headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Thiền và Duy thức

Chân Hiền Tâm 

Nhìn con bé nhấc bổng con mèo mới thấy dễ thương. Tình cảm trên tay, thương yêu trong mắt. Nhẹ nhàng, nâng niu ... Song không phải khi nào nó cũng dễ thương như vậy. Cái mặt bạnh ra khi không vừa lòng mới thật đáng ghét. Một mụ phù thủy không kém không hơn. Tình cảm của mình theo đó như nước thủy triều, khi lên, khi xuống, khi ghét, khi thương. Ù ơ như vậy, nên Tổ Long Thọ mới nói rằng :

                               Mắt, tai và mũi, lưỡi

                               Thân, ý là sáu tình

                               Mắt v.v... sáu tình

                               Theo sắc ... là sáu trần

MẮT vốn không tình, chỉ vì theo SẮC mà có thương ghét. TAI cũng không tình, chỉ duyên theo THANH bên ngoài mà hiện buồn vui. Theo Duy thức, khi mắt thấy sắc, không phải chỉ có mắt và sắc, mà là duyên hội của rất nhiều thứ. Nói lược có ba :
                    1. Căn.

                    2. Trần.

                    3. Thức.

Nói đủ đến mười :

                1. Bản thức.

                2. Chủng tử nhãn thức.

                3. Mạt na.

                4. Ý thức.

                5. Nhãn thức.

                6. Nhãn căn không hoại.

                7. Tác ý muốn thấy.

                8. Có cảnh làm sở duyên để duyên.

                9. Khoảng giữa không chướng ngại.

                10. Trong vùng có thể thấy.

Trong cái duyên là NGHIỆP THỨC CON NGƯỜI, phải đủ 10 duyên trên, mình mới thấy được cảnh giới trước mắt. Chỉ cần thiếu một, mình không thể thấy con bé nâng niu con mèo.

Khi mắt thấy sắc, việc của nhãn thức chỉ là liễu biệt cảnh của riêng nó. Cảnh hiện thế nào, nhãn thức nhận biết đúng như thế ấy, như máy ghi hình không thêm không bớt. Khi nhãn thức sanh, ý thức sanh cùng. Ngay sát na đầu, ý thức cảm nhận hình tượng sự vật hiện lượng như chính nhãn thức.

Nhưng qua sát na thứ hai, tất cả đều bị ý thức phân biệt chi phối. Do sát na đầu qua đi quá mau, nên mình không thể nhận biết. Chỉ lưu lại phần ý thức phân biệt đã huân tập qua bao đời kiếp, rồi cho đó là tâm mình. Thấy, nghe, hiểu, biết đều bị quan niệm định kiến chi phối. Cho nên, cảnh này mới làm mình vui, lời kia mới khiến mình buồn. Cái này sao thấy quá lớn, lời kia sao không văn hoa v.v… 6 căn biến thành 6 tình, đánh mất cái khoảng ban đầu quí báu.

THIỀN, chính là sống lại với khoảng ban đầu quí báu đó. Là khoảng pháp được nhận biết đúng như chính nó, không bị định kiến của ta chi phối. Đó là cửa vào thẳng tắt chư vị Thiền sư muốn dạy cho các thiền sinh.

Cư sĩ Hoàng Đình Kiên tự Lỗ Trực, theo thiền sư Hối Đường xin chỉ cho chỗ thẳng tắt. Hối Đường bảo :
- Như Khổng Tử nói “Này các trò, cho ta là giấu diếm ư? Ta không có gì để giấu diếm”.
Lỗ Trực suy nghĩ.
Thấy vậy, Hối Đường nói :
- Không đúng, không đúng.
Lỗ Trực càng thêm u tối.
Một lần, theo hầu Hối Đường dạo núi, hoa quế đang rụng đầy, Hối Đường hỏi :
- Ông có nghe mùi thơm hoa quế chăng?
Lỗ Trực gật đầu.
Hối Đường bảo :
- Ta không giấu gì ông.
Lỗ Trực chợt tỉnh, liền lễ bái :
- Hòa thượng đúng là tâm lão bà tha thiết.
Hối Đường cười :
- Chỉ cần ông về đến nhà.

Ngay cái chỗ nhận biết được mùi thơm của hoa quế, là cửa vào của người tu thiền. Song mình không nhận được cửa vào, vì còn bận chạy theo mùi thơm của hoa quế, còn bận dõi mắt thương ghét với những được, mất, hơn, thua trong hiện tại. Ngay đó mà không về. Rong ruỗi buồn vui cho giòng đời thêm bạt, đường về thêm xa. Nên mới bình rằng :

                     Chẳng từng giấu, chẳng từng giấu
                    Đầy đường hoa quế ngát hương thơm
                    Hỏi ai chưa ngộ tìm đâu nữa
                    Nhà Tổ xưa nay cửa vẫn không
                    Ôi!
                    Ai đã từng nghe hoa quế thơm?
                    Thế ấy, chớ lầm!
                                                                (Ngũ Đăng Hội Nguyên)

[ Quay lại ]