headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGÀN SÔNG CÓ NƯỚC NGÀN TRĂNG HIỆN

 Hải Ấn (Viên Chiếu)

Khi không còn ai để nương tựa, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc đời, chị như người không còn chút sức sống. Những người chị tưởng chừng không gì có thể chia xa, nay chợt mất hút trong cuộc đời này. Những khúc quanh của định mệnh, đã đem những người chị thân yêu nhất ra đi mãi mãi. Những hình bóng đó về cõi nào? Đôi mắt chị tìm kiếm, cứ thẫn thờ nhìn quanh, nhưng biết nhìn đâu cho gặp những hình bóng cũ.

Trong bước đi tưởng như không định hướng, chị lạc bước vào chùa quê, sự vắng vẻ thanh tịnh của ngôi già lam một thoáng lay động chị. Chị chợt nhớ lại một điều gì đó, lâu lắm rồi đã bặt tăm, không còn tìm thấy. Tiếng chuông chiều nhẹ buông từng tiếng, như nhắc bước quay về.

Và chị đã quay về. Buổi tối, lặng lẽ ngồi bên vị sư già, người thầy xưa cũ, kể lể mọi nỗi niềm ẩn uất tưởng như không còn dịp để bộc bạch để thổ lộ - Những người thân yêu đang ở cạnh, định mệnh chen vào tước đoạt. Bây giờ họ ở đâu, thầy ơi!

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên, thầy đưa chị đi bộ đến một bãi biển không xa chùa bao nhiêu. Ngồi trên bãi cát, đưa mắt nhìn ra xa, thầy hỏi:
- Con có thấy những lượn sóng đang đuổi bắt trên mặt biển không? Có lượn nhỏ, có lượn thật lớn trắng xóa bạc đầu. Nhưng tất cả khi tấp vào bờ, nó tự động tan thành bọt nước rồi biến mất. Như vậy thì sóng đã đi về đâu hở con?

- Thưa Thầy, sóng đã trở về với nước.

- Nước chỉ có một, nhưng sóng và bọt thì vô số, có khi nào con chọn lựa, yêu hoặc ghét những bọt sóng này và muốn nắm giữ lấy trong lòng bàn tay không?

- Thầy ơi, dù con có muốn nắm giữ cũng không được, bọt sóng tan thành nước mất rồi.

- Những người thân mà con đang mỏi mắt trông chờ tìm kiếm đó, có khác nào những bọt sóng biển này đâu. Tất cả đều vô thường mong manh và dễ tan hoại. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi. Sóng có đến đi nhưng nước thì chí chung vẫn nhất như, có còn có mất đâu mà con đi tìm kiếm!

Trong muôn ngàn bọt sóng này có giống hệt nhau chăng? Bọt trước, bọt sau, bọt này, bọt kia? Mới nhìn dường như giống nhau, nhưng thật ra cái trước có mất đi, cái sau mới hiện. Trên hình tướng, hai cái hoàn toàn khác biệt, sự biến đổi diễn ra trong từng sát-na nên mắt thường không thể thấy. Có ai tắm được hai lần trên cùng một dòng sông đâu con. Dòng sông luân lưu vô tận cũng như cuộc đời trải ngát muôn phương. Vậy thì con đi tìm những bóng dáng giống hệt cái ngày xưa đã mất làm sao có được.

Do vô minh bất giác mà con đau khổ trong bao lâu nay. Tâm con cứ cột chặt, cứ loanh quanh trong cái hình tướng cố định đó. Phải như thế này phải như thế kia, mới là những người thân thuộc của con ư? Chẳng qua là lớp lớp sóng đuổi nhau. Nhưng có trùng trùng duyên khởi thì cái cốt tủy cũng chỉ là tâm thôi, con ơi!

                        Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi
                        Vô sanh vô tử vô khứ lai
                        Sanh tử khứ lai đô thị mộng
                        Tốc phao trần thế thượng liên đài.

Chị đang còn mơ hồ, chưa nắm bắt kịp những điều thầy đang nói. Đâu đó chỉ còn nghe văng vẳng tiếng cười thân quen… Nỗi ước mơ được gặp lại chưa tan hết. Thầy nhìn chị thương xót:

- Mọi điều đối với con đang còn quá mới mẻ, không thể một sớm một chiều mà thấm hết được trong con. Cho nên, thôi! cứ để đó, hãy nhìn, hãy chiêm nghiệm rồi thời gian con sẽ nhận ra.

Hai mươi năm sau…

Bây giờ chị đã già, tóc sợi trắng sợi đen, nhưng trên khuôn mặt đã có nụ cười, không còn héo rũ như xưa.

Ngày mới vào chùa theo thầy xuất gia, chị vẫn còn đắn đo, một bước đi tới mà hai bước đi lui. Không biết chị còn tiếc nuối điều gì nữa ở cuộc đời này! Tại sao phải xuất gia, chị không thể tu tại gia hay sao? Những câu hỏi vẫn mênh mang đâu đó.

Thời gian công quả khá lâu, dù sơ tâm mạnh nhưng cũng không tránh khỏi những lúc chùn bước vì gặp điều không như ý. Cuối cùng lạy Phật, rồi cũng qua. Chị xuất gia, sống đời tu sĩ, mọi thứ mới lạ, từ từ đã lột sạch những cái nhìn mê lầm của chị. Đời sống ở đây bình dị và đều đặn quá đỗi.

Sáng chiều cứ cuốc với cày, với cây với cỏ. Sống gần gũi với thiên nhiên và con người hơn. Khi thì tưới rau, khi thì nhổ cỏ, khi làm ruộng, khi trồng hoa… Có lúc chị tự hỏi:

- Chẳng lẽ những thứ không là gì này lại là con đường đưa đến đạo?

Vỡ đất có như vỡ tâm!

Thầm thầm trong sâu xa đâu đó, chị vẫn chờ đợi một cái gì lạ lùng, mới mẻ hơn.

Có những hôm quét sân, nhìn lá vàng bay tung trong gió. Từ lá non mơn mởn, rồi lá xanh thắm và bây giờ vàng úa, nhẹ nhàng rụng rơi, không một lời than trách, không một biểu hiện đau khổ nào. Lá chết lá vẫn vui, còn người chết sao buồn thương đến thế! Phải chăng lá vô tâm, sống theo tự nhiên, đủ duyên thì hiện, hết duyên thì tan, nên đau khổ không có mặt. Nhờ thế mọi thứ lại trở nên hoành tráng và bất tuyệt. Đây mới là lối vận hành độc đáo của thiên nhiên.

Trong khi thế giới loài người, bàn tay nhân tạo đã nhúng vào quá nhiều nên mọi thứ trở thành trói buộc, cứng ngắt, vô phương. Nhìn lá vàng rồi nhìn lại mình, chị mới biết xưa nay vì không tri túc, không biết mình sẵn đủ, nên chị đã sống bềnh bồng, lênh đênh như bọt nước. Hết bám cái này lại bám cái kia, không thấy rõ được thực chất nên cứ phải biến đổi hoài.

Sống ở đây, bắt gặp dáng vẻ an nhàn tự tại, thảnh thơi của thầy trong từng bước đi vững vàng tự tin, chị mới hiểu ra được tại sao người tri túc lại thiểu dục. Tự họ đã đầy đủ nên chẳng còn tham cầu gì nữa. Chị luôn nhớ đến ơn thầy đã xuất gia cho chị. Chính môi trường yên tĩnh và nề nếp của chùa mới là cơ hội để những tập khí lẫy lừng của chị được gột sạch và những thói quen tốt có dịp nuôi lớn. Chị đã biết mở lòng ra với mọi người, bớt chấp chặt vào cái thấy biết, cái sở hữu của mình, đã bắt đầu chịu tin rằng:

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc” như trong bài kinh Bát nhã thường tụng hàng ngày.

Lời dạy của thầy vẫn vang vang trong chị: “… Cho đến ngày nào đó con thấu hiểu được Sắc tức là không, không tức là sắc thì con sẽ thôi tìm kiếm. Lắng tâm lại con sẽ có tất cả. Cái có này không còn ở trên hình tướng, con hãy tự chiêm nghiệm lấy”.

Càng sống lâu với đại chúng, cả một tập thể đông người như thế này, chị càng cảm nhận được những lợi ích tiềm ẩn bên trong. Tâm bám chặt, dính mắc vào người vào việc đã phai nhạt đi rất nhiều. Mọi người đều là người thân của chị nên tấm lòng được chan rải khắp nơi. Từng đó con người đã cho chị bao nhiêu là bài học, bài học nào chị cũng trân quý và lòng vẫn tri ân mãi không nguôi.

Bây giờ chị đã rõ là chuyện tu hành, cải đổi một con người từ xấu đến tốt, từ mê đến tỉnh, chẳng phải là chuyện của một, hai ngày hay năm, ba tháng mà là cả một đời người chưa hẳn đã xong. Mọi thứ cứ thấm từ từ, và cho đến một hôm nhân duyên hội đủ thì chợt nhẹ tênh, thênh thang vậy thôi.

Cho nên chị không còn nôn nóng, không còn đợi chờ, tìm kiếm nữa. Những công việc hàng ngày dần dần giúp chị ổn định và trầm tĩnh hơn. Đọc kinh, nghe giảng chị đã cảm thấy vui thích và quen thuộc. Tình cờ một hôm chị đọc được một đoạn: “Xưa kia, ngài Văn-thù kiết hạ an cư tại ba chỗ nên bị ngài Ca-diếp đuổi ra. Ngài Ca-diếp vừa đuổi ngài Văn-thù ra khỏi chùa thì lại thấy muôn ngàn hóa thân của ngài Văn-thù ở trong chùa. Ngài Ca-diếp dùng hết thần lực nhưng không thể đuổi được ngài Văn-thù. Vì vậy đức Thế Tôn hỏi: ‘Này Ca-diếp, ông định đuổi Văn-thù nào ra khỏi chùa?’ Ngài Ca-diếp không lời đối đáp.”

Chị chợt nghĩ: Ngài Văn-thù không chỉ an cư tại ba chỗ, mà đã an cư khắp nơi nên ngài Ca-diếp chẳng thể nào đuổi được. Những hóa thân này như có như không. Cũng giống như những sự việc, những con người mà chị đã gặp trong cuộc đời chỉ là những hóa thân từ một niệm bất giác mà ra.

Đến đây, chị giật mình: À! Thì ra tất cả đều là giấc mộng đêm qua! Trong kiếp luân hồi vô tận này, chị đã gặp bao nhiêu người, bao nhiêu khuôn mặt, nhưng có ai giống ai, có khuôn mặt nào là của bao kiếp trước?

                            Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
                            Muôn dặm không mây muôn dặm trời

Và “muôn dặm trời” này chị đã chọn làm nơi dừng bước, làm nơi trở về hay chưa? Một buổi tối, trăng khuya chênh chếch không gian thênh thang và tĩnh lặng, chị thả bộ một mình dọc theo bờ biển, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm và cũng lắng nghe tiếng sóng vỗ của tự tâm. Bây giờ chị đã quen nghe tiếng sóng này rồi. Có lúc sóng dữ dội vô cùng, lên vút thật cao như vươn thấu trời xanh, có lúc lại chìm sâu như cuốn hút tận đáy biển, nhưng dù cao, dù sâu mỗi một con sóng vẫn luôn mang theo dòng nước bên mình. Sóng thì biến đổi nhưng nước vẫn nhất như. Cũng giống như bao nhiêu vọng niệm trong chị có lúc nào không mang theo bản chất trong sáng và lặng lẽ của tâm bản nhiên đâu? Từ lâu chị chỉ quen chạy theo hình tướng mà quên đi cái bản thể tinh chất này. Chị đã quên, quên đi lâu quá rồi!

Chị ngồi đó với biển đêm, với sóng và gió. Tất cả hòa quyện vào nhau, tất cả đã trở thành một. Chị ngồi yên bất động, lòng thanh thản an bình. Khi bản ngã dừng can thiệp, dừng tham dự vào thì các pháp lại vận hành thật vi diệu, không lường được. Mọi thứ vẫn khởi diệt nhưng chẳng có một nơi chốn nào để bám víu, để dính mắc. Cứ thế mà thong dong tự tại.

Tuy nhiên, chị vẫn thầm thầm luôn tự nhớ: “Lý thì đốn ngộ, nên vọng tưởng do nơi ngộ mà đều tiêu. Sự phải tiệm trừ, nên tập khí phải theo thứ lớp dần dần mới hết” (Thiền sư Đại Huệ). Ngày đó nếu không có Phật, không có thầy và không có chốn già lam này, chị còn trôi lăn đến tận bao giờ. Khi trăng không còn nữa, chị quay về chùa, lặng lẽ đến am tranh của thầy ở cuối vườn, cúi mình đảnh lễ tạ ơn.

[ Quay lại ]