CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG

traitangPhật tử thỉnh thoảng muốn cúng dường trai tăng, thì sắm sẵn thực vật mang đến, và tự tay làm lấy. Những lần như vậy, nhà bếp Tu viện giao hẳn cho Phật tử trọn quyền sử dụng. Vị tri khố không cần có mặt, hay chỉ có mặt để cầu vui hoặc chỉ dẫn vị trí đồ đạc vậy thôi.

Phật tử, người cúng dường sẽ thấy sự cúng dường như vậy thật thoải mái.

 Trong số Phật tử cúng dường trai phạn có cô Diệu Chương và gia đình, phát nguyện cúng suốt trong 3 năm vào đầu mỗi kỳ học. Việc cúng của cô đều đặn, không sai sót. Và trong khi cúng dường như vậy, cô hoàn toàn tùy thuộc vào sở thích Thiền sinh. Ngược lại Thiền sinh cũng rất tùy hỉ ở sự cúng dường không riêng gì của cô mà chung tất cả. Có một sự tùy hỉ qua lại như vậy, nên việc cúng dường được trọn vẹn tốt lành.

Cô, một Phật tử giàu lòng vị tha, nhưng không kém phần trí tuệ. Ðối với chư Tăng, cô một mực kính trọng, vâng lời nghe dạy. Nhưng cô vẫn muốn mình là một cố vấn về sự đời cho các vị Thiền sinh trẻ (vì cô đã lớn tuổi, trên 50). Cô là một nhà văn. Cô có được cái nhìn khá bao quát, tuy là người nữ mà vẫn có chí khí trượng phu, người biết vươn lên trong chiều cao trí tuệ. Với gia đình cô là một người mẹ thật xứng đáng. Suốt đời cô tận tụy lo cho con cái thành danh, thành người có trí đức. Trong xã hội cô cũng đã góp phần tương trợ nhân quần khá đáng kể.

Cô xứng đáng là một Phật tử.

Cũng trong thời gian này, gia đình đạo hữu Như Thông đã nhiệt tâm cúng dường đại chúng. Mỗi tháng đạo hữu và gia đình cúng dường số lượng mì căn cho đến hết một kỳ học (trong đây chi dụng cho cả khách dự học).

Ðời sống đạo hữu và gia đình đối với Tu viện thật là gắn bó. Ngoài việc ăn uống ra, ông và vợ rất quan tâm đến sức khỏe Thiền sinh. Riêng cô Như Năng (vợ ông) lúc nào cũng hỏi thăm tình trạng sức khỏe Tăng sinh và hay cúng dường thuốc men cho Viện.

Ðây là một gia đình thật đặc biệt. Hai vợ chồng, hai con, một trai, một gái, cả nhà đều trường chay, thích nghe Kinh học hỏi Phật pháp. Không khí sinh hoạt gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Một gia đình rất thiện lương.

Ðã bao năm qua Thiền sinh sống đời thoải mái trong việc ăn uống, cũng là nhờ tất cả hàng Phật tử, nhất tâm tùy hỉ cúng dường tứ sự. Thiền sinh đã đỏ da thắm thịt, học đạo tấn tu bởi lòng từ dạy răn của Thầy nữa, nên xem chừng Thiền sinh có đủ phước trí.

Thiền sinh đã nỗ lực tu trì, trước mắt vì "sinh tử sự đại" (sinh tử là việc lớn), nhưng bên cạnh cũng vì cảm niệm công lao của hàng Phật tử đã tốn hao tài sản và cả công sức góp phần vào sự sống của mình. Mỗi lần cúng dường Phật tử phải mang xách phẩm vật ì ạch, thở muốn hụt hơi qua bao dốc núi mới đến được Tu viện. Việc này thật là vất vả.

Hình ảnh này được thấy rõ qua hình ảnh lên núi của gia đình đạo hữu Minh Pháp. Gia đình đạo hữu mỗi lần đến cúng dường thì đi cả xe. Vợ chồng, con, rể, cháu đi lên đầy đường. Người đi trước kẻ đi sau đẩy nhau, kéo nhau, khệ nệ, quảy xách vật phẩm để cúng dường. Ðến được cổng Tu viện là xúm nhau thở dốc.

Việc cúng dường vì thế thật lao nhọc. Thiền sinh thọ dụng cũng nghe lòng mình nao nao áy náy.

Phật tử, ngoài việc cúng dường vì Tam bảo, vì sự trường tồn ngôi Tăng bảo, ngoài ra còn vì sự cảm mến chư vị Thiền sinh. Sự cảm mến này được thể hiện qua sự cúng dường thức ăn vặt, linh tinh. Có Phật tử thấy rằng, các Thiền sinh ở núi chôn đời trong vòng rào Tu viện suốt 3 năm, thì đối với những hương vị cuộc sống phải chịu phần hy sinh.

Những sự hưởng thụ vặt vãnh cũng bị thôi đi. Ở Viện chỉ lo thức ăn chính, nào có lo thức ăn vặt. Vậy nên rồi Phật tử cũng cúng dường phụ thêm phần này: bánh, trái, kẹo, nước đá cho đến cả cà rem.

Và như vậy, Thiền sinh cũng không cảm thấy mình thiếu thứ gì.

Với những ngày Tết, thì những thức ăn vặt này lại càng nhiều. Bánh, mứt, kẹo đủ thứ, khiến Thiền sinh phải ăn hạn chế, không dám ăn theo số lượng đã có. Vì rằng ăn đồ ngọt nhiều ngồi thiền nghe ê ẩm lắm!

Từ sự cúng dường, từ sự nghe pháp, Phật tử và Tu viện càng trở nên thân thiết. Tuy rằng Thiền sinh và Phật tử không có dịp gặp gỡ nhau nhiều (vì luật Viện - vì thời khóa tu tập) nhưng niềm cảm thông không phải vì thế mà không có. Từ năng lực hướng thiện đã khiến cho tâm hồn người gần gũi nhau hơn. Phật tử và chư Tăng đã gần gũi nhau trong ánh sáng đạo mầu.

Thiền sinh, việc hằng ngày là tu tập. Phật tử cúng dường tứ sự (cơm áo thuốc men…), cả hai việc làm hài hòa khiến cho Tam bảo ngày thêm sáng chói. Tam bảo sáng, chúng sanh sáng, vô minh phiền não do đó lui đi. Niềm đau và nỗi khổ ở con người được giảm nhẹ cường độ. Phật tử là người trực tiếp thụ hưởng được điều ấy qua công đức của mình.

Thiền sinh và Phật tử mấy năm qua vì thế đã trở thành hòa quyện trong tinh thần sống chung giác ngộ. Một đời sống tinh thần cao khiết nhất.

Và cho đến sau này, Thiền sinh lớn lên trong Tu viện, trong nguồn sữa pháp của Ân sư. Thiền sinh vẫn thấy mình lớn lên trong cơm áo thuốc men của hàng Phật tử con nhà giác ngộ. Thiền sinh là như vậy đấy!

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]