Cuối đông đọc luận Trung Quán

 Chân Hiền Tâm  

Đất Sài Gòn thì làm gì có xuân, hạ, thu, đông mà nói cuối đông đọc Trung Luận. Chỉ hai mùa nắng mưa qua lại. Nắng có khi chết người. Mưa lắm ngày Ngưu Lang Chức Nữ không thể gặp nhau. Vậy mà vẫn … cuối đông đọc Trung Luận. Trung Luận mà còn đọc được, thì cuối đông đọc Trung luận không có gì ngạc nhiên. Nhi nhiên như dòng chuyển biến xuân, hạ, thu, đông. Như mưa rồi lại nắng, nắng rồi lại mưa … Chừa một khoảng thời gian tiếp giáp, một chút không gian tịch mịt cho những hàng Trung Luận.

 Không định cái khoảng cuối đông này, Trung Luận dễ gì bày hiện trong những tất bật lo toan đời thời, hay trong bóng xuân đầy ngợp pháo hoa, bánh trái …

                                    Không sanh cũng không diệt

                                    Không thường cũng không đoạn

                                    Không một cũng không khác

                                    Không đến cũng không đi

Sanh và diệt, sống và chết, hai trạng thái bắt đầu và chấm dứt của một hiện tượng hay một sinh vật … Thu đi, là thu diệt. Đông đến, là đông sanh. Đông tàn, là đông diệt. Xuân đến, là xuân sanh. Cứ vậy mà sanh sanh diệt diệt, sống sống chết chết. Chết thật nhiều nhưng sanh không ít. Cứ theo nghiệp lực mà đi, từ dạng này sang dạng khác, từ con người sang súc sanh v.v… Rất nhiều thứ đang rục rịch để mình biết sự sống đang còn, dẫy đầy không biến mất. Sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, như 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mưa rồi nắng …

Vậy mà Trung Luận nói “Không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi …”

Đọc thì ai cũng đọc được, nhưng hiểu thì không mấy người hiểu. Hiểu thì có thể hiểu được, nhưng không mấy ai có thể ứng tác để họa thành thơ như Trúc Lâm Đại Đầu Đà :

                                    Ngày nay, khám phá mặt Đông hoàng

                                    Thiền bản, bồ đoàn, ngắm hồng rơi

Bộ mặt Đông Hoàng, tánh thực của xuân, hạ, thu, đông, mưa và nắng … Thứ đó không sanh cũng không diệt. Xuân thu không có đến đi.

Đại sư Hám Sơn, khi còn trẻ, đọc được một bài kệ trong Triệu Luận, khởi nghi tình đối với nghĩa “bất chuyển” trong nhiều năm. Đến khi khắc lại luận đó, đọc lại bài kệ, hoát nhiên đại ngộ. Đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên. Nhìn trời, thấy gió thổi lá rơi mà lá không có tướng nào động. Tiêu tiểu nhưng không thấy nước có tướng lưu chuyển … Mới nhủ với mình “Nếu chỉ dùng cái tri thức đây để hiểu, mà không phải là chân tham ngộ, thì không thể không khỏi nghi”. Đúng là không có sự trải nghiệm thì không thể hiểu những gì hiện hữu không theo sự thường tình. Và như nhắn với mọi người “Động tịnh đến cùng cực không dễ gì nói cho người khác tin. Những lời nói ấy, chỉ cốt người lìa ngôn nhận ý, không chấp theo ngôn từ mà đánh mất ý chỉ”. Những lời nói ấy, chỉ cho bài kệ mà Đại sư Hám Sơn ngộ được từ ngài Tăng Triệu:

                                    Gió bảo bay núi mà thường tịnh

                                    Nước sông đổ gấp mà chẳng trôi

                                    Bụi trần lăng xăng mà chẳng động

                                    Trăng qua bầu trời mà chẳng đi

Mấy ai trong cõi nhân gian thấy được gió bảo, bụi trần lăng xăng mà vẫn không động? Chỉ thấy xuân, hạ, thu, đông rồi xuân, hạ, thu, đông … Xuân đến rộn ràng, bướm lượn chim ca. Đông sang u ám, gió lạnh cô lòng. Tình cảm theo đó như nước thủy triều, lênh lênh láng láng. Bầu thơ túi rượu nương đó ngút ngàn, vui buồn theo cảnh vật đổi dời. Tĩnh lặng bên trong nhường chân cho niệm tưởng lăng xăng. Cảnh động bên ngoài, thêm đầy vơi được mất. Không có chỗ để tịnh mặc. Không còn chỗ cho tâm yên. Bởi đó, không thể nào nhận được trong cái động, động mà vẫn tịnh. Trong cái tịnh, tịnh không lìa động. Tịnh động làm duyên cho nhau cùng sinh khởi. Tịnh duyên động còn chưa có phần, bộ mặt thật Đông hoàng làm sao nhận được ?

Nghiệp thức của phàm phu, chỉ thấy được mặt lưu chuyển của vạn pháp. Xuân đến, xuân đi, thu tàn, đông đến. Mọi thứ đang rộn ràng nhộn nhịp. Nhị thừa, nhận được mặt không tịch của vạn pháp. An trụ trong niết bàn tịnh lạc. Không còn thấy đổi dời. Không còn có xuân thu. Chỉ một trời an lạc bình yên. Phàm phu đuổi theo cái sanh. Nhị thừa trú trong cái diệt. Chỉ bậc “không thánh không phàm” mới nhận được mặt động tịnh không hai. Sanh tử tức niết bàn. Gió bảo bay núi mà thường tịnh, trăng qua bầu trời mà chẳng đi … Đi đi đến đến mà chưa từng đi đến. Sanh sanh tử tử mà chưa từng tử sanh. Bởi vậy, vào trong sanh tử mà không nhuốm màu sanh tử. Được mất dẫy đầy mà không vướng mắc buồn vui.

Thánh Nhị thừa chứng nghiệm cõi này vô thường tạm bợ. Không đợi thánh Nhị thừa mới chứng nghiệm được điều đó. Những kẻ lang thang phố chợ như mình cũng thấu được như ai. Không có gì còn hoài. Không có gì đứng yên. Sinh ra, lớn lên rồi chết. Chỉ là sớm hay muộn, lâu hay mau … Cuộc đời quả vô thường. Ừ, không thường chút nào! Không thường nhưng không đoạn. Chỉ là sự thay hình đổi dạng. Chết, để có một đời sống khác. Bởi vòng nghiệp lực vẫn còn. Thành đừng nghĩ chết là hết mà buông trôi rồi … hối tiếc. Chết chưa hết. Mọi thứ đang tiếp diễn. Vòng nghiệp lực đang xoay. Bởi thế, đông dù u ám bao nhiêu cũng đừng chơi dại mà tự tử. Khổ đau một trời đâu đã thoát …

Chết, nhưng không phải ngay lúc chết ấy mới chết. Hắn đang chết từng giờ, từng phút, từng giây, trên từng sát na. Chính cái chết trong từng sát na mà mình trưởng thành, lớn lên, già và … chết.

Phật nói “Niệm trước diệt làm duyên cho niệm sau sanh”. Cái trước phải diệt, cái sau mới sanh. Niệm trước không diệt, niệm sau không thành duyên để sanh. Đó cũng là một trong những cái nhìn của các nhà Duy vật biện chứng : Qui luật phủ định của phủ định. “Một sự phủ định làm tiền đề tạo điều kiện cho sự phát triển, cho cái mới ra đời thay thế cái cũ. Đó là sự phủ định biện chứng … Một loại phủ định có kế thừa” . Thân tâm mình không phải là một khối bất di bất dịch. Nó là một dòng chuyển biến liên tục. Nhưng mình không thấy điều đó. Mình không thể thấy thân mình trước hai giây và sau hai giây không còn như nhau. Đã có sự chuyển biến. Chúng không còn là một. Không phải một nhưng không phải khác. Bởi không ngoài một con người. Không chỉ với thân tâm, mà với bất kỳ pháp nào có mối liên hệ nhân duyên mật thiết với nhau ở thế gian cũng đều như thế. Chuyển biến và chuyển biến. Chính vì cái chuyển biến đó mà Phật nói các pháp không tánh. Không tánh nên không pháp nào có thật, chỉ như giấc mộng đêm qua. Đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không. Chuyển biến và chuyển biến … quanh một cái không chuyển biến. Trung Luận mới bàn “Không thường cũng không đoạn. Không một cũng không khác”.

Cuộc đời vốn là thế. Không thường cũng không đoạn. Không một cũng không khác. Không đến cũng không đi. Không sanh cũng không diệt … Hội chăng?

                                    Xuân đi trăm hoa rụng

                                    Xuân đến trăm hoa cười

                                    Trước mắt việc đi mãi

                                    Trên đầu già đến rồi

                                    Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

                                    Đêm qua sân trước một nhành mai

                                                                (Thiền sư Mãn Giác)

Một nhành mai cho suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mưa và nắng. Chuyện lạ của thế gian. Nhưng có gì lạ. Bánh chưng dưa hấu bốn mùa giờ đã có đủ. Chỉ cần khoa học tiến bộ, mai vàng xuân, hạ, thu, đông có khác gì!Ối! Ối! “Những lời nói đó, chỉ cốt người lìa ngôn nhận ý, không chấp theo ngôn từ mà đánh mất ý chỉ”. Cuối đông đọc Trung luận, cũng là đọc cho ra cái Trung Luận của chính mình. Nào ở mấy chữ này mà nói cuối đông đọc Trung Luận. Rõ là …
 

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]