headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 09/01/2025 - Ngày 10 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HOA HỒNG CÓ GAI …

Đậu Hũ 

 Buổi tổng kết cuối năm ...
Lão bà bà cảm tác bài thơ tự xét về mình:
Lời xưa …
Cung người đừng cầm
Ngựa người đừng cưỡi
                                        Chuyện người đừng xen
                                        Thị phi nhân ngã

                                   Nói năng là bạc
                                   Im lặng là vàng
                                   Được vàng hay bạc
                                   Tự mình lọc sàng
                                   Cái ta biết hữu hạn
                                   Cái chưa biết vô hạn
                                   Vô hạn hay hữu hạn
                                   Tự phân định rõ ràng
                    Thế mà …
                                  Tôi chẳng hề nhớ
                                   Mỗi khi gặp gỡ 
                                  Thân quyến bạn bè
                                  Tôi nói hơn nghe 
                                   Chẳng hề nghĩ rằng
                                   Hậu quả nói năng
                                   Lời nói sinh họa
                                   Lời nói sinh loạn
                                   Nếu như chưa thấy tánh
                                   Mọi điều nghĩ nói làm
                                   Vẫn là việc hồ đồ
                                   Vẫn là sự mê mờ
                    Cho nên …
                                   Biết quấy liền sửa
                                   Thấy lỗi mau chừa
                                   Điều tâm chỉnh tánh
                                   Xét xem lại mình
                                   Sao cho ứng với
                                   Thường nghe hơn nói
                                   Pháp tu Quán Âm
                                 Viên Thông nhĩ căn

Nói rồi lão bà ứng tiếp: “Xin cánh phụ nữ đừng buồn và xin cảnh báo mấy ông, hoa hồng có gai … Chỉ nên đứng xa nhìn lại, chớ chạm vô đó mà mang họa”.

Tất cả cười ồ …

Người tham dự đạo tràng đa phần đều lớn tuổi. Đắng, ngọt, chua, cay ở đời nếm trãi cũng nhiều. Đủ để hiểu câu nói của lão bà theo phước nghiệp của từng người.

“Ủa! Mấy bà không biện minh cho mình sao?”.

Có gì để biện minh? Không biết khi khoa học tiến bộ hơn nữa, hồng không gai có xuất hiện không, nhưng thực tế hiện tại thứ mình thấy vẫn là hồng có gai. Ừ, không có gai, không phải hoa hồng. Đó là sự thực mà một người phụ nữ, dù đẹp theo kiểu nào, cũng phải chấp nhận. Ừ, pháp sao cứ để nguyên thế ấy, can chi đến mình mà phải biện minh, có chi mà buồn …

Hoa hồng có gai …

Chỉ 4 chữ, có cần thêm hay bớt?

Nhưng ít ai chịu đơn giản như thế. Bởi ai cũng nhìn cuộc đời qua lăng kính nghiệp thức của mình. Một nghiệp thức được gầy dựng và đúc kết bằng những thói quen : Suy nghĩ , tình cảm, kinh nghiệm … Những thứ mà nhờ nó cuộc sống thành phong phú. Cũng nhờ nó mà mặn ngọt chua cay ở đời nếm đủ không thiếu thứ gì.

Giờ thử dùng tứ cú biện về hồng có gai xem sao …

1. Chỉ thấy hồng mà không thấy gai

“Hồng có gai nhưng lúc đó chỉ thấy có hồng, gai dấu kỹ quá không thấy, phải mấy năm sau gai mới lòi ra …”. Một ý kiến đầu tiên được nêu ra, nói lên thân phận của những kẻ bị lừa. Khi mới quen nhau, hồng của chàng đã dấu kỹ những gai nhọn vào đám lá xanh. Chàng tưởng chỉ hồng của người mới có gai, còn hồng của chàng thì không. Chàng chỉ là nạn nhân …

Không phải không có những phụ nữ rấp tâm dấu đi cái gai của mình, nhưng đó không phải là tất cả. Nếu nhìn sự việc qua cái nhìn nhân duyên của nhà Phật, thì người phụ nữ không đến nỗi “tàn nhẫn” như thế. Họ cũng chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến hai người như nạn nhân của chính họ.

Cái thời mới yêu, thời mà thứ gì cũng còn mới, chưa có con cái, trách nhiệm, bổn phận, tiền bạc không phải là thứ quan trọng, sức khoẻ vẫn còn dồi dào để … yêu, thì thứ gì cũng vui vẻ cho qua. Những tập khí xấu tiềm ẩn bên trong mỗi người chưa đủ duyên để xuất hiện. Nhưng một khi duyên đã thay đổi, nghĩa là cái thời mới yêu đã qua, vô thường bắt đầu hiện tướng trong cuộc sống : Mối quan hệ gia đình và xã hội gặp nhiều mâu thuẫn, sức khoẻ suy giảm, đời sống vật chất lúc chìm lúc nổi, con cái đứa ngoan, đứa không ngoan, đức lang quân của ngày xưa giờ đâu mất … Có rất nhiều thứ bên ngoài thay đổi tác động, khiến những tập khí ẩn sâu bên trong của người phụ nữ bộc phát. Thế là hoa hồng của chàng trở thành có gai. Chàng cứ tưởng hoa hồng của mình lừa mình, nhưng không, hoa hồng vốn có gai, nó cũng chẳng bao giờ muốn dùng gai ấy để chích kẻ đã hạ cố đến nó. Thế nhưng … thời thế tạo anh hùng, Trưng Trắc xuất hiện cũng vì hoàn cảnh bên ngoài đưa đẩy. Tùy duyên, nhưng vì không có công phu, chưa đủ đạo lực để bất biến, nên hoa hồng hiển gai. Còn chàng, phần không hiểu, phần ảo tưởng và lạc quan, nên chỉ thấy hồng mà chẳng thấy gai...

2. Chỉ thấy gai mà không thấy hồng

Có người lại thấy phụ nữ như những … quái vật. Những cánh hồng như hủ mật nhận chìm những con ruồi ham ngọt. Schopenhauer một triết gia của thế kỷ 19, qua quá trình tiếp xúc với phụ nữ, mà đầu tiên là người mẹ, ông đã nhìn phụ nữ như những con quái vật. Với ông, những cánh hồng mơn mỡn cũng là gai nhọn. Ông nói “Thay vì gọi chúng là phái đẹp, để bảo đảm hơn nên tả đàn bà là giống thiếu thẩm mỹ. Đàn bà không thể có mối quan tâm thuần túy, khách quan về bất cứ một điều gì. Mọi phụ nữ, rất hiếm ngoại lệ, đều thiên về sự quá lố … Công việc của họ là tiêu tiền”. Phụ nữ không phải không có người mang những nhược điểm đó, nhưng đó chỉ là phần gai của một cánh hồng, không phải là tất cả hoa hồng.

Cũng vì nhìn hoa hồng như những đóa gai, nên sau khi trong chùa có một vài vụ lộn xộn xảy ra cũng vì người nữ, một Sư trụ trì đã cấm tất cả phụ nữ không được đặt chân vào chùa. Dù chưa phải là cách giải quyết toàn diện nhưng đó là một việc khá hay khi chúng ta chưa đủ năng lực để tận hưởng những ích dụng mà khả năng hoa hồng có thể mang lại. Dù gì phòng bệnh cũng hơn chữa bệnh. Bệnh gì chứ bệnh ái dục thì phiền não lắm. Phật đã nói “Nếu có cái thứ hai giống như dâm ái thì không ai có thể tu đạo nữa”. Hồng tuy có gai nhưng nó có khả năng dẫn Phật tử của Phật rời chùa rất xa. Không cảnh giác không được.

Một vị tu xuất, sau khi bị màu đỏ của hoa hồng dẫn chạy khỏi chùa, đã cảm thán đời mình bằng hai câu thơ :

                               Ái không nặng không sinh Ta bà
                             Oán không sâu không thành phu phụ

Giả tướng tươi đẹp bên ngoài đã biến mất khi nắm được cánh hồng trong tay. Càng nắm chặc, gai nhọn đâm càng nhiều. Với người khác, phu phụ bao năm nghĩa tình thêm lớn, thì với chàng tu xuất này, chỉ là cái lốt để chàng trả món nợ mình đã gieo trong quá khứ : Oán không sâu không thành phu phụ. Khổ dữ lắm mới thốt lên những lời như thế.

3. Vừa thấy hồng vừa thấy gai …

Ý kiến thứ ba: “Không phải không thấy gai, nhưng tôi nghĩ tôi có thể điều phục những gai đó. Nhưng đến nay tôi có thể khẳng định rằng không thể làm gì được, không thể thay đổi gì được. Trước sau vẫn đồng sàn dị mộng”. Trường hợp này gọi là lực bất tòng tâm. Nghĩa là nhận định được đâu là hồng, đâu là gai, hy vọng và tin tưởng mình sẽ bẻ được những gai đó, nhưng cuối cùng thì … Potay.com.

Một vị đông y không có gia đình lên tiếng: “Có gai cũng có cái lợi của nó, nhiều khi dùng để lể mụn nhọt mưng mũ cũng tốt …”. Đây gọi là biến họa thành phúc. Hãy xem những cái gai của người phụ nữ là duyên giúp mình hoàn thiện. Nếu những thứ mình gọi là gai (chỉ vì nó hạn chế đi những thú vui của mình như nhậu nhẹt, cờ bạc, trai gái v.v…) thì cái gai đó là cần thiết cho sự êm ấm của gia đình, cũng là thứ giúp cánh mày râu bớt đi tham dục, bệnh tật v.v… là cái nhân để kiếp sau ta có một hoàn cảnh tốt hơn. Rất là tốt!

Có người phản đối “Khổ nỗi, gai không lể mụn nhọt mà nhè những chỗ lành lễ tới, chịu đời không thấu …”. Đây đúng là gai mà là gai nhọn nữa. Cũng không sao, đó là cơ hội giúp mình giải thoát trong tương lai. Như trường hợp đồng sàn dị mộng của vị tiền bối trên, ta phải làm gì bây giờ? Phải giả từ hoa hồng? Giả từ được thì nói gì, chỉ sợ không thể giả từ … Nếu không giả từ được mà muốn yên ổn hạnh phúc thì phải bất động và chung sống hòa bình với gai của hồng chớ sao. Giống như ta từng sống hòa bình với những tật xấu của mình. Bất động được thì chính là … giải thoát, sanh tử tức niết bàn. Xin hiểu chữ bất động đây theo kiểu nhà thiền. Bất động trong sự hài hòa tương quan.

Một vị tu sĩ trẻ tuổi đã nói với tôi: “Chỉ nhờ một mình mẹ cậu, mà gia đình có 6 người thì đi tu đã hết 4 người, bởi không ai chịu nỗi tánh tình của bà …”. Gai nhọn trong trường hợp này đúng là cái duyên rất tốt, đưa đến sự giải thoát cho chư vị về sau.

Một trưởng lão khác cho ý kiến: “Hãy hưởng những lợi ích mà hoa hồng mang lại, nhưng đừng để gai đâm vào tay”. À, một kẻ biết chơi hoa. “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới là sống”.

Trong kinh Niết Bàn, khi nói về phước hữu vi với mặt duyên khởi đối đãi của nó, Phật kể câu chuyện ví dụ :

Một cô gái xinh đẹp vào nhà một người.

Người ấy hỏi: “Nàng tên gì?”.

Cô gái đáp: “Thân tôi là công đức đại thiên”.

Người chủ hỏi : “Người đến để làm gì?”.

Cô gái đáp: Chỗ nào tôi đến, tôi có thể cho các thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, tôi tớ …

Chủ nhà nghe nói vui mừng hớn hở: “Ta nay có phước đức nên khiến nàng đến nhà ta”. Nói rồi cung kính rải hương cúng dường.

Lại thấy ngoài cửa có một người nữ thân hình xấu xí, da nứt nẻ, dơ dáy hôi hám ...

Chủ nhà hỏi: “Nàng tên gì?”.

Cô gái đáp: “Tôi tên hắc ám”.

Chủ nhà hỏi: “Sao tên hắc ám?”.

Cô gái trả lời: “Bởi tôi đến đâu thì chỗ đó hao tài tốn của đến đó”.

Chủ nhà nghe xong cầm dao bén bảo rằng: “Đi ngay không ta chém”.

Cô gái nói: “Ông ngu si không có trí tuệ”.

Chủ nhà ngạc nhiên: “Tại sao lại nói ta ngu si?”.

Cô gái nói: “Người đẹp đứng trong nhà ông chính là chị tôi. Tôi thường đi chung với chị. Nếu ông đuổi tôi cũng phải đuổi chị tôi.

Chủ nhà trở vào hỏi cô chị, cô chị xác nhận: “Chúng tôi chưa bao giờ lìa nhau. Tôi thường làm việc lợi ích. Nó thường làm việc suy hao. Nếu ai yêu tôi thì cũng phải yêu nó …”.

Chủ nhà liền nói: “Nếu có tốt mà phải ôm cả sự xấu như vậy, thời ta chẳng cần. Thôi đi hết đi”.

Bấy giờ hai người nữ lại dắt nhau đến nhà người nghèo. Người nghèo không từ chối mà vui mừng: “Từ nay trở đi, xin hai nàng ở luôn nhà tôi”.

Kể xong câu chuyện Đức Phật nói: “Đại bồ tát như anh chàng nhà giàu, chẳng nguyện sanh cõi trời, vì sanh thì còn có già bệnh chết. Thế nên cả hai đều bỏ. Không chút tâm luyến ái”.

Cõi trời, chỉ cho cõi mà mọi sự đều được như ý. Đời sống vật chất lẫn tinh thần đều sung túc. Nhưng dù được như ý bao nhiêu thì cũng không thể thoát khỏi già bệnh chết. Bởi đã có sanh thì phải có diệt, đó là hai mặt luôn xuất hiện cùng nhau. Vì thế, người xưa thường nói “Trong phước có họa, trong họa có phước”. Người khéo là người biết cái lý ở thế gian này vốn như thế.

Biết như thế thì cái khéo đầu tiên là phải biết chấp nhận. Chấp nhận cái gì? Chấp nhận “Có sanh thì có tử”. Chấp nhận “Trong phước có họa, trong họa có phước”. Chấp nhận “đã là hoa hồng thì phải có gai”. Chấp nhận như thế thì khi đang trong cảnh sung túc, không mừng, không huyênh hoan. Đang trong cái thế gian gọi là họa, cũng không buồn không mặc cảm. Bởi không khéo thì cái phước đang có chính là nhân của cái họa trong tương lai, khéo một chút thì cái họa hiện tại sẽ là cái nhân để có quả tốt trong tương lai. Cho nên, vấn đề không nằm ở cảnh bên ngoài mà ở cái biết hay không biết, khéo hay không khéo của chính mình. Trong kinh, Phật nói nhiều về chữ “khéo” này với chư vị Bồ tát như “Khéo diệt các hý luận” v.v… Khéo nghĩa là phải biết cách, biết thời cơ tới lui đúng lúc v.v… Biết được, khéo được thì việc hoa hồng có gai trở thành chuyện bình thường như việc ăn cơm uống nước. Hoa hồng không gai mới là chuyện lạ.

Khéo, nghĩa là biết khuyếch trương mạnh những lợi ích mà hoa hồng mang lại, hạn chế bớt những tác hại mà gai hoa hồng mang đến. Nói thì dễ, nhưng làm không phải dễ khi chúng ta không chỉ có mỗi việc là chơi hoa. Cuộc sống bận rộn, mọi căng thẳng rất dễ xảy ra … Muốn khéo không phải là việc dễ làm. Không dễ nhưng vẫn thành dễ nếu chúng ta biết cách. Trí tuệ và định lực luôn là thứ cần thiết để ta sử dụng tốt chữ khéo mà đức Phật đã dạy. Muốn vậy, đầu tiên phải biết qui luật nhân quả chi phối đời sống này thế nào. Sống đúng với những gì Phật dạy về nhân quả, ta sẽ hưởng được giá trị của hoa hồng mà vẫn sống yên ổn với gai của nó. Nghĩa là, ta phải biết gieo nhân nào đưa đến cái quả để mình có hoa hồng, loại đi nhân nào để không bị gai đâm. Sống đúng với nhân quả như thế thì dù hồng có gai bao nhiêu, gai cũng không có cơ hội đâm vào tay mình. Đủ năng lực, gai ấy còn biến thành thần dược cho đời sống của mình.

4. Không thấy hồng cũng không thấy gai …

Không thấy hồng cũng không thấy gai, vì chàng không có ý đụng đến những đóa hồng mà “Chọn bông bụp cho chắc ăn”. Ý kiến của một kẻ lo xa và biết đủ. Bông bụp không phải là hoa hồng, nhưng cũng là hoa. Có điều, nó không rực rỡ như hồng, không được mọi người quan tâm chú ý nhiều như hồng, chỉ như loài hoa dại, không hương, ít sắc … Không được như hồng nhưng bù lại nó không có gai. Không gai nhưng vẫn là hoa. Vậy là đủ rồi. Hạnh phúc ở chỗ an tâm: Dù thế nào, vẫn không bị gai đâm.

Một hạng “không thấy hồng cũng không thấy gai” nữa là chư vị thiền sư . Hãy nghe Vân Môn nói pháp “Phàm phu gọi nó là thật. Nhị thừa phân tích nó thành không. Viên Giác gọi nó là huyễn có, Bồ tát thì đương thể tức không, thiền gia thấy cây gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến”. Thay vì nhìn cây gậy, hãy nhìn hoa hồng xem sao : Thiền gia thấy hoa hồng chỉ là hoa hồng, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến. Thấy kiểu đó thì hoa hồng không khác hoa bụp, gai hay không gai không thành vấn đề. Một thể bình đẳng không hai.

Nhận được Thể ấy rồi thì Tướng và Dụng cứ thế mà … tùy duyên.

Qua Tứ cú trình bày trên, có thể thấy được mặt duyên khởi của vạn pháp chăng? Trong những thứ tầm thường đó, hãy cố nhận cho ra cái lý không tầm thường đang chi phối thế giới này : LÝ DUYÊN KHỞI. Đó là thật lý ở cuộc đời này.                  

[ Quay lại ]