headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỢI ÍCH NGẦM : HAI CẦU NGUYỆN và KHUYẾN TRÌ

 1. HAI CẦU NGUYỆN

Nhược hữu nữ nhân, thiết dục cầu nam, lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát, tiện sanh phước đức trí tuệ chi nam; thiết dục cầu nữ, tiện sanh đoan chánh hữu tướng chi nữ, túc thực đức bổn, chúng nhân ái kính. Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát hữu như thị lực!

 

 


Chương thứ ba của lợi ích ngầm là hai cầu nguyện.

CÚNG DƯỜNG nghĩa là dâng cúng giúp nuôi dưỡng. Có 3 loại cúng dường:

1. Trang nghiêm nhà cửa, cung kính cúng dường.
2. Tụng kinh lễ Phật, tu hành cúng dường.
3. Ẩm thực y phục, lợi ích cúng dường.

Trong văn trên có một câu: “Phước đức trí tuệ”.
PHƯỚC, là đức hữu hình, tức là đức về ăn, mặc, ở của thân.
ĐỨC, là đức vô hình, tức là đức của tâm viên thành đầy đủ.
TRÍ, là thể của tuệ, tức là sức nhắm vào tuệ mà chọn lựa phán đoán.
TUỆ, là công dụng của trí, tức là dụng định rõ thiện ác, tà chánh.

Chiếu theo đoạn văn này mà đọc, nếu có đàn bà muốn sanh con trai, nguyện với Quán Thế Âm liền có thể sanh con trai đẹp Đẽ. Muốn sanh con gái, nguyện với Quán Thế Âm, cũng có thể sanh con gái diễm lệ. Bản văn nói không ngoài lợi ích này. Nam là tiêu biểu trí tuệ. Nữ là biểu thị từ bi. Như muốn cầu trí tuệ thanh tịnh, lấy lòng thành, ý thành, lễ bái cúng dường Quán Thế Âm, thông đạt lý thật tướng của các pháp mà Quán Thế Âm thông đạt đem sự tôn kính, xác tín này dựng lập lên, thì có thể đạt đến chân trí viên mãn, từ bi bình đẳng. Nếu như muốn được đại từ bi, nên thường dùng tâm của Quán Âm làm tâm, trọn tinh tấn không xa lìa thì tự nhiên sẽ sanh được tâm từ bi nhận sự tôn kính của người. Nếu như thân miệng ý hợp nhất mà lễ bái cúng dường, thì Quán Thế Âm cũng sẽ chẳng rời mình.

Lúc một lòng xưng niệm Quán Thế Âm, trời đất muôn vật thành một Quán Thế Âm, giữa mình và Quán Thế Âm không có khu biệt, không có chướng ngại. Ngay lúc này, đại trí tuệ, đại từ bi, đại dũng mãnh của Quán Thế Âm ở chính mình cũng có thể hiển hiện.

Thiền sư Diễn Pháp đem đoạn kinh văn này làm thành một loại thai giáo. Đó là đàn bà cầu con đem lòng quy hướng Quán Thế Âm đại trí tuệ, đại từ bi, đuổi trừ các thứ mê vọng, xa lìa tất cả tà kiến, do đây, nếu như sanh con trai, ắt là phước đức, trí tuệ viên mãn. Nếu sanh con gái, ắt là đoan chánh có tướng, được người yêu kính. Đoạn văn kinh này trừ linh nghiệm thần bí có lợi ích ngầm ra, cũng có thể từ phương diện hiện thực này mà giải thích.

Đặc biệt, TỨC THỤC ĐỨC BỔN này là nói nghiệp lành đời trước, hiển hiện ở đời này thành cội đức, mà có thể khiến người yêu kính. Do đó trong Phật giáo, chỗ nói đời trước sanh tiền (quá khứ) cho đến từ sanh đến chết (hiện tại), chết rồi về sau (vị lai), thông với quan hệ nhân quả thì TỨC THỤC ĐỨC BỔN này là nhân lành quá khứ từ trước khi sanh, trở thành quả lành hiện tại. Đứa bé trong bụng mẹ, lúc chưa sanh, người đàn bà sắp làm mẹ, nếu tâm lý và hành vi đoan chánh, thì không những là dạy trong thai, y theo đạo lý di truyền mà nói, nhục thể và tinh thần đứa con được sanh đều có ảnh hưởng, do đó phải nên đặc biệt chú ý đoạn văn này.

Căn cứ đoạn văn này nói, ở phương diện con trai là có phước đức trí tuệ, ở phương diện con gái là đoan chánh có tướng. Đây là vì con gái trọng yếu về phương diện tư dung hơn con trai, do đó lược đi phước đức trí tuệ. Phía con trai thì lược bớt đoan chánh có tướng. Kỳ thực, phước đức trí tuệ là chỉ tâm, đoan chánh có tướng là chỉ thân. Hai việc này đều nên cầu đủ.

PHƯỚC, lấy việc may mắn hữu hình làm chủ. ĐỨC là tâm hạnh vô hình. Trên thế gian, có người có phước mà thiếu đức. Tuy có rất nhiều tiền bạc nhưng lại khiến người chán ghét. Người có đức mà vô phước, tuy rất chính trực nhưng hay bất hạnh.

Hiện tại chỗ hy vọng là có phước có đức, hơn nữa cần có trí tuệ, nghĩa là có tiền, có người ngưỡng mộ, lại thêm hiền đức. Đoan chánh có tướng là chỉ hình dung đẹp đẽ. Ở đây chú ý hai chữ đoan chánh, hạn chế hành vi là đoan, vì trong Phật giáo, không phải chỉ nắm tư dung, như trong kinh Ngọc Da nói: “Đàn bà dung mạo đoan chánh không gọi là người đẹp, chỉ tâm hạnh đoan chánh, được người yêu kính mới gọi là người đẹp”. Do đó, người đẹp không hẳn là tư dung trang trọng đẹp đẽ yêu kiều, mà chú trọng hơn về tâm hạnh đoan chánh, trinh tĩnh, u nhàn. Đức Phật giảng đến chỗ này, lại bảo Vô Tận Ý rằng: Quán Thế Âm Bồ-tát có sức như thế.

Nhược hữu chúng sanh, cung kính lễ bái Quán Thế Âm Bồ-tát, phước bất đường quyên.

Một câu này thâu kết văn trước. Nhân có chúng sanh sợ trì danh không công, do đó lại nói nếu có chúng sanh cung kính lễ bái thì công không uổng phí. ĐƯỜNG QUYÊN là phí uổng, công bất đường quyên là công không bỏ phế.

Bảy nạn trở xuống đều là thuyết minh lợi ích ngầm của ba nghiệp thân, miệng, ý của Quán Thế Âm. Bảy nạn ban đầu là từ ngoài vào, do đó ở miệng xưng tụng Bồ-tát Quán Thế Aâm. Ba độc từ trong khởi, do đó ở tâm thường thường quán tưởng nhớ nghĩ Bồ-tát Quán Thế Aâm. Hai cầu nguyện là thân cầu, hiển thị thân hành cung kính lễ bái. Đây tức là đem ba nghiệp thân, miệng, ý nhất trí tương ưng, do đây có thể nhận được lợi ích ngầm gia hộ.

2. KHUYẾN TRÌ

Thị cố chúng sanh, giai ưng thọ trì Quán Thế Âm Bồ-tát danh hiệu. Vô Tận Ý! Nhược hữu nhân thọ trì lục thập nhị ức hằng hà sa Bồ-tát danh tự, phục tận hình cúng dường ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược, ư nhữ ý vân hà? Thị thiện nam tử, thiện nữ nhân công đức đa phủ? Vô Tận Ý ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Phật ngôn: Nhược phục hữu nhân, thọ trì Quán Thế Âm Bồ-tát danh hiệu, nãi chí nhất thời lễ bái cúng dường, thị nhị nhân phước, chánh đẳng vô dị, ư bách thiên vạn ức kiếp, bất khả cùng tận. Vô Tận Ý! Thọ trì Quán Thế Âm Bồ-tát danh hiệu, đắc như thị vô lượng vô biên phước đức chi lợi.

Đoạn này không có ý thuyết minh gì đặc biệt, chính là biểu minh lợi ích ngầm của Bồ-tát Quán Thế Âm đã nói ở trước, là điều chân thật không hư dối, là việc nhất định có thể đạt đến, và không phải là cái rỗng không mà chẳng thực. Do đó tất cả chúng sanh đều nên thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Đây không giống như cúng tấm thẻ bằng gỗ hay cầm phù chú vẽ trên giấy là xong.

Nhưng anh cúng tấm thẻ gỗ, cầm giấy bùa chú, thì có thể yên tâm, do đó không thể nói là chẳng tốt, chỉ là theo căn bản mà nói, cần phải trong thâm tâm thọ trì ba đức trí tuệ, từ bi, dũng mãnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, khiến cho chẳng mất, đây mới là việc khẩn yếu.

Thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, rốt cuộc công đức được bao nhiêu? Chúng ta xem tỉ dụ của Phật thì có thể biết.

Đức Phật hỏi Bồ-tát Vô Tận Ý: “Nếu như có người thọ trì danh hiệu 62 ức số cát sông Hằng, thẳng đến lúc chết, ông ta đều nhiệt tâm cúng dường ăn uống, áo quần, thuốc men, giường chõng, như thế thiện nam tử hay thiện nữ nhân này có công đức nhiều hay ít?”.

Vô Tận Ý cung kính trả lời : “Công đức ấy rất nhiều, bạch Thế Tôn!”.

Đức Phật nghe xong lại nói: “Nếu như có người, chỉ một lúc thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, không thọ trì suốt đời. Lúc có thể thọ trì lễ bái cúng dường đó, công đức bằng với người suốt đời lễ bái cúng dường 62 ức hằng sa Bồ-tát ở trên, không hề sai khác chút nào. Công đức này trong thời gian dài lâu trăm ngàn vạn ức kiếp không có cùng tận. Công đức thọ trì Bồ-tát Quán Thế Âm nhiều như thế, lớn như thế đó!

Văn trên nói 62 ức là hình dung cho số nhiều, nói nhiều đến nỗi không đếm hết được, tương đồng với vô lượng vô số. Trong Phật giáo bất kể là nói số gì, nhất định là đều có chỗ căn cứ, như cùng nói là 62 ức, hoặc là bao nhiêu ức, đều là có định nghĩa của nó. Chữ “sáu” trong 62 ức là chỉ cho sáu đại: đất, nước, lửa, gió, không và thức. Trong sáu đại này, đất – nước – lửa – gió – không là SẮC, thức là TÂM, tức là tương đương với Tâm và Sắc, chủ quan và khách quan, vật chất và tinh thần. Nhưng ở đây thêm số cát sông Hằng nhiều như thế, do đó có thể hiểu là Bồ-tát nhiều vô lượng vô số.

Một bên là suốt đời lễ bái cúng dường vô lượng vô số Bồ-tát, một bên chỉ nhất thời lễ bái cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm, bảo rằng công đức cả hai bằng nhau, đây thật là diệu chỉ của Thật giáo Đại thừa.

Thật giáo Đại thừa nói vạn vật một thể, muôn vật tương quan, hiển thị lý một và nhiều không hai. Một và nhiều tương dung tương nhập, nêu một tức hàm chứa tất cả, nêu tất cả tức hàm CHỨA một. Do đó trong kinh Hoa Nghiêm, thậm chí quán sát trong một hạt bụi tức bao quát hết pháp giới. Tuy nói là một hạt tro bụi trên bàn, nếu như muốn tìm lai do của nó, thì phải tập hợp lực lượng của tất cả vạn vật mới có thể rơi lên bàn. Một hạt tro bụi này, nếu như từ mạt giấy mà sanh, thì giấy và bụi không thể tách rời quan hệ, tìm tòi thêm một bước nữa, giấy là cây cối chế tạo thành, thì cơ giới chế biến cây này, nhân viên công tác, quần áo thức ăn, chỗ ở nuôi sống công nhân, đều có quan hệ mật thiết không thể tách rời. Áo quần thức ăn chốn ở từ đâu mà có? Đó lại chẳng thể tách rời tất cả mọi người trên thế giới cung cấp chúng. Lại có đất đai sản sinh ra tư liệu này, ánh sáng và sức nóng của mặt trời, nếu thiếu một thứ, hạt bụi này không thể được tạo thành.

Do đó nói trong một gồm nhiều, trong nhiều gồm một. Một và nhiều là quan hệ trong và ngoài, trọn không có hai thứ riêng biệt. Chiếu theo đây mà xem, cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm, và cúng dường 62 ức hằng sa Bồ-tát, công đức bằng nhau, đương nhiên không có gì để nghi hoặc.

Cái dài của suốt đời và cái ngắn của một lúc, suy cho kỹ cũng chẳng có gì bất đồng.

Xưa nay nói nhiều - ít, dài - ngắn, lớn – nhỏ … đều là thuyết pháp trên so sánh, là cái tương đối. Ở cảnh địa tuyệt đối mà nhìn, đều không có phân biệt như nhiều ít, dài ngắn, lớn nhỏ, xa gần. Đều là hồn nhiên dung hợp, không thể chia cách, hoàn toàn là bình đẳng nhất như.

Lúc nói đến Bồ-tát Quán Thế Âm, tất cả chư Phật Bồ-tát đều ở trong đó, 62 ức hằng hà sa Bồ-tát đều có thể xem là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Từ phương diện chủ quan thì như trước đã nói, người người đều là một Quán Tự Tại, số mục ấy thật vô lượng vô biên, nhưng đều đồng một đấng Quán Thế Âm, do đó không nên dùng nhiều ít, dài ngắn để so sánh.

Lúc Phật nói đạo lý này: “Vô Tận Ý!”

Đức Phật lại gọi Vô Tận Ý đại biểu cho tất cả chúng sanh nêu câu hỏi. “Mọi người đều nên thọ trì danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu thọ trì được, thì có thể được lợi ích có vô lượng vô biên phước đức”. Đây là văn kết thúc lợi ích ngầm.

Trong văn hiển thị, công đức cúng dường tất cả Bồ-tát, nhiếp về cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm, đem danh hiệu vô lượng Bồ-tát nhiếp về danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, đây chính là tín ngưỡng tôn giáo nên quy về một mối, có thể trụ tâm vào một, thì sẽ không mê hoặc. Đồng thời, do tâm nhất chí này, có thể đưa đến sự hoạt động của từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, có thể thoát khỏi tất cả nguy nan, tràn đầy tất cả hy vọng.

Đến như phân tâm tạp niệm, thì tâm thành tán loạn, không thể đến được nơi an ổn chân chính. Do đó, nhất tâm bất nhị mới là đạo chủ yếu.

Liên quan đến điều này, có một câu chuyện thú vị:

Quá khứ có hai người, một người tin tưởng rất nhiều thần tiên, trong túi anh ta đựng rất nhiều danh hiệu hoặc bùa chú thần tiên. Người kia chỉ tin tưởng Bồ-tát Quán Thế Âm, trong túi anh ta, cũng đựng danh hiệu Quán Thế Âm.

Có mộât hôm, hai người đang đi trên đường, bất ngờ một tên hung ác từ bên đường vọt ra, nhắm hai người chém mấy dao, một người bị chém nhằm một chút, người kia thì hoàn toàn vô sự. Người không có một chút thương tích nào, mở túi ra xem, thấy danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm bị dao chặt mẻ một chút. Điều này, nhất định nhân vì ông ta tin thờ Quán Thế Âm, Quán Thế Âm phù hộ ông ta, dùng thân thay thế. Ông ta từ đây càng tín ngưỡng Quán Thế Âm.

Người bị chém trúng, trong lòng rất buồn bực, nói lép nhép không ngừng: “Lòng tin của tôi so với anh chàng kia không khác chút nào, tôi tin tưởng nhiệt tình như thế, thẻ gỗ và bùa chú của thần tiên rất nhiều trong túi tôi, tại sao không bảo vệ tôi chút nào thế?”.

Người bị chém trúng đó, khi đang áo não đầy bụng, thần tiên trong túi chợt nói: “Thật xin lỗi anh! Chúng ta không phải là không định giúp anh, nhưng thần tiên trong túi anh rất nhiều, nếu ở trước các thần tiên khác mà bảo vệ anh thì rất thất lễ. Ngay lúc anh nguy hiểm, chúng tôi thỉnh Thiên Đế đến cứu anh, Ngài lại đẩy qua mời Nguyên Thỉ Thiên Tôn, Nguyên Thỉ Thiên Tôn lại đẩy qua mời Ma Tổ, Ma Tổ lại đẩy thỉnh Bắc Đẩu Tinh Quân, chính lúc đang nhường như thế, anh đã bị chém trúng rồi. Trong túi người kia chỉ có một vị Bồ-tát Quán Thế Âm, do đó mới cứu ông ta mau chóng”.

Đây thật là một câu chuyện rất thú vị. Nếu chúng ta tín ngưỡng một mối, mới có thể đạt được sở cầu. Nếu nói là không tin sùng Bồ-tát Quán Thế Âm đại từ đại bi, mà đi tin rất nhiều thần tiên khác, thứ tín ngưỡng không thuần khiết ấy, là không thể đạt được mục đích tín ngưỡng tôn giáo.

[ Quay lại ]