NHẪN

Thiền sinh Thường Chiếu trích dịch
Từ tác phẩm The Way It Is của Ajhan Sumedho

 Quả thật không ngờ! Sự bình an và yên tĩnh, lắm khi lại buồn chán và làm sanh khởi loạn động, nghi ngờ. Loạn động là một vấn đề chung vì cõi dục là cõi loạn động. Thân loạn động. Tâm loạn động. Các pháp luôn thay đổi không cùng. Do đó, nếu chúng ta vướng vào cái thói hay phản ứng lại sự đổi thay, chúng ta chỉ tổ loạn động và bất an mà thôi!

Sự bất an và loạn động cần phải được hiểu đúng như thật. Việc tu hành không phải là việc chỉ dùng ý chí buộc chặt mình vào bồ đoàn, cũng không phải là một bài kiểm tra, rèn chúng ta thành một con người mạnh mẽ phải thắng lướt được sự loạn động - Thái độ đó chỉ làm tăng trưởng củng cố một quan điểm ích kỉ khác – mà nó đòi hỏi chúng ta phải thực sự tìm hiểu, ghi nhận và biết rõ thực chất của sự loạn động. Đó mới là vấn đề. Chính vì điều này, chúng ta phải tu nhẫn. Đây là thứ chúng ta phải học và thật sự vận dụng được.

Lần đầu tiên đến Wat Pah Pong, tôi không biết tiếng Lào. Những ngày ấy, Ajahn Chah rất nổi tiếng. Mỗi tối, ngài thuyết giảng ba giờ liền. Ngài thao thao bất tuyệt và mọi người rất yêu kính ngài. Ngài là một giảng sư tài ba và rất khôi hài. Mọi người đều thích các buổi thuyết pháp của ngài. Nhưng nếu bạn không biết tiếng Lào thì …

Tôi ngồi đấy, thầm nghĩ: “Đợi đến khi hết buổi giảng, ta rõ đang phí thời gian của mình” Tôi thật sự nổi cáu và nghĩ: “Đủ rồi, đi thôi!”. Nhưng tôi không đủ khí phách đứng dậy bỏ đi, đành chỉ biết ngồi yên và nghĩ ngợi mông lung: “Ta sẽ đến một tu viện khác. Chừng này cũng đủ rồi. Ta chẳng thể chịu đựng mãi thế này được” Và rồi, Chah chợt nhìn tôi, cười rạng rỡ và hỏi: “Ông ổn chứ?”. Cơn bực tức tích chứa dồn nén trong ba giờ đồng hồ chợt tan biến hoàn toàn.

Quả thật thú vị, phải không nào? Sau khi ngồi đấy cáu kỉnh, bốc khói ba tiếng, giờ nguội lạnh. Thế là, tôi nguyện rằng sẽ tu nhẫn và suốt thời gian ấy tôi đã tu tập hạnh nhẫn. Tôi tham dự đầy đủ mọi buổi giảng, ngồi cho đến khi nào không thể ngồi được nữa. Tôi quyết định không bỏ một buổi pháp nào và chỉ thực hành hạnh nhẫn.

Nhờ thực hành vậy, tôi bắt đầu phát hiện ra rằng, cái duyên nhẫn đã giúp tôi rất nhiều. Nhẫn là nền tảng vững chắc để khai mở tuệ giác hiểu được giáo pháp. Thiếu nhẫn ắt tôi chỉ lang thang, dong duỗi và trôi giạt như bao người khác mà các bạn vẫn thường thấy đấy. Nhiều người Tây phương đến Wat Pah Pong và rồi phải bỏ chạy vì họ không thể nhẫn. Họ không muốn ngồi ba giờ liền và nhẫn chịu. Họ muốn đi đây đi kia, đến đâu có thể giác ngộ ngay lập tức, giác ngộ thật nhanh theo cách họ muốn.

Do những tham vọng và ước muốn ích kỷ thúc đẩy, ngay cả trên con đường đạo, chúng ta không thể thật sự hiểu rõ chiều hướng các pháp vận hành. Khi tôi tư duy và thực sự quan sát đời sống tu học ở Wat Pah Pong, tôi thấy đây là một duyên rất tốt: Gặp thầy tốt, tăng tốt, các cư sĩ rất tử tế và rộng lượng, tôi luôn được khuyến khích thực hành giáo pháp. Quả đây là một duyên thù thắng. Thế nhưng, nhiều người Tây phương không thấy được điều này vì họ có khuynh hướng nghĩ rằng: “Ta không thích cái này, không thích cái kia. Đáng nhẽ sự việc phải khác kia” hoặc “Điều ta nghĩ là … Điều ta cảm thấy là … Ta không muốn bị cái này hay cái kia quấy rầy!”

Tôi nhớ lúc lên tu viện Tam Sang Phet, một nơi hẻo lánh và yên tịnh, tôi sống trong một hang động. Một dân làng dựng cho tôi một cái bục vì cuối hang có một con mãng xà lớn. Một tối nọ, tôi thật sự sợ hãi. Ánh nến lập lòe tạo nên những hình bóng lung linh trên vách đá: Cảnh tượng thật quái dị! Tôi bắt đầu kinh hãi và bất thần rùng mình. Tôi nhìn lên thấy một con cú lớn đậu ở đó, chăm chăm nhìn tôi. Nó trông có vẻ to khủng khiếp - tôi không biết nó có thật to đến thế không, nhưng dưới ánh nến nó rõ thật khổng lồ - và đang chòng chọc nhìn tôi. Tôi nghĩ: “Nào ở đây có gì thật sự đáng sợ?”. Tôi thử cố tưởng tượng ra nào là xương, là ma quỷ đang nhe răng nanh, miệng đầy máu hoặc những con quái vật da xanh lè - tôi bật cười lớn vì nó quá buồn cười. Tôi nhận ra tôi không còn sợ nữa.

Những ngày ấy, tôi chỉ là một thầy tu non trẻ. Một tối nọ, Ajahn đưa tôi đi dự hội làng - tôi nghĩ Tỳ kheo Satimanto chắc cũng có mặt ở đấy. Chúng tôi là những hành giả nghiêm túc, không ham muốn những chuyện tầm phào và ngốc nghếch. Đương nhiên đi dự lễ làng là điều cuối cùng chúng tôi muốn làm. Dạo ấy, dân làng rất thích loa phóng thanh. Thế là Ajahn Chah đưa Satimanto và tôi đến dự lễ hội. Chúng tôi phải ngồi suốt dêm chịu trận dưới tiếng loa phóng thanh khàn khàn khủng khiếp và các thầy nói suốt đêm. Tôi tiếp tục nghĩ ngợi: “ Ôi! Ta muốn quay về động - mấy con quái vật da xanh lè, lũ ma quỷ xem ra còn lý thú hơn những thứ này nhiều.” Nhìn qua Satimanto, một con người cực kỳ nghiêm túc, tôi thấy thầy đang bực bội, có vẻ không vui và đang chỉ trích. Chúng tôi chỉ ngồi đấy và khổ sở. Tôi thầm nghĩ: “Tại sao Ajah Chah lại đưa chúng tôi đến đây?”

Đoạn, tôi bắt đầu quán xét mình. Tôi nhớ, lúc ấy tôi đã ngồi đấy ngẫm nghĩ: “Ta đang khổ sở trước những thứ này. Chúng tệ hại ư? Thật ra điều tệ hại chính là cái ta đang cố dựng lên và áp đặt cho chúng. Sự khổ sở này chính là từ tâm ta. Loa phóng thanh, tiếng ồn, tình trạng tán loạn và buồn ngủ, thật ra ta có thể chịu đựng được. Nhưng mọi cái trở nên khủng khiếp và khốn khổ khi tâm ta khởi lên sự căm ghét, phẫn nộ và ta muốn đứng lên bỏ đi.

Tối ấy, tôi thấy được tự tâm tôi đã tạo ra cái khổ trước những thứ tôi có thể chịu đựng được. Tôi nhận ra đâu là cái tôi nghĩ là khổ và đâu mới thực sự là khổ. Đầu tiên, tôi oán trách loa phóng thanh, tiếng ồn… vì tôi nghĩ đấy là vấn đề. Sau, tôi nhận ra không phải vậy, chính tâm tôi mới khổ.

Nếu chúng ta tư duy và nghiền ngẫm giáo pháp, thì sẽ học được nhiều điều chính từ những hoàn cảnh chúng ta căm ghét nhất, nếu chúng ta có ý chí và đức nhẫn sẽ làm được vậy.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]