THẾ TÔN ỨNG ĐÁP
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 04 Tháng tám 2009 07:09
- Viết bởi nguyen
(Phẩm Phổ Mơn tt)
Đại sư Tinh Vân dịch từ Nhật sang Hán
Ni sư Hạnh Huệ dịch từ Hán sang Việt
Phật cáo Vô Tận Ý Bồ-tát: “Thiện nam tử! Nhược hữu vô lượng bách thiên vạn ức chúng sanh, thọ chư khổ não, văn thị Quán Thế Âm Bồ-tát, nhất tâm xưng danh Quán Thế Âm Bồ-tát, tức thời quán kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát!”
Đoạn văn này là lời đáp tổng quát của Phật Thích-ca Mâu-ni, là đại cương một cuốn phẩm Phổ Môn. Bi tâm và thệ nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, phương pháp chúng sanh xưng niệm và được lợi ích, hoàn toàn bao hàm trong một đoạn văn này. Phẩm Phổ Môn, lấy đây làm chỗ trọng yếu nhất.
Lý do dịch danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cũng là từ đoạn văn này mà ra.
PHẬT CÁO VÔ TẬN Ý BỒ-TÁT, là Phật Thích-ca đáp lời Bồ-tát Vô Tận Ý.
THIỆN NAM TỬ, là chỉ cho Bồ-tát Vô Tận Ý.
Đoạn văn này bao hàm 3 điểm yếu nghĩa, nhưng chúng sanh và các khổ não thật cần phải nói trước.
CHÚNG SANH, tiếng Phạn là Tát-đỏa, là mệnh danh của tất cả sinh vật. Gọi tất cả sinh vật là chúng sanh, có ba lý do:
1- Cùng chúng chung sống ở đời.
2- Do nhiều nhân duyên hòa hợp mà sanh ở đời.
3- Thọ sanh ở chỗ đông đảo.
Danh từ chúng sanh này vốn là cựu dịch. Tân dịch của ngài Huyền Trang đổi là hữu tình, để khác với tất cả vật vô tình (không sống động).
Trong văn này nói có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh, như chúng sanh ở cõi địa ngục, chúng sanh cõi ngạ quỷ, chúng sanh cõi súc sanh, chúng sanh cõi A-tu-la. Chúng sanh thuộc bốn đường ác bị khổ não thiêu đốt bức bách này thật đã có vô lượng vô số. Nhưng đức Phật giảng kinh toàn lấy nhân gian làm đối tượng trung tâm. Bồ-tát Quán Thế Âm là Cứu chủ đại từ đại bi của thế giới Ta-bà, chúng sanh đó ở tại nhân gian cũng có thể nhìn ra. Ví như người thế gian, trong mỗi ngày, có lúc tâm địa ngục sân giận nổi lên, có lúc tâm ngạ quỷ tham dục nổi lên, có lúc tâm thú tánh ngỗ nghịch loạn luân nổi lên, do đó nhân gian bèn có đủ bốn đường ác.
CHƯ KHỔ NÃO, là chỉ các khổ 7 nạn 3 độc, sẽ giảng ở phần sau. Một tiết này là đáp tổng quát. Văn sau mới phân biệt giải nói. Cái khổ não được nói đó có cá biệt chẳng đồng. Trừ 7 nạn, 3 độc ra, còn có 4 khổ, 8 khổ… Khổ não này hoàn toàn là khổ não địa ngục, khổ não ngạ quỷ, khổ não súc sanh trong nội tâm của nhân gian. Nhưng, muốn xem tường tận cội nguồn khổ não này, bèn có thể biết do dục vọng cầu sanh mà khởi.
Người muốn cầu sanh, không có gì so được với dục vọng này về sự lừng lẫy mạnh mẽ, do đó dục vọng này chính là nguyên do dẫn khởi tất cả các phiền não.
VĂN THỊ QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT, một chữ VĂN này là từ một nghĩa “Nhĩ căn viên thông” mà ra. Nhĩ căn viên thông, nhất tâm xưng danh, giai đắc giải thoát, là ba yếu nghĩa lớn trong đoạn văn đáp tổng quát này.
VĂN THỊ QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT, là các chúng sanh nghe danh tự tên hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chúng sanh nếu nghe mà xưng danh, thì Quán Thế Âm nghe âm thanh ấy khiến họ đều được giải thoát tất cả khổ nạn. Chữ văn, chúng sanh nghe Quán Âm, Quán Âm nghe chúng sanh, Bồ-tát và chúng sanh nghe lẫn nhau, tương ứng, thế là bèn hiển thị sự nhiệm mầu của cảm ứng đạo giao. Do ở lỗ tai nghe, Bồ-tát và chúng sanh mới có thể cảm ứng dung thông, do đó gọi là Nhĩ căn viên thông.
Kinh Lăng Nghiêm nói chữ VĂN có ba chân thật:
1- Thông chân thật: Tai và mắt chẳng đồng, có vật chướng ngại, chỗ mắt không thấy mà tai lại có thể nghe ngóng âm thanh ngoài một dặm.
2- Viên chân thật: Mắt chỉ có thể dùng xem ở chính diện, lỗ tai chẳng kể trước sau phải trái, đều có thể nghe được tiếng.
3- Thường chân thật: Việc quá khứ, có thể truyền đến hiện tại, việc hiện tại có thể truyền đến tương lai mà không biến đổi.
Ba điểm này đều là chỗ ưu thắng của nhĩ căn.
Lại có thể nói thế này: Việc giáo hóa thế giới Ta-bà, lấy nghe tiếng làm chủ. Vì cứu khổ não của tất cả chúng sanh, do đó Bồ-tát Quán Thế Âm có hàm ý nghĩa là cứu chủ của nhân gian thuộc thế giới Ta-bà.
NHẤT TÂM XƯNG DANH, đây nói chúng sanh nếu như một lòng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, bèn có thể được Bồ-tát này cứu giúp, về điểm này, cần nên phải chú ý đặc biệt.
Trước hết nói NHẤT TÂM, nhất tâm là một loại niệm, niệm ở trong tâm. Niệm niệm cùng Quán Âm hợp làm một, không có niệm khác chen vào, gọi là nhất tâm. Tiếp theo là XƯNG DANH, xưng danh là nêu danh hiệu “Nam-mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát”. Nhất tâm xưng danh, cần tất yếu chú ý trên mặt xưng danh, hai chữ nhất tâm đứng đầu.
Tâm niệm là căn bản, cần niệm đến ta là Quán Âm, Quán Âm là ta, mà bất giác thốt ra miệng, đó mới là âm thanh xưng danh. Có người nói, một lòng xưng danh, chúng ta chỉ cần xưng niệm trong lòng, miệng không cần ra tiếng, khá chẳng phải cũng có thể được sao? Nếu như nói như vậy, đây là mê lý và trái với lối nói tự nhiên. Thường nghe người thế gian nói: Chỉ cần anh thành tâm, anh chẳng cầu Bồ-tát, Bồ-tát cũng che chở anh. Lời nói này không thể không nói là họ tưởng tượng sai lầm. Chẳng qua, câu này cũng có thể là một loại nhắc nhở người chỉ niệm ngoài miệng mà không thành tâm.
Thân tâm chúng ta vốn nhất như. Chỗ nói thành khẩn ở trong biểu lộ ra hình thể bên ngoài. Hiện tại chúng sanh nếu như có một lòng thành thành khẩn khẩn, tất định phát ra bên ngoài thành âm thanh xưng danh. Đây là đạo lý tự nhiên, cũng là nghĩa chân thật của xưng danh. Chẳng những như thế, niệm chân thành khẩn thiết càng sâu, lại càng có thể thể nghiệm niềm an ủi của lòng đại bi cảm ứng ban tặng. Một sớm đạt đến cảnh giới này, chính là thứ gọi là ‘Anh chẳng cần xưng danh, anh cũng bất tri bất giác buột ra tiếng cảm kích’. Ví như là gặp một ngày lạnh căm căm, hoặc là một ngày nóng hừng hực, tuy không có ý, nhưng anh lúc bất tri bất giác trong miệng tự nhiên thốt lên: ‘Lạnh quá! Nóng quá!’
Hiện tại ta nghe tên Tịnh Thánh (tức Quán Thế Âm) mà xưng niệm, Tịnh Thánh nghe tiếng một lòng xưng niệm của ta mà cứu giúp, đây là nhĩ căn viên thông. Từ cửa miệng tất định muốn phát ra “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát” mới có thể đạt đến chân nghĩa của chữ VĂN.
Kỹ lưỡng thưởng ngoạn mùi vị của bốn chữ NHẤT TÂM XƯNG DANH này, thứ nhất là ở chính mình, tất định đòi trước tiên rõ biết tự kỷ, con người thân thiết này. Vấn đề thế giới, vấn đề vũ trụ mà Phật giáo nói là việc thứ hai, thứ ba!
Học Phật chính là học về mình. Tất cả đều là vấn đề chính mình của một người. Đáo để là muốn chính mình làm thành cái gì đây? Nếu như nghĩ kỹ vấn đề này, thì sẽ tìm không chỗ đặt chân. Lại không thể xem thường nó. Như thế, bản tâm sẽ xuất hiện.
Theo Khởi Tín Luận, nhân vì cứu giúp tự kỷ bị vô minh che đậy, thông thường gọi là chân như duyên khởi, nhưng lấy vô minh làm trung tâm, còn có thể gọi là vô minh duyên khởi.
Nói đơn giản thì Khởi Tín Luận, Duy Thức Luận cũng không phải là nói về vấn đề vũ trụ mà là nói về vấn đề tự kỷ. Khởi Tín Luận nói vô minh, Duy Thức Học nói A-lại-da thức đều là chỉ tên khác của “Ngã” còn trong tâm chính mình.
Vì cầu giải thoát chính mình tức cần nghĩ ra nhiều phương tiện đến cứu độ cho cái tự kỷ từ phương diện Ngã mà chấp trước. Vì có quan hệ này, do đó mới làm ra Khởi Tín Luận, Duy Thức Luận. Thế Tôn bốn mươi chín năm thuyết pháp, ba tạng mười hai bộ kinh, Tổ sư bao đời xuất hiện, đều cũng là vì vấn đề này.
Do đó quyển “Phẩm Phổ Môn” này cũng hoàn toàn vì cứu “Ngã” của tất cả chúng sanh, trừ đây ra, cũng không gì khác.
Trước khi nĩi về cái khổ não, “dục vọng” là nguồn cội của tất cả khổ não. Nhưng truy vấn thêm một bước: dục vọng lại là từ cái gì mà ra? Có thể khẳng định một câu: là từ có ngã mà ra. Chúng sanh chấp trước cái ngã vô minh là “ngã chấp”, từ ngã chấp sanh ra sở hữu của ngã là pháp chấp. Chúng sanh bàng hoàng ở đường mê, chịu tất cả khổ não, tạo tất cả tội ác, đều do ngã chấp và pháp chấp mà ra.
Chân thật mà nói, người trên thế gian, thật giống như hoa đốm trong hư không, bóng trăng đáy nước, hoặc như một hí trường, chỉ hư dối không chân thật. Đem một cái ngã, hoàn toàn chứa đầy tràn tham sân tà ác. Một cái tự kỷ xấu ác, tự kỷ ô uế này là cái rất không dễ dàng nhìn ra. Nếu muốn quan sát nó, ắt cần phải dùng gương sáng đại bi chân thật không dối ra chiếu rõ. Cái gương sáng chân thật không dối này tức là sáng niệm chiều niệm, chẳng rời gương mặt từ bi và danh hiệu của Đại Bi Quán Thế Âm.
Xưa nay ngã chấp và pháp chấp thật là vô minh phiền não nghiệp hệ khổ tướng từ kiếp vô thỉ đến nay. Phàm phu ở đời, nếu nghĩ đoạn trừ cái này thành vô cấu thanh tịnh, cơ hồ không dễ dàng nhìn ra được. Cái duy nhất có thể nhìn ra là thời giờ. Đây là thời giờ gì? Chính là lúc chuyển hữu lậu thành vô lậu, bỏ sanh tử được Niết-bàn.
Người đem cái chết đặt ở trước mắt, lúc biết gần chết, đó là lúc thần thánh nhất, là lúc chân thật không gì hơn nhất.
Người ta thường nói: “Người sắp chết, lời nói đều thiện”; cho dù anh là một người tội ác cực lớn, một sát-na lúc anh sắp chết, anh cũng lập tức chuyển đổi lỗi lầm. Chúng ta không cần phải trù ếm chết, không ai có thể khỏi chết cả, có sanh ắt có tử, sanh tử là thực tướng của thế gian. Vấn đề không ở chỗ chết hay không chết, mà ở chỗ lúc chết có nắm chắc được hay không, chết mà nắm chắc được, thì có gì đáng sợ ?
Chết là cái cuối cùng của một đời người, như là một tiếng pháo nổ, vào lúc đó, không có cái gì đáng được anh lưu luyến, giống như một chút hoa tuyết trên lò lửa hồng, vật sở hữu đều không có giá trị, tài bảo của thiên hạ đều chẳng liên quan với chính mình.
Do đó, người nếu thường thường suy nghĩ, thực tại là rất cô độc, theo chân mình chỉ có nghiệp thiện ác một đời, ngoài ra chẳng có gì cả. Lúc ở đời, tất cả dục vọng, khổ não đều do hai chấp ngã và pháp sanh ra, đến lúc sắp mạng chung, tất cả vọng chấp của anh, chẳng có cái nào là của anh cả. Ngày còn sống hà tất đi vọng chấp kiểu này kiểu nọ mà tự tìm khổ não?
TỨC THỜI QUÁN KỲ ÂM THANH GIAI ĐẮC GIẢI THOÁT, đây nói giải thoát là giải thĩat cái gì? Đây là nói giải thoát các khổ não.
Chúng ta quy y đại bi Tịnh Thánh, chiếu theo sức một lòng xưng danh đã nói phần trước, chính là giải thoát các khổ não, đây có hai loại lợi ích:
Lợi ích thứ nhất là có thể đem chân tâm, miệng thành khẩn xưng niệm, chắp tay ngay ngắn, để ba nghiệp này hợp làm một, một lòng xưng danh này tức có thể cảm được từ quang của Bồ-tát Quán Thế Âm không bị phiền não nhiễm nhiếp thủ. Thân tâm chúng ta sẽ xa lìa khổ não, vô minh, ác nghiệp căn bản. Hàng ngày có sự tín ngưỡng tôn sùng thuần khiết đó, thì tất cả tịnh nghiệp liền có thể thành tựu.
Đây là giải thoát thứ nhất do đức của nhất tâm xưng danh mang đến.
Lợi ích thứ hai là căn cứ theo đạo lý nhân quả rõ ràng phân minh, chúng ta cho dù thân ở trong sanh tử chịu quả báo khổ não, như có thể một lòng xưng danh đầy đủ chí thành, ắt hẳn sẽ có cảm ứng bất khả tư nghì, không biết khổ ấy là khổ, mà từ khổ não giải phóng ra được, đây là loại giải thoát thứ hai.
Quan Âm Linh Cảm công đức rất là lớn. Một lòng xưng danh tức có thể giải thoát tất cả khổ não. Vì chúng ta bị khổ não cùng đến với sanh, suốt ngày ràng buộc, không thể ly khai, chỉ có dùng lực lượng của một lòng xưng niệm, tuy có tất cả khổ não, cũng có thể nhẫn chịu, đây là công đức tự nhiên hiển hiện. Đây chính là công đức “đều được giải thoát”, đây chính là quả công đức từ một lòng xưng danh chí thành mà tu đưa đến.
Bất kể là nhĩ căn viên thông tốt, nhất tâm xưng danh tốt, đều được giải thoát tốt … đều không phải là thứ chỉ từ trên lý luận mà giải thích, trở về gốc rễ lại là ba nghiệp thân – miệng - ý tương ưng. Như quả một lòng xưng danh, tự nhiên bèn có nhân nhĩ căn viên thông mà thừa hưởng diệu quả giải thoát, do đó muốn đạt đến thời tiết thân tâm hoan hỷ, ắt phải một lòng xưng danh.
Nói đến giải thoát khổ não khiến tự kỷ có thể đạt đến cảnh tự do tự tại. Người thường cho là có điểm không dễ dàng: kỳ thực, chúng ta bị dây thừng ngã chấp, khóa sắt phiền não lớp lớp trói buộc, không được một chút tự do, đương nhiên là rất khổ não. Nhưng, dây thừng và khóa sắt này, quyết không phải từ bên ngoài đến trói chúng ta, mà là chính chúng ta dùng dây thừng, khóa sắt trói tự kỷ mình lại. Quá khứ có một người hỏi thế này:
- Hòa thượng! Xin Ngài chỉ dạy cho con pháp môn giải thoát.
Hòa thượng hỏi ngược lại:
- Ai trói ông?
Từ câu hỏi ngược này, có thể biết không có ai trói buộc chúng ta, hoàn toàn là chính mình trói buộc chính mình, chính là chỗ nói tự trói tự buộc vậy.
Chúng ta đã biết là tự trói tự buộc, nếu như có thể dùng tâm bình đẳng cởi trừ dây thừng ngã chấp, dùng niệm từ bi đập gãy khóa phiền não, thì Quán Thế Âm tức thời thị hiện giải thoát cho anh.
Trừ tâm ngã chấp rồi, đạt được mình người bình đẳng, thể nhận được rằng mình chính là tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh chính là mình. Đến được cảnh giới bình đẳng đại bi này, tâm chúng ta, đã đích xác có thể nói là thoát ly ô uế mà biến thành thanh tịnh.
Lúc ấy tâm của Quán Thế Âm bèn là tâm của ta, nếu như tâm ta và tâm Bồ-tát hợp làm một, tự nhiên sẽ thoát ly khổ não do ngã chấp phải chịu, liệng bỏ suy nghĩ lăng xăng do vọng niệm khởi. Tâm thanh tịnh như thế gọi là nhất tâm. Chỗ nói nhất tâm, chính là duy nhất bất nhị, không có hai kiểu tâm, chỉ là một niệm thanh tịnh không có mảy may mê vọng, đây là tâm cảnh do một lòng xưng danh mà được. Cũng chính là giải thoát tất cả khổ não mà Quán Thế Âm ban cho anh.