headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 09/01/2025 - Ngày 10 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Thầy

Chân Hiền Tâm 

 Một chút cảm niệm nhân ngày 20.11.2007
Cha mẹ cho thân, thầy cho trí. Trí là thứ giúp mình chuyển hóa được những duyên nghiệp oan khiên trong đời, giúp mình vững vàng trong cõi vô thường tạm bợ. Cảm niệm ân đức cha mẹ mà không có vài dòng về Tổ Thầy thì thật thiếu sót. Nhưng nói chính xác về thầy thật là khó, khi duyên nghiệp của mình là người tại gia, không có điều kiện khuya sớm bên thầy như hàng tăng chúng.

Dù có khuya sớm bên thầy thì nói gì về bậc tôn sư khi vạn pháp ở thế gian đều bị chi phối bởi Duyên khởi và duyên nghiệp từ bao kiếp trước? Mọi thứ đều hạn cuộc trong vòng nghiệp thức của mình.
Nếu tôi nói với bạn, thầy hiền từ, dễ chịu … chắc có người phản đối. Vì với họ và ngay với tôi, thầy cực kỳ nghiêm khắc khó ưa. Người ta than với tôi về thầy. Tôi gật đầu thông cảm. Bởi đó không phải là chuyện trên trời rơi xuống. Chỉ là chuyện thường tình tôi từng nếm trải qua. Nếm để trưởng thành. Nếm để hun đúc con người của mình ngày được cứng cáp. Nếm để bất động dần với mọi cảnh vật chung quanh. Gisho ngày xưa, gian nan vô cùng. “Kể từ Majaka, không ai bằng Gisho. Song vẫn còn nhiều cửa để Gisho vượt qua. Còn phải nhận nhiều cú đấm sắt của ta”. Thiền sư Inzan đã nói như thế về Gisho thân yêu. Tát và mắng để đánh thức bổn tánh trong chính cô. Tát và mắng để cô nguội dần cái ta đã huân tập trong bao đời kiếp. Thời nay, mình học đạo khó thành, vì mình không huân được sức chịu đựng như Gisho. Mình không bị mắng như Inzan đã mắng Gisho. Mình không bị tát như Inzan đã tát Gisho. Vì căn cơ của mình không được như căn cơ của Gisho...
Nếu tôi mô tả thầy như một hung thần khó chịu, cũng không xong. Sẽ có người không đồng tình, khi với họ và ngay với tôi, thầy rạng rỡ hiền hòa như đức Di Lặc. Không có những lúc nhẹ nhàng, tha thứ … mình khó đứng vững khi tinh thần xuống dốc quá độ, khi đường đời lắm chông gai, khi đường đạo khó tuyệt vời. Tuyệt vời! Nhưng đi sao mà vất vã. Bởi thói quen huân tập trong bao đời quá nặng. Đạo Cao Đài nói một câu nghe rất thấm thía “Tu thì cũng muốn mau thành Phật, theo Phật thì con lại tiếc đời”. Cái tiếc đó là đầu mối của mọi oan khiên và khó khăn. Không có thầy bạn bên cạnh giúp mình buông bỏ, một kiếp tơ tằm lại hoàn một kiếp tằm tơ.
Mỗi duyên, thầy có một tướng khác nhau. Không biết tướng nào mới là tướng thực của thầy.
Phật nói “Thực tướng vô tướng”. Nói về thực tướng, thì không tướng có thể nói. Ừ! Thực tướng của thầy, không tướng có thể nói. Thầy tôi, không lão cũng không không tăng … Thực tướng của thầy là như thế. Thứ gì có tướng, đều là hình thức hư vọng tùy duyên. Thân tròn bụng bự, nụ cười hả hê. Trẻ thơ, một nửa trẻ thơ. Còn kia một nửa, ngây ngô quê mùa. Ừ! Hình thức đó chỉ là thứ hư vọng tùy duyên qua lăng kính nghiệp thức của mình. Tướng thực của Phật, không tướng có thể thấy. Nhưng ứng với tâm chúng sinh ở cõi nhân gian mà Phật có nhiều thân tướng khác nhau. Hàng Bồ tát thấy Phật không thân, với báo thân tròn sáng thanh tịnh trùm khắp. Người hữu duyên ở nhân gian, thấy Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Các cõi địa ngục, ngạ quỉ thấy Phật như chân voi đen dài ba thước 1. Một mảnh trăng trong mà bóng hiện ngàn sông khác nhau, chỉ vì nó liên quan trực tiếp đến duyên nghiệp của từng loài. Nước trong trăng tỏ. Nước đục trăng mờ. Nước chao trăng vỡ. Nước lặng trăng nguyên. Vì thế, hiện tướng của Quán Thế Âm, khi thanh thoát nhẹ nhàng, lúc lưỡi dài mắt đỏ 2. Mọi tướng tuy khác, nhưng đều là suối từ bao la khơi dậy từ cội không trùm khắp.
Đã là suối từ bao la từ cội không trùm khắp thì không có tướng nào không giúp mình bước lên con đường thượng thừa. Không có tướng nào không giúp mình chuyển hóa những tâm niệm địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh trong chính mình. Thuận hay nghịch, chánh hay tà, đúng hay sai … tất cả đều là diệu dụng của mười phương chư Phật, đều là dụng dụng của Tổ Thầy giúp mình tiến dần về đạo vô thượng. Phu nhân Bàng Long Uẩn nói “Ý tổ sư trên đầu ngọn cỏ” là đó.
Tổ và Thầy
Cùng những ai một lần hữu duyên trong đời …
Xin thành kính tri ân.
--------------------------------------------------------------------------

1
Lời của ngài Hiền Thủ, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm.
2 Chỉ cho hình tướng của ngài Tiêu Diệm - ở các chùa gọi là ông ác - là một trong các hiện thân của đức Quán Thế Âm, giáo hóa cõi ngạ quỉ.

 

[ Quay lại ]