headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Năm mươi cái xuân xanh

 Chân Hiền Tâm 

Mậu tý, cho đầy 50 cái xuân. Đã có 50 mùa xuân đi qua trong đời. Cái tuổi đủ già, chiêm nghiệm cho biết thân phận con người. Cái tuổi vẫn trẻ, bởi nếu xuôi tay nhắm mắt, bài vị sẽ ghi “hưởng dương 50”. Hưởng dương chưa nhường hưởng thọ, nghĩa là chưa già. Cái mình tưởng già chỗ này hóa ra vẫn trẻ chỗ khác.

 Ngộ thiệt! Có gì mà ngộ. Thế gian vốn vậy. Vạn pháp hiện tướng theo duyên, làm gì có tánh nhất định mà già chỉ già, trẻ trẻ mãi. Khi già, khi trẻ … tùy duyên!

Cái khoảng 50, huơ ngang cánh cửa bất nhị “Không già không trẻ” coi ra không khác “Không sanh không diệt…” của luận Trung Quán. Ôi!  50 đúng là không già không trẻ. Thấy trẻ thấy già là tại vì duyên. 

Tuổi thơ của tôi ngập đầy may mắn. Cha mẹ, anh em đầy đủ. Tết rất sung túc. Đêm giao thừa dạo quanh các chùa. Đầu năm phong bì lủng lẳng. Tình dư mà tiền cũng dư. Nhưng rồi may ấy lại không kéo dài. Chỉ gói trong một con giáp đầu đời. Ông Bô “tử trận”. Cái khoảng bất hạnh sau đó lộ ra. Không phải vì phải lang thang đầu đường xó chợ kiếm cơm như trẻ mồ côi mà nói bất hạnh. Chỉ vì chết chìm trong những đối đãi thế gian mà việc thành có. Cái khoảng thời gian mình thấy sung túc trước kia, nó làm bàn đạp cho những thiếu thốn về sau - dù chỉ chút đỉnh - trở thành bất hạnh thêm nhiều. Mẹ còng lưng cố lo cho con như ngày cha còn. Nhưng thứ gì đã cố, sức người hiện tại lộ rõ mõi mòn. Cái mõi của mẹ làm tăng nỗi nhận cái mòn trong con. Càng thấy bất hạnh khi tình cho mẹ chỉ đủ để mình thương cảm, không đủ để thành hành động, vực đi cho hết những khoảng mõi mòn. 

Con gái có chồng ... 

Xuân đầu vội vã. Bụng mang dạ chửa. Túi bụi, lo toan, sợ hãi, hồi hộp. Từ tàu nhỏ sang tàu lớn, từ tỉnh này qua tỉnh kia, đi tìm một miền đất hứa. Vượt cho mau, đi cho kịp. Kịp cho đến tết thứ hai “Anh trong song cửa chờ gặp mặt. Em bế con ngoài ngóng thăm nuôi”. 

Mồng một tết một mình với con. Mùng hai tết với con một mình. Mùng ba tết được hai mẹ con. Người ta xuân, mình phải xuân, nhưng xuân của mình là xuân gượng. Người ta vui, mình phải vui, nhưng vui đó là gượng vui. Xuân gượng gượng vui, cuối cùng là … khóc. Cầm cự đến đó là cùng. Đầu năm kiêng cử, khóc vẫn cứ khóc. Kiếp người khổ nạn mênh mang …   

Chồng về, tết đã đủ đầy, nhưng cũng bắt đầu cho những lo toan : Mai vàng nở phải đúng vụ. Dưa hấu cần đỏ, đủ đôi. Sáng mùng một tết phải cười v.v… Mọi thứ đều phải tốt đẹp. Có vậy những ngày sau tết mới thông. Cái khoảng nghĩ ra, lăng xăng sắm tết đã lắm rộn ràng. Cái sự sau đó mới là đáng nói. Cái khổ không phải mua sắm. Cái khổ là sắm ra sao để yên cả năm, để tài vô nhiều, gia đình đầy lộc. Khổ là ở đó. Mai nở mà thấy không kịp giao thừa mùng một, đứng ngồi không yên. Lật đật chạy tìm mai khác. Cái sự bên ngoài, mình lấy làm chủ cái dạ bên trong của mình. Nó dẫn mình chạy. Hết chuyện này đến chuyện khác. Hết chuyện khác đến chuyện kia. Tính ra, hoa nở mình đã không yên. Hoa rụng mình cũng thấp thỏm. Ngày ngày lo chuyện công việc. Tết nghỉ tưởng yên, ai ngờ lo chuyện chưa ra. Lo quanh, lo quẩn, không thể nào yên. Chồng nói “Tu mà như lo, chánh quả đã thành”. Coi ra khổ nạn chưa hết, chỉ khéo chuyển mình. Mình thì nhập cuộc khá giỏi, khổ nạn đâu thấy. Cứ mực lo toan những cái không đáng. Lo rất tự nhiên. Lo riết mà bệnh. Gầy gò, mất ăn, mất ngủ. Chỉ vì thích … lo.

Thế gian vô thường, không có gì bền. Cái thân thay đổi, cái tâm cũng thay. Vọng tưởng đâu có tánh thực mà chịu đứng yên một chỗ. Không nghĩ chuyện này thì nghĩ chuyện khác. Không đọc cái này thì đi sắm đồ. Nhờ vậy cuộc sống “phong phú”, thế gian còn hoài. Có điều, trong cái vô thường tạm bợ lại có cái thường, cái lạc, cái tịnh. Cái đó làm nền bắt mình không chịu cái khổ. Ai cũng muốn vui. Không vui thì lại muốn vui. Vui ít lại muốn vui nhiều. Mà xét cho cùng, muốn vui đâu phải là lỗi. La Hán cũng vì muốn vui mới tu cái định Diệt tận. Bồ tát cũng vì muốn vui cái vui trường viễn của Phật mới tu thiền định, học hạnh Bồ tát. Người người muốn vui không phải chuyện lạ.

Có điều, mình hay TƯỞNG LỘN như vậy là vui. Cái TƯỞNG mới là vấn đề. TƯỞNG tình và tiền đầy đủ mới là được vui. Tưởng cái bên ngoài mang đến hạnh phúc cho mình. Ừ! Ừ! Không phải không có. Nhưng vui như đó là vui sanh diệt, vui mà nương nhờ. Nó sanh thì yên mà lỡ nó diệt, mình tàn úa theo. Đáng nói ở chỗ, tình tiền muốn đủ có khi mình lại gieo nghiệp. Cái nhân đã gieo, đủ duyên cái quả ló đầu. Khổ vui có mặt lẫn lộn trong một kiếp người là vậy. Không phải chỉ có người nghèo là tội, người giàu cũng khóc. Kẻ quá đầy đủ lại muốn tự tử. Cuộc sống trở thành vô nghĩa. Đều từ do TƯỞNG. TƯỞNG từ suy nghĩ cho đến việc làm. Rất nhiều cái TƯỞNG khiến mình có những cái quả không vui. Chỉ biết chạy theo nuôi thêm cái khổ. 

Rồi cũng nhận ra chân lý : Chỉ vì muốn vui cái vui vô thường mà mình bán đứng cái thường, cái lạc, cái tịnh chân thường của mình. Vui đâu chưa thấy, trước mắt thấy khổ. Lăng xăng cái thân, lộn xộn cái tâm không khổ là gì. Nhận ra chân lý, đổi thay ít nhiều. Bao nhiêu cái tết đều đã bình yên. Hoa có cũng được. Hoa không cũng xong. Nhà cửa rộn ràng vui đó. Nhà cửa văng lặng càng hay. Tâm yên, có tịnh có lạc. Tết tết không khác mọi ngày. Chỉ vì không còn lo lắng, coi thường cái sự thế gian. Hoa nở, hoa tàn mắc mớ gì đâu. Cái nhân gieo tốt, ngày nào cũng đẹp. Nhân gieo không tốt, đủ duyên phải trả, lo mà tránh được hay sao? Muốn yên, lấy việc phúc thiện đắp vô. Có lo liền bỏ, tâm liền bình yên. Chưa yên thì bỏ cho yên. Hễ “nó” ló dạng trong đầu, mình cho nó nhập niết bàn tịnh tâm. Riết rồi cũng yên. 

Cái yên kiểu đó, Tổ Phật đều nói “Do không dính mắc ngoại vật mà yên. Sáu căn không vướng sáu trần mà yên. Vì không chuyển mình theo vật mà yên”. Yên nớ số zách biết không! Một trời tự do khoáng đạt. Cái vui thế gian nào có thấm gì. Vui chi không bằng tâm yên. Yên rồi, mới thấy sự nào chưa yên, trói buộc cực khổ vô cùng. Thành cực chi cực, muốn chi đó muốn, rồi cũng phải tháo cho yên. Không gấp thì cũng từ từ. Từng sự, từng sự … mỗi ngày một ít. Thế nào cũng yên. 

Thử đi thì biết! 

             Xưa kia, Trúc Lâm từng nói :

                Thuở bé đâu từng rõ sắc không

                Xuân về hoa nở rộ trong lòng

                Ngày nay khám phá Đông hoàng diện

                Thiền bản, bồ đoàn ngắm hồng rơi 

                                                (Tổ Trúc Lâm)

Vua chúa nhận ra chất thực cái CÓ cái KHÔNG trong cuộc đời này, còn bỏ sàng lộng, bắt chân bồ đoàn. Huống mình là thứ tép riêu? 

Chẳng qua vì không rõ được “sắc tức không, không tức sắc”, hoặc như Tuệ Trung Thượng Sĩ thường nói “Không vốn không sắc, sắc không không. Thể tánh làu làu chẳng được mất”, tức chưa nhận được mặt thật Đông hoàng không có được mất, mà mình muôn đời cứ ôm được mất mà chạy. Từ cái này sang cái kia. Từ cái kia sang cái nọ. Hoa nở đúng ý thì yên, vui. Hoa tàn báo hiệu điềm mất, buồn. Vui vui buồn buồn theo những sanh diệt. Sanh sanh diệt diệt theo những buồn vui. Không khổ không lo mới là chuyện lạ.

Thiền bản, bồ đoàn, tréo chân cho định cái tâm, cho tuệ hiển lộ. Đối cảnh vô tâm thì hoa có rụng bao nhiêu, chỉ là hoa rụng. Hoa nở hoa tàn thế sự vốn thế trong cõi vô thường. Việc mình là hiển cho được cái thường, chiêm ngưỡng một cõi vô thường mà không nắm giữ, dù được hay mất, dù xấu hay đẹp. Không tâm nắm giữ, vui vui khổ khổ như nước theo dòng, niệm niệm nào khác vô niệm? 

Nói dễ, làm không phải dễ. Làm được, nhẹ gánh buồn lo. Sanh tử không khác niết bàn. Đâu cần đi tìm một cõi niết bàn ngoài tâm.

Một miền đất hứa cho tuổi 50. 

À không, là cho tất cả mọi người biết dụng đất tâm của mình. 

                                Kẻ ngu, sống chết lo âu mãi

                                      Người trí rõ không, nhàn vậy thôi

                                                    (Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Mới hay, 

                                Cuộc thế não sầu hay tịnh lạc

                                         Bởi tại GIÁC TÂM có cạn sâu 

[ Quay lại ]