headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HẠNG CÓ CĂN KHÍ HOA NGHIÊM

 (Trích Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký của Tổ Hiền Thủ)
Chân Hiền Tâm
dịch

Đây có tất cả 10 vị : 5 vị trước nói về hạng không có căn khí Hoa Nghiêm. 5 vị sau là những hạng có căn khí.

 

I. Năm hạng không có căn khí Hoa Nghiêm :

1. Nghịch với chân thì không có căn khí : Không phát tâm bồ đề, không cầu xuất ly, chỉ nương kinh này cầu danh, cầu lợi, phát huy nhân ngã. Kinh này không phải là duyên của hạng đó, nên không phải là hàng có căn khí Hoa Nghiêm. Văn sau nói: “Vì danh lợi mà thuyết pháp là nghiệp của ma”. Cũng như “Bất tịnh mà thuyết pháp thì đọa ác đạo” v.v...

2. Nghịch với chánh thì không có căn khí : Trá bày đại tâm, dối tu thiện tà, chiêu cảm cõi Nhân Thiên trước mắt, rốt cuộc không thành Phật, e đọa địa ngục A-tỳ nhiều kiếp thọ khổ, như Đề-bà-đạt-đa làm nhất xiển đề, Bát đại thiện nhân phải thành bất thiện. Hạng trên, y vào thời đầu là có thể biết. Hạng này, đến thời cuối mới hiển. Phần sau nói: “Quên mất tâm bồ-đề mà tu các thiện căn là ma nghiệp”. Kinh này không phải là duyên của hạng đó, nên cũng không phải là hạng có căn khí Hoa Nghiêm.

3. Nghịch với thật thì không có căn khí : Tuy không dối trá nhưng chấp vào tư kiến mà thủ chấp văn kinh, thì dù tình có hết, giáo có tột, vẫn không chứng nhập được tâm. Vì thế, cũng không phải là hạng có căn khí Hoa Nghiêm. Địa Luận nói: “Nghe mà sinh kiến giải trên cái nghe ấy thì không đắc cũng không nghe”. Như việc theo tiếng thủ nghĩa có 5 lỗi v.v...

Ba vị trên là cảnh giới của chúng sinh phàm ngu. Văn sau nói: “Kinh này không vào tay chúng sinh, trừ Bồ-tát”. Vì kinh này không có duyên lưu chuyển trong chúng sinh, nên nói “không vào tay”.

4. Tiểu căn thì không có căn khí : Hàng Nhị thừa không có tâm quảng đại đều không phải là loại có căn khí Hoa Nghiêm. Văn sau nói: “Tất cả Thanh văn và Duyên giác không nghe được kinh này, huống là thọ trì”. 500 Thanh văn như Xá-lợi-phất v.v… đối với kinh này đều như đui như điếc, không nghe cũng không thấy.

5. Theo quyền thì không có căn khí 1: Chư Bồ tát thuộc Tam thừa Cộng giáo theo tông của mình tu hành, nếu chưa đủ một a-tăng-kỳ kiếp đầu cũng không phải là hạng có đủ căn khí Hoa Nghiêm. Văn kinh nói: “Bồ tát Ma-ha-tát, tuy có vô lượng ức na-do-tha kiếp hành lục ba-la-mật, tu tập đạo phẩm, thiện căn, vẫn chưa nghe được kinh này. Dù nghe được cũng không tin, thọ trì và tùy thuận”. Vì hạng này còn là Bồ tát giả danh.

Hỏi : Trong kinh Anh Lạc v.v… mười ngàn kiếp là đã xong hạnh vị Thập tín. Sao đây nói tu vô lượng ức na-do-tha lại không tin kinh này?

Đáp : Vì kia y theo hạnh vị tiệm tu mà tu Thập tín v.v... Còn Thập tín nói đây thuộc hạnh Phổ Hiền viên dung, một nhiếp tất cả. Kia còn chưa nghe, nói là tin. Do đây mà biết hai tông có khác nhau. Nếu không, trải qua thời kiếp tu hành như thế mà không tin kinh này, sao gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát?

II. Năm hạng có căn khí Hoa Nghiêm :

1. Chánh vi : Là hàng Bồ-tát có khí lượng rộng lớn thuộc Nhất thừa Bất cộng giáo. Chính là hạng căn khí có đầy đủ nhân duyên với kinh này. Văn sau nói: “Kinh điển như thế, chỉ vì hàng Bồ-tát Ma-ha-tát thừa cái thừa không thể nghĩ bàn mà thuyết, không phải vì người khác”. Giải thích : Thừa, lấy “vận chuyển” làm nghĩa. Nếu y nơi Biệt môn thì đầu tiên vận đến Thập tín, kế là chuyển đến Thập trụ … rồi đến Phật quả. Thứ lớp nương nhau mà đến bờ kia. Đây gọi là THỪA có thể nghĩ bàn.

Nếu y cứ vào Phổ môn, một vị tức là tất cả vị, thì một chuyển tức là tất cả chuyển, gọi là THỪA không thể nghĩ bàn. Người thừa cái thừa này thì mãn tâm Thập tín liền được lục vị, như phẩm Hiền Thủ v.v… đã nói. Địa vị Thập trụ trở đi cũng đều như thế. Như văn kinh ở các hội xứ sau sẽ thuyết. Như Thiện Tài, chỉ một đời đã đủ ngũ vị v.v… đều do phổ pháp thu nhiếp lẫn nhau. Phẩm Xá-na có kệ: “Không ngoài cảnh giới sở tri. Phổ Hiền phương tiện đều được nhập”. Phổ Hiền dạy chúng: “Cảnh giới phổ nhãn thanh tịnh thân, ta nay sẽ diễn nói. Người trí hãy lắng nghe, như vậy có thể biết …”.

Hỏi : Vì sao pháp này không ngoài cảnh giới sở tri 2 ?

Đáp : Vì thân Lô-xá-na trùm hết mọi phương xứ nhiều như bụi nhỏ, ứng khắp tất cả căn cơ của quần sinh trong pháp giới. Nếu là loại biệt cơ ứng với với tự căn khí, thì chỉ thấy được phần sở kiến của mình, nghe được phần sở nghe của mình, không thấy được phần sở kiến của người, không nghe được phần sở nghe của người 3. Chỉ hạng có căn cơ Phổ Hiền (Phổ Hiền cơ) mới thấy được mọi sở kiến, nghe được mọi sở nghe. Đều là phần hạn giáo hóa của Lô-xá-na, nên nói cảnh giới phổ nhãn 4. Vì thế phải biết, hai loại căn cơ phổ và biệt cảm hai loại pháp phổ và biệt đó không đồng.

2. Kiêm vi : Theo giáo pháp Phật Tổ để lại thì thấy, nghe, tin đều nhắm vào pháp vô tận này. Nếu thành tựu chủng kim cang, nhất định sẽ được phổ pháp viên dung. Như các thí dụ nói ở văn sau : Ăn nuốt kim cang, lửa nhỏ cháy khắp, thiên tử cõi Đâu Suất từ địa ngục ra chứng được vô sinh nhẫn của hàng Thập địa, thứ lớp làm lợi ích không cùng tận v.v... đều do quá khứ đã từng nghe pháp này, lấy đó làm bản nhân. Văn sau có kệ: “Dù ở nơi biển cả, hay hoại kiếp hỏa tai, nếu quyết tin không nghi, nhất định thấy kinh này”.

3. Dẫn vi : Hạng này như hàng Bồ-tát Cộng giáo nói trên. Trong giáo đó, nếu nhiều thời trưởng dưỡng cái hiểu thâm sâu, cùng triệt cội nguồn của giáo tiệm tu thì sẽ được pháp giới Phổ Hiền đây. Đã nói: “Vô lượng ức na-do-tha kiếp chẳng tin kinh này” thì biết qua khỏi kiếp số đó sẽ tin. Vì lìa phổ pháp này thì hoàn toàn không có đường nào khác để thành Phật. Kinh không nói hạng kia qua khỏi kiếp số đó mà không tin.

Hỏi : Bồ-tát chưa đăng địa, qua kiếp số đó nhất định sẽ tin thì biết Bồ-tát đăng địa của hai tông không khác, há chỗ tin kia không phải là của Bồ-tát Thập địa sao?

Đáp : Trong giáo kia, có đủ các vị Thập địa thứ lớp tiệm tu cho đến Phật quả. Nếu trưởng dưỡng căn khí tu tập cho thuần thục, chậm nhất là đến hết kiếp số đó, nhất định sẽ tin nhập. Nếu chóng vội thì không chắc.

4. Chuyển vi : Các vị Nhị thừa, do độn căn nên đầu tiên cần phải hồi nhập Đại thừa Cộng giáo, bỏ cái danh Nhị thừa, được cái danh Bồ-tát, sau mới nhập pháp Phổ Hiền đây. Đó là lý do nói kinh này chỉ vì hàng Bồ-tát, không thu nhiếp Nhị thừa. Nếu không, các kinh Đại thừa khác có chúng Thanh văn là sở bị cơ 5, cũng dẫn Nhị thừa khiến họ nhập đại thừa6. Chỉ một kinh này, chúng hội không có căn khí Thanh văn, giáo văn cũng không nói trở lại Tiểu thừa, sao thành kinh điển liễu nghĩa rộng sâu? Nếu trong hội VIII có Thanh văn, là muốn nương vào cái đối mà hiển pháp, là hiển thị cái như đui như điếc, không phải là hạng có đủ căn khí Hoa Nghiêm. Sáu ngàn Tì-kheo không phải là A-la-hán, nên không trái nhau. Vì thế phải biết, tất cả Nhị thừa đều không vào ngay được pháp giới Phổ Hiền. Song y cứ vào chỗ rốt ráo mà nói thì không có Nhị thừa nào không hồi nhập Bồ-tát Cộng giáo, cũng không có Bồ-tát nào không nhập pháp Phổ Hiền. Cho nên, ai rồi cũng có căn khí Hoa Nghiêm7.

5. Viễn vi : Các phàm phu, ngoại đạo, xiển đề đều có Phật tánh. Vì chướng nặng nên cần phải có thời gian lâu xa, rồi cũng nhập được pháp này. Như luận Phật Tánh và Thật Tánh đều nói. Vì nhất-xiển-đề hủy báng nhân Đại thừa, nên y cứ vào thời gian vô lượng mà nói không có Phật tánh, không phải rốt ráo không có tánh thanh tịnh.

Phẩm Tánh Khởi của kinh này nói : Hai hạng Nhị thừa và xiển đề, đại thọ không nảy mầm nhưng không mất sinh tánh, như ví dụ mặt trời đối với người mù v.v... Vì thế nên biết, tất cả chúng sinh rốt cuộc không ai không nhập pháp này, vì phổ pháp này chúng sinh đều có. Văn sau nói “Bồ-tát biết trong thân của tất cả chúng sinh đều có bồ-đề Như Lai …”.

Hỏi : Nếu như thế, sao các luận như Du-già v.v… nói hàng định tánh Nhị thừa và hữu tình vô tánh, nhất định không thành Phật.

Đáp : Đây là do giáo môn có liễu và bất liễu nghĩa mà có các thuyết đó. Theo Tiểu thừa thì tất cả chúng sinh đều không có đại tánh bồ-đề, như Tiểu luận đã nói. Theo Sơ giáo của Đại thừa thì có 5 loại tánh sai biệt, một phần có tánh, một phần không tánh, như luận Du-già v.v... nói. Theo Chung giáo thì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, như các kinh Niết Bàn, luận Phật Tánh v.v… nói. Theo Đốn giáo thì Phật tánh của chúng sinh nhất vị, nhất tướng, không thể nói có, không thể nói không, lìa ngôn bặt tưởng, như kinh Chư Pháp Vô Hành v.v… đã nói. Theo Viên giáo thì Phật tánh của chúng sinh đủ nhân, đủ quả, có tướng, có tánh, viên minh, đầy đủ công đức, như Như Lai bồ-đề xứ được nói trong phẩm Tánh Khởi.

----------------------

1. Quyền nói đầy là đối với thật mà nói.
2. Khơng ngồi cảnh sở tri nhưng khơng phải là chính cảnh sở tri.
3. Thấy nghe : Chỉ cho phần năng kiến, năng nghe. Sở kiến, sở nghe : Chỉ cho cảnh sở kiến sở nghe của phần năng kiến, năng nghe đĩ.
4. Phổ nhãn : Thấy khắp pháp giới
5. Sở bị cơ : Chỉ cho loại căn cơ mà văn kinh muốn giáo hĩa. Như sở bị cơ của kinh A-hàm, Trung Bộ v.v… là hàng Thanh văn. Sở bị cơ của kinh Hoa Nghiêm là 5 hạng cĩ căn khí Hoa Nghiêm nĩi trên. Chỉ tùy ngay hiện đời hay trong tương lai mà cĩ Chánh vi hay Viễn vi.
6. Đại thừa nói đây, chỉ cho Nhất thừa.
7. Ý đoạn này : Thanh văn cũng cĩ căn khí Hoa Nghiêm, nhưng với điều kiện là phải hồi nhập Đại thừa Cộng giáo. Nếu không có việc hồi nhập đĩ mà vẫn cĩ căn khí Hoa Nghiêm thì chúng Thanh văn trong các kinh Đại thừa khác cũng nhập được Hoa Nghiêm, khơng cần phải nêu bày Hoa Nghiêm. Thứ hai, Hoa Nghiêm được gọi là kinh liễu nghĩa trùm khắp, như vậy nó phải bao trùm mọi căn cơ, chỉ là ẩn hay hiện mà thơi. Nếu khơng nhiếp được Nhị thừa thì khơng cịn là “trùm khắp”. Vì thế, biết là cĩ nhiếp Nhị thừa, nhưng phải là hàng Nhị thừa hồi nhập Đại thừa Cộng giáo. Điều này tương ưng với câu “Kinh này chỉ thuyết cho hàng Bồ-tát”. Bởi Bồ-tát mới tương ưng được với kinh này.

 

[ Quay lại ]