headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 17/04/2024 - Ngày 9 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHẨM PHỔ MÔN - KỆ TỤNG

 2- Niệm Bỉ Quán Âm Lực

                Ngã vị nhữ lược thuyết
                Văn danh cập kiến thân
                Tâm niệm bất không quá
                Năng diệt chư hữu khổ.

 

Chúng sanh muốn sanh tâm thanh tịnh, đầu tiên cần chuyên nhất tâm mình, đuổi trừ tất cả tạp niệm vọng tưởng. Nếu muốn tiêu trừ tạp niệm vọng tưởng, thì chắc chắn miệng phải thường niệm danh hiệu Quán Thế Âm, ý thường suy nghĩ nguyện hạnh của Quán Âm, thân thường lễ bái hình tượng từ bi của Quán Âm, để khiến ba nghiệp thân miệng ý hợp làm một.

Ba nghiệp cần đầy đủ, thiếu một không được, tỉ như đem thân làm việc, đem miệng giảng nói, nếu không nhất trí, hoặc lấy miệng nói việc, lấy ý suy nghĩ mà mâu thuẫn lẫn nhau thì sao gọi là nhất tâm được. Về ba nghiệp ở trước tuy đã trình bày qua, bây giờ lại từ mặt bên nói rõ. Nghe tên Quán Âm, thấy tượng Quán Âm, nếu như một lòng xưng niệm, đó sẽ không bị luống qua, đó nhất định có thể tiêu diệt tất cả các khổ.

NGÃ, là chỉ Phật Thích-ca Mâu-ni, NHỮ là chỉ Bồ-tát Vô Tận Ý. LƯỢC THUYẾT, vì ở văn xuôi đã nói kỹ lưỡng qua rồi, đến ở nhiều kiếp thệ rộng rất sâu, nguyện lớn thanh tịnh không thể nghĩ nghì, muốn nói ra triệt để thực không thể nói hết, do đó ở đây chỉ có thể nói chỗ trọng yếu.

VĂN DANH CẬP KIẾN THÂN :

VĂN DANH, là nghe danh hiệu Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát. Nghe xong trong miệng nhất định muốn xưng niệm. Đây là khẩu nghiệp xưng niệm của ba nghiệp.

KIẾN THÂN, là đối với tượng gỗ khắc vẽ Quán Âm, nếu có thể xem thấy tướng đẹp của Ngài mà muốn dùng thân lễ bái cúng dường. Đây là thân nghiệp lễ bái trong ba nghiệp. Có người cho rằng lễ bái khúc gỗ hay trang giấy đâu có gì đáng nói? Đây thực là nghĩ lầm rất lớn.

Lấy thí dụ ra nói: Như dùng lá vỏ tre có thể làm thành giày cỏ mang vào chân, có thể làm thành nón trúc đội trên đầu. Đây tuy là một cội cây, một tờ giấy, nếu như làm thành tượng Phật, vẽ thành hình Phật thì giá trị được lễ bái, cần lễ bái. Cây hay giấy tuy là không chia tôn ti, nhưng tâm hiện ở trên đó thì có thể là vật quý báu!

Bậc đại đức của Thiền tông có nói: Không tại Phật cầu, không tại Pháp cầu, không tại Tăng cầu. Lễ bái, chỉ có đem kiến thức này lễ bái, mới có ý nghĩa khắc sâu. Nhưng ý nghĩa khắc sâu này, chẳng phải người thường có thể lãnh hội được!

TÂM NIỆM BẤT KHÔNG QUÁ, do nhất tâm không để cho luống qua, trong kinh Mười Câu Quan Âm nói: “Sáng niệm Quán Thế Âm, chiều niệm Quán Thế Âm, niệm niệm từ tâm khởi, niệm niệm chẳng rời tâm” Đây chính là tâm niệm không luống qua, đây là ý nghiệp chí thành lễ bái.

Chỗ nói “Niệm niệm chẳng rời tâm”, chỗ nói “Tâm niệm chẳng luống qua” của ý nghiệp, nói cách khác chính là bất kể lúc nào, muốn cho Quán Âm chẳng rời mình, cần làm đến “Sáng sáng cùng Phật dậy, đêm đêm ôm Phật ngủ”, cần làm đến bất kể ở đâu đều cùng ở với Quan Âm. Nói tóm lại, chính là cần có niềm tin cùng sống với Quan Âm. Người có niềm tin này, do ba nghiệp thân miệng ý thường niệm Bồ-tát, thì thân miệng ý chính mình tự nhiên cũng sẽ thành hành vi của Bồ-tát.

Chính mình cùng sanh với Quan Âm, tất cả cùng tồn tại với Quan Âm, thân này bèn thành thân Quan Âm mà chẳng phải thân của ta. Ý này bèn thành ý của Quan Âm mà chẳng phải ý của ta. Đại sư Thừa Dương nói: “Sanh mạng một ngày này, là sanh mạng đáng quý, là hình hài đáng quý. Có thân tâm hành trì này, thường sẽ tự yêu tự kính.” Suy nghĩ kỹ lưỡng câu này, lý do thân đáng quý bèn càng được hiển rõ.

Nếu như chính mình nghĩ như thế, tự mình bèn là thân của Quan Âm, không thể không trịnh trọng, không thể không kính yêu. Mỗi ngày niệm cảm tạ phụng trì càng tha thiết, thì chẳng dám buông lung. Làm sao lại có “chư hữu khổ”? Hoặc dù có khổ vật chất, cũng có thể nhìn thấu ra, lại có thống khổ nào để nói?

Thân này nếu như là thân Quan Âm, thì tay chân miệng cũng không thể không phải của Ngài. Như thế, tay này chẳng thể trộm cắp, miệng này chẳng thể mắng người, từ đây dùng tay để chắp, dùng miệng xưng niệm Nam-mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát, đây là ba nghiệp nhất trí, tự nhiên diệt trừ chư hữu khổ.

CHỮ HỮU của NĂNG DIỆT CHƯ HỮU KHỔ là chỉ ba cõi. Chia ra cũng có thể gọi 25 hữu, chính là 3 cõi sáu đường gọi đó là hữu, tức là gọi tắt của hữu lậu. Hữu lậu là phiền não, căn bản là 3 độc thường nói. Từ 3 độc này sinh ra 3 cõi, 3 cõi này là cõi khổ của 3 độc phiền não. Chỉ cái khổ của 3 độc này gọi là CHƯ HỮU KHỔ.

Như 3 nghiệp có thể thanh tịnh, lúc ta và Bồ-tát có thể hợp làm một, bèn có thể trụ ở cõi giải thoát diệt 3 độc mà ra khỏi 3 cõi.

Đây là đáp chung, 7 nạn ở dưới là đáp riêng.
                    Giả sử hưng hại ý
                    Thôi lạc đại hỏa khanh
                    Niệm bỉ Quán Âm lực
                    Hỏa khanh biến thành trì
                    Hoặc phiêu lưu cự hải
                    Long ngư chư quỷ nạn
                    Niệm bỉ Quán Âm lực
                    Ba lãng bất năng một.

Đây là trùng tụng, hoặc đem điều đã nói ở trước, nói lại lần nữa. Hoặc đem chỗ sót mà thuyết minh bổ sung.

Hai bài kệ này tương đương với nạn lửa và nạn nước đã giảng ở trước, như đem giết hại, hại cho bị thương ra nói, đó là bị đẩy vào hầm lửa lớn, lúc đó nếu niệm (nghĩ đến) sức của Bồ-tát Quan Âm, thì hầm lửa lập tức biến thành ao mát mẻ, lửa tự nhiên cũng tiêu diệt, mà người cũng được cứu. Nếu như trôi trong biển lớn mênh mông, gặp tai nạn rồng cá và các ác quỷ, lúc đó nếu niệm sức Quan Âm kia, ngay cho sóng mòi mạnh mẽ thế nào cũng chẳng thể làm chìm đắm chúng ta.

Theo văn tự mà giải thích, niệm Bồ-tát Quán Thế Âm cố nhiên có thể, nếu theo lý mà nói – như trước đã nói – lửa là lửa sân giận, do lửa sân giận này đốt người đến chẳng biết ngó trước nghĩ sau, bằng với bị hãm trong hầm lửa lớn.

Lúc ấy, nếu niệm đại từ bi của Quán Âm, dùng nước yêu thương mát mẻ tôn trọng đến tiêu diệt lửa giận sân hận, thì trong tâm liền thành ao mát mẻ.

CỰ HẢI tức biển lớn phiền não, rồng cá các nạn quỷ, đều là sóng mòi ái dục, sóng mòi ái dục nổi lên trên biển lớn phiền não, đến thẳng trầm luân trong vực sâu luyến ái, vời đến biết bao thống khổ và phiền não.

Thân thể kiều diễm càng đáng sợ hơn rồng cá. Thái độ yêu kiều uyển chuyển so với ác quỷ đáng ớn hơn! Lúc ấy nếu dùng đại trí tuệ của Quán Thế Âm, biết rõ thực tướng các pháp, quán sát tất cả đều là nhân duyên giả hợp thì mê chấp ái dục tự nhiên sẽ tiêu diệt.

                Hoặc tại Tu-di phong
                Vi nhân sở thôi đọa
                Niệm bỉ Quán Âm lực
                Như nhật hư không trụ
                Hoặc bị ác nhân trục
                Đọa lạc Kim Cang sơn
                Niệm bỉ Quán Âm lực
                Bất năng tổn nhất mao.

TU-DI SƠN không nhất định phải xem là núi có thật, đây là núi mà người Ấn Độ giả tưởng, nói là nó cao đến trời, nhưng người gần đây khảo cứu cho núi Tu-di tức chỉ núi Hy-mã-lạp-nhã.

Lúc bị đẩy từ trên núi cao này xuống, nếu niệm sức Quán Âm, sẽ như mặt trời trụ ở hư không, không bị rơi xuống. Lại như an trụ trên đỉnh núi cao lại bị người ác rượt đuổi, từ trên núi Kim Cang rơi xuống, nếu niệm sức Quán Âm, một sợi lông cũng không bị tổn thương.

KIM CANG SƠN, ở vòng ngoài núi Tu-di, ý nói không thể phá hoại. Về núi Tu-di rốt cuộc như thế nào, núi Kim Cang ra sao, ở đây thật không cần đòi hỏi kỹ lưỡng.

Có người cho rằng chúng ta có đem đội trời đạp đất thế nào đều không thể chướng ngại Phật tánh độc lập tự tại. Do đó bèn sanh ý niệm Thích-ca là người nào, Đạt-ma là ai, như sanh niệm này, liền sanh tâm kiêu mạn, biến thành tự chịu đọa lạc, rồi đến nỗi bị đẩy rơi xuống. Nhưng lúc này có thể niệm bình đẳng đại từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm ấy, thì sẽ không khi dễ người khác. Niệm đại dũng mãnh của Quán Âm kia thì có thể tưởng lệ chính mình, như mặt trời an trụ tại hư không, tự nhiên có thể thoải mái trong biển rộng trời trong. Chỗ nói:

                    Phong xuy bất động thiên biên nguyệt
                    Tuyết áp nan tồi giản để tùng.
                    Gió thổi không lay trăng ven trời
                    Tuyết đè khó đổ tùng đáy khe.

Chúng ta thấy mặt trời hoặc mặt trăng treo trên hư không, giống như rất nguy hiểm, nhưng chẳng có một chút quan hệ nào.

Núi Tu-di dụ Phật tánh, nghĩa là cao lớn trùm khắp.

Núi Kim Cang là nghĩa không thể phá hoại, không thể lay động, có thể xem là niềm tin trong tâm chúng ta.

Nói hơi phức tạp một chút, có thể chia nó như sau: Núi Tu-di là vị Diệu giác, núi Kim Cang là vị Đẳng giác. Đây chỉ niềm tin của chúng ta, chính là biểu thị bất kể thế nào, không bị sức bên ngoài làm lay động.

Lập được niềm tin, tiến đến phải làm kiên định nó mới được. Vì ở chung quanh chúng ta, đầy dẫy dụ hoặc và bách hại, luôn luôn thừa cơ lay động và đè lấp niềm tin của chúng ta. Đây giống như trạng thái bị người ác truy đuổi sắp sửa rơi xuống, là điều hết sức nguy hiểm, nhưng lúc đó nếu có thể niệm nguyện hạnh đại dũng mãnh của Quán Âm thì tuy ở trong sự dụ hoặc hay bách hại cũng không mất một sợi lông, mà tự do tự tại, đây chính là chỗ nói “tám gió thổi chẳng động”.

Tám gió là gió bốn phương đông, nam, tây, bắc và bốn hướng đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc. Nhưng trong Phật giáo tám gió là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc.

1. LỢI : Hễ cái gì có ích cho mình đều gọi là lợi, hoặc gọi việc như ý là lợi.
2. SUY : Hễ việc gì làm tổn giảm cho mình đều gọi là suy, hoặc gọi việc thất ý là suy.
3. HỦY : Vì ghét bỏ người, sau lưng phỉ báng là hủy.
4. DỰ : Vì ưa thích người, ngay mặt khen ngợi gọi là dự.
5. XƯNG : Trọng vọng người, ở trong đám đông khen tốt cho họ gọi là xưng.
6. CƠ : Ghét bỏ người, vốn không việc mà nói hư dối thực có việc gọi là cơ.
7. KHỔ : Nghĩa bức bách, gặp duyên ác cảnh ác, thân tâm đều chịu bức bách gọi là khổ.
8. LẠC : Nghĩa vui vẻ, gặp duyên tốt cảnh tốt, thân tâm vui vẻ gọi là lạc.

Những điều này làm lay động tâm chúng ta, tổn hại niềm tin kim cang kia, nhưng nếu chúng ta có thể kiên định niềm tin, không bị cảnh giới dụ hoặc lay động, thì vàng ròng ngay trước mắt, cũng không thay đổi khí tiết, kiếm bén kề cổ cũng không lay động chủ trương. Như thế hủy, dự, lợi, suy cũng chẳng thể hại chúng ta chút nào.

                    Hoặc trị oán tặc nhiễu
                    Các chấp đao gia hại
                    Niệm bỉ Quán Âm lực
                    Hàm tức khởi từ tâm
                    Hoặc tao vương nạn khổ
                    Lâm hình dục thọ chung
                    Niệm bỉ Quán Âm lực
                    Đao tầm đoạn đoạn hại
                    Hoặc tù cấm già tỏa
                    Thủ túc bị nữu giới
                    Niệm bỉ Quán Âm lực
                    Thích nhiên đắc giải thoát
                    Chú trớ chư độc dược
                    Sở dục hại thân giả
                    Niệm bỉ Quán Âm lực
                   Hoàn trước ư bổn nhân.

Giảng đoạn này cũng rút ra từ văn xuôi ở trước.

Bốn câu kệ đầu nói về nạn oán tặc, rất nhiều kẻ ác cầm dao đến bức hiếp, tự mình nếu trụ ở tâm đại từ bi của Quán Âm, dùng đại từ bi đối với kẻ ác, hắn cũng sẽ sanh tâm từ bi, chuyện đặc biệt của cao tăng đại đức xưa nay truyền bá trong xã hội rất nhiều như thượng nhân Không Dã ở trước là một ví dụ. Đây là đạo tặc bên ngoài đến, đầu đuôi so ra chỉ là số ít, còn oán tặc trong tâm chính mình chiếm cứ dài lâu, số này đến tám vạn bốn ngàn, mỗi đứa có cầm dao bén, muốn đoạt của báu công đức trong tâm thanh tịnh của chúng ta, chủ nhân ông của oán tặc ấy chính là ngã kiến ngã chấp. Nếu đem đập tan ngã kiến ngã chấp này, trụ ở đại từ bi bình đẳng này thì oán tặc liền sẽ để cho tâm từ bi cảm hóa. Chính như trong “Thái Căn Đàm” nói: “Kiến văn giác tri là giặc ngoài, dục tình ý thức là giặc trong, chủ nhân ông này tỉnh táo chẳng mê mờ thì hóa giặc thành gia nhân.”

Tiếp theo là nói khổ về nạn vua, tương đương với nạn đao trượng ở văn xuôi. Ở thời đại chuyên chế quá khứ, pháp luật là pháp luật của quốc vương, lúc xúc phạm pháp luật sắp bị giết, nếu như niệm sức Quán Âm thì dao tức khắc gãy từng đoạn, không thể chặt được. Thượng nhân Nhật Liên lúc sắp bị chém ở Long Khẩu nói : “Nếu như có thể lấy kinh Pháp Hoa thay thế cái đầu xấu xí này thì thật rất đáng mừng”.

Ngay lúc Ngài đến chỗ hành hình, vì Ngài có đủ tín ngưỡng này, dao bén chặt không thể làm tổn hại. Quốc pháp không thể không tuân thủ, nhưng nó vốn do người định ra. Có lúc cũng không thể không sửa đổi, và không phải cho là hoàn toàn không khiếm khuyết. Chẳng qua, bất cứ thế nào, pháp luật cho dù có khuyết điểm, nhưng pháp luật là cái có lực. Xưa nay, bất cứ ai phạm pháp đều không thể không xử phạt. Nhưng, ở thời đại chuyên chế, người nắm giữ pháp luật tức người đầu não của quốc gia và là người vận dụng pháp. Nhạc Phi chính là nhân 3 chữ “chẳng cần có” mà chết. Người chấp pháp cho dù phạm pháp, đâu từng dùng pháp để chế tài chính mình? Nếu như nói có khuyết điểm, đây cũng có thể nói là khuyết điểm.

Triết gia Socrate chẳng chút sợ hãi tay cầm chén thuốc độc an nhiên mà chết. Đạo Cơ Đốc khi Lộ Thủy (Jessu) bị đóng đinh trên cây thánh giá dường như tiêu diệt; những ví dụ này xưa nay trong ngoài thật ra rất nhiều. Nam Chính Thành sau khi chết, câu văn Kỳ Ấn của ông được truyền xuống, trong đó có năm chữ “Phi lý pháp quyền thiên”. “Phi” không thể hơn “lý”, “lý” không thể hơn “pháp”, “pháp” không thể hơn “quyền”, “quyền” không thể hơn “thiên”. Do đó trên thế giới, cái mạnh nhất lại là trời. “Trời” này tức là chân lý của vũ trụ, chân lý là cái thắng lợi cuối cùng. Chân lý thắng lợi cuối cùng này chính là biểu hiện thấu suốt pháp thân trong thời gian vô hạn. Do đó cho dù thọ mạng của nhục thân có thể dứt, mà huệ mạng của pháp thân không thể đoạn đứt.

Tù đày gông xiềng hay cùm trói đã nói ở trước. Bất kể có tội hay là vô tội mà lúc chịu thống khổ tay khóa chân cùm, dây nhợ trói buộc, nếu có thể niệm sức Quán Âm kia, liền có thể giải thoát. Trên thực tế chúng ta mang cùm tay danh vị, khóa chân tài lợi, lấy chấp trước trói buộc thân mình, nếu như có thể vượt lên đứng ngoài danh lợi, đánh phá giới hạn nhân - ngã, thì chúng ta liền có thể triển khai cảnh tự do tự tại. “Thích nhiên” là hình thức giải thoát. “Giải thoát” chính là được đến cảnh tự do tự tại.

CHÚ TRỚ, là một loại hành vi muốn hại người khác. Hoặc giả cầu nguyện ác thần giáng tai họa, hoặc giả bện người rơm đóng đinh, hoặc là đốt bùa, đây đều là chú trớ trù ếm.

CHƯ ĐỘC DƯỢC, hễ là cái thứ uống vào làm tổn thương thân, gọi là độc dược. CHƯ (CÁC) độc dược là chỉ số nhiều.

Cho dù có người dùng chú trớ hoặc độc dược này định gia hại mình, nếu có thể niệm sức Quán Âm kia, chú trớ ấy liền biến thành người kia chịu, độc dược ấy liền ngược lại người kia nuốt.

Loại tâm lý chú trớ ấy, trong tâm chúng ta chẳng lẽ không có sao? Cái tâm đố kỵ cơ hồ không ai không có. Hoặc thấy nhà người có danh tiếng, hoặc thấy sự thành công của nhà người, tự tự nhiên nhiên cũng sẽ có vài câu phê bình người kia, đây là hiển rõ đố kỵ. Lại có một loại thấy người ta thất bại, trong tâm lại rất vui mừng, hoặc giả thậm chí cười cợt rằng: “Điều đó là đương nhiên!” Đây là lòng tật đố, tâm như thế chính là tật đố mà đồng thời lại hàm chứa có chú trớ.

Ly gián người khác, làm tổn thương người khác, có thể nói so với thuốc độc lại muốn tệ hại hơn! Trù ếm người kết quả là ai chịu báo ứng? Kỳ thực người trù ếm tự thân sẽ chịu quả báo! Giống như anh tặng món đồ cho người, người ta không chịu nhận, anh đành phải đem nó về. Người trù ếm cũng vậy. Anh trù ếm người, người ta không biết, hoặc không nhận trù ếm của anh, đó không phải là lại phải trở về với thân mình sao?

Trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, cho dù là có người tật đố ta, làm tổn thương ta, mà tự chúng ta giữ yên bổn phận nên giữ, không bị cảnh giới này lay động chút nào, trụ trên niềm tin đại bi bình đẳng, chứa nhóm công đức nhẫn nhục, thì quyết sẽ không nhân đây mà chịu lụy.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật nói rất hay: “Người ác hại người hiền, như ngước lên trời nhổ, nhổ không đến trời, lại rơi xuống mình; ngược gió tung bụi, bụi không đến người, trở lại dơ thân mình, hiền không thể hủy báng, họa ắt diệt mình.”

Đây có thể xem là giải thích ý nghĩa đoạn này.

                       Hoặc ngộ ác La-sát
                       Độc long chư quỷ đẳng
                       Niệm bỉ Quán Âm lực
                       Thời tất bất cảm hại
                        Nhược ác thú vi nhiễm
                        Lợi nha trảo khả bố
                        Niệm bỉ Quán Âm lực
                        Tật tẩu vô biên phương
                        Ngoan xà cập phúc yết
                        Khí độc yên hỏa nhiên
                        Niệm bỉ Quán Âm lực
                        Tầm thanh tự hồi khứ
                        Vân lôi cổ xế điện
                        Giáng bạc chú đại vũ
                        Niệm bỉ Quán Âm lực
                        Ứng thời đắc tiêu tán.

HOẶC NGỘ ÁC LA-SÁT đến THỜI TẤT BẤT CẢM HẠI, tương đương với “Nhược tam thiên đại thiên… Dạ xoa La-sát dục lai não nhân” ở văn xuôi. Ác quỷ La-sát không cần phải nói lại nữa.

QUỶ là nghĩa mong cầu, mong cầu là tâm cầu xin, do đó THAM gọi là QUỶ. Trừ quỷ tham ra, lại có một loại quỷ vô minh. Vô minh tức là tâm ngu si, còn gọi là quỷ si. Đây đều là rồng độc chướng ngại việc thiện của chúng ta.

Những thứ này đều là phiền não, nhân vì có phiền não, do đó mới có thể giác ngộ. Phiền não tức Bồ-đề, là căn bản của Đại thừa, do đó nếu đem tâm mê của chúng ta chuyển một phen tức là tâm ngộ. Nhưng vì căn bản của mê là ngã chấp, ngã chấp lại là nguồn của tất cả tội ác. Cái tiểu ngã chấp trước ấy, chúng sanh niệm niệm không quên, do đó ở thời hạn có ngã chấp không thể ngộ được.

Người có phân biệt đây là con tôi, kia là con người, do đó sanh ra tâm yêu ghét hay thiên lệch. Lại có phân biệt đây là vật của tôi, kia là vật của người, do đó sanh ra tâm tham lam bỏn xẻn. Nhưng nếu mở cái ta rộng lớn hơn ra, tất cả chúng sanh đều là con của ta, trụ ở ba cõi đều là tâm của ta thì hiển hiện ra công bình, đại từ bi bình đẳng; phiền não lập tức biến thành Bồ-đề không thể hại ta, vị chát của trái hồng chát sẽ biến thành vị ngọt. Vị chát của trái hồng chát là quả xấu của phiền não, được ánh từ quang của Phật nhật chiếu qua, liền thành vị ngọt Bồ-đề. Đây chính là sự thuyết minh hay nhất của “Phiền não tức Bồ-đề”.

Giữa một tâm chuyển biến này, cái sanh ra là sai biệt mê ngộ, sai biệt phàm thánh. Phật giáo chủ yếu là nói có cái tâm chuyển biến này. Ác quỷ, La-sát, rồng độc, các quỷ tất cả là những thứ hại ta, nhưng lúc gặp những thứ này, nhân niệm sức Quán Âm, những ác quỷ ác thú ấy chẳng dám gia hại nữa. Hoặc ác thú bao vây chúng ta giương móng răng nhọn bén bức bách, nếu niệm sức Quán Âm kia thì ác thú sẽ bỏ chạy không còn tung tích.

ÁC THÚ tức trạng thái tâm lý từ ngã kiến ngã mạn sanh ra, trong tâm chúng ta dường như có móng vuốt bén nhọn tương tranh. Nhất là ở thời đại cạnh tranh sinh tồn mà chúng ta đang sống ngày nay, rõ ràng như có rất nhiều ác thú bao vây, loài người nghi ngờ lừa gạt lẫn nhau, hễ có cơ hội là muốn dẹp bỏ người khác để chính mình chiếm lấy vị trí cao hơn. Nếu bấy giờ có người có thể niệm tâm đại bi bình đẳng của Bồ-tát Quán Thế Âm thì bốn bể đều là đồng bào của ta, như tay như chân, tương thân tương ái, tất cả ác thú trong tâm và ác thú bên thân đều sẽ tiêu diệt.

NGOAN XÀ CẬP PHÚC YẾT : LÀ hổ mang, rắn, rít, bò cạp. Đây có thể xem như gọi chung tất cả loại trùng độc. Ác thú ở trước là dụ cho phiền não lớn. Rắn độc, trùng độc ví như phiền não nhỏ.

Phiền não nhỏ nếu không chú ý dần dần sẽ thành phiền não lớn, cái hại của nó chẳng khác rắn độc thú dữ. Nhân đây, trong kinh Pháp Cú nói: “Nước chảy tuy nhỏ, dần dần đầy bình, ác lớn vốn không phải lớn, do nhỏ góp thành, nếu không khinh ác nhỏ, thì chẳng gặp ương họa”.

KHÍ ĐỘC YÊN HỎA NHIÊN, là nói hơi độc giống như lửa hừng thiêu đốt, hình dung sự tệ hại của sân giận.

TẦM THANH TỰ HỒI KHỨ là niệm Quán Âm mà khởi bản tánh thanh tịnh sẵn có trong tâm, đem tâm ác chuyển một phen thì tất cả tội ác đáng sợ liền dường như hạt sương trên lá cỏ, gặp mặt trời lên tự nhiên tan mất.

Từ VÂN LÔI CỔ XẾ ĐIỆN đến ỨNG THỜI ĐẮC TIÊU TÁN, bốn câu này nói : Ví như một khoảng trời trong sáng sủa, chợt ùn lên một cụm mây đen, tiếng sấm vang rền, chớp lòe nhấp nháng, mưa đá trút xuống, mưa to xối xả, cảnh như thế đáng sợ biết nhường nào! Tâm chúng ta cũng y như vậy. Trên tâm xưa nay không có một chút hắc ám, bất ngờ mây một niệm mê sanh ra, niệm kia đây ta người theo đó mà đến, thì tiếng sấm sân giận, ánh chớp phẫn nộ, đập nước tham dục, mưa to tự bạo tự hủy đều đến làm khổ chúng ta. Nhưng, lúc này nếu có thể niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, tâm cơ vừa chuyển, mây tan mưa dứt, bầu trời tâm sáng rỡ, tất cả đều thanh tịnh tự tại.

Đối với các khổ nạn trên, niệm sức Quán Âm kia liền có thể chuyển tai họa, chiêu vời phước đức, cứu khổ ban vui. Năm chữ “Niệm sức Quán Âm kia” này thực là một cái chốt cửa chuyển tâm ác hướng thiện và chuyển đường mê hướng ngộ.

Sức của chúng ta là sức tương đối, sai biệt. Sức của Quán Âm là sức tuyệt đối bình đẳng. Đem cái tâm chấp trước sai biệt này chuyển thành bình đẳng, đem cái tâm hệ phược tương đối chuyển thành tuyệt đối, đây chính là nghĩa đệ nhất căn bản của Phật giáo. Kinh này chính là lấy Quán Âm làm trung tâm mà thuyết nghĩa đệ nhất trong nghĩa đệ nhất.

[ Quay lại ]