headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐỜI SỐNG THIỀN

 Hôm nay chúng tôi sẽ nói về Đời Sống Thiền. Người Phật tử phải có một đời sống tương đối như thế nào để mỗi ngày thân tâm được an ổn vui vẻ. Thế nên chúng ta phải biết áp dụng Phật pháp vào đời sống của mình, bớt gây tạo những nghiệp nhân không tốt, từng bước thực hiện lời Phật dạy để tịnh hóa thân tâm.

Điều tiên quyết chúng tôi thấy được từ những kinh nghiệm nhỏ nhoi của mình là tinh thần trong sáng, vắng lặng trong sinh hoạt hằng ngày. Sự trong lặng này sẽ tạo một sức mạnh cho chúng ta. Chủ trương của đạo Phật là sống được với tâm chân thật, phát huy trí tuệ có sẵn nơi mình. Muốn thế ta phải gầy dựng được tinh thần vắng lặng, bởi đó là cơ hội duy nhất để sống lại với tâm mình. Ngược lại, nếu chúng ta sống lăng xăng theo các cảnh duyên bên ngoài, thiếu sự vắng lặng thì tâm luôn dao động, không tỉnh sáng, phiền não theo đó phát sinh.

Trong cuộc sống hằng ngày, con người hết lăng xăng bồn chồn lại cảm thấy hụt hẫng trống vắng. Đằng nào cũng không yên. Bằng chứng cụ thể như hôm nào bản thân chúng ta hoặc trong gia đình có việc gì không sắp đặt được, khi ấy dù ta đang khỏe mạnh nhưng cũng cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, bởi vì tinh thần bất an, bức xúc. Ai sống thường xuyên trong tình trạng này sẽ dẫn tới bệnh tâm thần, danh từ y học ngày nay gọi là bệnh stress. Cho nên cần phải thoát ra những tình trạng này để giữ lại thế quân bình cho thân tâm.

Người Phật tử muốn có đời sống vắng lặng, bình tĩnh, không bồn chồn, nóng nảy cần phải định tâm. Cho nên trong nhà thiền thường dạy chúng ta phương pháp tọa thiền. Đây là phương pháp tối ưu để trở về tâm thanh tĩnh. Chính đức Phật đã dùng cung Thiền định, kiếm Trí tuệ để chiến thắng ma quân và tự chiến thắng mình.

Muốn tâm được định, trước tiên chúng ta phải buông bỏ các tạp niệm bên trong, yên lắng, không phóng chạy theo các duyên bên ngoài. Những điều này không phải mới mẻ từ bên ngoài đem vô, mà bằng sự nỗ lực nơi chính mình. Trong đó trước nhất tôi muốn nói đến sự nhẫn nhục. Ta thử đóng cửa ngồi yên một ngày trong một căn phòng trống, xem sự nhẫn nhục của mình đến đâu? Nhẫn nhục đối với những ồn ào từ bên ngoài đem tới tuy khó mà dễ hơn nhẫn nhục với chính mình.

Giống như đối diẹân với thú dữ, kẻ thù bên ngoài tuy gian hiểm nhưng ta thủ được. Còn đối thủ này không có chỗ nơi, xuất hiện bất cứ lúc nào, ở đâu, như kẻ thù sau lưng, muốn đánh lén mình lúc nào thì đánh, nên không thể thủ được. Nhẫn được, làm chủ được cái này quả thực là khó. Rõ ràng có khi chúng ta không hài lòng với chính mình. Bởi lẽ không hài lòng nên có chút xíu gì bên ngoài đưa đến là mình nổi sùng ngay, bực bội la óe lên. Cái ấy phát xuất từ lòng mình, không thể đổ thừa cho ai cả. Nếu trong lòng không có ma mị, thì bên ngoài chẳng ai làm gì được ta cả.

Lại, trong kinh Phật dạy: “Nhẫn những cái khó khăn là khó, nhưng nhẫn những gì thuận lợi với mình lại càng khó hơn”. Thuận lợi với mình, tại sao phải nhẫn? Điều này có sống, có đương đầu ta mới thấy khó vô cùng. Những gì ngọt ngào, dễ nghe, dễ nhìn muốn buông nó, muốn ghét nó, muốn bình thường với nó, quả thực là cam go! Cho nên có khi ở chỗ gai góc, khó khăn mà người ta vượt qua dễ dàng, nhưng sống trong tiện nghi sung túc, êm ấm ngọt ngào, tự nhiên người ta chết đứng.

Thành ra với người tu Phật, chúng ta phải luôn luôn có đầy đủ sáng suốt định tỉnh để tiêu dung tất cả mọi hoàn cảnh. Như vậy mới tu tiến được. Chúng ta luôn luôn nóng nảy, ước vọng điều mới lạ. Rõ ràng đây là manh mối đẩy mình đi tới vọng tưởng, mà vọng tưởng là gốc dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Người ta điên đảo cũng vì vọng tưởng, chịu trầm luân sanh tử cũng vì vọng tưởng, đau khổ điêu đứng cũng vì vọng tưởng. Cho nên chấm dứt vọng tưởng là chấm dứt tất cả.

Như vậy hướng tu hành để có đời sống thiền ở đây là sống bình thường. Càng bình thường chừng nào, chúng ta càng nhẫn chịu, càng buông bỏ những thứ bồn chồn chừng nấy. Lúc đó tự nhiên tâm sẽ yên lắng. Làm sao trong cuộc sống, trong sinh hoạt, trong hít thở, ăn uống ngủ nghỉ, giao tế hàng ngày… ta không mất định tuệ thì nhất định không bị tất cả cảnh kéo lôi.

Ở đây tôi muốn nói đến sự tỉnh giác. Danh từ “Tỉnh giác” này chúng tôi đã nói nhiều, bởi nó được xem như một danh từ giáo khoa trong Thiền viện. Chúng ta tu hành thì phải tỉnh giác. Tỉnh là không mê, giác là biết tất cả. Đối duyên xúc cảnh ta tỉnh, tức là không bị mê, giác biết được tất cả đều không thật nên tâm bình thường không đắm luyến, vì vậy được an ổn.

Phật dạy tất cả các pháp do duyên hợp đều không thật. Nếu đi đứng nằm ngồi, mọi tiếp xúc, lúc nào ta cũng tỉnh giác như thế thì không ma mị nào hại được. Giả như bây giờ mình hết duyên, nhắm mắt từ giã cõi đời, ra đi trong sự tỉnh giác, làm chủ lấy mình thì nghiệp cũng không thể trói buộc ta được. Thành ra sự tỉnh giác rất trọng yếu, khẩn thiết, không thể thiếu được.

Chúng ta đọc tụng kinh Phật để được tỉnh giác, chứ không nên tụng đọc theo kiểu “bị kinh dẫn” như Lục Tổ đã nói. Tất cả phương tiện Phật dạy chúng ta đều nhằm mục đích khiến cho mình tỉnh giác, sáng suốt để không bị chìm đắm trong vô minh phiền não nữa. Khi tu tập bất cứ pháp môn nào, ta cũng phải quay về với tự thân là điểm chính yếu. Không nên chạy theo trần cảnh bên ngoài đã đành, mà cũng đừng dính kẹt vào các hình thức tu tập bên ngoài. Cho nên nói tỉnh giác là một trạng thái tâm vắng lặng, làm cho đời sống chúng ta được quân bình.

Dù người tu bao lâu, làm được những việc lớn lao, nhưng những ma mị trong lòng chưa hóa giải nổi thì cũng không có công đức. Chính chúng tôi cũng khắc khoải về điều này, huống là quý Phật tử đa đoan, đối diện với bao nhiêu thứ phiền toái trong cuộc đời. Dám nhìn thẳng, nhìn thực lại mình, điều này rất khó. Múa may quay cuồng cả ngày, cuối cùng ta nhìn lại mình, xem từ lúc mở mắt thức dậy cho đến tối đã tu hành được gì? Cứ lăng xăng bởi cái nhà, cái chợ, cơm nước, áo quần… ta không làm chủ được, không tỉnh giác chút nào hết. Tu hành kiểu đó lâu thành Phật là phải rồi.

Điều tốt nhất là đời sống quân bình. Chúng ta ngồi thiền là để tâm quân bình. Làm tất cả việc trong sự yên lặng là trạng thái tâm quân bình. Vị nào làm việc bấm máy mà hơi lộn xộn một chút là bấm bậy liền. Khoa học càng tinh vi, đòi hỏi năng lực làm việc càng tập trung, sai một ly đi một dặm chớ không phải thường. Cho nên tâm ồn ào chẳng những khó tu mà còn khó làm việc nữa.

Đức Phật trước giờ thành đạo, bao nhiêu ma quân ghê gớm, sấm chớp, gậy gộc hiện tới dầy đặc. Chúng dọa nạt:

- Ông có sợ bọn tôi không?

Ngài bình thản đáp:

- Ta không sợ.

- Ông nói dối. Bọn tôi đầy trời đầy đất, ông chỉ có một mình, không có vũ khí trong tay, mà dám nói không sợ?

 - Ta có cung Thiền định, kiếm Trí tuệ, biết các ngươi là đồ giả nên không sợ.

Lời nói này được xem như một bài học lịch sử. Muốn chiến thắng với những gì dữ dằn gớm ghê nhất bên ngoài, không phải dùng cung kiếm bằng sắt thép, mà dùng cung kiếm Thiền định Trí tuệ trong lòng chúng ta. Phật, Bồ-tát là bậc trí tuệ viên mãn, chúng ta là đệ tử của các Ngài, nên phải noi theo gương hạnh ấy. Có trí tuệ mới giải quyết được tất cả những ma sự chung quanh, giúp tâm quân bình.

Sống chung trong một gia đình, một xã hội, không ai giống ai cả, nên cũng không ai chấp nhận ai. Mỗi một cá nhân có một thế giới, một tư tưởng, một lối sống riêng, khó dung thông lẫn nhau. Muốn thống nhất tất cả những điều ấy chỉ có sự vắng lặng, ổn định nơi mỗi cá nhân mà thôi. Nhờ vắng lặng, tâm không bồn chồn, nóng nẩy nên trí tuệ sáng suốt. Vì vậy ta giải quyết được mọi chuyện một cách hợp lý dễ dàng, cho nên cuộc sống yên ổn. Nếu tâm bồn chồn dao động, thiên bên này ngã bên kia, mất sự ổn định, thì chắc chắn ta giải quyết công việc chênh nghiêng, không hợp lý, do đó dẫn tới kết quả cuộc sống mất thăng bằng, bất an.

Muốn tu tập tiến bộ, hãy dẹp bỏ những gì không cần thiết trong lòng. Chúng ta không lúc nào chịu yên, hết nghĩ cái này lại tính cái kia. Có vị mất ngủ vì không buông được những toan tính suy nghĩ trong lòng. Nhiều khi những suy nghĩ ấy không thể giải quyết được hoặc không cần thiết, nhưng chẳng hiểu tại sao ta vẫn không bỏ được. Nhà Phật gọi đó là một thứ chướng. Bao giờ ta gạt bỏ được, dừng được những suy nghĩ vu vơ ấy mới có thể làm chủ lại mình.

Người con Phật phải biết những gì cần thiết, những gì không cần thiết cho mình. Tỉnh sáng nhận định như vậy, chúng ta loại bỏ những điều không cần thiết, tập trung tâm lực vào những gì cần thiết. Có thế ta mới thành tựu được sở nguyện của mình. Với tinh thần Phật dạy, chúng ta nhìn thẳng mọi việc để trực nhận, thấy thủng từng việc mà giải quyết cho đúng. Cho nên Phật dạy khi nhìn bất cứ một pháp trần nào cũng phải nhìn cho tới nơi tới chốn. Đây gọi là Kiến đế. Chữ Đế là lẽ thực, nghĩa là thấy được thực chất của vấn đề, chứ không phải nhìn bằng hình thức sơ sài bên ngoài. Được vậy chúng ta sẽ bình thản với tất cả thăng trầm trong cuộc sống này.

Trong cuộc sống hằng ngày, có khi vui, có khi buồn, có khi lợi, có khi suy, có khi được ca tụng, có khi bị hủy báng… chúng ta đều nếm trải. Bây giờ muốn bình thản được với những điều đó thì tâm không, trí sáng. Nghĩa là tâm ta rỗng rang như hư không, không dính mắc vào bất cứ chuyện gì. Muốn được thế trí ta phải sáng, biết rõ tất cả các thứ ấy không thật, không có giá trị gì nên ta chẳng quan tâm làm chi. Hiểu thấu, thấy tột như vậy là người dạo chơi trên đường đời tự tại thong dong, không gì có thể buộc ràng được nữa.

Như chúng ta đã biết thế gian là vô thường, đổi thay nhanh chóng, không có gì tồn tại mãi. Cho đến cái mình quý nhất, sợ mất nhất là thân này cũng không tránh khỏi. Chúng ta thay đổi từng giờ từng phút, chớ không phải đợi hết năm mới già mới suy. Một sợi tóc bạc hiện ra là điềm báo rồi đấy. Như vậy cái ta bảo trọng, gìn giữ nhất cũng có lúc vượt ngoài tầm tay của mình. Tệ hơn nữa, cái mình gọi là tâm đó lại là vọng tưởng, chứ không phải tâm mình. Nó cũng ma mị hư ngụy và gạt gẫm ngay cả chính mình nữa.

Như vậy cuộc sống hằng ngày, ta sống bằng cái gì, sống cho cái gì? Sống bằng thân tâm không thật, sống cho vọng tưởng điên đảo, vô thường nhanh chóng. Thế thì cuối cùng ta là gì? Chẳng biết ta là gì! Cho nên thật là may mắn cho chúng ta gặp được Phật pháp. Nếu không, chẳng hiểu tới bao giờ ta mới nhận ra thân phận bèo dạt mây trôi của mình, uổng phí một kiếp người, chỉ gây tạo nghiệp nhân để mãi mãi trôi giạt trong biển khổ sanh tử. Nhờ lời dạy của Phật, chúng ta biết những gì hư huyễn, không thật không chạy theo nó nữa, quay trở lại với cái chân thật của mình, để chấm dứt sự khổ đau từ bao đời kiếp.

Nói thế để chúng ta cố gắng tu, cố gắng hành trì. Nếu mình chưa thấy tới nơi tới chốn, thì chưa thể yên lòng thả trôi ngày tháng. Đây là điều chính chúng tôi cũng phải cố gắng. Làm sao bản thân mình dù hiện tại có như thế nào, nhưng từng giờ từng phút đừng đánh mất ý nghĩa và giá trị thiết thực của Phật pháp bằng cách phải nỗ lực hành trì Phật pháp.

Thêm một điều nữa trong đời sống thiền là tập sống độc lập, không bám víu vào bất cứ một thứ gì trên thế gian này. Bởi vì mọi sự vật đều không bền vững. Tích cực phấn đấu đánh ngã ái dục, triệt tiêu tà kiến. Ái là yêu thích, Dục là ham muốn. Ái dục là tất cả những ham muốn yêu thích của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Còn bám víu là lúc nào cũng đưa tay vin lấy, ôm lấy, gìn giữ, không muốn buông ra. Đây chính là gốc của luân hồi sanh tử. Ái dục đã làm cho chúng sanh đau khổ triền miên không biết bao nhiêu đời. Đây là dây mơ rễ má buộc ràng truyền kiếp.

Bây giờ chúng ta cố gắng phấn đấu để sống độc lập. Nói sống độc lập không có nghĩa là ta từ bỏ thế giới loài người để sống một mình trong rừng núi hoang vắng. Thưa không phải vậy. Sống độc lập đây tức là trong lòng của chúng ta mọi bám víu, ỷ lại, ước mơ, trông đợi… đều loại hết. Khi loại được những thứ đó rồi thì mọi bám víu sẽ tan loãng đi. Tất cả tham đắm cũng theo đó mà lặng xuống, gốc luân hồi sanh tử lung lay mới có thể bứng được.

Rõ ràng khi chúng ta nhìn một vật gì đẹp, chẳng hạn như một hòn non, ta khởi niệm ưa thích là có sự bám víu vào nó liền. Bởi dấu ấn của Ngã ái đã đặt lên đối tượng đó, nên khát vọng chiếm hữu bám sát theo sau. Chính cái ngã làm ta khổ nên những gì thuộc về ngã càng làm ta khổ hơn. Rõ ràng như thế. Ví dụ như trong chuyến đi Thành phố, ta gặp một món đồ vừa lòng hết sức, cố gắng mua cho được. Bất thần lúc quay về vội vã quá, ta quên lửng đi, bỏ nó trên xe. Bây giờ về tới chùa, nghĩ lại: “Cha! Mất tiêu cái đó rồi!” Quý vị sẽ thấy sự bám víu hiện ra. Ngồi không yên, đứng không yên, ăn cũng không yên. Thậm chí đang nói chuyện với bạn bè mà tâm thì chạy theo món đồ ấy: “Chà! Không biết kiếm được hay không? Ai lấy của mình rồi, họ có trả lại cho mình hay lấy luôn?” v.v… bao nhiêu vấn đề.

Tôi chỉ nói một vật dụng thích ý với cái ngã của mình thôi, mà sự bám víu còn khắn khít như vậy, huống là những thứ khác lớn lao hơn nhiều. Cứ thử nghiệm lấy, chúng ta sẽ thấy cả cuộc đời mình gắn chặt vào bao nhiêu thứ, không thoát ra được. Giống như chú khỉ bị mắc bẫy gã thợ săn mà đức Phật đã kể trong kinh A-hàm. Thật đáng thương xót vô cùng!

Trong tất cả sự bám víu, bám víu lớn nhất là sự sống. Bởi ai cũng sợ chết. Chết được xem như một bản án đã tuyên cáo rõ ràng, chúng ta chỉ cúi đầu chấp nhận thôi! Dù cho hạng Thánh hiền rồi cũng phải chết. Như vị Giáo chủ của chúng ta, là bậc công đức vô lượng vô biên, thân tướng đặc biệt như núi báu mà cũng chỉ tồn tại 80 năm trên cõi trần gian tạm bợ này. Thế mà chúng ta vẫn đeo đuổi bám víu vào thân này, thử hỏi mình có sáng không? Thân như vậy, tâm như vậy, hoàn cảnh như vậy, cuộc đời như vậy mà mình bám víu để rồi mất tất cả, thì thật vô lý làm sao! Cho nên tu là chuyển những tâm niệm ấy, tỉnh táo sáng suốt đừng để mê lầm dẫn dắt nữa. Đây mới thật là điều cần thiết trong công phu của chúng ta.

Muốn không bám víu thì phải buông xả. Nếp sống thiền hay tinh thần của người Phật tử tu thiền không thể thiếu buông xả. Cho nên nói tới tu thiền là nói tới buông xả. Buông xả là sao? Là không cố chấp, không nắm lại. Ví dụ cái bình xưa ta rất quí, rất thích, nhưng có ai lỡ tay làm bể. Bấy giờ trong lòng mình không hề tiếc, không hề giận người kia. Đó là ta đã thực hiện thành công hạnh buông xả. Việc này nói thế chớ không đơn giản đâu, phải có công phu lắm mới được. Hoàn toàn bình thản trước mọi được mất thành bại của cuộc đời là người sống được với tinh thần buông xả.

Tóm lại ta phải tu sửa từ trong tâm, chứ không chỉ ở hình thức bên ngoài. Nếu ta nặng về hình thức bên ngoài, sẽ không đạt được sự thấu đáo bên trong. Thế gian cũng thế, có khi ngoài miệng nói như vậy mà trong lòng không phải như vậy. Ngộ nghĩnh lắm. Có khi người ta khóc chảy nước mắt mà cũng có khi cười chảy nước mắt. Cho nên nhìn hình thức bên ngoài không thể kết luận nội tâm bên trong một cách chính xác.

Tu là trị liệu cho mình. Những gì còn vướng ta phải có năng lực trị liệu nó. Người ta hay dùng từ “tu luyện”, nghĩa là việc này phải có sự đào luyện miệt mài. Bởi vì không phải nhất thời nói buông là ta buông được. Có những thứ thông thường hết sức mà ta buông hoài không được. Cho nên phải kiểm nghiệm lại điều này. Vì thế thực hiện được buông xả một cách triệt để phải là người có năng lực phi thường!

Chúng ta cần có thời gian ngồi nhìn lại mình, thấy những điểm dở hoặc những bệnh tật, từ đó cố gắng sửa đổi, chuyển hóa cho nó tốt đẹp, lành mạnh trở lại. Nên biết đây là một tinh thần cao siêu, ở trong cuộc đời mà vươn lên khỏi cuộc sống, không bám víu vào bất cứ gì trên thế gian này mới gọi là giải thoát tự tại. Đứng trước những mối nguy khốn, chúng ta luôn bình tĩnh sáng suốt tự gỡ rối, tự phấn đấu, tự giải quyết, đừng khởi niệm mong mỏi cầu cạnh ai đến giúp mình hết. Như vậy mới có thể đi trọn con đường Phật đạo.

Phật pháp như ao nước trong mát dành cho khách bộ hành đường xa. Người con Phật nếu biết cách học hỏi, biết ứng dụng Phật pháp tu trì, loại bỏ những gì không cần thiết thì sẽ hưởng được an lạc. Giống như ao nước trong mát kia giúp cho kẻ bộ hành đường dài sau những chuyến đi mệt mỏi có nơi tắm mát tươi tỉnh, thích thú không gì bằng. Chúng ta đã được duyên tốt, nhận hiểu pháp của Phật dạy rồi thì tự sắp đặt cho mình để được vui hưởng pháp lạc. Hòa thượng Viện trưởng thường nhắc: “Chúng ta tu học như thế nào, để hiện tại đây hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp”.

Trong nhà thiền đặc biệt chú trọng đến phương pháp định tuệ đẳng trì, nghĩa là định tuệ đồng tu. Trong cuộc sống hiện tại, nếu có định tuệ hiện tiền, chúng ta không còn phải sợ gì nữa. Vì định tuệ là vũ khí sắc bén nhất để phá trừ nội ma cũng như ngoại ma. Có định mà thiếu tuệ thì chìm trong nước đứng, không khởi diệu dụng, không giải quyết được việc gì. Có tuệ mà thiếu định thì tâm dễ dao động, phóng túng khó điều phục. Vì vậy hành giả tu thiền cần phải biết quân bình trong thế định tuệ song tu.

Lại, người hành thiền là bỏ tất cả, không nắm giữ bất luận thứ gì trên thế gian. Hạnh phúc hay đau khổ không còn là vấn đề họ quan tâm, mà phải buông bỏ để vượt lên trên nó. Như vậy người hành thiền không tham đắm, cố chấp, trong lòng rỗng rang vô ngại. Tâm và lời như nhất, chân thật. Dù cho cảnh thuận hay cảnh nghịch, lúc nào cũng giữ một tinh thần vô úy, vì biết rõ các pháp tánh không, tùy duyên lưu chuyển. Đó là điều thứ nhất.

Người hành thiền luôn sống an tường. Nghĩa là họ thực sự sống trong cuộc sống hiện tại, an lành vui vẻ. Vì thấy được sự phát sinh và hoại diệt của sự vật đúng với bối cảnh của nó nên không lo âu, không vọng động. Tâm vắng lặng tiến bước trong hạnh phúc cũng như bất hạnh. Mọi hiện tượng đều do duyên phát sinh, do duyên hoại diệt. Người này bình an sống đều đặn như cái đồng hồ giữa phong ba bão tố. Chúng ta thấy cái đồng hồ khi có gió bão, trời sấm sét hay cúp điện… nó vẫn chạy bình thường, chứ không khi nào nó nói “Bây giờ tôi sợ quá, không dám chạy nữa”. Các pháp cũng thế, tự nó như vậy, không có vấn đề gì hết. Đó là điều thứ hai.

Cuối cùng thêm một điều nữa, Phật dạy: “Chúng ta phải sống một mình”. Ngày xưa, đức Phật luôn ca ngợi hạnh sống một mình. Ngài dạy các thầy Tỳ-kheo khi ra khỏi xóm làng, nên sống một mình như thế này:

            Quá khứ đã không còn,

            Tương lai thì chưa tới,

            An nhiên trong hiện tại,

            Không bị vướng tham dục.

Đây là công thức của hạnh sống một mình. Quá khứ không còn vì nó đã qua rồi. Tương lai chưa đến, làm sao ta biết được. Cái chưa đến mà mình kéo cho nó đến thì chỉ là ảo ảnh, chớ hoàn toàn không thật có. Sống một mình là như vậy, chớ không phải từ giã hết gia đình, bà con quyến thuộc ra ngoài rừng ở. Đó là cách tu hành của bậc Thượng sĩ. Chúng ta muốn đi theo con đường giác ngộ của các Ngài, cũng phải tập sống như vậy.

Như một ngày từ sáng tới chiều, chúng ta bận rộn với biết bao nhiêu việc, bây giờ đến đầu đêm để ra một hai giờ ngồi lại sống một mình. Gạt hết mọi chuyện đã qua hay chưa tới, tâm an trú trong giây phút tĩnh lặng của hiện tại. Sống được một mình như vậy, ta sẽ thấy an ổn vô cùng. Rõ ràng cả ngày chúng ta không sống được cho mình. Hết quá khứ thêu dệt kéo lôi, đến tương lai ảo vọng quấy rối, không an nhiên trong hiẹân tại được. Thành ra dù trong hiện tại ta đang ăn những thức ăn ngon, đang ngồi trên những chiếc ghế thật đẹp thật quý, mà lòng vẫn bất an, bồn chồn như thường. Bài kệ Phật dạy như một phương châm sống cho những người thực sự muốn được an ổn hạnh phúc.

Sống được như vậy rồi thì tâm không còn do dựï, hối hận, dứt hết tham dục, luôn luôn tỉnh sáng. Có khi những niệm hối hận cũng làm cho mình điêu đứng, mất thì giờ! Với tinh thần tu Phật, chúng ta phải bỏ tất cả để sống một mình. Đó là nếp sống thiền. Chúng ta nên nhớ quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới. Cả hai thứ đó đều ngoài tầm tay của mình, đừng khờ dại kéo lôi nữa. An nhiên trong hiện tại thì luôn an ổn.

Chúc quý vị luôn có đời sống thiền an vui trong hiện tại.

[ Quay lại ]