headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỢI ÍCH HIỂN - BA MƯƠI BA THÂN (tiếp theo)

 III. THÂN BÁT BỘ, THÂN CHẤP KIM CANG

Ưng dĩ Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, nhân, phi nhân đẳng thân đắc độ giả, tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp.

Phần trước là thuyết pháp cho người, từ đây là hiện thân thuyết pháp cho Long Ca-la Bộ. Thiên long bát bộ còn gọi là Bát bộ long thần, vì Thiên long đứng đầu trong 8 bộ chúng. 8 bộ là:


1- Trời, 2- Rồng, 3- Dạ-xoa. 4- Càn-thát-bà, 5- A-tu-la, 6- Ca-lâu-la, 7- Khẩn-na-la, 8- Ma-hầu-la-già.

Bây giờ giải thích từng bộ như sau:

1. TRỜI, là dịch âm của chữ Đề-bà, có 6 trời cõi Dục và các trời cõi Sắc và Vô sắc.

Pháp Hoa Luận nói: “Thanh tịnh trong sáng, tối tôn tối thắng nên gọi là trời. Đây là gọi chung các Thiên bộ cõi vui ngoài Đế Thích, Tự Tại Thiên, Tỳ sa môn thiên ra.

2. RỒNG, tiếng Phạn là Na-già, là vua của loài cầm thú dưới nước. Thân rồng ẩn hiện tự tại khắp nơi. Kinh Pháp Hoa có kể tên 8 vua rồng lớn.

3. DẠ XOA, là quỷ mạnh mẽ, quỷ bạo ác, loài quỷ có thể phi hành trên hư không.

4. CÀN-THÁT-BÀ, Tiếng Phạn là Ngạn-thát-phược, dịch thành nhiều thứ không đồng: Tầm hương, Thực hương, Khướu hương, Hương thần. Vì dùng mùi thơm làm thức ăn, tấu kỹ nhạc hầu Đế Thích, thường ở phía Nam núi Tu-di, trong hang Kim Cang, có thể phi hành trên hư không.

5. A-TU-LA, chánh âm nên đọc là A-tố-lạc, dịch là phi thiên, quả báo của họ giống như trời mà không phải trời. Đây là một loại quỷ thần, cũng dịch là không đoan chính. Đàn ông thì xấu, đàn bà đẹp đẽ. Còn dịch là không rượu, vì đời trước thích rượu mà không thể tùy thuận ý mình, nên giữ giới không uống rượu. A-tu-la, rất nhiều nơi gọi tắt là Tu-la.

Tu-la đời trước tuy cũng tu Ngũ giới, Thập thiện, nhưng họ có tâm ngã mạn lấn lướt người khác, niệm đố kỵ rất mạnh, sau khi chết liền thành A-tu-la, hay ganh ghét với trời Đao Lợi, nên thường hay chiến đấu, thường chịu khổ vạc đồng, kiếm kích…

Người thế tục dễ dàng nổi giận gọi là bị lửa giận Tu-la thiêu đốt, là từ đây mà ra. Tu-la không nhất đđịnh ở trên trời, loài người khắp nơi đều có Tu-la.

6. CA-LÂU-LA, là một quái điểu trong thần thoại Ấn Độ, âm tiếng Phạn là Yết-lộ-trà, dịch là Chim cánh vàng hay Diêu xí điểu, còn gọi là Ca-lâu-la vương, tức là vua các loài chim ở trong Đại Thiết Thọ phương bắc núi Tu-di, lông cánh màu vàng, hai đầu cánh cách nhau 336 dặm. Ngày ngày đi tuần 4 thiên hạ ở núi Tu-di, bắt rồng mà ăn. Trên đầu có đeo châu như ý, thường phun lửa mạnh, do đó còn có tên là Ca-lâu-la viêm.

7. KHẨN-NA-LA, chính âm tiếng Phạn là Kililmara, dịch là Nghi nhân hay Nghi thần vì hình người mà trên đầu có một sừng, người trông thấy thường nghi là giống như người hay không phải người, nên có tên này, là nhạc thần của Đế Thích, hay dùng ca múa hầu hạ Đế Thích, hình dáng hơi giống thân người đầu ngựa, thân chim đầu người.

8. MA-HẦU-LA-GIÀ, chính âm là Mâu-trá-lạc-ca, dịch là Đại Phúc Hành hay Mãng thần, là hình người đầu rắn.

Tám bộ trời rồng đã nói như trên. Những bộ này xưa nay đều xuất phát từ thần thoại Ấn Độ. Vì người Ấn Độ trước khi Phật ra đời, đều lấy những vị này làm đối tượng thờ phượng. Do đó, sau khi Phật thành đạo, quán căn cơ để thuyết pháp, tùy duyên nhiếp hóa, tất cả ác ma, thần, quỷ, tướng trời v.v… trong Phật giáo đều dung nhiếp hết, để ban cho họ cơ hội tiến vào đại đạo chân chính.

Câu NHÂN PHI NHÂN ĐẲNG là gọi chung 8 chúng này. Trong 8 bộ chúng, có chúng giống người mà lại không phải là người như Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già. Có chúng hoàn toàn không phải người như rồng… do đó nói “Người và không phải người v.v…

Những gì trên đã nói, chính là hiển thị núi sông đất đai, hữu tình vô tình, bất kể là vật gì đều là đối tượng để Bồ-tát Quán Thế Âm Phổ Môn thị hiện giáo hóa.

Ưng dĩ Chấp Kim Cang thần đắc độ giả, tức hiện Chấp Kim Cang thần nhi vị thuyết pháp.

Chấp Kim Cang thần, tiếng Phạn là Bạt-xà-la ba-nị. Bạt-xà-la dịch là Kim Cang, Ba-nị dịch là Thủ (tay). Vì tay cầm chày Kim Cang, do đó gọi là Chấp Kim Cang thần hoặc gọi là Kim Cang Mật Tích Thiên, Kim Cang Thủ, Kim Cang Lực Sĩ… vì thống lãnh 500 Dạ-xoa, do đó còn gọi Kim Cang Dạ-xoa.

Đây có thể gọi là thần thủ hộ Phật giáo. Ở bên cửa lớn của chùa chiền có thờ hai vị vua, bên phải là Kim Cang thần, bên trái là Mật Tích Lực Sĩ. Mặt phải biểu thị thiện, mặt trái biểu thị sự đoạn hoặc. Do đó mặt phải mở miệng thành chữ “A”, mặt trái ngậm miệng thành chữ Hống. Đây gọi là hai tướng A Hống. Kỳ thực là một vua biến hóa, hai vua thực tại là một thể.

Nói tóm lại, ý Bồ-tát Quán Thế Âm hiện tướng vị thần này mà thuyết pháp. Kim Cang là kiên cố, nếu như dùng sự kiên cố này đoạn trừ lậu hoặc sanh thiện thì tinh thần nhất trí, việc gì chẳng thành? Mặc cho khó khăn thế nào, sức kiên cố kim cang cũng phá tan được.

Chấp Kim Cang chỉ là biểu hiện nhân cách kiên nhẫn khó lay chuyển.

33 thân và 19 thuyết pháp nổi tiếng của Quán Thế Âm đến đây là xong.

33 thân từ hiện thân Phật thứ nhất đến hiện thân thần Chấp Kim Cang cuối cùng, có 33 thân chia làm 19 lần thuyết pháp. Kỳ thực, theo lý mà giảng thì chẳng hạn cuộc ở 33 thân. 33 thân là chỉ ý vô tận. 33 thân, 19 thuyết pháp.

Như trước đã nói, 33 thân không phải chỉ chỉ cho 33 thân này mà chỉ cho số nhiều (vô tận). Chúng ta có thể xem tất cả sự tướng trong vũ trụ, những gì có thể khai phát chúng ta sanh tâm đại từ bi, đại trí tuệ, đại dũng mãnh, đều là thị hiện của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Vô Tận Ý! Thị Quán Thế Âm Bồ-tát, thành tựu như thị công đức. Dĩ chủng chủng hình, du chư quốc độ, độ thoát chúng sanh.

Trước, từ hiện thân Phật đến hiện thân thần Chấp Kim Cang là thị hiện sự hiện thân mỗi mỗi chẳng đồng của Bồ-tát Quán Thế Âm, đó gọi là đáp riêng, đoạn này là đáp chung. Đức Phật đáp chung rằng: “Vô Tận Ý! Bồ-tát Quán Thế Âm thành tựu công đức lớn như mặt trước thị hiện, hiện các thứ thân hình, dạo các thế giới mười phương, độ thoát tất cả chúng sanh”.

33 thân là thị hiện số vô lượng. Đến một câu DĨ CHỦNG CHỦNG HÌNH (dùng các thứ thân hình) trong đoạn văn này cũng có thể thấy rõ.

Xưa nay, bản địa của Bồ-tát Quán Thế Âm đã sớm là Phật Chánh Pháp Minh, pháp thân trùm khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Quán Thế Âm vốn đã sớm thành Phật, ứng với niệm của chúng sanh, phân thân hóa hiện, vì là xứ xứ thân do đó xứ xứ hiện, giống như một vầng trăng sáng trên bầu trời, muôn sông muôn hiện. Đây là nói không những là 33 thân, không những là 19 thuyết pháp, Bồ-tát Quán Thế Âm còn có thể hiện mấy ngàn mấy trăm ức muôn thân, có thể thuyết mấy ngàn mấy trăm ức muôn pháp. Kinh Kim Quang Minh nói: “Chân pháp của Phật, giống như hư không, ứng vật hiện hình, như mặt trăng trong nước”.

Đây chính gọi là “dùng các thứ thân hình, dạo các cõi nước, độ thoát chúng sanh”.

[ Quay lại ]