headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 05/01/2025 - Ngày 6 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

VÔ TẬN Ý PHÁT VẤN

 Đại sư Tinh Vân dịch từ Nhật sang Hán
Ni sư Hạnh Huệ dịch từ Hán sang Việt

Bộ PHẨM PHỔ MÔN này, từ đầu đến đuôi đều nói về tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, toàn văn chia làm hai đoạn lớn là trường hàng và kệ tụng. Trường hàng là thể dài tản văn. Kệ tụng thì giống như thơ ca theo thể văn vần. Vì kệ tụng là thuật lại trường hàng nên yếu chỉ trong phẩm Phổ Môn hoàn toàn bao hàm trong trường hàng.

Trường hàng chia ra làm hai loại vấn đáp :

1. Đoạn thứ nhất : Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi Bồ-tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà được tên.
2. Đoạn thứ hai : Hỏi Bồ-tát Quán Thế Âm ở tại thế giới Ta-bà dùng phương tiện gì mà vì chúng sanh thuyết pháp.

Bây giờ giải thích câu hỏi đoạn thứ nhất như sau:

Nhĩ thời Vô Tận Ý Bồ-tát tức tùng tòa khởi thiên đản hữu kiên, hiệp chưởng hướng Phật nhi tác thị ngôn: “Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ-tát, dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm?”

Đây là câu hỏi của Vô Tận Ý, cũng có thể xem là PHẦN TỰA của phẩm này.

+ NHĨ THỜI (lúc ấy, bấy giờ) : là chỉ thời gian nào thuyết. Y theo Quán Âm Nghĩa Sớ Ký của Tri Lễ thì : “Thích Tôn khi giảng xong phẩm Diệu Âm Bồ Tát Vãng Lai ở Đông phương, lúc sắp giảng phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn ở Tây phương, nhĩ thời là chỉ thời gian đó”. Lại có một lối nói nữa là nói đệ tử của Thích Tôn, khi nghe xong phẩm Diệu Âm Bồ-tát Vãng Lai, hoan hỷ mừng rỡ, hy vọng được nghe một chút về Quán Thế Ấm phát tâm đến sanh khởi tâm thiện của đại chúng, nhĩ thời là chỉ lúc đại chúng đều đang hy vọng. Do đó nhĩ thời có hai nghĩa như trên.

Phẩm Phổ Môn là phẩm thứ 25 của kinh Pháp Hoa. Phẩm 24 trước là phẩm Diệu Âm Bồ-tát Vãng Lai. Cuối phẩm đó từng nói rằng: Lúc nói phẩm Diệu Âm Bồ-tát Vãng Lai này, 42000 thiên tử được vô sanh pháp nhẫn, Bồ-tát Hoa Đức được Pháp Hoa tam-muội. Nhĩ thời trên phẩm Phổ Môn có thể lấy nghĩa trước.
Phẩm Phổ Môn là phẩm chị em với phẩm Bồ Tát Diệu Âm Vãng Lai. Phẩm trước, Bồ-tát Diệu Âm hiện sắc thân tam-muội trong ba cõi sáu đường, thị hiện khắp nơi, thuyết pháp độ sanh, phẩm này thì nói Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện sắc thân tam muội, tùy loại hóa thân, thuyết pháp độ sanh.

Nhĩ thời, theo cách nhìn phổ thông là lúc giảng phẩm 24 xong bắt đầu phẩm 25, nhưng khi tụng riêng phẩm Phổ Môn thì nhĩ thời không nhất định là lúc giảng xong phẩm 24. Do đó, đứng ở phương diện Phật mà nói, nhĩ thời là lúc Phật quán các căn cơ đáng giảng phẩm Phổ Môn. Đứng ở phương diện chúng sanh mà nói, nhĩ thời là lúc chúng sanh nhân duyên thuần thục cần được nghe. Kỳ thực, chẳng kể lúc nào là nhĩ thời. Nhĩ thời là cái vô hạn.

+ VÔ TẬN Ý BỒ-TÁT : là vị Bồ-tát bổ xứ của Phật Phổ Hiền ở thế giới Bất Thuấn phương Đông. Thế giới Bất Thuấn phương Đông chỉ có Bồ-tát không có quốc độ của Thanh văn, Duyên giác. Phật Phổ Hiền là giáo chủ cõi đó. Vị Bồ-tát này phụ giúp Phật giáo hóa, nhưng hiện tại Ngài vâng lời Phật đến cõi Ta-bà giúp Phật Thích Tôn giáo hóa. Nhân đây được kể trong hội Pháp Hoa núi Linh Thứu, cũng có một chỗ của Ngài. Bây giờ Ngài xuất hiện đặt câu hỏi về nhân duyên của Bồ-tát Quán Thế Âm, ý nghĩa rất sâu.

Vô Tận Ý, là ý nghĩ không có cùng tận, vô lượng, vô biên. Vị Bồ-tát này, do thế giới vô tận, chúng sanh vô tận, nghiệp giới vô tận mà bi nguyện độ sanh của Bồ-tát cũng vô tận, nên gọi là Vô Tận Ý.

Chiếu theo trên đã nói, diệu lý của Pháp Hoa là thực tướng các pháp.

- Có những người không biết vạn tượng là giả tướng do nhân duyên sai biệt sanh ra, chấp dính là có, đó là cõi mê của phàm phu.
- Nương theo sự tồn tại của nhân duyên, chấp tất cả đều không, đây là Tiểu thừa hay Đại thừa Quyền giáo.
- Trong Đại thừa Thật giáo, từ vạn vật sai biệt mà nói không thiên về có, từ vạn vật một thể mà nói không thiên về không, cho rằng vạn vật tương quan vô tận, đều là thật tướng của các pháp. Trời đất muôn loài, đều là cho nhau, ân huệ lẫn nhau, để làm lợi cho nhau. Đây thực toàn là hạnh nguyện của Bồ-tát. Chỉ lợi cho mình, đây là Thanh văn, Duyên giác, không biết rõ nguyên lý “Tương thí tương huệ”. Vị Bồ-tát Vô Tận Ý này đem lòng đại bi vô tận, tế độ chúng sanh vô tận, vô tận này là nghĩa căn bản của Đại thừa. Bồ-tát Quán Thế Âm, danh vang khắp mười phương, chư hiền trọng vọng, Phổ Môn thị hiện, bi nguyện vô tận, do đó cho vị Bồ-tát này bước ra thưa hỏi, ý nghĩa thật rất sâu xa.

+ TỨC TÙNG TÒA KHỞI : lúc sắp muốn nghe Thích Tôn thuyết pháp, Bồ-tát Vô Tận Ý từ chỗ ngồi của mình đứng lên, trịch áo vai phải, chắp tay hướng về Phật, đảnh lễ ngay ngắn. Đây là mở đầu việc hỏi pháp Thích Tôn.

Trong Quán Tâm Thích của Thiên Thai có nói: “Không tức là tòa, ở cái không này không chỗ dính mắc nên nói là khởi”. Vị Bồ-tát này, thường lấy “các pháp đều không” làm tòa mà không dính mắc. Các pháp đều không là cửa “bình đẳng”. Hiện tại vị Bồ-tát này vâng mệnh Phật Phổ Hiền giáo chủ thế giới Bất Thuấn ở phương Đông, đến hội Pháp Hoa của Phật Thích-ca ở núi Linh Thứu, ứng cơ đặt câu hỏi, nhân đây từ tòa bình đẳng “không” mà đứng lên, hiện khởi cửa “có” của chúng sanh sai biệt, do đó nói tức tùng tòa khởi.

+ THIÊN ĐẢN HỮU KIÊN : đây chính là kiểu chúng ta đắp cà-sa, là tư thái lấy cà-sa đắp lên vai trái, để lộ vai phải ra. Tại Ấn Độ, cà-sa sở dĩ cần lộ vai phải ra, là vì lúc làm việc cân nhắc phương tiện, lúc thay sư phụ làm việc có nghi biểu trang trọng, chính là biểu thị ý cung kính.

Do đó, chúng ta lúc lễ bái Phật Bồ-tát, bắt chước phong tục Ấn Độ bày vai phải này. Theo giải thích của Quán Tâm Thích, đắp và bày là biểu thị hai trí quyền và thật của hai đế không và giả. Không đế là thật trí, thật trí là bất khả thuyết, do đó vai trái che đậy. Giả đế là quyền trí, do đó vai phải lộ ra. Hoặc là nói : Vai trái biểu thị thiền định, vai phải biểu thị trí tuệ. Hiện đem trịch áo vai phải, tức là từ thiền định dậy mà phóng ánh sáng trí tuệ.

+HIỆP CHƯỞNG HƯỚNG PHẬT NHI TÁC THỊ NGÔN : hiệp chưởng là hai tay với mười ngón chắp lại, gọi là hiệp chưởng. Tại Ấn Độ, đây là biểu thị một loại lễ tiết cung kính đối với người trên. Thêm một bước nữa giải thích hiệp chưởng, mười ngón của hai bàn tay tương đương với mười cõi, đem hợp làm một, thành là mười cõi nhất như, là biểu thị chúng sanh và Phật, mê và ngộ là bất nhị.

Bồ-tát Vô Tận Ý từ chỗ ngồi đứng lên, trịch áo vai phải, chắp tay hướng về Phật Thích-ca Mâu-ni ba thân đầy đủ đang thuyết pháp trên tòa pháp vương, đặt câu hỏi như sau, tức là nhi tác thị ngôn.

Hiện tại nói về Phật Thích-ca Mâu-ni ba thân đầy đủ. Về nghĩa ba thân, thực có một thuyết tất yếu.

Ba thân là pháp thân, báo thân, ứng thân. Pháp thân là lý chân như, thể nghiệm đến cái này, tức là viên mãn báo thân. Dùng lý thể nghiệm được mà hiển Phật trí là báo thân. Tùy duyên ứng hiện, rộng độ quần sanh, đó là ứng thân. Thích-ca Mâu-ni, chính là đã đầy đủ đức của ba thân này.

Từ “Nhĩ thời” đến “nhi tác thị ngôn” là PHẦN TỰA của phẩm này.

Văn Trường hàng từ “nhi tác thị ngôn” trở đi, đến Trùng tụng thuật lại ở mặt sau, cho đến thẳng tới câu “thị cố ưng đảnh lễ” cuối cùng của phần trùng tụng, là phần CHÁNH TÔNG.

Từ “Nhĩ thời Trì Địa Bồ-tát” trở xuống là phần LƯU THÔNG.

“Nhi tác thị ngôn” trở xuống là câu hỏi của Bồ-tát Vô Tận Ý thưa với Phật Thích-ca Mâu-ni, cũng chính là đầu mối của phần chánh tông.

Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ-tát, dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm?

Đây là câu Bồ-tát Vô Tận Ý hỏi Phật Thích-ca: “Bồ-tát Quán Thế Âm, do nhân duyên gì mà được tên là Quán Thế Âm?” Văn kinh chỗ này không cần giải thích đặc biệt gì, chỉ cần giải thích “Thế Tôn” một lần.

Phật Thích-ca Mâu-ni là đạo sư của ba cõi, cha lành của bốn loài, đối với thế gian và xuất thế gian là tối tôn vô thượng, do đó gọi là Thế Tôn. Thế Tôn là danh xưng chung của mười hiệu Như Lai. Mười hiệu này là căn cứ theo đức của Như Lai mà lập mười danh xưng. Đó là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật.

- Như Lai : Từ chân như thật tướng mà đến.
- Ứng Cúng : Có đủ đức nhận tất cả chúng sanh cúng dường.
- Chánh Biến Tri : Được chánh giác bình đẳng.
- Minh Hạnh Túc : Đầy đủ diệu hạnh.
- Thiện Thệ : Giống như Diệu Đức, dùng trí tuệ vô lượng có thể đoạn dứt các phiền não, để hướng đến quả Phật.
- Thế Gian Giải : Đầy đủ trí thế và xuất thế gian.
- Vô Thượng Sĩ : Vượt khỏi tất cả hữu tình, tối thắng vô thượng.
- Điều Ngự Trượng Phu : Bậc đại trượng phu điều phục tất cả ma chướng phiền não.
- Thiên Nhân Sư : Làm sư biểu cho tất cả trời người.
- Phật : Là gọi tắt của Phật-đà còn gọi là Phù-đồ, dịch là Giác giả. Giác có tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn là ba giác. Tự giác là tự mình đến được diệu quả Bồ-đề Niết-bàn. Trở lại dạy dỗ tất cả chúng sanh là giác tha. Làm cho hai giác này viên mãn, gọi là giác hạnh viên mãn. Chỗ nói ba giác viên, muôn đức đủ, gọi là Phật-đà.

(Còn tiếp)

[ Quay lại ]