headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẢN QUAN TỰ KỶ

Chân Hiền Tâm

 Nói đến Thiền, ai cũng nghĩ ngay đến việc kéo chân ngồi kiết già hoặc bán già, theo hơi thở hay  nhắm mắt tịnh tâm. Và cho đó là thiền.

Thiền đó gọi là TỌA THIỀN. Là cách thức đầu tiên giúp mọi người bớt hướng ra ngoài mà xoay lại mình. Nó giúp mình bớt lăn xăn loạn động cái thân để điều phục dần cái tâm chứ nó không phải là tất cả trong việc tu thiền. Vì vậy khi nói đến thiền, mình không nên chỉ nghĩ đến việc ngồi thiền là thế nào? Thấy được gì qua việc ngồi thiền ấy? Mà còn rất nhiều việc khác cần bàn bạc khi nói đến thiền.

Tuy TỌA THIỀN là phương pháp đầu tiên để vào cửa thiền, nhưng với nhiều người cái cửa đầu tiên này không phải dễ nuốt. Bà tôi cứ than “Bà ngồi tụng kinh cả ngày được, mà ngồi thiền cọ mậy phụt răng chịu không được. Khọ quạ!”. Tội bà! Bà tụng giỏi quá bây giờ quen rồi, bảo nó yên không cho nó tụng, nó đâu chịu. Khó lắm! Thành dù tọa thiền không phải là tất cả trong việc tu thiền, mình cũng cần phải cố gắng. Tập ‘ngồi yên’ để trị bớt cái bịnh ‘không yên’ của mình. Khi nào cái ‘không yên’ không còn làm chủ mình nữa - nghĩa là mình muốn yên thì nó yên, mình muốn động thì nó động, mình muốn tụng thì nó tụng, mình muốn im thì nó im - lúc đó mình mới không cần tập ngồi thiền. Cái gì cũng do THÓI QUEN mà thôi. Tập hoài sẽ được.   

Tọa thiền là phương pháp giúp ổn định thân. Thân ổn định để định được tâm. Cho nên, trọng tâm của việc ngồi thiền chính là làm sao để tâm được yên. Không tọa thiền mà vẫn khiến tâm yên thì vẫn gọi là có công phu tu thiền.

Giờ mình bàn về hai chữ TÂM YÊN. 

Tâm yên để làm gì? Để làm Phật. Để thành ông Phật ngồi trên bàn thờ với mấy nãi chuối xanh đó. Nghe vậy chắc chẳng ai muốn làm Phật. Ngồi trên đó coi bộ buồn, mà muốn ngồi trên đó thì mất nhiều công phu sức lực lắm. Thời vật chất đang hưng thịnh như ri mà nói đến hai chữ làm Phật thì quả tình hơi không thực tế. Không thực tế vì không ai muốn yên theo kiểu ông Phật trên bàn thờ kia. Còn biết bao thứ để hưởng thụ.

PHẬT còn có một nghĩa nữa. Nó chỉ cho TÁNH GIÁC trong mỗi người chúng ta. Sống được với cái tánh giác đó gọi là làm Phật. Tánh giác là chỉ cho cái tâm của mình đây, chính là cái BIẾT. Là thứ mà nhờ nó mình không trở thành vô tri vô giác như cây cỏ hoa lá hay như trái banh lăn long lóc trên đường kia. Mình biết cái này ngon, cái kia đẹp. Mình biết nói cười, biết nhảy nhót, biết suy nghĩ, biết yêu thương. Mình biết cái gì thiện, cái gì ác … Tất cả đều nhờ tâm. Ai cũng có cái tâm đó. Phật trên bàn thờ kia cũng có cái tâm đó. Bồ tát Di Lặc cũng có cái tâm đó. Anh có tâm đó. Tôi cũng có tâm đó. Nhưng vì sao không gọi mình là Phật mà lại gọi là chúng sanh?

PHẬT là biết. Biết đủ hết nhưng chỉ BIẾT rồi thôi. “Cái hoa này đẹp quá!”. Nghe cái hoa này đẹp quá thì chỉ biết nghe “Cái hoa này đẹp quá!”. Chừng đó thôi không thêm gì vô nữa. Biết vậy gọi là cái BIẾT PHẬT, còn gọi là GIÁC. Nhờ chỉ BIẾT thôi nên không thứ gì là không biết. 

CHÚNG SANH, nghĩa của nó là họp lại mà sanh. BIẾT mà còn sanh thêm đủ thứ trên đó, từng đàn từng lũ họp lại mà sanh, nên không gọi mình là Phật mà gọi là chúng sanh. Như vừa nghe nói “Cái hoa này đẹp quá!” là mình liền khởi  tâm “Đứa nào nói vậy hè? Nó nói cái hoa nào đẹp không biết” … còn không thì cảm giác vừa lòng hay không vừa lòng xuất hiện, rồi vui buồn thênh thang v.v… Một câu vừa qua tai mà bao nhiêu thứ trổi theo như thế, nên gọi là chúng sanh. Song sanh rồi mà kịp thời ngừng lại không cho nó sanh nữa, gọi là BỒ TÁT. 

Khi mình đang có danh vọng, tiền tài, vợ đẹp, con ngoan, không ai thấy giá trị của việc làm Phật. Làm Phật kiểu thứ nhất thì để dành cho những vị có lý tưởng cao cả, đây mình không đề cập đến. Chỉ nói đến kiểu làm Phật thứ hai. Cái kiểu làm Phật này rất có giá trị khi mình gặp tai họa hay khổ nạn. Trong đời sống thường nhật đây, nếu mình sử dụng được ông Phật này, cuộc đời sẽ bớt khổ đau rất nhiều. Nói đến khổ đau thì chắc chẳng ai dám khoe “Từ nhỏ đến giờ tôi chưa từng biết khổ đau”. Ai đã có lòng yêu thương, người đó có đau khổ. Chỉ là ít hay nhiều, thường hay không thường mà thôi.

Ngày tôi mới theo Hòa thượng học thiền, tôi nhặt được một chú mèo con còn chưa mở mắt. Mẹ nó tha thế nào mà con bé rớt chỏng cẳng dơ que ở cổng nhà tôi. Tôi nuôi nó bằng ống kim với sữa bò cho đến ngày nó lớn. Lần nào nó đẻ, tôi cũng phải ngồi vuốt lấy sống lưng cho nó. Con bé hiền lành dễ thương ... Nuôi 3 đứa con mà còn kiêm luôn cả 3 đứa cháu. Nhưng chưa được mấy ngày thì nó bị người ta thuốc chết. Tôi tìm thấy nó dưới gầm xe. Máu còn loang nơi miệng. Mắt mở trừng trừng. 6 đứa con khát sữa kêu in ỏi. 

Tôi đau trong lòng. Tôi khóc không được. Nghĩ đến hình bóng cứng đờ của nó dưới gầm xe là ruột tôi quặn cả lên. Mọi người xúm lại bàn tán. Kẻ hít hà thương cảm lũ con chưa mở mắt đã mồ côi mẹ. Người nguyền rủa kẻ sát nhân sao ra tay tàn ác. Người thắc mắc vì sao nó không ăn ở nhà, lại đi kiếm ăn ở đâu để chết quá thảm thương. Nghe chừng nào ruột tôi quặn lên chừng đó. Cộng thêm hình ảnh trừng mắt của nó ... Không thể nào chịu nổi! 

Có câm hết đi không! Tôi cấm không ai được nhắc đến con mèo dù chỉ là một sợi lông. Tôi cấm tôi không được nghĩ. Đầu tôi không có hình ảnh. Tai tôi không nghe gì hết. Tôi trừng trừng với nỗi đau của riêng mình trong một không gian yên lặng. Phép màu đã xảy ra ... Ngay cái chỗ đang đau đó, một cảm giác an lạc xuất hiện xóa tan mọi đau đớn. Tài chi Hòa thượng nói “Phiền não tức bồ đề”. Cứ ngay cái phiền não đó mà nhấn tới thì bồ đề sẽ xuất hiện. Bồ đề là chỉ cho ông Phật của mình đó. Phật thì thường, lạc, ngã, tịnh nên mình hưởng được cái lạc đó mà cái khổ không còn.   

Công phu còn đang giai đoạn nhú mầm nên mình vừa phản quan tự kỷ mà vừa phải mượn duyên bên ngoài để … làm Phật. Nếu thực là một người có công phu đắc lực thì ngay trong sự việc ấy, ngay những lời nói ấy mà mình vẫn bình thản như không. Không đợi phải tránh duyên mới làm Phật được như thế.

Sự đau khổ của mình thực ra không có gì lớn lao. Chẳng qua vì cái TƯỞNG của mình quá nhiều. Đau ít nhưng do tưởng mà đau nhiều. Nhờ tưởng mà mọi việc mới thành khổ đau. Bởi vậy, tai họa nhất cho những người mất người thân là cứ ôm tới ôm lui mớ kỷ niệm của người đã chết. Hôm nay lật album ra coi. Ngày mai lại nghĩ về những êm đềm ngày xưa … Đó là cái duyên khiến sự đau khổ của mình kéo dài … Phải biết vất bỏ những gì cần vất bỏ. Thiền sư Sessan nói một câu rất hay “Ai vọng tưởng nhiều và phân biệt nhiều thì đau khổ nhiều. Nhưng năng lực khiến ta lầm lẫn đau khổ cũng chính là năng lực làm ta tỉnh giác và an lạc”. Quả tình, không có đau khổ thì không bao giờ biết tập tỉnh giác và nếm được mùi vị của sự an lạc. 

VỌNG TƯỞNG, là chỉ chung cho những gì xuất hiện trong tâm ngoài cái BIẾT của mình. Nó chỉ chung cho các trạng thái như vui, buồn, thương, ghét, ham thích, quan niệm, suy nghĩ v.v… Loại vọng tưởng mà thiền sư Sessan nói đây, là loại vọng tưởng dung thông. DUNG THÔNG là nghe cái này mà tưởng đến cái kia. Nghe nói đến nước là lập tức hình dung ra cái tướng lỏng bỏng của nó. Nghe đến me là nước miếng chảy ra. Người vọng tưởng nhiều là chỉ cho người ý thức hoạt động quá lanh lẹ, thuộc loại “nghe một hiểu mười”. Thiên hạ hay dùng từ nhạy cảm để chỉ cho loại người này. Nó là một dạng của “Kẻ mất búa nhìn đâu cũng thấy người trộm búa”. Nói xuôi nói ngược đâu, mình cũng tưởng người ta ám chỉ mình. Người ta nói cái này mình liên tưởng đến cái khác. Con mèo chết. Ừ thì con mèo chết. Nếu chỉ có chừng đó thôi thì mình sẽ không có sự đau khổ. Mình đau khổ vì trong đầu mình xuất hiện bao nhiêu là thứ khác nữa. Hình ảnh động lại của con mèo. Nó chết nó bỏ mất đàn con. Còn nhỏ mà mất mẹ quá sớm. Chết oan thành mắt mở trừng trừng. Chết cũng gắng lếch về nhà mà chết v.v… Ôm một mớ vọng tưởng như thế thành mới sinh phiền não khổ đau. Con mèo chết là con mèo chết. Đừng có sự dung thông thêm bớt nào nữa thì không có gì để phiền não. Nhưng mình đã tập quen trong nhiều đời. Thứ này dung thông với thứ kia. Một chuyện gì xảy ra, cái dung thông ấy lập tức hoạt động náo nhiệt và tích cực. Mình trở thành nạn nhân của sự đau khổ chỉ vì để cho cái tưởng hoạt động dung thông.

Trong đời sống mình đây thứ gì mình cũng dung thông được, nên nhiều khi sự việc trở thành rối rắm. Mới nghe “Bà đọc dùm tui cái này coi có hiểu không?”. Nghe thế nào cứ y nguyên thế ấy mà làm thì không có chuyện gì xảy ra. Hiểu thì nói hiểu. Không thì nói không. Nhưng cái tật của mình là hay dung thông. Mình nghĩ ngay đến việc ông nội coi thường mình, chê mình ngu. Nghĩ tới đó là bắt đầu nổi lồ cồ. U tối hết mọi chuyện. 

Loại vọng tưởng dung thông này nó hoạt động rất mạnh. Không khéo, chuyện thế gian có khi thành to tát không hàn gắn được, chỉ vì cái tưởng dung thông.

Gia đình người hàng xóm cạnh tôi mới rước về nhà một cô dâu mới. Nói chuyện thiên hạ mà không nói chuyện của mình, vì lỗi thiên hạ mình thấy dễ hơn là lỗi của mình. Cô dâu này có một đặc điểm là rất ít nói. Đó là theo lời kể của ông bà. Còn với tôi, con bé nói chuyện cứ như con sáo. Nó huyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác. Riêng với gia đình chồng thì ngậm câm như hến. Ông đi cửa trước nó ra cửa sau. Bà ở dưới nhà, nó lên trên gác. Ông bà rất buồn về thái độ của con bé. Cô dâu thì không biết thế nào. Nhưng bố mẹ nó thì ôm mộng cho con ra ở riêng dù cha mẹ chồng chỉ có một cậu con trai duy nhất.

Hiếu nghĩa quả tình không có. Chỉ nghĩ đến bản thân mình như vậy, người ngoài nhìn vô trách cũng phải. Nhưng xảy ra cớ sự ấy không phải là do lỗi của con bé hoàn toàn.

Con bé ấy tuy có ít nói khép kín. Nhưng theo tôi nó không hẳn là một đứa quá ít kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Những ngày đầu về làm dâu, con bé cũng tập tểnh làm các món ăn để nấu cho cả nhà cùng vui. Duy bà mẹ chồng lại quá khó. Ai làm thứ gì bà cũng không vừa lòng. Bà không vừa lòng vì nấu ăn là sở trường của bà. Bà làm khéo quá thành ai làm gì bà cũng chê. Bà chê mà bà không cần dấu, lại cứ khuyếch trương nó lên để mọi người cùng biết là bà giỏi và rất tài. Bà muốn con bé đứng ra lo mọi việc trong nhà nhưng phải dưới sự vừa ý của bà. Quả là một điều rất khó! Cứ xét bản thân mình đây, có khi mình thay đổi liên tục mà bản thân mình còn không nhận ra, huống là người ngoài? Làm sao con bé theo cho kịp. Vì thế cô dâu nhỏ mất hứng, rụt đầu, chỉ muốn thu người lại để được bình yên. Cậu con trai thấy tình thế không yên, cũng khuyến khích vợ tránh đi cho xong việc. Miễn về đến nhà mọi thứ được bình yên là tốt. Đàn ông ai mà ưa ồn ào sau một ngày căng thẳng. 

Con bé không nghĩ được bà mẹ chồng chỉ muốn chứng tỏ mình giỏi hơn người mà nghĩ bà ghét nó thành nó làm gì bà cũng kiếm cớ chê cho được. Cớ sự ấy là vì khi rước nó về, chỉ có chồng nó là chịu, còn ông bà thì bị lão già bên cạnh làm cho mất hồn. Lần đầu tiên thấy con bé, lão đã hô toán “Tướng con này hãm tài. Rước về là tán gia bại sản, ông sẽ mất mạng”. Bà đã tìm mọi cách để cản ngăn nhưng nó vẫn lù đù đâu đó trong nhà. Ông bà thấy con bé rụt đầu, ngày càng thu mình trên căn gác nhỏ thì không nghĩ chính thái độ của mình khiến con bé như vậy, mà cho con bé bất hiếu, cho gia đình con bé không biết dạy con v.v…  Đã có tâm trách người thì không tránh được sự gay gắt. Lời nói toát ra bây giờ không có sự êm dịu của tình thương. Chỉ là sự gắt gỏng vì không vừa lòng. Con ruột cũng khó gần, nói gì đến con dâu. Mới thấy cái tưởng của mình nó giết mình mà mình không biết. 

Thầy bói thì cũng ăn cũng ỉa có khác gì mình, nhưng tự dưng đi tin vào  để tạo nên một dấu ấn không đẹp cho người khác. Tuy mọi chuyện đã qua nhưng bà cụ cũng chưa hết bàng hoàng. Dù ông của bà chẳng mất mạng, dù của cải không đội nón ra đi, nhưng cái dư âm của lời ông thầy vẫn âm ỉ. Cái tưởng dung thông khi nào mà chẳng kiếm chuyện để hoạt động. Luôn có cái để bào chữa cho cái tưởng hay tin của mình. Chính cái tưởng bào chữa ấy tạo nên sự lạnh lùng ngăn cách thiếu tình thương. Người đối diện không khỏi cảm thấy rụt rè lo ngại. Làm sao không lẫn tránh? Con bé nghe lời góp ý gay gắt, không nghĩ chỉ vì thái độ co người quá đáng của mình làm xúc phạm đến người khác, mà nghĩ ông bà kiếm cớ gây chuyện. Mọi việc cứ vậy mà diễn biến trong im lặng và lạnh lùng. Giang sơn ai nấy ở. Đất nước ai nấy quản. Đã không máu mủ giờ lại càng nước lã hơn nữa. Đều do vọng tưởng dung thông mà ra. 

Đụng phải chuyện như vậy mới thấy giá trị của việc tu thiền. Học được cái chiêu PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ mơi thấy đời êm đẹp ra sao.

Thế giới này được hình thành bởi những mối nhân duyên từ đời trước. Vừa gặp nhau đã đem lòng luyến ái. Vừa gặp nhau đã thấy khó ưa. Có những cái đồng tông mà cũng có những cái không đồng tông. Trong gia đình, có người làm cái gì mình cũng vừa lòng, nhưng người khác mà làm thì sinh chuyện v.v… Tất cả đều do nhân duyên từ đời trước. Duyên mà thuận thì cái gì cũng hay cũng tốt. Duyên đã nghịch thì cái gì cũng xấu cũng dỡ dù việc xảy ra chẳng có gì khác nhau. Mình chỉ biết chạy theo duyên nên không có cơ hội để chiêm nghiệm về những mối nhân duyên thuận nghịch chi phối đời sống con người đây. 

Thuận hay nghịch đều do mình mà ra. Gia đình cô bé hàng xóm tôi. Kiếp trước thế nào mình không biết. Nhưng chưa về nhà chồng đã gặp ngay lão coi tướng già mồm, là biết cái duyên đã không thuận. Ông bà cụ kiếp trước thế nào không biết, bỗng dưng gặp phải lão coi tướng để tạo ra một vết nứt không đáng. Lại thêm một cái duyên không thuận. Hai cái không thuận gặp nhau nên mọi sự trở thành nặng nề. Chuyện quá khứ mình không biết thì không bàn. Giờ cứ ngay chuyện hiện tại mà luận để biết mà tránh cái quả ở tương lai. 

Nếu hiểu những gì mình đang có đây là do cái PHƯỚC cũng như cái HỌA mình đã gieo từ trước thì ông bà sẽ không trách cô con dâu dù cô dâu ấy thế nào. Nó không ít nói với người khác, nó chỉ ít nói với mình. Vậy ít nói không phải là bản chất của nó mà do cái duyên của mình với nó không thuận. Không thuận thành nó không thể mở miệng dễ dàng như với người khác. Mình không hiểu được điều đó, thấy nó huyên thuyên với người mà không huyên thuyên với mình thì trách nó đối xử với mình tàn tệ. Nếu hiểu được nhân duyên thì mình sẽ không trách nó. Không trách thì lời nói sẽ không gay gắt khó chịu, thái độ sẽ không lạnh lùng, không tạo cơ hội cho một duyên xấu xuất hiện, khiến mối nhân duyên vốn không tốt đẹp có điều kiện kéo dài. Kiếp sau không chừng lại gặp nhau. Lại lạnh lùng im lặng. 

Cô con dâu nếu biết tu thiền, nghe chỉ là nghe, thấy chỉ là thấy, không thêm cũng không bớt thì ông bà làm gì đó làm, chuyện mình làm dâu thì mình cứ làm dâu. Mình ở sao cho phải đạo thì thôi. Bà không vừa lòng thì mình làm cho bà vừa lòng. Bà giỏi quá thì nói cho bà biết là bà giỏi quá, con theo không kịp, xí xóa cho con. Không thuận thì mình cố lấy cái đức và sự nhẫn nãi để làm cho thuận. Anh hùng tạo thời thế mà! Duyên nghịch mà chuyển được rồi, có làm xuôi làm ngược gì, mọi chuyện cũng thành tốt đẹp. Thời thế tạo anh hùng là đó. Tôi thấy bà cũng chẳng khó khăn gì. Ở với bà hết tình bà cũng coi như con gái. Tiếc là gia đình cô gái không biết chút gì về luật Nhân Quả đang chi phối thế gian này. Cứ bàn ra tán vô, muốn tách con bé ra khỏi gia đình chồng càng sớm càng tốt. Xét cho cùng, con gái mình có bị gì chăng nữa, chẳng qua là do cái nhân nó đã gây trước đây mà thôi. Cái duyên hiện đời bởi vậy mà chưa tốt. Nhân của mình thì mình phải tự giải quyết. Giải quyết sao cho ổn thỏa thuận đạo thì thôi. Rụt đầu co cổ thì ích lợi gì. Chỉ kéo dài thêm duyên xấu. Duyên mà còn, ông bà có chết cũng chưa hẳn con gái mình đã thoát được nạn nói là ở riêng. Chạy trời không khỏi nắng. Ông bà chết rồi mà nhân duyên chưa hết thì có khi lộn đầu thành thằng cháu nội cũng nên. Nó trả đủa bằng cách lập lại những gì mình đã làm cho ông bà nó : Khó dạy, cứng đầu, không hề quan tâm đến người khác, tách mình ra khỏi gia đình bố mẹ. Có một đứa con như thế mà không bình thản được thì rất phiền não! Không sao tránh được duyên xấu khi nghiệp duyên vẫn còn. Cái đức và cái hiếu của mình mới là phần giải nghiệp toàn triệt mà thôi. 

Tiếc là không ai biết chút gì về Phật pháp. Kẻ thì không đến chùa. Người đến chùa thì chỉ biết tụng kinh lạy Phật rồi về. Không ai biết chút gì về nhân quả. Tình thương không thể trang trãi cho những người không thân ruột nên không có sự bao dung thông cảm. Chỉ biết cái gì là vừa lòng, cái gì không vừa lòng mà không hề quan tâm đến sự khó khăn cũng như nỗi vui buồn của người khác. Cớ sự mới ra như vậy. Mới rước phiền não vào thân. Ngẫm lại mình, rồi cũng không thoát được những điều vụn vặt ấy. Tình thương của mình đối với người luôn có điều kiện. Người ta phải làm gì đó cho mình, mình mới chịu thương. Không như Phật, bao dung, rộng mở và tha thứ. Thấy lỗi người thì dễ. Thấy lỗi mình quả khó. Đời mới thành khổ đau.

PHÂN BIỆT, giờ mình nói đến sự phân biệt. Vọng tưởng và phân biệt là hai thứ thường đi chung với nhau khiến mình có cuộc sống không hạnh phúc. Nó là hai thứ làm cản trở không cho mình phát huy được ông Phật của mình.

Nói đến PHÂN BIỆT là nói đến sự xuất hiện của hai ranh giới : xấu đi với đẹp, tốt đi với xấu, thân đi với sơ v.v... Khi đối diện với một sự việc hay một con người mà trong đầu mình không có hai từ tốt hay xấu, tự cao hay khiêm nhường ... là mình không bị rơi vào phân biệt. Còn nhìn cái áo mà thấy nó đẹp là mình đang ở trong ranh giới của sự phân biệt. Phân biệt thôi thì không có gì để nói. Nhưng vì sự phân biệt của mình luôn đi kèm với chàng VỌNG TƯỞNG DUNG THÔNG trong vô số đời trước, nên vừa phân biệt là lập tức có thương có ghét, có hài lòng hay không hài lòng. Từ đó có việc tìm cách thu vào hay đẩy đi. Cái tìm cách thu vào hay đẩy đi đó là mầm móng cho những tai họa của mình sau này. 

Thương ghét đã chi phối thì không cách gì duỗi thẳng hai chân mà ngủ. Ghét, ngủ không được đã đành. Mà thương, ngủ cũng chẳng được. Mình mà không ngủ vài bữa thì suy nhược thần kinh, đầu óc tửng tửng … Thương ghét gì cũng dẫn đến tai họa.

Phật nói con người có 9 thứ khổ. Ghét mà ngày nào cũng phải đối diện là một thứ khổ. Vợ chồng khi hết thương nhau là phải li dị hoặc … tôi vô chùa, ông ở nhà chứ không ở chung được nữa là bởi cớ sự đó. Không đợi phải ghét, chỉ cần không đồng quan điểm với nhau là đã không ngồi chung ăn chung được rồi. Bởi ngồi một chặp thì thế nào cũng gây lộn, phiền não sẽ xuất hiện. Khổ!

Cái khổ thứ hai là thương mà không được gần. Thương mà không được gần là khổ nên thương nhau là phải tìm cách gần nhau cho được. Không thì nó khổ.  

Nói đến cái thương mà không được gần là khổ này, hậu quả của nó mới là kinh khủng. Mình đọc báo thấy chúng cứ thịt nhau hoài chỉ vì người này không thương người kia nữa. Không thương nữa tức là người đó sẽ bỏ mình đi. Vì thương mà không được gần thì khổ nên người ta chỉ nghĩ một cách đơn giản là làm sao để khỏi mất người đó. Thịt quách nó đi để khỏi rơi vào tay người khác. Nhưng nó chết cái xác chứ cái nghiệp thức nó vẫn còn. Nó cũng đi thôi. Đi kêu công an tới gông mình. Khổ này chưa hết đã tếch thêm khổ mới.

Giải quyết kiểu đó là vì họ không biết tu. Tu rồi, mình sẽ hiểu mình khổ không phải do người mình thương còn hay mất mà vì mình có tâm ôm giữ. Tình thương rộng lớn đối với muôn loài bị cái không sáng của mình nó ám, nên mình đã gom hết tình thương ấy đặt vô một người và lấy đó làm nắm ruột của mình. Ruột mà mất không đau sao được. Giờ muốn hết khổ thì phải làm sao trãi cái tình thương ấy rộng lớn ra như cũ. Thế giới này còn rất nhiều kẻ khổ đau cần đến tình thương của mình. Nhìn sự khổ đau của họ mình sẽ thấy thứ tình thương mình đang mang trong lòng đây nhỏ bé lắm, không đáng để mình phải đau khổ. Cho nên, thất tình hay mất người thân thì đừng dại mà suốt ngày ôm ấp tơ tưởng với những thứ đã mất hay vùi đầu vào rượu chè, cờ bạc, ca nhạc. Những thứ đó chẳng giúp ích gì cho mình. Thân thể bạc nhược, tinh thần suy yếu thì sự việc càng tồi tệ hơn nữa. Chỉ những nơi mà con người đang quằn quại với nỗi đau của chính họ như cô nhi viện, bịnh viện v.v... mới có thể giúp mình nguôi ngoi mọi thứ mà thôi. Nỗi đau của mình so với những nỗi đau ấy có đáng gì!    

Người phát tâm tu Phật thì hạnh nguyện của mình là dùng trí tuệ sẵn có, trãi dài sanh tử vô hạn định để làm vơi đi phần nào nỗi thống khổ của chúng sanh. Vì thế, nếu chẳng may mà trúng phải thứ khổ ấy thì mình chỉ cần suy nghĩ thế này là có hiệu quả “Mình phát tâm tu Phật tức là mình đang tập bỏ dần cái riêng để mang lại cái vui cho mọi người. Đã phát tâm đời đời bạt khổ cho chúng sanh mà giờ chỉ có một chuyện tí teo đó, mình cũng muốn dành cho bằng được thì còn ra thể thống gì”. Mọi đau khổ sẽ qua đi như làn gió thoảng. Tu Phật lợi dữ lắm chứ chẳng phải chơi!

Cái khổ thứ ba là người mình ghét mà nó lại thương, còn không thì nó cứ khen hoặc binh người đó. Cũng như người mình thương mà nó lại ghét. Cái này khổ tương đương với hai thứ trên chứ chẳng bớt chút nào. Thứ mình thương mà người ghét thì tôi chưa kịp nếm. Nhưng thứ mình không ưa mà nó khen hay binh thì tôi nếm rồi. Không đợi nó phải khen hay binh. Khi mình than với nó về một ai đó mà nó không gật đầu cũng không lắc đầu, cứ thế mà im lặng rồi cười trừ cũng đủ thuốc để giết mình rồi. Cái im lặng của nó đồng nghĩa với việc nó binh người kia. Bực bội trong lòng mình mới than nhưng không có sự thông cảm nào khác ngoài nụ cười đáng ghét của nó. Lúc ấy chỉ muốn tống cho nó một đạp để vơi bớt cái bực trong lòng. Đúng là bực chồng bực, khổ chồng khổ. Có ai nói sân là không khổ không? Khổ dữ lắm! Tâm động là nhân của quả khổ mà. 

Từ sự phân biệt mới sinh ra thương ghét. Từ thương ghét mới sinh ra khổ. Nên muốn hết khổ thì phải bỏ thương ghét. Muốn bỏ thương ghét thì phải bỏ đi sự phân biệt. Nghĩa là, nghe thì chỉ nghe. Thấy thì chỉ thấy. Đừng thêm thứ gì sau đó nữa. Đừng đánh giá sự việc hay con người khi vừa thấy hay vừa nghe đó. Đừng để cho những quan niệm chi phối lấy sự nhận định của mình khiến mình phải lao lư theo chúng. Đánh giá lỡ rồi thì bỏ đi đừng để nó tiếp tục. Thứ gì làm hoài sẽ thành thói quen. Thành thói quen rồi, nếu khởi tâm thấy đẹp hay xấu, mình sẽ thấy cái bất an mệt mõi đi liền sau đó. Không ai muốn mình bất an, vì thế mình sẽ chẳng thích thú gì khi cứ phải khen hay chê, thấy xấu hay đẹp. Không còn thích thú tức mình đã bắt đầu bỏ được nó. 

Không phân biệt rồi thì việc thiện ác cũng không phân biệt luôn sao? Nếu thiện ác cũng bỏ thì do đâu xuất hiện cái tưởng thiện ác và Phật luôn dạy mình tránh dữ làm lành? Đó là vì thế giới hiện nay người làm ác quá nhiều. Lập điều thiện là để trừ bớt điều ác. Như pháp luật và nhà tù được lập ra là vì có tội phạm. Không người phạm tội thì pháp luật cũng chẳng cần, nói gì đến nhà tù. Hết ác thì thiện cũng chẳng lập. Một khi mình đã bỏ được cái tâm thị phi tốt xấu thì tâm mình lúc ấy không còn ác. Không ác thì việc chấp thủ cái thiện trong tâm cũng phải bỏ. Không ác không thiện chính là lúc Lục Tổ nói “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục  của thượng tọa Minh?” Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa mình? Nó đó! Chính là ông Phật trong mỗi người chúng ta. Phật hiển lộ thì không còn phân biệt. Không phân biệt thì Phật hiển lộ. Phật hiển lộ thì mình có đầy đủ trí tuệ siêu việt và tình thương không giới hạn. Dụng của cái tâm ấy là vô bờ. Không phân thiện ác nhưng việc thiện ác được thanh lọc giống như ngỗng chúa nhận biết sữa và nước, không sai một mảy may để mang lại lợi ích cho mọi người. Không như mình hiện nay, có khi làm thiện mà hóa ra là bất thiện, bởi mình vẫn còn bị giới hạn trong trí phân biệt, là cái trí do bất giác vọng tưởng mà có. Thiện ác ở thế gian là thứ nằm trong mối tương quan đối đãi lệ thuộc vào duyên. Duyên đã thay đổi mà mình không đủ trí tuệ để nhận ra thì thiện có khi thành bất thiện. Việc thiện của chư Phật là như thật thiện, nên không bao giờ sai trật cũng không bao giờ dừng nghĩ. Công đức là vô lượng. Vì thế, không phân biệt thì đầu tiên là mình không phân biệt việc tốt xấu thị phi của sự vật trước. Thuần rồi thì cũng phải bỏ luôn cái tưởng phân biệt thiện ác. Không, nó sẽ làm chướng tâm mình.

Là Phật thì mình không còn bị bó buộc trong loại tình thương nhỏ hẹp của con người. Không còn sự khổ đau nào nữa. Làm Phật như vậy đâu phải thiếu thực tế đúng không? Rất thực tế nữa là đằng khác. Hãy cố gắng sống với ông Phật của mình. Ông Phật này gặp bà Phật kia sản sinh ra một mớ Phật con. Đó là một gia đình Phật. Nhiều gia đình Phật sẽ có một quốc gia Phật. Nhiều quốc gia Phật sẽ có một thế giới Phật. Đó là thế giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật. 

[ Quay lại ]