headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phước đức và chứng ngộ

 Chân Hiền Tâm  

Thầy tu rồi mà sao cực quá! Tôi thưởng thức lời nói đó như một làn gió thoảng. Vô tư không dấu vết. Chung quanh chỉ núi với núi, không cực sao được. Vậy mà mấy chục năm sau, ý tưởng đó lại đến với tôi. Tu rồi mình còn cực hơn. Tu là gieo thiện nhân, đáng lẽ mình phải sướng. Tu là chuyển nghiệp cũ, đáng lẽ mọi việc phải hanh thông. Nhưng công việc hình như thêm nhiều.Vẫn có nhiều chuyện để giải quyết. Bởi ngoài việc đời, giờ còn việc đạo. Ý nghĩ đó không chỉ dừng lại ở bản thân, mà bắt đầu soi chiếu thêm ra ngoài.

 Hắn tu, sao lại cực ? Hắn tu, sao quanh hắn toàn chuyện rối ren ? Hắn tu sao cực, hắn tu sao rối ren, là ám chỉ việc tu của hắn có vấn đề. Mình tu sao cực, mình tu sao ren rối, là ám chỉ nhân quả hình như không chính xác. Cứ vậy mà tâm càng rộn, việc càng nhiều. Chuyện mình, chuyện người theo đó cứ xoay quanh.

Xuất hiện ý tưởng đó, chỉ vì tu mà dính mắc vào phước hữu vi. Tu, nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tu hành. Tu, đúng là chuyển nghiệp nhưng cần nhớ các việc sau :

1. Nhân quả không phải chỉ xảy ra trong tức khắc mà cả ba đời. Gieo nhân, ĐỦ DUYÊN mới có quả. Có nhân, CHƯA ĐỦ DUYÊN, quả cũng không thành. Nhân quá khứ quá xấu, quả hiện đời nếu chuyển cũng chỉ bớt xấu. Thành tu rồi mà cảnh hiện đời chưa vừa lòng là chuyện bình thường.

2. Cái gọi là phước và vô phước chỉ là những hình thức tương đối. Thứ thiên hạ gọi là phước, với mình chưa hẳn đã tốt. Thứ không phải phước, với mình biết đâu là cơ duyên tu hành ? Vì thế, không nên CHẤP nhất trên những hình tướng bên ngoài, rồi soi rọi từ mình ra đến thiên hạ.

3. Tu tuy chuyển nghiệp, nhưng nếu là định nghiệp, thì cảnh không thể chuyển, chỉ có thể chuyển ngay tâm. Muốn chuyển ở tâm thì tâm phải bất động với ngoại cảnh. Tâm không, thì sự dù có cũng thành không. Bởi tâm tịnh thì cõi giới tịnh.

Cho nên, đến với thiền, trong việc tu hành mình cần có ý thức : Tu không phải để nhàn thân, không phải để mọi thứ chung quanh diễn biến vừa lòng, mà để TRỊ CÁI BỆNH CHẤP THỦ THÂM CĂN CỐ ĐẾ của người tu. Không chấp thì tâm đương nhiên bất động với ngoại cảnh. Sướng hay khổ không làm mình bận lòng. Cảnh đến, dù vừa lòng hay chưa vừa lòng cũng không làm mình thối tâm tu hành. Thân rồi sẽ nhàn, tâm rồi sẽ yên, không phải chỉ do cảnh bên ngoài đưa đến, mà do chính trí tuệ và lòng từ của mình hiển phát.

Hành trạng của chư vị thiền sư, không phải vị nào cũng có một hoàn cảnh tuyệt hảo hay một thân tướng tuyệt mỹ. Đại Đăng, chân đau gối nhức quanh năm. Lai Toản, thân ngủ cây đậu, đầu kê núi đá. Thiêu Thủy, hành khất tham thiền, bán giày cỏ lấy tiền nuôi thân. Bạch Ẩn, chịu tiếng oan, xin sữa về nuôi trẻ. Không phải chỉ có chư vị thiền sư mà ngay cả Lục Tổ, nhận y bát xong, vẫn còn lưu lạc tỵ nạn cùng đám thợ săn mười mấy năm trời. Rõ ràng, phước hữu vi chưa hẳn là thứ biểu trưng cho công phu tu hành trong hiện đời của người tu. Không phải mà mình cứ chạy theo, vui mừng dính mắc, lấy đó làm công đức tu hành, thì tâm bồ đề dễ thối, tâm thỏa mãn dễ sinh. Tâm thỏa mãn đã sinh thì bệnh chấp trụ liền kề. Phước có khi thành họa.

Thiền sư Vân Cư, cất riêng một am nhỏ nơi chỗ Động Sơn tu hành. Có đến mười ngày không thấy Vân Cư đến dùng cơm, Động Sơn hỏi : Những ngày qua, sao không thấy ông đến trai đường dùng cơm?


Vân Cư thưa : Mỗi ngày đều có thiên thần đem cơm đến cúng dường.
Động Sơn nghe xong liền nói : Ta bảo ông là kẻ vẫn còn tri giải. Ông rảnh, chiều lại.
Chiều Vân Cư đến. Động Sơn lớn tiếng gọi :
- Am chủ!
Vân Cư cung kính :
- Dạ!
Động Sơn hỏi :
- Không nghĩ thiện không nghĩ ác là cái gì?
Vân Cư trở về am ngồi lặng lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy, trải qua ba ngày như thế mới thôi cúng dường.

Tu hành chân chính, đương nhiên phải có cái quả tốt đẹp. Nên lỗi, không phải vì được thiên thần cúng dường. Lỗi, không vì một chút thọ nhận cúng dường. Lỗi, vì phước hữu vi chưa phải là chỗ mà kẻ tu Phật an trụ. Tâm chưa đủ không, thiên thần mới thấy để mà cúng dường. Vì thế, Động Sơn đã quát “Ngươi là kẻ vẫn còn tri giải”.

Cho nên, với người tu thiền, có được quả phước hiện đời, không bằng thâm chứng được tánh phước đức. Phải nhận cho được thực tánh của mình cùng với chúng sanh đồng một cội nguồn không khác.

Đến với thiền, chỉ để cúng dường hộ Tăng hay nghiên cứu cho vui thì không có gì để bàn. Song đã phát tâm đi trên con đường thượng thừa, thì mình cũng cần suy nghiệm những gì Động Sơn đã nói. Được hay chưa, đều nên lấy đó làm chuẩn phải đến của mình, không kiếp này thì kiếp sau, không kiếp sau thì kiếp sau nữa. Nhờ cái chuẩn đề ra đó, mình mới không thối tâm vì hoàn cảnh bất toàn, cũng không có tâm an trụ vì hoàn cảnh quá toàn. Tu mà ngày càng rối ren bận lòng, thì việc tu hành cũng cần coi lại. Phải quẳng bớt những gì cần quẳng. Thứ gì không có không chết, có chỉ thêm nhọc thân hành tâm, thì cố gắng bỏ. Thứ gì không có, lại thiếu phương tiện vực đạo thì phải tạm dùng. Dùng mà không dính mắc, chính là tu.

[ Quay lại ]