PHẨM PHỔ MÔN - KỆ TỤNG
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 23 Tháng mười 2009 13:57
- Viết bởi nguyen
3. Năng Cứu Thế Gian Khổ
Chúng sanh bị khổn ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm diệu trí lực
Năng cứu thế gian khổ.
Ở trên là khai 7 nạn thành 12 nạn mà nói lại. Dưới đây sẽ bao quát 3 độc 2 cầu nói chung.
12 nạn nói trên là nói tai nạn từ ngoài đến bức bách, còn từ trong sanh ra là ba độc hai cầu. Gom chung lại nên nói: “Chúng sanh bị khổn ách, vô lượng khổ bức thân”. Khổ của chúng sanh thật là vô lượng vô biên, nhưng căn bản những khổ đó thì là ba độc tham sân si.
Trong Phật giáo, chúng sanh là nhân ba độc mà được tên, do đó trừ ngoài Phật ra là Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn vẫn có ba độc phiền não vi tế, còn tệ hại nhất là chúng sanh trong sáu đường.
Trong sáu đường, sân giận nặng nhất là địa ngục. Tham dục nặng nhất là ngạ quỷ. Ngu si nặng nhất là súc sanh. Sân giận nhẹ hơn là Tu-la. Tham dục nhẹ hơn là loài người. Ngu si nhẹ hơn là cõi trời. Đây là phân loại trên tinh thần. Chúng ta tuy nói tham dục ít hơn ngạ quỷ, nhưng nhân tham dục mà dẫn khởi, thống khổ lại như cát sông Hằng. Trong thống khổ như cát sông Hằng, nhất là vì bốn khổ sanh-già-bệnh-chết và sự bi ai của yêu phải xa lìa, sự phiền não của ghét bỏ phải găp gỡ, sự sầu muộn của cầu mà chẳng được, sự lừng lẫy của năm ấm làm khổ hại chúng ta. Do đó nói thế gian này như một biển khổ lớn.
Nhưng sức diệu trí của Quán Âm có thể cứu cái khổ của thế gian này. Cái gì là sức diệu trí của Quán Âm? DIỆU là không thể nghĩ bàn, do đó có thể nói là sức đại trí huệ mà phàm phu chúng ta không thể nghĩ bàn.
Sức trí huệ này có thể nhổ gốc rễ ba độc, có thể cho chúng ta an lạc. Chúng ta chịu khổ do nguyên nhân nào? Nguyên nhân này chính là khởi ba nghiệp thân miệng ý. Nghiệp gây khổ lại từ đâu đến? Đó là vì con mắt trí huệ bị che mờ, không thể biết đạo lý chân thật là từ hoặc sanh ra. Muốn đoạn hoặc chứng chân thì đầu tiên nên không muốn tạo nghiệp cảm khổ. Không tạo nghiệp thì không có buồn lo khổ não. Do đó trong bài văn niệm lúc sám hối có câu:
Ngày xưa đã tạo bao ác nghiệp
Đều do vô thỉ tham sân si
Từ thân miệng ý phát sanh ra
Tất cả nay con đều sám hối.
Căn bản của tham sân si là hoặc, hoặc là nền ở vô minh, nhân vì có vô minh, do đó mê mờ lý thực tướng của các pháp. Vì từ mê vào mê, nên khởi ba độc tham sân si. Đoạn trừ hoặc căn bản này mà chứng chân lý, là từ mặt tri thức ra tay phụ thêm vào sự tu trì. Bồ-tát Quán Thế Âm dùng sức diệu trí cứu khổ thế gian, là từ bi ở mặt tình cảm thêm vào trí tuệ.
Bồ-tát Quán Thế Âm dùng sức diệu trí này mà hành từ bi, cứu tất cả khổ của thế gian. Mười hai nạn đã giảng ở trên là từ ngoài đến, gọi là nghiệp ngoài. Cứu những khổ này gọi là giải thoát nghiệp ngoài. Bốn câu tụng này là cứu các nghiệp ác từ trong sanh ra nhân tham sân si mà tạo. Đây có thể xem là thị hiện giải thoát nghiệp trong.
4. Tam Nghiệp Tán Thán
Cụ túc thần thông lực
Quảng tu trí phương tiện
Thập phương chư quốc độ
Vô sát bất hiện thân
Chủng chủng chư ác thú
Địa ngục quỷ súc sanh
Sanh lão bệnh tử khổ
Dĩ tiệm tất linh diệt.
Đây là nói chung về 33 thân. Ở trên đã giảng về sức diệu trí có thể cứu khổ thế gian, sức diệu trí này là thể. Ứng dụng diệu trí này thành sức thần thông, đây là dụng. Các cõi nước ở mười phương, không cõi nào chẳng hiện thân, đây là tướng.
Diệu trí như ánh sáng của gương, sức thần thông như những cái bóng của sum la vạn tượng hiện rõ trong gương, do đó Quán Âm không rời thể-tướng-dụng mà có thể được tự tại.
Sức thần thông là chỉ tự do tự tại do hoạt động của trí tuệ mà được. Phật và Bồ-tát đều có đủ sức thần thông. Việc có thể quán sát kinh nghiệm trên đây của chúng ta gọi là Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông. Hễ việc làm đều được như ý, gọi là Thần túc thông. Xét biết tâm người khác gọi là Tha tâm thông. Biết túc mạng đời quá khứ gọi là Túc mạng thông. Đoạn sạch tất cả phiền não gọi là Lậu tận thông. Đây đều là chỉ hoạt động siêu phàm của trí tuệ.
Hiện tại Bồ-tát Quán Thế Âm đầy đủ sức thần thông này, độ khắp chúng sanh. QUẢNG TU TRÍ PHƯƠNG TIỆN, là trong dụng thù thắng, vạn hạnh được hưng thịnh, dùng tất cả phương tiện quyền trí hóa độ chúng sanh. THẬP PHƯƠNG CHƯ QUỐC ĐỘ, chỉ chung tất cả thế giới trong hư không. VÔ SÁT BẤT HIỆN THÂN, chữ SÁT là cõi nước, tức là không có một cõi nước nào mà không hiện thân thuyết pháp, do đó không phải chỉ có 33 thân.
Chân lý trùm khắp vũ trụ, chỗ nào cũng là nơi Quán Âm hiện thân. Ví như hàng ngày chúng ta thấy nước bốc hơi trong nồi nước sôi, Ngõa-đặc (Watt) trông thấy lại phát minh ra lực lượng của hơi nước. Do sợi nhợ của diều giấy, Phú-lan-khắc-lâm biết có điện. Nhân một trái táo rơi, Newton biết sức hấp dẫn của vạn vật. Hoa cỏ ngoài đồng cung cấp cho thi nhân ngâm vịnh. Trăng sáng giữa rặng tùng khiến du tử nhớ quê. Người thấy ăn mày nghèo nàn thì sanh lòng từ bi, thấy người già bệnh suy tàn thì cảm được sự vô thường của thế gian. Dường như những điều này không có một việc gì không phải sự thị hiện của Quán Âm.
CHỦNG CHỦNG CHƯ ÁC THÚ là chỉ chúng sanh trong sáu đường ngoài bốn bậc thánh ra, đặc biệt cho địa ngục, quỷ, súc sanh trong sáu đường gọi là ba nẻo ác. SANH LÃO BỆNH TỬ KHỔ chính là bốn khổ sanh, già, bệnh, chết của đời người, thứ lớp tiêu diệt nó. Chiếu theo mặt chữ thì dường như thuộc sức bên ngoài làm, kỳ thực Phật Bồ-tát dạy ta muốn được giải thoát, chỉ có đem chân trí chính mình ra, quán thấu chân lý thực tướng các pháp, mới có thể diệt các nẻo ác và bốn khổ này. Chỗ nói: “Cá cá diện diện Quán Tự Tại, nhân nhân nhất sanh Phổ Đà Sơn”. Mỗi người mỗi mặt Quán Tự Tại, người người một đời Ngũ Đài Sơn. Do đó bất cứ lúc nào, nghĩ đến Quán Tự Tại không phải là người khác, cứ như thế không ngừng tu dưỡng, đây là điều trọng yếu nhất.
Chân quán thanh tịnh quán
Quảng đại trí tuệ quán
Bi quán cập từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Vô cấu thanh tịnh quang
Huệ nhật phá chư ám
Năng phục tai phong hỏa
Phổ minh chiếu thế gian.
Bốn câu đầu là tán thán ý nghiệp trong tán thán ba nghiệp, tức sự thù thắng của Quán Âm hiển thị sự hóa độ chúng sanh.
Chân quán, thanh tịnh quán, quảng đại trí huệ quán, bi quán, từ quán là năm quán của Bồ-tát. Năm quán này có thể nhìn là từ sức Diệu Trí của Quán Âm ở mặt trước mà chia ra. Do đó chia thì thành năm quán mà nhiếp lại thì thành sức Diệu Trí. Ba quán CHÂN, TỊNH, TRÍ trong năm quán xưa nay đều được phối hợp với ba đế KHÔNG, GIẢ, TRUNG để thuyết minh. Nghĩ cho kỹ, thực không cần phải câu nệ như thế.
Bồ-tát Quan Âm nhân có sức nhiệm mầu của năm quán, do đó gọi là Quán Tự Tại. Năm quán này hoàn toàn là từ căn bản trí và hậu đắc trí của Quan Âm mà ra. Nói cách khác, chính là cảnh giới đại Niết-bàn mà Quan Âm xưa nay an trụ. Chỉ vì muốn độ sanh, do đó bèn chia ra năm loại diệu dụng.
CHÂN QUÁN là gì? Có thể xem là căn bản trí mà Quan Âm đại ngộ, cũng có thể nói là trí quán. Trong Truyền Tâm Pháp Yếu của Hoàng Bá nói: “Tánh linh giác này từ vô thủy đến nay thọ bằng hư không, chưa từng chẳng sanh, chưa từng chẳng diệt, chưa từng chẳng có, chưa từng chẳng không, chưa từng chẳng dơ, chưa từng chẳng sạch, cho đến không nơi chốn, không trong ngoài, không số lượng, không hình tướng, không sắc tướng, không âm thanh, dùng ngôn ngữ không thể được, dùng cảnh vật không thể hội, chư Phật Bồ-tát đồng với tất cả hàm linh, đây là Đại Niết-bàn”.
CHÂN QUÁN chính là bản tánh của Đại Niết-bàn.
THANH TỊNH QUÁN, sau khi giác ngộ chân quán viên mãn rồi, căn bản tâm địa liền là thanh tịnh, do đó ánh hiện muôn vật các duyên, tuy hiện tướng đó mà không nhiễm dính, sự không nhiễm dính tức thanh tịnh quán. Trong kinh Viên Giác nói: “Vì tâm thanh tịnh, kiến trần thanh tịnh. Kiến trần thanh tịnh nên nhãn căn thanh tịnh … Như thế cho đến mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế. Thiện nam tử! Vì căn bản thanh tịnh, sắc trần thanh tịnh. Sắc trần thanh tịnh nên thanh trần thanh tịnh. Hương vị xúc pháp cũng lại như thế”. Chiếu theo thứ lớp như thế mà nói, tứ đại đất nước gió lửa, 12 xứ, 18 giới hoặc 25 hữu, cho đến trời đất vũ trụ hoàn toàn là một cõi Viên Giác thanh tịnh. Đây tức là thanh tịnh quán của Quan Thế Âm.
QUẢNG ĐẠI TRÍ HUỆ QUÁN, đây là nói từ chân quán, thanh tịnh quán mà quán tất cả chúng sanh, rủ lòng đại bi vô duyên mà cứu tế, gọi là đại trí tuệ. Do đây có thể biểu hiện hậu đắc trí đã chứng. Nhân vì Bồ-tát có chân quán và thanh tịnh quán, bèn tự nhiên sanh lòng cứu độ chúng sanh. Đây tức là quảng đại trí huệ quán.
Nhưng, quảng đại trí huệ quán vì sao mà gọi là đại bi vô duyên? Trong kinh Duy Ma có nói: Tất cả chúng sanh xưa nay là Phật, ái kiến đại bi của quyền thừa, chúng sanh và Phật nhất như mà cho chúng sanh là thật mê trong sanh tử, không phải là đồng bạn với Phật, theo vào tà kiến thực hữu, còn tướng lợi ích. Do đó trong kinh Duy Ma cho đây là đáng chê.
Sự khác biệt giữa đại bi vô duyên và đại bi ái kiến, quốc sư Mộng Song có một thí dụ rất hay:
Ở đầu đường cuối hẻm thường thấy có ăn mày xin ăn. Có người vốn sanh trong nhà bần cùng, từ bé đã sống quá cùng khốn; có người vốn sanh trong nhà phú quý, về sau do nhiều việc xảy ra mà tan nát. Trong hai loại ăn mày này, chúng ta gặp ăn mày vốn sanh trong gia đình phú quý thì rất dễ sanh tâm thương xót. Tâm thương xót này quá hơn thấy ăn mày vốn là nhà bần cùng. Đây thật giống như lòng đại bi của Bồ-tát Đại thừa, thấy tất cả chúng sanh vốn cùng chư Phật đồng thể, không có tướng sanh tử, vì chúng sanh chợt khởi một niệm vô minh, ở trong vốn không sanh tử mà sanh ra tướng sanh tử, đây đều là việc như mộng như huyễn chẳng có thực. Mà Bồ-tát quyền thừa thì không đồng, cho là chúng sanh vốn là ăn mày sanh trong nhà bần cùng, thực có trầm luân ở sanh tử, nhân đó sanh lòng đại bi ái kiến.
Đại bi vô duyên (hoặc gọi là đồng thể đại bi) của Thật đại Bồ-tát cùng với đại bi ái kiến của Quyền đại Bồ-tát khác nhau chỗ này.
Quán Âm đã đạt địa vị cùng cực của Đại thừa, từ chân quán và thanh tịnh quán mà quán chúng sanh, đều thấy cùng chư Phật đồng thể, vốn sanh trong nhà phú quý, chỉ nhân một niệm sai, khiến cho gia đình tan nát, lưu lạc làm ăn mày, không thể không sanh lòng đại bi vô duyên lần nữa. Từ lòng đại bi vốn là vô duyên này, sở dĩ chúng sanh sanh tử cũng tốt, phiền não cũng tốt, sanh tử không đáng là sanh tử, phiền não không đáng là sanh tử, muốn độ chúng sanh mà không có chúng sanh có thể độ.
Từng có người hỏi thiền sư Hoàng Bá : “Chư Phật hành đại từ bi thế nào?”
Thiền sư Hoàng Bá đáp : “Chư Phật hành từ bi, nhân vô duyên nên gọi là đại từ bi. Từ, không nên xem có Phật để thành. Bi, không nên xem có chúng sanh để độ. Chỗ thuyết pháp không nói, không dạy. Người hỏi pháp không hỏi, không được. Ví như nhà huyễn thuật thuyết pháp cho người huyễn.
Như thế mà xem, tất cả chúng sanh xưa nay đồng thể với quý nhân, không có người đáng độ, cũng không có người đáng thành. Như nhà huyễn thuật đối với người huyễn, như giả thuyết pháp, như giả nghe pháp, mới là quảng đại trí huệ quán của Bồ-tát.
Cái chúng sanh và Phật nhất như này gọi là trí quán bình đẳng, dùng đây độ chúng sanh, do đó không phải là đại bi ái kiến mà là đại bi vô duyên.
Bi quán và Từ quán, là từ quảng đại trí huệ quán chia ra, nhổ gốc khổ cho chúng sanh là bi quán, ban cái vui cùng cực do chân quán, thanh tịnh quán, khiến trở về nhà cũ đồng thể với chư Phật, là từ quán. Từ và Bi này thật là đại bi vô duyên.
Nhân đây Quán Thế Âm Bồ-tát có đủ hai trí căn bản và hậu đắc, hai lợi ích đã viên mãn, do đó phải THƯỜNG NGUYỆN THƯỜNG CHIÊM NGƯỠNG. Thường nguyện cứu giúp của lòng đại bi, thường chiêm ngưỡng công đức của lòng đại bi.
Tóm lại, chân quán là căn bản trí khế chứng Niết-bàn, từ chân quán ánh hiện vạn vật mà không nhiễm dính, là thanh tịnh quán.Tiếp theo khởi chúng sanh và Phật nhất như tức là quảng đại trí huệ quán, tức là bi quán và từ quán của lòng từ vô duyên.
VÔ CẤU THANH TỊNH QUANG, là tổng hợp năm quán trước, năm quán mỗi thứ đều là vô cấu thanh tịnh, nhất là chỉ trí quán thanh tịnh không nhiễm dính của Quan Âm làm trí quang thanh tịnh. Trí quang này có thể chiếu phá hắc ám của tất cả phiền não. Trong kinh Vô Lượng Thọ, ánh sáng vượt khỏi mặt trời mặt trăng trong 12 loại ánh sáng của Phật A-di-đà, chính là ánh sáng này. “Huệ nhật phá chư ám” chính là nói ý nghĩa này.
NĂNG PHỤC TAI PHONG HỎA, ngoài hai tai nạn gió lửa ra, cần thêm một nạn nước. Vì sự hạn chế của số chữ trong bài kệ, nên lược bớt. Huệ nhật vô cấu thanh tịnh đó, không những có thể phá các hắc ám, đồng thời còn có thể hàng phục ba tai nạn gió, lửa, nước.
PHỔ MINH CHIẾU THẾ GIAN là nói ánh sáng thanh tịnh vô cấu của Quan Âm giống như mặt trời chiếu soi mặt đất, chiếu cho thế gian sáng sủa trùm khắp, chiếu cho tất cả tai nạn hắc ám đều tiêu diệt.
CHƯ ÁM, cũng có thể nói đó là ánh sáng của tâm bị phiền não che bít, hoặc nói là phong thủy hỏa tai. Muốn cho gió vô minh phiền não, lửa tham dục sân giận, nước ái dục chấp trước đều phá trừ, khiến tâm chúng ta ngời sáng không có một chút ô uế, nếu từ trên tự tâm mà nói, chính là xác thực ngộ đến đạo lý của các pháp, phát giác ra “Té ra như thế mới đúng”. Lúc bấy giờ thật là ánh sáng trí tuệ chiếu đến tâm chúng ta, đợi đến lúc biết “ta lầm rồi!” có một niệm sám hối phát sanh, đen tối trong tâm hoàn toàn tiêu mất.
Bi thể giới lôi chấn
Từ ý diệu đại vân
Chú cam lồ pháp vũ
Diệt trừ phiền não diệm.
Đây là tán thán sự thuyết pháp của Quan Âm, tuy là khen ngợi khẩu nghiệp, nhưng nên đem khẩu nghiệp phối hợp với ba nghiệp mà xem. Giới của thể bi, là chỉ khẩu nghiệp thuyết pháp, như tiếng sấm vang rền; ý nghiệp của vị thuyết pháp này như đồng với đám mây lớn hòa ái; thân nghiệp của vị thuyết pháp này như đồng với nhân cách hoàn mỹ.
BI lấy cứu khổ làm thể, Quan Âm thấy tất cả chúng sanh bị hãm trong thống khổ của tội nghiệp tích tụ, mà phát tâm đại bi, khiến tất cả chúng sanh biết ngăn trái ngừng ác, luyện tập kiên cố, giống như chấn động của trăm tiếng sấm mà có thể nhiếp phục muôn vật, ý là diệt sạch tất cả cái trái và cái ác.
TỪ là có thể ban vui cho tất cả chúng sanh. Vĩ đại của Quan Âm ở chỗ Ngài không những cứu khổ chúng sanh mà còn có thể ban vui cho chúng sanh, giống như bầu trời bủa đầy mây từ hòa ái, lại giáng mưa pháp như cam lồ, cam lồ này vị thơm ngon, dụ như pháp thực tướng, chân lý vô thượng, do đây mới có thể diệt trừ lửa hừng phiền não.
Trên tâm của chúng ta, nếu như cũng giữ được tinh thần kiên cố cứu khổ, tâm bi ban cho tất cả chúng sanh khoái lạc, thì chính mình sẽ biết lửa tâm phiền não tự nhiên diệt mất. Điều này ở trên sự tu dưỡng của chúng ta khả dĩ thể nghiệm đến.
Tránh tụng kinh quan xứ
Bố úy quân trận trung
Niệm bỉ Quan Âm lực
Chúng oán tất thối tán.
Trong văn xuôi đã giảng qua rồi, Quan Âm là bậc bố thí sự không sợ hãi. Bây giờ nói lại chỗ này, nếu có chúng sanh tiến vào chỗ quan hoặc trong quân trận, chỉ cần niệm sức Quan Âm kia, tự nhiên sẽ khiến oán địch bẩy nạn ba độc hại ta hoàn toàn lui tan, đến chỗ không còn sợ sệt.
TRÁNH, là tranh luận. TỤNG, là tố tụng. Lúc sanh ra tranh luận, đấu khẩu, tố tụng, hoặc lúc ở trong quân trận gặp đánh nhau phải bỏ mạng, tuy nói có nhiều khủng bố sợ hãi, nhưng nếu lúc đó có thể niệm sức Quan Âm bèn có thể làm lui tan tất cả oán địch. Như so với nội tâm của chúng ta, thường có vô minh phiền não tranh nhau, đánh nhau, không có một khắc an định, nhưng nếu có thể nghĩ nhớ chân quán, thanh tịnh quán, quảng đại trí huệ quán của Quan Âm, suy nghĩ từ quán, bi quán của Quán Âm thì không còn sợ gì nữa.
Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
Thắng Bỉ Thế Gian Âm
Thị cố tu thường niệm
Ở trên là nêu năm quán của Quan Âm, bây giờ nói về năm âm. Do năm quán khải phát mà thành năm âm, do đó năm quán là quan niệm, quán sát quán tưởng chủ quan, mà năm âm là âm thanh khách quan nghe được, như diệu âm cũng có thể xem như diệu sắc, diệu hương, diệu vị, diệu xúc, diệu pháp. Nhưng trong sáu căn, theo ý nhĩ căn là bậc nhất mà nói, do đó lấy âm thanh làm đại biểu.
DIỆU ÂM và QUAN THẾ ÂM là dung hòa chân quán và thanh tịnh quán ở trước tiến vào thành quảng đại trí huệ quán. Tuy đồng là quảng đại trí huệ quán, nhưng Diệu Âm là dùng tức không mà quán trung đạo. Đây chính là cái trước là hướng thượng, cái sau là hướng hạ. Cái trước song giá không hữu, cái sau song chiếu không hữu, kết quả là một.
Nếu như biết tâm yếu của kinh Pháp Hoa thì gió núi ngàn, sóng trong ao, không gì chẳng phải là diệu âm, âm thanh mua bán trên đời không gì không phải là pháp âm. Quán Âm tức là dùng diệu trí quán chiếu tiếng xưng tên của chúng sanh khổ não trên thế gian mà tìm theo tiếng để cứu khổ.
PHẠM ÂM, là Bồ-tát thuyết pháp thế gian và xuất thế gian đều thanh tịnh vô nhiễm. Ngay trên thanh tịnh quán mà lập muôn pháp. THẮNG BỈ THẾ GIAN ÂM, là siêu vượt sai biệt thế gian mà lập chân quán cao thượng. Bồ-tát mắt thấy tai nghe, đều tuyệt đối bình đẳng. Vận dụng điều này mà thành từ quán và bi quán. Bồ-tát dùng từ bi cứu thế, như nước thủy triều trên biển lớn, suốt ngày đều hoạt động mà không một chút dừng nghỉ, đúng giờ, đúng lúc, hoặc đầy hoặc vơi, ứng dụng tự tại, đây tức là HẢI TRIỀU ÂM.
Năm âm này có thể xem như năm dây đàn, tuy có những âm thanh khác nhau, nhưng thật là một vật đồng nhất, mà xem từ trước sau phải trái mà thôi. Dùng quan sát khách quan đây hoàn toàn là thanh âm của chân lý vũ trụ phát ra. Dùng quan sát chủ quan thì đều là tiếng nội tại tiên thiên nằm trong tâm chúng ta. Do đó đây không phải là tai nghe mà là tâm nghe, không phải mắt thấy mà là tâm thấy. Cái âm thanh tiên thiên tiềm ẩn trong một tâm thành năm âm của Quan Âm mà hiển hiện, do đó thường phóng ở trên tâm để tư duy.
Niệm niệm vật sanh nghi
Quan Thế Âm tịnh Thánh
Ư khổ não tử ách
Năng vi tác y hộ.
Từ các phương diện trên trình bày công đức của Quan Âm, sợ trên thế gian lại có người sanh nghi nên lại nói niệm niệm chớ sanh nghi, khuyên người nên tin. Như trước đã giảng qua “Phật pháp như biển lớn, chỉ tin mới vào được”. Nếu như anh không tin, thì pháp môn có quý báu thế nào, anh cũng không thể tiếp nhận và tiến vào. Niệm niệm là niệm trước và niệm sau trên tâm chúng ta, nghĩa là bất kể lúc nào. Chúng ta có lúc được người dạy dỗ, đích xác cũng có nhất thời sanh lòng tin, nhưng không lâu lại sanh lòng nghi, đảo ngược niềm tin của niệm trước. Nhân đây đức Phật từ bi, luôn luôn dặn dò đinh ninh, răn nhắc chúng sanh, niệm trước tin, niệm sau nghi là người không thực hành. Cần phải niệm niệm thành khẩn tin tưởng, mới có công hiệu. Thiền sư Đạo Nguyên nói: “Niềm tin thành tựu thì Phật Tổ thành tựu”. Tôn giáo là y niềm tin mà thành lập, tất cả lực lượng vĩ đại đều dựng lập trên niềm tin. Đây cùng với lối học vấn lấy nghi làm điểm xuất phát không đồng.
Nếu nói thế há tôn giáo đi ngược lại với học vấn? Đây cũng không đúng. Căn bản của đạo lý lập trên học vấn nhưng đặt niềm tin vào chỗ học vấn không thể đến được. Do đó tôn giáo không phải là ngược hẳn với học vấn mà là vượt khỏi học vấn. Phật giáo so với học vấn thuộc lý trí còn đòi hỏi tình ý thâm nhập rộng khắp hơn, trên toàn thể tinh thần làm chỗ an thân lập mạng.
Chỗ an thân lập mạng này là cơ sở của tín ngưỡng, Bồ-tát Quan Âm, thường ở trong khổ não tử ách đáng sợ, như cha như mẹ, làm chỗ nương tựa cho chúng sanh. Tịnh Thánh là nói Quan Âm không phải là Bồ-tát bình thường đang tu hành. Tại quá khứ lâu xa, đã sớm thành Phật tên Chánh Pháp Minh Như Lai. Ngài là một bậc Thánh thanh tịnh không nhơ, vì cứu giúp chúng sanh, mới chèo chiếc thuyền từ, giáo hóa thế giới Ta-bà này.
Cụ nhất thiết công đức
Từ nhãn thị chúng sanh
Phước tụ hải vô lượng
Thị cố ưng đảnh lễ
Quan Âm đã là Tịnh Thánh cứu đời, mà hiện làm Bồ-tát quyền hóa thì việc Ngài có đủ tất cả công đức không cần phải nói.
NHẤT THIẾT (tất cả) là không thể dùng số mà đếm. Như dùng ba đế không giả trung ở trước để nói. Quán KHÔNG ĐẾ mà thành đức của Pháp thân, quán GIẢ ĐẾ mà được đức của Bát-nhã, quán TRUNG ĐẾ mà hiện đức của Giải thoát. Đây gọi là ba đức Pháp thân, Bát-nhã, Giải thoát. Lại theo phương diện khác mà nói: Quán Không đế mà không chấp trước, đoạn sạch tất cả phiền não, đây gọi là Đoạn đức. Quán Giả đế nên có thể thuận ứng với các sai biệt mà vận dụng trí tuệ, đây gọi là trí đức. Quán Trung đế nên có thể ứng dụng vô ngại, đây gọi là Dụng đức. Đoạn đức, Trí đức và Dụng đức cũng có thể gọi là ba đức.
TẤT CẢ CÔNG ĐỨC, ở trên thân là dừng ác và tu thiện, đối với người là cứu độ chúng sanh. Quán Âm đầy đủ tất cả công đức, dùng mắt từ bi nhìn tất cả chúng sanh, do đó kết quả của công đức ấy có đủ hạnh phúc vô hạn, đồng thời tất cả chúng sanh nhận các phước đức và trí tuệ đầy đủ, cũng đồng như nước biển không thêm không bớt, là cái vô lượng, đem cái này làm cơ sở an lập tinh thần, nếu không quy mạng, đảnh lễ mà báo đền ân đức thì không thể được. Trừ sự cầu mong vô lượng công đức có đủ của Quán Âm bên ngoài đến còn cần nghĩ đến chính mình. Ở trong tâm chúng ta, nương tánh công đức sẵn đủ vô tận của Như Lai Tạng, thì dùng cách nào cũng không hết, chỉ vì đóng chặt cánh cửa Như Lai Tạng này mà không thể hiện, do đó đại sư Hình Khê oán tiếc nói: ‘Thương thay! Bí tạng không hiển lộ, vì bị ba hoặc che, nên vô minh làm mờ pháp tánh, trần sa chướng ngại sự hóa đạo, kiến tư ngăn sự không tịch, mà ba hoặc này thể vốn hư vọng”.
Thể nghiệm đến vô minh hư vọng mà làm rõ pháp tánh thì thành quảng đại trí huệ quán. Trần sa là dụ cho vô trí nhiều, đuổi trừ cái này mà hiển rõ hóa đạo thì hiện thanh tịnh quán. Dẹp chấp trước sai biệt của kiến hoặc, tư hoặc mà minh hiển không tịch thì hiện chân quán. Đây do hiển hiện bí tạng này mà đầy đủ tất cả công đức. Lại dùng từ quán, bi quán mà nhìn tất cả chúng sanh. Như thế, trên tâm thực tại của chính mình hiển hiện phước tụ công đức vô lượng như biển cả của Quán Âm.
Quá khứ đời Tống có Lý Tông hỏi tăng Thiên Trúc : “Quán Âm cầm xâu chuỗi trên tay là niệm ai?”
Tăng Thiên Trúc đáp : “Niệm Quán Aâm”.
Lý Tông hỏi dồn : “Tự mình vì sao phải niệm danh hiệu của mình?”
Tăng nhân đáp : “Cầu người không bằng cầu mình”.
Đây là một phương tiện khiến chúng ta thể hội đoạn hỏi đáp này, trên nghĩa gốc việc đảnh lễ Quan Âm.
Trong phẩm Phổ Môn ở bản tiếng Phạn, lại có một đoạn kệ tụng dưới đây:
Từ bi cứu thế gian Tịnh diệu liên hoa đài Sư tòa phóng bách quang | Từ bi cứu thế gian Như Sa-la Thọ vương Đấng thế gian tôn trọng, |
Kệ tụng đến nay vẫn chưa có người dịch ra, đây cũng xem như là một phát hiện lớn.