headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ỨNG DUYÊN DẠY ĐẠO

ungduyenGiảng dạy việc tu học nơi Tu viện Chơn Không, không chỉ dạy trong Thiền đường hay Giảng đường mà dạy cả ngoài hai chỗ ấy và trong mọi lúc.

Việc dạy tu học ở đây khá sống động. Thỉnh thoảng lại có những giờ dạy đạo "Ðột xuất" tại Thiền đường. Những buổi học như vậy thật đáng ghi nhớ ở đời Thiền sinh.

Một buổi chiều trong mùa an cư năm 1973. Thầy Viện chủ đã nói một bài pháp không đề tựa.

Trước hết Thầy dẫn lại những chuyện đã qua là những sự kiện xảy ra giữa Thầy và một số đương sự.

 

Câu chuyện thứ nhất

Một hôm trời mưa, tôi ngồi trong thất nhìn ra. Chú Thị giả Thông Hải đứng sấn bấn quanh đó. Nhìn mưa rồi nhìn chú, tôi hỏi:

- Này chú, mưa để làm gì?

Chú Thị giả trả lời:

- Dạ mưa để người ta làm ruộng (và như chú nhớ đến đời sống thực tế ở núi) để lấy nước uống.

Tôi cười hỏi:

- Vậy người phơi lúa, người phơi bánh thì sao? Mưa để làm gì cho họ?

Tội nghiệp, chú ta tiu nghỉu.

(Toàn chúng cười rộ. Thông Hải đỏ mặt thụp đầu sau lưng Thầy Viện chủ).

Chờ đại chúng ngưng cười, Thầy Viện chủ lại kể tiếp chuyện thứ hai.

Câu chuyện thứ hai

Rồi hôm trước, khi ăn cơm, tôi nhai nhằm cái răng đau. Tôi nhăn mặt, chú Thị giả Thông Huyền thấy vậy hỏi: Thầy làm sao?. Tôi liền buông đũa mà hỏi chú:

- Răng để làm gì vậy chú?

Thông Huyền trả lời mau mắn:

- Dạ, răng để ăn, rồi chú nhoẻn cười (quá tin chắc mình nói đúng. Vì Thầy đang ăn).

Tôi nói:

- Răng để ăn, sao tôi cần ăn, mà nó lại nhức, không ăn được.

Chú không biết trả lời sao, nhìn tôi trân tráo.

Toàn chúng nghe qua vừa cười, vừa tìm Thông Huyền - người đệ tử mới xuất gia - để nhìn mặt và cũng tìm câu giải đáp.

Một vấn đề nghe qua chừng như đơn giản, nhưng để trả lời cho ổn thỏa thì thật khó xử. Khi ấy, Thầy Viện chủ lại hỏi:

Trong đây ai trả lời được?

- Mưa để làm gì?

- Răng để làm gì?

Vì thế "Ðể làm gì?" có thể xem là đề tài chính của buổi thuyết pháp hôm nay.

Chúng bị đặt câu hỏi "Ðể làm gì?" Thật bối rối - "Làm gì?" bây giờ "để làm gì" "Ðể", cái mắc mứu là ở chỗ "Ðể".

Thầy hỏi và Thiền sinh có trả lời. Nhưng trong số lời trả hầu hết chưa giải thích được, chưa sáng tỏ.

Rồi Thầy Viện chủ giảng dạy. Thầy giảng thành một thời giảng thật sự. Trong đó đại để Thầy nói:

- Con người ai cũng có cái tham, muốn tất cả sự việc giữa đời này đều phải "để cho mình". Bất cứ cái gì cũng phải "để" cho mình. Người ta đã áp đặt cả thiên nhiên về cho mình. Thiên nhiên có ra là nhằm phục vụ cho mình, để cho mình.

Ðất để mình đi lại, mình ở. Cây mọc để mình cất nhà, để làm củi. Nước có để mình uống. Gió sanh để mình mát. Lửa để mình đốt, mình nấu thức ăn. Nắng để phơi đồ. Mưa để làm ruộng v.v… cái gì cũng "ÐỂ" cho mình.

Và con gà sinh ra cũng để cho mình ăn, con vịt, con cá, con trâu, con bò… sinh ra để mình ăn.

Cho đến cỏ, rau, đậu, ngũ cốc… thực vật sinh ra cũng để cho mình ăn.

Như vậy, từ loài động vật cho đến thực vật sinh ra là để cho mình ăn, để cho mình hết.

Nhưng thực sự thì sao?

Có thực là những thứ ấy sinh ra là ÐỂ cho mình không?

Hãy nghiêm chỉnh, công bằng mà trả lời những điều này? Một điều không kém phần hệ trọng trong cuộc sống chúng ta, trong hiện thực sinh động này.

Nếu đất, nước, gió, lửa, nắng mưa để cho mình, thì tại sao con trùng con dế lại ở trong đất; con chó, con bò đi lại trên đất… Các loài động vật khác cũng hưởng đất, nước, gió, lửa, nắng, mưa? Lý đáng tất cả phải riêng ÐỂ cho chúng?

Và cỏ cây ngũ cốc, loài thực vật cũng hưởng như thế. Thì lẽ ra các thứ ấy phải riêng để cho chúng?

Như vậy, cái để này là để cho ai?

Ðể cho mình? Ðể cho loài động vật hay để cho loài thực vật? Ðể cho ai là phải?

Nói đến từng loài. Nói rằng vật để người ăn (vật dưỡng nhơn). Con gà để người ăn, con cá để người ăn.

Nếu gà, cá để người ăn thì khi người cần ăn lẽ ra chỉ nói: Gà ơi! Cá ơi!, tao cần ăn mày. Nghe vậy, gà phải tự động chạy đến cho mình ăn mới phải chứ.

Ðằng này có vậy không? Mình muốn ăn thì sao? - Với gà phải rượt bắt, rồi đè ra cắt cổ. - Với cá phải đan lưới, xe nhợ mới bắt được. Các việc như vậy sao nói là chúng ÐỂ cho mình ăn?

Và nếu, nói các con vật "ÐỂ" mình ăn, tại sao con cọp nó ăn mình, con cá sấu nó quặp mình v.v… Vậy mình để cho cọp, sấu ăn hay cọp sấu để mình ăn?

Mình đã vô lý, đã cưỡng đoạt các pháp như vậy. Cưỡng đoạt, áp đặt luôn cả trời. Cần mưa mà lại nắng, cần nắng mà lại mưa, bao nhiêu đó cũng nổi quạu với ông trời. Tại sao tôi cần nắng mà ông lại mưa? Tại sao tôi cần mưa mà ông lại nắng? Nắng để tôi… mưa để tôi…

Chúng ta đã vô lý một cách thái quá. Chúng ta đã áp đặt trời đất này "Ðể" cho mình hết. Nhưng có khi nào tự xoay câu nói ấy về cho mình không?

Mình sinh ra để làm gì?

- Các huynh đệ hãy trả lời đi? Mình sinh ra để làm gì?

- Ðể làm gì?

Thầy Thông Hải lẹ miệng:

- Dạ để tu.

Thầy cười, cả chúng đồng cười.

Thầy Thông Huyền làm như khôn hơn:

- Dạ không để làm gì hết.

Tất cả đồng cười.

Thầy nói:

- Nói sanh ra để tu, sau khi mới sanh ra đầu không trọc đi, không vận ca sa đi?

Chúng cười rộ lên, Thầy tiếp:

- Nói không để làm gì, sao nay lại tu?

Ðến đây chúng im bặt, không còn cười nữa được. Vấn đề không chỉ là việc khôi hài. Ý nghĩa nó là đâu?

"Mình sinh ra để làm gì?"

Mấy mươi năm nay, từ khi sinh ra đến giờ, mới nghe một câu hỏi có liên quan trực tiếp với chính mình. Cả Thiền sinh và Phật tử có mặt cảm thấy ngỡ ngàng. Tưởng như mình vừa mới có mặt trên cuộc đời.

"Ðể làm gì nhỉ?" Mình để làm gì? - Ðể làm Thầy tu cũng không phải, không để làm gì cũng không xong. Vậy là sao? "Ðể làm gì?" "Ðể làm gì?"

Một vấn đề tưởng chừng đơn giản mà thật nhiêu khê, Thiền sinh nghe khó nghĩ.

Thầy Viện chủ nói:

- Bây giờ Tôi hỏi: tại sao chúng ta khổ? - Chúng ta khổ có phải tại chúng ta không thỏa mãn được điều chúng ta muốn? Chúng ta muốn không già, không bệnh, chết, thế mà vẫn phải già, bệnh, chết. Không như mình muốn, vì vậy nên khổ.

Vậy nay chúng ta muốn tu mà bị cản ngăn, nên mình bực, mình buồn khổ. Than rằng: Thân tôi sanh ra là để tôi tu, mà sao không cho tôi tu? Chao ôi! khổ này biết bao!

Rồi như chú Phật tử kia nói: Tôi sinh ra lớn lên để làm bác sĩ, cứu nhân độ thế, sao không cho tôi làm, thật khổ!

Hoặc người nói: Tôi sanh ra là để làm ông chủ, tại sao bắt tôi làm tớ, khổ ghê!

"Tôi" … và "Ðể Tôi". Ðó là gì? Nó không phải là lý do để chúng ta khổ sầu sao? "Ðể Tôi" mà cái "Ðể" đó phải cho tôi, không như ý tôi … Thì tôi đau khổ.

Mà có phải tôi sinh ra là để làm một cái gì đó hay sao? - Ðâu? Ai đã quy định cho ta phải làm gì đó, khi ta sinh ra. Khi ta lọt lòng chỉ có lá nhau lọt theo thôi, ngoài ra có lá gì khác đâu. Ðâu có lá số ghi là phải làm cái gì, đâu có nhãn cầu chứng tại tòa là đã làm cái gì!

Vậy đó mà khi lớn lên thì vỗ ngực xưng tên: Tôi, để làm cái này, để làm cái kia. Ðể và để …

Chính mỗi khi tôi để làm cái gì đó thì tôi đã làm khổ tôi rồi và tôi đã làm khổ người, làm khổ cuộc sống.

Khi tôi nói: Ðể thành anh hùng, thì tôi phải đánh hạ kẻ khác. Và như vậy khi tôi đánh người thì tôi ra sức, tôi mệt, tôi đau tay, đau chân; còn người kia thì bị đấm bị đá, họ cũng đau đớn bởi tay chân. Và anh em thân quyến cũng vì họ mà khổ lây. Rồi Thầy thuốc cũng khổ theo họ, rồi bao nhiêu ngành nghề khác cũng khổ cho họ.

Ðó chỉ là vì cái tôi sinh ra để làm "anh hùng".

Và nếu trong cuộc sống này mà cái tôi có 100 cái "để" thì thiên hạ phải khổ như thế nào? Rồi thiên hạ cũng có những cái để như tôi thì cuộc đời này thành rối loạn. Những cái "để" của con người gặp nhau như những trái bom gặp nhau. Cái khổ là ở chỗ đó.

Thế nên trong Phật pháp, có cái thấy đối với các pháp như thế nào?

- Các pháp không có tự tánh thì chớ có quy định, nó phải như thế nào. Nó không có "Ðể" "Ðể làm gì" mà các pháp nó vốn là như vậy, nó như vậy là như vậy. Pháp nó là như vậy. Trong Phật pháp gọi Pháp nhĩ như thị.

Pháp nó như vậy, mình thấy là như vậy, cái thấy đúng như thật. Nó như thế nào thấy đúng như thế ấy. Cái thấy như vậy là cái thấy chơn lý hay là cái thấy chơn như. Thấy mà không dính mắc. Một thứ thấy giải thoát.

Như đây, chúng ta thấy đâu cần phải tu gì. Chỉ cần thấy đúng. Và như vậy đâu có điều gì gọi là Phật pháp. Không nói Phật pháp, không nói tu mà là Phật pháp, có là tu không? Sao lại không là Phật pháp, không là tu được? Chính chỗ giải thoát không dính mắc đó tức là Phật pháp là tu rồi. Phật pháp là gì? - Là pháp giải thoát. Tu theo Phật là tu giải thoát … Nếu thấy như vậy tức là pháp giải thoát tức là tu, không phải đâu ra. Là việc bình thường ngay đây, tại đây thôi. Nhìn đúng như vậy là thấy pháp. Sống đúng như vậy là tu. Việc tu hành bình thường đơn giản như vậy. Không nghe Thiền sư Huệ Hải nói: "Tâm cảnh không đến nhau liền đó giải thoát sao?" Thấy như vậy tức tâm cảnh không đến nhau. Tâm chẳng dính cảnh, cảnh tự (như thị). Tâm như cảnh như như. Thì đây chính là giải thoát. Một sự giải thoát ngay đây, tại đây.

Và như vậy, tu tức là trả các pháp về bản vị của nó. Trả tất cả các pháp về bản vị thì là việc tu được thành tựu. Các pháp tự như, thấy là như, là trả. Tức không sanh tâm trên pháp. Ấy là vạn duyên buông hết, một niệm không sanh.

Ðó là từ một cái thấy đơn giản như vậy mà thành tựu công đức như vậy. Rõ ràng Phật pháp đâu lìa pháp thế gian mà giác (Phật pháp bất ly thế gian giác).

Và từ đây, trở lại sử dụng các pháp thế gian, gọi là "khởi" phương tiện "thiện xảo" sẽ hướng dẫn người học theo chiều thuận lợi, hợp lẽ đạo. Không còn thấy "để" và "Ðể làm gì" nữa, mà nay sử dụng được các pháp. Sử dụng một cách linh hoạt. Như các vị đại Bồ tát có đủ 32 ứng thân, thị hiện tự tại mà hóa độ chúng sanh trong biển cả ái dục, trong đêm dài sanh tử.

[ Quay lại ]