headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỢI ÍCH HIỂN - ANH LẠC CÚNG DƯỜNG

 Thị cố nhữ đẳng ưng đương nhất tâm cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát, thị Quán Thế Âm Bồ-tát ma-ha-tát, ư bố úy cấp nạn chi trung. Năng thí vô úy, thị cố thử Ta-bà thế giới, giai hiệu chi vi thí vô úy giả.

 

THỊ CỐ, là THẾ NÊN, là lời nương đoạn trên bắt đầu đoạn dưới, Bồ-tát Quán Thế Âm vì có các thứ công đức như trên, do đó đức Phật khuyên chúng sanh nên một lòng cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm. Cái NHẤT TÂM (một lòng) này như trước đã nói rất là quan trọng.

Nếu như không NHẤT TÂM thì tinh thần tản mạn, chẳng thể được mười phần công đức của Bồ-tát. Tâm nếu chuyên ý thì tinh thần tập trung, cần gì ứng nấy.
Cái NHẤT TÂM này chính là tâm của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu như miệng thường niệm thánh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, ý thường suy nghĩ từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, thân thường có đủ thành ý cung kính lễ bái, thì ba nghiệp thân miệng ý của chúng ta cùng với ba nghiệp thân miệng ý của Bồ-tát Quán Thế Âm nhất trí. Đó là gọi Bồ-tát Quán Thế Âm trong tâm chúng ta dậy. Tâm chúng ta và tâm Bồ-tát Quán Thế Âm hợp nhất, đem tâm này để cúng dường.

CÚNG DƯỜNG, là cung cấp giúp nuôi dưỡng. Mặt này bao hàm nhiều cách, đây muốn nói đến ba nghiệp cúng dường. Pháp Hoa Văn Cú nói: “Thân nghiệp cúng dường là lễ bái, khẩu nghiệp cúng dường là xưng tán, ý nghiệp cúng dường là quán tưởng tướng tốt”. Trong kinh Đại Đồng lại chia ra lý cúng dường và sự cúng dường. Hiểu lý mà chứng nhập gọi là lý cúng dường. Cúng hương hoa quả phẩm… gọi là sự cúng dường. Lý và sự, sự và lý, viên dung vô ngại. Nếu như tâm hội được lý, thì thân hiện sự. Nếu như thân hiện sự thì tâm hội lý. Lý và sự nhất trí, tâm và thân nhất như, mới đủ nghĩa thành ý cung kính.

QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT MA-HA-TÁT : MA-HA là lớn, do đó còn gọi Bồ-tát Quán Thế Âm là Đại Bồ-tát.

BỐ ÚY, là sợ sệt khủng khiếp.

CẤP NẠN, là một loại khó khăn rất khó ứng phó. Nếu như lúc chúng ta ở chỗ sợ hãi, bị giam hãm chỗ khó khăn, dưới trạng thái tới lui đều cùng đường, Bồ-tát Quán Thế Âm này sẽ có thể ban cho chúng ta sự không sợ hãi. Do đó ở thế giới Ta-bà này, sợ hãi bí lối đầy dẫy trong đây. Trong thế giới sợ hãi quá nhiều này, khiến chúng ta được một chút an tâm đều là do Bồ-tát Quán Thế Âm ban cho. Trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con lại dùng cái nghe này huân văn - tu, Kim Cang tam-muội, Vô tác diệu lực, cùng tất cả chúng sanh trong sáu đường thuộc ba đời ở khắp mười phương đồng bi ngưỡng, khiến các chúng sanh ở thân tâm con được 14 loại công đức vô úy.

Trong 14 loại vô úy này, loại trọng yếu nhất lại là dùng đức đại trí tuệ, đại từ bi, đại dũng mãnh làm tất cả việc. Nếu có thể như thế, tức đã có thể thư thái chẳng sợ.

Nếu dùng trí tuệ, hiểu được đạo lý thật tướng của các pháp. Trên từ bi, có bác ái, mình người bình đẳng. Trên dũng mãnh có tinh thần chiến thắng bất cứ khó khăn nào. Có sự giác ngộ này, trên thế gian chẳng còn sợ hãi nữa. Bồ-tát Quán Thế Âm có thể khiến chúng sanh đến được an định này, nên gọi là “Thí vô úy”.

Phật giáo nói bố thí chia làm 3 loại :

1- Tài thí: Ban cho vật chất có hình tướng.

2- Pháp thí: Ban cho chân lý vô hình.

3- Vô úy thí: Khiến cho trên vật chất, trên tinh thần được an tâm không sợ sệt.

Bất kể tài thí, pháp thí đều không thể rời vô úy mà đạt được mục đích.

Bồ-tát Quán Thế Âm dùng vô úy này bố thí, có thể khiến chúng ta an thân lập mạng, nên ở đây phải nhất tâm cúng dường.

Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Ngã kim đương cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát”, tức giải cảnh chúng bảo châu anh lạc giá trị bách thiên lượng kim, nhi dĩ dữ chi, tác thị ngôn: “Nhân giả! Thọ thử pháp khí trân bảo anh lạc.”

Bồ-tát Vô Tận Ý nghe công đức rộng lớn của Bồ-tát Quán Thế Âm như trên đã nói, nhân đây bạch với đức Phật: “Con muốn cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm”. Nói xong, bèn cởi anh lạc giá trị cao quý có gắn bảo thạch dâng lên Bồ-tát Quán Thế Âm, và thưa rằng: “Nhân giả! Mong Ngài nhận món pháp thí này!”.

ANH LẠC, là vật trang sức làm đẹp thân của Ấn Độ. Trên đầu gọi là ANH, trên thân gọi là LẠC. Phẩm chất y theo thân phận mà có nhiều loại khác nhau. Căn cứ phong tục này, Phật Bồ-tát cũng dùng nó để trang nghiêm.

Nhưng theo lý của đoạn văn kinh này mà quan sát, hoàn toàn không phải là chỉ bảo thạch bằng vàng bạc chạm trổ hữu hình, Bồ-tát Vô Tận Ý nhiều kiếp tích lũy công đức vô tận, anh lạc trang điểm trên thân Bồ-tát chẳng qua là lấy để ví dụ mà thôi.

Do đó, Bồ-tát Vô Tận Ý đem anh lạc dâng cho Bồ-tát Quán Thế Âm đều không phải tài thí hữu hình, mà là pháp thí vô hình, nên trong kinh gọi là pháp thí, trân bảo anh lạc trong kinh thường lấy anh lạc dụ cho công đức. Kinh Bổn Nghiệp Anh Lạc nói: “Ánh sáng là trăm vạn a-tăng-kỳ công đức, anh lạc là ánh sáng, trang điểm thân Phật.”

Lại nói: “Tất cả Bồ-tát, dùng anh lạc công đức, trang nghiêm hai loại pháp thân của Bồ-tát”.

Hai loại pháp thân tức là lý pháp thân và trí pháp thân. Trí pháp thân là giác ngộ nương sức tu hành mà mài luyện ra. Lý pháp thân là đức tánh của chân như sẵn có đầy đủ xưa nay. Đức của chân như tuy người người vốn có, chẳng ai không có, nhưng không tu trì thì không thể chứng được. Cái đạt được do nương tánh khởi tu là trí pháp thân.

Lý pháp thân xưa nay là giác, tức là Bản giác, nhưng ánh sáng của Bản giác ẩn dấu, nếu dùng sức tu hành tức được Thủy giác. Trí pháp thân tức là Thủy giác đạt được. Nhưng nếu chứng giác đến chỗ Thủy và Bổn không hai, lý và trí nhất như, hai loại pháp thân này bèn hợp làm một. Hiện tại Vô Tận Ý đại biểu trí tuệ vô tận, Quán Thế Âm hiển thị từ bi rộng lớn, do đó đem công đức của phương tiện trí tuệ tích tụ vô tận, lại hiển hiện cúng dường cho từ bi quảng đại vô biên. Cũng chính là dùng trí tuệ của Vô Tận Ý cấp cho Quán Thế Âm đại từ bi.

NHÂN GIẢ, là người muôn hạnh đại bi, tức là Bồ-tát. Chỗ này chỉ ngài Quán Thế Âm.

Một tiết Vô Tận Ý đem anh lạc cúng dường, kinh Duy Ma là chú cước bộ Phổ Môn Phẩm này. Giải thoát không nghĩ bàn của Duy-ma chính là sức diệu trí của Quán Thế Âm, Duy-ma-cật chính là Quán Thế Âm hiện thân cư sĩ thuyết pháp. Tiết này cùng lúc cuối của phẩm Bồ Tát thứ tư của kinh Duy-ma, trưởng giả Thiện Đức đem anh lạc tặng cư sĩ Duy-ma, hoàn toàn giống nhau.

Một chương Thiện Đức trong kinh Duy-ma, Duy-ma-cật là đối thủ của trưởng giả Thiện Đức. Có lần trong nhà trưởng giả Thiện Đức bày 7 hội bố thí cúng dường tất cả Sa-môn, Bà-la-môn và các ngoại đạo, người nghèo, thấp hèn, cô độc, ăn mày, đây là tài thí. Duy-ma liền hướng trưởng giả Thiện Đức khai thị rộng lớn về lợi ích pháp thí. Trưởng giả Thiện Đức nghe xong sanh tâm thanh tịnh, hoan hỷ vô lượng, liền cởi anh lạc bảo châu giá trị trăm ngàn lạng vàng dâng cho Duy-ma, biểu thị lợi ích lớn do lìa tài dục, ưa thích pháp thí.

Trong bộ Phổ Môn Phẩm này, một tiết Vô Tận Ý cúng dường, Bồ-tát Quán Thế Âm mở cửa đại bi, để dạy pháp thí lớn, do đó Vô Tận Ý bèn sanh lòng cảm tạ, đem anh lạc bảo châu hữu hình của chính mình, dâng Quán Thế Âm. Anh lạc này như mặt trước đã nói, nên xem là công đức tích lũy.

Thời Quán Thế Âm Bồ-tát bất khẳng thọ chi. Vô Tận Ý phục bạch Quán Thế Âm Bồ-tát ngôn: “Nhân giả! Mẫn ngã đẳng cố, thọ thử anh lạc.”

Bồ-tát Vô Tận Ý thành tâm thành ý đặc biệt đem anh lạc tặng cho Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Quán Thế Âm chẳng chịu tiếp nhận, vì sao mà không chịu nhận? Vì cái người thường mong muốn là tài vật, là danh dự, ở đây Bồ-tát Quán Thế Âm không chịu nhận, một mặt là biểu thị không tham của báu này, tất yếu là Bồ-tát Quán Thế Âm thật không có cầu. Từ phương diện Bồ-tát Quán Thế Âm mà nhìn, Ngài có đủ công đức vô lượng vô biên, công đức của anh lạc ấy sớm đã nghiêm sức thân mình. Ở phương diện con người mà nhìn, bất cứ ai cũng đều có giữ báu Phật tánh vô giá, hoàn toàn không có cái gì cho và nhận để nói. Trên cảnh giới bình đẳng tuyệt đối mà xem thì không có ghét yêu lấy bỏ tương đối nào để nói. Vì để bày rõ lý này, do đó chẳng chịu tiếp nhận.

Nhân đây Bồ-tát Vô Tận Ý lại dâng lên nói: “Vì thương xót chúng con, xin thỉnh Ngài tiếp nhận cho!”. Trên cảnh tương đối phân biệt ta và người mà nhìn, Bồ-tát Quán Thế Âm chẳng cần cũng chưa thể biết, nhưng vì thương xót tất cả chúng sanh lại thỉnh Ngài nhận, Ngài cũng nhân đây mới chịu tiếp nhận.

Giáo nghĩa của Phật giáo, là phá trừ cái có sai biệt tương đối, là Giả đế (tức mặt nhân duyên sanh ra), từ giả đế mà tiến vào Không đế (tức mặt bình đẳng tuyệt đối), lại từ Không đế đó tiến vào Trung đế – thật tướng của các pháp. Từ “có” tiến đến “không” là cửa Trí tuệ, từ “không” vào “có” là cửa Từ bi. Do trí tuệ, không nhận cái này. Do vì sự thỉnh cầu khẩn thiết của chúng sanh mà nhận, là hiển thị từ bi.

Nhĩ thời Phật cáo Quán Thế Âm Bồ-tát: “Đương mẫn thử Vô Tận Ý Bồ-tát, cập Tứ chúng, Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân phi nhân đẳng cố, thọ thị anh lạc.” Tức thời Quán Thế Âm Bồ-tát, mẫn chư tứ chúng, cập dữ Thiên long nhân phi nhân đẳng, thọ kỳ anh lạc, phân tác nhị phần: nhất phần phụng Thích-ca mâu-ni, nhất phần phụng Đa Bảo Phật tháp.

Vào lúc này, Phật bảo Bồ-tát Quán Thế Âm: “Nên thương xót Bồ-tát Vô Tận Ý, và bốn chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân… nhận anh lạc này.”

Bốn chúng tức là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Trời, Rồng… là tám bộ chúng, trước đã nói qua, đây không nói lại nữa.

Tóm lại, đó là Quán Thế Âm vì lợi mình mà không nhận một vật. Vì chúng sanh, vì lợi người lại không được từ chối, do đó đành nhận nó. Rồi lại chia làm hai : Một phần dâng cho Phật Thích-ca Mâu-ni, một phần dâng tháp Phật Đa Bảo. Vậy tháp Phật Đa Bảo này là nói cái gì? Trong phẩm Hiện Bảo Tháp thứ mười của kinh Pháp Hoa, nói từ đại địa vọt lên tháp Phật Đa Bảo, trong đó có Phật tên Đa Bảo.

Tháp Phật Đa Bảo này là pháp thân Phật, bản thể vũ trụ được nhân cách hóa, cũng tức là lý thể. Phật Thích-ca Mâu-ni thể đắc được lý thể này mà hiện sự tướng, do đó một là lý Phật, một là sự Phật. Về nguyên nhân chứng đắc ấy, một là đoạn diệt tất cả phiền não mà tiến nhập Niết-bàn, kế đó là viên mãn nhất thiết chủng trí mà thành tựu Bồ-đề. Theo hai nghĩa sự lý mà nhìn, tháp Phật Đa Bảo là lý Phật của Pháp thân, tức là lý thân của Bản giác. Phật Thích-ca Mâu-ni là sự Phật của Báo thân, tức là trí thân của thủy giác.

Tuy có thể giải thích như thế, nhưng trên thực tế, sự lý là cái không thể chia làm hai, đây là trong thực tướng các pháp viên dung, có chân lý trung đạo. Rõ ràng điều này thì vũ trụ quan là như sau:

Vũ Trụ
 


Hiện tượng
|
Hữu hạn
|
Sai biệt
|
Giả đế
|
Sự
 

Bản thể
|
Vô hạn
|
Bình đẳng
|
Không đế
|

Viên Dung
(Trung đế )
 

Đối với Phật mà nói, có thể xem như sau:

Thân Phật
 


Báo thân
|
Trí thân
|
Sự Phật
|
Phật Thích ca Mâu Ni

 

Pháp thân
|
Lý thân
|
Lý Phật
|
Tháp Phật Đa Bảo 

 

Thầm hợp
 

Như trước đã nói lúc thân Phật chia làm ba thân, Phật Thích-ca Mâu-ni là Ứng thân, bây giờ nói Phật Thích-ca Mâu-ni là Báo thân, chẳng khỏi khiến người hoài nghi. Đây vì ứng hiện ở thế giới Ta-bà, khiến Phổ Môn lợi ích chính là Bồ-tát Quán Thế Âm, do đó có thể xem là ngoài thể và tướng có thêm dụng:
 


Thể
 

TướngDụng

|
Pháp thân
|
Tháp Phậ Đa Bảo

 

|
Báo thân
|
Phật Thích ca Mâu Ni

|
Ứng thân
|
Bồ tát Quán Thế Âm

Hiện tại anh lạc chia làm 2 phần: Một phần dâng tháp Phật Đa Bảo, một dâng Thích-ca Mâu-ni. Bồ-tát Quán Thế Âm là Ứng thân này đem anh lạc dâng cho lý Phật pháp thân, sự Phật báo thân, để biểu thị 3 thân 1 thể, có thể giải thích như thế.

Ở đây có một nghi vấn: Bồ-tát Quán Thế Âm vì bốn chúng tám bộ mà nhận, cần phải chia ra cho bốn chúng tám bộ mới đúng, sao lại đem dâng tháp Phật Đa Bảo và Phật Thích-ca? Phải biết đây đã là vì bốn chúng tám bộ mà nhận, chỉ nhân vì muốn bốn chúng tám bộ thảy đều ngộ nhập lý ba thân tức một, do đó mới chia thành hai phần, từ tay Bồ-tát Quán Thế Âm ứng thân dâng lên tháp Phật Đa bảo pháp thân và Phật Thích-ca Mâu-ni báo thân. Đây tức là tam thân nhất như, không chia kia đây. Từ đồng một tâm Phật này mà nói, trên tâm của chúng ta bèn hiện có ba thân này. Do đó đại sư Lâm Tế nói: “Ánh sáng thanh tịnh trên một niệm của ông là Phật pháp thân trong nhà ông. Ánh sáng không sai biệt trên một niệm tâm của ông là Phật báo thân trong nhà ông. Ánh sáng sai biệt trên một niệm tâm của ông là Phật hóa thân trong nhà ông.”

Ánh sáng thanh tịnh là lý Bản giác bình đẳng. Chúng sanh chúng ta nhân vọng chấp sai biệt mà mờ lý này, không thể chứng được cảnh giới ấy. Trí bình đẳng phá vỡ sai biệt này là ánh sáng không sai biệt. Ánh sáng không sai biệt này lại ở trên tâm bình đẳng, xét xem trở lại sai biệt của chúng sanh mà ứng cơ giáo hóa, là ánh sáng sai biệt. Nhân đây, ánh sáng sai biệt là từ bi, ánh sáng không sai biệt là trí tuệ, do đây mà có thể thành tựu đức của pháp thân.

Tâm, ví như một mặt gương xưa nay có đủ ánh sáng, đây chính là ánh sáng thanh tịnh của Pháp thân. Nhưng nhân vì chúng sanh có tro bụi vô minh phiền não che lấp ánh sáng vốn có của gương. Do đó cần dùng trí tuệ tu hành phủi đi tro bụi kia, cho đến không còn một chút tối tăm, tức là ánh sáng không sai biệt của Báo thân. Nhưng, chỉ có ánh sáng mà không dùng thì cái gương này cần để làm gì? Do đó cái gương cần ánh hiện sai biệt của sum la vạn tượng mới có đủ công dụng của gương. Đây chính là ánh sáng sai biệt của Ứng thân (còn gọi là Hóa thân). Trên, chân không vô sai biệt, có diệu hữu sai biệt. Đây, gọi là “chân không diệu hữu”. Chân không diệu hữu này, chính là trí tuệ của Bồ-tát Quán Thế Âm, chính là từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát, hữu như thị thần lực, du ư Ta-bà thế giới.

Đức Phật giảng đến đây lại kêu Bồ-tát Vô Tận Ý – người thưa hỏi – mà bảo với Ngài, Bồ-tát Quán Thế Âm dùng thần lực tự do tự tại không thể nghĩ bàn như trên đã nói mà dạo chơi ở thế giới Ta-bà này. Dùng chữ DU (dạo chơi) của câu “Dạo chơi ở thế giới Ta-bà này” để tóm kết, lại rất có ý nghĩa.

Chúng sanh chúng ta ở thế gian lúc hành từ bi, trọn có chút phần miễn cưỡng, chẳng thể nói dạo thế giới một cách thảnh thơi. Nhưng Bồ-tát lúc hành từ bi, xả bỏ tất cả báo thù, chỉ có hoan hỉ, không có miễn cưỡng, Bồ-tát vui với công tác vì đời vì người. Do đó dùng chữ “dạo chơi” này là thích đáng không gì hơn.
Trên là giảng xong phần trường hàng thể tản văn. Sau, giảng đến phần kệ tụng thể văn vần. Nhìn chung thì kệ tụng đều là lặp lại văn trường hàng.

[ Quay lại ]