headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Phụ nữ qua cái nhìn Duyên khởi

Chân Hiền Tâm 

Schopenhauer, sinh năm 1788 tại Dantzig. Thân phụ là một thương gia có tài. Mẹ là một tiểu thuyết gia phổ biến đương thời, nhưng rất nóng tính. Bà hình thành đời sống tự do luyến ái sau khi chồng chết. Schopenhauer chống đối việc này hệt như Hamlet chống đối mẹ mình tái giá. Những cuộc gây gổ liên tiếp diễn ra với mẹ, cộng thêm những thất bại trong tình trường, đã khiến ông có cái nhìn không mấy tốt đẹp về phụ nữ :

"Chỉ một người đàn ông bị mờ mắt vì sự thúc đẩy xác thịt, mới có thể tặng danh từ phái đẹp cho một giống người thấp bé, vai hẹp, mông rộng, chân ngắn. Để đảm bảo hơn, thay vì gọi họ là phái đẹp, hãy nên tả họ như một giống thiếu thẩm mỹ …”

“Trong một vài năm thiên nhiên cho họ một tài sản nhan sắc và vẻ kiều diễm để có thể chộp lấy cơn bốc đồng của một gã đàn ông, đến độ chàng vội vàng đảm nhận cái vinh dự săn sóc họ suốt đời, một bước đường mà dường như không có một bảo đảm nào để biện minh nếu lý trí chịu điều khiển tư tưởng con người một chút …”
“Những bộ óc đặc sắc nhất trong toàn thể giống này chưa bao giờ sản sinh được một công trình nào về mỹ thuật độc đáo thuần túy hay hiến cho thế giới một tác phẩm có giá trị trường cữu thuộc bất cứ lãnh vực nào …”

“Mọi phụ nữ, gần như không ngoại lệ, đều thiên về sự quá lố, chỉ biết sống cho hiện tại. Môn thể thao chính của họ là đi mua hàng …”. (1)

Cái nhìn của ông, xem ra vẫn còn nhân nhượng hơn nhiều so với cái nhìn của Phật, được ghi trong kinh Bửu Tích : “Ổ bịnh hoạn máu mủ tanh hôi, mũi dãi thường chảy như cảnh dơ bẩn ở bãi tha ma”. Không biết với nhà hiền triết, đó là cái nhìn muôn đời bất diệt hay chỉ là phút tạm thời? Nếu như mọi thứ thay đổi, trong vòng thương yêu êm ấm, thấy được phụ nữ chân dài eo nhỏ ngày nay, với những cái đầu không khác nam nhi … không biết ông còn chịu giữ cái nhìn như thế? Song với đức Phật, “Ổ bệnh hoạn máu mủ tanh hôi …” chỉ là cái nhìn tùy duyên. Nó được nhắc đến, chỉ khi nam nhi chìm sâu trong biển ái dục. Sự chìm sâu có nguy cơ mang đến khổ đau và tội lỗi. Trong cái duyên như thế, phụ nữ mới có hình tượng đặc sắc như thế. Trong một duyên khác, phụ nữ không còn hình dáng thế nữa. Hãy nghe đức Phật nói về Hằng Hà Thượng, một nữ cư sĩ trong pháp hội của ngài “Ta nhớ xưa kia, cũng tại nơi này, có ngàn Như Lai thuyết pháp như vậy. Ở trong các chúng hội đó, mỗi mỗi đều có tín nữ Hằng Hà Thượng làm thượng thủ”. Cũng nói với Văn Thù Sư Lợi về đồng nữ Vô Úy Đức “Đồng nữ này, trong quá khứ đã phát bồ đề tâm, trải qua 30 kiếp, ta mới phát tâm hướng về vô thượng bồ đề. Đồng nữ ấy cũng đã làm cho ông trụ vô sanh nhẫn”. Những phụ nữ như thế, trí tuệ không phải chỉ để “sản sinh được một công trình nào về mỹ thuật độc đáo và thuần túy, hay hiến cho thế giới một tác phẩm có giá trị trường cữu” ở thế gian, mà nó tồn tại phi thời gian. Điều đó cho thấy, không thể lấy một TƯỚNG NHẤT ĐỊNH nào làm chất thực cho giới phụ nữ. Nếu đúng là chất thực của người phụ nữ thì nó không xấu cũng không đẹp, không ngu dốt cũng không trí tuệ… như Trung Luận hiển bày “Không sanh cũng không diệt, không đến cũng không đi …”. Chỉ tùy duyên mà lúc thấy xấu lúc thấy đẹp, lúc trí tuệ, lúc ngu dốt v.v…

Cho nên, với cái nhìn Duyên khởi, “Ổ bệnh hoạn máu mủ tanh hôi …”  không phải là nhãn mark độc quyền dành cho phụ nữ. Nếu đối tượng là một phụ nữ đang chết chìm trong biển ái dục, có nguy cơ thiêu sống mọi người vì lửa ghen bộc phát, thì hình tướng kia sẽ được dùng để chỉ cho phái mày râu, dù đó là một vị đại đức thanh tịnh chăng nữa. Song nói như thế, không có nghĩa là với bất cứ đối tượng nào vướng sâu vào ái dục, Phật Tổ đều sử dụng phương thức đó. Tùy nghi mà lúc thì đưa khía cạnh này, lúc thì nói khía cạnh kia, miễn sao “bệnh tật” của đối phương được thuyên giảm. Duyên khởi là vậy. Tùy duyên mà có pháp, không cố định ở một pháp nào. Khi đọc kinh học luận, nhớ chú ý đến mặt tùy duyên.

Quan niệm của thiền gia đối với phụ nữ thì sao ?

Thiền sư Vân Môn đưa cây gậy lên dạy chúng “Phàm phu thấy nó là thực. Nhị thừa phân tích nó thành không. Viên Giác cho nó là huyễn có. Bồ tát thì thấy đương thể tức không. Thiền gia thấy cây gậy là cây gậy. Đi chỉ đi. Ngồi chỉ ngồi. Không được động đến”.

Không phải chỉ với cây gậy mà tất cả pháp ở thế gian đều như thế. Thiền gia thấy phụ nữ là phụ nữ. Tức không lộn nữ thành nam hay ra một cái gì khác. Cũng không khởi niệm đó là phụ nữ. Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, không khởi niệm xấu, đẹp, hay, dỡ. Quan trọng là … KHÔNG ĐƯỢC ĐỘNG ĐẾN. Vì sao? Vì động đến, coi chừng sinh chuyện.


Bạch Ẩn thường ca tụng với đệ tử về trình độ thiền của một lão bà có tiệm trà gần đó. Chư vị không tin lời ông, muốn tự mình khám phá. Bất cứ người nào đến tiệm trà, bà đều hỏi đến uống trà hay hạch thiền. Uống trà, bà tiếp đãi tử tế. Hạch thiền, bà đưa họ vào nhà sau và tặng một nhát đủa bếp vào đầu. Chín phần mười bọn họ không thoát khỏi tay bà.

Nói chung, với tăng sĩ, phụ nữ dù già hay trẻ … KHÔNG ĐƯỢC ĐỘNG ĐẾN là một lời khuyên đầy kinh nghiệm và khôn ngoan.
-----------------------------------------------------------
1. Trích Câu Chuyện Triết Học. Will Durant. Bản dịch của Trí Hải và Bửu Đĩch

[ Quay lại ]