Tỉnh giấc
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 25 Tháng tư 2008 08:58
- Viết bởi nguyen
Cư Sĩ Nguyên Thanh (Lê Thị Sinh)
Được nghỉ ba ngày, tôi thu xếp công việc, quyết định dùng hết thời gian đợt nghỉ cho việc chùa chiền. Giải tỏa tâm hồn sau những ngày mệt mỏi căng thẳng.
15 giờ 45, xe lăn bánh đưa tôi về dốc 47 Long Thành. Đường vào thiền viện Hiện Quang khúc khuỷu quanh co, thỉnh thoảng lại đệm ổ gà. Bạch đàn, cao su rầm rì cao vút. Lâu lâu loáng thoáng một mái nhà tranh, khiến chốn rừng sâu càng thêm u tịch.
Xuống xe, trời đã xế chiều. Thầy mời mọi người vào liêu uống nước. Tôi thoáng lặng người khi nghe tiếng trống tiếng kinh. Trong khoảng không gian tịch mịch của chốn rừng chiều, tiếng chuông như trầm như bỗng vang xa. Tâm thức con người không khỏi lỗi nhịp đời thường, quay về với chốn rừng thiêng tịch mịch, hưởng chút an ổn dưới đấng Từ bi cao cả.
Đêm đã buông, chờ hoài không thấy sáng …
Tiếng chuông chiều qua trở lại ngân vang, báo hiệu trời đã gần sáng. Đời sống sinh hoạt ngày thường ở một thiền viện bắt đầu.
Thiền viện trước đây vốn là một am thất nhỏ bằng tôn. Ông Nguyễn Văn Tăng cúng đất. Bác sĩ Phương Hạnh xây dựng một ngôi miếu nhỏ và mang toàn bộ hiến cúng Hòa thượng Thanh Từ. Trải qua một đời trụ trì, khi thầy về đây, chùa vẫn là am thất nhỏ, chung quanh đất trống khô cằn. Điện không có. Nước không thông. Ánh sáng duy nhất ở đây là ngọn đèn dầu. Không đủ soi sáng bóng tối thiền môn. Không đủ sưởi ấm cái rét cho Chúng. Cái rét như cắm vào xương vào thịt. Sương rơi lạnh căm, cảnh vật im lìm!
Chánh điện giờ đã xây dựng. Tăng đường, nhà ăn v.v… mọi thứ đổi khác. Vườn cây sau chùa giờ đã xum xoe. Cái nếp lao động tôi đang thấy đây - từ già chí trẻ, từ quan đến quân, lao động thành tâm cật lực - giải thích vì sao chỉ qua sáu mùa lá rụng, không thiếu thử thách thăng trầm, Hiện Quang ngày càng sừng sững giữa chốn rừng u tịch tĩnh.
Một tăng tâm sự “Tụi con ở đây là dân tứ xứ. Có đứa cha mẹ tới chùa xin tu. Có đứa theo về khi thầy đi giảng ở các tỉnh xa. Đứa chỉ lên 3, đứa thì 11, 12 …”. Tôi thấy có khoảng 10 chú, từ ba đến sáu, chú đang nghịch, chú thì phụ việc. Vừa phụ vừa nghịch, hồn nhiên vô tư trong bộ quần áo lấm bẩn.
Tăng nhỏ kể tiếp “Có lần tụi con học về. Hôm ấy mưa to, tụi con đạp xe ngược gió muốn chết. Thầy sợ có chuyện, lấy xe đi rước tụi con. Gởi được xe đạp chở tụi con về, ai dè mới đi một đoạn, xe lại chết máy … Thầy trò dắt bộ dầm mưa cùng về”. Một chút thân thương nghĩa tình trong giọng của chú tăng nhỏ không khỏi khiến mình nghĩ đến tấm lòng của chư Bồ tát. Gánh bớt phần nào cái khó cái khổ, những nổi bất hạnh cho đời. Ươm tươi mầm xanh hy vọng cho một xã hội tương lai. Việc làm thiết thực, khiến những câu dạy của thầy như cục nam châm bám chặt trong trí trẻ nhỏ “Phải biết an phận tu hành. Tâm bủn xỉn tham lam là tâm bó buộc, khiến ta bị đóng khung cứng cắt trong tham vọng si mê”.
Tôi thả người men theo con dốc xuống tận bờ suối. Dân đây gọi là sông Buông. Có lẽ, buông cho trôi mọi tập tục thế gian. Nhìn lên đầu nguồn, chỉ thấy sương mai lấp lánh. Nguồn suối xa tít mù khơi. Những mảnh cỏ dại theo dòng bấp bênh như một kiếp người trôi theo dòng ái. Càng đi càng xa. Càng đi càng ngược cội. Muốn trở về được cội nguồn chân thật của mình, Tăng nhân phải lội ngược dòng như lội ngược dòng sông Buông trở về cội sông. Rùng mình! Biết bao khó khăn! Không vững chí không xong. Chỉ cần một chút xảy chân, lại theo dòng đời trôi xuôi như đám cỏ dại bị cuốn phăng đi ...
Tre xanh bưởi xanh phủ kín um tùm. Sứ trắng tinh khiết thơm nồng pha lẫn mùi thơm hoa bưởi ngạt ngào. Những nhánh mai vàng đang rực đơm bông. Màu vàng tượng trưng cho sự thanh tịnh giải thoát. Không khí trong lành bình yên giải thoát khiến tôi như được tẩy sạch bụi trần qua mấy ngày nghỉ.
Ngày nghỉ rồi cũng qua đi. Tôi phải trở về làm việc. Hình ảnh sông Buông – như sự buông bỏ - thôi thúc mãnh liệt trong tôi. Hình ảnh thanh cao của khóm tre già và sự đức độ nơi mỗi vị thầy, khiến tôi suy nghĩ “Vì sao mình phải lu bu tất bật, toan tính rồi lại kêu khổ? Vì sao mong hết cái này lại đến cái kia, vẫn không hài lòng? Sao cứ chạy theo những cái không thật trong đời?”. Và nhận ra rằng : Cuộc đời tôi đang sống đây, không có thứ gì vĩnh cửu. Có đó mất đó. Đủ duyên thì hợp. Hết duyên lại tan. Tôi và các bạn, một lúc nào đó cũng thay một chiếc áo mới, du lịch qua chỗ người đời vẫn gọi “thế giới bên kia”. Đem theo được gì ngoài thứ mình đã gây tạo trong đời? Cũng còn chưa biết mình sẽ về đâu và đến từ đâu.