headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Ngọa Vân Am

Ni Sư Như Đức 

Nơi Sơ tổ Trúc Lâm viên tịch, rốt cuộc là một nơi hết sức hoang vắng và bình yên giữa núi rừng. Trong dãy Đông Triều chập chùng ngọn nọ nối ngọn kia, sương mờ lẩn khuất che mờ hết mọi dấu sinh hoạt thì khó mà nhận ra Ngọa Vân am ở đâu, nếu không một lần đi theo dấu người xưa. Bắt đầu từ đồng bằng vào chân núi, đi ngang chùa Quỳnh Lâm, chùa lớn nhất của tông môn Yên Tử.

 Ngày xưa hàng trăm mẫu ruộng quanh chùa là của các bậc công thần hiến cúng, nghe nói người làm ruộng cho chùa Quỳnh Lâm có đến cả ngàn. Thôi, trả lại cho lịch sử những gì đã có.

Đường mòn đi theo quanh núi không khó, càng lúc càng lên cao, một cái dốc sừng sững. Có lẽ chỗ này Sơ tổ Trúc Lâm mới phải nhờ đến hai vị Tăng dìu đỡ. Chỉ là phỏng đoán thôi, đâu biết người xưa đi đường nào? Giữa các ngọn núi vẫn có đường thông nhau. Từ phía kinh thành về Yên Tử thì phải gặp Ngọa Vân trước. Đoàn vừa đi vừa trông nhau, cố gắng tối đa để lên ngọn Ngọa Vân trước giờ Ngọ. Kéo nhau lệt bệt như một con rắn bị đứt khúc. Tuổi trẻ nhanh chân chạy trước. Người xưa đi bao lâu? Thong thả gậy trúc, dáng gầy giữa rừng trúc, cái gì còn lại trên đường trần?

Ngọa Vân am hiện ra giữa lưng chừng sườn núi, không cao rộng hùng tráng. Một chỗ nghỉ khiêm nhường, thật khiêm nhường. Chiếc am rộng chừng 3m, ngang chừng 6-7m, vách xám xì, ngói sồi sụt, đủ một bàn thờ nhỏ và chỗ ngồi lễ lạy cho vài người. Đoàn kéo nhau đi quanh bên ngoài, quý thầy tụng thời kinh Bát Nhã ở trước ngôi tháp Tổ, cũng chỉ vừa đủ một chiếc chiếu. Ngôi tháp lặng lẽ, trưa nay thấy cháu chắt lao xao, vài cây đào cũng lặng lẽ bên tháp. Rẻo đất bên sườn núi, đủ cho ngôi tháp và dăm người qua lại, không biết xưa kia có rộng hơn không? Quanh phía sau am, lên chừng hơn mười bậc cấp, là một cái thất gạch nhỏ xíu chừng một hai người vào được. Trong đó có tượng Sơ tổ nằm theo thế kiết tường, bên cạnh là tượng thầy thị giả. Theo tiểu truyện thì chỉ có ngài Bảo Sát ở bên cạnh lúc Ngài thị tịch.

Ngó lên trên, đỉnh núi lúc nào cũng quấn quýt mây phủ. Sườn núi này nhìn ra các sườn núi bao quanh, ít khi vắng mây. Bây giờ là giữa trưa mà trời vẫn mát, vẫn có mây che, mây lang thang khắp một vùng sơn động. Một cảm khái khó tả. Đây là nơi thị tịch của bậc khai sơn dòng thiền Trúc Lâm. Một cuộc đời uy nghi lẫm liệt khi làm vua chống giặc giữ nước. Một cuộc đời khác tưới đẫm nhân gian bằng dòng tâm tinh khiết. Chọn nơi chốn này xa hẳn triều đình đã đành, cũng xa vùng Yên Tử rộn rịp Tăng Ni. Ẩn khuất như chim rừng khép cánh, thầm lặng như muốn để lại di ngôn: hãy như cụm mây kia, chợt hợp chợt tan, không có gì nhẹ hơn khi nhìn mây trên đỉnh núi, mây quanh chốn này. Hèn gì gọi là Ngọa Vân am.

Chốn rất cô tịch, tới bây giờ vẫn cô tịch. Am nhỏ chênh vênh, thất đá lạnh, tháp cũng đìu hiu. Chỉ có mấy cây đào trơ cành cũng đìu hiu luôn.
 

[ Quay lại ]