sợ. Do đó mà thực hiện trọn vẹn tinh thần vô úy, tức là không sợ hãi. Người tu chúng ta cần phải nhớ không đa ngôn, không tạp ngữ là người có trí tuệ. Chỉ nói những gì cần thiết, đáng nói, nên nói mà thôi.

Trong nhà Thiền có từ “Mặc như lôi” hay “Mặc như Thánh”, tức là im lặng như sấm sét. Nếu muốn được yên, đừng rối rắm, không có gì để lo sợ thì phải bớt nói. Ở đây tôi không khuyên các vị không nói mà là ít nói, chỉ nói khi cần thiết thôi. Trong kinh Phật cũng không dạy tịnh khẩu. Tịnh khẩu mà lấy viết để nói thế cái miệng thì thôi nói khỏe hơn, giản dị hơn.

Trong cuộc sống này làm chủ được cái miệng rất khó. Điều nào cần, điều nào không cần thiết khó lựa lắm. Đối với chúng ta dường như cái gì cũng cần hết, cái gì cũng nói được hết. Chỉ khi nào bí mới không nói thôi. Chứ còn thì biết đúng cũng nói, biết mang máng cũng nói, có khi không biết cũng nói nữa. Vậy nên chúng ta không phải là người có trí tuệ. Nói nhiều nhưng thực sự không phải là người có trí tuệ, nếu không bảo là ngu si. Bây giờ muốn có trí tuệ chúng ta phải học theo pháp của Phật dạy. “Đa ngôn đa lự”, nói nhiều thì lo nhiều, sợ nhiều hoặc “đa ngôn tạp ngữ thì mất trí tuệ”. Được vậy bản thân chúng ta yên và người chung quanh cũng yên nữa.

Chúng ta thử tưởng tượng như một nhà đông người, trong số đó có người cứ nói hoài, mình chịu nổi không? Nhất định là không chịu nổi. Nói cũng phải chừa giờ ăn, giờ nghỉ, giờ làm việc, chứ đi cũng nói, đứng cũng nói, ngồi cũng nói, làm bất cứ việc gì cũng nói bô bô thì ai chịu nổi? Người này chắc phải đưa đến Bác sĩ hoặc cho vào phòng kín, khóa cửa lại để họ tự biên tự diễn cho tiện.

Câu thứ ba hỏi: “Trưởng lão là sao?” Đức Phật trả lời: “Trưởng lão là noi theo chánh pháp, từ bi, đạo đức, trí tuệ, thanh tịnh”. Tức người tu hành có từ bi, đạo đức, trí tuệ và tâm luôn thanh tịnh được gọi là bậc Trưởng lão. Chữ “Trưởng” là lớn, chữ “Lão” là cao tuổi. Nhưng ý nghĩa Trưởng lão ở đây muốn nói những vị đạo cao đức trọng, có từ bi trí tuệ chứ không phải nói trên mặt tuổi tác. Người lớn ở đây là người có tuổi tác trong đạo, có công phu tu hành, và sống lâu trong chánh pháp, thì đó là hàng Trưởng lão. Chúng ta phải hiểu như vậy mới đúng với tinh thần của đạo Phật.

Bây giờ chúng ta tu không phải để được làm Trưởng lão, chỉ cốt loại bỏ tất cả những u nhọt tham sân si. Vì thương tưởng chúng sanh nên sống đạo đức, không làm thương tổn ai. Ta không có ý làm gì cả, nhưng do công đức đầy đủ nên trong đạo gọi là bậc  Trưởng lão.

Vị học giả uyên thâm này nghe đức Phật nói thế, vừa mừng vừa tủi. Mừng rằng chính mình có thể trở thành Trưởng lão. Tủi vì mình có điều kiện làm Trưởng lão như vậy mà từ lâu bỏ quên, mình chạy theo những thứ lăng xăng không có giá trị gì, không nhận chức năng chính của mình. Nghe được câu trả lời này của Thế Tôn, ông rất vui mừng.

Câu thứ tư hỏi: “Sao là Đoan chính?” Đức Phật trả lời: “Đoan chính là người bỏ điều ác, dứt sạch tâm giận hờn”. Làm sao dứt sạch giận hờn? Chỉ khi nào tu thôi. Có khi đang ngồi thiền hoặc tụng kinh mình cũng giận được. Tôi nhớ câu chuyện thế này. Một vị lớn tuổi nọ ở trong xóm, đêm nào cũng gõ mõ tụng kinh, niệm Phạât. Buổi khuya, hàng xóm đang ngủ, người này thức dậy đánh chuông gõ mõ lớn quá, nên mấy người trẻ chung quanh rất khó chịu. Cho đến một hôm chịu không nổi nữa, mấy người lối xóm chỉ trích thẳng thắn.

Vị tu hành này cứ nghĩ những người kia quậy mình, nhưng nhớ Phật dạy tu phải nhịn, phải hiền. Vì vậy cố gắng không nói gì hết nhưng vẫn đánh chuông gõ mõ thật lớn. Người hàng xóm thấy vị tu hành không sửa đổi, lại làm ầm hơn nên cuối cùng họ nói những lời không hay với người tu kia. Bấy giờ vị tu hành cũng chịu không nổi nữa, nghĩ rằng hàng xóm xấu quá, mình gắng hết sức đánh chuông gõ mõ cho lớn để họ nghe, mà họ lại quậy mình. Cuối cùng, trong lúc đang đánh chuông niệm Phật, nghe bên ngoài la lối, bà liền nói vọng ra: “Bà đang niệm Phật à. Lát nữa, bà niệm Phật xong rồi, bà sẽ tính”.

Thế là hỏng hết rồi. Trong lúc đang tu mà sân giận như vậy, tức là bị cái u nhọt sân nó phát tác. Mà sân hận là nhân đi vào địa ngục. Kết quả công phu tu hành bấy lâu, mà bây giờ lại rơi vào con đường ấy thì thật là đau lắm. Thành ra đức Phật trả lời: Bỏ được những điều xấu, không giận hờn là người đoan chánh. Chỉ không giận hờn chúng ta đã trở thành người đoan chính. Chữ “đoan” là đoan nghiêm, trang nghiêm. Chữ “chính” là chân chính. Trên mặt chúng ta vui tươi, hài hòa, không có vấn đề gì thì dễ nhìn. Còn gương mặt sân lên, đỏ gay hoặc sần sượng thì rất khó nhìn. Gương mặt khó nhìn thì không đoan chính rồi.

Từ những phát tác bên trong của tham sân điên đảo loạn tưởng làm mất đi sự đoan chính. Cho nên đức Phật trả lời đừng giận hờn tức là đoan chính. Chúng ta tu như thế nào mà hết giận hờn thì mới thành Phật. Thật ra giận do tham không được mà ra. Còn tham mà được thì sanh ái tức yêu thích. Chúng ta đừng giận hờn tức là phá tham sân. Như vậy dù ta không tuyên bố tu pháp Đại thừa, mà hằng ngày bỏ tham sân, hằng ngày không còn giận hờn tức là tu pháp của Phật.

Nếu tu mà còn tham nhiều, giận hờn nhiều tức là tu chưa tiến. Mà tu chưa tiến thì chưa đúng tinh thần Phật dạy. Thành ra có ai hỏi “Tu đúng theo Phật dạy là sao?” Ta vui vẻ trả lời: “Không giận hờn”, như thế là đủ lắm rồi. Người tu không giận hờn là tu đúng chính pháp, được một đức là đoan chính. Chúng ta nhìn vào hình tượng chư Phật, Bồ-tát không có vị nào mà gương mặt thể hiện tham sân phiền não.

Nhưng việc này thực hành khó lắm. Phải tập dần dần, thường chúng ta không giận thì cũng hờn chút chút. Nghe điều gì trái tai là đã hờn hờn rồi. Phải thấy như vậy để ta cố gắng lên. Trong một ngày từ sáng tới tối, không biết bao nhiêu lần mình giận hờn, không giận hờn thì tham đắm. Tu như vậy làm sao giải thoát được? Chúng ta chỉ nguyện giải thoát suông thôi, chứ đạo lý giải thoát thì không áp dụng. Người con Phật nếu quyết tâm tu thì phải nhìn thấy những khuyết tật của mình, cương quyết sửa đổi, loại trừ những tập nghiệp xấu dở. Như Phật dạy người tu là người đoan chánh, không giận hờn. Vậy khi trong lòng ta vừa khởi giận liền buông, đó là từng bước áp dụng đạo lý vào trong đời sống của mình.

Câu thứ năm, hỏi: “Sao gọi là Sa môn?” Đức Phật trả lời: “Sa môn là dứt ác, hành đạo, tâm ý không vọng tưởng…” Những câu đáp này thực sự xoáy vào trong công phu tu hành của chúng ta. Đừng tưởng Sa môn là chỉ cho những người tu hành cạo tóc, mặc áo nhuộm, đi khất thực hoặc sống trong chùa. Tất cả những ai tu Phật đều có thể thực hiện hạnh Sa môn, với điều kiện người đó luôn giải trừ được những tâm niệm xấu ác và không để một ý niệm nào dấy lên dẫn dắt ta tạo nghiệp. Nghĩa là người làm chủ được những ý niệm của mình. Cho nên tất cả chúng ta đều có thể làm Sa môn.

Trong công phu hành trì Phật pháp hằng ngày, tất cả chúng ta đều có thể thực hiện hạnh Sa môn. Tức là không chấp nhận điều ác, không nuôi dưỡng, phát triển những ý tưởng ác. Đó là chúng ta đang học và đang hành hạnh Sa môn. Thường ta cho rằng Sa môn là những vị xuất gia trong chùa, nhưng không ngờ Sa môn ở đây là chỉ cho tịnh hạnh, cho sự dứt ác, định tâm không bị những vọng tưởng lăng xăng kéo đi. Đó là những vị Sa môn đẹp đẽ nhất đang hiện ra ngay trong cuộc sống hôm nay. Các vị có thể ở bến xe, ở đầu chợ, trong tiệm quán, trong bất cứ sinh hoạt nào, với tinh thần, ý chí, phương thức giáo hóa chúng sanh.

Câu thứ sáu, hỏi: “Tỳ-kheo là gì?” Đức Phật trả lời: “Tỳ-kheo là người dứt được các tội nghiệp, tu phạm hạnh thanh tịnh, trí tuệ phá được các điều ác”. Nếu tất cả chúng ta từ từ dứt những niệm ác tức là từ từ làm Tỳ-kheo. Nếu chúng ta đã dứt được tất cả những niệm ác rồi thì chúng ta đang là Tỳ-kheo. Ở đây không chú trọng hình thức bên ngoài, mà nhắm ngay chỗ công phu. Người nào dứt được các điều ác, người đó là Tỳ-kheo. Người nào có trí tuệ, thanh tịnh đối với các pháp, người đó là Tỳ-kheo. Thế thì rõ ràng những pháp chúng ta đang hành mỗi ngày là đạo hạnh của một vị Tỳ-kheo rồi.

Câu thứ bảy, hỏi: “Hiền minh là gì?” Đức Phật trả lời: “Người hiền minh là người vô vi thanh tịnh, không chấp, buông hết tâm bỉ thử”. Tâm bỉ thử là gì? Chữ “bỉ” là kia, chữ “thử” là đây, tâm bỉ thử là tâm không bình đẳng, tâm kia đây. Ai buông được tâm đó thì trở thành người hiền minh. Như vậy pháp chúng ta đang tu là pháp của bậc hiền minh. Bởi vì ta không chấp nhận những điều gì hai đầu lăng xăng, vướng mắc bỉ thử. Những thứ tranh chấp ta buông hết thì hiện tại là hiền minh.

Cho nên hiền minh quân tử là người không bị việc lăng xăng bên này bên kia kéo lôi ngược xuôi. Trước khi thành Sa môn, trước khi thành một vị có đầy đủ trí tuệ thanh tịnh giải thoát, thì ít ra chúng ta cũng là bậc Hiền minh. Khi nào ta thấy rằng mình còn nặng tâm bỉ thử, còn bị nó dẫn dắt, kéo lôi cả ngày thì biết mình chưa có định tuệ. Tu mà không định không tuệ tức là ngoại đạo. Tu theo Phật phải có định tuệ. Có định tuệ mới dừng được tất cả những loạn tưởng lăng xăng.

Muốn cho xã hội được tốt đẹp, trước nhất phải xây dựng con người hiền minh quân tử. Một gia đình có nhiều hiền minh quân tử là gia đình tốt, hạnh phúc. Xóm làng, xã hội hay quốc gia có nhiều người hiền minh quân tử thì xóm làng, xã hội, quốc gia ấy văn minh tiến bộ. Đức Phật đã dạy “Phật pháp không rời thế gian”. Muốn thực hiện được Phật đạo thì phải ngay trong thế đạo mà hoán chuyển sửa đổi cho con người và xã hội tốt đẹp. Cho nên những bậc hiền minh quân tử là người đem đạo vào đời.

Câu thứ tám, hỏi: “Có đạo là sao?” Đức Phật trả lời: “Người có đạo là người cứu giúp tất cả, không riêng tư, không hại kẻ vô đạo”. Phật tử phải là người không còn riêng tư, không có tâm hại người vô đạo hay không có tâm xấu đối với những người không theo đạo của mình. Chúng ta nên nhớ đạo bàng bạc tất cả, bởi vì thể đạo trùm khắp, không hạn cuộc bất cứ nơi nào, với ai. Vì vậy trước nhất người con Phật phải dẹp bỏ tâm bỉ thử riêng tư, thể nhập được sự sáng suốt trùm khắp, đó là chúng ta thể hiện đạo. Đó cũng là nét đặc sắc nhất của bậc Sa môn, Tỳ-kheo hay của người con Phật đang có mặt trong cuộc đời này.

Câu thứ chín, hỏi: “Sao gọi là giữ giới?” Đức Phật trả lời: “Người giữ giới là người không nói suông, y pháp hành trì không quên lãng”. Đỉnh cao của vấn đề là tất cả chúng ta đừng nói suông, mà phải y nơi pháp của Phật hành trì, không xao lãng. Đây là ý sau cùng tôi muốn nhấn mạnh để chúng ta có hướng tu. Bởi chỉ có tu mới khắc phục được những họa hoạn của thân, chế ngự tham sân si nơi tâm.

Tất cả chúng ta hiện giờ là con Phâït thì không chấp nhận những điều xấu ác. Song quan trọng là ta nói được và làm được thì mới đúng là Phật tử. Câu trả lời cuối cùng của đức Phật khiến cho mọi gút mắc, cao ngạo, mọi tồn đọng trong lòng vị học giả kia đều được tháo tung hết. Qua những lời đáp giải của Phật ngày xưa, chúng ta cũng có thể nhân đó phá tan những u nhọt, tăm tối trong lòng mình, bằng cách hành trì pháp của Phật đã dạy.

Vị học giả kia cuối cùng hoan hỷ phát tâm Bồ-đề, nguyện làm đệ tử Phật, sống đúng chánh pháp nên được rất nhiều lợi lạc. Chúng tôi cũng xin tạm mượn sự kết thúc tốt đẹp của vị cư sĩ thời Phật để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay. Mong chúng ta cùng quyết tâm phá bỏ những vọng niệm xấu của mình, hành hạnh của bậc giải thoát ngay trong đời sống này.

Dù cuộc sống sự đổi thay luôn trước mắt, chúng ta đã là con của Phật thì phải luôn thức tỉnh, từng bước đùm bọc nhau thực hiện trọn vẹn lời Phật dạy. Đó là ý nghĩa tu hành chân chánh nhất. Chỉ như thế chúng ta mới có thể vượt khỏi dòng trầm luân sanh tử, chấm dứt sự khổ đau của thân tứ đại này.

[ Quay lại ]