headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

GIẢNG GIẢI PHẨM PHỔ MÔN

Đại sư Tinh Vân : Dịch từ Nhật sang Hán
Hạnh Huệ : Dịch từ Hán sang Việt

LỜI MỞ ĐẦU

 Thánh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là Thánh hiệu mà không ai chẳng biết. Tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm cũng chẳng hạn cuộc ở chùa chiền am thất, không hạn cuộc ở Phật giáo đồ quy y Tam bảo. Bất kể là đô thị, làng quê, núi sâu, bờ biển, hễ chỗ nào có người ở, trong nhà họ, nói không ngoa lắm, đều có thờ một tượng từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Vì sao mà Bồ-tát Quán Thế Âm lại được quần chúng đông đảo tín ngưỡng? Bồ-tát trong Phật giáo rất nhiều, lúc Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết kinh Pháp Hoa, Bồ-tát tại tòa nhiều đến tám vạn, ngay các vị đại biểu cũng có đến mười tám vị đại Bồ-tát. Trong mười tám vị đại Bồ-tát, có Bồ-tát không những không ai cung phụng, trì tụng, mà thật tình cũng ít người biết đến. Nhưng Bồ-tát Quán Thế Âm lại là người ai ai cũng biết, ai ai cũng tin. Đây là đạo lý gì? Đọc phẩm Phổ Môn rồi, sẽ tự nhiên hiểu rõ ràng ra.

Trong Phật giáo có một bộ kinh vĩ đại tên là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bộ kinh này có thể nói là một bộ kinh trình bày bản hoài của đức Thế Tôn, mà phẩm Phổ Môn hiện được giảng chính là phẩm thứ 25 trong kinh này, là một trong 28 phẩm của kinh Pháp Hoa.

Nội dung phẩm này hoàn toàn là thuyết minh về lợi ích Phổ Môn của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhân đây thường thường có người đem một phẩm này lễ tụng riêng. Người thường gọi là kinh Quán Âm chính là chỉ phẩm Phổ Môn. Phẩm Phổ Môn là gọi tắt, hoàn chỉnh nên gọi là “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn Phẩm”.

Phẩm Phổ Môn đã từng biết qua rồi, nhưng ý nghĩa năm chữ “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” chẳng thể không hiểu rõ. Năm chữ này có nghĩa rất rộng, lý rất sâu. Nếu như giải thích cho tường tận, chắc có thể thành giảng nghĩa toàn bộ kinh Pháp Hoa, đồng thời cũng có thể biết bản hoài xuất thế của Thích Tôn, nguyên lý căn bản của Phật giáo. Do đó, giảng một cách đơn giản, là điều không thể đầy đủ rõ ràng. Nhân vì bản kinh thuyết minh nguyên lý căn bản của Phật giáo, trong mấy ngàn quyển kinh Phật giáo, có thể gọi đây là vua trong các kinh. Nếu như muốn giảng rõ kinh này, thế ắt phải nói đến lý luận chỉnh đốn Phật giáo.

Liên quan đến việc giải thích kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phần sau sẽ thuyết minh. Hiện tại, sẽ nói về dịch giả của kinh này trước đã.

Dịch giả Cưu-ma-la-thập :

Bộ kinh này vốn từ bản tiếng Phạn của Ấn Độ, pháp sư Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần đã đem dịch ra tiếng Hán.

La-thập là một trong bốn nhà phiên dịch lớn của Phật giáo. Bốn nhà phiên dịch lớn này là bốn vị La-thập, Chân Đế, Huyền Trang và Bất Không. Trong bốn vị, đặc biệt là pháp sư La-thập, bất kể là trên giáo nghĩa hay trên phiên dịch, Ngài đều chiếm địa vị rất trọng yếu. Vì sự phiên dịch của Ngài là sự đổi mới rất lớn trong giới phiên dịch. Như kinh Pháp Hoa, trước và sau bản dịch của La-thập, từng có mấy loại phiên dịch, như bản dịch của Trúc Pháp Hộ. Tuy cũng là bản dịch toàn bộ, nhưng chỉ có bản dịch của La-thập thịnh hành nhất. Đại sư Trí Giả khai lập tông Thiên Thai, đã đem bản dịch của La-thập làm cơ sở. Từ tình hình này mà xem, trình độ vượt bực của Ngài tưởng cũng có thể biết được.

La-thập là người Trung Á-tế-á, tức xưa gọi là người nước Quy Tư ở Tây Vực. Lúc Ngài bảy tuổi theo mẹ đi tham phỏng danh sư khắp nơi, tinh cần nghiên cứu giáo điển. Tựu trung, chủ yếu là nghiên cứu pháp môn kế thừa Long Thọ, mà phiên dịch Pháp Hoa, Bát-Nhã, đó là chủ trương dịch thuật kinh thuộc pháp môn của mình.

Đồ đệ của La-thập, có Tăng Duệ - Tổ sư của Tứ luận, Đạo Sinh - Ông tổ của Tam luận, đều có trợ giúp cho cơ sở khai lập của tông Thiên Thai.

La-thập đến Trung Quốc hơn 1500 năm trước. Thời đó, chính là gặp loạn Ngũ Hồ của Trung Quốc, vì Tấn triều bị Di Địch từ Tây Bắc bức bách đến phương Nam, dựng nghiệp ở hạ lưu sông Dương Tử (nay là Nam Kinh) lập kinh đô xưng là Nam Tấn. Lúc ấy, tại Trường An, lưu vực Hoàng Hà, có bậc anh kiệt là Phù Kiên độc lập, tự xưng là Tần, sử gia đời sau gọi quốc gia được lập là Tiền Tần. Lữ Quang bề tôi của Phù Kiên thừa uy chiến thắng, đem quân chinh phạt các nơi ở Tây Vực và phụng mệnh rước La-thập về Trung Quốc. Nhưng không bao lâu, Phù Kiên trong một trận chiến ở Phì Thủy, bị trúng tên lạc mà chết. Tiền Tần mất rồi, Diêu Trường lên thay, xưng là Hậu Tần, còn gọi là Diêu Tần.

Lữ Quang trên đường viễn chinh, nghe tin vua mình chết trận, do chính mình chiến thắng liên tiếp các nơi thuộc Tây Vực, bèn đến tỉnh Cam Túc ngày nay độc lập tự xưng là Hậu Lương. Bấy giờ La-thập theo lệnh của Lữ Quang, đến thủ đô Cô Tạng của Hậu Lương. Về sau đến thời Diêu Hưng vị vua đời thứ hai của Diêu Tần, ông ta rất tôn sùng Phật giáo, dùng lễ nồng hậu để đãi ngài La-thập. Niên hiệu Hoằng Thủy thứ ba, rước Ngài đến Trường An. Diêu Hưng đặc biệt đem Tây Minh Các của triều đình làm nơi ở của ngài La-thập, lấy vườn Tiêu Dao làm đạo tràng phiên dịch, trên sử Phật giáo Trung Quốc phóng ra một vẻ rực rỡ to lớn.

Một là vì La-thập có học thức và đạo đức đáng trọng vọng, hai là được Diêu Hưng bảo hộ nồng hậu, nên đạo tràng phiên dịch ở vườn Tiêu Dao xem là hưng thịnh rất đáng cho người kinh ngạc! Riêng nói về môn hạ của ngài La-thập tổng số không dưới 3000 người. Lúc dịch kinh Pháp Hoa, người tham gia hơn 2000, lúc dịch kinh Tư Ích cũng hơn 2000 người, lúc dịch kinh Duy-ma hơn 1300 người, ngoài ra như 40 quyển kinh Ma-ha Bát-nhã, một quyển kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, một quyển kinh A-di-đà, cũng đều trong tình huống này mà phiên dịch.

Kinh Pháp Hoa là bản dịch khi La-thập đến Trường An sau năm thứ sáu, tức là đời Đông Tấn An Đế, niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ hai (406 DL), Diêu Tần niên hiệu Hoằng Thủy thứ 8.

Bản dịch kinh Pháp Hoa của ngài La-thập vốn chỉ có 27 phẩm, về sau đại khái trải qua hơn 80 năm, đời Tề Vũ Đế, niên hiệu Vĩnh Minh thứ 8 (490 DL), do Đạt-ma-ma-đề và Pháp Hiến cùng dịch thêm vào một phẩm Đề-bà-đạt-đa, bèn thành 28 phẩm. Lại nhân bản của La-thập chỉ có văn xuôi, không có trùng tụng, đến đời Tùy hơn 180 năm sau, mới lại do Xà-đa-quật-đa dịch trùng tụng thêm vào, mới thành bản kinh Pháp Hoa lưu hành hiện nay.

TIỂU THỪA VÀ ĐẠI THỪA
Phật giáo, vốn chia ra Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Hậu kỳ, Phật giáo Nguyên thủy còn gọi là Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Hậu kỳ còn gọi là Phật giáo Đại thừa.

Trong Phật giáo Tiểu thừa còn có chia nhiều phân phái. Chẳng kể phân phái của họ nhiều bao nhiêu, chỉ cần là Tiểu thừa tất nhiên đều là để mắt vào hiện tượng giới của vũ trụ, cho thế gian hiện thực này là khổ, là không, là vô thường. Sống còn trên một thế gian như thế, công tác trọng yếu nhất chẳng qua là tận lực xa lìa thế gian, cầu được giải thoát cho tự thân. Đến việc lợi người thế nào, cứu giúp thế gian làm sao, họ cũng chẳng hề biểu thị một chút quan tâm. Điều này ở trong Phật giáo gọi là gã tự liễu, riêng thiện thân mình. Vì họ trừ giác ngộ chính mình ra, chẳng để ý đến giải thoát cho người khác, đem giác ngộ của người khác xem là không quan hệ đến mình. Chủ nghĩa giải thoát theo khuynh hướng cá nhân này, có thể nói là hàm chứa sắc thái xuất thế rất ư nồng hậu.

Đến Phật giáo Đại thừa Hậu kỳ, thì tương phản với tư tưởng này. Họ xem hiện tượng vũ trụ là hiện thực, cho là sự lý viên dung, mình người bình đẳng. Do đó Tiểu thừa là tiêu cực còn Đại thừa là tích cực; Tiểu thừa là tịch diệt còn Đại thừa là hoạt động; Tiểu thừa là cá nhân mà Đại thừa là xã hội.

Trong Phật giáo Đại thừa, lại phân biệt quyền và thật. Quyền giáo nghĩa là đối với phương tiện lý thuyết đã không có mười phần triệt để đạt đến viên dung vô ngại, mà đối với phương diện khai ngộ cũng cho là có cách biệt rất lớn. Nhưng Thật giáo thì chẳng giống thế, đây như kinh Pháp Hoa nói: “Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba”, căn bản không có sai biệt gì tất cả. Sum la vạn tượng trong vũ trụ, hoàn toàn là biểu hiện Diệu pháp thực tướng trung đạo.

Các cổ đức Phật giáo từ trong nhận thức quán thấu “một tức tất cả”, thường thường nói thế này: Dương liễu màu xanh chính là pháp thân vi diệu thanh tịnh; gió thổi qua tùng bá chính là âm thanh thuyết pháp độ sanh của chư Phật Bồ-tát.

                            Khê thanh tận thị quảng trường thiệt,
                                Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân.

Đó là miêu tả cảnh giới này. Trong tất cả kinh điển, kinh có thể phát huy thấu đáo đủ đạo lý cứu cánh này, chính là kinh Pháp Hoa. Do đó kinh này thực là một bộ kinh vĩ đại nhất trong Đại thừa.

Theo Phật giáo đồ thông thường nói: Phật Thích-ca Mâu-ni lúc mới khai ngộ, vốn nghĩ chuyển pháp luân căn bản giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, nhưng lý rốt ráo cao thâm này, lỗ tai trần tục thông thường rất khó nghe để tiến. Nhân đây không thể không dùng phương tiện quyền xảo, từ phương diện nền tảng ra tay. Trước hết giảng kinh A-hàm của Tiểu thừa, sau đó từ Tiểu thừa tiến vào Đại thừa mà thuyết các kinh Phương Đẳng, lại tiến thêm một bước giảng kinh Đại Bát-nhã. Đây đều là phương tiện tiến nhập Đại thừa Thật giáo. Cuối cùng trên hội Pháp Hoa, thuyết kinh Pháp Hoa khai quyền hiển thật, mới kể là chân chính đạt đến mục đích truyền đạo của Thích Tôn.

Chúng ta khả dĩ nói: Phật Thích-ca Mâu-ni từ pháp thuyết trên hội Hoa Nghiêm ra, các kinh ở giữa thuyết đều là Pháp luân ngọn ngành, cuối cùng đến trên hội Pháp Hoa mới là chuyển pháp luân căn bản, nghĩa là pháp luân “Nhiếp ngọn về gốc” là chỉ cho đây. Do đây có thể biết kinh Pháp Hoa trong tất cả kinh chiếm địa vị trọng yếu thế nào.

Về kinh Pháp Hoa, ở Ấn Độ ngài Thế Thân là người chú thích sớm nhất. Tại Trung Quốc, pháp sư Pháp Vân thuộc Tông Niết-bàn có Pháp Hoa Nghĩa Sớ. Đại sư Gia Tường thuộc Tam Luận Tông có Pháp Hoa Nghĩa Sớ, đại sư Từ Ân thuộc Pháp Tướng Tông có Pháp Hoa Kinh Huyền Tán, thiền sư Giới Hoàn Thiền Tông có Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Giải. Họ mỗi người đều nương theo giáo nghĩa của tông mình mà giải thích kinh Pháp Hoa. Đại sư Trí Giả lúc đó dùng một bộ kinh này làm trung tâm, riêng mở một tông gọi là Pháp Hoa Tông và viết ba bộ lớn Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ma-ha Chỉ Quán.

Do đây mà xem, bộ kinh Pháp Hoa này, chẳng kể là một Tông nào của Phật giáo đều chiếm một địa vị trọng yếu. Không kể ai đều không coi thường giá trị của bộ kinh này.

Kinh Pháp Hoa gồm 28 phẩm. Phẩm Phổ Môn là một phẩm trong 28 phẩm này. Giáo nghĩa mỗi phẩm đều rất trọng yếu, không có phân biệt đẳng cấp ất giáp gì. Để tiện thuyết minh, chỉ có thể chia làm hai môn: Bổn môn và Tích môn.

Mười bốn phẩm trước của kinh Pháp Hoa, chính là tất cả vết tích của Thích Tôn, nên gọi là Tích môn. Mười bốn phẩm sau là nương bổn địa của Thích Tôn mà nói Bổn môn. Đây đều là ngôn giáo mà Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này nói ra. Thế Tôn vốn là người thể hiện chân lý vũ trụ, Ngài đã sớm thành tựu quả Phật mà chứng pháp thân, nương pháp thân này mà xuất hiện thành đấng Thích Tôn đến thế gian này, ví như vầng trăng trong sáng dọi bóng xuống dòng sông.

Trong 28 phẩm này đã chia hai môn Bổn - Tích.

Trong Tích môn, phẩm Phương Tiện và phẩm An Lạc Hạnh.

Trong Bổn môn phẩm Như Lai Thọ Lượng và phẩm Phổ Môn, gọi chung là Pháp Hoa Tứ Yếu Phẩm.

Đại sư Diệu Lạc nói: Phẩm Phương Tiện tương đương với phát tâm, phẩm An Lạc Hạnh tương đương với tu hành, phẩm Thọ Lượng tương đương với Bồ-đề, phẩm Phổ Môn tương đương với Niết-bàn. Từ phát tâm tu hành mà đến giác ngộ Bồ-đề, lại do giác ngộ hiện tiền mà đến Niết-bàn của phẩm Phổ Môn. Do đây lại có thể rõ ràng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa chiếm địa vị trọng yếu như thế nào.

Phẩm Phổ Môn đã chiếm địa vị trọng yếu trong kinh Pháp Hoa như thế, do đó danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, khắp nơi có người thọ trì; hình tượng từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, khắp nơi có người cung phụng, cũng là đạo lý này. 
 

(Còn tiếp...)

[ Quay lại ]