headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

LA HẦU LA- MẬT HẠNH ĐỆ NHẤT

 Ni sư Như Đức dịch

1- CẬU BÉ HẠNH PHÚC

Đức Phật của chúng ta khi còn là thái tử của vương thành Ca-tỳ-la, đã kết hôn với công chúa Dadu- đà-la thành Câu-lợi. Vào năm thái tử và công chúa mười chín tuổi, sanh hạ La-hầu-la. Thái tử rất vui mừng, nhưng đó không phải là sự vui mừng như tình thường người đời khi sanh con. Vì thái tử đã nhiều lần xin vua cha đi xuất gia, đều không được chấp thuận. Vua Tịnh Phạn có nói “Trừ phi có được đứa cháu đích tôn thì mới cho phép thái tử xuất gia”.

Hiện tại, thái tử đã có La-hầu-la như ý phụ vương, nguyện vọng xuất gia sẽ đạt được, bảo sao thái tử không vui mừng.

Trong đêm thái tử sắp rời hoàng cung, ngày mùng tám tháng hai, lúc ấy La-hầu-la mới sanh được bảy ngày. Vương phi Da-du-đà-la đang ôm La-hầu-la trong tay và nằm ngủ. Thái tử vén rèm nhìn hai người lần cuối, và quay lưng, leo lên lưng ngựa, vượt thành ra đi. Từ đó, La-hầu-la đã xa lìa hình bóng người cha thân yêu của thế gian.

Nhưng thái tử xuất gia thành Phật, thân phụ đổi thành lão sư, về sau độ La-hầu-la thành Thánh quả. Đó mới thật ông cha đệ nhất của thiên hạ.

La-hầu-la xa cha được mẹ và ông ngoại thương yêu, là vương tôn độc nhất vô nhị. Chuỗi ngày vô tư trôi qua trong cung, đến khi vừa hiểu biết, trong tâm hồn trẻ thơ của La-hầu-la cũng cảm thấy không có cha là một điều đáng buồn. Nhưng bù lại, cậu bé được mẫu thân rất mực cưng chìu, đó là niềm vui duy nhất của La-hầu-la, là nguồn an ủi, là người che chở cho cậu. Trong thâm cung vắng vẻ, La-hầu-la cũng là nguồn hy vọng của vương phi, hai mẹ con nương nhau cùng sống qua năm tháng. Có người nói, Da-du-đà-la là phận nữ nhi khổ mệnh, La-hầu-la là đứa bé đáng thương, nhưng đó là nói theo thường tình thế gian. Nỗi khổ tâm, đáng thương của họ chỉ trong thời gian ngắn, hễ có hy sinh lớn tất thành tựu kết quả lớn. Về sau, nhờ sự hóa độ của đức Phật, Da-du-đà-la xuất gia khai ngộ, La-hầu-la xuất gia được chứng quả. Đó mới là bậc nữ lưu vinh hạnh nhất, là đứa bé hạnh phúc nhất!

Trước giờ cáo biệt, thái tử cũng định bế đứa con đang ngủ một tí, nhưng sợ làm động Da-du-đà-la thức dậy, lại cản trở việc xuất gia. Nên khi nhìn con lần cuối, Ngài đã nói: “Hãy đợi đến khi ta thành Phật, sẽ trở lại thăm con!” Đức Phật xem tất cả chúng sanh như La-hầu-la, một La-hầu-la không quan trọng bằng vô số La-hầu-la đang trông đợi tình thương của Phật. Đức Phật đã ban cho chúng sanh bao nhiêu lòng từ bi, thì ở trong hoàn cảnh của La-hầu-la, lại càng dễ được hưởng lòng từ bi của Phật. Cho nên chúng ta đừng cho rằng sự việc La-hầu-la xa lìa phụ thân từ nhỏ là đáng thương. La-hầu-la là con của bậc đại thánh, được nuôi dưỡng trong tình thương cao rộng như trời đất, là một cậu bé hạnh phúc nhất đời.

2- CHÚ BÉ KHÔNG BIẾT MẶT CHA

Đức Thế Tôn thành đạo được ba năm, từ nước Ma-kiệt-đà phương Nam về thăm cố hương. Trên từ vua Tịnh Phạn, dưới đến nhân dân dòng họ Thích đều ra ngoài thành nghinh đón Phật, chỉ có Da-Du-đà-la và La-hầu-la không tham dự trong hàng người ấy. Trong tâm bà Da-du nghĩ thầm "Khi Ngài đi xuất gia, ta đã vì Ngài chịu hết mọi nỗi khổ, Ngài mặc y phục bạc màu, ta ở trong cung cũng mặc giống Ngài, ta nghe Ngài tu khổ hạnh ăn một ngày một bữa, ta cũng tập làm theo. Ta đối với Ngài như vậy, thật hết lòng. Nếu Ngài còn nghĩ đến ta, tự nhiên sẽ đến cung thăm ta". Mười năm không gặp Phật, lòng Da-du-đà-la cũng như mọi người đều muốn diện kiến Ngài, nhưng vì lễ phép, vì tự tôn bà phải nhẫn nại. Bà ngồi trên lầu cao nhìn ra, sẽ thấy được cảnh mọi người nghinh đón đức Phật. Cậu bé La-hầu-la lên mười đến nói với mẹ:

- Mẹ mẹ, cha con đã về. Bà nội biểu con cho mẹ hay.

La-hầu-la ngây thơ, lúc ấy nào hiểu được tâm sự của mẫu thân. Cậu chỉ thấy mẹ của mình hôm nay sao nghiêm nghị quá, nhưng dù sao cậu cũng là con yêu, nên lại ngây ngô hỏi:

- Mẹ mẹ! Mẹ coi người ta ở ngoài cung điện nhiều biết bao nhiêu. Cha con nhất định cũng ở trong đó, cha con ra sao?

Câu nói từ miệng cậu bé, không biết hình dáng cha mình ra sao, càng khiến Da-du-đà-la thương tâm, nỗi lòng của người lớn, trẻ con hoàn toàn không thể biết. Bà Da-du một tay kéo La-hầu-la bên mình, chỉ ra cửa, mắt rướm lệ nói:

- Con nhìn xem! Trong số các thầy Sa-môn kia người nào có vẻ trang nghiêm nhất chính là phụ thân của con.

La-hầu-la mở to đôi mắt, nhìn theo tay mẹ.

- Con chẳng nhận được phụ thân đâu. Con chỉ biết có ông nội, còn người nữa là mẹ mẹ yêu quý thôi.

Một giọt nước mắt của bà rơi xuống mái tóc La-hầu-la. Bà nắm tay con trở lui vào cung. Xa cách mười năm, hôm nay Da-du-đà-la mới thấy lại đức Phật một lần. Mười năm không tin tức thoáng qua như một giấc mộng. Trong tâm tư của bà, như mặt nước yên tĩnh bị ném trúng một viên đá, những gợn sóng lao xao. Đức Phật biết tâm tưởng bà, nên dắt Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vào cung thăm viếng.

Cuộc gặp gỡ giữa một đấng Chánh giác và một vị vương phi mỹ lệ khiến lắm kẻ lưu ý. Đức Thế Tôn trang nghiêm, im lặng một chút, từ bi thương xót nhìn Da-du-đà-la đang quỳ dưới chân, La-hầu-la quỳ bên cạnh. Da-du trăm mối ngổn ngang bên lòng, xúc động rơi nước mắt, bà cũng biết giữa đức Phật và bà có một sự ngăn cách không thể vượt qua. Đợi cho Da-du bình tĩnh lại, đức Thế Tôn mới chậm rãi nói với bà:

- Để cho nàng chịu nhiều tân khổ, tuy đó là sự thiếu sót của ta, nhưng ta đã vì tất cả chúng sanh mà ra đi. Hôm nay, ta đã đạt được bổn nguyện của ta trong nhiều kiếp, nàng hãy hoan hỷ cùng với ta. Đức Phật nói xong, lại nhìn sang La-hầu-la, từ hòa vỗ về cậu bé:

- Thật mau quá, con đã lớn như thế ư!

Đức Phật dường như rất vô tình mà cũng dường như rất tình cảm. Thái độ của Ngài, lời nói của Ngài, đã khai thị cho Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, nghe xong tưởng chừng như phải khóc một trận mới hả.

La-hầu-la, bấy giờ chẳng biết phải gọi phụ thân của mình như thế nào. Xưng hô là cha cha ư? Đấy là một bậc Thánh trang nghiêm, tự miệng cậu bé chẳng dám gọi như thế. Xưng hô là Phật-đà, chẳng biết trúng hay không. Nhìn bao nhiêu vị Tỳ-kheo, Sa-môn đi theo đức Phật, trong tâm cậu bé thông minh ấy đã khởi nghĩ: “Đức Phật chẳng phải là phụ thân của một mình ta, Phật là bậc đại từ phụ của tất cả chúng sanh!”. Chỉ có mười tuổi, đã chịu nguyện đem phụ thân của riêng mình hiến cho chúng sanh làm đấng cha lành, thật là một cậu bé chẳng tầm thường.

3- SA-DI ĐẦU TIÊN

Đức Thế Tôn ở tạm trong hoàng cung vài ngày, và phen này, trong cung điện vắng bóng cung nữ, chẳng có yến tiệc rượu chè, chỉ có một ngàn vị Tỳkheo theo Phật. Cung điện hoàng gia tạm thời trở thành Tăng phòng tinh xá. Đức Thế Tôn biết các thầy Tỳ-kheo sơ học, nếu ở lâu trong vương cung, dễ sanh tâm so sánh với lối sống đạm bạc của Tăng đoàn, nên chỉ vài ngày sau, Ngài đưa đại chúng về trụ tại rừng Ni-câu-đà ở cách thành Ca-tỳ-la không xa.

Tuy ở Ni-câu-đà, nhưng đức Thế Tôn cũng thường về hoàng cung trì bát khất thực hoặc thuyết pháp. Cậu bé La-hầu-la, ngây thơ một cách dễ thương, thân mật nói với Ngài:

- Phật-đà! Con rất thích được ở chung với Ngài.

Câu nói ấy đã biểu lộ phụ tử tình thâm, đức Thế Tôn cũng trả lời:

- Rồi cũng có ngày ta cho con sống gần bên ta.

Phật nói câu ấy không lâu, quả nhiên La-hầu-la xuất gia theo luôn bên Ngài. Nguyên nhân là vì Da-du-đà-la thường khuyến khích La-hầu-la thêm hoạt bát lanh lẹ, mặc quần áo đẹp cho và bảo con rằng:

- Con hãy theo phụ thân xin tài sản đi, cha con có những châu báu mà chúng ta chưa được thấy!

Do đó, La-hầu-la thường chạy theo đức Phật nói:

- Phật-đà! Cho con gia tài!

Một hôm, đang lúc đức Thế Tôn khất thực trở về rừng Ni-câu-đà, Ngài đi trước, La-hầu-la chạy theo sau, chẳng có ai ngăn cản cậu, cậu cứ lẽo đẽo theo sau Phật kêu:

- Cho con gia tài a! Cho con gia tài a! Da-du-đà-la nhìn thấy đứa con duy nhất đi sau lưng Phật, rất sợ La-hầu-la bị đưa xuất gia, bất giác rơi nước mắt.

Đức Phật về đến rừng, gọi Xá-lợi-phất đến nói:

- Xá-lợi-phất! Cậu bé La-hầu-la cứ theo ta xin gia tài, ta không muốn cho y thứ tài sản và hạnh phúc mong manh, ta muốn cho y bảo bối vô giá. Này Xá-lợi-phất! Ông hãy cho y xuất gia, làm Sa-di đầu tiên của Tăng đoàn!

Đức Phật nói xong, gọi Mục-kiền-liên cạo tóc cho cậu bé, dạy lễ bái Xá-lợi-phất làm thầy, truyền giới Sa-di cho La-hầu-la, đó là khởi nguyên của chúng Sa-di.

La-hầu-la vốn là tất cả hoài bảo của bà Da-du đà-la, bây giờ đã gia nhập Tăng đoàn, đó cũng là dụng ý của đức Phật. Khi còn là Thái tử hạ sanh La-hầu-la, Ngài đã rời bỏ ngôi vị ra đi và đắc thành Phật quả, thì vương vị mai sau của nước Ca-tỳ-la-vệ nhất định sẽ về tay La-hầu-la. Nhưng chủ trương của đức Phật, để cho một đứa bé con làm chủ cả bàn dân thiên hạ là chuyện không thể được, cho nên thừa cơ hội, Ngài phương tiện cho con xuất gia.

La-hầu-la xuất gia là một điều đau buồn cho bà Da-du. Cậu bé là nguồn hy vọng của bà, bà thương quý cậu hơn cả thân mình. Thái tử đã ra đi, bây giờ con yêu cũng lìa bỏ, đối với bà thật là trời sầu đất thảm. Chúng ta cũng có thể đồng ý với bà Da-du trách đức Phật nhẫn tâm, để cho bà chịu nhiều đau khổ quá đáng. Nhưng chơn lý và nhân tình là hai lối trái ngược nhau rất xa, phải hàng phục được tình cảm yếu đuối của thế nhân, mới khế hợp được với chơn lý pháp tánh vậy.

4- TUỔI TRẺ NGHỊCH NGỢM

La-hầu-la xuất gia làm Sa-di rồi, vương phi Dadu cũng đành chịu, không biết làm sao hơn. Vua Tịnh Phạn thông cảm cho nỗi khổ tâm của bà, bèn đếntìm Phật, yêu cầu một điểm:

- Bạch Thế Tôn! Mong rằng Ngài quy định từ nay về sau, các người trẻ tuổi muốn xuất gia phải được sự đồng ý cho phép của cha mẹ. Đức Phật hoan hỷ nhận lời.

Da-du-đà-la chẳng còn hứng thú gì trên cõi đời này, tất cả đều khô héo. Về sau, Di mẫu của Phật là phu nhân Kiều-đàm-di xuất gia làm Tỳ-kheo ni, Dadu cũng theo đoàn người nữ họ Thích đến Tỳ-xá-ly xuất gia. Ban đầu, bà không cảm thấy chút gì an lạc  khi sống trong Tăng đoàn vắng lặng. Nhưng nhờ đức Thế Tôn cảm hóa, chẳng bao lâu, bà được khai ngộ, khôi phục lại niềm vui, cùng sinh hoạt bình thường, an ổn tự tại trong Phật pháp. Bà rất vui mừng, rất cảm kích đức Thế Tôn. Đức Phật cũng hoan hỷ, đến lúc ấy Ngài mới hết trách nhiệm với bà.

Chú Sa-di La-hầu-la còn quá nhỏ, không thể bắt buộc tu hành giống như người lớn được. Ít lâu sau,khi Tăng đoàn có chế độ Sa-di, Xá-lợi-phất cũng thâu một chú nhỏ là Sa-di Quân-đầu, và hai chú bé thường chơi chung với nhau. Lúc vắng người, cả hai cùng bày những trò chơi trẻ con để đùa nghịch.

Một cậu bé mới trên mười tuổi, mỗi ngày sống trong Tăng đoàn nghiêm túc, nếu như đó là ý nguyện của chú bé thì không nói chi, như nếu vì hoàn cảnh ép buộc, thì tâm lý sẽ có nhiều thay đổi. La-hầu-la xuất gia không thấy Tăng đoàn vui vẻ gì, chỉ ngoài mặt không lộ nét bực bội. Một thiếu niên khoảng trên mười lăm tuổi, đối với sự chỉ dạy của người lớn tự nhiên là vâng theo, nhưng dưới khoảng tuổi ấy, theo bản năng tự nhiên của cậu, sẽ có những bất mãn, những tư tưởng phản kháng lại. Khi La-hầu-la được mười bảy, mười tám tuổi tánh tình rất ôn hòa, rất nhiệt tâm trong công tác. Nhưng vào những năm ban sơ tuổi nhỏ, La-hầu-la cũng như bao trẻ con khác, ưa dối gạt người.

Lúc ấy La-hầu-la ở rừng Ôn Tuyền ngoài thành Vương Xá, có nhiều quan đại thần, trưởng giả, cư sĩ đến hỏi thăm đức Thế Tôn hiện ở đâu. Cậu thường tìm cách nói gạt để trêu ghẹo mọi người. Nếu đức Phật đang ở tinh xá Trúc Lâm, thì La-hầu-la lại nói Ngài ở núi Kỳ-xà-quật. Đức Phật ở tại Kỳ-xà-quật thì cậu nói gạt rằng Phật ở tinh xá Trúc Lâm. Hai nơi ấy cách xa nhau khoảng hai dặm, khiến thiên hạ cứ đi  tới đi lui mệt đừ, mà rốt cuộc không gặp được Phật. Khi họ thất vọng quay về, La-hầu-la còn cười nhạo:

- Các ông không gặp được Phật sao?

- Đại đức! Ngài còn cười nhạo bọn tôi nữa ư?

- Ai trêu chọc các ông? Tôi lo cho các ông thôi chứ.

Cậu bé La-hầu-la nghịch ngợm không bao giờ nhận lỗi của mình.

Con nhà giàu có, thế lực thì hay ỷ lại vào tiền của và địa vị của cha mẹ, ưa làm chuyện bậy bạ. Lahầu-la vốn là cháu vua Tịnh Phạn, con Phật, tuy xuất gia trong Tăng đoàn bình đẳng nhưng vẫn là con nít, chắc cũng được nhiều người sủng ái, nên theo ý tôi, cậu bé có những tập khí kiêu mạn, cũng là tâm lý chung.

La-hầu-la gạt mọi người một lần, hai lần, thiên hạ còn bị lầm, nhưng sau vài lần mọi người đều biết, và tiếng đồn La-hầu-la nói dối, chọc ghẹo người đến tai Phật. Đức Thế Tôn không vui chút nào. Một hôm Ngài đích thân đến rừng Ôn Tuyền, răn dạy La-hầu-la một phen.

5- LỜI RĂN CỦA PHẬT

Hôm ấy, đức Thế Tôn đến chỗ ở của La-hầu-la, với dáng hết sức oai nghiêm. La-hầu-la không ngờ vội chỉnh y ra nghinh đón Phật. Đợi cho Thế Tôn an tọa, cậu đem nước đến cho Phật rửa chân. Đức Phật không nói một lời, rửa chân xong, bèn chỉ nước dơ trong chậu bảo La-hầu-la:

- Này La-hầu-la! Thứ nước dơ bẩn này có đem uống được không?

- Bạch Thế Tôn! Nước rửa chân rất dơ, không thể uống được.

- Ông cũng giống thứ nước đó! – Đức Thế Tôn quở

– Nước vốn trong sạch, rửa chân xong bèn trở nên cáu bẩn, giống như ông vốn là vương tôn, lìa bỏ mọi thứ vinh hoa phú quý tạm bợ của thế gian, xuất gia làm Sa-môn, tuy chưa thọ giới Tỳ-kheo, nhưng ông đã thọ mười giới Sa-di. Ông không tinh tấn tu tập, không để thân tâm thanh tịnh, không giữ miệng cẩn thận lời nói, dối gạt chọc ghẹo người, cấu uế của tam độc đầy dẫy trong tâm ông, giống như nước trong sạch bị dơ bẩn một thứ.

Chưa bao giờ đức Thế Tôn nghiêm nghị như vậy. La-hầu-la cúi đầu chẳng dám ngó Phật. Đức Phật bảo đem nước đổ đi, cậu bé mới nhúc nhích. Đợi Lahầu-la đổ hết nước xong, Phật lại hỏi:

- La-hầu-la! Ông lấy cái chậu này đựng cơm được không?

- Bạch Thế Tôn! Chậu đựng nước rửa chân không thể đem đựng cơm, vì chậu đã dơ, đầy cáu ghét không thể đựng thức ăn được!

- Ông cũng giống cái chậu đó. Tuy làm Sa-môn thanh tịnh mà không tu giới định huệ, thân khẩu ý không thanh tịnh, chứa đầy cấu uế không chân thật, thức ăn đạo lý làm sao nhét vào tâm ông ?

Phật nói xong lấy chân đá nhẹ cái chậu lăn mấy vòng, La-hầu-la thấy thế hoảng sợ. Phật lại hỏi:

- La-hầu-la! Ông sợ cái chậu này bị đá bể không?

- Bạch Thế Tôn! Không ạ. Chậu rửa chân là đồ vật xấu, có bể cũng chẳng sao.

- La-hầu-la! Ông không tiếc cái chậu này, giống như mọi người không thương mến ông. Ông xuất gia làm Sa-môn, không giữ oai nghi, nói dối đùa ghẹo, ai mà thương ông được. Không ai quý tiếc gì ông, cho đến lúc ông chết mà ông không hối cải, lại càng chìm trong mê mờ. La-hầu-la sợ toát mồ hôi, xấu hổ muốn độn thổ, phát nguyện từ nay về sau cố gắng sửa đổi tâm tánh.Đức Phật răn dạy xong, lại nói thêm một ví dụ cho La-hầu-la nghe:

- Đời quá khứ, có một quốc gia nọ nuôi hai con voi lớn dũng mãnh thiện chiến. Mỗi khi nhà vua cử binh ra trận, lại trang bị áo giáp cho chúng. Ngà voi mang giáo nhọn, bên tai giắt kiếm bén, bốn chân đều có dao sáng ngời, sau đuôi lại cột thêm gậy sắt. Tuy mang nhiều vũ khí như thế, nhưng mỗi khi giao chiến chúng đều cuốn vòi dấu kín, vì đó là chỗ nhược, nếu để trúng tên liền chết ngay, vì muốn giữ gìn mạng sống phải giữ kỹ chiếc vòi.

La-hầu-la! Ông cũng phải như voi kia giữ kỹ cái vòi, cẩn thận giữ gìn lời nói, mỗi khi mở miệng nói đùa như voi bị thương, huệ mạng của ông sẽ mất, không được mọi người thương mến, không được người trí ưa thích, đến khi lâm chung sẽ bị rơi vào ba đường khổ.

Đức Thế Tôn dùng hết tình hết lý, khẩn thiết, nghiêm trang răn dạy, mỗi lời mỗi câu đều in sâu vào  tâm La-hầu-la, chú bé phát nguyện từ nay sẽ sửa đổi. Như hạt lúa chúng ta tuy xay giã thành hạt gạo,nhưng còn dính bụi cám, phải vo chà sạch sẽ thì gạo trắng mới ra gạo trắng. La-hầu-la tuy có bản tính tốt ngoan ngoãn, nhưng phải có pháp thủy của đức Thế Tôn tẩy rửa một phen mới trở nên thanh tịnh vô nhiễm được. Từ đó La-hầu-la trở thành một người khác.

6- SA-DI CÓ THỂ Ở CHUNG VỚI TỲ-KHEO

Khi đức Thế Tôn ở tại vườn Cù-sư-la, La-hầu-la cũng ở đó với Sa-di Quân-đầu, cũng theo sư phụ Xálợi-phất hầu Phật nghe pháp.

Mỗi ngày, La-hầu-la dậy sớm quét dọn trong vườn, trong ngoài sạch sẽ rồi mới tu tập theo lời Phật dạy. Một khu vườn rộng lớn, quét dọn cho sạch hết phải tốn biết bao thì giờ. Hôm nọ, La-hầu-la quét dọn xong bèn đi nghe Phật thuyết pháp, đến chiều mới trở về phòng. Lúc ấy phòng của La-hầu-la bị thầy Tỳ-kheo quản lý để cho một vị Tỳ-kheo khách ở, những y bát tọa cụ của La-hầu-la đều bị bỏ ở ngoài, khách thì an nhiên ở trong phòng.

Phật đã quy định một người một phòng, phòng của mình đã bị người khác chiếm, biết làm sao? Hơn nữa La-hầu-la còn là Sa-di, trong Tăng đoàn Sa-di phải kính trọng Tỳ-kheo, và Phật cũng dạy phải nhẫn nại, nên La-hầu-la không dám đến hỏi thầy kia sao lại ở phòng mình. La-hầu-la đứng ngơ ngơ ở ngoài cửa thật là tiến thối lưỡng nan. Lúc ấy mây đen kéo đến đầy trời, báo hiệu sắp có mưa to, La-hầu-la không biết núp vào chỗ nào, bèn chui vào nhà xí, tuy có hôi hám thật, nhưng chỉ còn cách ngồi trong đó thôi. Lúc ấy thật cảm thấy nỗi quạnh quẽ của tình cảnh không nhà. La-hầu-la đang tọa trong nhà xí, nỗ lực nhớ đến lời Phật dạy, bất cứ trong hoàn cảnh khốn khổ nào, bất cứ gặp những phiền phức gì, đều không nên khởi tâm oán hận. Sức tu của La-hầu-la quả thật tiến bộ rất nhiều.

Bên ngoài mưa tuôn xối xả, nước chảy tràn xuống những chỗ trũng, có một con rắn đen ở trong hang bên cạnh, bị ngập nước bèn bò ra, dần dần bò vào nhà xí. Rắn độc miền nhiệt đới rất nguy hiểm, mà La-hầu-la không hề để ý, lúc ấy sinh mạng của chú như chỉ mành treo chuông.

Đức Phật đang ở trong thất, hốt nhiên nhớ đến La-hầu-la, Ngài dùng thiên nhãn thấy được sự nguy hiểm gần kề, bèn đi ra nhà xí, đằng hắng một tiếng, bên trong cũng có tiếng đằng hắng. Phật bèn hỏi:

- Ai ở trong đó?

- Dạ! La-hầu-la!

- Ra mau! Ta bảo ông đi ra!

La-hầu-la không ngờ đức Thế Tôn đã kêu mình, vội bước ra, bất giác quỳ bên chân Phật, nước mắt đoanh tròng. La-hầu-la còn nhỏ, tình cảm không khỏi yếu ớt.

Phật bèn hỏi vì sao La-hầu-la lại ngồi trong nhà xí. La-hầu-la thuật lại mọi việc. Phật bèn dạy La-hầula hãy vào trong phòng Ngài. La-hầu-la vui mừng, như từ địa ngục mà bước lên thiên đường.Trẻ con tuổi nhỏ, cắt ái từ thân, vào trong Tăng đoàn, cần phải được các Tỳ-kheo lớn chiếu cố đến. Vì nhân duyên đó, đức Phật bèn quy định cho các Sa-di, có thể ngủ chung phòng với Tỳ-kheo hai đêm.

Tình thương của đức Phật, chỗ vi tế nhất đều lưu ý đến. Xưa nay, sư phụ thâu đệ tử phải có trách nhiệm dạy dỗ. Thầy của La-hầu-la là Xá-lợi-phất, thường bận giúp Phật hoằng hóa bên ngoài, ít có dịp ngó ngàng đến La-hầu-la. Nhưng từ khi sự kiện ấy xảy ra, Xá-lợi-phất thường gọi La-hầu-la đến ở một phòng với Tôn giả.

7- ĐỨC NHẪN NHỤC

Từ khi được đức Phật chỉ dạy, và lại thường được ở bên cạnh sư phụ Xá-lợi-phất, nhận được sự hướng dẫn của thầy, La-hầu-la tu tiến rất nhanh.

Khi đức Phật giảng kinh, Xá-lợi-phất đều dẫn La-hầu-la đi nghe. Khi Xá-lợi-phất tịnh tọa, La-hầu-la cũng tịnh tọa một bên, khi đi thuyết pháp giáo hóa, Xá-lợi-phất cũng dắt theo bên mình, dạy cho La-hầula những kinh nghiệm vì pháp, vì mọi người. Mỗi ngày khất thực xong, La-hầu-la lại theo sau Xá-lợiphất, trong Tăng đoàn Tôn giả được xem như đức Phật thứ hai, thật là ân sư tôn quý của La-hầu-la.

Một hôm, La-hầu-la đi theo Xá-lợi-phất khất thực tại thành Vương Xá. Trên đường đi gặp một tên lưu manh, hắn lấy cát ném vào bát Xá-lợi-phất, và lấy gậy đánh trên đầu La-hầu-la. La-hầu-la bị thương, máu nhỏ giọt xuống y. Tên lưu manh thấy vậy chẳng những không biết lỗi, còn chửi:

- Mấy lão trọc, chỉ biết đi xin ăn, cứ xưng là từ bi nhẫn nhục, ta đánh lỗ đầu mày, thử xem làm gì ta. La-hầu-la lúc ấy mười tám tuổi, đã lộ vẻ tức giận căm gan, nhưng Xá-lợi-phất an ủi:

- La-hầu-la! Nếu thật là đệ tử Phật, cần phải có tinh thần nhẫn nhục, trong tâm không chứa niềm sân hận, phải đem lòng từ bi thương xót chúng sanh. Đức Phật thường dạy chúng ta, lúc vinh dự đừng sanh lòng cao hứng, khi bị làm nhục cũng đừng oán hận. Này La-hầu-la! Nên điều phục tâm giận tức, giữ chắc nhẫn nại. Trên thế gian không có gì sánh bằng người có sức nhẫn mạnh mẽ, cõi trời cõi người, dù sức mạnh đến đâu cũng không hơn nhẫn nại.

La-hầu-la nghe Xá-lợi-phất khai thị, lẳng lặng đến bên ao nước, mặt nước soi rõ bóng dáng, Lahầu- la lấy tay khoát nước rửa sạch vết thương, xé một chút vải băng lại. Xá-lợi-phất theo dõi tình hình, trong lòng vừa an ổn vừa thương tình.

La-hầu-la nhẫn nại, an nhiên theo Xá-lợi-phất, khất thực xong, trên đường về mới nói với thầy:

- Con nghĩ đến vết thương trên đầu, lúc ấy khó mà bỏ qua. Nhưng trên thế gian này sao lắm kẻ hung ác, đến đâu cũng gặp toàn những việc đáng chán. Con không giận đời, chỉ nghĩ đến cái cõi đời này nhiều người không biết điều. Đức Phật dạy chúng ta nên có lòng đại từ đại bi với họ, để mặc hạng người cuồng bạo nhục mạ chúng ta. Sa-môn Tỳ-kheo giữ hạnh nhẫn, chứa đức cao mà người cuồng ngu trở lại khinh chê, lại đi kính trọng mấy kẻ hung dữ độc ác.

Đức Phật dạy chân lý từ bi, họ trở lại cho là hôi như xác chết, như trời mưa cam lồ mà loài chó hoang lại chỉ ưa đồ dơ bẩn, ưa những nơi hôi hám. Những chơn lý Phật dạy, những lời nói từ bi của Ngài mà đem nói với những hạng người hung dữ, không có chút căn lành ấy, chẳng có hiệu quả gì.

Đây là lần đầu tiên La-hầu-la đem việc tu hành và ý nghĩ của mình bày tỏ với sư phụ. Xá-lợi-phất nghe xong rất hoan hỷ, đem những lời của La-hầu-la về bạch với Phật. Phật cũng rất vừa lòng, khen La-hầu-la ngày nay rất ngoan, đối với người hung ác nên có thái độ như thế, và cách nhìn đời cũng biết như vậy. Phật lại dạy thêm:

- Người không biết nhẫn, sẽ không tiếp thọ được Phật pháp, giận đời oán người là trái với pháp, xa chư Tăng, thường luân hồi trong đường ác. Hạnh nhẫn nhục mới là hạnh an ổn, mới có thể tiêu trừ tai nạn.Người Trí tuệ thấy được nhân quả sâu xa, khắc phục tâm sân hận, thường hành nhẫn nại. Tinh thần của Phật pháp, chân nghĩa của Phật pháp không giống như lối nhìn của người đời. Những gì thế gian cho là cao quý thì Phật pháp cho là hạ tiện, Phật pháp cho
là tốt, là phải thì người đời không chịu làm theo.

Trung không ưa nịnh, tà chẳng thích chánh, ác không thích đi chung với thiện. Người tham dục thì ghét người vô dục. Trong tình cảnh ấy, người tu hành chỉ có việc nhẫn nại. Nhẫn là duyên trợ đạo tốt nhất, có thể khiến người tu mau chứng Thánh quả. Nhẫn như thuyền bè trên sông biển, có thể vượt qua mọi sóng gió, nhẫn là thuốc lành trị bệnh, cứu mạng sống cho người trong cơn nguy. Tu thành Chánh giác, vượt qua ba cõi, được trời người kính ngưỡng, là vì tâm ta đủ sức an ổn, phải biết rằng đức nhẫn rất quý vậy.

Do nhân duyên La-hầu-la bị kẻ côn đồ vô cớ hành hung lỗ đầu, mà trong lúc tuổi trẻ máu nóng lại có thể nhẫn chịu như một ông thánh, khiến sư phụ rất an tâm, đức Phật cũng mừng thầm và dẫn khởi đến đoạn thuyết pháp trên. Xá-lợi-phất nghe xong vô cùng cảm động, La-hầu-la cũng rơi lệ, lại càng cảm kích hơn.

8- LỊCH TRÌNH CHỨNG NGỘ

La-hầu-la đối với chuyện bị chiếm phòng, tự nguyện nhượng bộ, trên đường đi bị kẻ ác đánh trọng thương đều có thể nhẫn được, tu dưỡng cẩn mật như vậy, chỉ còn một đoạn nữa là được khai ngộ.

La-hầu-la thông minh khéo léo, tinh tấn tu hành,khi còn Sa-di ưa chọc ghẹo thiên ha,ï hôm nay đã trở thành một thầy Sa-môn nghi biểu trang nghiêm. Vào năm hai mươi tuổi, đức Phật hứa khả cho thọ giới Tỳkheo.

Tuy còn trẻ nhưng La-hầu-la đạo mạo như một người lão thành. Những cuộc nhóm họp đông đảo trong sinh hoạt của Tăng đoàn, thầy ít khi tham dự, chỉ im lặng dụng công tu tập.

Thiệt là chẳng biết La-hầu-la dụng công thế nào mà chưa được khai ngộ. Nguyên nhân chính là thầy chưa quên được cái vinh dự lớn của mình. Dù sao thầy cũng là con yêu của đức Phật, là cháu cưng của vua Tịnh Phạn. Trừ những bậc thượng thủ ra, các Tỳ kheo khác đều kính trọng thầy, ái mộ thầy, khen ngợi thầy. Được nghe luôn những lời khen tặng, các thầy tu trẻ rất dễ bị động tâm, mấy ngôn từ hoa mỹ ấy đáng sợ như ác ma, khiến cho La-hầu-la dụng công tinh tấn đến đâu cũng chưa đạt quả vị.

Thậm chí có thầy Tỳ-kheo đã hỏi Phật về chuyện khai ngộ của La-hầu-la:

- Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo La-hầu-la nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, không phạm một lỗi nhỏ, vì muốn cầu khai ngộ, thầy đã tận tình buông sạch, vậy mà tại sao thầy vẫn chưa đoạn trừ hết phiền não, giải thoát hoàn toàn ? Đức Thế Tôn trả lời dứt khoát:

- Giữ giới tịnh tâm, giữ thân đoan chánh, nhất định có thể dứt sạch ô nhiễm, nhất định dần dần chứng quả.

Đối với việc La-hầu-la chưa khai ngộ, đức Phật không mấy bận lòng, Ngài vẫn đầy tin tưởng, đợi ngày ấy sẽ đến.

Mấy phen dường như khai ngộ mà vẫn chưa khai ngộ, La-hầu-la đem chỗ tâm đắc của mình bạch với Phật. Phật dạy La-hầu-la từ đây về sau nên thường cùng bạn bè đàm luận về đạo lý ngũ uẩn hòa hợp, và tự mình nên tư duy về ngã mạn, pháp vô ngã, pháp khổ, pháp vui v.v…

Một ngày nọ, vào sáng sớm, đức Phật cùng với La-hầu-la đi ra khỏi tinh xá Kỳ Viên, vào thành Xá-vệ khất thực. Trên đường đi, Phật quay lại bảo La-hầu-la:

- La-hầu-la! Ông hãy quan sát sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Ông xem thân tâm của mọi người và tất cả sự vật trên thế gian đều nên khởi quán vô thường, không nên chấp trước. La-hầu-la nghe vài câu nói đơn giản như thế, tâm địa hốt nhiên sáng tỏ. Tôn giả cáo biệt Phật, ngưng việc khất thực trở về tinh xá, ngồi kiết già một lòng suy nghĩ về ý nghĩa thâm thúy của lời dạy đó. Tôn giả lại dùng từ bi quán trừ tâm sân hận, dùng bất tịnh quán trừ tâm tham dục, dùng sổ tức quán trừ tâm tán loạn, dùng Trí tuệ đối trị ngu si. Tôn giả vào sâu trong thiền định và cơ duyên đã chín muồi, Tôn giả khai ngộ ngay hôm ấy.

Đức Thế Tôn khất thực trở về đến chỗ La-hầu-la đang tọa thiền, lại chỉ dạy thêm:

- Nên dùng sức đồng thể đại bi, lòng từ vô duyên để đối xử với người và sự việc, tâm lượng rỗng rang có thể dung nạp tất cả chúng sanh, mới có thể diệt ác, đếm hơi thở quán tâm, có thể đạt được giải thoát. La-hầu-la từ tòa đứng dậy, đảnh lễ đức Phật, thưa:

- Bạch Thế Tôn! Phiền não con đã hết, con đã chứng ngộ xong.

Đức Phật hoan hỷ, còn hơn sự hoan hỷ của Lahầu- la, Ngài khen ngợi:
- Trong các đệ tử ta, Tỳ-kheo La-hầu-la là Mật hạnh đệ nhất .

Gọi là mật hạnh, nghĩa là trong ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, La-hầu-la đều biết hết, đều có thể làm hết. Nghĩ đến hồi ban đầu, La-hầu-la theo Phật xin gia tài, hiện tại Tôn giả chứng ngộ là đã được đức Phật trao cho pháp tài vô tận. Nghĩ đến thuở còn Sadi nhỏ tuổi gia nhập Tăng đoàn, đã làm bận lòng đức Phật không biết bao nhiêu, hiện tại Tôn giả đã xa lìa mọi dục lạc thế gian, đạt được niềm vui chơn chánh của pháp mầu. Thật là vinh hạnh cho Tôn giả.

9- CHẾ ĐỘ HIẾN CÚNG TINH XÁ

Sau khi La-hầu-la khai ngộ, địa vị trong giáo đoàn càng được đề cao, nhất là hàng tín chúng tại gia, có biệt nhãn đối với Tôn giả. Một điều không thể phủ nhận, trong hàng Tỳ-kheo, La-hầu-la được cúng dường nhiều nhất.

Vấn đề cúng dường nếu nồng hậu, vật chất đầy đủ sẽ làm chướng ngại việc tu đạo. Nhưng La-hầu-la đã chứng Thánh quả, những thứ bên ngoài không làm hệ lụy được. Hễ vừa có dư một vật gì, Tôn giả đều đem cho người khác.

Một hôm, Phật đang thuyết pháp tại một thônlàng trong nước Ca-tỳ-la, có một trưởng giả tin Phật và xin quy y. Ông trưởng giả này, có duyên với La hầu-la, hay là vì quan niệm về địa phương, La-hầu-la cũng người Ca-tỳ-la, ông phát tâm hộ pháp cho Tôn giả tất cả những thứ cần dùng, ông đều cung cấp đầy đủ.

Về sau, ông đặc biệt cất một tinh xá cúng riêng cho La-hầu-la, tôn giả cũng an trụ ở đó. Lúc ấy các Tỳ-kheo đi hành khước rất đông, nên tinh xá của La-hầu-la luôn luôn có khách Tăng ghé lại. Nhà ông trưởng giả cứ nghĩ là tinh xá của mình bố thí, lại hay can thiệp vào việc chùa. La-hầu-la thưa chuyện với Phật xin thỉnh ý phải làm sao? Phật dạy:

- La-hầu-la! Trong pháp ta, việc của Tăng đoànthì hàng tín đồ tại gia không thể quản lý. Tín chúng phát tâm cúng dường tinh xá, không phải vì đó mà tự do can dự thao túng. Ông nên bảo cho ông trưởng giả ấy, hỏi ông ta cúng dường tinh xá với mục đích gì ?

Nếu thật là bố thí cho Tăng già, vật đã bố thí không còn là của mình. Như nếu ông ta muốn quản lý, nói cho ông ấy biết tinh xá không phải là nhà khách. Tinh xá do Tăng trụ trì, phần cư sĩ hộ pháp thì được, quản lý thì không được.

La-hầu-la đem lời đức Phật nói lại với trưởng giả. Thiệt là người không hiểu rành Phật pháp, bị quyền thế ám ảnh, hoặc quá nhiệt tình mà chấp chặt, bảo ông đừng xen vào chuyện tinh xá, ông không thể hoàn toàn xả bỏ được. Từ đó cảm tình giữa La-hầu-la và ông bị sứt mẻ, lúc trước ông kính trọng tôn giả, bây giờ ông lại thấy bực bội, gai mắt.

Một hôm, La-hầu-la có chút việc đi đến thành Xá-vệ, đúng lúc ấy trưởng giả đến thăm tinh xá. Thấy không có ai, vắng bóng tôn giả, thừa cơ hội ấy, ông bèn đem tinh xá cúng dường cho thầy Tỳ-kheo khác. Tín đồ tại gia mà ăn nói ngược ngạo như vậy thật là trái lẽ. Khi La-hầu-la xong việc trở về, thì tinh xá đã thuộc về người khác, tôn giả bèn trở lại tinh xá Kỳ Hoàn. Đức Phật hỏi tôn giả vì sao trở về cấp tốc như vậy, La-hầu-la trình bày mọi việc. Đức Phật nghe xong chẳng bằng lòng với thái độ của nhà ông trưởng giả nọ. Ngài cảm khái cho những người không hiểu sâu Phật pháp mà bảo họ làm đúng Phật pháp thiệt là khó thay!

 Phật liền triệu tập các Tỳ-kheo:

- Vật nào đã bố thí cho người, mà thí chủ lại đem tặng lại các ông, các ông không được tiếp nhận. Đó không phải là đức Phật thiên vị La-hầu-la, mà vì pháp tắc trong giáo đoàn, để tránh những rắc rối về sau. Đáng buồn cho lời dạy của Ngài, Phật giáo ngày nay xảy ra những việc tranh chấp về tài sản, đều là vì những nguyên nhân ấy.

Khi La-hầu-la còn làm Sa-di, phòng thất bị người chiếm đoạt, bèn vào nhà xí tránh gió mưa, không vì chỗ ở mà tranh chấp với người. Bây giờ là một vị Tỳkheo khai ngộ, được tặng cho tinh xá, rồi tinh xá ấy lại bị đem tặng người khác, trong tâm lượng khoáng đạt của bậc thánh ấy không hề có niệm bất bình. Đến khi đức Phật quy định chế độ cúng dường tinh xá, chúng ta lại có dịp nhắc lại chuyện xưa.

10- NHẬP DIỆT

Những nhân vật oanh liệt trong Tăng đoàn thuở ấy là Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, A-nan v.v… còn La-hầu-la thì không, một người nghiêm túc trong mật hạnh trì giới, chỉ im lặng tu tập, im lặng  không tranh đua với thế gian. Hoặc là vì La-hầu-la quan hệ đến đức Thế Tôn, nên Ngài đặc biệt hạn chế tôn giả. Chúng ta cũng biết La-hầu-la có tư cách nhu thuận, bẩm chất kiên cường, nhưng chúng ta cũng thấy trong sinh hoạt của một vị Tỳ-kheo Tôn giả không phải là người sôi nổi.

Cho nên trong kinh sử không thấy ghi lại những sự tích La-hầu-la nhiệt tình thuyết pháp, hay nghị luận với ngoại đạo. Đúng như lời đức Thế Tôn nói, Tôn giả là người nghiêm túc trong tế hạnh, trong giới luật, là một vị Mật hạnh đệ nhất.

La-hầu-la nhập diệt khi nào, cũng như năm tháng đản sanh của Tôn giả, có hai truyền thuyết. Có thuyết nói, thái tử Tất-đạt-đa năm mười chín tuổi hạ sanh La-hầu-la. Có thuyết lại nói đến năm Ngài hai mươi lăm tuổi mới hạ sanh La-hầu-la. Về năm diệt cũng có hai thuyết, một thuyết nói Tôn giả nhập Niết-bàn trước đức Phật vài năm, thuyết khác nói, khi đức Phật nhập Niết-bàn, Tôn giả còn quỳ bên giường.

Ấn-Độ là một nước không mấy chú trọng về lịch sử, còn Trung Hoa chúng ta cũng không ít nhà phiên dịch phóng đại và tưởng tượng huyễn hoặc. Những sự tích lặt vặt về cuộc đời đức Thế Tôn và các vị Thánh đệ tử được ghi chép trong kinh điển, thật cũng có ít nhiều cắt xén. Căn cứ theo ký sử có thể khảo cứu qua kinh điển, thì Tỳ-kheo ni Da-du-đà-la, mẫu thân của La-hầu- la nhập diệt vào năm bảy mươi tám tuổi, và La-hầu-la nhập diệt được kể là sớm hơn.

 Vào một buổi chiều, Da-du-đà-la đã suy tư đến rất nhiều sự việc. Bà nghĩ Kiều-đàm-di, Liên Hoa Sắc đều đã nhập Niết-bàn, La-hầu-la cũng nhập Niết-bàn. Ta sanh đồng một năm với đức Phật, năm nay ta đã bảy mươi tám tuổi, nghe nói đức Phật sẽ nhập Niết bàn vào năm tám mươi tuổi. Nghĩ đến chuyện ta nhập diệt đồng một lúc với Ngài, tuy hiện tại đối với đức Phật chỉ có pháp tình mà không có tình riêng gì khác, nhưng chuyện ấy là một điều bất kính, chi bằng ta nhập diệt sớm là tốt hơn.

Da-du-đà-la được đức Phật hứa khả, hướng về Phật đảnh lễ cảm tạ xong, bèn hiện thần thông bay lên hư không mà đi. Và đêm đó bà ở trong phòng nhập định Niết-bàn. Căn cứ vào ký sự nhập diệt của Da-du-đà-la thì La-hầu-la đã nhập diệt trước cả bà và đức Phật. Và theo đó, tính tuổi của Tôn giả không quá sáu mươi. Đại khái Tôn giả chỉ sống trên năm mươi năm là cùng. Đương nhiên, đối với một vị thánh thì xem cái chết, dù sớm hay muộn cũng là chuyện thường. Bỏ sắc thân hư huyễn giả dối này, đem sanh mạng an trụ trong lý thể pháp tánh, chuyện ấy không có gì phải buồn, trái lại đó là một sự hạnh phúc.  La-hầu-la vào năm hai mươi tuổi đã khai ngộ chứng quả, cái mục đích tối hậu của đời người đã đạt được thì khi nhập diệt nhất định là an nhiên vi tiếu mà ra đi.

[ Quay lại ]