Thiền định con đường đưa đến sự an lạc giải thoát miên viễn

 Thích nữ Hạnh Chiếu

Phật giáo Việt Nam có mặt trên đất nước ta gần 20 thế kỷ, hòa vào dòng chảy lịch sử, từng bước thăng trầm theo vận mệnh của dân tộc, nhưng mãi mãi tồn tại trong nhịp sống, trong từng hơi thở của dân tộc. Cho tới hôm nay nước nhà đã thực sự thanh bình, nhân dân an cư lạc nghiệp và dĩ nhiên Phật giáo cũng vươn cao với sức sống vốn đã có sẵn từ lâu đời trong lòng người Phật tử Việt Nam. Qua đó đủ thấy ánh sáng chân lý, nguồn mạch tâm linh là vĩnh viễn bất diệt.

Tuy nhiên, trong thời đại mới khi mà tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin như vũ bảo, thì chỉ cần một cái bấm nút không có sự tự chủ, hậu quả của nó khó mà lường được. Song song với sự phát triển tri thức là những thành tựu về sản phẩm kỹ nghệ, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường, làm giao động đến nền kinh tế, đến đời sống của cộng đồng xã hội. Và như một quy luật muôn đời, khi mà đời sống văn minh vật chất càng lên cao thì đời sống tâm linh càng tuột dốc. Đây chính là sự thách đố lớn của thời đại. Làm sao giữ được thăng bằng giữa hai lĩnh vực này để bảo tồn giá trị đời sống nhân bản, đòi hỏi con người thời đại phải ngồi lại, nhìn thật sâu vào lòng mình, thành tâm thành ý chọn cho mình một hướng đi, đầy đủ nghị lực ý chí chuyển hóa bản thân, để thăng hoa đời sống vật chất cũng như đời sống tâm linh.

Đứng trước một bối cảnh lịch sử như thế, hơn bao giờ hết vấn đề đạo đức, vấn đề tâm linh, một cõi bình an trong mỗi chúng hữu tình là nhân tố hàng đầu để quyết định sự tồn sinh và nguồn hạnh phúc chân thật cho nhân loại. Trên ý nghĩa đó, thiền định của Phật giáo như một chiếc phao cứu vớt con người thời đại ra khỏi đại dương của si mê, tham vọng, khát ái.

Cốt lõi của thiền chính là làm cho tâm lặng. Tâm có lặng thì trí mới sáng, con người mới làm chủ được mình. Làm chủ được mình mới làm chủ được hoàn cảnh, hướng cuộc sống cộng đồng đến chân thiện mỹ. Hơn nữa, làm chủ được mình là người tự chiến thắng mình. Và tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất của người chiến sĩ trên trận mạc tâm linh. Đồng thời có làm chủ được mình mới nắm vững cơ chế vận hành của nghiệp, biết rõ đường đi lối về của cái vòng sanh lão bệnh tử, nhân quả luân hồi… và làm chủ luôn cả cơ chế vận hành ấy. Đó là lý do vì sao đức Phật đã thiền định suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ-đề. Đến khi sao mai vừa mọc, thực tướng của vạn pháp bừng sáng trước con mắt trí tuệ của đấng giác ngộ. Thế Tôn đã thức tỉnh và choàng dậy sau giấc trường mộng vô minh. Chẳng những Ngài hoàn toàn giải thoát mà còn có khả năng truyền bá giáo lý mình đã chứng ngộ, độ tận chúng hữu tình hữu duyên.

Chúng ta biết rằng không có vị thầy nào dạy đức Phật một phương pháp tu học để đạt đến giác ngộ viên mãn, chỉ có sự nỗ lực thiền định triệt để mà Ngài thành tựu được trí tuệ trực giác, chấm dứt dòng sanh tử luân hồi từ vô lượng kiếp. Đêm tối đã tan và ánh sáng đã đến. Một trong những Phật ngôn đầu tiên ngay sau khi Phật thành đạo là:

“Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả thật là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.” (Trích A Hàm)

Chúng ta cũng từng đi lang thang bất định trong nhiều kiếp sống quá khứ khổ đau phiền não, bởi vì chưa tìm ra người đã xây dựng cái nhà, tức thể xác này. Trong kiếp sống cuối cùng, giữa rừng thiêng cô liêu tịch mịch, lúc lặng sâu vào công phu thiền định, đức Phật khám phá ra anh thợ cất nhà. Đó là ái dục, một hoặc nghiệp luôn ngủ ngầm bên trong tất cả chúng sanh. Tìm ra anh thợ cất nhà tức là tận diệt ái dục. Cái sườn của căn nhà ấy là ô nhiễm tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, phóng dật v.v… Cây đòn dong chịu đựng cái sườn là vô minh, căn nguyên xuất phát của mọi dục vọng. Phá vỡ được cây đòn dong vô minh bằng trí tuệ tức là làm sập được căn nhà. Cái nhà đã được phá tan tành thì đạt đến vô sanh, Niết-bàn, giải thoát an vui vĩnh viễn.

Quả thực như vậy, lưới tham ái, mê vọng từ vô thủy kiếp đến nay của chúng sanh chỉ có ánh sáng trí tuệ như thật soi rọi vào mới có thể phá tan được. Con người vì hướng ngoại, vì tìm cầu, vì chạy theo vật chất mà luôn luôn khát khao tham ái, luôn luôn cầu bất đắc, luôn luôn không thấy đủ, cho nên luôn luôn khổ đau và tranh đấu. Những mâu thuẫn giữa người với người, giữa đảng phái với đảng phái, giữa quốc gia với quốc gia v.v… cũng từ đây mà ra. Khoa học kỹ thuật hiện đại, những khối ốc tinh tế nhạy bén gấp trăm nghìn lần những sợi tóc vi điện tử đã không giải quyết nổi những mâu thuẫn này, mà không chừng còn làm gây cấn hơn nữa.

Phật nói chỉ có dừng lại, thực sự biết dừng lại bằng con đường thiền định mới mong giải quyết được vấn đề. Làm sao để nhân loại sống trong ánh sáng của trí tuệ và dòng nước mát dịu của lòng bi mẫn, thật sự hiểu biết và thương yêu thì mới chấm dứt mầm mống đấu tranh và hận thù. Bởi vì con người tài giỏi đến đâu mà ác tâm thì thiên hạ nhất định sẽ chết hết khi họ nổi tham, nổi sân, nổi si. Điều này không cần nói, chúng ta cũng đã thấy quá rõ qua những hình ảnh Napoléon, Tần Thủy Hoàng, những đảng phái khủng bố đương thời. Cho nên nguồn an vui hạnh phúc miên viễn chỉ có thể có trong một tâm an định, thuần thiện, bi trí tròn đầy.

Một khi đã làm chủ được tâm thì dần dần con người yên định, bình lặng. Và như chúng ta cũng biết không phải thiền định chỉ là pháp hành dành riêng cho đấng Thế Tôn hay của các thiền sư mà đối với tất cả chúng ta, những con người đang chìm đắm trong sân hận, si mê vẫn có thể thực tập được, nếu không nói là rất cần thực tập thiền định. Vì chỉ có thiền định mới hóa giải những ô trược tồn động trong tâm, làm cho đầu óc con người bớt căng thẳng trước những bế tắc trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, luôn đổi thay luôn sanh diệt. Một ngày bôn ba dong ruổi với cuộc mưu sinh vất vả, con người chịu áp lực quá nặng nề để được sống còn. Vậy thì không thể dành ra được ít phút để buông thư tất cả, để hít sâu và thở sạch, để thân tâm hồi sinh sau những cuộc vật lộn đảo điên sao? Ở đây, người viết chỉ nêu ra thiển ý như thế thôi, phần suy nghĩ, chọn lựa và quyết định, chúng tôi hoàn toàn trân trọng ý riêng của mỗi bạn đồng hành.

Song đối với một tăng sĩ thì có thể nói thiền là toàn bộ cuộc sống. Một khi tâm an trú trong định tỉnh và chánh niệm thì chỗ nào cũng có thể thiền, cũng là thiền. Thiền sư Trúc Lâm, Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở Việt Nam đã nổi tiếng với bốn câu thơ sau cuối trong bài Cư Trần Lạc Đạo:

                    Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
                    Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,
                    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
                    Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Đây không phải là ngôn từ mà là sự thể nghiệm. Một sự thể nghiệm trải qua nhiều năm tháng ứng dụng chí thành chí thiết. Bất cứ mọi cử động thi vi nào cũng có thể là cơ duyên hội thiền, chứng thiền. Bởi vì thiền là tâm của Phật, mà tâm Phật thì luôn luôn có sẵn nơi mỗi chúng sanh, hiển hiện ra sáu căn như sáu đạo thần quang. Cho nên Thiền sư Huyền Giác nói trong Chứng Đạo Ca: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền. Nói nín động tịnh thảy an nhiên.” Một khi tâm bình thì thế giới bình, toàn bộ hoạt dụng thường nhật là diệu dụng tự do tự tại của một hành giả thâm đạt mạch sống thiền. Rõ ràng thiền định là con đường tất yếu từ chư Phật, chư Tổ cho đến các hành giả sau này, đạt đến giác ngộ giải thoát và có được nguồn an vui chân thật miên viễn.

Chúng ta tự hào vì được là con cháu của chư Tổ. Đặc biệt thiền sư Việt Nam đã tu chứng và thâm đạt lý thiền một cách sâu sắc, triệt để, tới nơi tới chốn. Hai thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc trường để lại nhục thân cho đời là những khối xá lợi rực rỡ, làm sáng mãi ngọn đuốc thiền tông quê nhà. Đồng thời cũng nói lên nguồn năng lực phi thường tiềm ẩn trong những con người rất đỗi bình thường, nhưng lúc nào cũng hết lòng với công phu thiền định. Vì thế cần phải biết tinh túy của thiền được phát huy trong cuộc sống của mỗi hành giả hành thiền. Niềm tin và ánh sáng thiền chỉ có được từ sự thực tập và thân chứng. Rất chân thành, rất chí thiết!

Nghiệm lại lịch sử, từ đức Giáo chủ Thích Ca cho đến lịch đại chư vị Tổ sư, các Ngài đều nhờ tu thiền mà thành Phật thành Tổ. Chúng ta ngày nay là hàng đệ tử, thì không có lý do gì mà không đi theo dấu vết tiền nhân để tìm lại sự an lạc miên viễn cho mình. Đồng thời giúp các bạn đồng hạnh đồng hành có một con đường, chọn một hướng đi, thẳng lên bảo tòa Như Lai, thật sự tìm về bến bờ yên vui.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]