headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

 Chân Hiền Tâm   

Cư Trần Lạc Đạo Phú là một trong những bài phú ca bằng chữ Nôm, nhưng bài kệ cuối lại được viết bằng chữ Hán. Tuy chỉ bốn câu nhưng lý sự đầy đủ, viên dung, vô ngại, hiển bày thực lý Duyên khởi thậm thâm.

          Ở đời vui đạo hãy tùy duyên 
          Đói đến thì ăn, nhọc ngủ khì 
                                                  Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
                                                 Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền

Bài thơ khá quen thuộc với dân thiền, nhất là phái thiền của Hòa thượng Trúc Lâm. Nhưng không phải chỉ dân thiền mới biết đến nó, cả những người không thuộc phái thiền cũng rất thích nó. Có lẽ do nhiều lý do :

Thứ nhất, bài thơ nói lên khát vọng thầm kín của con người. “Ở đời, vui ...”. Ừ! Không ai muốn khổ. Ta làm cật lực, đấu tranh, hơn thua không phải để mọi thứ được vui, một hình thái biểu trưng cho hạnh phúc đó sao?

Thứ hai, bài thơ không nói đến thời khóa cần thiết cho người tu Phật, ngồi thiền, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc v.v..., mà mọi thứ vượt thoát, y nhiên, tự tại. “Đói đến thì ăn, nhọc ngủ khì”. Khi ta thấy đói, cứ ăn! Thấy mệt, cứ ngủ! Không chờ phải lên quả đường hay phải đúng giờ chỉ tịnh. Mọi thứ đều thoải mái. Nó đáp ứng đúng tinh thần phóng khoáng của người mình : Thành Phật thì muốn nhưng chịu cực thì không. Gò bó càng khổ. Bây giờ Tổ cho thả dàn, phóng khoáng an nhiên tự tại thấy rõ, không khoái sao được.

Thứ ba, bài thơ nói đến của báu mà ai cũng có. Thứ này chi phối người đọc mới nhiều nhưng ít ai thấy. Nó đã góp phần không nhỏ khiến bài thơ lan tỏa khắp muôn nơi. Bởi ai cũng có cái chủng Phật này. Dù bạn thuộc tôn giáo nào, dù thăng trầm vinh nhục bao nhiêu, nó vẫn âm thầm không mất.

Bạn thích một điều gì, đừng nói tự nhiên thấy thích. Mọi thứ đều có nhân duyên. Một cái nhân đã được huân tập trong tạng thức, đủ duyên nó hiện ra. Bạn thích bài thơ dù chưa từng thiền? Chỉ kiếp này thôi, cũng có thể trước một kiếp hoặc vài kiếp nữa. Nhưng khoang nói là không biết thiền. Bạn đã từng thiền, có thể từ vô lượng kiếp cũng nên, chỉ vì một niệm rong ruỗi theo duyên, kiếp này ló mặt quên thiền. Nhưng sự phóng khoáng tự tại đã nếm còn đó. Nỗi vượt thoát an lạc tiềm ẩn bên trong vẫn còn. Khiến bài thơ trở thành giá trị. Nó không can chi đến màu áo mình mặc hiện đời. Nó không lệ thuộc vào nam hay nữ, già hay trẻ. Ai từng huân tập thiền nhiều, bài thơ càng có tác dụng. Không phải chỉ đọc để thích, mà còn để hành, để chứng và cuối cùng là thể nhập. “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Công đoạn mà bậc Tổ sư phải có toàn phần. Còn lũ hậu duệ chúng ta để dành thể nhập từng phần. Một niệm đối cảnh vô tâm, để rồi niệm niệm đối cảnh vô tâm.

Của báu mà Tổ nói đó, không do huân tập mà có. Nó sẵn đầy vậy. Đó là nền tảng để có mọi thứ hiện nay. Nếu mê, ta có cõi giới địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh v.v… tan thương và đau khổ. Nếu tỉnh ta sử dụng được cái dụng từ bi và trí tuệ của mình. Ta có tất cả mọi thứ mà Phật đã có. Nhưng tỉnh hay mê, tánh ấy vẫn đang âm thầm chi phối tất cả. Nó là thứ giúp chúng ta quay đầu 1. Nó là thứ khiến một người cực ác buông đao tu đạo. Không có nó, chúng ta trôi theo giòng nghiệp không biết bao giờ mới dừng.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên! Đói đến thì ăn nhọc ngủ khì. Thoải mái và hưng phấn! Tâm trạng đó khiến giấc ngủ thành dễ dàng. Cơm tương cũng ngon. Không cần sơn hào hải vị. Mọi thứ trôi chảy. Tản băng tự tâm cứng ngắt tan rả. Ngỏ ngách nào cũng qua, uyển chuyển mềm mại. Thấy nghe đầy đủ mà như gió thoảng qua không. Hồn nhiên vô tư không vướng bận. Nhưng được bao lâu? Một ngày, một tháng, một năm hay suốt đời? Có khi chỉ một ngày hay một buổi. Bởi quan niệm và định kiến, thứ mà ta đang nhận là mình đây, chất đầy một bụng. Mạnh như giòng thác, tương tương tục tục nối tiếp trong đầu. Chưa thể một lần tẩy trừ để ta đốn ngộ, nhập đạo, khỏi tu. Cái khoảng ngưng nghỉ hồn nhiên không đủ lực mạnh chống chọi với dòng tư tưởng mình đã huân tập từ thời vô thủy. Vọng có lực mà chân không lực, chỉ vì “Tập lâu thành tánh”. Nghĩ hoài giờ muốn không nghĩ không được. Ăn mặn quen rồi, giờ kêu ăn chay, thấy ngán v.v… Đủ thứ thói quen trong đời. Cho nên, cái Phật nói “vọng”, Thầy nói “không theo”, mình thấy đều thật, không theo không được. Bởi qua bao kiếp cái “theo” cũng thành … thói quen. Thành ra, chiêm nghiệm thì biết Phật Thầy đúng đó, mà ngưng không được, cứ thế tới luôn.

“Đói đến thì ăn” ra đi khi ta chỉ quen cơm khô. Hắn chơi một nồi cơm nhão thử sức vô tâm của mình. Bấm bụng mà ăn chứ không khỏi bực. Đói đó mà ăn có trôi? Cái niệm ban đầu Tổ dành khai tâm coi như trả về cho Tổ. Chỉ đủ khơi lại niềm tin để ta … tiến tu. Tự tại chưa đủ để mình có thể buông lung làm biếng. À! Lý thì đốn, mà tu phải tiệm. Bởi vì căn nghiệp của mình cần phải như thế. Phải tùy căn nghiệp hiện đời, dùng pháp đối trị cho tiêu những thứ tập tục đã huân. Đầu kệ Tổ đã mở lời “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên!”. Nghĩa là phải biết tùy duyên, mới vui đạo được.

Muốn vui cái vui - xin nhớ vui đạo, không phải vui đời. Vui đời, trong vui đã ẩn quả khổ, ham chi! - phải biết tùy duyên. Cái duyên của mình vẫn còn lọt vào “Duy hiềm giản trạch”, thứ gì cũng muốn rõ ràng minh bạch. Ức một chút không chịu. Chánh chánh tà tà đâu đó rõ ràng v.v... Nói chung, cái tâm phân biệt thủ chấp còn nhiều, nghĩa là cái dụng Phật tánh của mình vẫn còn thuộc mê, thì mình không thể thẳng cẳng ngủ ngày ngủ đêm, quên giờ quên giấc. Ngủ đó là do vô minh, ham chi mà ngủ cho nhiều. Tăng Ni cần có giới luật thời khóa Tăng Ni. Tại gia cần có giới luật thời khóa tại gia. Tại gia còn thêm trách nhiệm gia đình. Tùy duyên mà làm cho tròn nhiệm vụ hiện đời. Cái duyên của mình thế nào, phải y duyên đó mà tu. Không bệnh thì khỏi uống thuốc. Nhưng bệnh đã có thì phải uống thuốc đối trị, không thể buông lung. Qua sông không có thuyền bè chết đuối, thì phải cần thuyền. Tới được bờ rồi, thuyền bỏ còn kịp.

Tổ nói “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên!”. Chỉ nói “ở đời”, không nói phải là Tăng Ni mới vui đạo được. Vậy thì cư sĩ chúng ta đâu phải vô phần. Chưa thể đối cảnh vô tâm, chưa thể ăn ngủ theo duyên một cách tự tại trong mọi hoàn cảnh v.v… thì không có nghĩa không vui đạo được. Chữ BIẾT Hòa thượng đã dạy, sử dụng cho khéo, đủ mang an lạc cho mình và người.

1. Tin hiểu Nhân duyên, Nhân quả

Phải BIẾT Nhân Duyên Nhân quả là thật lý chi phối thế giới này. Một cái quả xuất hiện, vì đã có nhân. Có nhân, đủ duyên sẽ có quả. Tất cả đều tự mình gây nhân và gặt quả, không có đấng thượng đế nào chi phối vận mệnh của mình. Vì thế, muốn an lạc hạnh phúc thì phải gieo nhân để có cái quả an lạc hạnh phúc. Nhỡ gây cái nhân bất thiện, thì cần sám hối. Dừng ác làm thiện chính là cái duyên khiến cho cái nhân bất thiện không thể trổ quả, hoặc có ra quả cũng nhẹ bớt đi. Muốn biết nhân nào cho ra quả nào, ta phải đọc học kinh điển, tham vấn các thiện tri thức.
Hiểu rõ Nhân quả, ta sẽ tránh được cái nhân bất thiện, tức không gầy tạo quả khổ. Hiểu được Nhân quả, ta sẽ thấy bình yên với những hoàn cảnh không mấy tốt đẹp trong đời. Tại gia giữ gìn tối thiểu 5 giới của người tại gia, Tăng Ni tuân thủ tối thiểu thời khóa Hòa thượng đặt ra v.v… là ta đang gieo cái nhân rất tốt để có cái quả an vui hạnh phúc đời này và đời sau.

2. Sống tỉnh giác

1/ Tỉnh giác với tâm : Phải BIẾT mình đang nghĩ gì. Phải BIẾT những niệm suy nghĩ đang hiện trong đầu là thiện hay ác. Một niệm vì người là thiện. Một niệm tổn người hại vật là ác. Niệm tham, niệm sân là ác. Biết được khi nó xuất hiện trong đầu, thì mới hy vọng ngăn chặn không cho nó thành hành động. Tai hại của mình là BIẾT rất chậm. Cái biết của mình không kịp với dòng nghiệp lực. Nghe chút trái ý, tâm sân tâm si liền khởi, trôi tuốt tuồn tuột. Đánh nhau tử hình đến nơi, có khi vẫn còn chưa biết. Không thấy lỗi mình chỉ thấy lỗi người, chính là chưa biết. BIẾT chậm như thế nên chuyện sinh hoài. Cứ theo dòng nghiệp mà trôi. Ân oán trả vay theo đó còn hoài.

2/ Tỉnh giác với thân : Phải BIẾT mình đang làm gì. Ăn biết ăn, ngồi biết ngồi v.v… Ăn mà đầu nghĩ đâu đâu, thì biết cái BIẾT của mình đang bị cái lực của dòng vọng niệm vây phủ. Cần tỉnh để thấy mình đang làm gì. Chú tâm theo đó. Cần phải tường tận với mọi hành động của mình. Như Phật đã nói trong kinh Trung Bộ: “Khi đi tuệ tri “Tôi đi”. Khi đứng, tuệ tri “Tôi đứng”. Khi ngồi tuệ tri “Tôi ngồi”. Thân thể như thế nào, vị ấy tuệ tri như thế ấy …”. Tuệ tri, là cái biết trí tuệ. Biết trí tuệ là pháp thế nào biết y thế đó, không khởi thêm cái gì. Đi biết đang đi, lấy cuốn sách biết đang lấy cuốn sách v.v… Biết như thế, giúp mình có được định tâm. Nó đang góp phần giúp cho cái BIẾT của mình có lực, là thứ rất cần để mình dừng đi nghiệp lực (thói quen) mà mình huân tập từ vô lượng kiếp. Không thì … biết thì vẫn biết mà phạm thì cứ phạm.

Khi cái BIẾT của mình đã có lực, tức vọng không lực mà chân có lực, thì mình sử dụng được cái dụng của chân thể. Trí tuệ và lòng từ của mình hiển phát. Không phải chỉ mình mình được lợi ích mà những người có duyên với mình cũng được lợi ích. Cứ nhìn hiện thực thì thấy, bài thơ đã mấy trăm năm, cớ sao vẫn còn tác dụng với đám hậu sinh? Chỉ vì nó từ “hong ngực” lưu xuất. Kết quả của sự tu hành chân chính. Sản phẩm của sự trải nghiệm thực chứng. Tác dụng của nó vô tận, chỉ ẩn hay hiện mà thấy hay không thấy. Cho nên, tu mà hành là cách tốt nhất để Phật tử báo ân Phật Tổ, cũng là cách để chánh pháp được tồn tại lâu dài ở đời. Không ai có thể phá hoại Phật pháp khi mỗi Phật tử cứ theo cái duyên của mình, sống đúng với lời Phật Thầy đã dạy.

 


1: Tín Tâm Minh

[ Quay lại ]