headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CƯU-MA-LA-THẬP

 Thiền Viện Chơn Không  

I. TIỂU SỬ

Cưu-ma-la-thập-ba (344-413), gọi tắt là La-thập, hoặc Thập, Hán dịch là Đồng Thọ, là vị cao tăng đời Đông Tấn. Ngài là một trong bốn nhà dịch kinh lớn của Trung Quốc. Cha là Cưu-ma-la-viêm, người nước Quy Tư, từ Thiên Trúc di cư sang. Quốc vương nước Quy Tư nghe danh kính mộ mà tôn làm Quốc sư, rồi đem người em gái tên Kỳ-bà gả cho. Sau sanh ra Ngài. Như vậy tên Cưu-ma-la-thập là do hợp tên cha và mẹ mà thành.

Năm 7 tuổi, Ngài theo mẹ đi xuất gia rồi học các luận Tỳ Đàm, Lục Túc và tìm học thêm kinh luận ngoại đạo. Lúc bấy giờ có ngài Tu-da-lợi-tô-ma rất thông kinh điển Đại thừa, Ngài kính trọng tôn thờ làm thầy và theo thọ học nghiên cứu Đại thừa. Ngài đọc tụng Trung Luận, Bách Luận v.v... Chưa bao lâu, đạo đức của Ngài lan đến Tây Vực, tiếng tăm vang khắp Đông Độ.

Đến đời Hậu Tần, niên hiệu Hoằng Thỉ thứ 3 (401) vua Tần là Diêu Hưng sai sứ nghinh đón Ngài về kinh đô (Trường An) tiếp đãi và tôn làm Quốc sư, sắp đặt cho Ngài ở lầu Tây Minh và vườn Tiêu Dao để dịch kinh. Lúc bấy giờ hàng Sa-môn nghĩa học ở mười phương vân tập theo học với Ngài đến 3000 vị. Trong đó có những vị nổi tiếng như Đạo Sinh, Tăng Triệu, Đạo Dung, Tăng Duệ, Đạo Hằng, Tăng Ảnh, Tuệ Quán, Tuệ Nghiêm, là 8 vị tài năng trong pháp hội của Ngài. Đạo Sinh, Tăng Triệu, Đạo Dung, Tăng Duệ là 4 vị thánh trong môn hạ của Ngài. Cộng thêm Đàm Ảnh, Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, Tăng Lược, Đạo Thường, Đạo Tiêu là 10 vị đệ tử thông minh trí tuệ. Mỗi vị đều có trước tác và phiên dịch.

Đến niên hiệu Hoằng Thỉ thứ 11 (409), Ngài thị tịch ở Trường An Đại Tự, thọ 70 tuổi. (Theo Cao Tăng Dị Truyện, Ngài tịch vào năm thứ 15 (413) niên hiệu Hoằng Thỉ, Hậu Tần).

Theo lời nguyện của Ngài, nếu những bản kinh luật hay luận đã dịch ra, nghĩa lý chẳng lầm, khế hợp với tâm Phật thì sau khi tịch Ngài để lại cái lưỡi. Quả đúng như lời nguyện, sau khi thị tịch, hỏa táng thân xong lưỡi Ngài vẫn còn nguyên vẹn.

II. CÁC TÁC PHẨM DỊCH THUẬT CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THIỀN HỌC.

Các kinh, luật, luận mà Cư-ma-la-thập phiên dịch gồm có : Đại Phẩm Bát Nhã Kinh, Tọa Thiền Tam Muội Kinh, Đại Trí Độ Luận, Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận, Thành Thật Luận v.v... Hiện còn 52 bộ, 302 quyển.
Những dịch phẩm của Ngài như Đại Phẩm Bát Nhã Kinh, Pháp Hoa Kinh, Duy Ma Cật Kinh, Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận … là những dịch phẩm có ảnh hưởng sâu sắc đến thiền học Đại thừa.

Căn cứ bộ Xuất Tam Tạng Ký Tập thì Thiền Pháp Yếu Giải có 2 quyển, hoặc Thiền Yếu Kinh, Thiền Kinh có 3 quyển (Một tên khác là Bồ Tát Thiền Pháp Kinh, cùng với Tọa Thiền Tam Muội Kinh đồng), Thiền Pháp Yếu 3 quyển.

Căn cứ theo Lịch Đại Tam Bảo Ký quyển 8, còn có Thiền Bí Yếu Kinh 3 quyển, Tư Duy Yếu Lược Pháp Kinh 1 quyển. Những bộ này được Ngài trực tiếp dịch ra để hoằng truyền diễn giải kinh điển thiền học. Có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự xuất hiện và truyền bá thiền pháp.

Ngài La-thập hoằng xướng Không tông, là mầm mống hưng khởi Thiền tông Đại thừa sau này. Thiền kinh mà Ngài đã dịch, là nền tảng vững chắc để thiền học hưng khởi.

III. THIỀN PHÁP CỦA CƯU-MA-LA-THẬP

Theo Xuất Tam Tạng Ký Tập quyển 9, bài tựa Quan Trung Xuất Thiền Kinh của Tăng Duệ soạn, có ghi :

Thiền pháp là cửa ban đầu tiến đến đạo, là con đường thẳng tắt đạt đến niết bàn. Ở Trung Quốc đã nêu ra con đường tu hành, như Đại Tiểu Thập Nhị Môn, Đại Tiểu An Ban. Tuy nhiên việc này chưa có gốc gác, chưa có chỗ thọ pháp, giới của người học đại khái là thiếu sót. Pháp sư Cưu-ma-la-thập từ Cô Tạng (Lương Châu) đến Trường An vào ngày 20 tháng 12 năm Tân Sửu. Ngày 26 tháng này, tôi theo Ngài thọ nhận thiền pháp.

Sau khi thọ pháp mới biết việc học phải có chuẩn mực, pháp phải có điều lệ v.v… Nhờ đó, tôi mới tìm tòi sao chép yếu chỉ thiền học của các nhà được 3 quyển …

Hễ buông lung tâm tưởng thì tình càng trệ mà ‘hoặc’ càng sâu. Buộc ý rõ niệm thì cái thấy lặng lẽ chiếu soi mà tột được chỗ sâu kín. Bởi tâm như nước và lửa. Hễ hướng tâm thì tụ lại, dụng của nó đầy đủ. Ly tâm thì tan ra, thế lực của nó yếu đi. Nên trong luận nói “Thể chất nhẹ thì thế lực mạnh. Thể chất nặng thì thế lực yếu”. Như tính đất nặng nên thế lực không bằng nước. Tính nước nặng nên sức không bằng lửa. Lửa không bằng gió. Gió không bằng tâm. Vì tâm không hình tướng nên sức mạnh hơn hết, thần thông biến hóa, có tám thứ không thể nghĩ bàn (1), là lực của tâm. Tâm lực khi hoàn bị thì có khả năng chuyển tối về sáng. Sáng dù vượt hơn tối mà sáng vẫn chưa hoàn bị. Cái sáng hoàn bị ở chỗ không (tác ý để) chiếu soi. Sự chiếu soi mất, sau đó tất cả mới đều sáng. Tất cả đều sáng thì hầu như thôi dứt hết. Thôi dứt hết là công của trí tuệ. Nên kinh nói, không thiền cũng không trí, không trí lại không thiền. Thế thì, thiền không phải trí thì không thể chiếu soi. Trí không thì thiền cũng không thành. Lớn thay cho sự nghiệp thiền trí, há có thể không tu tập ư ?

Trong phần văn tựa trên, sư Tăng Duệ giới thiệu rõ về quá trình lãnh thọ thiền pháp với ngài Cưu-ma-la-thập. Sư đã thể hội được tính trọng yếu của thiền quán Phật giáo.

------------------------------------------------------------------
(1)
Biển lớn dụ cho Niết Bàn có 8 thứ không thể nghĩ bàn. Đó là: 1. Dần dần chuyển thành sâu, 2. Sâu thẳâm khó dò đến tận đáy, 3. Cùng một vị mặn, 4. Mực nước không vượt quá bờ , 5. Chứa nhiều kho báu, 6. Nơi cư trú của chúng sanh thân to lớn , 7. Chẳng dung thây chết, 8. Nước của muôn sông và nước mưa lớn đổ vào cũng không tăng giảm.



Tài liệu tham khảo :
- Trung Quốc Thiền tông đại toàn.
- Từ điển Đinh Phúc Bảo.



 

[ Quay lại ]