headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Duy Ma ở đâu ?

Chân Hiền Tâm 

Thiền sư Nguyên Liễn lúc mới học đạo, y chỉ dưới tòa của thiền sư Chân Giác tham thiền. Ban ngày phụ trách công tác Điển tọa. Chiều tối lo công khóa tu tập tụng kinh.

    Một hôm thiền sư Chân Giác hỏi :
    Ông xem kinh gì?
    Nguyên Liễn thưa : Kinh Duy Ma.


    Chân Giác hỏi : Kinh ở đây, cư sĩ Duy Ma ở đâu?
    Nguyên Liễn mờ mịt không biết đường trả lời, bèn hỏi lại thiền sư Nguyên Giác :
     Duy Ma ở đâu?
    Chân Giác đáp :
    Ta biết cũng tốt, không biết cũng tốt. Có điều không thể nói cho ông.

Nguyên Liễn càng thêm hổ thẹn, từ giả Chân Giác đi vân du tham học các nơi.
Duy Ma ở đâu? Không biết thì đương nhiên không thể nói cho người khác biết. Nếu biết, cũng không thể nói cho người khác biết. Bởi mỗi người phải tự tìm thấy Duy Ma trong chính mình. Phật Tổ lập ra kinh luận, thiền sư có ngữ lục, là để phá đi những định kiến sai lầm, giúp người tu tăng trưởng niềm tin, giúp người tu giải quyết những chướng ngại trên đường tu, cũng là thứ ấn chứng cho chỗ tu hành. Kinh luận không lập ra để mình đọc học cho vui, cũng không lập ra để mình lấy đó làm kế sinh nhai mà luận giải hơn thua với người. Đọc học kinh luận ngữ lục theo kiểu như thế, là mình đang đi ngược với tâm ý của Phật Tổ. Sở tri thêm nhiều. Chỗ thâm sâu của Phật pháp càng không thấu được.

Kinh luận được lập ra, chủ yếu là để phá đi sự chấp thủ của tâm đối với ngoại cảnh, cũng như với chính thân tâm mình. Chấp hết thì Duy Ma hiển bày. Duy Ma đó, dù muốn nói cho người khác biết, cũng không nói được. Nói được, chắc gì người khác đã biết?

Được lập ra chỉ để phá chấp, nên không có sự chấp thủ, thì kinh luận và ngữ lục cũng không lập. Nó mang tính tùy duyên, không mang tính bất biến. Tùy bệnh mà có thuốc, hết bệnh thuộc cũng không. Nó là một loại phương tiện đưa người đến bờ kia, không phải là chính bờ kia. Vì thế, thuyết giảng suốt 49 năm, cuối cùng Phật phủi sạch “Ta không nói một chữ”. Chân Giác vì muốn Nguyên Liễn hiểu kinh luận chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, không phải chính mặt trăng, song mặt trăng mới là thứ cần thấy, nên hỏi Nguyên Liễn “Kinh đây, còn Duy Ma đâu?”.

Là một Điển tọa, là người có chức sắc trong tự viện, vậy mà nghe hỏi Duy Ma đâu, Nguyên Liễn mờ mịt không biết đường ra. Nhưng là bậc pháp khí, nên Sư không chịu yên đó mà từ giả thiền sư Chân Giác, vân du tham học các nơi. Song khối nghi ngày càng lớn. Một lần Sư đến tham vấn thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm ở Hà Nam,

    Sư hỏi : Học nhân đến núi báu, tay không trở về thì sao?
    Thủ Sơn đáp : Hãy nhận kho báu nhà mình.
    Ngay đó Nguyên Liễn đại ngộ và nói : Không còn nghi lời các thiền sư.
    Thủ Sơn hỏi : Vì sao?
    Nguyên Liễu đáp : Vì con cũng có lưỡi.
    Thủ Sơn cười, nói : Ông đã liễu ngộ tâm yếu của Thiền.

Vì sao không còn nghi lời các thiền sư? Vì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Người ăn đường gặp người ăn đường. Không như ngày xưa, Chân Giác ăn đường, đã biết vị ngọt của đường. Còn Nguyên Liễn, chỉ mới là kẻ nghe người khác nói đường ngọt, mà chưa từng nếm qua cái ngọt của đường. Nên khi Chân Giác hỏi “Duy Ma ở đâu?” Nguyên Liễn mờ mịt không biết đường ra.  Nay Sư đã nhận được của báu nhà mình, liền biết Duy Ma ở đâu. Mối nghi liền dứt.

Không phải chỉ với kinh Duy Ma mà kinh Di Đà, kinh Phổ Môn v.v… cũng vậy. Di Đà ở đâu? Quán Âm ở đâu? Kinh Pháp Bảo Đàn nói “Từ bi chính là Quán Âm. Hỉ xả gọi là Thế Chí. Hay tịnh chính là Thích Ca. Bình trực chính là Di Đà”. Một niệm tâm từ của mình chính là đức Thế Âm. Một niệm bình trực của mình chính là Di Đà. Một niệm hỉ xả chính là Đại Thế Chí. Niệm niệm như thế thì thế giới của mình chính là thế giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật. Không có cõi tịnh độ nào lìa tâm mà có. Không có cõi tịnh độ nào lìa tâm mà cầu được. Tâm tịnh thì cõi độ tịnh. Còn cư sĩ Duy Ma … ông ở đâu ?

[ Quay lại ]