headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN TRONG CUỘC SỐNG

 Giác Thiền

Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Điều đó có nghĩa là làm sao cho chúng sanh thấy được tri kiến Phật của chính mình và quay về sống trọn vẹn với tri kiến Phật đó. Hết thảy chư Phật ra đời, chư Tổ thị hiện cũng chỉ vì một bản hoài như vậy.

Trong Đạt Ma Huyết Mạch Luận, Tổ nói: “Nếu chẳng thấy tánh, niệm Phật, tụng kinh, trì trai, giữ giới cũng không có chỗ lợi ích. Niệm Phật được nhân quả, tụng kinh được thông minh, trì giới được sanh cõi trời, bố thí được phước báo, nhưng tìm Phật trọn chẳng có thể được. Nếu tự mình chẳng rõ biết, cần thưa hỏi bậc thiện hữu tri thức để thấu suốt cội gốc của sanh tử. Nếu chẳng thấy tánh tức chẳng gọi là thiện tri thức. Nếu chẳng như thế, dù nói được mười hai bộ kinh cũng chẳng khỏi luân hồi sanh tử, chịu khổ trong ba đường”.

Mục đích chính yếu của Thiền tông là thế ấy : Chỉ có một việc nhận chân được tánh Phật, nhận diện được con người thật của chính mình. Ngày nào chúng ta còn chưa biết được mình là ai, mình là gì thì cuộc sống của chúng ta vẫn nhạt nhẽo, vô vị, đau khổ, bất an và chúng ta vẫn mãi là những kẻ ngủ say, những gã mộng du, mang chiếc thân tứ đại đi trong cuộc đời như những bóng ma vô hồn, như những thây chết chưa được chôn cất. Trong ta lúc nào, giờ nào cũng bám víu, dong ruỗi vào ba thời : Mãi đau khổ tiếc nuối về quá khứ, mơ mộng ảo huyền xa vời vào ngày mai và bất an trong hiện tại. Chúng ta sống đó mà như đã chết, vì chúng ta lúc nào cũng đầy ắp những suy nghĩ, những tư tưởng và đồng hóa mình với những tâm niệm đó thì làm sao chúng ta có thể trở thành con người sống thực được? Trong kinh Kim Cang Phật nói: “Ba thời không thực” cho nên chúng ta muốn thấy được tánh Phật, muốn trở thành con người sống thực, một con người sống động và sáng tạo, thì hãy thoát ly ra khỏi đám suy nghĩ và mớ vọng tưởng ảo huyền ba thời này đi.

Có một ngoại đạo đến hỏi Phật:
- Hàng ngày Sa môn Gotama và đệ tử của ngài tu hành như thế nào?
Phật đáp:
- Sáng ta đi khất thực. Khất thực xong trưa về dưới gốc cây thọ thực. Thọ thực xong đi kinh hành, trải tọa cụ ngồi thiền.
Ngoại đạo nói:
- Như vậy có khác gì chúng tôi đâu.
Phật nói:
- Ta tuy cũng ăn, mặc, đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả mọi việc như các ông, nhưng ta không bị ba thời chi phối. Ta không sống với tâm niệm quá khứ, hiện tại, vị lai. Còn các ông sống đó mà chìm đắm trong quá khứ, mơ tưởng về tương lai, bất an trong hiện tại.

Cuộc đời chúng ta như dòng sông trôi chảy không ngừng. Nếu ta không ý thức được những gì xảy ra thì cuộc đời chúng ta bị cuốn trôi như những chiếc là bồng bềnh vô định. Chúng ta theo Phật, theo đạo giác ngộ, tự xưng mình là người con Phật, sống trong giáo lý của Phật mà chúng ta thiếu ý thức, không tỉnh giác, bị ràng buộc lôi kéo theo ba thời thì rốt cuộc chúng ta cũng giống như bao nhiêu con người sống không ý thức trên thế gian này - sống mà không biết mình đang sống. Cho nên chúng ta học thiền, hành thiền chỉ khác mọi người ở chỗ chúng ta ý thức về cuộc sống hay không ý thức thôi. Ý thức, tỉnh giác thì chúng ta trở thành những con người sống. Không ý thức, không tỉnh giác thì dù sống đó mà chúng ta đã chết.

Xưa có một vị Hòa thượng, ngài tu học từ nhỏ đến tám mươi tuổi mà ngài vẫn chưa ngộ đạo. Ngài bệnh, gọi đồ chúng lại từ giã. Các đồ đệ thỉnh ngài tuyên bố với thiên hạ là đã chứng quả vị nào trong Tứ quả. Nhưng ngài đã chứng quả nào đâu. Ngài nói: “Các ông muốn ta chứng quả thì hãy đỡ ta ngồi dậy xem sao!” Ngài vừa ngồi dậy liền chứng quả A la hán. Ngài bảo các đệ tử: “Thật ra, sự chứng quả đối với ta không khó; nhưng các ngươi nên biết rằng từ ngày ta xuất gia đến nay, trong tất cả những cử chỉ, hành động, lời nói, việc làm và tâm niệm, ta luôn ý thức tỉnh giác. Dù trong hoàn cảnh nào ta cũng luôn ý thức tỉnh giác như vậy”

Áp dụng thiền trong cuộc sống là vậy. Chúng ta muốn biết mặt mũi thực xưa nay của mình thì ngay trong cuộc sống phiền ba náo động này luôn luôn ý thức, luôn luôn tỉnh giác. Ngoài con đường tỉnh giác này ra không có ngã rẽ nào khác để biết được con người thực của mình. Mong cầu giác ngộ, mong cầu giải thoát hết thảy chỉ là đống vọng tưởng, không những không giác ngộ giải thoát mà còn làm chướng ngại đường công phu tu tập. Chúng ta cứ sống thức tỉnh như thế, như trái cây chín mùi tự rụng, nước đầy tự tràn … không thể mong cầu mà được. Một khi chúng ta trở về hoàn toàn với chính mình thì ngày ấy mới thoát ly ra khỏi những giấc ngủ ngàn thu, thoát ra khỏi bóng tối vô minh che đậy từ muôn kiếp. Chúng ta đã đau khổ, phiền não, la hét trong mơ. Sự thật thì tất cả những phương pháp, những con đường chỉ tạm thời phá vỡ những cơn mơ ta đang chìm đắm, vừa giật mình dậy thì gối chăn vẫn còn nguyên trên đầu.

Nói tóm lại, áp dụng thiền vào trong cuộc sống là chúng ta dừng ba thời. Có làm chủ được như thế thì chúng ta mới có những giây phút sống thực. Ngài Triệu Châu nói: “Ta làm chủ được mười hai giờ, còn các ông bị mười hai giờ sai khiển”. Điều đó có nghĩa là ngài trở về sống hoàn toàn với tâm bình thường, không bị ba thời chi phối, lôi kéo. Có nhiều người lầm lẫn, nhiều khi trong lúc dụng công tu tập có được những phút giây yên lặng rồi cho rằng mình đã thấy được đạo, thấy được tâm bình thường như ngài. Thật ra, cho dù có yên lặng, bặt hết những vọng tưởng đi nữa thì vẫn chưa phải là chỗ yên ổn. Vì sao? Cổ đức nói: “Vô tâm chưa phải là đạo, vô tâm còn cách một lớp rào.” Lớp rào đó là gì? Mỗi chúng ta đừng tự mãn, phải đạp qua, phá sạch lúc đó ta mới hiểu được tâm bình thường của ngài và mới thưởng thức được hương vị trà của ngài trong đời sống bình thường nhất.

[ Quay lại ]