Phật giáo với vấn đề tri thức thời đại
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 19 Tháng một 2008 19:19
- Viết bởi nguyen
Chánh Tấn Tuệ
I. VẤN ĐỀ CỦA THỜI HIỆN ĐẠI
Thời đại của ta với các phương tiện truyền tin tiên tiến, có khả năng gần như tức thời có thể thông tin đến mọi nơi, mọi miền ; với các phương tiện vận tải có khả năng vận chuyện các khối lượng ngày càng lớn hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn đã làm cho quả đất dường như bé nhỏ lại, đẩy các dân tộc đến gần với nhau. Thêm vào đó, việc thương mại hóa toàn cầu đã dẫn đến xu thế hội nhập: Các dân tộc trên thế giới không chỉ đến gần nhau mà còn xâm nhập vào nhau.
Ta cũng biết, các dân tộc trên thế giới rất đa dạng về mặt bản sắc. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, thể chế chính trị, xu hướng tôn giáo, nền văn hóa riêng … Việc hội nhập đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn giữa các dân tộc : Một mặt, bất kỳ dân tộc nào cũng phải tiếp thu những cái mới, cái khác từ các dân tộc khác để phù hợp với xu thế hội nhập. Mặt khác, phải bảo tồn được một số đặt tính riêng để không bị các dân tộc khác đồng hóa.
Do phải thay đổi nhiều quan điểm, tập quán sống trong một thời gian tương đối ngắn, lại phải luôn cố gắng vươn lên trong nhiều lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, kinh tế để không bị tụt hậu, nên đời sống con người có nhiều sự căng thẳng, dẫn đến nhiều xung đột. Nhẹ là những cuộc tranh cãi, nặng thì dẫn đến bạo lực chiến tranh. Giáo lý nhà Phật dạy cho ta phương cách gì để hóa giải tình trạng nói trên?
Với cái nhìn thâm sâu vi diệu thấu suốt thực tánh của vạn pháp, đức Phật đã chỉ ra rằng, việc xuất hiện nhiều sự vật sai biệt trên thế gian là điều hiển nhiên. Dù có nhiều sự vật sai biệt cùng xuất hiện nhưng chúng vốn vô ngại với nhau, tạo thành thế giới sự sự vô ngại. Sở dĩ sự vật vô ngại với nhau vì chúng cùng chịu sự chi phối của một LÝ chung mà bản chất của nó là vô ngại. SỰ nương nơi LÝ xuất hiện. SỰ xuất hiện giúp cho LÝ được hiển bày. LÝ SỰ dung thông tạo thành thế giới LÝ SỰ VÔ NGẠI.
SỰ mang tính cách cá biệt. LÝ là cái chung của nhiều SỰ. Một dân tộc là một SỰ. Một con người là một SỰ. Đến đây, một câu hỏi được nêu ra, vì sao thế giới nhân sinh với bản chất dung thông vô ngại mà nay trên hiện thực, giữa các sự lại có nhiều ngăn ngại chia cắt? Vì sao trên mặt LÝ, các SỰ hỗ tương cho nhau cùng xuất hiện mà trong hiện thực, lại thấy nhiều sự đấu tranh với nhau để sinh tồn?
Qua các kinh luận, chư Phật Tổ đã chỉ ra rằng, do sự chấp thủ của người đời mà thế giới nhân sinh mới có nhiều ngăn ngại, đấu tranh. Chấp thủ có nhiều thứ nhưng qui về 2 loại : Chấp thủ ái và chấp thủ kiến.
CHẤP THỦ ÁI làm phát sinh tham dục. Đây là nguyên nhân chính đưa con người đến chỗ dành giựt, cướp bóc để thỏa mãn các dục vọng. Nếu xét một cách thấu đáo thì chấp thủ ái không thể tự khởi mà phải nương nơi chấp thủ kiến mới khởi lên được. Như vậy chấp thủ kiến là cội nguồn của vấn đề. Tìm hiểu về chấp thủ kiến, sẽ cho thấy những phương thức cơ bản để giải quyết vấn đề.
Sở dĩ có chấp thủ kiến, vì trong tâm chúng sinh chứa đầy những kiến chấp. Các kiến chấp này khi đủ duyên (đủ điều kiện) liền hiện hành chi phối sự hoạt động của tâm thức, chi phối sự nhận thức của chúng sanh.
II. KIẾN CHẤP
KIẾN là cái thấy, nhưng là cái thấy của tâm. Cũng có nghĩa là phương cách nhìn để thấy. Theo nghĩa này, kiến là một chủ trương, một quan điểm, một lập trường. CHẤP là nắm giữ. KIẾN CHẤP là một cái thấy, một quan điểm ... được tâm nắm giữ và lưu trữ trong tạng thức. Các kiến chấp này thường được dùng làm cơ sở cho sự nhận thức.
Ví dụ 1 : Thấy cam liền nghĩ đến vị ngọt. Thấy me liền nghĩ đến vị chua. Ở đây tâm đang nắm lấy một cái thấy (như chua, ngọt) có được từ kinh nghiệm sống trong quá khứ để phát sinh ra sự nhận thức trong thời điểm hiện tại.
Ví dụ 2 : Có người cho rằng phụ nữ là người ngoan hiền dịu dàng. Cô A tính tình thô tháo, khó dạy, lại hung dữ, nên cô A không phải là một phụ nữ. Ở đây tâm nắm lấy một phương cách nhìn, thông qua một quan điểm để phát sinh ra sự nhận thức về cô A.
1. Sự hình thành các kiến chấp : Từ sự huân tập, các kiến chấp được hình thành và lưu giữ trong tâm. Khi tâm ghi nhận sự xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần của một sự kiện, gọi là huân tập. Có 2 sự huân tập chính : Một là sự huân tập đến từ kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Hai là sự huân tập từ sự giáo dục của xã hội cộng với sự tư duy học hỏi của mỗi người.
Kiến chấp có thể là kiến chấp về SỰ hoặc kiến chấp về LÝ.
Thí dụ : Cam ngọt, chanh chua.
Định đề Euclide là một nguyên lý của hình học phẳng.
V = g.t là vận tốc của một vật rơi tự do trong trọng trường g.
2. Kiến chấp và sự nhận thức : Kiến chấp là một điều kiện không thể thiếu để tâm khởi lên ý niệm phân biệt. Thiếu kiến chấp, không một ý niệm phân biệt nào khởi lên được.
Thời đại của chúng ta, ý thức phân biệt được đề cao, nên hầu hết mọi người đều cho rằng nhận thức là ý thức, và ý thức là nhận biết các ý niệm phân biệt khởi lên trên tâm. Với quan điểm ấy, các kiến chấp đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nhận thức của mỗi cá nhân. Khi đối diện với cảnh vật bên ngoài, ta thường lấy các kiến chấp làm cơ sở để phát sinh ra sự nhận thức.
III. NHẬN THỨC VÀ TRI THỨC
Khi nhận thức vừa phù hợp với hiện thực vừa phù hợp với chân lý thì được gọi là tri thức. Trên thực tế, vì có nhiều quan điểm khác nhau về chân lý nên cũng có nhiều loại tri thức khác nhau. Song có thể qui chúng về 2 loại chính :
1. Tri thức thuộc phạm trù hữu thể.
2. Tri thức thuộc phạm trù Tánh không - Duyên khởi.
Loại thứ nhất là tri thức thế gian được lưu truyền và giảng dạy trong đời thường. Loại thứ hai được truyền dạy qua các kinh luận của nhà Phật. Loại thứ nhất phát sinh từ sự chấp thủ kiến và sinh ra sự chấp thủ kiến. Loại thứ hai giúp chúng sanh xa lìa được sự chấp thủ kiến.
1. Tri thức thuộc phạm trù hữu thể
Nếu cho rằng chân lý là CÓ (Nói một cách đầy đủ, chân lý là một cái gì thuộc phạm trù có) thì tri thức xây dựng trên chân lý ấy là một tri thức thuộc phạm trù hữu thể. Ở đây chân lý làm nền tảng cho tri thức nên chân lý là THỂ của tri thức. Chân lý có tức thể có. Thể có còn gọi là THỂ HỮU. Nói theo cách thông thường là HỮU THỂ. Tính chất của hữu thể là độc nhất nên tri thức xuất phát từ nó là duy nhất đúng. Tất cả mọi ý kiến, mọi nhận thức khác đều sai lầm. Hệ quả là, tri thức ấy sẽ loại trừ tất cả mọi tri thức cùng loại nhưng khác với nó. Tri thức ấy trở nên tự tách biệt và ngăn ngại với mọi tri thức khác.
Như đã nói trên, mọi nhận thức của TA đều lấy kiến chấp làm cơ sở. Nếu cho rằng chỉ nhận thức của ta là đúng, tức ta đã biến nhận thức của mình thành tri thức. Trong trường hợp này kiến chấp trở thành chân lý. Việc nắm chặt lấy kiến chấp của mình xem đó là chân lý, loại trừ tất cả mọi nhận thức và tri thức khác, đức Phật gọi là chấp thủ kiến. Sự chấp thủ càng chặt càng làm cho ta không thể hòa hợp với các ý kiến khác và cảm thấy sự hiện diện của các tri thức khác gây nguy hiểm cho sự độc tôn độc tồn cho tri thức của ta. Đây chính là lý do làm nẩy sinh ra tâm lý ngăn ngại không muốn tiếp xúc với những người, hay những tập thể có tri thức khác với ta. Sự chấp thủ càng lớn, càng cực đoan, càng dễ xảy ra xung đột, tranh đấu khi phải chung đụng với nhau. Đến đây ta hiểu vì sao từ CHẤP THỦ KIẾN mà người này ngăn ngại với người kia, dân tộc này ngăn ngại với dân tộc kia, thế giới nhân sinh lại có nhiều xung đột đấu tranh đến như thế.
2. Tri thức thuộc phạm trù Tánh không - Duyên khởi :
Tri thức thuộc phạm trù Tánh không - Duyên khởi cũng đòi hỏi phải phù hợp với hiện thực, nhưng không cho rằng nó được xây dựng trên một hữu thể. Tri thức có được chỉ tương hợp với một DUYÊN. Do duyên có tính đa dạng và không cố định, nên không chỉ có duy nhất một tri thức đúng. Đối trước một vấn đề, ứng với một duyên sẽ có một tri thức. Ứng với nhiều duyên sẽ có nhiều tri thức. Tất cả đều phù hợp với hiện thực.
Thí dụ : Có người nói anh A tốt. Người khác nói anh A xấu. Trong phạm trù hữu thể, chỉ được chấp nhận một trong hai trường hợp là đúng. Trong phạm trù Tánh không - Duyên khởi có thể cả hai cùng đúng. Trên thực tế, A có thể là một người chồng người cha tốt, nhưng đối với xã hội A là một công dân xấu. Ở đây tốt hay xấu phải được nói kèm với một duyên.
Thí dụ trên cho thấy, tri thức thuộc phạm trù Tánh không - Duyên khởi rõ ràng tinh tế và phù hợp với hiện thực hơn tri thức thuộc phạm trù hữu thể.
Lại nữa, do biết rằng trước cùng một đối tượng, có thể có nhiều tri thức khác nhau, nên ta không còn cố chấp cho rằng chỉ ý kiến của ta là đúng. Ta có thể chấp nhận các ý kiến của những người khác nếu nó là tri thức. Một khi có thể chấp nhận được ý của người khác, tâm ta sẽ rộng mở và thông cảm, nhờ đó hóa giải được sự ngăn ngại, đấu tranh giữa người với người.
Lý Duyên khởi cho thấy, tất cả mọi sự vật, sự kiện luôn chuyển biến. Ta không thể là một thực thể tách biệt với thế giới mà sống trong sự tương duyên với người khác, với thế giới chung quanh. Chính vì vậy, ta sẵn sàng thay đổi để hòa điệu với nhịp sống chung. Mặc dù luôn chuyển dịch, nhưng ta vẫn có quyền lưu giữ một số tính chất riêng của mình, không mặc cảm cũng không xu thời một cách quá đáng.
IV KẾT LUẬN
Ta đang sống trong một thời đại mà các dân tộc trên thế giới phải luôn chung đụng với nhau, trong khi nền giáo dục của thế giới còn mang nặng tính hữu thể học. Đây chính là lý do sâu kín làm phát sinh ra các vấn đề của thời hiện đại. Muốn giải quyết vấn đề, trước hết phải có một cái nhìn tinh tế hơn, phù hợp với hiện thực hơn bằng cách vận dụng đến lý Duyên khởi.
Có thể nêu thêm vài lý do để nói lên sự cần thiết của lý Duyên khởi ở thời hiện đại.
1. Các lý thuyết hữu thể chỉ tương thích với một số hiện tượng hoặc một lớp hiện tượng mà không thể tương thích với mọi hiện tượng trong cuộc sống. Cái nhìn Duyên khởi sẽ giúp ta vượt qua khó khăn này.
2. Hiện nay, hầu hết các tri thức được giảng dạy trong trường lớp đều được xây dựng trên nền triết học phương tây. Triết học phương tây còn có tên khác là hữu thể học. Cội nguồn của hữu thể học được Platon – Aristote khai mở cách đây hơn 2000 năm, đến nay đã được nhân loại khai thác đến cạn kiệt. Cội nguồn đã cạn kiệt mà chân lý vẫn chưa xuất hiện, vì thế tri thức của nhân loại không được dừng lại. Tri thức của nhân loại phải tiến lên, vượt qua hạm trù hữu thể học, tiến vào lý Duyên khởi, đưa con người đến chỗ tiếp cận với chân lý.