headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thiền

Chánh Tấn Tuệ

Thiền, tiếng Phạn là Dhyàna, nói đủ là thiền na, nghĩa là định tuệ. Định là trạng thái an ổn, vững chãi, không diêu động tán loạn của tâm. Tuệ là sự hiểu biết sâu xa đúng đắn phát ra từ tâm. Thiền tức là tâm, một cái tâm có đầy đủ Định Tuệ.

Tông Thiên Thai dịch là Chỉ Quán. Nếu chịu khó quán xét, ta sẽ thấy các ý niệm luôn dấy khởi trong tâm. Hết niệm này đến niệm khác không hề dừng nghĩ. Điều này làm tâm diêu động tán loạn không an định. Để tâm an định ta phải Chỉ (dừng), không cho các ý niệm tiếp tục sanh khởi, hoặc giữ tâm không chạy theo các ý niệm. Do dừng lâu, tâm không còn diêu động, nhờ đó mà đạt định. Ở đây, Chỉ là nhân, Định là quả.
Chỉ, tuy giúp tâm đạt Định, nhưng dễ dẫn tâm vào chỗ vô ký. Trường hợp này, tâm không sáng nên không phát tuệ. Để vượt qua trạng thái này, phải dùng đến Quán. Quán là chiếu soi một vấn đề gì. Nói một cách dễ hiểu, Quán là tư duy về một vấn đề nào đó. Khi tâm ở trạng thái vừa định tỉnh lại vừa chiếu soi, sẽ phát sanh sự hiểu biết đúng đắn, chính là Tuệ.
Dịch là Chỉ Quán, tông Thiên Thai muốn nói, để có thiền ta phải thực hành Chỉ Quán.
Ở Trung Hoa, thiền còn được dịch là tịnh lự. Có nghĩa là tư duy trong tịch lặng. Thông thường, khi muốn tìm hiểu về một điều gì, chúng ta phải vận dụng những kiến thức đã thu lượm được ra so sánh, đối chiếu, rồi suy luận để rút ra những nhận định về vấn đề ấy. Cách tư duy ấy, ngay cả khi được xây dựng trên những tri thức khoa học (các tri thức này là kết quả có được từ sự qui nạp từ rất nhiều hiện tượng), cũng chỉ cho ra những hiểu biết bên ngoài, vì nó chỉ đi từ hiện tượng để biết về hiện tượng. Cách tư duy ấy, không thể thâm nhập vào thực tính của vạn pháp và được gọi là tư duy trong tán động. Còn tư duy trong tịch lặng, hành giả nêu vấn đề cần tìm hiểu lên trong tâm rồi giữ tâm yên lặng (tịch), không so sánh, đối chiếu, suy luận nhưng không quên mất vấn đề đang suy xét, cũng không bị xao lãng bởi các vấn đề khác. Một lúc nào đó, câu trả lời sẽ bật lên trong tâm. Với cách này, ta sẽ thâm nhập vào bản chất của vấn đề. Nếu vấn đề được nêu ra là thực tại tối hậu, thì chỗ tột cùng của việc hành thiền là nhận ra thực tánh của vạn pháp, thấu đạt chân lý.
Thiền sư Tổ Nguyên, trong vạn Pháp Qui Tâm Lục trang 47 và 48, đã nói “Biết dừng lại (chỉ) rồi sau mới định. Có định rồi mới có thể tịnh. Có tịnh rồi sau mới an. Có an rồi sau mới lự. Có lự rồi sau mới đắc… Nếu định, tịnh, an được lâu thì chân huệ tự nhiên hiển phát. Cho nên nói, có an rồi sau mới hay lự. Lự tức là chân huệ”. Tóm lại, lự nói đây là cách tư duy chỉ xuất hiện trong tâm an định, nên gọi là tư duy trong tịch lặng. Có lự mới có sự phát tuệ. Tâm chúng ta thường lăng xăng xao động nên tuệ bị che phủ không hiển lộ được. Muốn phát tuệ phải hành thiền.
Ta cũng có thể nói về thiền một cách bình dân và dễ hiểu như sau : Thiền là tâm trong trạng thái an định, tỉnh sáng. An định chính là tịnh. Tâm khi tỉnh sáng thường phát ra sự chiếu soi, đó là lự, chính là tuệ. Tâm an định tỉnh sáng là tâm thiền.
Do định tuệ có nhiều mức độ sâu cạn thô tế khác nhau, như định nhiều huệ ít (hàng Thanh văn) hoặc định ít huệ nhiều (hàng Bồ tát) nên thiền cũng có nhiều loại khác nhau. Mỗi loại thiền, do chỗ y cứ khác nhau, nên phương pháp hành thiền cũng khác nhau, dẫn đến nhiều kết quả khác nhau. Tu thiền muốn có kết quả, phải lựa cho mình một pháp môn thích hợp, phải biết chỗ y cứ. Từ đó hiểu được phương pháp hành trì của pháp môn để thực hành cho đúng. Ít tốn sức mà kết quả lại cao.
Tâm chúng ta, nếu không tán loạn thì rơi vào hôn trầm vô ký, nên không phải là tâm thiền, vì thế “Trí tuệ đức tướng Như Lai” vốn sẵn đủ trong mỗi người, nhưng không thể hiển lộ. Muốn có trí tuệ, phải chỉnh sửa tâm mình cho phù hợp với tâm thiền, thực hành như vậy gọi là tu thiền. Mỗi người, tùy theo khả năng hành trì của mình mà có kết quả khác nhau. Cứu cánh của việc hành thiền là định tuệ bình đẳng. Định tuệ bình đẳng là thấy trong Phật tánh.

THIỀN VÀ CÁC LOẠI THIỀN

Phân loại thiền
Trong thực tế có rất nhiều pháp môn thiền khác nhau và cũng có nhiều cách phân loại thiền khác nhau. Trong Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, Hòa thượng Thanh Từ dịch là Nguồn Thiền, ngài Khuê Phong Tông Mật, một vị Tổ sư thiền thuộc tông Hoa Nghiêm đã phân ra 5 loại thiền : Thiền ngoại đạo, thiền phàm phu, thiền Tiểu thừa, thiền Đại thừa và thiền Tối thượng thừa. Đây là cách phân loại hợp lý, đơn giản mà đầy đủ, vì hàm chứa tất cả các pháp môn thiền. Bài viết này sẽ khai triển 5 loại thiền nói trên.
Xét về chỗ cứu cánh, mục tiêu của việc tu thiền là thành đạo. Nói một cách đơn giản gần gũi và dễ hiểu là nhận ra (ngộ) chân lý và sống được với chân lý đó (thể nhập).
Trên tiến trình tu tập, việc tu hành nếu có kết quả, sẽ đưa hành giả ngày càng đến gần chân lý, biểu hiện qua việc phát tuệ. Tuệ, là cái biết không mê lầm. Tuệ phát triển đồng nghĩa với việc các mê lầm chướng ngại trong tâm càng ít. Khi mê lầm hết, tâm sẽ phát ra cái thấy biết như thật, còn gọi là tri kiến Phật.
Tuệ phát khởi khi tâm an định. Vì thế, định và tuệ là yếu tố chính dùng đánh giá một loại thiền, cũng như để thẩm định kết quả tu thiền. Với vài kiến thức cơ bản khái lược về thiền vừa nêu, ta dễ dàng hiểu được phương cách phân loại của ngài Tông Mật. Sau đây sẽ đi sâu vào từng loại thiền.

THIỀN NGOẠI ĐẠO
“Người chấp khác, ưa cõi trên, chán cõi dưới mà tu, là thiền ngoại đạo”
Chấp khác, là cho rằng ngoài tâm có một cái gì có tính cách thiêng liêng hoặc có một đấng thiêng liêng có thể giúp cho ta tu hành thành đạo.
Ưa cõi trên, chán cõi dưới, trong 6 cõi trời, người, A-tu-la, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục thì cõi trời là cao và vui nhất. Đây là chỗ thuần vui, vì chúng sanh sinh vào đây thân không bệnh, mọi ưa thích chỉ cần nghĩ đến liền xuất hiện trước mắt, mặc tình thọ dụng, không cần phải khổ công tạo tác. Càng đi xuống dưới, cái vui càng giảm, cái khổ càng tăng. Dưới cùng là địa ngục. Đây là chỗ thuần khổ không vui. Cõi người ở giữa, tương đối cân bằng, có khổ có vui. Cái khổ của người đời thường đến từ việc sanh, già, bệnhnh, chết, đói khát, nóng lạnh, tai ương, hoạn nạn v.v… Cái vui ở cõi người thường không bền, hết vui đến khổ, không thể sánh với cái vui rộng lớn, tinh tế, bền lâu của cõi trời. Hiểu như thế, nên sinh lòng nhàm chán cõi dưới, thích lên cõi trên không khổ và thường được thọ hưởng cái vui. Đây là lý do để hành giả phát tâm tu hành.
Có thể nêu ra một số phương pháp tu của loại thiền này như : Ngồi thiền, mong cầu một đấng thiêng liêng đến dựa hay điểm đạo. Ngồi thiền để xuất hồn đi ngao du. Ngồi thiền theo phương hướng và giờ giấc được cho là thiêng liêng ... Do hướng tâm về một chỗ lâu ngày nên đạt định, từ đó phát ra một số thần thông. Nếu thường giữ được định, quả báo sẽ được tái sanh ở các cõi trời.
Loại thiền này chỉ giúp cho hành giả đạt định chứ không phát tuệ, nên dù trải qua nhiều kiếp tinh tấn tu hành, vẫn không thể nhập đạo. Vì thế mà gọi là thiền ngoại đạo, là thiền ở bên ngoài đạo.
Do mong cầu thọ hưởng các dục lạc ở cõi trời mà tu, nghĩa là tu mà chưa ly dục nên kết quả cao nhất mà loại thiền này mang lại là tái sanh ở các cõi trời thuộc Dục giới. Khi sức định hết (tức phước hết) lại rơi xuống các cõi dưới.
Do hướng ngoại cầu tìm, tức ngoài tâm cầu pháp, nên không thể thành đạo, gọi là thiền ngoại đạo. Tại sao ngoài tâm cầu pháp thì không thể ngộ đạo? Ta sẽ hiểu được điều này khi tìm hiểu về các loại thiền sau.

THIỀN VÀ VIỆC THANH LỌC TÂM

Ba loại thiền tiếp theo là thiền phàm phu, Tiểu thừa và Đại thừa. Ba loại này có cùng điểm chung là tiến hành “thanh lọc tâm” trong quá trình tu thiền. Vì sao phải thanh lọc tâm? Thanh lọc tâm có tác dụng gì trong việc đưa hành giả đến gần chân lý?
Chân lý vốn không thay đổi, không che đậy, hiển bày ở mọi lúc mọi nơi. Vì thế khi một người thành Phật thấy tất cả chúng sanh (hữu tình cũng như vô tình) đều thành Phật. Chân lý lúc nào cũng lồ lộ, sờ sờ, nếu không nhận ra, lỗi không do chân lý mà do tâm chúng ta, tức cái hay biết có vấn đề. Cách làm đúng đắn là phải giải quyết các vấn đề ở nội tâm trước khi nói đến việc nhận ra chân lý.
Thành ngữ có câu “Trong gà hóa cuốc”, là nhìn con gà mà thấy con cuốc. Ở đây, con gà không tự hóa trang thành con cuốc để gây sự hiểu lầm ngộ nhận cho ta, mà do chính ta nhận thức sự vật với cái tâm mê lầm không tỉnh táo, mới nẩy sinh cớ sự như vậy. Nếu định tĩnh nhìn kỹ, thì con gà là con gà.
Chân lý cũng vậy. Nó không tự che đậy để gây ra sự mê lầm ngộ nhận cho chúng ta. Chỉ vì trong tâm chúng ta có sẵn những tác nhân khiến tâm ô nhiễm mê mờ, nên không thể phát ra sự thấy biết như thật, thành không thể thấy chân lý. Vì thế, tu thiền là phải nhằm loại trừ các tác nhân gây sự nhiễm ô ở nội tâm. Thực hành như thế gọi là thanh lọc tâm. Khi các cấu nhiễm đã được thanh lọc, tâm hoàn toàn thanh tịnh, sẽ phát ra cái thấy biết như thực. Chân lý tự hiển bày.
Nếu một mực hướng ra ngoài tìm cầu mà không tiến hành thanh lọc tâm thì sự tìm cầu đó vẫn chưa thoát khỏi mê lầm (vô minh). Những gì tìm được, cầu được, không có thứ nào là chân lý. Điều này giải thích tại sao thiền ngoại đạo không thể đưa hành giả đến chỗ đạt đạo, thấu suốt chân lý.
Tùy theo cấp độ thanh lọc tâm khác nhau mà hành giả chứng được các cấp độ thiền khác nhau. Trước hết là thiền phàm phu.

THIỀN PHÀM PHU

“Người tin chắc nhân quả, cũng do ưa chán mà tu là thiền phàm phu”.
Tin chắc nhân quả, là tin rằng bất kỳ một kết quả nào có được trong đời cũng do một nguyên nhân tương ứng tạo ra. Người tu loại thiền này tin rằng, kết quả của việc tu thiền không do một đấng thiêng liêng nào ban tặng, cũng không thể trông cậy vào sự giúp sức của một đấng thiêng liêng nào, mà phải tự mình tạo ra một cái nhân tương ứng để đạt được cái quả mong cầu. Như muốn chứng được quả Sơ thiền, trước phải tiến hành tu ly dục. Muốn tái sanh vào các cõi trời Sơ thiền, đời này phải thường chứng được Sơ thiền.
Cũng do ưa, chán : Cái vui của các cõi trời Dục giới, dù hơn xa cõi người nhưng không thể sánh với cái vui thượng diệu ở các cõi trời thuộc Sắc giới và Vô sắc giới. Thọ mạng ở cõi trời Dục giới dù lâu dài hơn cõi người, nhưng lại ngắn hơn nhiều so với cõi Sắc và Vô sắc. Hiểu như vậy nên hành giả mong cầu vượt trên cõi người và các cõi trời Dục giới, tái sanh vào các cõi Sắc và Vô sắc. Do đây mà phát tâm tu hành.
Loại thiền này thường phân ra tám cấp độ là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thuộc Tứ thiền, và Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ , Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thuộc Tứ không. Bài viết này chỉ nói qua Tứ thiền.
1/ Sơ thiền: Hành giả biết rằng do động mà sinh bất an, bất an nên khổ. Nguyên nhân làm động thân tâm ở đây là ngũ dục và các bất thiện pháp. Nếu lìa những nguyên nhân này thì thân tâm sẽ an lạc trong thiền định.
Ngũ dục là sự ham muốn được thọ nhận những cảnh vật ưa thích qua 5 giác quan (5 căn). Nhự mắt ưa thấy sắc đẹp, mũi ưa ngữi mùi thơm, lưỡi ưa nếm vị ngon v.v… Bất thiện pháp là các ý nghĩ bất thiện như thấy người có của liền khởi lên ý muốn chiếm đoạt v.v…
Hành giả khi tu hành, giữ mình xa cách ngũ dục và các bất thiện pháp. Thân thì tránh tiếp xúc với các cảnh vật làm phát sanh các dục. Tâm thì giữ không nghĩ tưởng về các dục và các bất thiện pháp. Thực hành như thế lâu ngày, hành giả sẽ không còn nghĩ tưởng về các dục, sự ham muốn cũng nhạt phai. Các dục và các ý tưởng bất thiện không còn lôi cuốn, không làm xáo động tâm hành giả. Tâm trở nên yên tĩnh và tiến dần đến định, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có giác, có quán (tầm, tứ).
2/ Nhị thiền: Ở Sơ thiền, hành giả thực chứng trạng thái hỷ lạc, cái vui vẻ thanh lương của thiền định. Suy xét lại mới thấy, xưa nay mình ở trong ngũ dục, bị ngũ dục thiêu đốt mà không tự giác. Việc này giống như người ở nơi chỗ nóng bức, lâu ngày thành quen. Một hôm đến được nơi mát mẻ, mới nhận ra cái khổ ở chỗ cũ, cái vui vẻ thoải mái ở chỗ mới. Vì nhận ra trạng thái hỷ lạc là do ly dục mà có, nên hành giả thường soi xét để giữ tâm mình xa lìa các dục, thường trú trong thiền định, gọi là giác quán. Với giác quán đó, hành giả thêm tinh tấn tu hành, tiêu trừ các dục từ thô đến tế để tiến sâu vào Sơ thiền. Khi đã trú sâu vào Sơ thiền, các dục không còn xuất hiện, thì chính giác và quán lại trở thành nguyên nhân gây ra sự động tâm, làm mất định. Đến đây hành giả xả bỏ giác quán để chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không giác không quán.
3/ Tam thiền: Khi đã trú sâu vào Nhị thiền, hành giả nhận ra rằng, hễ có hỷ là có ưu hết hỷ thì đến ưu. Hỷ là vui mừng. Ưu là lo buồn. Như vậy, hỷ chính là nguyên nhân gây ra sự động tâm làm mất định. Đến đây hành giả xả bỏ niệm hỷ để chứng và trú Tam thiền, một trạng thái an lạc lan khắp toàn thân.
4/ Tứ thiền: Khi đã trú sâu vào Tam thiền, hành giả nhận ra rằng có lạc là có khổ. Hết lạc lại đến khổ. Lạc trở thành nguyên nhân gây ra sự động tâm làm mất định. Đến đây hành giả tiến hành xả bỏ hỷ, ưu, khổ, lạc, để chứng và trú Tứ thiền, niệm xả thanh tịnh. Tâm thanh tịnh vì đã xả bỏ hết các niệm hỷ ưu, khổ lạc.
Qua sự trình bày ở trên, chúng ta hiểu được thế nào là thanh lọc tâm. Ở đây hành giả tiến hành thanh lọc, loại bỏ các tác nhân gây ra sự động tâm để tiến dần vào các định sâu hơn.
Đối với Tứ thiền, giới đóng một vai trò rất quan trọng. Tu Tứ thiền muốn có kết quả, trước phải nghiêm trì giới luật, vì giới có công dụng ngăn cách hành giả với các dục và các bất thiện pháp.
Loại thiền này giúp hành giả đạt đến những cảnh giới định rất sâu, có được ngũ thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông và như ý thông, nhưng vẫn còn bị trói buộc trong tam giới, nên gọi là thiền phàm phu.
Vì tu với tâm ưa chán, còn chấp ngã nên dù đạt đến chỗ thâm tế của tam giới nhưng vẫn chưa thoát ra ngoài tam giới, chưa ra khỏi vòng luân hồi. Khi sức định hết lại rơi xuống các cõi dưới. Vì vẫn còn bị lọt rớt trở lại (hữu lậu) nên gọi là thiền phàm phu. Kết quả cao nhất khi tu loại thiền này là định Phi tưởng phi phi tưởng xứ (phi hữu tưởng phi vô tưởng).
Loại thiền này dù chưa phải là thiền định của chư Phật, nhưng trong các kinh Nguyên thủy đều nói đến và khuyến khích Phật tử tu hành, vì nó có tác dụng thanh lọc tâm. Điểm khác biệt là phàm phu tu Tứ thiền, Tứ không vẫn còn trong vòng hữu lậu, còn Phật tử tu Tứ thiền, Tứ không có thể tiến đến địa vị vô lậu. Vì sao có sự sai biệt này? Ta sẽ hiểu rõ việc này khi tìm hiểu về thiền Tiểu thừa.

THIỀN TIỂU THỪA

“Người ngộ lý thiên chân, thấy ngã không mà tu là thiền Tiểu thừa”
Tứ thiền và Tứ không, còn gọi là Tứ thiền Bát định, là một thí dụ điển hình giúp ta phân biệt một pháp môn thiền thuộc Phật giáo với một pháp môn thiền không thuộc Phật giáo. Tuy cùng tu Tứ thiền và Tứ không, nhưng một bên vẫn còn trong vòng hữu lậu, một bên lại đưa đến quả vị vô lậu. Có sự sai biệt này, là do Phật tử tu thiền với chánh kiến, còn phàm phu thì không. Điều này cũng nói lên, chánh kiến là điều không thể thiếu ở bất kỳ một pháp môn thiền nào thuộc Phật giáo.

Chánh kiến là gì?
Kiến là quan điểm, chủ trương, lập trường. Chánh kiến là quan điểm, chủ trương … phù hợp với chánh lý, phù hợp với chân lý. Tu thiền với chánh kiến mới đưa hành giả đến chỗ cứu cánh, thấu suốt chân lý, không còn bị lọt rớt trở lại (vô lậu). Thiếu chánh kiến, việc tu thiền có thể giúp ta đạt được một số kết quả nào đó, nhưng không thể đạt đến cứu cánh, không thể thấu đạt chân lý.
Tâm chúng sanh vốn là tâm Phật, nhưng chúng sanh không thể nhận ra chân lý như Phật, vì bị hai thứ ngăn che là phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng xuất hiện khi trong tâm có sự chấp ngã. Sở tri chướng xuất hiện khi trong tâm có sự chấp pháp.
Chấp ngã là cho rằng, tồn tại một chủ thể làm chủ thân tâm. Thân tâm nói đây là chỉ cho thân ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chính là thân xác, cảm thọ, tư tưởng, ý chí và khả năng phân biệt của mình. Chấp pháp là cho rằng, thế giới các sự vật xung quanh ta - đối tượng của các giác quan - là thực có.
Chân lý vốn không ngã không pháp. Một khi có sự chấp ngã chấp pháp, sự hiểu biết phát ra từ tâm không còn phù hợp với chân lý. Muốn thấu đạt chân lý, việc tu thiền phải có tác dụng tiêu trừ phiền não chướng chứng được ngã không, tiêu trừ sở tri chướng chứng được pháp không. Tu hành như thế, gọi là tu hành có chánh kiến.
Người thế gian ai cũng cho rằng ngã là có, pháp là có. Vì thế người nào thấy được ngã không, pháp không gọi là bậc xuất thế. Tu hành với chánh kiến cũng có nghĩa là tu hành với tinh thần xuất thế.
Với Tiểu thừa, chỉ mới đặt ra mục tiêu là phá trừ các kiết sử - kiết sử là tên khác của phiền não - nhằm chứng ngã không. Do phá được một chướng, thấy được một phía của chân lý nên nói “Ngộ lý thiên chân thấy được ngã không”. Lý thiên chân, là lý ấy tuy chân thật nhưng vẫn chưa phải là chỗ rốt ráo, vẫn còn sự thiên lệch nên gọi là thiên chân. Sau khi chứng được ngã không, y cứ vào đó mà tu là thiền Tiểu thừa.
Đối chiếu với các kinh Nguyên thủy, “Ngộ lý thiên chơn, thấy ngã không” là lúc chứng Diệt. Diệt là chi thứ ba trong Tứ đế khổ, tập, diệt, đạo. Chứng Diệt là thực chứng sự diệt tận của các tập. Tập nương vào ngã. Ngã nương vào tập. Cả hai làm nhân duyên cho nhau để cùng hiện khởi. Sự xuất hiện của tập làm phát sinh phiền não chướng. Nếu tập hết, phiền não chướng không còn, ngã cũng không hiện khởi và hành giả thấy được ngã không. Y cứ vào đây mà tu là thiền Tiểu thừa.
Ở địa vị chúng sanh, tưởng là tướng hữu vi của tâm. Sự xuất hiện các tướng hữu vi làm tâm động. Chỗ tột cùng của thiền phàm phu là định Phi tưởng phi phi tưởng. Gọi là Phi tưởng, vì không còn thấy xuất hiện các tướng hữu vi thô phù. Phi phi tưởng là vẫn còn các tướng hữu vi vi tế. Vì vi tế, không thấy được, nên tưởng là đã hết các tướng hữu vi, nhưng thật ra vẫn chưa hết. Thiền Tiểu thừa mới thực diệt hết các tướng hữu vi từ thô tới tế, nên loại định đạt được có tên là Diệt tận định. Vì vượt qua định thứ tám của Bát định, nên gọi là định thứ chín.
Phàm phu tu Tứ thiền Bát định dù đã phá bỏ tưởng ấm, vẫn còn lưu giữ thọ ấm để thọ nhận cảnh giới thiền định. Điều này nói lên sự chấp ngã của phàm phu. Tu, nhằm phục vụ cho một bản ngã. Người tu thiền Tiểu thừa, vì hướng đến vô ngã nên xả bỏ cả cảm thọ. Vì thế loại định đạt được còn có tên là Diệt thọ tưởng định. Đến đây mới thoát khỏi sự trói buộc của tam giới. Đây mới là thiền định của bậc Thánh.
Thọ và tưởng là phần hiện hành của hành ấm. Diệt được thọ và tưởng thì hành ấm không hiện hành. Hành giả tiến vào thức ấm, thực chứng tâm trong trạng thái tịch diệt, là trạng thái trong lặng hoàn toàn yên tĩnh, không còn dấu vết sanh khởi, vì đã diệt hết các tướng hữu vi, nên gọi là chứng niết bàn.
Thiền Tiểu thừa giúp hành giả vượt qua Phần đoạn sanh tử nhưng vẫn còn chịu cái khổ của Biến dịch sanh tử. Có được 6 thần thông là ngũ thông và lậu tận thông. Chỗ tột cùng là chứng vô dư niết bàn.

THIỀN ĐẠI THỪA

“Người ngộ ngã pháp đều không, hiển bày chân lý mà tu là thiền Đại thừa”
Người tu thiền Tiều thừa, trừ hết các kiết sử, thấy được ngã không. Khi nhập định không bị thân ngũ uẩn cùng với cảnh giới bên ngoài chi phối, hoàn toàn xa lìa các khổ, được sự an lạc, gọi là Niết bàn. Khi ở nơi vắng vẻ, yên tịnh, tâm thường an định, nhưng khi đến nơi ồn náo, khi phải đối duyên xúc cảnh - tức là khi phải đối mặt với các sự đời, tiếp xúc với các cảnh vật - lại khởi lên những ý niệm so đo, phân biệt khiến tâm không an, làm mất định. Để giữ tâm an định, vị này phải thường xuyên thủ hộ các căn, phải đóng lục căn ngăn lục trần, không cho căn trần giao hợp làm phát sanh các ý niệm phân biệt. Với cách làm trên, tuy giữ được tâm trong sự tich lặng nhưng lại đánh mất phần linh diệu chiếu soi. Vì bản tâm vốn thường tịch nhưng cũng thường chiếu.
Sở dĩ có hiện tượng nói trên là do vị này chưa phá trừ được sở tri chướng, nên chưa có sự tự tại ở nơi cảnh động. Muốn tiến lên, vị này phải đi theo con đường của chư vị Bồ tát, tiến hành tiêu trừ cả phiền não chướng lẫn sở tri chướng, hầu chứng được ngã không lẫn pháp không. Sau khi chứng được như thế, chân lý sẽ hiển bày. Y cứ vào đó mà tu, là thiền Đại thừa.
Thực lý của tất cả pháp là lý Tánh không - Duyên khởi. Duyên khởi, là không một pháp nào tự có, tự mình hiện khởi. Muốn khởi lên thành tướng, pháp phải nương vào duyên mà khởi nên gọi là duyên khởi. Vì duyên là những pháp khác nên duyên khởi còn gọi là y tha khởi, là nương vào cái khác để khởi lên tướng trạng của chính mình.
Pháp duyên khởi, tánh của nó là không, nên pháp tướng phải luôn biến dịch, biến đổi rất mau chóng, không thể nắm bắt. Vì lý do này, pháp duyên khởi còn gọi là pháp như huyễn, là huyễn hóa như mây trên trời, lúc tạo thành hình này, lúc tạo thành hình kia, không cố định và không một hình tướng nào có được bản chất thực sự.
Chúng sanh do chấp ngã và chấp pháp nên ở nơi pháp như huyễn mà hư vọng thấy là pháp thực, có hình tướng thực, sanh tâm chấp thủ vào các tướng, thường bị tướng lôi cuốn, làm tâm xao động nên không có định. Bồ tát thấy các pháp như huyễn, nên với pháp tướng không chấp thủ, không dính mắc, không bị tướng làm mê lầm, vì thế tâm thường an định. Do thường chiếu soi các pháp như huyễn mà tâm vẫn an định, nên gọi là Như huyễn tam muội.
Bồ tát, vì nhận ra chân lý, thấy thiên cung như huyễn, nên không sanh tâm ưa thích, tham đắm, thấy địa ngục như huyễn nên không sanh tâm sợ hãi, xa lìa. Vì thực thấy như thế, nên lấy tam giới làm chỗ rong chơi để thực hành hạnh nguyện độ sanh. Vì rong chơi trong tam giới mà tâm thường an định, nên gọi là Du hí tam muội.
Người tu loại thiền này chứng như huyễn tam muội, được ý sanh thân, trong một niệm - tùy theo tâm ý của chúng sanh - có thể hóa hiện ra vô lượng thân, độ vô lượng chúng sanh trong vô lượng cõi. Vì có khả năng rộng độ như thế, nên gọi là Đại thừa.
Ba loại thiền ngoại đạo, phàm phu và Tiểu thừa phải tu ở nơi vắng vẻ, tránh duyên mà tu mới có kết quả. Thiền Đại thừa có thể tu trong tịnh lẫn trong động. Hành giả, tùy theo tình trạng tâm thức của mình mà lựa chọn điều kiện tu hành cho từng giai đoạn sao cho thích hợp. Thông thường, lúc mới tu, hành giả nên ở chỗ vắng, cần tránh duyên để hình thành định lực. Khi đã có định lực ở mức tương đối, mới có thể tiếp duyên mà tu, nhưng phải thường xuyên điều phục tâm mình. Nếu tiếp duyên quá sớm, khi định lực chưa đủ, tâm sẽ trôi theo cảnh giới, khó mà điều phục và làm chủ, việc tu hành sẽ không có kết quả.

THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA

“Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là thiền Tối thượng thừa, cũng gọi là thiền Như Lai thanh tịnh, cũng gọi là Nhất hạnh tam muội. Đây là căn bản của tất cả tam muội. Nếu người hay niệm niệm tu tập tự nhiên dần dần được trăm ngàn tam muội”.
Đốn ngộ nghĩa là tức thời nhận ra, không qua suy nghĩ luận bàn. Nếu còn một chút phân vân, suy lường thì không phải là đốn ngộ. Đốn ngộ tự tâm nghĩa là nhận ra tâm mình xưa nay thường thanh tịnh, vì “Nhân pháp vô ngã, phiền não và sở tri thường thanh tịnh không tánh”.
Phiền não không, không phải do tiêu trừ khiến nó thành không như hàng Tiểu thừa. Phiền não và sở tri không, không phải do trí quán (trí tuệ Bát nhã) khiến nó thành không như hàng Bồ tát, mà không là vì tự tánh của phiền não và sở tri là không. Tâm (thanh tịnh) này là Phật, ở sơ tâm (lúc mới đốn ngộ) và ở cứu cánh (Phật quả) không khác. Y cứ vào tâm này mà tu là thiền Tối thượng thừa.
Đốn ngộ tự tâm cũng có nghĩa là nhận ra tự tánh của tâm. Tánh này vốn không tăng giảm, nơi Thánh không tăng, nơi phàm không giảm. Dù trôi lăn trong 3 cõi 6 đường vẫn không thay đổi, không nhiễm ô, không phiền não, thường thanh tịnh. Tâm trong trạng thái chân thật (chân tâm) thì tâm tức là tánh nên đốn ngộ tự tâm, còn gọi là ngộ tánh, kiến tánh, ngộ (chân) tâm, là nhận ra bộ mặt thật xưa nay của mình (bản lai diện mục).
Tánh này là nguồn của thiền pháp nên gọi là nguồn thiền. Tánh này là nguồn của muôn pháp nên gọi là pháp tánh, nơi người gọi là Phật tánh. Là nguồn ngộ mê của chúng sanh, nên gọi là Như Lai tàng, tàng thức. Là nguồn muôn đức của chư Phật nên gọi là Phật tánh. Là nguồn muôn hạnh của chư Bồ tát nên gọi là tâm địa.
Tánh là tâm vô sanh của chúng sanh. Y cứ vào đây mà tu là “Nương nơi tướng giác thanh tịnh viên chiếu, hằng đoạn vô minh, mới thành Phật đạo” Tướng giác thanh tịnh viên chiếu là trí tánh vô lậu sẵn đủ trên tự tâm. Trí tánh vô lậu này soi thấu tự tánh không của tất cả pháp, nên dù không làm cho vô minh thành không, vô minh vẫn tự không ; dù không (khởi niệm) lìa vô minh mà thường lìa vô minh ; dù không (khởi niệm) đoạn vô minh mà hằng đoạn vô minh. Vì chỉ làm một việc là thường nương giác tánh viên diệu của chính mình mà đoạn vô minh, nên gọi là Nhất hạnh tam muội. Đây là căn bản của tất cả tam muội. Người nào niệm niệm tu tập như thế sẽ dần có đủ trăm ngàn tam muội.
Phật tánh là nhân vô sanh. Y đây mà tu, mới thành tựu quả vô sanh. Y đây mà tu mới viên thành Phật quả hay còn gọi là thành Phật, thân chứng đại niết bàn, là niết bàn có đầy đủ vô lượng công đức.
Người tu thành Phật, lấy thân làm pháp nên gọi là pháp thân, kiến tạo Tam thiên đại thiên thế giới Phật làm nơi cho tất cả chúng sanh nương tựa, nhằm đưa tất cả chúng sanh đến chỗ thành Phật.
Thành Phật là thành tựu thế giới Phật, là thế giới Hoa Nghiêm. Tu hành đến đây mới có đủ phương tiện để thực hành trọn vẹn hạnh nguyện thứ tư trong Tứ hoằng thệ nguyện. Đó là “Cùng tất cả chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.
Vì không còn chỗ nương nào cao hơn, Phật tánh cũng chính là nhân đưa đến quả vị Phật, là quả vị cao tột, nên gọi là Tối thượng thừa. 

[ Quay lại ]