headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 18/04/2024 - Ngày 10 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGƯỜI TỎA SÁNG

 Hạnh Chiếu

Như chúng ta biết, đời sống của con người có hai phần, đó là đời sống vật chất và đời sống tinh thần hay còn gọi đời sống tâm linh. Trong một thời đại văn minh tiến bộ như hiện nay, đời sống vật chất được nâng cao, nhưng đời sống tâm linh thì sao? Thường khi con người hướng về vật chất nhiều thì sẽ ít chú trọng đến tâm linh và ngược lại.

 

Tuy nhiên, vấn đề này cũng khó đánh giá chính xác. Bởi vì đời sống tâm linh là cái nội tại bên trong, của ai thì người ấy biết và nó cũng không cố định mãi như thế. Nó thay đổi theo những khoảng đời thăng trầm của mỗi người. Song nếu một người có đời sống tâm linh sung mãn, vẫn có thể toát ra bên ngoài.

Sức mạnh của một đời sống có nguồn an vui, có nền tảng đạo đức sẽ được biểu lộ ra ngoài và ảnh hưởng rất lớn đến mọi người chung quanh, gần nhất là người thân trong gia đình, bà con xóm giềng của mình. Cho nên nếu chỉ chú ý xây dựng đời sống vật chất cho ấm no đầy đủ thôi thì chưa được mà chúng ta còn phải xây dựng đời sống tâm linh cho sung mãn. Có thế mới cân bằng toàn bộ cuộc sống của mình. Nếu không xây dựng đời sống tâm linh sung mãn thì chúng ta bị chênh lệch, mà lệch thì mất cân bằng, mất cân bằng thì ngã. Cho nên không thiếu gì người có cuộc sống tiện nghi sung túc, mà vẫn cảm thấy chán nản, đau khổ và tuyệt vọng.

Vậy thì đời sống tâm linh được xây dựng từ đâu và nuôi lớn như thế nào để sung mãn? Tới đây chúng ta sẽ thấy sự cần thiết của giáo lý nhà Phật. Bởi vì giáo lý nhà Phật giúp con người xây dựng đời sống tâm linh ngày càng viên mãn. Với nội dung như vậy, chúng tôi xin chia sẻ với quý Phật tử về sự tỏa sáng tâm linh của một người tu Phật.

Nghe tỏa sáng đôi khi chúng ta tưởng đến các vị tu có thần thông bay trên trời trên mây mới tỏa sáng, còn mình tỏa không nổi vì vô minh sâu dày quá. Ít ai dám nhận mình có trí tuệ vì cứ bị phiền não nhiễu loạn hoài, vô tình làm cho khả năng phát huy trí tuệ yếu đi. Do đó chúng ta đành chấp nhận thân phận của một kẻ si mê. Trong kinh Pháp Hoa, Phật đưa ra một hình ảnh rất hay, đó là chàng cùng tử. Chúng ta rất giống anh chàng này. Lưu lạc nhiều năm, đến khi về tới nhà, gặp cha, chàng không nhận ra được nữa. Trái lại còn có cảm giác lo sợ, vì thân phận mình thấp kém, không xứng đáng vào ngôi nhà giàu sang như thế, mình càng không phải là con trai trưởng giả. Chàng tự nhận mình là thân phận cùng tử, chối bỏ thân phận gốc là quý tộc.

Tại sao chúng ta giống chàng cùng tử ấy? Tại vì Phật nói tất cả chúng ta đều có Phật tánh, nghĩa là gốc của chúng ta là gốc Phật. Nhưng bây giờ không dám nhận mình là ông Phật con, chỉ thấy mình là một chúng sanh ngu mê với nghiệp chướng sâu dày. Đã là gốc Phật, không hiểu vì sao đâm ra nhánh nhóc kỳ dị. Nhưng dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể chối bỏ thân phận của mình, không thể chối bỏ nguồn gốc của mình. Chúng ta biết thân tứ đại là duyên sinh nên không thật, không phải của mình, nhưng còn một thứ nữa đức Phật nói nó chân thật, không lệ thuộc vào duyên sinh, đó chính là tánh giác của chúng ta. Vậy làm sao để nhận lại tánh giác này? Chúng ta hãy xem lại một đoạn kinh ngày xưa.

Hôm đó đức Thế Tôn nhìn các thầy Tỳ-kheo và hỏi:
- Thế nào là sự tỏa sáng của một Tỳ-kheo?
Đức Phật nhìn Tôn giả Xá Lợi Phất và mời Tôn giả trả lời.
- Bạch Thế Tôn! Theo con nghĩ, một Tỳ-kheo tỏa sáng là một Tỳ-kheo có trí tuệ.
Đức Phật im lặng rồi nhìn sang Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả Mục Kiền Liên đứng lên thưa:
- Bạch Thế Tôn! Theo con nghĩ, một Tỳ-kheo có đầy đủ thần thông thì thật là tỏa sáng.
Thế Tôn nhìn tới Tôn giả A Nan. A Nan đứng lên trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Theo con thì một Tỳ-kheo đa văn là tỏa sáng nhất.
Sau khi nghe ba thầy trả lời theo ba sở trường riêng của mình. Đức Phật nói:
- Thôi bao nhiêu đó cũng tạm đủ. Vậy quý thầy hỏi lại Như Lai đi.
- Bạch Thế Tôn, thế nào là một người tỏa sáng?
Đức Phật trả lời thế này:
- Này các thầy Tỳ-kheo! Theo Như Lai thì một thầy Tỳ-kheo khuya thức dậy tọa thiền, sau khi tọa thiền xong đi kinh hành. Kinh hành xong, ôm bát vào thành khất thực. Khất thực rồi trở về tinh xá hoặc vườn rừng thọ thực trong chánh niệm. Sau đó rửa bát, rửa chân, trải tọa cụ nghỉ một chút. Nghỉ xong thức dậy đi kinh hành, tọa thiền, tham vấn đạo lý. Trước khi đi ngủ tọa thiền, xả thiền đi kinh hành. Đến giờ chỉ tịnh (ngủ), nằm xuống an lành mà ngủ.

Suốt một ngày đêm các thầy tu tập và sinh hoạt bình thường như vậy trong tỉnh giác, an định. Như Lai cho rằng đó là một vị Tỳ-kheo tỏa sáng nhất trong đại chúng.

Đọc đến đây thật là ấm áp trong lòng. Tại sao? Tại vì câu trả lời của đức Phật làm cho chúng ta nhận ra một điều, mình cũng có thể có mặt trong sự tỏa sáng ấy. Không như Ngài Xá Lợi Phất trả lời trí tuệ bậc nhất là tỏa sáng, ngài Mục Kiền Liên trả lời thần thông bậc nhất là tỏa sáng, ngài A Nan trả lời đa văn bậc nhất là tỏa sáng, Như Lai trả lời tất cả thầy nào ở yên trong chánh niệm, chánh định trong mọi thời mọi lúc là người toả sáng nhất. Đó là người sống được với tánh giác. Nghĩa là tánh giác hiển lộ qua mọi sinh hoạt trong cuộc sống, nếu hành giả biết an trụ tâm.

Theo tinh thần của các đại đệ tử, đức Phật cũng có thể trả lời Như Lai là người tỏa sáng nhất. Trả lời như vậy rất xứng đáng, rất đúng, bởi vì ai mà không biết Như Lai đã rất tỏa sáng, đang rất toả sáng đó sao? Nhưng đức Phật trả lời sáng hơn như thế nhiều. Quả là bậc Thầy của chư Thánh đệ tử. Thế Tôn đã dựng lại một niềm tin cho vô lượng chúng hữu tình đời sau, rằng mình cũng có thể trở thành tỏa sáng, rằng mình có thể nhận lại tánh Phật của mình, nếu lúc nào cũng sống trong sự tỉnh giác. Quả là một câu trả lời lấp lánh chói tỏa vượt không gian, thời gian.

Nếu chúng ta thực hành theo điều Phật dạy thì thật là đơn giản. Quý thầy Tỳ-kheo sống theo nếp sống của một vị Tỳ-kheo, còn quý Phật tử cư sĩ cũng là đệ tử tại gia của Phật, thì có nếp sống của người tại gia. Quý vị không tọa thiền, kinh hành, ôm bát vào thành như chư Tỳ-kheo thời đức Phật. Mỗi vị tùy theo sự sắp xếp riêng của mình, như sáng sớm thức dậy, nếu vị nào tọa thiền thì tọa thiền, hoặc thắp hương lễ Phật… Sau đó quý vị xuống bếp nấu cơm, ăn cơm. Nếu là phụ nữ thì ăn cơm xong xách giỏ đi chợ hoặc đi làm. Làm xong về nhà nấu cơm, rồi ăn cơm, nghỉ trưa một chút. Chiều tiếp tục đi làm, xong việc về nghỉ. Tối đến thắp hương lễ Phật hoặc tụng sám hối, tọa thiền một thời gian vừa với sức của mình. Suốt một ngày làm việc bình thường mà tâm luôn tỉnh giác. Nhớ là bình thường trong tỉnh giác, quý Phật tử đừng quên yếu tố quan trọng này, thì quý vị vẫn là người tỏa sáng.

Cho nên người tỏa sáng không phải là người có thần thông như Tôn giả Mục Kiền Liên, đại trí như Tôn giả Xá Lợi Phất, đa văn như Tôn giả A Nan và sự tỏa sáng cũng không dành riêng cho đức Thế Tôn. Do đó sau khi đức Phật nói lời ấy rồi, các thầy Tỳ- kheo tại pháp hội đều được đắc pháp nhãn tịnh, tức là được con mắt pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì đức Phật đã khai thị ánh sáng cho quý ngài. Tất cả chúng ta đều có ánh sáng của tự tâm, chỉ vì mình quay lưng lại với ánh sáng đó thôi. Đức Phật khai thị tức là chỉ bày, nhưng phần nhận là chúng ta nhận, chớ không phải Phật chỉ cho Phật. Phật chỉ cho Phật làm gì?

Ánh sáng này là ánh sáng tự thân của mỗi chúng ta. Mình quen không nghĩ đến chuyện có khả năng thành Phật, chỉ nghĩ đến chuyện “con khổ nhất đời này”. Chúng ta luôn luôn dành cái u ám, tối tăm cho mình trong khi nó không thật. Có một Phật tử đến với chúng tôi trong nước mắt ràn rụa, dành phần khổ nhất cho mình. Hỏi tại sao? Vì đứa con trai yêu quý nhất của cô vừa qua đời. Cô bảo:
- Con không thể chấp nhận điều đó.
Để cho nước mắt cô vơi bớt, chúng tôi chia sẻ:
- Nếu không chấp nhận có nghĩa là phải thay đổi được sự việc. Phật tử không chấp nhận con chết thì nó phải sống lại. Mà trên thực tế nó không sống lại được. Chúng ta không chấp nhận một điều không thể thay đổi là tự làm mình đau khổ gấp đôi.
Cô khóc nói:
- Con chịu không nổi.
Đó là cô tưởng mình chịu không nổi, chớ sự thực là cô vẫn đang chịu nổi đó chứ. Nếu không chịu nổi thì cô không còn ngồi ở đây. Bây giờ chỉ cần cô nhận ra nỗi khổ này không thật thì giải quyết xong vấn đề. Tôi loay hoay tìm cách hỏi thăm:
- Khi còn sống, có phải cháu rất ngoan không?
- Dạ đúng. Nó thương con lắm và con cũng thương nó lắm, chưa bao giờ nó làm cho con phật lòng.
- Nếu ngược lại nó là đứa hư hỏng, phá của, không vâng lời cha mẹ thì Phật tử nghĩ sao?
- Nếu như vậy thì nó chết con còn mừng nữa.
- Tại sao con chết lại mừng?
- Tại vì nó quậy quá, báo đời, làm khổ cha mẹ, nó chết là đở cái chướng duyên cho mình.
- Té ra không phải đứa con nào chết cô cũng buồn khổ, chỉ đứa con ngoan ngoãn, vun bồi thêm tình cảm ngọt ngào cho cô, cô mới buồn. Cô biết không, thật ra tình cảm là biểu hiện của bản ngã. Cho nên nếu ai đáp ứng được tình cảm của mình, nghĩa là người đó vuốt ve bản ngã của mình. Ta cảm thấy dễ chịu, vui thích khi có sự hiện diện của người đó là tại vì ta thương ta, chớ thật ra không phải thương người đó. Rõ ràng nếu đứa con làm cô khó chịu chết đi, cô sẽ không khổ. Do đứa con đáp ứng được nhu cầu tình cảm của bản ngã, nên mất nó cô mới khổ dữ vậy. Có nó cô cảm thấy vui, mất nó cô cảm thấy buồn. Tại sao đều là con mà cô có những cảm thọ khác nhau như vậy? Tại vì bản ngã luôn muốn cái mình ưa đừng mất, cái mình không ưa đừng đến.

Phật tử nghe thì gật đầu. Tuy nhiên vẫn thật thà:
- Cô nói nghe cũng có lý, nhưng sao con thấy con thương con của con, còn hơn cả bản thân mình nữa.

Đúng là người mẹ nào cũng có cảm giác thương con của mình hơn thương chính mình, đặc biệt là những đứa con ngoan. Nhưng rồi tình thương ấy cũng không thật, nó sẽ đổi thay theo năm tháng. Bởi vì tâm chúng sanh vốn vô thường cho nên tình cảm cũng vô thường. Đứng trước một nỗi mất mát quá lớn như vậy, hơn nữa nó từ nắm ruột mình rứt ra, là một phần máu thịt của chính mình, nếu chưa chứng Thánh, không ai không đau khổ. Tuy nhiên nỗi khổ này cũng không ngừng lại ở đó, nó sẽ vơi đi. Chỉ có điều, nếu dùng trí tuệ soi sáng để thấy rõ cuộc đời vô thường, muôn pháp duyên sinh và nhất là thấy rõ bản ngã không thật, chính ta cũng không thật có, thì ai đứng ra nhận chịu những nỗi khổ niềm đau? Quán chiếu được như vậy, ngay tức thì ta có thể cắt cơn đau mười phần còn năm sáu.

Hạnh phúc hay khổ đau đều do sức cộng hưởng của tưởng tượng mà tăng lên rất nhiều so với thực tế. Nhà Phật nói nó là một loại ảo giác, chớ không có thật. Phật tử nói cho chúng tôi biết hồi con mới chết cô không khóc, cũng không thấy khổ lắm, chỉ biết lo đám ma cho nó thôi. Xong đám rồi mới bắt đầu khổ, khổ từ từ cho đến khổ dữ dội. Đó, do cái nhớ tưởng mà ra. Nếu thật sự con chết mà khổ thì nó chết là khổ liền tức khắc. Nhưng lúc đó làm như điếng, đã điếng thì bặt niệm nên chẳng nhớ cái gì để mà khổ. Chỉ lo công việc trước mắt. Sau đó khổ nhiều là do nhớ trở lại, tưởng trở lại. Thành ra chất liệu làm tăng trưởng nỗi khổ của chúng sanh là vọng tưởng.

Điều đó Như Lai đã cảnh báo từ lâu. Vọng tưởng làm mờ ánh sáng của tự tâm. Một người làm việc chánh niệm, không khởi tưởng lung tung, làm việc gì biết việc đó, làm với tâm thanh tịnh là người tỏa sáng, là người có trí tuệ. Chúng ta thường không như thế, mà trái lại làm việc này nghĩ việc kia. Như quý vị ngồi trước chúng tôi, nghe nói chuyện mà tâm không tưởng nhớ việc khác thì nghe rất trọn vẹn, còn ngồi đây mà nhớ chuyện ở nhà là mất đi sự hiện hữu. Tôi không có giá trị trước mặt quý vị và quý vị cũng đánh mất sự hiện hữu của chính mình. Đó là làm mờ ánh sáng của thực tại. Thực tại luôn luôn được soi sáng bởi cái thấy biết rõ ràng, nhưng chúng ta cứ để cho những hình ảnh quá khứ vương vấn trong lòng thành ra thực tại bị che mờ. Cũng như đứa con đã chết, sự việc đã qua, thực tại bây giờ không có cảnh đau thương nào cả, nhưng người mẹ vẫn đau khổ! Đó là khổ vì nhớ, vì tưởng.

Phật tử cố chống chế:
- Cô ơi cô, cô không làm mẹ thì không hiểu hết được nỗi khổ mất con đâu.

Tôi đồng ý. Và thật ra tôi cũng không muốn làm mẹ như cô đâu. Tuy chúng tôi không làm mẹ, nhưng chúng tôi vẫn có tình yêu thương chứ! Đó là tình yêu thương trong sáng, không hệ luỵ buộc ràng, cho nên thương mà không khổ. Nhà Phật gọi tình thương này là từ bi. Xét trên lãnh vực khổ đau, chúng tôi và quý Phật tử vẫn có cộng nghiệp là làm người, chung sống trong một cõi với những căn bản phiền não giống nhau. Cô có nỗi khổ làm mẹ, chúng tôi có những nỗi khổ của chúng tôi. Mỗi người tùy theo nghiệp riêng của mình mà có những nỗi khổ khác nhau. Vấn đề là, dù sống trong nỗi khổ nào, chúng ta cũng phải tìm cách thoát ra. Điều mà chúng ta cần chia sẻ là truyền đạt lại cái thông điệp đức Phật đã gởi đến chúng sanh từ hơn hai ngàn năm: hãy mở con mắt trí tuệ ra thì nỗi khổ sẽ vơi bớt, chớ ghị lại làm chi những nỗi khổ không có thật.

Giáo lý của đức Phật đã đúng từ xưa cho tới bây giờ, bởi vì nó là chân lý. Chúng ta hãy tập xả bỏ thói quen vọng tưởng, suy nghĩ, sự bám víu. Xả cái khổ để được an vui, tại sao không buông xuống mà cứ cố giữ nó trong lòng? Giữ rồi than chịu không nổi, thân thể tiều tuỵ, tâm thần bấn loạn. Mở con mắt trí tuệ thì lập tức chuyển khổ thành vui, chẳng những cho mình mà cho cả thần thức vong linh. Giữ một tình cảm sâu nặng như thế, đứa con do thương mẹ, thần thức luôn luôn muốn gần mẹ, chứng kiến cảnh mẹ đau khổ như vậy, nó càng thương, càng quyến luyến thêm, càng không thể đi tái sanh. Như vậy là quí vị hại con rồi, nó sẽ sống vất vưởng và đau khổ biết bao nhiêu. Vì không trở lại được thân cũ, mà cũng không tìm được thân mới, nguy hiểm chưa? Rõ ràng là mình thương mình, chớ đâu có thương nó!

Chúng ta biết rằng chết không phải là hết, chết chỉ là một bến đỗ. Dừng ở bến này, thay thuyền để đi sang bến khác. Ngay trong quá trình tái sinh, rất cần đến sự hỗ trợ của người thân. Người thân thanh tịnh, sáng suốt thì tái sinh nhanh và tái sinh vào chỗ lành. Người thân bi lụy, khổ đau, níu kéo sẽ ngăn trở quá trình tái sinh, làm cho vong linh tái sinh chậm hoặc không tìm được duyên tái sinh, cuối cùng hết thọ mạng thân trung ấm, tìm không được thân sẽ sống vất vưởng không siêu rất thống khổ. Cho nên người Phật tử phải hiểu rõ vấn đề này và có cách ứng xử sáng suốt đối với người thân đã qua đời. Không kiềm chế được xúc cảm của mình thì coi chừng thương mà hóa ra hại.

Các pháp duyên sinh, không thể chỉ có một. Đừng nghĩ mình chỉ có một người thân duy nhất, mà bỏ quên tất cả sự hiện hữu chung quanh. Con người cô đơn là vì tự cô lập mình trong cái vỏ vị kỷ, trong cái nhìn riêng của mình, chớ thật sự ra chúng ta không là gì cả mà là duyên sinh. Cho đến những vị tu hành vào rừng ẩn cư cũng không thể sống một mình, mà phải có không khí để thở, có suối để uống, có lá để ăn, có chim chóc làm bạn. Nhờ những yếu tố nhân duyên ấy quý ngài ngộ đạo. Khi ngộ đạo rồi quý ngài hòa nhập cộng đồng, sẵn sàng tiếp vật độ sanh, chớ không chỉ ôm giữ cái Niết-bàn cho riêng mình.

Người tu theo đạo Phật không lầm nhân duyên, không lầm nhân quả, không lầm thật tướng của các pháp nên sống rất lạc quan, rất hòa nhập với cộng đồng, sống tùy duyên nhưng bất biến. Bất biến là không để cho tâm khổ lụy vì duyên sinh. Duyên sinh là sao? Là đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Như Phật tử sinh ra con là duyên hợp, con chết là duyên tan. Người mẹ biết rõ như vậy, khi con mất, vui vẻ chúc con lên đường bình an. Đó mới thật là người mẹ biết thương con và thương mình. Chỉ thay đổi một cái nhìn là chúng ta thay đổi cả cuộc đời.

Chúng ta đừng làm cho cuộc đời u tối trong khi nó vốn sáng. Chúng ta đừng đánh mất khả năng giác ngộ và ánh sáng trí tuệ của mình, trong khi nó luôn nằm sẵn trong tầm tay. Tất cả đều hiển lộ qua cuộc sống bình thường, không có gì ra ngoài cái bình thường. Không đòi hỏi, không mong cầu, không có vấn đề gì rắc rối trong cuộc sống, đó là người có trí tuệ. Buổi sáng thức dậy, vừa khởi niệm gì thấy không cần thiết, bỏ đi. Giờ này mình súc miệng, thì chỉ biết súc miệng. Đơn giản như vậy. Tu tập không có việc gì khác hơn thế, chỉ buông bỏ vọng tưởng thôi.

Ngay cả trong dụng công tọa thiền, thấy ánh sáng xẹt ngang xẹt dọc cũng không quan trọng, tất cả đều là tướng sanh diệt, bỏ đi. Thật ra Hòa thượng tôn sư của chúng tôi, ngài tu thiền suốt mấy mươi năm chưa thấy hiện tướng lạ bao giờ. Ngài là đạo sư của chúng ta mà không thấy hiện tướng lạ, chúng ta là đệ tử mới tu vài năm mà thấy tướng lạ nhiều quá, chẳng lẽ giỏi hơn Thầy? Cho nên đừng tin hiện tượng lạ, bỏ đi. Cảnh giới bên ngoài không phải là cái chân thật. Những hiện tượng lạ trong khi tu tập còn phải bỏ, huống gì những phiền muộn, khổ đau mà lại tích chứa. Chỉ cần thấu được lẽ thật của các pháp là chúng ta vượt qua được khổ đau. Vượt qua được khổ đau, chúng ta là người có sức mạnh.

Sức mạnh của người có công phu tu tập sẽ tác động đến những người chung quanh bật ra được sức mạnh của họ, chứ không phải một sức mạnh chèn ép người khác. Chúng ta gần các bậc đạo sư luôn có cảm giác an lành, được các ngài che chở, mà mình lại không cảm thấy bị thấp kém. Hay ở chỗ đó. Trong khi gần một người có sức mạnh của thế gian, ta cảm thấy sợ nhiều hơn là an tâm. Sức mạnh của người tu tập là sức mạnh của người tỉnh thức, biết rõ vọng tưởng hư ngụy vô thường, là khổ nên bỏ, biết rõ trần cảnh bên ngoài duyên sinh, là hoại diệt, không thật nên không theo.

Lục Tổ nói: Ngoài không theo các trần gọi là thiền, trong không theo vọng tưởng gọi là định. Ngoài thiền trong định gọi là thiền định. Ngay định có tuệ, ngay tuệ có định, gọi là định tuệ đẳng trì. Được thế đâu cần phải cạo đầu vô chùa. Quý vị cứ ở tại nhà, biết các pháp hư giả, cái gì qua rồi thì thôi, không nhớ giữ chi cho mệt. Như cành hoa đẹp trên cây, mình cứ ngắm thỏa thích, tại sao khởi niệm tham ngắt nó đem về nhà, cắm trong bình để ngắm riêng. Làm như vậy nó sống cao lắm được ba ngày, trong khi ở trên cây nó có thể sống nửa tháng. Thành ra vô tình chúng ta giết đi cái mình thích. Đâu phải muốn giữ là giữ được.

Như ta thấy người đó dễ thương, đừng nghĩ người đó phải là của mình. Coi chừng khi là của mình họ sẽ hết dễ thương. Cứ sống tùy duyên, thanh thản, nhẹ nhàng, không bắt buộc ai theo mình. Cuộc sống chỉ cần vậy thôi là có hạnh phúc. Hiểu rõ như thế chúng ta sống bình an lắm, không mưu cầu nhiều mà lại có sức tỏa sáng. Từ đó ta có thể làm vơi bớt nỗi khổ của người. Thật ra tu không khó, nhưng vì chúng ta thường quên tu nên việc tu trở thành khó. Không khổ thì không tu. Khi nào khổ mới tu. Tu để chi? Để hết khổ. Hết khổ để chi? Để chơi cho khổ. Thật là quái lạ!

Đức Phật tu liên tục qua ba a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật, còn chúng ta tu cho vui, vui để chơi, chơi để khổ, khổ để tu, cứ như vậy lẩn quẩn thì vô lượng kiếp tăng kỳ cũng chưa thành Phật. Bây giờ không mê lầm chạy theo vui khổ của thế gian nữa, sống bình thường trong sự tỉnh thức. Đó là mẫu người tỏa sáng lý tưởng của đức Phật. Làm việc gì biết việc đó, không mưu cầu, không tham lam, không đắm trước. Tóm lại, ngoài không chạy theo trần cảnh, trong không chạy theo vọng tưởng là người tỏa sáng.

[ Quay lại ]