headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LÝ DUYÊN KHỞI VỚI YÊU CẦU CỦA TRI THỨC THỜI ĐẠI

 Chánh Tấn Tuệ  

Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Đức Phật đã suy nghĩ “Pháp mà ta chứng được thật là sâu kín, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, khó thấy, khó chứng … chỉ người trí mới hiểu thấu, đại chúng khó mà hiểu được ‘y tánh duyên khởi pháp’. Nếu nay ta thuyết pháp mà người khác không hiểu thì thật là khổ não cho ta, thật là bực mình cho ta...” [1]. Lo sợ đức Phật sẽ nhập niết bàn sau khi đã suy nghĩ như vậy, nên chư Thiên ba lần đứng ra thỉnh cầu đức Phật thuyết pháp độ sanh.

Vì lòng từ bi, đức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu của chư Thiên và phương tiện dạy Lý Duyên Khởi từ thấp đến cao. Đó là vì đại chúng không thể tức thời nhận được pháp thâm sâu vi diệu mà Như Lai đã chứng, nên chỉ có thể dẫn dắt họ qua các từng bậc của Lý Duyên Khởi. Khi đã thấm nhuần được Lý Duyên Khởi, mỗi người tự có khả năng nhận ra PHÁP như trong kinh đã nói: “Ai thấy được DUYÊN KHỞI, người ấy thấy được PHÁP”. [2]

Lý Duyên Khởi đã được giảng dạy theo trình tự nào?

Đầu tiên, trong giáo lý Tiểu thừa, đức Phật dạy Lý Nhân Quả qua Tứ Đế [3], và một phần Lý Nhân Duyên. Kế là dạy Thập Nhị Nhân Duyên, là Lý Nhân Duyên thuộc phần giáo lý Trung thừa. Qua kinh điển Đại thừa mới chính thức dạy lý ‘Tánh Không - Duyên Khởi’ [4], còn gọi là ‘Duyên sanh như huyễn’. Rốt sau mới đến ‘Thực lý không lời, tùy duyên ứng hiện’, còn gọi là ‘Chân Không - Diệu Hữu’. Đây là chỗ cực điểm của Đại thừa, là chỗ tương ưng với pháp mà đức Phật đã chứng nghiệm.

Các diễn giải trên cho thấy : Không dễ dàng gì thấu hiểu được Lý Duyên Khởi. Muốn thấu triệt hoàn toàn Lý Duyên Khởi, phải hội đủ ba điều kiện sau :

1. Thân chứng tự tánh chân như.
2. Thâm hiểu giáo lý Như Lai Tạng - thức tạng.
3. Đầy đủ công hạnh.

Đây là 3 điều kiện mà người đời nay khó lòng đạt được. Vì thế nếu muốn khai triển Lý Duyên khởi, cũng chỉ là triển khai một khía cạnh của Lý Duyên Khởi, nhằm đưa ra một lý thuyết đáp ứng được các yêu cầu của tri thức thời đại mà thôi.

Thế nào là các yêu cầu của tri thức thời đại?

Để rõ vấn đề này, ta cần nhìn lướt qua vai trò của triết học và khoa học phương Tây[5] trong lịch sử tiến hóa của tri thức nhân loại, từ đó thấy được thực trạng của tri thức thời đại cùng những vấn đề của nó.

Vào thời Cổ đại, triết học là phần tri thức quan trọng nhất, đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển tri thức của xã hội phương Tây. Mục tiêu của triết học là nhằm tìm hiểu thực tại tối hậu. Nhiệm vụ của triết học là tìm ra các nguyên lý có tính phổ quát chi phối mọi sự mọi vật làm nền  tảng cho các môn học khác, giúp con người có cái nhìn đúng đắn về thế giới và nhân sinh, từ đó vạch ra được những phương cách sống phù hợp với chân lý.

Qua thời Trung cổ, thần học mới là khoa học của mọi khoa học có cô thị tỳ là khoa triết học – một môn học bao gồm mọi tri thức khác. Còn khoa học [6] chỉ là chú em trai bé nhỏ đi theo chân cô chị triết học.

Đến thời Phục Hưng con người bắt đầu nhận ra rằng : Có thể tự mình lý giải các hiện tượng thiên nhiên mà không cần viện dẫn đến thần linh. Điều này đã làm mất dần ảnh hưởng của thần học trong lãnh vực tri thức và trả lại cho triết học vai trò vốn có của nó.

Việc triết học thoát khỏi ô bảo hộ của thần học đã tạo điều kiện cho các ngành khoa học có được sự độc lập của chính nó. Người ta bắt đầu coi thường các tư tưởng trừu tượng và các thực thể thuộc về khái niệm, nghi ngờ các nguyên tắc siêu hình của phái kinh viện, bắt đầu tìm kiếm các bản chất đơn giản và cụ thể bằng phương pháp thực nghiệm [7]. Trong giai đoạn này, triết học vẫn là phần tri thức quan trọng nhất của phương Tây.

Trong hai thế kỷ XIX và XX, con người đã chứng kiến được sự phát triển vượt bực của các ngành khoa học. Khoa học lấn lướt dần triết học và đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển tri thức. Khoa học ngày càng trở nên quá kỹ thuật, quá toán học đối với các triết gia. Vì thế vai trò của triết học ngày càng hạn chế, đến độ một triết gia nổi tiếng của thế kỷ XX là Wihgenstein đã thốt lên rằng “Nhiệm vụ duy nhất của triết học hiện đại là phân tích ngôn ngữ”.

Thật là một thoái trào lớn của triết học! Chưa ngừng lại ở đó, một số người còn cho rằng vào thế kỷ XXI, triết học sẽ theo chân thần học đi vào … dĩ vãng !!!

Phải chăng triết học đã đi đến chỗ hoàn toàn bế tắc? Ta hãy xem xét lại toàn bộ vấn đề !

Thế giới chung quanh ta, dù nhìn từ cái chung [8] hay từ các cá thể [9], hoặc từ các hiện tượng [10], luôn xuất hiện một cách có qui tắc, có nhân quả, có tương quan. Nói tổng quát, chúng luôn xuất hiện như là một chỉnh thể. Điều này gợi lên các ý nghĩ sau :

a. Phải chăng muôn vật muôn sự có chung một bản thể?
b. Phải chăng có một cái lý xuyên suốt, chi phối mọi sự, mọi vật?

Đứng từ góc độ này ta có các đánh giá sau :

VỚI TRIẾT HỌC

+  Ưu điểm của triết học bắt nguồn từ chính mục tiêu của nó. Vì luôn hướng đến một thực tại tối hậu nên triết học thường xuất hiện dưới hình thức một lý thuyết nhất quán, bao gồm mọi vấn đề lớn về thế giới và nhân sinh. Điều này phù hợp với thế giới chung quanh ta, cái thế giới luôn xuất hiện như là một chỉnh thể.

+ Nhược điểm của triết học là tiền đề (các nguyên lý) của các học thuyết triết học mà ta có được thường rơi vào 3 trường hợp sau :

1. Quá trừu tượng và khó thực nghiệm nên khi khai triển dễ dẫn đến những kết luận không phù hợp với hiện thực. Nói cách khác, lý thuyết ấy có rất ít tính thực nghiệm.

2. Có nội dung khá mơ hồ hoặc đa nghĩa nên có thể khai triển theo nhiều cách, dẫn đến nhiều kết luận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì thế, đứng trước một hoàn cảnh cụ thể, ta không biết vận dụng lý thuyết ấy theo phương cách nào là thích hợp. Nghĩa là, tính thực dụng không cao.

3. Nếu có được một nội dung rõ ràng cụ thể thì lý thuyết ấy lại chỉ phù hợp với một khía cạnh nào đó của hiện thực. Trong trường hợp này, lý thuyết ấy không khác gì một lý thuyết khoa học.

VỚI KHOA HỌC
+
Ưu điểm của khoa học là các nguyên lý của nó thường xuất phát từ thực nghiệm, nên lý thuyết khoa học thường có tính thực nghiệm và thực dụng cao.

+  Khuyết điểm của khoa học là chỉ cho ra những lý thuyết cục bộ. Con người và thế giới qua lăng kính của các ngành khoa học bị phân thành nhiều khía cạnh, nhiều lãnh vực, theo nhiều quan điểm khác nhau mà không thể thống nhất trở lại (trên mặt lý thuyết) để có thể cho ra một hình ảnh thế giới và con người là một chỉnh thể như ta vẫn kinh nghiệm được.

Qua các nhận định trên ta thấy, triết học mà thiếu khoa học thì dễ trở thành loại lý thuyết chỉ bàn về những chuyện trên mây. Khoa học mà thiếu triết học thì chỉ là một mớ kiến thức rời rạc.

Thời nay cậu em khoa học đã trở thành một anh thanh niên mạnh khỏe, xông xáo vào mọi nơi, chỉa mũi vào mọi việc, làm phát sinh rất nhiều chuyên ngành khoa học. Cô chị triết học do bay bổng quá lâu trên các đám mây tạo bởi các khái niệm trừu tượng, ở trong các lâu đài làm bằng các nguyên lý thiếu tính thực nghiệm, đã giựt mình hốt hoảng khi phải đối diện với thực tế của cuộc đời : Muốn hay không, triết học cũng phải thừa nhận tính hiệu quả của phương pháp thực nghiệm của khoa học. Hoảng sợ về điều này, triết học vội tìm cho mình một nơi ẩn náu bằng cách chia tri thức tổng quát thành hai phần. Phần dễ thực nghiệm như các khoa học về vật chất được xem là lãnh vực riêng của khoa học. Phần khó thực nghiệm hoặc phương pháp thực nghiệm tỏ ra ít hiệu quả như các ngành khoa học nhân văn, được triết học giành lấy xem đây là lãnh vực của riêng mình.

Khoa học là ngành học chỉ nhằm giải quyết câu hỏi ‘Các sự vật xuất hiện như thế nào?’ chứ không quan tâm đến câu hỏi ‘Do đâu mà các sự vật xuất hiện?’. Dù vậy theo quán tính, các ngành khoa học vẫn muốn tìm cho mình một cội nguồn, một bản thể để làm lý do biện minh cho sự hiện diện của tri thức khoa học trong tri thức tổng quát. Nhiệm vụ này giao cho triết học. Cho đến nay, việc tìm ra nền tảng cho mọi ngành khoa học là nhiệm vụ bất khả thi đối với triết học. Khả năng còn lại là tìm ra nền tảng cho một số ngành nào đó. Điều này giải thích tại sao hiện nay ta thấy xuất hiện rất nhiều lý thuyết triết học khác nhau nhưng không còn tìm thấy những hệ thống lớn như hệ thống triết học của Platon, Aristote, Heghen, Feuerbach ...

Triết học đã không còn giữ được bản sắc của mình, không còn là một môn học về thực tại tối hậu, không còn là phần tri thức tổng quát, không còn là một môn học của mọi môn học khác nữa.

Việc triết học đánh mất vai trò của nó, nhường cho khoa học vị trí gần như độc tôn trong sự phát triển tri thức đã dẫn đến thực trạng : Tri thức thời đại là một tri thức cực kỳ phong phú, cực kỳ đa dạng, cực kỳ chi tiết và cũng cực kỳ tản mạn. Yêu cầu được đặt ra : Cần có một sự tổng hợp.

Đã đến lúc cần có một lý thuyết thâu nạp được tất cả mọi kiến thức, dung hội được tất cả mọi học thuyết đã có. Lý thuyết ấy phải có tính phổ quát làm qui tắc cho các vấn đề lớn như lý và sự, tâm và vật … vừa có đầy đủ tính thực nghiệm. Nghĩa là, nó phải luôn phù hợp với từng sự vật, từng hiện tượng trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh. Đây cũng là lý do dẫn đến việc triển khai Lý Duyên Khởi.


[1] -Kinh Trung Bộ trang 374 – bản dịch của HT Minh Châu.
[2] -Kinh Trung Bộ trang 422.
[3] -Tứ Đế : Khổ, tập, diệt, đạo.
[4] -Giáo lý của nhà Phật về sự là Tam thừa, về lý là lý Duyên Khởi.
[5] -Mặc dù sự tiến hóa của tri thức nhân loại là do tất cả các nền văn hóa khác nhau trên thế giới tạo ra, nhưng hiện nay phần tri thức được phổ biến rộng rãi và tác động nhiều nhất vào cuộc sống của con người đều từ nền văn hóa phương Tây. Nên ở đây, để đơn giản ta chỉ đề cập đến vai trò của triết học và khoa học phương Tây.
[6] -Muốn nói về các ngành khoa học riêng lẽ.
[7] -Do ảnh hưởng của thời Trung cổ, phần lớn các tư tưởng gia vào đầu thời Phục Hưng cho rằng ‘Không thể tìm thấy bản chất của sự vật từ các dữ kiện mà các giác quan ghi nhận được. Thực thể của sự vật nằm ở khái niệm mà tư tưởng nhận ra được từ sự trừu tượng hóa các cá vật’. Cực đoan hơn nữa, nhiều người còn cho rằng ‘Chỉ cần suy diễn một cách hợp lý từ các nguyên tắc siêu hình và các tư tưởng của các nhân vật có thế giá được giáo hội chấp nhận là có thể tìm ra bản chất của mọi sự vật và con người’. Chính vì thế, việc đi tìm những bản chất đơn giản và cụ thể bằng phương pháp thực nghiệm ở thời ấy là cả một cuộc cách mạng tư tưởng.
[8] -Còn gọi là phổ biến niệm như con người nói chung, con vật nói chung.
[9] -Cá thể như anh A, chị B, con chó này …
[10]- Hiểu theo nghĩa hiện tượng học Husserl : Hiện tượng là kết quả tương giao giữa ý thức và sự vật được ý thức.
Tâm lý học theo phương pháp hiện tượng học là tâm lý học theo quan điểm ngôi thứ 2. Tâm lý học theo quan điểm ngôi thứ 1 cho rằng tôi nghĩ thế nào thì thế giới xuất hiện đúng như thế. Vì vậy chỉ cần tìm hiểu tâm trạng của mình là biết được thế giới. Tâm lý học theo quan điểm ngôi thứ 3 thì thế giới là thực có, tâm của chủ thể chỉ là hình ảnh in lại nguyên bản của thế giới. Tâm lý học theo quan điểm ngôi thứ 2 không ưu tiên cho chủ thể ý thức hay cho vật mà chủ trương cần phải có cả hai.


 

 

[ Quay lại ]