PHÁP Ở NHÀ KHÁCH
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 21 Tháng mười hai 2016 13:23
Vị trí này là nơi lăn lóc của các Thiền sinh. Buổi trưa nằm nơi đây hóng gió thì tuyệt.
Và đây là nơi dành tổ chức lễ (Lễ Khai Giảng)
Chỗ này là nơi Thầy trò thuyết thoại đàm huyền trong những hôm ngoài trời mưa gió.
Vào dịp Tết, đêm Phổ trà (Thầy và chúng cùng uống trà trong đêm giao thừa) được tổ chức ở đây.
Chính nơi đây, trong đêm giao thừa, người Thầy đã nhắn nhủ với môn đệ:
- Tu, tức chuẩn bị cho mình cái đêm giao thừa trong cuộc đời. Giao giữa cái sống và cái chết. Làm thế nào trong sự giao thừa đó mình được an lành, mỉm cười ngay khi ấy.
Tu tức để có sự tự tại trong sanh tử, hay tự tại trước ngưỡng cửa sanh tử. Tức tự tại trong đêm giao thừa sanh tử.
Trong đêm giao thừa mà mình có được an vui, thì ngày mai, sáng mùng một, một năm mới bắt đầu, mình sẽ có được mùa xuân tươi mát, thắm đượm hoa vàng. Một mùa Xuân thật đáng là mùa xuân.
Cũng vậy, trong đêm giao thừa sanh tử mà mình có được niềm an vui, thì mai kia bên bờ cõi chết mình cũng vẫn an vui. Ðời mình cũng vẫn là mùa xuân.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai.
Rồi mùa xuân năm sau nữa. Lần phổ trà đón giao thừa này số người tham dự có đông hơn. Những học viên dự thính có mặt gần đủ. Ðây vào năm học thứ ba.
Trong buổi trà nước thâm tình, Thầy Viện chủ đã nói về việc tu hành mấy năm qua của Tu viện. Thầy đã nhắc về những khó khăn trong việc khôi phục lại Thiền tông. Và Thầy hoan hỉ vì thấy được công cuộc có phần tốt đẹp như ngày hôm nay. Thầy tin rằng Phật pháp sẽ không phụ việc làm này. Thầy linh cảm được rồi ngày mai Thiền tông sẽ vươn lên.
- Giao thừa, Tu viện Chơn Không đang ở vào giờ phút giao thừa. Mai đây Chơn Không sẽ có mùa Xuân.
Thầy cười, cười thật tươi.
Ðể biết rõ hơn về trình độ thể nhận đạo lý, trình độ sống trải qua thời gian tu học trong mấy năm, mỗi Thiền sinh nói lên chỗ sở nhận sở hành của mình.
Sự thực trình độ sống như thế nào khó nắm vững, nhưng qua sự trình bày, Thiền sinh đã chứng tỏ sự tiến bộ ở mình thật đáng kể. Phần đông đều tự lấy làm mừng đã thoát ra rồi sự mù tối thuở qua. Ðược vậy Thiền sinh tự thấy rằng đó là nhờ năng lực pháp mầu, và nhờ sự dìu dắt của vị Thầy mà các vị thầm nhận là bậc Ân sư.
Vì cảm niệm ân đức người Thầy, trong số Thiền sinh ni, có vị đại biểu nói lên lời thưa thỉnh, cầu Thầy nói rõ cơ duyên hội Phật pháp ở Thầy.
Người Thầy đã nói:
- Ðã từ lâu tôi không muốn nói gì về tôi. Nay vì trong đây muốn biết, nên tôi nói qua để mỗi người hiểu chút ít.
Thầy đã nói về Thầy. Thầy nói lại quãng đời tìm tu của mình. Từ sự cầu học với Hòa thượng Pháp chủ Cụ Tổ Thích Khánh Anh rồi đến Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Trải bao lần thưa thỉnh, qua bao năm tháng, mà sự tu vẫn trong bế tắc. Trong thời gian ấy, khi giảng dạy ở Phật học đường Phước Hòa - Trà Vinh, từ nỗi bế tắc ấy đã khiến Thầy nói lên tâm trạng mình thành một bài thơ, bài thơ thật ảm đạm có tên là KẺ MÙ.
Thế rồi, không thể trông cậy vào ai nữa, tự Thầy nỗ lực suy tìm. Và cho đến một thời điểm quyết định, duyên phúc huệ đã đủ. Thầy hội lý sắc không.
Vị Thầy đã nói ngắn gọn về việc mình. Dù vậy hàng đệ tử nghe và ghi nhận sâu về hành trình ở người Thầy của mình.
Một Sư bà muốn nói lên sự liên hệ "dòng giống" với Thầy:
- Thưa Thầy! qua việc Thầy, chúng con thành tâm cảm niệm công đức sâu dày ở Thầy. Nay chúng con muốn được lập thành tông phong. Kính xin Thầy tùy hỉ.
Vị Thầy nghe qua cả cười, rồi nói gọn:
- Thôi! không làm chi việc ấy.
- Con muốn làm chị chú Tú quá! Vị Sư bà nói.
Rồi người Thầy giảng giải về ý này.
Vị Thầy không muốn tạo chi tông phong quyến thuộc. Việc này chỉ làm bề bộn thêm thôi. Và là cái duyên cho người ngoài nhìn vào cho thế này thế kia chẳng tốt gì. Mỗi người cứ tự lo tu. Tu đúng tông chỉ là đủ rồi!
Kế đó, như để bày trò trong buổi Liên hoan, vị Thầy ra câu hỏi:
- Tổ Qui Sơn nói: Hãy nói một câu trước khi cha mẹ chưa sanh ta ra? Trong đây chúng hãy nói xem!
Ðể đáp lại lời Thầy, đã có mấy vị nói lên rồi, kế đến một vị, Thầy Thích Thiện Năng thay vì nói bằng lời, vị Thầy đây hét một tiếng.
Tiếng hét làm một vị nào đó rơi vỡ chung trà.