headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 03/12/2024 - Ngày 3 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ĐI CHỢ VÀ LÀM BẾP

dichoÐi chợ

Thầy Phước Tú là tri khố cùng Thầy Trí Cảnh giữ việc đi chợ.

Ðể tiết kiệm thì giờ tu học, đi chợ một lần mua ăn luôn mấy ngày, vì vậy số lượng lương thực mua cũng khá nhiều.

Thật là khó khăn cho hai Thiền sinh này phải đến chợ mua thức ăn trong buổi đầu. Việc làm này là việc làm mới toanh ở hai vị. Nhỏ lớn lên đi học, học rồi đi tu, có biết đi chợ búa mua sắm là gì. Việc này ở nhà đã có má có chị, ở chùa có bà có cô thường trụ.

 Ở đây thì Thầy Viện chủ chủ trương Tăng làm Tăng ăn, Tăng mua, Tăng nấu. Quyết không để ai khác hơn là Thiền sinh. Với chủ trương này có "mệt" cho Thiền sinh buổi đầu, nhưng là một chủ trương sáng suốt, hay, có nhiều lợi ích.

Hai Thiền sinh mới ra lò đi chợ có biết mua sắm gì. Thích ăn món nào thì đến gian hàng đó đứng dòm dòm cười cười với món hàng, vậy đó là mua rồi. Người chủ hàng biết và lựa bán cho, rồi tính tiền. Thiền sinh chẳng biết lựa hàng, thứ nào ngon, thứ nào dở, giá cả bao nhiêu… chẳng biết gì hết. Thế mà sau khi mua sắm về, gặp các bà Phật tử cũng phải khen: - Chà đồ ngon, đồ rẻ. Ðâu phải Thiền sinh giỏi gì, mà tại những người bán hàng họ "thương", họ thấy Tăng trẻ thanh niên mà làm việc "con gái" nên họ tội nghiệp mà bán rẻ bán tốt cho.thienthat

Ban đầu, có khó khăn, còn ngỡ ngàng nhưng lần hồi rồi cũng quen. Thiền sinh mà đi chợ, thì chợ trở nên vui. Các bà các cô bán hàng gặp Thiền sinh xách giỏ vào chợ là liền mời gọi tươi vui. Người này mời, người nọ mời, rồi Thiền sinh ngáo ra, cười trừ không biết phải mua của người nào? Ai cũng quen biết cả rồi! Thật là khó xử cho Thiền sinh.

Cái thời chợ búa của Thiền sinh có rất nhiều chuyện vui. Một công việc có nhiều kỷ niệm nhất. Trong cái chốn ồn náo như vậy mà Thiền sinh đã gieo nhiều thiện duyên với người. Thiền sinh đã tâm niệm như vậy trong việc mua sắm: chẳng những mua hàng, mà lại mua cả thiện cảm con người.

Trong việc chợ búa như vậy, Thiền sinh đã biết vận dụng đạo lý. Nhờ vậy Thiền sinh cũng có được sự thoải mái trong công việc khá ư phức tạp này.

Làm bếp

Làm bếp cũng là một việc mới mẻ với Thiền sinh. Dạo đầu chia phiên, mỗi phiên hai vị cùng nấu. Những ngày nấu nướng này vui chi lạ! Từ những bàn tay "thợ khéo" này đã cho ra những món ăn thật "bất tri kỳ vị". "Chặt khúc nấu ba xồn bốn xực", tức thị châm ngôn của Thiền sinh đó. Dù vậy mình làm mình ăn rồi cũng nghe ngon, cũng được no lòng. Thiền sinh vì thế không lấy làm vất vả. Làm như chơi vậy. Như thời còn trẻ chơi nhà chòi. Thật thế là việc "chơi nhà chòi đó".

Trong thời buổi này được biết có vài món ăn đặc sắc đáng được ghi ra.

Món canh chua "mặn":

Ðây là phiên của Thầy Nhật Quang và Thầy Trí Cảnh. Canh chua nấu bằng chuối cây và củ cải xá bấu. Nồi canh có công thức:

- Chuối: một cây (cây nhỏ, chuối măng)

- Củ cải xá bấu (cải muối): 1 ký

- Nước: 16 lít

- Muối: 1 dá

Với số lượng vật liệu như vậy, cắm đầu nấu. Thầy Trí Cảnh làm thợ nấu. Thầy Nhật Quang làm "chuyên viên" nêm nếm. Ðến chừng nêm lại ui chao!… mặn! (1 ký củ cải xá bấu để nguyên chẳng rửa cứ xắt để vào).

Một nồi canh chua trở thành một nồi canh "kho". Mặn ơi là mặn! số lượng cải gần bằng số lượng chuối.

Ðã lỡ, biết tính sao! nghiệm tới nghiệm lui, cả hai vị đồng ý giải quyết theo hướng: vớt bớt cải ra, chắt bớt nước, thay nước mới.

Lối giải quyết như vậy cũng khá khôn ngoan. Nhưng cũng không sao rửa sạch cái vị mặn đã ngấm.

Vớt cải ra, chẳng lẽ bỏ, đầu bếp "thiện nghệ" bèn đem kho lại làm món mặn.

Kết quả chúng ăn cười ngất. Nồi canh còn hơn phân nửa, vì cứ đổ nước thêm vào cho lạt bớt đi. Cuối cùng thì… đổ thôi. Cũng may là "cây nhà lá vườn" không có gì đáng tiếc.

Còn nồi kho thì, eo ơi! phải ăn suốt một tuần. Các phiên sau đó đành lãnh "hậu quả" khéo léo này. Nhưng mà ăn riết ăn hết nổi, cũng đành đổ đi thôi!

Món phô mai kho:

Cũng là phiên Thầy Nhật Quang và Thầy Trí Cảnh. Ðây là sáng kiến của Thầy Nhật Quang. Thầy Trí Cảnh ra tay sáng kiến: Ðem phô mai ra kho làm món mặn.

Công thức: - Nửa ký phô mai.

- Nửa lít nước tương.

Phô mai xắt cục (con cờ) đổ chung vào nước tương kho. Mới nhìn qua trông hấp dẫn, màu phô mai vàng thắm nước tương hồng đỏ. Chà! một món ăn ngon, lạ mắt lạ miệng.

Ðầu bếp Trí Cảnh lo hí hoáy việc khác. Ðến chừng xem lại, thì không thấy đâu nữa, những con cờ hồng đỏ kia đâu? tri hô lên, Thầy Nhật Quang xách đũa lại, tìm kiếm. Nhưng nào đâu thấy. Kỳ à! sao mất hết rồi! Thầy Nhật Quang đánh đũa vào nồi, cười ngất: Lũ nó tan mất hết rồi! Thầy đã "ngộ" à! thì ra sự việc là như vậy. Cả hai huynh đệ nhìn nhau tiu nghỉu.

Làm sao trưa nay có món mặn đây? Ðã gần đến giờ rồi, làm món khác không kịp!

Tuy vậy, buổi cơm trưa hôm ấy thật là ngon. Phô mai kho nước tương có mùi vị thật đặc biệt chan cơm ăn cũng được lắm.

Mì thợ đá:

Phiên Thầy Thiện Năng và Thầy Thiện Ấn là một phiên "khéo nhất" Tu viện. Mỗi lần đến phiên "nhị vị" này, thì chúng cười khúc khích, sẽ thưởng thức món "thượng vị" gì đây?

Một sáng hai vị nổi hứng, trổ tài nấu mì. Ðã định nấu mì, chuẩn bị đồ nấu rồi, mà không biết nấu ra sao? đến chừng ra tay rồi lỡ dở lính quýnh. Biết làm sao! làm sao bây giờ! Làm sao để thành món ăn cho đại chúng?

- À! may quá, có bác thợ đá, chẻ đá cọc cạch kia, mình hỏi lấy! Thế là cử đại diện đến "tham vấn" bác thợ đá về món "nấu mì". Bác thợ đá nghe hỏi, bác ngẩng lên dừng tay, vừa lau mồ hôi trán vừa nghe nói:

- Bác…bác…bác (giọng cà lăm) mì nấu làm sao hở bác?

Bác thợ đá nhìn kẻ tham vấn nở nụ cười rất lạ. Nụ cười vui, mà có gì "ẩn khuất". Bác đã "truyền tâm ấn". Thế là hai vị Thầy y kế, bắt tay vào việc. Hai Thầy thực hiện rất đúng bài bản đã thọ giáo. Ðáng gọi là hàng "đệ tử trung kiên". Món ăn mì nấu đã thành tựu!

Bảng gõ, chúng ôm bát đến nhà trù. Thật lấy làm phấn khởi biết bao! Hôm nay "nhị vị huynh đài" đã tiến bộ vượt bậc thế ni! mỗi vị chia một bát.

Ngồi vào Quá đường, trông khói bốc lên nghi ngút từ bát trước mặt mình, lấy làm thú vị lắm, Thiền sinh nếm thử một miếng xem sao! xem coi ngon đến bậc nào?

Nếm rồi, Thiền sinh thấm thía: ngon thật hết chỗ nói.

Kế đó là màn phỏng vấn "chuyên gia" sau khi đầu bếp nhà mình bộc bạch khúc nôi, thì toàn chúng mới hay ra, à ra là vậy!

Quả là mì thợ đá! Ăn sẵn lì như đá.

Nhưng rồi do không khí vui vầy mà bát ai cũng hết sạch.

Thời gian đầu, buổi mở màn này tuy ngắn thôi, mà cũng có lắm chuyện vui vui trong nghề tập làm Táo. Ðể rồi sau đó, tuyển chọn một "Táo quân" chính thức cho Tu viện.

Táo Chơn Không Thích Phước Tú

Nhà bếp Tu viện, một nơi có vẻ sống động nhất Tu viện. Ở đây có những giọng nói điệu cười thật là cởi mở, là nơi mà có nhiều chuyện phiếm nhất. Ở đây là nơi duy nhất không có nghi lễ. Người đến đây chỉ để ăn và nói. Nói và cười ăn uống là không khí của nhà bếp Tu viện.taochonkhong

Ðây là chỗ mà Thượng tọa Viện chủ hay dừng chân. Thầy ghé qua để xem sinh hoạt bếp núc ra sao, cũng là chăm sóc "mầm non bên lửa đỏ". Có lần nhìn thấy việc lặt rau muống, Thầy nói:

- Lặt một rổ rau được bao nhiêu đạo lý?

Lúc ấy có vị đáp:

- Lặt một cọng được một đạo lý.

- Lặt một cọng được tất cả đạo lý.

Và có một vị mỉm cười đứng dậy, giũ áo đi vào bếp.

Bên cạnh nhà trù dưới gốc Bạch Ngọc Lan kê một bàn đá. Ðây là chỗ Thiền sinh họp mặt mỗi chiều cùng uống bột, uống sữa.v.v… Thầy Viện chủ cũng có lúc ngồi vào đây để mà cùng chuyện vãn cùng chúng đệ tử.

Từ chỗ này Thầy đã kể lại những chuyện tích xưa, chuyện các vị Thiền sư được xuất thân từ nhà bếp.

- Chuyện đức Lục Tổ Huệ Năng tám tháng giã gạo, làm việc lao nhọc nơi nhà bếp.

- Chuyện Ðơn Hà (Thiên Nhiên) Ngài luân phiên làm bếp suốt 3 năm.

- Chuyện ngài Qui Sơn, nhơn nơi hỏa lò, tro bếp mà ngộ đạo.

- Chuyện ngài Văn Hỉ quơ dầm đập bóng Văn Thù trên nồi cháo.

- Chuyện ngài Nghĩa Tồn (Tuyết Phong) trước mặt ngài Khâm Sơn đã lật úp thúng đãi gạo.

[ Quay lại ]