headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Xuân xưa ở núi

Chân Hiền Tâm 

Xuân về trên khắp mọi miền. Buồn nào cũng theo năm cũ. Dành một năm mới cho bình yên và may mắn. Người phố thị đón tết tháng giêng, nhưng tết của đồng bào thượng, như người Kơro ở cao nguyên Trung phần không ăn tết như người Kinh.

Tết của họ sau tết của mình một tháng, gọi là tết Lir Bong, tức là Mừng Lúa Về. Nó bắt đầu vào khoảng tháng 3 dương lịch. Thóc vừa gặt xong, tha hồ nhàn rỗi. Chờ đến mùa mưa mới cày cấy cho vụ sắp tới.

Tết Mừng Lúa Về được tổ chức hàng năm. Họ rào làng tránh cướp bóc, sửa sang đường xá, giếng nước, trồng cây nêu v.v… Lễ được khai mạc vào buổi chiều khi mặt trời đã lặn. Trống kèn khua vang, gà vịt dê lợn được mang ra tế lễ dâng cúng Thượng đế với lời cầu nguyện “Khẩn cầu Thượng đế nhận lời cảm tạ của mọi người. Thượng đế đã ban phúc cho dân làng, dân làng có thóc ăn quanh năm. Xin ban phát cho mọi người được sức khoẻ dồi dào để làm việc nhiều hơn cho mùa sau. Kết quả càng tốt đẹp”. Lời cầu nguyện vừa xong, chủ tế chém chết những con vật, lấy huyết vẫy lên cửa nhà, vạt thóc, giạ lúa … Sau đó mang chúng ra làm cỗ đãi khách. Suốt đêm chuông trống vang lừng khắp nơi. Họ tin tưởng may mắn sẽ đến vào những ngày kế tiếp. (Nếp Cũ - Toan Ánh)

Tết của đồng bào Di Linh, một năm không nhất định bao nhiêu ngày. Ngày tết của họ thay đổi từ làng này sang làng khác. Sự thay đổi khiến họ có thể dự tết nhiều nơi. Tết là một ngày hoàn toàn ở gia đình. Nghi lễ chỉ tổ chức trong phạm vi nhà cửa và vựa thóc. Gà được lấy máu vẫy lên các bồ thóc, để cầu thần linh cho những hạt giống sinh sôi nẩy nở … Những con lợn bị giết và đem thui. Ruột gan đựng riêng để tế thần. Đêm xuống, trong vựa thóc chỉ còn loe loét ánh lửa thui lợn như ánh lửa nấu bánh của dân đồng bằng thành thị. (Nếp Cũ - Toan Ánh)

Phong tục tuy có khác nhau chút đỉnh, nhưng nói chung, ngày xưa tết ở miền núi thường đi kèm với máu của súc vật, kèn trống, hét hò và những bình rượu lớn.

Xuân đồng bằng, từ xưa đến nay vẫn văn minh hơn. Gà vịt heo bò tuy vẫn bị giết, nhưng máu của chúng đều được rửa sạch. Không thể để dấu vết của sự chết chóc tồn tại đâu đó trong nhà cửa hay trong chốn làm ăn vào những ngày đầu năm. Thật kinh hoàng khi đâu đó xuất hiện một vài giọt máu dù của súc vật. Xét ra, thứ mà ngày xưa dân miền núi gọi là điềm may lại trở thành một điềm bất hạnh cho dân thành thị. Không biết thứ nào mới thể hiện đúng bản chất của một hiện tượng? Hay tất cả chỉ là vọng tưởng trong một kiếp phù sinh tạm bợ ?

Nhưng dù may mắn hay bất hạnh thì xuân về, không phải chỉ mang niềm sống và nỗi vui đến muôn loài. Nỗi vui của loài này có khi là nỗi đau của loài khác. Sự sống của loài này có khi là sự hoại diệt của loài khác v.v… Ta hồ hỡi đón xuân với những vật phẩm tốt lành, nhưng lũ súc vật thì không. Một nỗi sợ hãi và chấm dứt khá đau khổ. Niềm vui của ta hình thành một phần từ nỗi đau của kẻ khác, nên cái quả mà ta có được là một thế giới Sa bà phân ranh, không ngừng chiến tranh, thù hận, nạn tai và chết chóc. Không như xuân của những kẻ miền núi vô sự.

                                    Ở núi, việc không, cửa đóng gài

                                    Độc tọa tâm cùng, dứt thấy nghe

                                    Màn giấy tùng mai trăng rọi sáng

                                    Nhân gian chỉ đó một càn khôn
                                                                    (Sơn Cư Bách Vịnh)

Trong núi không người thì xuân về đâu phải tiếp khách mà cửa không đóng, việc cho nhiều? Một mình một chợ thư thả đất trời. Người nhàn cảnh nhàn, người như cảnh như. Vật ngã đều quên, bỉ thử vắng bóng. Tâm không cảnh không thì thấy nghe không tồn tại. Chỉ như trăng sáng chiếu khắp đất trời. Vạn vật đều tỏ như gương soi vạn vật. Trạm nhiên không vắng thiếu.

Hòa thượng Thường Chiếu nói “Bậc siêu thoát trí hạnh viên dung, thấy nghe không phân biệt. Xoay thấy nghe trở về tâm. Đây là bậc đại trí đại hạnh. Cảnh giới của Văn thù, Phổ Hiền toàn bày đầy đủ. Điền địa này siêu tuyệt, ít người vãng lai, vượt khỏi nhị biên, siêu thoát thể nhập. Người đến được đất này thường ngồi trên lưng voi hoặc cỡi sư tử dạo khắp đó đây, tùy duyên hóa độ làm lợi ích chúng sinh …”, rồi có kệ rằng:

                                Trên ngọn Diệu phong rong tự tại

                                Xem xét mười phương chúng khổ đau

                                Khởi Từ phương tiện tùy ứng hóa

                                Đưa chúng đồng lên bờ niết bàn
                                   (Sơn Cư Bách Vịnh – HT Nhật Quang chú dịch)

Mới hay, núi cao một mình không ngoài núi tâm vô sự. Tâm không cảnh không thì ngay chốn thành thị đồng bằng vẫn là trên đỉnh Diệu phong thong dong tự tại. Từ tâm khai phát thì không vì cái vui của mình mà động đến nỗi đau muôn loài. Xuân xuân từ đó khắp nơi, xuân xuân từ đó mọi thời …
 

[ Quay lại ]