headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Thiền và Hoa Nghiêm

 (Trích trong Zen Buddhism : History/ India and China của James W. Heisri & Paul Knitter).
Việt dịch:  Cư sĩ Từ Mẫn Nguyện

Nhiều đặc điểm và sắc thái của Thiền chịu ảnh hưởng của những bộ kinh Hoa Nghiêm và tông Hoa Nghiêm Trung Hoa.  Ngày nay, chúng ta biết đến bộ Đại kinh Hoa Nghiêm, chủ yếu nhờ vào ba bản dịch Hoa ngữ 60, 80 và 40 quyển. Bộ kinh này, thật ra được biên soạn từ nhiều bản kinh độc lập. Bản cổ nhất trong số ấy là kinh Thập Địa từ thế kỷ thứ I công nguyên.

Công việc kết tập các bản kinh rải rác này có lẽ không thể hoàn tất trước giữa thế kỷ thứ IV hoặc ít lâu trước khi kinh được truyền sang Trung Hoa, nơi Phật Đà Bạt Đà La và các người khác đã dịch bản kinh 60 quyển trong những năm 408 và 412. Bản dịch này là bằng chứng kinh điển xác chứng tông Hoa Nghiêm. Bộ kinh thứ hai dài hơn (80 quyển) do Thật Xoa Nan Đà (659-699) dịch sang Hoa ngữ gồm nhiều phần mở rộng và bổ sung cho những thiếu sót trong bộ 60 quyển. Bản Hoa ngữ 40 quyển (còn gọi là kinh Nhập Pháp Giới Phẩm) của một tăng sĩ Phật giáo, Tam Tạng Bát Nhã, được soạn thảo độc lập với hai bản trước, nội dung cơ bản thì như nhau và được gìn giữ theo bản gốc Phạn. Phạn ngữ AVATAMSAKA nghĩa là TRÀNG HOA hay VƯƠNG MIỆN. Tên của tông Hoa Nghiêm cũng do hai từ HOA (ganda) và NGHIÊM hay SỰ TRANG HOÀNG (vỳudha) hợp thành.

Kinh Hoa Nghiêm được xem là tác phẩm của hai trường phái triết học chính yếu trong Đại thừa là Trung Quán và Du Già. Thuyết tánh không siêu hình và giáo lý duy tâm đều được tổng hợp trong kinh. Tuy nhiên, bộ kinh gìn giữ thông điệp đặc biệt của mình thật sự đã ảnh hưởng sâu sắc đến Thiền. Mặc dù các kinh thuộc bộ Bát Nhã và thuyết Duy tâm dẫn đến việc hình thành các trường phái triết học khác nhau ở Ấn Độ, nhưng kinh Hoa Nghiêm thật sự không hề có một hình thức tương đương nào trong bất kỳ trường phái triết học Đại thừa Ấn Độ. Chỉ sau khi xuất hiện những bản dịch của các bộ kinh căn bản, tông Hoa Nghiêm mới định hình ở Trung Hoa. Chư Tổ của tông Hoa Nghiêm là những người đương thời khởi thủy phong trào thiền tại Trung Hoa.

Tông Hoa Nghiêm giữ một vị trí nổi bật trong Phật giáo Đại thừa. Theo truyền thống, trong ba tuần đầu tiên sau khi giác ngộ, đức Thích Ca Mâu Ni thuyết bài pháp được ghi trong kinh. Bởi vì thính chúng lúc bấy giờ không thể lãnh hội được bản thông điệp có nội dung sâu xa của Phật, nên sau Ngài phải chuyển sang một lối thuyết pháp khác phù hợp cho những căn cơ thấp, là những người chưa chuẩn bị khả năng tâm linh tương ưng với các giáo lý sâu xa. Tín đồ tông Hoa Nghiêm tuyên bố học thuyết của họ là một giáo lý đầy đủ và hoàn hảo chứ không như những giáo lý khác của Phât giáp. Họ ca ngợi kinh điển của mình là vua của các bộ kinh. Suzuki từng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt về mối quan hệ giữa thiền và Hoa Nghiêm. Đối với ông, Thiền là thành tựu thực tiễn của tư tưởng Phật giáo ở Trung Hoa và Hoa Nghiêm là đỉnh cao về mặt lý thuyết. Cả hai đều quan hệ mật thiết với nhau. Triết lý của Thiền là Hoa Nghiêm, và giáo lý Hoa Nghiêm đơm hoa kết trái trong mạch sống thiền.

Bằng lối so sánh đi sâu đầy hình ảnh và biểu tượng, kinh Hoa Nghiêm là những viên đá tảng xây dựng nên tòa Đại thừa nguy nga tráng lệ, mà nền tảng chủ yếu của nó dựa trên trí Bát Nhã. Trí Bát Nhã là sự hiểu biết về tánh không và như như trong hình thức triển khai đầy đủ nhất. Tư tưởng căn bản của kinh là “Tất cả trong một. Một trong tất cả”. Cái tất cả hòa chảy trong một cái toàn thể duy nhất. Không có sự phân chia nào trong một toàn thể thực tại. Thực tại là bất khả phân. Sử gia người Nhật thuộc tôn giáo Aneaski Masahaku gọi thế giới quan này là thần học vũ trụ. Trong đó vũ trụ được xem là thiêng liêng, là hòn ngọc tỏa sáng, là thực thể Phật phổ quát, là Phật tánh nơi mọi hữu tình. Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật - Đấy là thông điệp tâm linh của kinh Hoa Nghiêm.

Các bộ kinh Hoa Nghiêm trình bày những sự tương đồng đầy ấn tượng. Nó trở thành tài sản chung của Đại thừa : Một giọt nước đã là đại dương. Một hạt cát chứa cả vũ trụ.

                Trong một hạt bụi của các thế giới này,
                Có vô số thế giới và chư Phật.
                Trên mỗi sợi lông của Phật,
                Trình hiện các cõi Tịnh Độ không kể xiết.
                Vô lượng cõi Tịnh Độ chẳng kể xiết,
                 Thảy đều tụ hội trên đầu một sợi lông.

Kinh cố diễn tả đến tính vô lượng vô biên hoàn toàn không thể mô tả được của thế giới Phật, cuối cùng buộc phải dùng những con số cực lớn. Thực tại thì không thể diễn bày, không thể suy gẫm, không thể tưởng tượng và mô tả. Việc lặp đi lặp lại những từ ngữ này nhiều lần, chẳng qua muốn chúng ta hiểu rằng, không những không gian và thời gian là vô biên vô tận, mà ngay trí tuệ Phật và sự thực chứng thành tựu trong chánh định cũng là điều không thể diễn bày. Không như các kinh Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm đưa ra một “luận thuyết thần học phủ định” lưu xuất từ Phật tánh phong phú. (ND : Ý đoạn này mốn nói Kinh Hoa Nghiêm không những chỉ nêu thể Đại thừa mà còn nêu cả tướng và dụng của nó.)

Một chủ đề quan trọng trong kinh Hoa Nghiêm là sự tương tức và tương nhập của các cấp độ thực tại. Một trong những minh họa nổi tiếng nhất cho sự tương nhập của các pháp trong không gian là hình ảnh mà Pháp Tạng (643-712), Tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm đã đưa ra cho Võ Hậu: Tổ có một đại sảnh trong cung mà tường, trần và sàn của nó đều lát gương. Ngay giữa sảnh, cạnh một ngọn nến đang cháy, Tổ đặt một tượng Phật. Võ Hậu nhìn thấy tượng Phật được chiếu sáng không những trong tất cả các gương xung quanh, mà còn ngay cả trong phần phản chiếu của vô vàn chiếc gương. Cứ thế mà bóng bóng soi nhau đến trùng trùng vô tận. Hứng khởi nhưng không khỏi bàng hoàng, Võ Hậu lãnh hội được ý nghĩa của thứ ngôn ngữ tượng trưng đó.

Một ví dụ tương tự khác được nói đến trong kinh Hoa Nghiêm là lưới trời Đế Thích. Trên cung trời Đế Thích có một chiếc lưới được kết bằng nhiều ngọc quý. Các hạt ngọc được treo sao cho hạt này phản chiếu hết những hạt kia. Khi ta cầm một hạt, ta phải nắm tất cả. Khi ta nhìn một hạt, ta sẽ thấy tất cả. Những hình ảnh đầy uy lực khác cũng minh họa sự tương dung của các pháp. Sự tương dung này không những áp dụng cho các hiện tượng trong thế giới luân hồi sinh tử, mà cả mọi thực tại khi biết được mối hỗ tương giữa sanh tử và niết bàn.

Kinh Hoa Nghiêm mô tả thực tại phổ quát thông qua hình ảnh một cái tháp mà Phật tương lai Di Lặc chỉ cho đồng tử Thiện Tài xem. Cái tháp dụ cho Phật tánh, Tỳ lô giá na, pháp giới và pháp thân. Nương oai lực của Phật Di Lặc, Thiện Tài bước được vào tháp. Tại đây, Thiện Tài thấy “Mọi vật được bố trí sao cho không hề có sự gián cách giữa chúng, như thể tất cả chúng đều hợp nhất. Song mỗi vật trong cách bố trí ấy không vì vậy mà mất đi tánh cá biệt. Bởi hình ảnh của kẻ sùng mộ đức Di Lặc được phản chiếu trong mỗi tánh cá biệt của vật đó, và không chỉ phản chiếu trong một hướng riêng biệt mà trong mọi hướng của tháp. Mục đích là làm sao để có sự phản chiếu tương dung toàn diện giữa các ảnh tượng.“‘Một trong tất cả. Tất cả trong một’ cho phép mỗi thực thể riêng lẻ của thế giới hiện tượng mang nét cá biệt riêng, nhưng không hề ấn định một tự tánh nào cho chúng”.

Pháp giới đạt được, chỉ bằng kinh nghiệm ngay tức thì (đốn ngộ). Bất kỳ ai vào tháp Phật đều đã thành tựu giác ngộ viên mãn. Qua câu chuyện đồng tử Thiện Tài đi tham học, chúng ta thấy cái nhìn được kinh nghiệm trong tháp cho phép người đệ tử mộ đạo thực chứng toàn bộ thực tại và năng lực viên mãn vô lượng vô biên của Phật. Lằn ranh phân chia giữa thời gian và không gian không còn. Bậc giác ngộ có cả vũ trụ trong một hạt bụi và sự vĩnh hằng ngay trong giây phút hiện tại. Cấu trúc tuyệt vời tráng lệ của tháp Borbudur ở Java là biểu tượng giới thiệu về thế giới Phật của kinh Hoa Nghiêm.

Tông Hoa Nghiêm Trung Hoa chuyển tính chất tượng trưng táo bạo của kinh Hoa Nghiêm vào trong những khái niệm triết học. Tác phẩm Thiền Định Pháp Giới Luận của Đỗ Thuận (557-640), sơ Tổ tông Hoa Nghiêm, đã đánh dấu một điểm cao trong lãnh vực trừu tượng suy đoán. Tam Tổ Pháp Tạng được xem là người sáng lập thứ hai của tông Hoa Nghiêm. Dưới sự điều khiển của ông, phong trào phát triển lớn mạnh và được đánh giá rất cao. Ngũ Tổ Khuê Phong Tông Mật (780-841) trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng trong nền Phật giáo Trung Hoa. Trong các phái thiền thời bấy giờ, ông được xem là người lãnh đạo một thiền phái hưng thịnh. Khi theo đuổi con đường giác ngộ, Khuê Phong Tông Mật xem giáo lý Hoa Nghiêm là hình thức thể hiện cao nhất chân lý Phật đà. Điều này chúng ta thấy rõ trong nhiều tác phẩm của ông, nhất là trong Nguyên Nhân Luận, một quyển luận mà ngày nay vẫn được nhiều người nhiệt tâm nghiên cứu và sử dụng nó như là một tác phẩm giới thiệu tư tưởng Phật giáo. Pháp Nhãn Văn Ích, người khai sáng một trong Ngũ gia phái của Thiền tông Trung Hoa, nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản của Hoa Nghiêmsiêu hình, đó là ĐỒNG trong DỊ và DỊ trong ĐỒNG. Suốt đời Tống, chính do mối quan hệ nội tại giữa thiền và Hoa Nghiêm mà các thiền sư Trung Hoa đã đồng hóa hoàn toàn Hoa Nghiêm với thiền. Tận ngày nay ở Nhật vẫn còn yêu chuộng kinh Hoa Nghiêm và tính chất siêu hình của bộ kinh.

Thái độ đặc biệt của môn đệ Thiền tông đối với thiên nhiên, tinh ba của nó xuất phát từ thế giới quan mang tính thần học vũ trụ, một thế giới quan phát triển rất rực rỡ trong kinh Hoa Nghiêm. Niềm tin về tính đồng nhất thiêng liêng của vũ trụ, cho phép ta đạt đến chỗ thâm sâu nhất của con người, bằng cách hòa nhập với thiên nhiên. Đời sống trong thiền viện được hòa nhập vào thiên nhiên. Hiện tượng thiên nhiên theo dòng chảy bốn mùa tạo một nhịp điệu cho những biến cố tâm linh.

Với tất cả lòng mộ đạo, hành giả mới tập tu quán sát con diều hâu lượn quanh đỉnh núi, nơi mà thiền viện tọa lạc. Mỗi sinh vật sống, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều có ý nghĩa. Vì ngay cả những vật bé nhỏ nhất cũng chứa đựng sự huyền bí trong trạng thái toàn vẹn của nó. Lòng tôn kính dành cho vũ trụ thiên nhiên rung động qua mọi hình thức nghệ thuật chịu ảnh hưởng của thiền và thấm tỏa toàn bộ nền văn hóa Nhật Bản cổ xưa. Chính từ đây, ta có thể hiểu được lòng ngưỡng mộ yêu thích thiên nhiên của người Nhật. Thái độ hướng về thiên nhiên này chắc chắn có những thiếu sót và giới hạn. Những thiếu sót và giới hạn này, xét cho cùng đều xuất phát từ khuynh hướng thiên về chủ nghĩa tự nhiên bi quan gần như không thể tránh được.

Người ta cũng ghi nhận mối quan hệ sâu xa hơn giữa Hoa Nghiêm và thiền Nhật Bản. Như đã nói, quan điểm duy tâm của trường phái triết học Du Già được đưa vào kinh : Phật là tâm. Thế giới hiện tượng không có tự thể. Các pháp hiện có đều do tâm sanh. Thiền giúp thiền sinh đạt được một trình độ tâm linh cao trong đời sống và nó được đưa vào nền nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản. Họa sĩ thiền không bao giờ họa sự vật cụ thể trong thực chất hữu hình trần trụi của nó. Các bức họa bằng mực - nhẹ nhàng, thanh thao, ý nhị của họ - hiển bày cái tinh túy của tâm linh, nhưng không hề đánh mất tính khách quan của chủ đề. Và rồi, mọi sự được miêu tả sẽ được soi sáng, sao cho cái tinh túy của chúng (là tâm) có thể tỏa sáng. Vì chân thực tại là tâm. Tâm phải được hiển bày. Bằng trí tuệ, tâm Đông phương siêu việt tính khách quan và trừu tượng, là hai hình thức hoàn toàn đối lập, là hai thế cực tương phản nhau. Vì thế, thậm chí trong một hình ảnh được cắt từ thế giới hiện tượng theo lối chủ nghĩa kinh nghiệm, vẫn có thể tồn tại một thực tại cụ thể đầy phong phú.
 

[ Quay lại ]