headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

BẾN BỜ ẤY

Hạnh Nguyên 

Ngày tháng nước chảy

Giàu sang mây trôi

Gió lửa tan rồi

Trẻ già thành bụi

(Tuệ Trung Thượng Sĩ )

Bụi thời gian phủ kín, con người thay đổi, cảnh vật cũng đổi thay, vậy có gì để lại ?

Nhìn lại, xét lại, phải chăng đều chẳng thể thấy được cái đang là. Có chăng cũng chỉ là phấn bụi. Ấy vậy mà có những cái đã qua đi, đã không còn, đã tái tạo ... lại lẫn quất đâu đây trong mỗi con người. Bến bờ ấy, tôi, bạn, thánh, hiền ai lại chẳng lần qua.

Bến bờ Thường Chiếu, một bến bờ cho những người say thức tỉnh, cho gã cùng tử lần bước trở về quê nhà tìm cha thân yêu, cho kẻ lữ thứ rũ sạch bụi đường xa, khoác lại chiến áo tinh khôi nguyên thủy, cho …

Đối mặt Thường Chiếu để hiểu về Thường Chiếu, hiểu về chính mình, hiểu cho tha nhân và hiểu cho chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ sanh tử. Để dù cho “ngày thánh nước chảy” thì Thường Chiếu vẫn đang là, đang là trong cái biến dị không ngừng nghỉ. Đến như “Gió lửa tan rồi, trẻ già thành bụi” thì Thường Chiếu vẫn không bị bào mòn, không bị phủ kín. Thường Chiếu mãi chiếu soi.

Xưa đi qua Thường Chiếu với con đường mòn, với chiếc cầu lắt lẻo, vượt qua con suối cỏ dại rợp kín, với vắt và đỉa, với thiền đường vách đất phủ tranh. Với bụi tre vàng, với cơm hầm độn khoai, với bàn tay rám nắng … Nay đi qua thường Chiếu với đường mát thẳng dài, với mái ngói đỏ màu, với cơm trắng gạo ngon … Cảnh vật đổi thay như thế và con người cũng đổi thay như thế. Con người Thường Chiếu, năm xưa giữa bụi trần lao, khoác áo dũng sĩ, những dũng sĩ xuất trần xông pha trong trận chiến tử sanh. Những con người ấy, người đã ngã xuống, người đã vùng lên, người đã thối lui và người đã vung gươm hoàn thành đại sự. Tất cả đều đã giẫm lên, đã đi qua bến bờ ấy. Bến bờ giữa tử sanh, giữa mê ngộ, giữa thánh phàm, giữa ngu trí … Bến bờ mà ai đã một lần quyết tử cũng phải đi qua. Để rồi giữa bạt ngàn nắng gió, trong mê lộ tử sanh, đạo nhân Thường Chiếu buông thỏng tay chèo, vắt chân cất giọng :

                                    Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang

                                    Chống gậy chơi rong chừ phương ngoại phương

                                    Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi

                                    Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương

                                                                (Tuệ Trung Thượng Sĩ )

Trong hành trình ngược dòng ngũ dục chăn dắt tâm thức không chừng, hành giả luôn luôn tự phản tỉnh. Sự phản tỉnh của trí tuệ chiếu soi không ngừng nghỉ. Chính lúc ấy bến bờ mê vọng vụt tan, bến bờ giác ngộ hiển hiện. Nói nín cũng thừa. Đến lúc đó:

                                    Đói thì ăn, chừ cơm mười phương góp

                                    Mệt thì ngủ, chừ nơi chẳng quê hương

                                                          (Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Bờ mê đã không. Bến giác nào có thật. Thế nhưng ai chẳng một lần không dẫm chân qua.

Chân Không rồi Thường Chiếu. Quê hương cho tất cả. Hành trình của tất cả. Cội nguồn trong tất cả. Để từ cội cây này tỏa cành lá ngọn ngành trùm khắp. Trúc Lâm tâm đăng ngời sáng. Viên, Linh, Huệ, Phổ … kết trái tỏa hương. Hòa thượng một đời tâm nguyện sống cho tăng ni, làm viên gạch dựng xây lại Thiền Tông Việt Nam, làm viên thuốc bổ cho tất cả chúng sinh. Giấc mộng ấy đã được thực hiện cũng từ bến bờ ấy. Để ngay đây:

                                  Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt

                                  Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng

                                  Thỏa nguyện ta chừ được ngã sở

                                  Sống chết bức nhau chừ ta vẫn như thường

                                                                (Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Bến bờ ấy, giả, thật, huyễn, chân … THƯỜNG CHIẾU.
 

[ Quay lại ]