headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

MƠ THẤY TỔ HOA NGHIÊM

 Đậu Hũ

Con đường lên núi dốc thẳng ngoằn ngèo, chốn tổ đường xưa lạc lối vô chăng? Một người trong đoàn lên tiếng cầu xin quỉ thần gia niệm để việc lên núiø bình yên. Một sự thành tâm đáng kính!

Rừng thiên cao vót, thất lá gọn gàng tươm tất. Không phải chốn tổ đường xưa, dễ gì chốn chốn khô cằn đẻo đá thành đường, biến suối thành nước? Có điều, không biết có phải ngày thường mình quen ti vi, tủ lạnh, vi tính, lò gaz hay không, mà lên chốn Tổ rừng thiêng cũng hiện đầy đủ không thiếu thứ gì.

Dù chỉ là mơ, lên chốn núi rừng không phải chỉ để chiêm ngưỡng những thứ đã có ở nơi đất bằng. Một Tổ Hoa Nghiêm mới là đáng nói. Nhưng mà …

Cho tởn cái tật hay mơ với tưởng những chuyện cao siêu. Nhưng xét cho cùng, Đậu Hũ có mơ cái chỗ cao siêu đâu phải là lỗi. Lời nguyện chư vị Bồ tát đã nguyện cũng là hình thức mong muốn đó thôi. Mong để mà hành. Mong mà không tưởng. Chỉ khi tưởng cái mình mong với cái mình được là một, cái đó mới … nguy.

Cũng như cứ tưởng lên tới núi cao là đã gặp Thánh gặp Tổ. Đâu có! Cái nghiệp ở núi thì sẽ ở núi. Cái nghiệp ở thành thì sẽ ở thành. Còn Thánh hay Tổ là do định lực trí tuệ quyết định. Nhiều người ở núi mà vẫn thường dân đó thôi. Ngày xưa các vị tu tiên, cũng chỗ núi cao không chút tiện nghi trú ngụ, không phải chỉ Thánh chỉ Tổ mới cư được đó. Thành ra không cứ ở núi là đã thành Tổ. Nhưng vì mình tưởng. Cái tưởng chúng sanh của mình, nó hay dẫn mình lầm lẫn các duyên với nhau, sự thể mới thành đáng buồn.

Chiều rồi xuống núi ...

Bóng tà trên đỉnh ánh lên một chút rồi tàn …

Giựt mình tỉnh giấc. Trở về đời sống bình thường. Một trường đại mộng! Không có núi rừng thơ mát. Không khí chất đầy khói bụi dầu xe. Cái nơi quanh quẩn với những thân thương bình thường. Nơi những cụ bà hiểu kinh chưa thông, buông thân ngồi thiền gục lên gục xuống. Nơi những con người tuổi gần 80, không có tivi, tủ lạnh. Tường gạch, mái tôn ... Không từng một lần cảm nhận thân phận cơ cực của mình :

                Kiếp trước không tu mới chịu nghèo
                Kiếp này cái khổ nó đeo theo
                Người sao rân rác còn dư giả
                Gẫm lại phận mình túi vắng teo
                                    (Thích nữ Chơn Hạnh)

Cảm nhận sao mà buồn bã! Nhưng nhờ cụ biết kiếp trước không tu. Nên rồi giới luật gắng vững. Ba thời tụng niệm đủ đầy. Vui trời, vui đất, một bữa canh bí canh bầu ngâm nga :

                Soi gương Bát nhã, tan phiền não
                Niệm chuỗi Bồ đề, giải túc khiên

                                                        (thơ trích)

Nào đã soi gương Bát nhã mà tan phiền não? Vẫn còn hạ hồi phân giải, quán tới quán lui cho phiền não tan. Đâu đã niệm chuỗi Bồ đề giải hết oan khiên? Vẫn còn cơ cực, thấp hèn, người thương, người ghét. Nhưng nào ai cấm các cụ nói lên nỗi niềm mơ ước của mình? Nguyện để mà hành. Hành rồi sẽ đến. Một lúc nào đó, Bát nhã gương tâm cũng chiếu tột nguồn phiền não. Bồ đề của cụ niệm niệm hiện tiền soi thấu oan khiên. Được hay mất, đến hay đi không còn làm cụ bận lòng. Đồng bằng hay núi non, chùa chiền hay phố thị đều theo hạnh nguyện mà đi. Ở núi chúng sanh bớt khổ thì cụ ở núi. Ở chợ chúng sanh bớt khổ thì cụ ở chợ. Vui cái vui cùng người, khóc cái khóc với người … để rồi chuyển hóa thân tâm, ngay chốn Ta bà hiện sắc Hoa Nghiêm.

                        Nguyện cho chân cứng đá mềm
                        Đường trần trụi
                        Đi hoài không biết mỏi
                        Nguyện sức tài bao đời hồn thiêng sông núi
                        Xin gánh vác cho đời, đạo mãi thêm tươi
                        Khi người vui
                        Xin được cùng vui
                        Lúc giông bảo tơi bời
                        Xin hòa chung nỗi đau nhân loại
                                                    (Đạt Ma Chí Hải)

Thôi thì “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên!”. Thực lý Duyên khởi tại chốn Ta bà sống cho thông suốt. Thông rồi mới nói đến chuyện trùng trùng duyên khởi của Hoa Tạng giới. Định nữa đi! Tuệ nữa đi! Định tuệ bình đẳng hiện tiền, thế giới Hoa Nghiêm rồi sẽ hiển hiện. Định chưa đủ, tuệ còn nương vào kiến giải của người, thì dù được gọi Pháp Tạng tái lai, Hoa Nghiêm mà mình thấy được không ngoài vọng tưởng của mình. Không lý “Trong cơn trường mộng lại thêm mộng. Giữa giấc mơ say, lại thấy mơ”.

[ Quay lại ]