headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỢI ÍCH HIỂN - BA MƯƠI BA THÂN (tiếp theo)

 II. THÂN TRỜI, THÂN NGƯỜI

Ưng dĩ Phạm vương thân đắc độ giả, tức hiện Phạm vương thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Đế Thích thân đắc độ giả, tức hiện Đế Thích thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Tự Tại Thiên thân đắc độ giả, tức hiện Tự Tại Thiên thân nhi vị thuyết pháp.

 

 

 

Văn trên đã nói hiện thân ba bậc Thánh thuyết pháp, độ những chúng sanh đáng độ. Bây giờ là nói về việc hiện thân Phạm vương, Đế Thích, thân trời Tự Tại thuyết pháp. Đối với việc hiện thân thuyết pháp ở đây, cần phải từ mấy phương tiện mà khảo sát.

Lúc cho là thích hợp dùng thân Phạm vương được độ, chẳng những là hiện thân Phạm vương, mà cần phải hiện tâm Phạm vương. Lúc nên dùng thân Đế Thích được độ, chẳng những hiện thân Đế Thích, còn cần có tâm của Đế Thích. Vì để đồng hóa đối tượng, tự thân hiện ra tướng giống như đối tượng, đây có thể xem là vận dụng đồng sự nhiếp của Bồ-tát.

ĐỒNG SỰ, là phương tiện giáo hóa của Bồ-tát Đại thừa. Ông có hình dạng gì, Ngài liền hiện hình mạo đồng dạng để giáo hóa, cùng ông làm việc chung một nơi, đây thực là do từ bi của Bồ-tát.

Giống như lúc người mẹ định gọi con thơ ăn món gì, ngay miệng của bà ta bất giác cũng há ra. Bồ-tát Đại thừa vì muốn giáo hóa chúng sanh, thương xót hộ niệm chúng sanh, do đó mới hiện thân giống như chúng sanh.

Từ góc độ khác mà nhìn, Bồ-tát Quán Thế Âm muốn cho tâm chúng ta thành Phạm vương, hoặc tâm của Đế Thích như thế, ở trong lòng bèn cần phản tỉnh nhìn vào trong, khiến sự thị hiện giống y như lòng đại từ bi của Bồ-tát. Đây là ở trên sự tu dưỡng rất khiến người ta phải suy nghĩ.

Bây giờ, phương tiện thị hiện ứng hóa của Bồ-tát Quán Thế Âm, chiếu theo sự thuyết minh ở trên mà nhìn, chúng ta phải nên luôn luôn phản tỉnh nhìn vào nội tâm, cần phải thấy được Quán Thế Âm trong tâm chính mình.

ĐẠI PHẠM VƯƠNG hoặc là TRỜI ĐẾ THÍCH, là đối tượng được tín ngưỡng từ xưa đến nay ở Ấn Độ. Nếu dùng ánh mắt Phật giáo mà nhìn, những vị này đều là các vị thần của Bà-la-môn, người do những thần này mà có thể an tâm lập mạng được tiến vào đại đạo cũng không ít. Do đó trong Phật giáo, quyết không bài xích những thần này. Người đầu tiên tín ngưỡng những thần này, về sau quay về hết lòng với Phật giáo cũng rất nhiều. Do đó bèn tôn những vị thần ấy làm thần ủng hộ Phật giáo. Vì những thần này tuy không thể tu dưỡng thành Phật, nhưng đều ở trên phàm phu chúng ta.

Trong Phật giáo do truyền thuyết của Ấn Độ từ xa xưa, nói thế giới này chia làm ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. “Ba cõi bất an giống như nhà lửa”.

Mục đích tu học Phật pháp, chính là có thể vượt khỏi ba cõi này. Cõi thứ nhất trong ba cõi là Dục giới, trong Dục giới có sáu đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, nhân gian, cõi trời.

Trong các trời, cách chúng ta không xa là trời Dục giới, trong trời Dục giới có trời ở đất và trời ở trên không. Trời ở mặt đất không rời khỏi đất, còn trời ở trên không thì đã rời khỏi mặt đất.

Trời ở dưới đất, căn cứ theo truyền thuyết Ấn Độ cổ đại, chính là do núi Tu-di thành lập. Tu-di sơn tiếng Phạn là Tu-mê-lô, nơi bốn phương có người ở : Phương Đông gọi là Phất-bà-đề châu, phương Tây gọi là Câu-da-ni châu, phương Bắc gọi là Uất-đơn-việt châu, phương Nam gọi là Diêm-phù-đề châu. Châu Diêm-phù-đề chính là đất chúng ta ở. Phần bụng của núi Tu-di có Tứ thiên vương: Đông phương Trì Quốc Thiên Vương, Tây phương Quảng Mục Thiên Vương, Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương, Bắc phương là Đa Văn Thiên Vương. Đây là khởi điểm của Dục giới. Lại lên trên là trời Đao Lợi, trời này ở trên đỉnh núi Tu-di. Bốn phương, mỗi phương có tám trời, bốn lần tám là ba mươi hai trời. Ở giữa có trời Đế Thích, cộng chung lại gọi là trời Tam thập tam.

Từ đây tiến vào trời ở không trung, thấp nhất là trời Dạ-ma, trên là trời Đâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, đến đây là chung điểm của Dục giới, cộng lại có sáu trời, trên nữa là Sắc giới.

Dục giới, là chưa đoạn trừ hoàn toàn dục tình. Đến Sắc giới, là hoàn toàn không có dục tình, ở đó có mười tám trời.

Thứ nhất là Sơ thiền thiên, ở cõi trời này có trời Phạm phụ và trời Phạm chúng, trên nữa là trời Đại Phạm. Trên Sơ thiền thiên là Nhị thiền thiên, trong Nhị thiền thiên có ba trời. Trên Nhị thiền thiên là Tam thiền thiên, Tam thiền thiên có ba trời. Trên Tam thiền thiên có Tứ thiền thiên, Tứ thiền thiên có chín trời. Cộng chung Sắc giới có mười tám trời.

Trên Sắc giới là Vô sắc giới. Vô sắc giới không những là không có dục tình, ngay cả nhục thể cũng không có, do đó bốn trời Vô sắc giới gọi là trời Không vô biên xứ, trời Thức vô biên xứ, trời Vô sở hữu xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đây là hai mươi tám trời của ba cõi.

Những giai cấp như thế có thể xem là giai đoạn ở lúc tĩnh tư tĩnh lự, đạt đến tinh thần nhàn tịch của chúng ta.

TRỜI, trong luận Bà-sa nói: “Ánh sáng chiếu rọi gọi là trời.” Phật giáo nói ánh sáng, chẳng kể khi nào đều là tỉ dụ trí tuệ, do đó ở nhân gian nếu không mờ mịt đđối với dục tình, thì có thể vận dụng trí tuệ. Giai cấp Tứ thiên vương tuy vẫn chưa lìa bỏ dục tình, nhưng đã nhạt mỏng. Đến trời Đế Thích, nhục dục đã không có nữa, chỉ còn có ái tình trên tinh thần. Như thế dần dần lên đến Phạm Thiên là tương đương với Sơ thiền thiên của Sắc giới. Nhân vì hay lìa dâm dục của Dục giới, tịch tĩnh thanh tịnh, thường sanh tâm lành, do đó gọi là Phạm Thiên. Lớn hơn Phạm Thiên thì gọi là Đại Phạm Thiên. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thân tâm diệu viên, oai nghi chẳng thiếu sót, cấm giới thanh tịnh, để mà minh ngộ. Người này đúng thời có thể thống lãnh Phạm chúng, làm Đại phạm vương, một loại như thế gọi là Đại Phạm Thiên.”

TRỜI ĐẾ THÍCH, cũng là đại thiện thần, ở trung ương trời Đao Lợi, là chúa của 32 trời, cai quản rất nhiều trời và nhân dân, thủ hộ Phật pháp.

TRỜI TỰ TẠI là trời Tha Hóa Tự Tại, trời thứ 6 cao nhất của Dục giới, tiếng Phạn gọi là “Bà-la-duy-ma-bà-xa-bạt-đề”. Đại Trí Độ Luận quyển 9 nói: “Trời này đoạt chỗ biến hóa của người khác, mà tự vui chơi, nên nói là Tha Hóa Tự Tại.” Câu Xá Luận Sớ, phẩm Thế Gian quyển 1 nói: “Trời Tha Hóa Tự Tại, ở trong sự biến hóa của người khác được tự tại”. Trời này chính là chẳng cần tự mình vui vì biến hiện đủ loại, mà thích hóa làm trời cõi dưới, mượn việc vui của người khác, tự tại dạo chơi, mới gọi là trời Tha Hóa Tự Tại. Trời này cùng với trời Ma-ê-thủ-la (trời Đại Tự Tại trong trời Tứ thiền) đều là trời Ma vương phá hoại chánh pháp. Ở giữa có cung điện Ma vương. Nhân đây, thường thường sai chúng ma đến thế gian của chúng ta, khiến chúng ta tăng thêm nhiều khổ nạn, đều do những đại ác thần này.

Nhưng Bồ-tát Quán Thế Âm, chẳng quản anh là Thiện thần, đại Ma vương, trời Đế thích hoặc là Ác thần Tự Tại Thiên, đều tế độ như thường. Đây có thể xem Bồ-tát Quán Thế Âm ở thế gian, người thiện thì dùng thiện dẫn dụ, người ác thì dùng ác cảnh giác.

Do đó phương tiện ứng hóa của Bồ-tát, có hai môn nhiếp thọ và chiết phục. Hoặc dùng yêu thương bao dung nhiếp thọ, hoặc dùng sức trừng phạt ngăn cấm chiết phục. Muốn độ chúng sanh tất yếu phải có cả hai phương diện này. Nếu chỉ có ái mà không có lực, thì khó để tuân phục. Chỉ có lực mà không có ái, thì dễ vời sự phản kháng.

Nhân đây, ái và lực, nhiếp thọ và chiết phục đều rất trọng yếu. Người mà thiện thần có thể hóa độ, liền hiện thiện thần hóa độ. Người mà ác thần có thể hóa độ, liền hiện ác thần hóa độ. Bởi có loại người nghe được việc lành của người khác, có thể phát khởi cái lành của chính mình. Hoặc thấy cái ác của người khác, dễ dàng phản tỉnh cái ác của mình. Căn cơ của chúng sanh rất nhiều, do đó ứng hiện của Bồ-tát cũng mỗi mỗi bất đồng.

Tâm nếu thanh tịnh trí tuệ thì giác sẽ mạnh mẽ xuất hiện. Đây là Bồ-tát Quán Thế Âm hóa làm Đại Phạm vương thị hiện ở trong tâm chính mình. Tâm nếu không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không nói lời vô ích, không xan tham, không sân hận, không tà kiến, mười đường lành sanh ra, đây là Quán Thế Âm hiện trời Đế Thích để giáo hóa. Tâm nếu sanh khởi tà niệm, vọng tưởng, mê mờ trí tuệ của chính mình, thì Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân Đại Tự Tại Thiên đến để phản tỉnh, khiến chúng ta phải tự giác như thế. Một đoạn thuyết pháp này, là phải nên suy đi nghĩ lại.

Ưng dĩ Đại Tự Tại Thiên thân đắc độ giả, tức hiện Đại Tự Tại Thiên thân nhi vị thuyết pháp; ưng dĩ Thiên đại tướng quân thân đắc độ giả, tức hiện Thiên đại tướng quân thân nhi vị thuyết pháp; ưng dĩ Tỳ-sa-môn thân đắc độ giả, tức hiện Tỳ-sa-môn thân nhi vị thuyết pháp.

TỰ TẠI THIÊN, trước nói là trời thứ sáu cao nhất Dục giới, là đại ác thần. ĐẠI TỰ TẠI THIÊN đây, là trời cao nhất Sắc giới, cũng là đại ác thần. Nhưng Bồ-tát Quán Thế Âm vì sao phải hiện thân ma vương? Về vấn đề này, cư sĩ Duy-ma nói là cứu tà khiến vào Phật đạo. Trong phẩm Bất Tư Nghì ở kinh Duy-ma nói: “Bấy giờ Duy-ma-cật nói với ngài Đại Ca-diếp: “Này nhân giả! Trong vô lượng vô số thế giới ở mười phương, người làm ma vương phần nhiều là Bồ-tát trụ giải thoát bất khả tư nghì, giáo hóa chúng sanh nên hiện làm ma vương.”

Cư sĩ Duy-ma, chúng ta đương nhiên có thể xem là Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân cư sĩ mà thuyết pháp. Đoạn văn này chính là bài thuyết pháp của Bồ-tát Quán Thế Âm. Bồ-tát Quan Thế Âm hiện làm Tự Tại Thiên hay làm Đại Tự Tại Thiên, đều như đoạn kinh Duy-ma này nói. Diệu lực bất khả tư nghì giải thoát của Bồ-tát Quán Thế Âm, không độ hết cõi ma, quyết không ngừng nghỉ. Đây đều là nêu cao bi nguyện.

ĐẠI TỰ TẠI THIÊN, tiếng Phạn là Ma-ê-thủ-la Thiên, là trời thứ mười tám trong 18 cõi trời Sắc giới, ở đỉnh cao nhất của Sắc giới, cũng gọi là trời Sắc Cứu Cánh hoặc trời A-ca-ni-trá, cũng gọi là trời Ma-ê-thủ-la. Đại Tự Tại Thiên vương, là thiên chủ của trời này, cỡi trâu trắng 3 mắt 8 chân, Ấn Độ cho vị này là bản thể sáng tạo thế giới, là chúa tạo ra muôn loài, do đó được người sùng bái.

Hiện tại âm thanh vi diệu từ bi thuyết pháp của Bồ-tát Quán Thế Âm, tiến vào cõi trời để hóa độ. Nhưng chẳng kể là cõi tịnh của Phạm Thiên, Đế Thích, cũng chẳng kể là cõi ma của Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại Thiên. Đây chẳng phải cõi trời nào xa tít, mà là trên thân của chính chúng ta.

THIÊN ĐẠI TƯỚNG QUÂN, là gia tướng của trời Đế Thích. Lúc Đế Thích và A-tu-la đánh nhau, đại lực sĩ tiên phong ra trận chính là Thiên đại tướng quân, còn gọi là Na-la-diên tướng quân, Kiên Cố Lực Sĩ, Lộ Hình Thần, Kim Cang Lực Sĩ.

Cửa sơn môn của chùa chiền có hai vua, bên trái là Na-la-diên Kiên Cố Lực Sĩ, bên phải chính là Na-mật-giá Kim Cang Lực Sĩ, đều gọi là Thiên đại tướng quân.

Bây giờ theo văn kinh mà xem, đây là thị hiện tâm đại dũng mãnh của Quan Âm, đức dũng mãnh của Ngài, dùng sự xuất hiện của Thiên đại tướng quân mà giữ trách nhiệm thủ hộ Phật pháp. Từ sức đại từ, đại trí và đại dũng dẫn phát, Bồ-tát Quan Âm có ba đức viên mãn này, thật là đối tượng được sùng tín trong lý tưởng của chúng ta.

TỲ-SA-MÔN, còn gọi là trời Tỳ-sa-môn hay Thiên chủ Tỳ-sa-môn, tiếng Phạn chính âm là Xá-la-noa, dịch là Biến văn, Phổ văn. Giáo đồ Bà-la-môn gọi vị này là thần tài, là thần gìn giữ tài bảo vàng bạc.

Thần này ngồi trấn tại 9 cung thủy tinh tầng thứ tư ở núi Tu-di. Vì quản lý Dạ-xoa, La-sát do đó còn gọi là Bắc Phương Đa Văn Thiên. Đây là thần đã quay về tin phụng Phật giáo. Trong kinh Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những vị này rất có phước đức tiếng tăm. Chân Ngôn Tông và Thiên Thai Tông cũng rất tôn sùng vị thần này. Như thế phước đức của họ từ đâu tới? Y cứ theo kinh Tỳ-sa-môn Thiên Vương thì Thiên Vương này có 10 phước đức là:

1- Phước vô tận.
2- Phước mạng sống dài lâu.
3- Phước quyến thuộc, ở trên là quả đức do bố thí.
4- Phước thiện thức, đây là quả đức do trì giới.
5- Phước được yêu kính, đây là quả đức do nhẫn nhục.
6- Phước thắng quân.
7- Phước ruộng tốt.
8- Phước tàm thực, đây là quả đức của tinh tấn.
9- Phước Phật quả, đây là quả đức của thiền định.
10- Phước trí huệ, đây là ánh sáng trí huệ từ thiền định phóng ra.

Y theo đây mà xem, phước của Tỳ-sa-môn thiên quyết không phải từ ngoài đến, là quả báo nương theo đại hạnh Bồ-tát sáu ba-la-mật mà tu, tự nhiên cảm ứng được. Do đó bất kể là ai, chỉ cần tu hạnh Lục độ là có thể được đủ 10 phước này.

Trong 10 phước này, phước vô tận là thứ nhất, còn gọi là phước biết đủ, là phước thường biết đủ. Một người biết đủ là điều trọng yếu nhất.

Ưng dĩ Tiểu vương thân đắc độ giả, tức hiện Tiểu vương thân nhi vị thuyết pháp; ưng dĩ Trưởng giả thân đắc độ giả, tức hiện Trưởng giả thân nhi vị thuyết pháp; ưng dĩ cư sĩ thân đắc độ giả, tức hiện cư sĩ thân nhi vị thuyết pháp, ưng dĩ Tể quan thân đắc độ giả, tức hiện Tể quan thân nhi vị thuyết pháp; ưng dĩ Bà-la-môn thân đắc độ giả, tức hiện Bà-la-môn thân nhi vị thuyết pháp.

TIỂU VƯƠNG, khác với các Phạm Thiên, Đế Thích, Tỳ-sa-môn ở trước. Đây là vua trong nhân gian, do đó gọi là Tiểu vương, còn có thể gọi là Túc tán vương.
TÚC TÁN VƯƠNG, là nói số Tiểu vương nhiều, nhiều như lúa rải, hoặc là cõi nước do Tiểu vương thống lãnh tên là nước Túc Tán, nhân vì so với vũ trụ to lớn của cõi trời, nó nhỏ như một hạt thóc rải trên đất, vị vua thì gọi là “Túc Tán Vương”.

Vua của trời gọi là Thiên chủ, vua của người gọi là Nhân vương. Trong các vua của người, vua nước lớn gọi là Đại vương, vua nước nhỏ gọi là Tiểu vương. Hoặc là Đại vương còn gọi là Phụ vương, Tiểu vương còn gọi là Thái tử. Tóm lại chẳng kể là đại vương, tiểu vương đều là người chi phối nhân dân.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nếu các chúng sanh thích làm nhân vương, ta ở trước họ, hiện thân nhân vương mà thuyết pháp cho, khiến họ thành tựu.”

Đây chính là nghĩa quốc vương là người thống trị, người chi phối, dùng sự dũng mãnh lớn, trí tuệ lớn đến giáo hóa nhân dân. Chiếu theo ý này, Thánh chúa minh quân xưa nay đều có thể nói là hiện thân của Quan Âm, do đó có người tán thán quân chủ Thánh Minh là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Kính lễ Cứu thế Quán Thế Âm
Truyền đăng Đông phương Túc Tán Vương
Giá tùng Tây phương lai đản sanh
Diễn thuyết diệu pháp độ chúng sanh.

Nếu như nói tiểu vương là Thánh chúa minh quân giống như vua A-dục ở Ấn Độ; Tùy Văn Đế, Đường Thái Tông, Minh Thái Tổ, Thanh Thuận Trị Đế của Trung Quốc đều là người hộ pháp trung thực của Phật giáo, đều có thể xem là hiện thân của Quán Thế Âm. Nếu như nói tiểu vương theo nghĩa Thái tử, chính như thái tử Chiêu Minh đời Lương của Trung Quốc, thái tử Thánh Đức của Nhật Bản hoằng dương chánh pháp dốc hết sức lực cũng có thể xem là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Kinh Tâm Địa Quán nói, người chi phối đất nước ắt phải có đủ 10 đức. 10 đức này là:

1- Năng chiếu: Dùng mắt trí tuệ, soi chiếu thế giới.
2- Trang nghiêm: Dùng đại phước trí trang nghiêm nước.
3- Dữ lạc: Cho nhân dân an lạc thái hòa.
4- Phục oán: Hàng phục oán định.
5- Ly bố: Hay trừ tai nạn, lìa khủng bố.
6- Nhậm hiền: Tập hợp các người hiền, chia lo việc nước.
7- Khiến nhân dân ở yên trong nước.
8- Dùng pháp quản lý thế gian.
9- Nghiệp chủ: Các nghiệp đều quy về quốc vương.
10- Tất cả nhân dân lấy vua làm chủ.

Ắt phải dùng 10 đức này giáo hóa dân chúng mới có thể xưng là thị hiện của Quán Thế Âm.

THÂN TRƯỞNG GIẢ, hiện tại rất nhiều địa chủ, phú ông đều xưng là Trưởng giả. Kỳ thực, địa chủ, phú ông hoàn toàn chẳng phải là trưởng giả đúng đắn. Trưởng giả thứ thiệt ắt cũng cần phải đủ 10 đức. Trong 10 đức này có 5 đức thuộc về thân, 5 đức thuộc về tâm. Đây theo “Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập”, thứ tự nêu ra:

Thân đức: Tánh quý, vị cao, đại phú, oai mãnh, lớn tuổi.

Tâm đức: Trí sâu, hạnh tịnh, lễ đủ, trên khen, dưới phục.

1- Tánh quý: Con nhà danh giá, hiển dương bốn phương.
2- Vị cao: Cấp bậc công huân thảy đều cao trọng.
3- Đại phú: Của cải tài sản, phong phú dồi dào.
4- Oai mãnh: Uy nghiêm đầy đủ, người đều kính sợ.
5- Tuổi lớn: Tuổi phải tròn 50, đức độ hơn người.
6- Trí sâu: Trí lự hơn người, mưu tính sâu xa.
7- Hạnh tịnh: Phẩm hạnh thanh tịnh, đáng làm mô phạm.
8- Lễ đủ: Lễ nghĩa đầy đủ, không sót điều gì.
9- Trên khen: Tin dùng đức vang xa, bậc trên đều khen ngợi.
10- Dưới phục: Kẻ bề dưới, ngóng đức mà quy phục.

CƯ SĨ, tiếng Phạn là Ca-la-việt, lệ thường gọi tín đồ Phật giáo tại gia là Cư sĩ.

Tổ Đình Sự Uyển nói Cư sĩ thì phải đủ 4 đức:

1- Không mong làm quan.
2- Ít muốn, nuôi đức.
3- Tài sản giàu có.
4- Giữ đạo tự vui.

Luật Thập Tụng nói: Cư sĩ là trừ vua, vương thần và Bà-la-môn, những người áo trắng ở nhà gọi là Cư sĩ.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nếu các chúng sanh, thích bàn danh ngôn, sống đời thanh tịnh, ta sẽ ở trước họ, hiện thân cư sĩ mà thuyết pháp khiến họ thành tựu”.

Lại cũng kinh trên, khi giảng về TỂ QUAN tiếp theo, có nói thế này: “Nếu các chúng sanh, ưa trị nước, chia cắt bang ấp, ta sẽ ở trước họ hiện thân Tể quan mà thuyết pháp khiến họ thành tựu”.

TỂ QUAN, là quan coi về chính trị, có thể xem là tất cả quan sứ. Nghĩa là, những người nên dùng thân quan sứ mà được độ, liền hiện thân quan sứ đến để tế độ.

Trung Quốc thời xưa có chín phẩm bậc về quan chức, đều là người vâng pháp nước mà trị dân. Đây đều có thể gọi là Tể quan. Do đó trên từ đại thần xuống đến thôn trưởng cũng đều là Tể quan. Tất cả tể quan nếu như tự mình là hóa thân của Quán Thế Âm, thì nước này bèn có thể đại trị rồi vậy.

BÀ-LA-MÔN, là dòng họ tối thượng trong 4 dòng họ của Ấn Độ. Giáo đồ Bà-la-môn cũng gọi là tăng lữ. Ấn Độ có 4 giai cấp:

1- Bà-la-môn (Tăng lữ)
2- Sát-đế-lợi (Đế vương quân nhân)
3- Phệ-xá (thương nhân)
4- Thủ-đà-la (nông dân).

Bốn giai cấp này phân biệt không bình đẳng. Đã không thể kết hôn với nhau, cũng không thể hưởng quyền lợi ngang nhau, sang hèn chia ra rất đáng sợ!

Phật giáo hoàn toàn bác bỏ sai biệt giai cấp bất bình đẳng này. Tại toàn Ấn Độ, chẳng kể thuộc giai cấp nào, đã vào Phật giáo đều gọi là dòng họ Thích. Nhưng, Bồ-tát Quán Thế Âm, nếu có người cần dùng thân Bà-la-môn để được độ liền hiện thân Bà-la-môn mà thuyết pháp. Người tu hành hoặc người truyền đạo ngoài Phật giáo ra, lúc nào thích đáng cần phải tế độ, Ngài liền hiện thân tế độ. Có thái độ bao dung tín đồ tôn giáo khác này, có thể thấy sự vĩ đại của Phật giáo và Bồ-tát Quán Thế Âm. Tức là người dùng thân nhà Nho hay Mục sư để được độ, Bồ-tát Quán Thế Âm cũng có thể hiện nhà Nho hay Mục sư mà thuyết pháp.

BÀ-LA-MÔN, tiếng Phạn là Brahmana, dịch là Tịnh Hạnh. Đây là người tịnh hạnh cao quý, từ bỏ pháp ác. Họ học rộng biết nhiều, trong 4 dòng họ, là thuộc giai cấp tăng lữ học giả trên hết. Tự xưng là do Phạm Thiên thời thượng cổ sinh ra, là dòng tộc cao nhất, quyền uy của họ trên Sát-đế-lợi, cho là truyền thánh ý của chư thánh chư thần. Dòng tộc một đời tuân giữ giáo quy rất nghiêm khắc, đến khi đứng tuổi, đều phải học thông những kinh luận 4 bộ phệ-đà, 18 đại kinh. Đến tuổi 40, sợ đoạn dứt việc nối dõi tông đường, trở về nhà cưới vợ, sanh con nối dõi. Đến 50 tuổi, vào núi tu đạo. Dòng Bà-la-môn này chỉ có ở Ngũ Thiên Trúc, các nước khác không có.

Ưng dĩ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thân đắc độ giả, tức hiện Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thân nhi vị thuyết pháp.

TỲ-KHEO, là đàn ông xuất gia cạo đầu thọ đại giới cụ túc.

Tỳ-kheo là tăng chúng trong bốn chúng đệ tử của đức Phật. Tiếng Phạn chính xác nên đọc là Bí-sô, dịch là Khất sĩ. Ý nghĩa của Khất sĩ là trên theo Như Lai xin pháp để nuôi huệ mạng. Dưới đến người đời xin thức ăn để nuôi sắc thân nên gọi là Khất sĩ. Người ăn xin ở đời chỉ xin áo cơm không xin chánh pháp, không gọi là Khất sĩ. Lại theo nguyên ý của Tỳ-kheo mà giải thích thì có 6 nghĩa:

1- Bố ma: Xuất gia rồi, xác lập đạo tâm Bồ-đề, thì các ma sợ hãi.
2- Sát tặc: Đem tâm Bồ-tát tu đạo, có thể giết sạch giặc phiền não.
3- Khất sĩ: Trên xin pháp của chư Phật, dưới xin thức ăn của chúng sanh.
4- Ứng cúng: Bậc trên cầu Bồ-đề đáng thọ nhận 4 việc cúng dường của người tại gia.
5- Phá ác: Đạo đức xuất gia có thể giữ 10 cấm giới nặng của Tỳ-kheo, liền có thể phá các niệm ác trong tâm.
6- Vô sanh: Điều đã phá, không cho cảnh giới sanh trở lại.

TỲ-KHEO NI, là âm trại của Bí-sô Ni, dịch là Khất sĩ nữ. Đức Phật xuất gia thành đạo rồi, di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề phu nhân là người xuất gia đầu tiên.

ƯU-BÀ-TẮC, là nam chúng tại gia đệ tử của Phật thọ trì năm giới nương Phật đạo tu hành, dịch là Cận thiện nam, Cận túc nam, Cận sự nam, nghĩa là thân cận phụng sự Tam bảo. Hoa Nghiêm Sớ Sao giải thích là gần gũi Tỳ-kheo mà thừa sự.

ƯU-BÀ-DI, là đệ tử nữ tại gia thọ trì năm giới nương Phật tu hành, dịch là Cận thiện nữ, Thanh tịnh nữ, Cận sự nữ, cũng là nghĩa thân cận phụng sự Tam bảo. Hoa Nghiêm Sớ Sao giải thích là gần gũi Tỳ-kheo ni để thừa sự.

Hai hạng đệ tử Phật tại gia và xuất gia này, cần độ thoát thế nào, sẽ hiện thân như thế mà thuyết pháp.

Thời xưa, đời Lương Võ Đế, đại sư Đạt-ma từ Ấn Độ sang.

Võ Đế hỏi: “Cái gì là Thánh đế đệ nhất nghĩa?

Đại sư Đạt-ma đáp : “Rỗng rang không thánh!”

Võ Đế lại hỏi: “Đối diện trẫm là ai?”

Trả lời: “Không biết!”

Nhân vì lối hỏi đáp này không thể khế hợp căn cơ, đại sư Đạt-ma liền đi đến chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn. Sau Võ Đế quy y với hòa thượng Bảo Chí, bàn đến việc cũ này. Hòa thượng Chí Công mới nói: “Đạt-ma là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, truyền tâm ấn của Phật”.

Tại sao lại nói đại sư Đạt-ma là Bồ-tát Quán Thế Âm tái lai? Đây là chứng minh Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thân Tỳ-kheo thuyết pháp. Giống như chuyện này, Bồ-tát Quán Thế Âm hóa hiện Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà vì chúng sanh thuyết pháp, chẳng biết bao nhiêu mà kể!

Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la-môn, phụ nữ thân đắc độ giả, tức hiện phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp.

Nhiều người cho rằng Phật giáo không tôn trọng phụ nữ. Thuyết pháp kiểu này thật là lầm lẫn! Phật giáo chẳng qua chỉ dạy đàn ông tu hành, sợ có chỗ chướng ngại việc tu do đó nói “không nên gần gũi đàn bà”, chứ không hề có một điểm xem thường đàn bà.

Chính phụ nữ cũng có thể tu đến địa vị Phật, Bồ-tát. Lúc Phật còn tại thế, như phu nhân Thắng Man, đức Phật đã chấp nhận lời thuyết pháp của bà. Hiện tại trong Đại Tạng Kinh còn lưu giữ kinh Thắng Man.

Phu nhân Thắng Man là hóa thân của Phật Phổ Quang, nhưng cũng có thể xem bà là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Ở đây có trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la-môn, không nhất định phải câu nệ ở văn tự này, tất cả đàn bà tại gia, phụ nữ đã làm vợ người, phụ nữ sắp làm vợ người, người đã làm vợ người mà hiện tại ở góa, tất cả đều có thể gọi chung là đàn bà. Nếu bà ta hiện có đại từ bi, đại trí tuệ, đại dũng mãnh, là có thể xem là Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện thuyết pháp.

Kinh Ngọc Da nói: “Rời hẳn nhà mình, lấy nhà chồng làm nhà, cùng chồng khác thân mà đồng lòng, săn sóc cha mẹ chồng như săn sóc cha mẹ mình, tôn sùng kính cẩn, không có tâm kiêu mạn, khéo điều khiển việc nhà, có thể tiếp khách khứa, làm gia đình phong phú, làm rạng danh gia đình, đây là đạo của đàn bà.”

Phụ nữ đến nhà chồng mới hết đạo làm đàn bà, gọi là quy gia. Nhà của cha mẹ mình là nhà giả tạm thời, tiến đến nhà chồng, mới là trở về nhà chân chính.

Do đó phụ nữ và chồng trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la-môn đều cùng chung nêu ra.

Trong ba đức từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, thứ nhất là từ bi, nhân vì đạo của phụ nữ, tuy có nhiều thứ nhưng cái căn bản không ngoài từ bi.

Từ bi là cái trọng yếu nhất trong đức tính, Bồ-tát Quán Thế Âm hiện tướng nữ, chính là vì đức tính này, là đại biểu có khả năng nhất của nữ tánh. Vì thế trong nữ tánh nên lấy đây làm đệ nhất.

Nếu là nữ tánh mà thiếu đức tính này, nói tắt là không có giá trị của nữ tánh.

Phong khí gần đây, hiện tượng biểu hiện trên xã hội là cái gì? Nữ tánh phần nhiều thiếu đức tính từ bi này. Trong đó nhất là quan niệm về trinh tiết rất không được chú ý, chỉ vì tiền bạc, tất cả đều có thể không cần. Tư tưởng Âu Tây không lầm, nhưng toàn là nuốt trọng, cứ mô phỏng trên ngoại hình, trọn là điều nguy hiểm! Đức tính của phụ nữ sở dĩ sa đọa, đại khái chính là vì thế.

Hy vọng phụ nữ từ đây về sau, không thể không nuôi dưỡng đức tính tốt đẹp khiêm nhường. Đây không phải chỉ riêng phụ nữ, đàn ông cũng rất cần thiết. Nhưng khiêm nhường và nhút nhát không thể lẫn lộn. Hiểu lầm khiêm nhường mà thành nhút nhát, thì dễ thành khiếp nhược yếu hèn. Đây cũng là cái không đáng giữ.

Đức của nữ tánh nên chú ý nói năng hành động, rất trọng yếu, là đức tính tốt đẹp không thể thiếu.

Ưng dĩ đồng nam, đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp.

Đồng nam, đồng nữ, đây là con trai và con gái suốt đời không bị nhiễm ái dục, không nhất định chỉ riêng cho trẻ thơ. Đến 40, 50 tuổi, đàn ông không lấy vợ, đàn bà không lấy chồng đều có thể gọi là đồng nam, đồng nữ. Nhưng lối nói như thế, lại không bằng đem đồng nam đồng nữ rất gần sự thật ấu thơ ra nói tốt hơn. Chuyện hiện thân đồng nam đồng nữ mà độ những chúng sanh ngoan cố rất nhiều, rất nhiều.

Ngày xưa dưới thành Quảng Đảo nước An Nghệ, có một người tên Hồ Binh Vệ. Nhưng mọi người thích gọi ông là Phật Hồ Binh Vệ. Ông ta là một người đánh ngựa thồ, sống đời cùng khốn, nhân vì từ bi nên rất được người tôn kính.

Trước kia, ông vốn là một tên hung ác tham lam tà kiến. Mọi người ghê sợ ông ta như rắn độc, đều gọi ông ta là quỷ Hồ Binh Vệ. Vì sao mà Hồ Binh Vệ thậm chí bị gọi là quỷ, hiện tại lại có thể đổi gọi là Phật Hồ Binh Vệ? Việc này té ra có một đoạn đạo lý sau đây:

Hồ Binh Vệ đánh xe ngựa thồ, có lần bị bệnh, nằm giường rất lâu. Một đêm, vợ ông vỗ lưng người chồng bệnh mà nói:

- Vật có thể bán được đã bán sạch rồi. Bây giờ chẳng có lấy một đồng, không còn cách nào, ngày mai chắc tôi phải đi xin ăn!

Ông chồng nghe xong cũng rơi nước mắt, vợ chồng cùng than thở. Lúc ấy đứa con 8 tuổi tên Vạn Tạng nằm bên đang trùm mền vùng khóc ré lên.

- Vì sao khóc? Nằm mơ thấy gì hả? – Người mẹ hỏi con thơ của mình.

- Không! – Vạn Tạng đáp – Mẹ! Ngày mai con đi đánh xe ngựa thồ, mẹ đừng bắt con đi xin ăn!

Người mẹ chẳng biết con mình nghĩ gì trong lòng, sáng sớm ngày thứ hai, Vạn Tạng dẫn ngựa ra chuẩn bị đi. Vì là một đứa bé thấp lùn, không thể đặt yên lên lưng ngựa. Người mẹ thấy con có tâm thù thắng như thế cũng cảm động, nhân đây giúp con đặt yên, trong lòng một mặt lo lắng, một mặt cũng hối con đi. Hôm ấy không có việc gì xảy ra. Đến chiều, lúc trở về, chú cầm một chút tiền. Mỗi ngày cứ như thế đi làm.

Lại một hôm trời chiều, quỷ Hồ Binh Vệ lành bệnh, chạy đến chỗ mã phu tụ họp tìm việc, thấy Vạn Tạng cột ngựa ở đó ngồi khóc.

- Ủa! Vì sao cột ngựa ở đây mà khóc? Chẳng lẽ đau bụng hả? Mau lên một chút đi kiếm việc làm!

- Không! Con không phải đau bụng mà khóc, mà vì hôm nay họ chẳng cho con chở gì cả!

- Sao? Vậy mà khóc hả? Đây là việc thường có, có cách nào khác! Con ăn cơm chưa?

- Không ăn, vì không có việc làm, do đó đem cơm về cho cha mẹ.

- Ôi! Vậy sao? Không có việc thì không ăn cơm à!

- Dạ! Đúng vậy! – Vạn Tạng thật tình đáp.

Hồ Binh Vệ nghe xong rất cảm động và bội phục con mình.

- Con sanh trong nhà ta, một chút cơm là cái được ăn!

Hồ Binh Vệ nói xong, dẫn cậu về nhà. Vợ của Hồ Binh Vệ nghe xong rồi cũng rất buồn bực, liền nướng một mâm cá an ủi cậu. Vạn Tạng ăn cơm xong, không ăn cá.

- Ủa! Sao con không ăn cá? – Cha mẹ đều hỏi cậu thế.

- Vì con không muốn ăn, không biết vì sao. Chỉ nhớ trong nhà mình, quá khứ lúc cha mẹ không biết lạy cái gì, một chút cá thịt cũng không ăn, do đó con cũng không ăn.

Hồ Binh Vệ nghe xong cảm động nước mắt tuôn rơi, từ đó về sau, sửa đổi lòng dạ hung bạo thành Phật Hồ Binh Vệ.

Chú bé Vạn Tạng 8 tuổi này, thật có thể xem là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, tâm quỷ của Hồ Binh Vệ chuyển thành tâm Phật, chính là tà chánh nhất như, chỉ cách bề trong và bề ngoài của một trang giấy mà thôi.

Kế đó, nêu thêm hai sự kiện có thật thị hiện thân đồng nữ:

Cuối đời Mãn Thanh, chính là khoảng Minh Trị Đại Chính của Nhật Bản, Lục-áo Tông Quang được coi là nhà ngoại giao bậc nhất của Nhật Bản, lúc chiến tranh Trung Nhật kết thúc, chính phủ phái ông và Y Đằng Bác Văn đại biểu Nhật Bản cùng đại biểu Mãn Thanh Lý Hồng Chương đến Hạ Quan đàm phán giảng hòa. Lúc ấy cô con gái 17 tuổi của ông đang bệnh liệt giường, bất cứ ai nhìn thấy cũng đều cho là tiểu thư của ông bị bệnh bất trị. Tông Quang đã là đại thần của một nước, lại mang trách nhiệm đàm phán giảng hòa, đương nhiên chẳng thể vì việc riêng ở lại săn sóc con gái mà không lo việc đại sự quốc gia.

Thế là, Tông Quang với vài câu an ủi con gái. Lúc ông lên đường, nén đau gọi người trong nhà lại nói, cho dù có tai biến trọng đại nào cũng không cần báo cho ông.

Lại nói cuộc đàm phán giảng hòa sắp đến lúc ký tên đóng dấu, bỗng nét mặt Tông Quang có chút vẻ khó coi hiện ra, Y Đằng trông thấy rất lo, hỏi ông vì sao.

- Không có, không có gì!

Trong lòng Tông Quang dường như có điều khó nói. Y Đằng càng thêm nôn nóng hỏi dồn. Tông Quang đành kể thật:

- Thật là vì con gái tôi mang bệnh bất trị, nghe nói chúng ta đàm phán sắp xong, trong nhà mới nhắn tin con gái tôi cuối cùng không thể cứu được, trước khi lâm chung có một vấn đề muốn hỏi tôi. Nghĩ đến con gái yêu quý của mình đã biết bệnh mình không trị được, mong nói với tôi một lời, nhưng tôi thân mang trọng trách, hôm nay làm sao về được? Trong lòng phiền não dấy lên, đại khái là hiện lên mặt.

Y Đằng nghe xong rất thông cảm nói:

- Đã sắp ký tên đóng dấu rồi, anh có thể ủy thác cho tôi làm, mau về gặp mặt con gái cưng của anh đi.

Tông Quang vui mừng lên đường trở về.

Lại nói tiểu thư thấy cha về, hỏi cha:

- Cha ơi! Con đã biết không cứu được rồi, con sắp chết nhưng sau khi chết con sẽ đi về đâu?

Tông Quang tuy là một nhà chính trị lớn, vấn đề này lại không có cách trả lời. Ông nghĩ đến chính mình tại sao xưa nay không nghĩ đến chuyện này? Dùng sức mình tuy muốn kéo dài mạng sống của con một chút mà cũng không thể được. Nhưng đã là cha con, con gái hỏi sau khi chết đi đâu? Câu hỏi này đáp chẳng ra, như thế thật bi ai! Bây giờ phát giác điều này ngay nằm mộng cũng không nghĩ đến, lại không thể trả lời bậy bạ. Ông nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng nói thế này:

- Cha có thể chẳng biết nói đi đâu, nhưng mẹ con bất cứ việc gì, thậm chí đến sanh và tử cũng đều phó thác cho Bồ-tát Quán Thế Âm. Do đó, đây là điều chẳng lầm, hành tung của con nhất định có Bồ-tát Quán Thế Âm dẫn lối!

Con gái Tông Quang nghe cha nói có vẻ yên lòng chắp tay hướng Bồ-tát Quán Thế Âm rồi nhắm mắt qua đời.

Từ đây về sau, Tông Quang do động cơ này, quy y Phật giáo, thành một người tu hành vĩ đại. Về việc này, Tông Quang cho rằng Bồ-tát Quán Thế Âm hóa thân mở mắt tâm mê mờ cho ông, Tông Quang tin sâu như thế và đem nó công bố cho mọi người.

Lại có một chuyện liên quan đến tình hình này:

Ngày xưa ở chốn nọ có một cặp vợ chồng rất tham lam bỏn xẻn, trong nhà tài sản rất sung túc nhưng sự tình của công chúng xung quanh, họ keo kiệt không giúp ai được một đồng. Cùng người giao tế, bàn đến việc tốn tiền thì không đến nữa. Việc kiếm ra tiền thì chỉ sợ mình không đến trước được.

Dưới gối của vợ chồng này có một cô con gái, xem như con trai, họ thương yêu như ngọc quý trên tay. Tuy tham lam bỏn xẻn, nhưng ngược lại đối với con gái lại chiều chuộng mềm mỏng. Thật là thích gió có gió, thích mưa có mưa, bất cứ cái gì đều kiếm cách làm tròn ý nguyện của con, chẳng để con cảm thấy đau khổ tí nào trong cuộc sống. Họ cứ thế nuông chiều con gái.

Trên đời rốt cuộc việc không vừa lòng lại nhiều. Con gái nhỏ mắc bệnh nằm liệt giường, vì bệnh của ái nữ, họ tìm thầy thuốc cố nhiên khỏi cần nói, hễ việc gì làm được đều hết sức mà làm, chỉ cần làm được là làm, nhưng đều không kiến hiệu. Lúc thọ mạng sắp hết, đây là việc không cách vãn hồi, bây giờ cô gái nhỏ biết rằng chỉ còn đợi hơi thở cuối cùng. Vợ chồng keo kiệt thấy con mình sắp tắt thở bèn đến bên gối con nói:

- Con cần gì không? Bất cứ vật gì, chỉ cần con nói là cha mẹ sẽ mua cho con.

Cha cô nói thế, cô nương bé nhỏ nọ lập tức đặt cánh tay ốm yếu lên đầu gối cha:

- Cha mẹ nuôi nấng con không có việc gì không như ý con. Con vốn rất mãn nguyện, nhưng bây giờ lại có một ước muốn, chỉ cần việc này tròn đủ thì con chẳng mong gì nữa.

- Cái gì? Con hãy nói nghe! – Cha mẹ đều khẩn thiết hỏi cô.

- Như thế thì con nói đây! Lúc còn sống, tất cả của cải cha mẹ đều chịu cho con xài, bây giờ con sắp chết, có cách gì đem theo một chút tài sản đó không?
Bị câu hỏi này, vợ chồng biết rõ không thể mang đi, nhưng lại không thể đáp rõ ràng cho cô. Ngay lúc không biết đáp thế nào, vẻ mặt cô gái nằm trên giường dần dần biến đổi, cô tắt thở.

Đôi vợ chồng này nghĩ tới việc không đáp được vấn đề cuối cùng của con gái, trong lòng ôm lấy nỗi dày vò vô hạn. Họ rất áo não, vì sao quá khứ không chú ý đến việc này chút nào? Vì không chú ý đạo lý, do đó lúc con gái có yêu cầu sau cùng, đã khiến họ bó tay hết cách. Nếu như bình thường nghe một chút Phật pháp, lần này chẳng phải có thể giảng trước mặt con gái sao? Đáng hận quá khứ trong lòng chỉ nghĩ đến tiền, tiền, tích trữ tiền! Ngoài ra không biết gì cả, đây là việc rất đáng buồn! Từ đấy vợ chồng họ bèn phát tâm thăm viếng cao tăng học đạo, giống như được sanh lại lần nữa, sau đó trở thành một nhà đại từ thiện.

Cô nương nhỏ bé này chính là dùng thân đồng nữ thuyết pháp cho cha mẹ, đích xác có thể xem là hóa hiện của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Phẩm 27 trong kinh Pháp Hoa có ghi hai người là thái tử Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, khuyên cha mẹ tiến vào Phật đạo, dùng đồng nam đồng nữ làm duyên, khiến cha mẹ phát tâm Bồ-đề, điều này kể ra không ít.

[ Quay lại ]