headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Sở tri phân biệt

Chân Hiền Tâm

 Những ngày đầu học đạo, tôi đọc được cuốn Cốt tủy đạo Phật của Thiền sư Suzuki. Lối văn dịch và cách trình bày rất rõ ràng, nhưng ngay trang đầu, tôi không hiểu ông đã viết gì. Đọc cứ như đọc thần chú. Mấy năm sau, tình cờ đọc lại tập sách ấy, tôi mới hiểu là do mình, không phải do ông. Mới biết, vạn pháp qua tâm thức của mình đều trở thành hạn cuộc.

Schopenhauer, một triết gia của thế kỷ XIX, khi sách của ông, sau 16 năm xuất bản, hầu hết đều đem bán làm giấy loại, đã mượn câu nói của Lichtenberg để nói lên trình độ yếu kém của người đời đối với tác phẩm của mình “Những tác phẩm như vầy, giống như một chiếc gương. Một con khỉ nhìn vào thì bạn không thể nào chờ đợi một thiên thần nhìn ra”. Tác phẩm của ông có đúng là một chiếc gương để soi không, đây mình không bàn đến. Nhưng một con khỉ nhìn gương thì quả tình, chỉ thấy một con khỉ xuất hiện, không thể là một thiên thần hay một thứ gì khác. Học trò với trình độ lớp hai, chỉ có thể đọc và hiểu toán lớp một hay lớp hai, không thể hiểu toán lớp ba hay hơn nữa. Tâm thức của mình là như thế. Thứ gì ngang với tần số nhận định của mình, mình cảm nhận nó dễ dàng. Nhưng thứ gì vượt quá tần số hiểu biết của mình, thì… thiên thần vỗ cánh bay xa. Vạn pháp trở thành muôn hình vạn trạng dưới mắt người đời. Kinh luận một nguồn mà nghĩa thành vô lượng.
Sự hạn chế đó, không phải chỉ nằm ở mặt kiến thức hay học hỏi, nó chi phối toàn bộ đời sống con người. Có quan niệm, có định kiến là có hạn chế. Một khi đã có sự phân chia hoặc xấu hoặc đẹp, hoặc thích hay không thích v.v… là ta đã bị định kiến chi phối. Nhà Phật gọi nó là Sở tri chướng. Gọi chướng vì nó làm ngăn ngại trí Bồ đề. Với người bình thường, sở tri là nền tảng để phiền não sinh khởi và nghiệp chướng xuất hiện. Một khi đã có quan niệm cơm nhão là ngon, thì đụng phải cơm khô, ít người bình thản. Từ cái không bình thản đó, khẩu nghiệp và thân nghiệp có cơ phát khởi, phiền não phát sinh. Khởi rồi, trí Phật càng xa, nghiệp đời càng nặng. Kinh Lăng Nghiêm nói “Thấy biết mà lập thấy biết, gốc là vô minh”. Cho nên, dù thuộc thiền phái nào, chủ ý của chư vị thiền sư cũng là giúp người tu phá bỏ phần sở tri phân biệt. Chính là trí phân biệt đã nói trong luận Đại thừa khởi tín.  
 Tô Đông Pha là một học sĩ làm quan thời Tống. Quan trường thăng trầm nên ông thường đến chùa Kim Sơn học Thiền và luận đạo với Thiền sư Phật Ấn. Là một học giả có tài, nên ông luôn tự hào về trình độ hiểu thiền của mình. Một lần, nhà thơ hỏi Thiền sư Phật Ấn “Thầy thấy con tọa thiền ra sao?”. Phật Ấn trả lời “Trang nghiêm như Phật”. Nhìn vẻ mặt phấn khởi của Tô Đông Pha, Thiền sư Phật Ấn hỏi lại “Còn học sĩ, ông thấy tôi ngồi thế nào?”. Tô Đông Pha trước giờ chưa hề bỏ qua cơ hội cho mình, nên mau mắn “Như đống phân bò!”. Không thấy Phật Ấn trả lời, Tô Đông Pha hí hửng cho rằng keo này mình đã thắng.
Thời gian qua đi, tin đó tới tai Tô tiểu muội, em gái Tô Đông Pha. Tuy là nữ nhi nhưng tài hoa xuất chúng, trí tuệ hơn người. Nghe anh kể lại sự việc, cô lắc đầu: “Sư huynh ơi! Tâm thầy là tâm Phật nên nhìn huynh trang nghiêm như Phật. Tâm sư huynh như phân bò, chẳng trách sư huynh nhìn thầy như đống phân bò”. Tô Đông Pha nghe xong, không mở miệng biện được nửa lời. Mắc phải cần câu sắt của lão thiền sư, trả lời gì được.
 Nếu không có cái duyên là tâm thức thích hơn người của Tô Đông Pha và câu hỏi “Thầy thấy con tọa thiền ra sao?” mà Phật Ấn vẫn thấy tướng tọa thiền của Tô Đông Pha “trang nghiêm như Phật”, thì tâm Phật Ấn không khác Đông Pha. Tuy được Tô tiểu muội phết mấy chữ “Tâm thầy là tâm Phật” nhưng thực chất không khác phân bò. Vì sao? Vì thiền sư nhìn cây gậy là cây gậy, không phân tích nó thành không, cũng không khởi niệm đó là cây gậy. Thử hỏi, cái gì “trang nghiêm như Phật”? Song vì phần sở tri hoạt động quá mạnh, có dịp là… như đống phân bò, còn ngồi ra sao v.v… mà Phật Ấn đành kê đơn cho thuốc: Trang nghiêm như Phật. Tô tiểu muội nhân đó bốc thuốc, trị cái tật huênh hoang của Tô sư huynh.
Nhìn cây gậy là cây gậy nhưng không khởi niệm đó là cây gậy, là chỗ đến của người tu thiền. Nói chỗ đến, không phải vì nó là mức cuối cùng, chỉ vì đó là chỗ mình có thể dùng lời nói diễn tả để hiểu mà tu hành. Cũng là chặng khó nhất mà người tu phải đến. Sống được với tâm thức đó, mới có thể “Sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ”, sanh tử đến đi không chút buộc ràng. Vì là chỗ đến, nên đến với thiền, nhất là vào thời mạt pháp hiện nay, ít ai có thể một bước nhảy liền vào đó. Tụng kinh, ngồi thiền v.v… thì đủ, mà ăn vẫn khởi niệm ngon, dở, mặn, lạt; nhìn, liền thấy đẹp, xấu, thấp, cao; nghe, liền thấy hay, dở, đúng, sai. Từ cái hay, dở, đẹp, xấu v.v… đó, dòng vọng niệm mới có cơ phát triển, thói quen sanh khởi càng có dịp huân sâu. Nhưng ít ai để ý đến điều đó. Thành tu lâu mà niệm vẫn chưa là vọng, thế gian vốn huyễn mà thảy đều như thật. Cho nên, biết cách mà tu thì trí phát, dụng có. Không biết cách mà tu thì trước chúng sanh, sau vẫn chúng sanh.
Để trị cái tật thâm căn cố đế đó, Hòa thượng Trúc Lâm đã lập phương tiện biết vọng không theo. Ăn mà khởi niệm ngon dở thì biết cái ngon dở đó là vọng, đừng để nó sai sử mình. Nói thì đến bốn chữ, nhưng thật chỉ một động tác biết. Biết được, nói rõ hơn là thấy được cái niệm ngon dở đó xuất hiện, thì niệm ngon dở liền mất. Song không phải thứ gì biết là nó liền mất. Thứ gì không phải là thói quen của mình, mình biết, nó mất. Nhưng những gì đã thành thói quen, không phải chỉ trong một đời, mà có thể đã được huân tập từ lúc Thích Ca thành đạo, nên biết rồi, nó không cho mình yên. Nó phản kháng, nó gây áp lực với mình, nó bắt mình chạy theo, nó khiến mình căng thẳng. Không đủ lực để biết và buông tới cùng thì công phu đành ngưng nửa chừng. Vì thế, Hòa thượng lại phương tiện “Thấy, biết là chân tâm. Nghe, biết là chân tâm v.v…”. Cái niệm chân tâm đó giúp mình thư giãn hơn trong việc tu hành. Một lúc nào đó, mình sẽ nhận được thứ mà Thiền sư Huyền Giác đã nói “Nói nín động tịnh, thể an nhiên”.  Sống được với thể an nhiên thì thấy cây gậy là cây gậy, không phân tích nó thành không, cũng không khởi niệm đó là cây gậy. Phần sở tri phân biệt đã bị phá. Không khởi niệm, không phân biệt, mà không lầm lẫn. Thiền sư Huyền Giác nói “Phân biệt mà không phải ý” chính là đó.

[ Quay lại ]