headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THỌ TRAI

thotraiBuổi điểm tâm, Thiền sinh thường ăn một món: hoặc cơm rang, mì, bánh mì, hay hủ tiếu…

Ðầu bếp Chơn Không đã trở thành "thiện nghệ". Buổi điểm tâm được nấu nướng có vẻ như một quán ăn. Kiểu cách cũng "điệu nghệ", có thêm gia vị, màu sắc này nọ. Những buổi ăn như mì hay hủ tiếu thỉnh thoảng cũng được kèm theo sữa hay cà phê sữa. Cái món mà có vẻ hấp dẫn "thực khách" nhất là món bánh tráng cuốn bò bía. Mới sáng tinh sương mà ăn cái món này, một món có nhiều rau sống, và ăn rồi lại uống thêm sữa bò, vậy mà bụng Thiền sinh vẫn không sao cả. Hình như ngồi thiền cũng giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa sao ấy.

 

Món ăn này cũng được gói rau sống dưa chuột, chấm nước tương ớt và cũng uống sữa.

Thiền sinh đã bày ra nhiều món ăn sáng có vẻ kỳ lạ, thật chẳng giống ai! Tuy vậy Thiền sinh vẫn vui thích thọ dụng.

Thỉnh thoảng Thiền sinh cũng được cúng dường vật thực điểm tâm. Những buổi như vậy người đầu bếp rất vui mừng. Vì khỏi phải lo phần nấu khuya ăn sáng.

Việc nấu khuya cũng rất thú vị, trời khuya sương lạnh, lửa ấm, lặng lẽ một mình nấu nướng, nhìn ngó lửa, ngó thức ăn… ngó không gian, người cũng nghe siêu thoát. Giờ khắc này không kém một buổi ngồi thiền an ổn. Dầu vậy, cũng có lúc, đầu bếp nghe "làm biếng" nghe "ngán ngẩm" cái buổi nấu nướng khuya.

Một hôm đầu bếp, sau cơn tỉnh giấc, nhìn ra cửa sổ thấy trời sáng trưng, bèn thức dậy rửa mặt và bước ngay sang nhà trù. Vị đầu bếp nhóm bếp bắc nồi nấu cơm. Nhanh nhẹn hơn các ngày, vị đầu bếp hôm nay làm rất giỏi, vì sợ sáng đến nơi rồi, không kịp cho chúng ăn sáng. Thế nên trong giây lát, đâu đã vào đó, một bữa ăn đã được chuẩn bị xong.

Xong rồi, vị đầu bếp chờ sáng, ngồi tựa ghế nhìn trời mà chờ. Ðầu bếp cảm thấy "sao lâu thế" lâu sáng quá vậy? Sanh nghi, vị đầu bếp bèn chạy lên Thiền đường vì sao ngồi thiền lâu vậy, mà không chịu xả. Thường thường ngồi độ 1 giờ thì đi nấu nướng, nấu xong thì chừng chút chúng xả. Nay đã thức trễ mà lại thấy khác lạ như vậy. Chừng xem ra thì ôi thôi! Thiền đường chưa mở cửa. Mọi vật đều yên tĩnh trầm lắng. Chúng và vị hương đăng hãy còn ngon giấc.

Nhìn lên trời, trông ánh sáng vằng vặc, vị đầu bếp mới nhẩm tính giờ giấc từ mặt trăng, thì mới biết ra rằng: mình đã hố! ánh trăng sáng đã lừa gạt, ngỡ rằng: "trời đã sáng". Vị đầu bếp xem ra "sốt sắng" này bèn tiu nghỉu khép cửa nhà trù, trở về đơn nằm ngủ lại! mới có nửa đêm thôi.

Buổi ngọ trai: tức bữa ăn trưa. Ðây là bữa ăn chính. Giờ ăn vào lúc 12 giờ.

Khi nghe 3 tiếng bảng gỗ, Thiền sinh mặc áo tràng, mang mâm bát đến nhà trù. Nơi đây vị tri khố đến chia phần ăn. Mỗi phần được chia đều nhau.

Thiền sinh ngồi theo tư thế xếp bằng. Ngồi yên chờ nghe 3 hồi bảo chúng. Chuông dứt, Thiền sinh đồng cất bát ngang trán cúng dường. Tay trái bắt ấn Tam Sơn nâng bát. Tay mặt kiết ấn Tam muội đặt trước trán và bát.

Cúng dường:

Vị Duy Na xướng, chúng tụng theo bài cúng dường (xem Thanh quy 2).

Trong suốt một bữa ăn Thiền sinh ăn trong im lặng, ngồi yên tại chỗ. Vẻ ăn uống nơi đây trông thật trang nghiêm. Bữa ăn không vui nhộn, nhưng không kém phần đạo vị. Là một bữa ăn đúng như lời dặn: Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn. Một bữa ăn như vậy vẫn có được sự thư thả, thưởng thúc được trọn vẹn hương vị vật phẩm trần gian. Một bữa ăn ngon đúng nghĩa.

Buổi ăn chiều : buổi chiều Thiền sinh không ăn, chỉ có uống. Các thức uống như: Bột, sữa. Giờ uống vào lúc 5 giờ.

Thứ dùng thông dụng là bột, nên giờ này được gọi là giờ uống bột.

Thiền sinh mỗi vị 1 tô. Chỗ nơi giờ này không nhất thiết. Tùy thích Thiền sinh muốn ngồi đâu thì ngồi. Ngồi ở gộp đá vừa hóng mát, vừa đàm đạo, vừa uống bột, vừa ngắm cảnh.

Giữa núi rừng, giữa trời xanh và biển cả, Thiền sinh trải mình nằm gọn trong thiên nhiên, và có mặt trong vạn hữu.

Ở trong một cuộc sống như vậy, với tô bột trong tay, với từng muỗng bột thấm vào cổ, vào bụng dạ, Thiền sinh cảm nghe đời mình nhẹ nhàng thanh thoát làm sao!

Giờ khắc này đã trả lại cho Thiền sinh tất cả nhựa sống trong ngày.

"Có thực mới vực được đạo" ngạn ngữ này có thể coi là một phương châm của người hành đạo theo đạo Phật.

Lời ấy có thể là lời diễn lại cuộc đời hành đạo của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ chỗ Người nhịn ăn hành xác, đến việc Ngài nhận bát sữa của nàng mục nữ Sugiàta và để rồi Ngài thành Chánh Giác. Giá trị của sự ăn uống trong việc hành đạo được gói ghém như vậy.

Thực ra khi nói đến "ăn uống" đây đã là thừa. Vì không nói không bàn, ai cũng biết đây là vấn đề gắn liền với con người. Một đứa bé vừa lọt lòng đã có ra việc này.

Ở đây có nói là nói đến "tính cách" của sự ăn uống mà thôi.

" Ăn uống" là việc của con người, kể cả người tu. Nhưng phải ăn uống như thế nào? Tính cách nó ra sao? Thì đây là vấn đề cần được lạm bàn một chút bên trong việc ăn tu học thôi.

Ở Tu viện, ăn để tu học, ngoài ra không có việc gì khác.

Nếu tu và học quan trọng như thế nào thì việc ăn uống cũng không kém phần quan trọng như việc tu học (ăn học).

Việc ăn uống không chỉ ảnh hưởng gián tiếp trong việc tu học thôi, mà đôi lúc còn ảnh hưởng trực tiếp nữa. Thế nên vấn đề ăn uống phải được đặt ra cùng lúc với vấn đề tu học.

Nên thực tế một chút để có thể nhìn thấy vấn đề này cho được chính xác hơn. Làm sao nói đến ăn uống mà không bị cái ăn uống làm khổ sở, làm trở ngại, làm chướng đạo? Nói ăn uống mà không dính mắc cái ăn, cái uống.

Nói đến việc ăn uống trong Tu viện là phải nói đến người phụ trách, tức là vị Tri khố. Bất cứ việc nào trong Tu viện cũng có đường hướng chung, nhưng trên công việc thì phải đòi hỏi khả năng chuyên môn ở người phụ trách.

Làm thế nào trong việc ăn uống mà không gây hại đến sức khỏe Thiền sinh, trái lại còn giúp sức khỏe cho Thiền sinh từ chỗ èo uột trở nên ổn định và phát triển tốt đẹp hơn? Ðó là công việc của người Tri khố trong Tu viện.

Chỉ một vấn đề sức khỏe Thiền sinh thôi, Tri khố phải có đủ điều kiện hiểu biết trong chức năng của mình.

Không thể theo thói quen nhà chùa mà xem thường vị trí của Tri khố được. Trước hết vị Tri khố không phải là kẻ vô dụng không dùng vào đâu được hết mới thảy vô nhà bếp. Phải biết Tri khố là người nắm "vận mệnh" sức khỏe của chúng tăng, có thể nói sáng tỏ hơn: Tri khố quyết định sự sống chết ở Tăng chúng.

Vậy người có quyền năng quyết định sự sống chết ấy, người đó đòi hỏi phải có khả năng, và khả năng ấy phải được nhìn qua các mặt:

- Căn bản phải có bản chất đạo đức con người.

- Phải là kẻ có học thức, biết đọc sách.

- Có khả năng chuyên môn. Biết nấu nướng.

- Phải có trình độ kiến thức tổng quát.

- Có biết khái quát về y học.

- Trình độ về tu về học phải vững vàng.

Từ các mặt như vậy, người Tri khố mới có thể hoàn thành chức năng của mình.

Nếu đem những tiêu chuẩn trên để kiểm tra vị Tri khố Chơn Không thì xem ra Thầy chưa hội đủ điều kiện. Tuy nhiên Thầy cũng có thể vươn lên để thực hiện được những điều tối thiểu phải như vậy.

Thầy có chịu khó, bỏ công học hỏi trau dồi nghiệp vụ với các vị gọi là thợ nấu, có chịu khó tìm tài liệu ở sách vở và chịu khó thí nghiệm để kinh nghiệm. Xem ra vị tri khố này có chút thiện chí trong nghiệp vụ. Không coi đây là việc buộc phải làm, mà coi đây là việc làm của mình. Việc mình mình làm. Một việc làm không có sự thúc bách ở người, ở duyên, mà ứng duyên hiện duyên vậy thôi.

Thế nên công việc xem chừng bề bộn vất vả nhọc nhằn, phải cần nhiều cố gắng lắm… mà vị Tri khố vẫn tươi tỉnh để làm việc.

Lúc bắt tay vào việc, để bảo đảm sở nguyện mình, vị Tri khố đã thầm hứa với lòng: "hãy xem các Thầy như con của mình". Ðây là sự "mạo phạm" "cả gan"! nhưng nhờ đây mà khi hành sự mới được bình an.

Trong niềm bình an này vị Tri khố tự thấy mình là "trung tâm vũ trụ" coi thường cả trời đất. Một lần Tết sắp đến ngày đưa ông Táo về trời. Táo Chơn Không đã hứng lên làm bài kệ:

Táo Chơn Không chân chẳng đến trời
Phiền ông Thượng đế đến mà chơi.
Ðến rồi mới biết đâu trời đất
Ðâu chẳng Trời, người ấy ấy nơi.

Có lẽ trong "dầu sôi lửa bỏng" mà "Táo Chơn Không" hấp thụ lửa hồng làm nổi lên hào khí ngạo mạn đốt cháy mọi sở hành:

Ba năm làm bếp ở Chơn Không
Chẳng xắt chẳng xào chẳng tốn công
Chẳng nồi chẳng chảo chẳng ơ trành
Rốt cuộc ăn rồi, Táo ở không.

Táo Chơn Không có vẻ "ngạo mạn" như vậy, nhưng kết quả việc làm khá tốt. Suốt mấy năm liền lo ăn cho chư vị Thiền sinh, người nào cũng khá an ổn. Sức khỏe không xảy ra việc gì đáng tiếc. Việc tu hành vì thế được tiến triển theo thời gian. Riêng bản thân vị Tri khố thì tứ đại ngày tăng lên. Từ 45 ký vị Tri khố đã thấm tương chao tăng lên 10 ký nữa, tức được 55 ký. Như vậy thực xứng danh Tri khố, có thể làm nhà "mô phạm" ăn uống được.

Ngoài ra việc bếp còn một phụ bếp, ấy là Thầy Kiến Nguyên (xuất gia sau). Thầy là người lớn tuổi, nhưng cũng nhiều nhiệt tâm, đã có nhiều sáng kiến trong món ăn. Ðã biến kiểu cách món nhậu (theo đời) thành món chay khá hấp dẫn.

Thầy nhanh, lẹ mau mắn, việc làm rút gọn. Có thêm Thầy, nhà bếp được sạch sẽ hơn, vui hơn.

[ Quay lại ]