headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỢI ÍCH NGẦM – NÓI VỀ 7 NẠN

 Đại sư Tinh Vân dịch từ Nhật sang Hán
Ni sư Hạnh Huệ dịch từ Hán sang Việt

Nhược hữu trì thị Quán Thế Âm Bồ-tát danh giả, thiết nhập đại hỏa hỏa bất năng thiêu, do thị Bồ-tát oai thần lực cố. Nhược vi đại thủy sở phiêu, xưng kỳ danh hiệu, tức đắc thiển xứ.

Đoạn này là nói về 7 nạn trong phần lợi ích ngầm. 7 nạn là nạn lửa, nạn nước, nạn đao, nạn gió, nạn quỷ, nạn tù, nạn giặc. Đây nói về nạn lửa và nạn nước.

 

1/ Nhược hữu trì thị Quán Thế Âm Bồ-tát danh giả, thiết nhập đại hỏa hỏa bất năng thiêu, do thị Bồ-tát oai thần lực cố.

Chiếu theo đọan văn trên mà xem thì nếu có người giữ việc trì tụng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, chẳng kể trong lửa to thế nào, cũng không bị sợ hãi vì lửa thiêu đốt. Đó là do sức thần thông oai đức của Bồ-tát. Đây thì rất dễ hiểu rõ. Chữ TRÌ trong trì danh là chấp trì, niệm trì, dùng lòng cung kính thành khẩn kiên định trì tụng danh hiệu Quán Âm, tức là nghĩa một lòng xưng danh. Do đó chữ TRÌ là một chữ hết sức có lực.
Chúng ta nếu muốn khỏi được tất cả tai nạn, ắt phải cần tin tưởng sự tồn tại của Quán Âm, sức oai thần của Quán Âm, công đức linh nghiệm của Quán Aâm. Không thế thì không dễ được cảm ứng của Bồ-tát.

7 nạn này toàn là từ bên ngoài đến, chiêu vời nó lại là do tâm của chúng ta. Ví như nạn lửa, lại giống lửa sân trong tâm. Kinh Phật Di Giáo nói: “Cái hại của giận dữ, có thể phá các pháp lành, hoại tiếng tăm tốt, đời này đời sau, người không ưa thấy. Nên biết tâm sân rất như lửa mạnh, thường phải phòng hộ, không cho vào được.”

Phiền não sân này ví như lửa lớn mãnh liệt. Nhà lửa ba cõi giống như cũng từ phiền não lừng lẫy mà ra. Lửa sân giận này, không phải ở bên ngoài mà ở trong nội tâm của chính mình. Giận dữ đến lúc tệ hại dẫn đến sự oán hận của đối phương, do oán hận phát ra hành vi, đối với người khác sanh các thứ nguy hại. Điều này theo đạo đức mà xem, đã chẳng phải là một việc tốt, theo tín ngưỡng mà nhìn, càng không cần nói nữa. Do đó cái hại của sân giận, có thể diệt các căn lành.

Lửa sân giận này làm sao nổi lên? Là quen chấp trước tự kỷ, vì mắc vào tự kỷ, từ ngã mạn mà khởi. Một người nói với Hòa thượng nổi tiếng Bàn Khuê như sau:
- Con có bệnh dễ dàng nổi giận và tánh hung bạo trời sanh, thật là hết cách, xin thầy dùng phương pháp gì giúp con trị cho hết chăng?
Hòa thượng nói:
- Ủa! Bệnh này thật là rất hiếm hoi, trời sanh đã hung bạo, càng thật thú vị. Lão nạp chưa hề thấy qua bệnh hung bạo này ra sao. Anh đem cái bệnh hung bạo này ra cho lão nạp xem một cái được không?
Lời của Hòa thượng làm người ấy rất lúng túng:
- Hòa thượng! Đó là cái làm không ra, bệnh này làm sao có thể đem ra được?
- Anh xem! Tôi bảo anh đưa ra, anh lại đưa không ra, có thể biết không phải là bệnh trời sanh rồi, mà là do sân giận mà ra!

Câu này làm cho người kia trợn mắt câm miệng, bệnh hung bạo từ đây cũng lành luôn.

Chiếu theo đây mà xem, hung bạo cũng là lửa của chúng ta.

Đoạn văn này có hai nạn, NẠN LỬA và NẠN NƯỚC. Trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì vào lửa lớn lửa không thể đốt, dù bị nước lớn cuốn trôi, cũng được chỗ cạn. Xưa nay cầu khẩn khỏi được nạn lửa, nạn nước, cũng chính là căn cứ vào đoạn văn này.

Chiếu theo điều đã nói ở trên, nước lửa không hạn định là nước lửa có hình dáng có thể thấy, ví như chúng ta chịu sự mắng chửi, làm nhục của người khác, lửa sân giận liền từ trong ngực đốt cháy. Trong tâm một phen phát giận, thì nghĩa lý tình người một chút cũng không ngó tới. Đây chính là lửa vô hình, giả như lại lớn tiếng chửi lại, biểu hiện tướng giận dữ trên nét mặt, đó há không phải là lửa có hình sao?

Cổ nhân nói: “Lửa sân có thể đốt cả rừng công đức.” Người, nếu có thể áp chế được lửa sân giận, tâm thong dong, không bức bách và an tĩnh, thì sẽ rõ được nghĩa lý nhân tình. Do đó nếu lúc thường có đủ niệm trấn áp sân giận, thì bất kể gặp nghịch cảnh thế nào, tự mình đều có thể bảo trì lòng dạ thản nhiên bình tĩnh. Đó mới là siêu vượt khen chê, đề cao, gièm biếm, đạt đến chỗ Tô Đông Pha nói là tám gió thổi chẳng động.

Chúng ta có thể thử nghĩ như vầy : Giả sử người ta mắng mình, chúng ta liền nổi dóa, thì tự chính anh đã đứng cùng địa vị với đối phương. Trên thực tế, nếu đối phương là một vị quân tử mà đến mắng hành vi của mình, thì chính là anh tự chẳng đúng. Nếu đối phương là một kẻ tiểu nhân, đó lại càng không bằng hắn. Do đó lúc quân tử phê bình ta, phải nên phản tỉnh, đây là sai lầm của chúng ta. Tiểu nhân phê bình ta, không cần cùng thấy biết như hắn, mà đi nhận chân, thì lửa giận cũng không thể nổi lên thiêu đốt. Nhưng, nhân loại cho dù biết đạo lý này, thực tế vẫn làm không được. Ngày thường trong sinh hoạt, tuy việc nhỏ tí ti, bị người ta nói chút, tâm cũng phát sùng không tự chủ được. Lửa sân nộ nổi lên, vật gì mà tâm yêu thích cũng có thể hủy hoại nó. Thực tại mà nói, tâm của nhân loại chính là giống như nhà lửa trong ba cõi.

Trong lòng người vì có lửa mạnh của dục vọng này, có lúc không thể như mong mỏi của chính mình, lửa phẫn nộ bèn cháy lên. Không thể như ý, đây vốn là thường tình của thế giới Ta-bà, nếu muốn dứt diệt hang lửa trong tâm này, chỉ có thể dùng nước trí tuệ tưới rót.

Thế gian là chỗ không thể vừa lòng, cái có thể như ý chỉ có tâm của chúng ta. Tâm của chúng ta tuy là cái như ý, nhưng nhân có lúc xử lý không khéo, mà cái không như ý lại nổi lên. Vì không thể như ý nên khổ não phiền muộn. Tìm xét nguyên nhân, là do không tu được trí tuệ chân chánh. Do trí tuệ không đủ nên đối với cách nhìn sự vật, thường thường nhìn thành hai cái trở lên, định muốn làm kiểu này, lại nghĩ muốn kiểu khác. Thế rồi che đậy mất ánh sáng trí tuệ của nội tâm, mà sanh đủ thứ mê hoặc, phiền muộn, khổ não.

Vạn tượng trong vũ trụ tuy có sai biệt, nhưng cội nguồn của nó là một. Như đem cái tâm xưa nay thong dong an tĩnh khôi phục lại, mình và người tuyệt đối bình đẳng, thì sanh tử, khổ vui, khoái và không khoái ý… cố nhiên đều không thể khiến chúng ta động tâm, thì tất cả hiện tượng sai biệt của vũ trụ cũng đều không đủ mê hoặc chúng ta. Quả nhiên như thế đã tu được đại trí tuệ. Từ trí tuệ này thì không những có đủ tâm đại dũng mãnh chịu đựng tất cả khen chê, đề cao, biếm gièm mà tâm bình đẳng đại từ đại bi lợi ích tất cả cũng nổi lên.

Do tâm từ bi này vận dụng trí tuệ, thì có thể dũng mãnh phát huy mà biểu hiện ở hành vi.

Bồ-tát Quán Âm chẳng những là đấng đại bi quyền hóa thị hiện, mà còn dùng đại từ bi vận dụng đại trí tuệ và đại dũng mãnh đến giải cứu chúng sanh. Lúc nếu có thể lấy tâm của Bồ-tát này làm tâm của chúng ta thì sức oai thần của Ngài chính là nhờ oai lực dũng mãnh không thể nghĩ bàn đại từ bi cứu độ chúng sanh của Bồ-tát này mà đạt đến cảnh tuy vào lửa lớn cũng không có thể cháy. Cổ nhân nói: “Diệt hết niệm trong tâm, lửa đốt cũng mát mẻ”. Đó là hình dung cảnh giới này.

Lửa sân giận đáng sợ như trước đã nói qua. Ngay lúc lửa sân này sắp muốn đốt cháy thân tâm chúng ta, chúng ta nếu như một lòng xưng danh, lấy công đức xưng danh này, bèn hay trừ khỏi nạn lửa, đây cũng không phải là do sức oai thần của Bồ-tát sao?

“Sức oai thần” là sức từ bi, sức trí tuệ, sức dũng mãnh. Trong đó từ bi, có thể gọi là nước bi, đó là dùng nước tỷ dụ từ bi của Bồ-tát.

Lúc lửa sân giận trong lòng bốc lên ngùn ngụt, nếu như một lòng xưng danh, sức oai thần của Quán Âm, bèn thành nước bi, đến tiêu diệt lửa sân giận của anh.

2/ Nhược vi đại thủy sở phiêu, xưng kỳ danh hiệu, tức đắc thiển xứ.

Đây là nạn nước thứ hai trong bảy nạn. Chúng sanh nếu bị trôi dạt trong đại hồng thủy, lúc sắp bị khổ chết chìm, như có thể một lòng xưng danh, bèn có thể đến được chỗ cạn mà được cứu. Đại hồng thủy, không chỉ giới hạn trong sông, cũng có thể xem là trôi trên biển lớn.

Đại hồng thủy này, vẫn có thể khảo sát trên tinh thần. Chúng ta là trôi dạt trong biển lớn sanh tử, tham sống sợ chết là thường tình của người. Nhất là bị giam trong nước ái dục, mà nước ái dục này, rất dễ đưa người vào đường mê. Trên thế giới này, có nhiều thứ ái dục đang dụ hoặc chúng ta. Nhân thế vì đó mà không biết bao nhiêu người chiêu lấy thân bại danh liệt.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Người ôm lòng ái dục không thấy đạo, ví như nước lặng mà lấy tay quậy, mọi người cùng đến không ai thấy được bóng mình; người do ái dục đắp đổi, trong tâm vấy đục nên không thấy đạo. Hành giả các ông, nên bỏ ái dục, cấu bẩn ái dục hết sạch, đạo mới có thể thấy”. Khiến người ngu tệ là ái và dục.

Vì nhân gian còn ái dục, do đó xưa qua nay lại, có vô số người vì đây lầm vào đường mê, có vô số người vì đây không thể tiến lên, thậm chí có người hủy diệt cả nhà và thân mình. Nhưng, ái dục này làm sao nổi lên? Chúng ta biết, sân giận do ở chỗ không vui mà nổi lên. Đây ngược lại, ái dục là từ hoan hỷ mà khởi. Như vì tâm ái luyến yêu người tình, mà đối người khác làm ra sự tình không kể nghĩa lý, thậm chí ý kiến của cha mẹ, lời khuyên can của bạn bè đều thẳng chân gạt ra. Trên xã hội rất nhiều thanh niên nam nữ, vì một cái ái dục này mà không nhìn đến sự nghiệp, chẳng kể tiền đồ. Trầm luân trong ái dục đáng sợ này chính là căn bản của thân bại danh liệt. Những người chìm đắm trong vũng xoáy ái dục, phần nhiều là từ ngã ái kiên cường mà ra. Nếu đem ngã ái chuyển sơ sơ cho mỏng một chút như lòng đại bi “Chỉ mong chúng sanh được lìa khổ, không vì tự mình cầu an lạc” của Quán Âm, thì tự nhiên sẽ không có sự tình nhân tình dục của chính mình mà làm bất lợi cho người khác xảy ra.

Tuy lời thì nói như thế, nhưng chúng ta rốt cuộc cơ hồ đều phiêu lưu trong biển lớn ái dục, đã từng suýt nữa chìm lỉm, nhưng chúng ta vẫn giữ chặt ngã chấp, ngã kiến, không biết tự giác, chẳng biết quay đầu, thật là đáng than thở!

Như tại lúc này, định khởi tâm bình đẳng đại từ bi của Quán Thế Âm Bồ-tát, bỏ ngay tâm tham ái đây kia, thì tâm quang của chúng ta ví như gương sáng. Thế thì có thể đạt đến đại trí tuệ ánh hiện muôn vật mà không dính mắc muôn vật, cũng lại có tâm đại dũng mãnh đoạn trừ hết ái trước. Chiếu đạo lý không còn có sai biệt giữa ái và chẳng ái, tất cả đều là bình đẳng, không có quan niệm đẹp xấu, không có khu biệt yêu ghét, lại còn có thể đoạn trừ một niệm tham ái là căn bản vô minh. Như thế, vốn là trầm luân trong biển lớn ái dục, sinh mạng trôi dạt giữa sóng gió cuồng nộ, cũng bèn có thể dần dần nổi đến chỗ cạn.

Từ biển lớn ái dục này mà trôi nổi đến chỗ cạn, trừ công đức một lòng xưng niệm Quán Âm, thì không dễ dàng tìm ra phương pháp nào khác đến cứu giúp.

Nhược hữu bách thiên vạn ức chúng sanh, vị cầu kim ngân, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu đẳng bảo, nhập ư đại hải, giả sử hắc phong xuy kỳ thuyền phưởng, phiêu đọa La-sát quỷ quốc, kỳ trung nhược hữu nãi chí nhất nhân, xưng Quán Thế Âm Bồ-tát danh giả, thị chư nhân đẳng, giai đắc giải thoát La-sát chi nạn, dĩ thị nhân duyên, danh Quán Thế Âm.

Đoạn văn này là nói về NẠN GIÓ thứ ba, còn gọi là nạn La-sát. Ở đây nói biển lớn, là chúng sanh vì tìm tòi vật báu mà đi qua biển lớn có nhiều châu báu dồn đống. Biển lớn này chính là biển lớn mà Phật nói. Số mục của báu này có vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu… Của báu này đều là vật quý hiếm ở đời.

Như lấy xa cừ trong đó mà nói, xa cừ gọi là đá báu. hình trạng của nó như răng xe, tính chất hết sức kiên cố, màu sắc rực rỡ, giống như chân châu, là đủ loại sản sanh. Nhưng đây là nói đá báu có hình, mà trên thực tế là chỉ cho thánh tài trên tinh thần.

1- Tín tài:

Đại Trí Độ Luận nói: “Biển lớn Phật pháp, chỉ tin mới vào được”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tin là nguồn của đạo, là mẹ các công đức”. Người học đạo nếu như không có lòng tin thành khẩn, thì chắc không thể qua được biển lớn Phật pháp. Phản diện của tin là nghi, như tâm nghi sanh, thì phiền muộn áo não, mê mất đại đạo nên làm. Cuối cùng chẳng hành đúng chánh đạo, chỗ nói mất đi hào ly, sai đi ngàn dặm. Vì sai một đường tơ, là đạp vào đường mê. Do đó một niệm tín tâm thành khẩn còn gì quý hơn. Giả sử trong tâm tình nghi, không những không thể khởi tin, ngược lại còn sanh tà niệm. Một khi như thế, lòng tin thành khẩn ngày xưa được bao nhiêu hiệu quả, đến lúc này đều mất cả. Chỉ có tín mới là thủ đoạn trừ bỏ nghi mê. Do đó cần nên dùng tâm kim cang bất hoại mà tin nhau.

2- Tấn tài:

Nói kỹ càng, nên gọi là tinh tấn. Tinh tấn nghĩa là tinh cần tiến thủ, tức là nói nỗ lực tinh cần chạy trên đường chánh đạo. Nếu như không rõ ràng nghĩa này, thì có tôn giáo tốt cũng sẽ không có sở đắc. Tục ngạn nói rất hay: “Chảy một giọt mồ hôi, có một phần thu hoạch”. Không có tinh tấn, quyết không thể đạt được pháp vị chân thật.

3- Giới tài:

Giới là nghĩa “phòng phi chỉ ác” (ngăn trái dừng ác), giữ kỹ lời dạy của Phật, một chút không thể hủy phạm, cử chỉ ngay ngắn, tuân thủ tất cả quy luật thế gian và xuất thế gian, tức là giới tài. Nếu như không nương quy luật thì thành phóng túng, phóng túng tự nhiên đọa lạc, tự nhiên có hành vi bất chánh, do đó giới là quy tắc quý báu tất yếu của tất cả sinh hoạt chánh đáng.

4- Văn tài:

Nghe là công phu bước đầu của biết, người nếu chẳng cầu biết, chẳng chịu dạy dỗ, thì ngang hàng với cầm thú. Nghe kinh, mới có thể biết lý vào đạo. Cần biết trên thế gian không có người nào không nghe kinh mà vào đạo. Nhưng, lúc nghe kinh, lại không thể không rỗng lòng. Rỗng lòng là rỗng mình để tiếp nhận người khác. Đây là điều kiện ắt đủ để nghe kinh tiến đạo. Nghe kinh rồi, ắt phải cần như lý thực hành thực tiễn, mới có thể được thọ dụng chân lý. Chỗ này tức chỉ cho ba huệ do nghe mà suy nghĩ, do suy nghĩ mà tu.

5- Xả tài:

Trong Phật giáo, lúc thực hành từ bi, lấy xả làm trọng yếu nhất. Ngược với xả là thủ. Thủ là nắm giữ cứng chắc. Nếu như lúc chúng ta thí xả, có tâm hy vọng được đền đáp, đó tức là thủ, không phải xả. Chúng ta lúc thí xả, cần như ánh nóng mặt trời, chiếu rọi không điều kiện xuống muôn vật trên mặt đất, không như thế thì không làm. Do đó Bồ-tát ắt cần phải đủ bốn tâm vô lượng. Từ hay ban vui là Từ vô lượng. Bi hay cứu khổ là Bi vô lượng. Lúc hành từ bi nhất định phải biết đây không phải là người khác bảo ta làm, cũng không phải người khác ép uổng ta làm, mà là ta hoan hỷ làm như thế, đây là Hỷ vô lượng. Nếu như mang tâm trạng không vừa lòng hoặc không vui đi ban vui cứu khổ, đó không gọi là từ bi. Lúc từ bi hoan hỷ thí xả, không có tâm yêu cầu báo đáp, đây gọi là Xả vô lượng.

6- Huệ tài:

Huệ tài là sự vận dụng trí tuệ, cũng gọi là định tuệ tài. Định tuệ tức là chỉ quán. Định thì nhiếp tâm không tán loạn, dừng các vọng niệm. Tuệ thì chiếu rõ các pháp, phá các tà kiến. Trí tuệ giống như con mắt lúc đi đường, con mắt này nếu như mê muội thì đi đâu cũng không rõ ràng. Do đó trong Đại Trí Độ Luận, nói về tu hành Phật pháp từng có chỉ dạy rằng: “Mắt trí chân hành”. Có trí mà không có hành là người què. Có hành mà không có trí là người mù. Chẳng kể là què hay mù, đều không thể đi đường. Nếu như người mù cõng người què thì mắt trí thêm chân hành mới có thể giúp nhau tiến tới. Giống như có tấn tài, giới tài, xả tài mà không có con mắt trí tuệ này, cũng không thể tiến tới được.

7. Tàm tài:

Tàm tài là tàm quý, hổ thẹn. Tập Luận giải thích “Tàm, đối với các lỗi xấu, tự xấu hổ. Quý, đối với các lỗi xấu, hổ thẹn với người” Không có lòng hổ thẹn thì không thể nhập đạo. Trong kinh Phật Di Giáo nói: “Y phục hổ thẹn là chiếc áo khoác ngoài đẹp nhất”. Không có cái gì tốt đẹp hơn tâm biết hổ thẹn. Tâm này khởi lên, thật là đáng mừng. Nếu tâm hổ thẹn khởi lên thì tâm cung kính, lễ phép cũng khởi lên, mà lòng tin cũng theo đó mà khởi lên nữa. Làm một con người nếu như không khởi tâm hổ thẹn, đó thật là đáng thương. Tâm hổ thẹn mới là Phật tánh, nhân có tâm này rồi, mới có thể có đủ trí tuệ, tín ngưỡng, đạo đức thực tiễn thiết thực.

Bảy loại trên gọi là bảy tài sản bậc Thánh. Giáo pháp này y theo các kinh, có nhiều lối giải thích không đồng. Lúc anh muốn đạt được bảy Thánh tài này, tiến vào Phật đạo tu hành, nếu như chợt có một trận hắc phong thổi đến, tức là gió mê của vô minh phiền não, hoặc là gốc ác của tất cả ma chướng. Anh nếu không có tâm kiên định chẳng dời, như thế anh sẽ nói: “Tôi thật ngu ngốc! Mắc lừa rồi!” “Học Phật dùng được gì?” “Tính ra tu hành như vầy cũng dùng chẳng nhằm nhò”. Đối với lòng tin nảy ra hoài nghi, đối với tinh tấn sanh ra biếng lười, đối với giới luật bèn hủy phạm, làm bậy làm càn, đều sẽ theo đây mà dấy. Cái cần bỏ thì nắm giữ, cần trí tuệ lại ngu si, cần hổ thẹn lại chẳng có chút xấu hổ, đem tâm có thể tiến vào đạo lớn, lại hướng vào chỗ sóng mòi đáng kinh hãi, trôi dạt vào nước quỷ La-sát.

QỦY LA SÁT là tiếng Phạn, đây nói “Thực nhân quỷ” tức là quỷ ăn thịt người.

THUYỀN PHƯỞNG : Phưởng là hai thuyền hợp lại mà đi. Thông thường đều gọi là thuyền. Đây là đem sắc và tâm hợp lại làm một, lấy đây dụ cho thân thể con người. Hiện tại thuyền này bị cuồng phong thổi nghiêng ngả, giống như kiểu cực kỳ nguy hiểm. Đây là gió mê vô minh phiền não ở trong tâm dấy lên sóng mòi ba độc tham, sân, si. Đây tức là tâm của ác quỷ La-sát. Nếu như trong lúc này có một người sanh tâm niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” và “Bình đẳng đại bi” thì cuồng phong vô minh phiền não kia sẽ dừng lại, sóng mòi ba độc tham sân si sẽ bình tĩnh mà được giải thoát khỏi khổ nạn này. Sở dĩ nói: Do nhân duyên này được gọi là Quán Thế Ấm.

Nhược đắc hữu nhân, lâm đương bị hại, xưng Quán Thế Âm danh giả, bỉ sở chấp đao trượng, tầm đoạn đoạn hoại, nhi đắc giải thoát.

Đây là NẠN ĐAO thứ tư.

Nếu người đến lúc gặp phải sự thương hại hoặc sát hại, có thể xưng niệm Thánh hiệu của Quán Âm, thì dao hoặc gậy kia sẽ bị bẻ gãy từng đoạn từng đoạn, đã không thể đánh, lại không thể giết. Dao gậy này cũng quyết không phải là dao gậy có hình tướng, mà là chỉ cho tâm kiêu mạn sân giận. Kiêu là tự cao tự đại, mạn là cậy mình lấn người. Khen chính mình, chê người khác. Đối với người hơn mình, không tự chủ được sanh tâm đố kỵ … đó là đao. Sân là mắt giận, nhuế là tâm giận, cái tâm phẫn nộ này chính là gậy đánh người. Nếu như người ta đem tâm này đến bức bách ta, mà ta lại dùng tâm từ bi đáp trả lại họ, thì dao gậy của họ tự nhiên đều gãy nát, không còn tác dụng gì nữa.

Do đó Phật nói: “Tuy lấy một người có thể thắng ngàn kẻ địch, không bằng trước khi chưa thắng mà nhẫn nhục”. Lại nói: “Nếu dùng tranh đấu dừng tranh đấu, trọn chẳng thể dừng, chỉ có nhẫn được mới có thể dừng.”

Ở vùng Giang Đô thuộc Giang Tô có một bà họ Vương, lúc trẻ ăn chay học Phật, tin thờ Bồ-tát Quán Thế Âm hết sức thành khẩn. Năm 18 tuổi làm vợ Lưu Văn Tảo, sanh ba trai một gái. Sau Văn Tảo chết, bà một mình nuôi con thành người, cưới vợ họ Hoắc cho trưởng nam. Họ Hoắc từ khi về nhà chồng, khí thế lấn người, kiêu hãnh ngạo mạn, thường xem dưới mắt không có bậc tôn trưởng, khinh lờn bà Vương. Bà Vương lấy tâm từ bi của Quan Âm làm tâm mình, không hề để ý. Ngược lại nhỏ nhẹ khen ngợi, thậm chí đề cao. Một hôm, hàng xóm thấy tức mình bảo bà Vương:

- Con dâu bà vì sao đối với bà chẳng chút hiếu kính?

- Dâu con nhà tôi rất là hiền lương, nó đối với tôi chẳng có chỗ nào mà không hiếu kính.

Họ Hoắc ở ngoài phòng nghe lén được lời của bà Vương, rất hổ thẹn, vô cùng áo não! Từ đây, cái tâm như dao kiếm của cô, bị phương thuốc hay nhu nhuyến nhẫn nhịn này của bà Vương bẻ gãy.

Cái nhẫn này từ đâu sanh? Là từ một niệm tâm đại bi bình đẳng mà nổi lên. Trong kinh Pháp Hoa có vị Bồ-tát Thường Bất Khinh, lúc gặp người, Ngài nhất định phải nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài đều sẽ thành Phật” Anh nếu như trách mắng Ngài thế nào, Ngài cũng sẽ nói với anh: “Tôi không dám khinh các Ngài.”

Có lúc, người ta hoặc lấy gậy cây ngói đá ném đánh, Ngài lại lớn tiếng nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài đều sẽ thành Phật”. Vì Ngài thường nói như thế, do đó mọi người đều gọi Ngài là “Thường Bất Khinh”.

Câu “Mọi người đều sẽ thành Phật” này, là sự tôn trọng nhân cách của người khác. Có thể tôn trọng nhân cách của người khác, tự nhiên sẽ không sanh tâm kiêu mạn sân giận người khác. Nên biết vị Bồ-tát này chính là Phật Thích-ca Mâu-ni, Ngài lấy đây cảnh giác tất cả chúng sanh.

Tâm từ bình đẳng chính là tâm Quan Âm, nếu như có loại tâm này, người khác làm sao có thể dùng dao gậy? Vì tâm đại bi bình đẳng này, bằng lòng đem tất cả của mình, thậm chí sanh mạng bố thí cho tất cả chúng sanh. Cái khổ sanh tử, trong con mắt của Ngài, tự nhiên không có gì đáng nói.

“Đại bi bình đẳng” là đạo của chúng ta hành, chỉ có đạo này mới là chánh đạo vĩnh viễn. Vì mang cái đạo này, chúng ta phải nên rất hoan hỷ đem sinh mạng cống hiến cho nó.

Hay thể hội đại đạo vĩnh viễn này là đại trí tuệ, từ đại trí tuệ bùng ra đại từ bi, cho đến từ đại từ bi, tâm đại dũng mãnh cũng khởi mạnh.

Có đại trí tuệ, tức có thể thông đạt đạo lý thật tướng của các pháp. Nếu như có thể thông đạt đạo lý thật tướng của các pháp thì sanh tử như đồng sóng mòi trong biển lớn vọt tới vọt lui, là GIẢ ĐẾ tất cả nhân duyên hòa hợp. Sóng mòi trong biển lớn tuy vọt tới vọt lui, nhưng nước biển lớn, một giọt không có tăng thêm, một giọt cũng không giảm bớt; mà sóng không rời nước, nước không rời sóng. Thật rất giống thân này giác ngộ đến sanh tử luân hồi, ngay nơi thể chứng được Niết-bàn không sanh không diệt, lại không lao tâm về tất yếu của sanh tử, trong lòng sẽ thư thái. Đây là do không có niệm khác mà được, không có tâm kiêu mạn mà được.

Nhược tam thiên đại thiên quốc độ, mãn trung Dạ-xoa La-sát, dục lai não nhân, văn kỳ xưng Quán Thế Âm Bồ-tát danh giả, thị chư ác quỷ thượng bất năng dĩ ác nhãn thị chi, huống phục gia hại ?

Đây là NẠN QUỶ thứ năm trong bảy nạn.

TAM THIÊN ĐẠI THIÊN QUỐC ĐỘ, là vũ trụ. Một cái có mặt trời mặt trăng chiếu là một tiểu thế giới, tập hợp 1000 Tiểu thế giới là một Tiểu thiên thế giới. Tập hợp 1000 Tiểu thiên thế giới là một Trung thiên thế giới. Tập hợp 1000 Trung thiên thế giới là một Đại thiên thế giới, gọi chung Đại thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Tiểu thiên thế giới này là 3000 đại thiên thế giới. Đem cái này định là quốc độ giáo hóa của một đức Phật. Lìa cõi Phật này ở giữa cách 10 vạn ức cõi Phật là thế giới Cực Lạc ở phương Tây, cõi Phật của Phật A-di-đà. Mười vạn ức cõi Phật này, vốn nên gọi là vô lượng vô biên, nhưng nhân cụ thể hóa quan niệm trừu tượng, do đó gọi là mười vạn ức cõi Phật. Chỗ này nói khu vực giáo hóa của một vị Phật là ba ngàn đại thiên thế giới, đây cũng là cụ thể hóa quan niệm trừu tượng, không cần phải câu nệ số mục nhất định.

DẠ-XOA là tiếng Phạn, nghĩa là mau lẹ. LA-SÁT cũng là tiếng Phạn, nghĩa là đáng sợ. Hai loại này cùng là một loại quỷ thần. Trong một chớp mắt, có thể bay mấy ngàn vạn dặm.

Dạ-xoa, La-sát đều là ác quỷ. Nếu theo ý nghĩa hại đời, hại người, trên thế giới chúng ta đầy dẫy Dạ-xoa, La-sát. Dạ-xoa, La-sát này là nói cái gì? Tức là tất cả những dụ hoặc như sắc đẹp, quyền lực, danh vị… Tất cả tất cả đều là Dạ-xoa, La-sát dụ hoặc chúng ta, thật tình không đếm nổi.

Sự dụ hoặc giống Dạ-xoa, La-sát lại từ đâu phát sinh. Truy xét kết quả vẫn là từ phiền não vọng tưởng của chúng ta mà ra. Phiền não tuy nói là tám muôn bốn ngàn, trên thực tế cũng chẳng phải số mục này mà thôi.

Chúng ta nếu đem tám vạn bốn ngàn phiền não coi như giặc cướp, thì Dạ-xoa, La-sát đáng làm đại tướng trong trăm vạn quân giặc cướp, cũng chính là chỉ ba độc tham, sân, si. Mà thống soái tối cao trong trăm vạn quân thổ phỉ này, chính là một niệm ngã chấp. Vì đã có niệm Dạ-xoa, La-sát này, mới có lúc xâm nhập rồi đắc ý dương dương tự cho là đúng. Giặc cướp thật là thứ đáng sợ. Nếu có thể trừ đi một niệm ngã chấp, tiến vào cảnh giới vô ngã, thì bất cứ cái gì cũng chẳng cần sợ hãi. Nhưng vì lực lượng của chúng ta, cầm bắt không nổi thống soái ngã chấp trong quân giặc cướp, do đó tám muôn bốn ngàn quỷ phiền não giặc cướp đều đến nhiễu hại chúng ta. Vì chúng ta có mê vọng, do đó bị quấy nhiễu đến không thể nhất tâm được.

Trong kinh Siêu Nhật Nguyệt Tam Muội nói: “Ma có bốn loại: 1- Thân ma. 2- Dục trần ma. 3- Tử ma. 4- Thiên ma”

Ví như hai cây dùi vào nhau, thì có thể sanh lửa, trở lại đốt cây. Lửa chẳng từ nước mà ra, chẳng từ gió mà ra, chẳng từ đất mà ra. Bốn ma cũng vậy, đều từ tâm sanh, chẳng từ ngoài đến. Ví như họa sĩ vẽ tranh, nhân duyên hòa hợp, tùy tay nên việc. Tuy có màu, có bảng, có bút, nhưng họa sĩ không vẽ, thì không thể thành hình. Trăm ma cũng như thế. Tâm mình vững chắc, không nổi lên thì không có bốn ma.

Trong kinh Siêu Nhật Nguyệt Tam-muội nói về bốn ma, chẳng qua là đem ác quỷ La-sát đầy dẫy trong trời đất chia làm bốn loại. Bốn loại này tuy nói là ma vương, chỉ cần tâm vững chắc được thì ma vương liền không thể sanh. Muốn làm vững chắc tâm này, không ngoài việc đem một niệm an trụ ở từ bi bình đẳng, không ngoài việc ủy nhiệm cho trí tuệ có thể thông đạt thật tướng các pháp, chẳng chấp cứng ngã giả do nhân duyên hòa hợp là thật có nữa. Nếu như người có thể dùng ý nghĩa này nhất tâm niệm danh hiệu Quan Âm thì các ác quỷ không thể dùng mắt ác để nhìn, làm sao lại có thể gia độc hại?

Thiết phục hữu nhân, nhược hữu tội, nhược vô tội, nữu giới già tỏa kiểm hệ kỳ thân, xưng niệm Quan Thế Âm Bồ-tát danh giả, giai tất đoạn hoại, tức đắc giải thoát.

Đây là NẠN TÙ thứ sáu trong bảy nạn.

NỮU GIỚI GIÀ TỎA, NỮU là xích tay, GIỚI là cùm chân, GIÀ là gông đầu, TỎA là xiềng trói chân, KIỂM là đóng gói, HỆ là trói buộc. Nghĩa là gông cùm xiềng xích trói cứng thân thể, câu thúc tự do của người.

Đoạn văn này nói bất kể anh có tội bị trói hay vô tội bị trói, do sức niệm Thánh hiệu Quan Âm của anh, gông cùm xiềng xích đều bị đứt rời. Theo phương diện sự mà giải thích, cùng với chỗ nói lợi ích ngầm của Quan Âm đối với sáu nạn khác giống nhau. Nhưng, từ phương diện lý mà nói thì người nào trói anh? Cái gông cùm xiềng xích này chẳng ngoài chính mình trói buộc chính mình mà thôi.

Chính mình biết được có tội, vì tội này mà chính mình cảm thấy khổ sầu phiền não, không đến được chỗ tự do. Hoặc là chính mình không làm việc gì xấu, mà vẫn có cái đau khổ như vầy đến bức bách ta, nhân đây oán trời trách người, nỗi khổ trách móc người khác này, không phải giam mình ở chỗ tự buộc tự trói sao?

Ngoài ra lại có cái cùm danh dự, cái gông lợi ích, cái xiềng ân ái, cái xích ngã chấp. Tất cả các thứ này đều đang trói buộc chúng ta. Như hy vọng có danh dự tốt mà không đến được, muốn được lợi ích lại không như nguyện, vì ân ái mà dùng dằng, vì ngã chấp mà bị tù. Giống kiểu này còn có người có tâm lo lắng như tội nhân. Ngay dù ông ta có mục đích tốt bao nhiêu, chẳng kể ông ta có tài sản bao nhiêu, địa vị cao nhiều, danh dự tốt nhiều, ông ta cũng không thể hiểu được lạc thú đời người.

Người xưa có một câu: “Không cần danh, không cần tiền, không cần mạng, không phải như thế không thể làm nên việc lớn”. Người mà danh lợi, kim tiền, sinh mạng đều không cần rất là ít! Phần đông, vì kim tiền mà trói buộc thân thể, vì danh dự mà thiếu kém nghĩa lý, bỏ tình người; vì tiếc mạng kết quả biến thành một người khiếp nhược. Những người này đều là tự trói tự buộc, kiếm cách nào cũng không ra. Đây đều là do lúc thường không thể làm chính đáng sự cong ngay, rõ tà chánh, chẳng giữ một chút tâm công bình đưa đến nỗi này.

Nhưng, nếu chúng ta có thể trụ trong tâm Bồ-tát Quán Thế Âm, chặt đứt khóa ngã chấp, dùng một tâm nhìn bình đẳng, thì sẽ biết: danh lợi, vốn là giả danh của nhân duyên hòa hợp; sanh tử, vốn là hiện tượng biến hóa. Nếu như bị ánh sáng trí tuệ này của ta chiếu đến, thì trói buộc tự nhiên giải thoát, tự nhiên có thể được tự do tự tại, không ai đến trói buộc ta, cái trói buộc ta không gì ngoài chính mình.

Cho dù thật bị trói buộc, mà có tâm của vị Bồ-tát Quán Âm này, cũng không chỗ nào chẳng tự do.

Thiền sư Trí Giác đời Đường, lúc chưa xuất gia, từng làm Thái thú, nhưng lúc ông làm Thái thú, gặp đói kém, ông lấy gạo trong kho lương thực ra cứu giúp dân chúng bị nạn đói. Lúc ấy, bất kể anh là Thái thú một châu, nếu không tuân theo mệnh lệnh của chánh phủ trung ương, tự mình mặc tình mở kho quan, là mắc tội rất lớn. Do đây cuối cùng ông mắc tội rồi bị trói. Thánh chỉ đưa xuống, bắt ông giải đến Kinh đô.

Thiền sư đã dự đoán được làm như thế mình sẽ mất mạng, do đó chẳng chút sợ hãi, cam lòng chấp nhận gánh vác. Vua Đường sớm biết Thiền sư vì người, nghe được việc này cũng nghĩ trong đây nhất định có ẩn tình gì, bèn sai thuộc hạ xem Thiền sư có cử chỉ lời nói khác thường gì, phải tâu cho vua hay.

Đến ngày xử tội, Thiền sư được đem từ lao ngục ra, đến lúc giơ đao chặt đầu, thiền sư không đổi sắc mặt, ngược lại thản nhiên nói: “Đem một mạng này, bố thí chúng sanh”.

Quan sứ thấy tình hình này, lập tức thu đao, đem việc này báo vua. Không lâu, thánh chỉ truyền xuống, muốn tra vấn kỹ lại. Thiền sư cũng chiếu theo sự thật mà trả lời.

Hành vi này của Thiền sư là hành vi từ bi, hoàn toàn từ lòng đại bi phát ra, một chút tì vết cũng không có. Tình nguyện hy sinh mạng mình để cứu chúng sanh đói khát, hành vi này đúng là rất vĩ đại! Nhưng pháp luật quốc gia, cũng không thể theo tình, do đó bèn tha tội chết mà khiến ông xuất gia. Sau ông là thiền sư Trí Giác.

Thiền sư thật có thể nói là quyền hóa của Quán Âm, do đây có thể thấy, lòng đại bi có thể trừ được trói buộc hữu hình, theo đây mà liệt kê từ xưa đến nay chẳng biết bao nhiêu mà kể!

Nhược tam thiên đại thiên quốc độ, mãn trung oán tặc, hữu nhất thương chủ, tương chư thương nhân, tê trì trọng bảo kinh quá hiểm lộ, kỳ trung nhất nhân, tác thị xướng ngôn: “Chư thiện nam tử, vật đắc khủng bố, nhữ đẳng ưng đương nhất tâm xưng Quán Thế Âm Bồ-tát danh hiệu, thị Bồ-tát năng dĩ vô úy thí ư chúng sanh; nhữ đẳng nhược xưng danh giả, ư thử oán tặc, đương đắc giải thoát!” Chúng thương nhân văn, câu phát thanh ngôn: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát!” xưng kỳ danh cố, tức đắc giải thoát.

Đây là NẠN GIẶC sau cùng trong bảy nạn.

Ba ngàn đại thiên thế giới tương đồng với vũ trụ đã nói ở trước, ba ngàn đại thiên thế giới trong một tâm ta, trong một tâm lại đầy dẫy oán tặc.

Vương Dương Minh nói: “Phá giặc trong núi dễ, bắt giặc trong tâm khó.” Giặc trong tâm thần thông quảng đại, biến hóa tự tại, có thể lên trời, có thể vào đất, muốn vây bắt cũng không dễ dàng vây bắt. Bất kể người nào muốn bắt giặc trong tâm, nếu như bắt giặc trong tâm như thế, người ấy có thể nói đại trượng phu. Nhưng, nếu anh thật tình muốn bắt giặc trộm ăn cắp đồ, anh cần phải biết cái nguy hiểm đến sinh mạng, vì anh bắt nó, nó nhất định liều mạng chống cự anh. Bắt giặc trộm bên ngoài, còn khó khăn như thế. Bắt giặc trong tâm vô hình so với nó còn tệ hại hơn, có thể biết càng không dễ dàng. Nhưng nếu thể hội được tâm từ bi bình đẳng của Quán Âm thì giặc này cũng dễ bắt.

Quá khứ có thượng nhân Không Dã, lúc đi đường gặp cướp. Thượng nhân trông thấy, thương xót rơi lệ, giặc cướp thấy thế cười nhạo Ngài:
- Thật là một người xuất gia chả có đạo hạnh!

Thượng nhân Không Dã đáp:
- Không! Lão tăng chẳng phải vì tiếc của mà buồn, ta nghĩ đến các ông có thân thể khỏe mạnh hơn người bình thường, trên thế gian có thể làm được rất nhiều việc, chẳng biết đã tạo nhân ác gì mà bây giờ lại làm kẻ cướp, thêm nặng tội nghiệp của mình. Ta nghĩ đến các ông tương lai phải chịu báo ứng đáng sợ, do đó bất giác rơi lệ.

Thượng nhân Không Dã nói xong, nước mắt lại rơi lã chã, lòng bi thương này cuối cùng làm cảm động bọn cướp, về sau chúng đều lễ thượng nhân Không Dã làm thầy, chịu làm đệ tử của Ngài.

Lại có hòa thượng Hằng Thuận cũng có một câu chuyện giống như thế. Một hôm có ăn trộm lẻn vào chỗ Ngài ở.

- Đưa tiền đây!

Tên cướp vừa nói vừa vung dao. Hòa thượng chẳng thèm để mắt tới, nói: - Được, được!

Hòa thượng nói xong vét hết tiền đưa cho hắn, tên cướp đút tiền vào bụng, định lẻn ra ngoài. Hòa thượng chợt kêu:
- Đợi một chút!

Tên cướp dừng chân.

- Ngươi đòi người ta đồ vật, không cảm ơn một tiếng mà chạy, có đạo lý như thế sao? Tiền này ta định cúng Phật, chỉ cần ngươi cảm ơn Phật một tiếng là được rồi!

- Cảm ơn!

Tên cướp nói xong bèn đi. Không bao lâu, hắn phạm án ở nơi khác và bị bắt. Hắn khai có lấy trộm tiền của Hòa thượng. Cảnh sát mang hắn đến gặp Hòa thượng. Hòa thượng trông thấy vội nói:

- Không sai, đêm mồng mấy tháng mấy có một người đàn ông vào đây xin tiền tôi và tôi đã cho hắn tiền. Cái này không phải hắn ăn trộm mà là tôi bằng lòng cho. Điều này có chứng cứ gì ư? Nhớ lúc hắn đi ra, hắn có cảm ơn rồi mới đi.

Cảnh sát nghe xong nói:
- Ý Hòa thượng muốn cứu hắn, nhưng hắn ăn trộm rất nhiều lần ở chỗ khác mắc tội rất lớn, không thể để hắn trốn thoát.

Hòa thượng nghe cảnh sát nói xong, chạy đến nắm tay tên cướp, khóc nói:
- Ta vốn là người rất nghèo, đã đem tiền cho anh, thậm chí bảo anh cám ơn Phật, đâu dè lòng thành của ta chẳng đủ, chẳng thể cảm động anh, khiến anh đến chỗ khác ăn trộm.

Tên cướp này nghe rồi không nói một lời, hổ thẹn đầy mặt. Ở trong lao tù, tên trộm vẫn không quên lời Hòa thượng, sau khi ra tù, hắn tìm đến Hòa thượng sám hối, từ đây cải tà quy chánh, nỗ lực làm người tốt.

Đây là sự cảm hóa của từ bi, đoạn kinh này chính là biểu thị ý này. Oán tặc, oán là đoạt mạng người, tặc là đoạt của người.

Giống như có một nhà buôn, dẫn rất nhiều con buôn, đem theo vật quý báu vàng bạc, đi qua hẻm núi cheo leo nơi oán tặc ở. Núi là núi ngũ uẩn. Ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức hòa hợp thành thể của mạng sống. Nói khác đi chính là ta. Trong núi ngã kiến tập họp tám vạn bốn ngàn oán tặc phiền não.

Nhà buôn chính là tâm vương – thức thứ 8 – A-lại-da thức. A-lại-da là tiếng Phạn nghĩa là “tàng”, ý hàm chứa tất cả hạt giống, cũng chính là chủ thể của tất cả tâm.

Bảy thức trước từ A-lại-da sanh. Theo hầu tâm vương này là cái thuộc về tâm vương, gọi là tâm sở. Tâm vương, tâm sở… cộng chung 94 pháp, thuộc pháp hữu vi, có thêm 6 pháp vô vi. Ở trên nóùi các con buôn, chính là chỉ tác dụng của pháp thân, tâm sở này.

A-lại-da tức là gốc của động tác tâm. Từ phương diện hoạt động hướng ngoại của nó, có năm thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Năm thức này là cái do tiếp nhận sự kích thích của bộ phận bên ngoài mà có nhận thức. Đối tượng nhận thức của nó là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Tức là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc. Từ phương diện nội tại của nó mà nói, cái tổng hợp năm loại này chính là tác dụng của ý thức thứ sáu, đối tượng của ý thức là pháp. Lại theo cái tiềm ẩn của nó hướng vào trong vọng chấp làm ngã gọi là Mạt-na thức.

Tâm này, có giữ của báu có thể thành Phật mà cũng có giữ giặc đọa vào mê. Nên thức A-lại-da căn bản hàm cả hai nghĩa giác và bất giác. Nhân đây trong tâm chúng ta, lấy trì bảo và oán tặc làm dụ.

Trong đó nếu có một người, mặc cho hoàn cảnh hiểm ác bao nhiêu đi nữa, dùng vô ngã đánh dẹp ngã chấp, dùng từ bi đuổi bỏ tham dục, lấy dũng mãnh hàng phục sân giận, lấy trí tuệ chiếu tan ngu si. Nếu có thể như thế thì oán tặc phiền não sẽ chạy mất, đường núi cheo leo, cũng có thể an toàn đi qua. Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể biết Bồ-tát Quán Âm đích xác có thể khiến chúng ta không sợ, do đó nói có thể bố thí vô úy cho chúng ta.

Đến đây đã nói xong bảy nạn.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát Ma-ha-tát, oai thần chi lực, nguy nguy như thị.

Đây là văn kết thúc bảy nạn.

Ma-ha-tát là nói tắt của Ma-ha Tát-đỏa, Ma-ha là Đại, Tát-đỏa là Hữu tình hoặc Chúng sanh. Ma-ha Tát-đỏa gọi chung là Chúng sanh lớn, chúng sanh lớn là tối thượng bậc nhất của các chúng sanh.

Ma-ha-tát còn gọi là Đại Bồ-tát. Chỗ này chính là dùng để tôn xưng Bồ-tát Quán Thế Âm thêm một bước nữa. Nguy nguy là hình dung sự cao lớn của núi. Chỗ này là chỉ sức oai thần của Bồ-tát Quán Thế Âm nguy nga như núi cao.

 

[ Quay lại ]