headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LỜI KINH TRÊN BIỂN

 Ni sư Như Đức

Khi đức Phật từ đạo tràng ở biển trở về, Ngài nhìn sóng biển chập chùng mà thấy những dao động tâm linh của chúng sanh. Biển cả như biển Tạng thức, danh từ đặc biệt gọi là biển A-lại-da, trên đó các thức chuyển biến giống như sóng bị khuấy động bởi những cơn gió cảnh bên ngoài. Ngài nói một bài pháp đặc biệt về biển và sóng thức tại thành Lăng Già trên đỉnh núi Malaya, theo lời cầu thỉnh của vua Rāvana. Sự diễn tiến của pháp hội Lăng Già tùy theo những câu hỏi của Bồ Tát Đại Huệ.

 

Trước khi khởi thỉnh đức Phât chỉ dạy về chân lý tự chứng thâm sâu, Bồ Tát nói một đoạn kệ tán thán. Ý rằng biết thế gian này như mộng, như huyễn hóa, không thể nào xác định chắc chắn là Có hay Không. Bậc Đại trí biết rõ điều này nhưng không bao giờ xa lìa thế gian để mặc chúng sanh khóc cười theo ảo ảnh. Lòng Đại bi khiến các ngài luôn hiện diện, cũng ở trong cõi mộng mà dắt người ra khỏi mộng. Chúng ta ôm trong tay chùm bong bóng đủ màu, mừng vui giữ chặt như niềm vui rất thực. Khi bong bóng bể, chúng ta khóc cho cơn mơ ra khỏi tầm tay. Bậc Bồ Tát đại trí làm gì trong tình huống này? Dỗ dành? Mua cho cái bong bóng mới? Cơn thiền định rất sâu của nhà Yoga Ấn Độ đến tám vạn bốn ngàn kiếp cũng chỉ là cái bong bóng bị vỡ khi chạm vào sanh tử. Ngay cả quả vị Thanh văn - Duyên giác mà hàng đệ tử Phật khổ công tu trì, cũng chỉ là một loại bong bóng cao cấp hơn, rồi cũng phải bỏ. Giáo lý Lăng Già liên tục gỡ hết những chùm bong bóng ảo tưởng của thế gian, xuất thế gian, để đến chỗ gọi là “Thánh trí tự chứng” - không còn chấp giữ vào bất cứ điều gì, nội tâm tịch tĩnh vắng lặng. Đó cũng là trả lời cho câu hỏi của Bồ Tát Đại Huệ đặt ra ngay từ đầu: “Vân hà tịnh kỳ niệm” (Làm sao dứt sạch niệm?). Câu hỏi của Tu Bồ Đề trên hội Kim Cang Bát Nhã cũng tương tự :Làm sao hàng phục tâm? Làm sao an trụ tâm? Đến tận thế kỷ thứ VI, ngài Huệ Khả cũng mang tâm trạng khắc khoải đó mà thưa hỏi tổ Đạt Ma: “Tâm con không an, xin Thầy dạy cho pháp an tâm”.

Biển tâm, sóng thức luôn là vấn đề muôn thuở. Khi đứa bé sinh ra, thế giới chung quanh có mặt cùng một lần với ngày sinh của nó. Nó khóc hay cười là để biểu lộ mình cho mọi người chung quanh, biểu lộ sự tương quan của mình đối với thế giới. Dần dần theo âm thanh hình ảnh, nó BIẾT được sự vật, BIẾT NÓI theo ước lệ xã hội, điều này Lăng Già gọi là “Danh ngôn tập khí”, thói quen hay tính cách ướp nhuộm của danh từ ngôn ngữ. Đứa bé sinh ra và lớn lên ở nước Việt Nam nói tiếng Việt, đứa bé sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ nói tiếng Mỹ. Cộng với yếu tố thói quen của quá khứ, của hạt mầm tiềm ẩn trong tâm thức trải qua nhiều thời gian trước, đứa bé sẽ hình thành tư cách riêng của mình. Thiền sư Văn Chuẩn (1061-1115) thuở còn trong nôi thấy tượng Phật liền cười, mới tám tuổi gặp sa-môn Hư Phổ ở chùa Kim Sơn đến nhà khất thực, Sư ở trước cửa đối đáp như người lớn, và sau đó xin cha mẹ theo thầy Hư Phổ về chùa. Làm tăng khi còn nhỏ, hay làm thần đồng âm nhạc, thần đồng toán học… đó là hạt giống tích lũy đâm chồi thẳng, năng lực ẩn tàng trong tâm hướng thẳng cuộc đời theo điểm nhất định. Tâm là kho chứa, là biển dung nạp tất cả dòng sông thức tình, thói quen, hơi hướm hành động suy tưởng. Danh từ Phật học gọi là A-lại-da (Tàng thức) một sức chứa vô biên từ vô thỉ. Mỗi đời sống là một biểu hiện của những gì tích chứa, với sự tương tác của trí khôn suy nghĩ phân biệt làm điều kiện bên trong, hoàn cảnh xã hội, sự giao tiếp học tập làm điều kiện bên ngoài, một cá nhân sẽ có thêm nhiều hạt giống tốt hay xấu. Nhiều vị Sư phải lật đật đăng ký vào chùa sớm, chắc vì e sợ điều kiện bên ngoài xông ướp làm phai mất thiền vị. Bồ Tát Đại Huệ ưu tư vấn đề này trước nhất, nên sau các câu hỏi về thế giới khách quan, Ngài hỏi về thế giới tự nội: Sự sinh diệt của các thức?

Đầu mối vận hành sinh tử là thức, làm biển tâm không thể an trụ cứ nổi sóng liên miên, đó là sự chao động của thức. Khả năng phán đoán, suy nghĩ phân biệt, cảm nhận, ước muốn, hành động là sức năng lượng lấy ra từ biển Tâm. Biển cung cấp năng lượng không toan tính, A-lại-da có tính vô ký, nhưng những năng lượng luôn luôn để lại dấu ấn, biến đổi A-lạida theo muôn hình vạn trạng. Tâm đi vào các nẻo luân hồi, lạc mất tính nguyên sơ…

“Ta đã ra đi từ triều nước động.
Giòng cuốn phăng thiên lý ngợp ba đào…”

Những tập khí, hạt giống chứa trong tâm, bây giờ làm ảnh hưởng đến tâm. Kho chứa nước mắm làm cái mùi hôi đeo đẳng, mặc dù trước đó nhà kho không có mùi. Pháp tu là gì? Nhìn vào thói quen của mình để nó đừng tác quái. Các thiền sư ngồi thiền liên miên, giữ sự tỉnh thức để trừ dần, vô hiệu hóa các thói quen buồn thương giận ghét.

Bế môn tọa huyệt nhất thiền sáp
Đầu thượng tuế nguyệt không tranh vanh.
(Tô Đông Pha tặng Đào Tiềm)

Đó là hình ảnh nhà sư

Đóng cửa hang sâu một giường thiền

Trên đầu năm tháng trôi chênh vênh.

Thời gian, không gian là những thứ dễ kéo theo kỷ niệm, dấu ấn không phai. Hãy để nó trôi đi như chính sự vận hành của nó, mỗi nhớ nhung gợi lên là một đợt sóng tâm xao động. Khi những dấu hiệu của niệm tưởng xông ướp phai nhạt dần, biến hết, mọi tập khí chấp thủ, những thói quen về tôi và của tôi dứt sạch, đó gọi là SỞ Y của THỨC diệt. Thức vẫn còn đó, tâm vẫn còn đó, nhưng chỉ là tính phân biệt rõ ràng trong sáng, không kéo theo niệm tưởng. Xanh biết là xanh, vàng biết là vàng, không có anh chàng nào lảng vảng để:

… Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường…

Chỗ “yêu hoa cúc” hay “mến lá sân trường” là chỗ sóng thức khởi động. Nhưng chẳng lẽ sống trơ như gỗ đá? Chư Phật biết tất cả, vẫn hưng khởi tâm đại bi. Các ngài nhìn mọi hiện tượng như chùm hoa nắng, và dạy chúng ta quán sát “Các pháp như mộng, như huyễn thuật…”. Quán sát có nghĩa là nhìn mọi vật với sự suy xét, tư duy sâu, kỹ càng. Chúng ta luôn hấp tấp, vội vã chộp lấy mọi thứ, không kịp thấy chứ đừng nói đến suy nghĩ. Mọi thứ trong cuộc đời đến và đi như ảo thuật, khi sinh khi tử cũng không hiểu nó ra sao. Không hiểu nhưng vẫn thấy nó thiệt. Nhà ảo thuật rút trong tay áo ra một thứ gì đó, rồi quăng nó đi đâu đó, mình biết là ảo thuật nên không thắc mắc. Cuộc đời cũng giống như vậy, cho một thứ gì đó, rồi lấy đi, mà mình khổ sở vô cùng. Lời kinh Lăng Già trên biển, biển dù yên lặng hay nổi sóng thì tính nước vẫn vậy. Đức Phật chỉ dạy tận tình, quở trách, dẫn dụ, khuyến khích nhưng không hề bắt buộc hay áp đặt. Ta chỉ nói những gì đúng như tính chất của nó, nghe hay không, chịu thực hành hay không là việc của các ông. Tuồng đời vẫn tiếp diễn.

Tâm là con hát giỏi
Ý như kẻ hòa đàn
Năm thức làm bè bạn
Vọng tưởng, chúng xem hát.

(Kinh Lăng Già)

Mình có sẵn sân khấu và diễn viên tại nhà, không tốn tiền mua vé. Chịu khó nhìn, cho đến khi nào có được nụ cười.

[ Quay lại ]